Viết bài làm văn số 3: Nghị luận văn học

Xuất bản: 25/07/2019 - Tác giả:

Xem hướng dẫn soạn bài Viết bài làm văn số 3 - Nghị luận văn học, gợi ý trả lời câu hỏi trang 92 sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 11 tập 1.

Sau khi tham khảo xong bài soạn Viết bài làm văn số 3: Nghị luận văn học, Đọc Tài Liệu hi vọng rằng các em sẽ có những kiến thức, kĩ năng vận dụng các thao tác lập luận phân tích và so sánh để viết được một bài văn nghị luận văn học hay.

A- Hướng dẫn chung

- Thao tác lập luận phân tích:

+ Mục đích của phân tích là làm rõ đặc điểm về nội dung, hình thức, cấu trúc và các mối quan hệ bên trong, bên ngoài của đối tượng (sự vật, hiện tượng).

+ Khi phân tích cần chia tách đối tượng thành nhiều yếu tố theo những tiêu chí, quan hệ nhất định.

+ Phân tích cần đi sâu vào từng yếu tố, từng khía cạnh, song cần đặc biệt lưu ý đến quan hệ giữa chúng với nhau trong một chỉnh thể toàn vẹn, thống nhất.

- Thao tác lập luận so sánh

+ Mục đích của so sánh là làm sáng rõ đối tượng đang nghiên cứu trong tương quan với đối tượng khác. So sánh đúng làm cho bài văn nghị luận sáng rõ, cụ thể, sinh động và có sức thuyết phục

+ Khi so sánh, phải đặt đối tượng vào cùng một bình diện, đánh giá trên cùng một tiêu chí mới thấy được sự giống nhau và khác nhau giữa chúng đồng thời phải nêu rõ ý kiến, quan điểm của người nói (người viết)

- Đọc lại các văn bản đã học, hệ thống hóa những kiến thức đã tiếp nhận từ các bài học để làm bài.

B- Hướng dẫn làm một số đề bài gợi ý Viết bài làm văn số 3: Nghị luận văn học

Đề số 1:  So sánh tài sắc của Thuý Vân và Thuý Kiều được thể hiện qua đoạn trích. (xem SGK - trang 92)

Về nội dung, bài viết cần đảm bảo những ý cơ bản sau:

- Giới thiệu khái quát:

+ Đoạn trích được trích từ kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Cả đoạn trích đã gợi tả vẻ đẹp của hai trang tuyệt thế giai nhân, hai cô con gái nhà họ Vương: Thúy Kiều và Thúy Vân. Với tài năng của mình, Nguyễn Du đã khắc họa rõ nét vẻ đẹp của từng người bằng bút pháp ước lệ tượng trưng.

- Phân tích vẻ đẹp Thúy Vân

Vân xem trang trọng khác vời,

Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang

Hoa cười ngọc thốt đoan trang

Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.

+ Thúy Vân được tác giả đặc tả chủ yếu về nhan sắc, một con người phúc hậu đoan trang. Nàng có vẻ đẹp: "Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang". Nụ cười của Vân tươi tắn như hoa, tiếng nói trong như ngọc, tóc mềm, bóng mượt đến nỗi "mây thua". Làn da trắng mịn khiến cho tuyết phải nhường.

+ Thủ pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa tài tình của Nguyễn Du đã làm cho bức chân dung nhân vật cứ hiện dần ra. Từ khuôn mặt, nét ngài, tiếng cười, giọng nói, mái tóc, làn da đều được tác giả so sánh cùng thiên nhiên, trăng hoa, ngọc, mây, tuyết,... Có thể thấy, vẻ đẹp của Vân là vẻ đẹp cao sang, quý phái, vẻ đẹp gần gũi với thiên nhiên.

+ Qua đó, nhà thơ ngầm dự báo cuộc sống của Thúy Vân sẽ bình lặng, êm ả.

- Phân tích vẻ đẹp Thúy Kiều

+ Vẻ đẹp của Thúy Kiều được đặc tả trong 12 câu, đó là dụng ý nghệ thuật của Nguyễn Du. Nếu vẻ đẹp của Vân là hoàn hảo thì vẻ đẹp của Kiều còn vượt lên trên cái hoàn hảo ấy.

Kiều càng sắc sảo mặn mà

So bề tài sắc lại là phần hơn

+ Vẻ đẹp của Kiều vượt lên trên vẻ đẹp của Thúy Vân cả về mặt trí tuệ (sắc sảo) và tâm hàn (mặn mà).

  • Về nhan sắc: Nhà thơ đặc tả đôi mắt của nàng trong như làn nước mùa thu, lông mày thanh tú như dáng vẻ, nét núi mùa xuân. Vẻ đẹp của môi hồng, má thắm khiến cho "hoa ghen”, nước da trắng xinh làm cho liễu phải "hờn". Kiều mang vẻ đẹp của một trang tuyệt thế giai nhân khó có ai sánh bằng. Nghệ thuật so sánh, ẩn dụ kết hợp với nghệ thuật tiểu đối khiến cho tính chất đối kị giữa vẻ đẹp của Kiều với thiên nhiên tăng gấp bội.
  • Về tài năng Kiều không chỉ có sắc mà còn là một cô gái thông minh, tài hoa. Nàng có tài thơ, họa, đàn tài nào cũng siêu tuyệt.
  • Các từ ngữ ghen, hờn, đòi một, họa hại, vốn sẵn, ăn đứt, bạc mệnh, não nhân, tạo nên hệ thống ngôn ngữ vừa cực tả tài sắc vừa hé lộ dự báo số phận bạc mệnh của Kiều, như chính Nguyễn Du đã có lần xót xa

“Chữ tài liền với chữ tai một vần”

Hay như ca dao đã từng lưu truyền:

"Một vừa hai phải ai ơi.

Tài tình chi lắm cho trời đất ghen".

Dàn ý chi tiết:

1. Mở bài:

- Giới thiệu đoạn trích

- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật

- Khái quát nội dung đoạn trích

2. Thân bài:

- Giới thiệu hai chị em => đều đẹp: “tố nga”, “mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”

- Phân tích vẻ đẹp của Thúy Vân: 4 câu tả Thúy Vân

+ Vẻ đẹp đoan trang, phúc hậu.

+ Vẻ đẹp của sự hài hòa và dung hòa được với "xung quanh"

- Vẻ đẹp của Kiều: 12 câu tả Kiều

+ Thúy Kiều lại được tả là "sắc sảo mặn mà” hơn hẳn Thủy Vân => Đó là nghệ thuật đòn bẩy

+ Vẻ đẹp lộng lẫy sắc nước hương trời đến hoa phải ghen, liễu phải hờn

+ Thúy Kiều chẳng những rất đẹp mà còn thông minh và tài hoa nữa: giỏi thơ, ca, nhạc hoạ…

+ Dự cảm về số mệnh: “bạc mệnh”

- Nghệ thuật: ước lệ, tượng trung, điển cổ để miêu tả, làm nổi bật vẻ đẹp của hai chị em

3. Kết bài

- Khẳng định lại vẻ đẹp của hai chị em

- Trân trọng đề cao vẻ đẹp con người, vẻ đẹp hoàn thiện, hoàn mỹ của hai chị em Kiều => cảm hứng nhân đạo.

Đề số 2: "Nguyễn Khuyến và Tú Xương có nỗi niềm tâm sự giống nhau nhưng giọng thơ lại có điểm khác nhau". Anh (chị) hãy làm rõ ý kiến trên.

Dàn bài tham khảo:

1. Mở bài:

– Giới thiệu về hai nhà thơ

– Giọng thơ của hai ông có những điểm khác nhau.

2. Thân bài:

a) Hoàn cảnh của hai nhà thơ:

b) Nỗi niềm tâm sự của hai ông

– Hoàn cảnh xã hội: xã hội thực dân nửa phong kiến, đầy rẫy bất công => tác động đến tư tưởng trong những sáng tác của hai ông

– Những nỗi niềm tâm sự chung:

+ Yêu nước, tâm sự thời thế.

Nguyễn Khuyến với bức tranh phong cảnh mùa thu qua bài thơ “Thu điếu” , Tú Xương đã lên tiếng chất vấn họ trong bài thơ Vịnh khoa thi Hương

+ Tình cảm bạn bè và gia đình.

+ Đau xót trước cảnh lầm than của người dân, trước những điều nhố nhăng của xã hội đương thời.

+ Tố cáo, đả kích những thói hư tật xấu trong xã hội.

=> Tâm hồn tha thiết với đời, với cuộc sống, với nhân dân

=> Căm ghét xã hội thực dân nửa phong kiến nhố nhăng, đầy rẫy cảnh bất công.

+ Ca ngợi hình ảnh người phụ nữ: Nguyễn Khuyến có bài “Mẹ Mốc” còn Tú Xương có bài “Thương Vợ

c. Sự khác nhau giữa giọng thơ của Nguyễn Khuyến và Tú Xương

- Nguyễn Khuyến – nhà nho chuẩn mực

+ Giọng thơ trữ tình nhẹ nhàng, ý nhị, tinh tế, mộc mạc, khi thì đằm thắm, khi thì đau xót (Thu Điếu)

+ Giọng điệu tự trào, thâm trầm mà kín đáo, hết sức thâm thúy (Tự Trào)

- Tú Xương - nhà nho thị dân

+ Tiếng cười trào phúng của Tú Xương là tiếng cười suồng sã, chua cay, dữ dội. (Vịnh khoa thi Hương)

+ Mảng thơ trữ tình

d) Nguyên nhân có sự khác nhau

3. Kết bài:

- Khẳng định lại những đóng góp to lớn mà hai tác giả mang đến cho nền văn học Việt Nam

-Tấm lòng chung của hai nhà thơ.

Đề số 3:  Vẻ đẹp của hình tượng người nông dân trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu.

Gợi ý:

Tham khảo dàn ý sau đây:

1. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Khái quát nội dung

- Đưa ra vấn đề nghị luận: vẻ đẹp của hình tượng người nông dân nghĩa sĩ

2. Thân bài:

Các ý chính cần triển khai:

* Nguồn gốc: Người nông dân nghĩa sĩ là những người nông dân nghèo khổ, hiền lành, chất phác

* Những chuyển biến về tư tưởng, tình cảm với người nông dân:

- Chiến đấu dũng cảm: đốt xong, chém rớt, đạp rào, xô cửa, đâm ngang, chém ngược..  => Khí thế tấn công như vũ bão, làm tăng vẻ đẹp tráng ca, hiên ngang, bất khuất, kiên cường, đẹp trong tư thế ngẩng cao đầu, tay cầm vũ khí.

- Vẻ đẹp hào hùng của người nông dân nghĩa sĩ:

+ Mộc mạc giản dị

+ Rất mực nghĩa khí và với tinh thần xả thân cứu nước hết sức quả cảm

- Niềm tiếc thương, đau xót cùng thái độ cảm phục của tác giả và nhân dân đối với người nghĩa sĩ.

3. Kết bài:

- Họ đã thành những con người mang hình ảnh bất tử hóa

- Tinh thần chiến đấu của người nghĩa binh nông dân là tấm lòng yêu nước nghìn đời đáng ghi nhớ và học tập.

Dàn ý chi tiết, những ý cơ bản cần đạt được:

1. Mở bài:

- Trong những năm tháng đau thương của tổ quốc dưới ách thống trị của thực dân Pháp, máu xương dân tộc đã đổ nhiều cho sự nghiệp bảo vệ nền độc lập tự do.

- Văn chương viết nhiều về những tấm gương anh hùng ấy.

- Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là một trong những áng văn tiêu biểu và xuất sắc bậc nhất.

2. Thân bài:

a) Ấn tượng hoành tráng của bức chân dung tượng đài nghĩa sĩ.

- Tiếng than đau đớn (Súng giặc đất rền, lòng dân trời tỏ)

- Hình ảnh không gian rộng lớn (đất, trời).

- Từ ngữ biểu thị trạng thái động, thể hiện sự khuếch tán của âm thanh và ánh sáng (rền, tỏ).

- Nghệ thuật đối lập, tạo ra ấn tượng hoành tráng.

b) Nguồn gốc xuất thân của người nghĩa sĩ:

- Người nghĩa sĩ vốn là nông dân, cả đời gắn bó với mảnh ruộng, với những công việc thường nhật: việc cuốc việc cày, việc bừa, việc cấy tay vốn quen làm.

- Họ hoàn toàn xa lạ với việc nhà binh như tập khiên, tập mác, tập súng, tập cờ. Sự đối lập hiện ra qua kết cấu câu văn: chưa quen.... đâu tới... chỉ biết, tay vốn quen làm.... mắt chưa từng ngó, càng nhấn mạnh nguồn gốc nông dân thuần tuý của họ.

- Tấm lòng yêu thương, cảm thông của nhà văn đọng lại ở hai chữ cui cút. Đó là hình ảnh của những người nông dân ngàn đời quẩn quanh với luỹ tre làng, âm thầm và lặng lẽ trên mảnh ruộng của mình.

c) Những chuyển biến về tư tưởng tình cảm của người nông dân.

- Đất nước có giặc ngoại xâm. Lòng căm thù trong người nông dân thức dậy mạnh mẽ và quyết liệt: “Bữa thấy bòng bong che trắng lốp muốn tới ăn gan, ngày xem ống khói chạy đen sì muốn ra cắn cổ".

- Vẫn theo truyền thống, người nông dân chờ đợi ở triều đình: "trông tin quan như trời hạn trông mưa".

- Chuyển biến lớn lao về tư tưởng đã diễn ra trong người nông dân:

+ Về một đất nước thống nhất (mối xa thư đồ sộ).

+ Về trách nhiệm của bản thân (há để ai chém rắn đuổi hươu).

+ Họ tự nguyện sung vào đội quân chiến đấu ("ra sức đoạn kình", "dốc ra tay bộ hổ").

d) Vẻ đẹp hùng tráng của người nghĩa sĩ trên chiến trận.

- Đạn nhỏ, đạn to, tàu sắt tàu đồng súng nổ cũng không mảy may cản bước chân chiến đấu của họ

- Họ chỉ có những vật dụng hằng ngày gắn bó với cuộc sống lao động làm vũ khí. Họ xung trận bằng manh áo vải, bằng ngọn tầm vông, bằng rơm con cúi, lưỡi dao phay, và bằng cả ngọn lửa tinh thần căm thù giặc.

- Họ chém rớt đầu quan hai Pháp, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không làm thất điên bát đảo quân thù (mã tà ma ní hồn kinh).

d) Sự hy sinh anh dũng và niềm khóc thương của nhân dân, đất nước dành cho nghĩa sĩ.

- Cảnh tang tóc trùm lên núi sông Cần Giuộc, chợ Trương Bình.

- Những câu hỏi “vì ai" không chỉ lên án quân xâm lược mà còn nghĩ đến số trời, vận nước, sự suy tàn của chế độ phong kiến.

- Nỗi đau sâu xa: các nghĩa sĩ đã hy sinh mà vận nước vẫn chưa được giải quyết.

3. Kết bài:

- Tác phẩm là áng hùng văn ca ngợi những anh hùng liệt sĩ dũng cảm vì đất nước quên mình.

- Khẳng định sức mạnh và tinh thần bất khuất của những người dân Việt hiền lành, nhân hậu.

- Những tấm gương nghĩa sĩ ấy sẽ không bao giờ chết trong lòng dân tộc.

>> Tham khảo thêm top 5 bài văn mẫu phân tích Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu

Đề số 4:  Những cảm nhận sâu sắc của anh (chị) qua tìm hiểu cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu.

Gợi ý:

Có thể bám sát những luận điểm chính sau đây:

1. Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu:

- Khái quát qua cuộc đời của ông => tấm lòng thủy chung, son sắt với nước, với dân cho đến hơi thở cuối cùng.

2. Nội dung thơ văn Nguyễn Đình Chiểu

* Lí tưởng đạo đức, nhân nghĩa

- Nhân: lòng yêu thương con người, sẵn sàng cưu mang con người trong cơn hoạn nạn.

- Mang tinh thần nhân nghĩa của đạo Nho nhưng đậm đà tính nhân dân và truyền thống dân tộc.

- Những nhân vật lí tưởng: con người sống nhân hậu, thủy chung, biết giữ gìn nhân cách ngay thẳng, dám đấu tranh và có đủ sức mạnh để chiến thắng những thế lực bạo tàn, cứu nhân độ thế.

*  Lòng yêu nước, thương dân

- Ghi lại chân thực thời kì đau thương của đất nước, khích lệ lòng căm thù quân giặc, nhiệt liệt biểu dương những người anh hùng nghĩa sĩ hi sinh vì Tổ Quốc.

- Tố cáo tội ác của kẻ thù, lên án những kẻ bán nước, cầu vinh.

- Ca ngợi những sĩ phu yêu nước

- Giữ niềm tin vào ngày mai

- Bất khuất trước kẻ thù

=> Khích lệ lòng yêu nước và ý chí cứu nước của nhân dân ta.

* Nghệ thuật thơ văn

- Bút pháp trữ tình, xuất phát từ cõi tâm trong sáng, nhiệt thành.

- Đậm đà sắc thái Nam Bộ: lời ăn tiếng nói mộc mạc, giản dị, lối thơ thiên về kể.

   Các em cũng có thể lựa chọn bổ sung thêm vào bài viết những ý chính sau về cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu:

- Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương sáng đại diện cho những người con ưu tú của dân tộc, yêu nước thương nòi, quyết không đội trời chung với kẻ thù trong những năm tháng đất nước bị kẻ thù xâm lược.

- Xuất thân là một nhà nho, lấy nghiệp bút nghiên làm kế tiến thân hòng mang trí tuệ, đạo đức ra giúp đời giúp nước, cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu là sự vận động, sự tranh đấu không ngừng để học tập và mong được đóng góp nhiều hơn cho tổ quốc.

- Khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta và đặc biệt là khi chúng tấn công vào thành Gia Định rồi mở rộng ra lục tỉnh, Nguyễn Đình Chiểu chủ trương bất hợp tác với giặc và liên tục di cư về miền tự do.

- Vốn bị mù lòa, nhưng thế giới tăm tối đó không ngăn được nhà thơ mù có cái nhìn vô cùng sáng suốt về cuộc đời. Tâm hồn ông cũng trong sáng như hành động và ước nguyện của ông. Ông yêu thương chân thành. Những câu văn trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc thấm đẫm nước mắt xót xa cho bao người dân yêu kính Tổ quốc, quyết giữ vững nền độc lập nước nhà đã đem máu xương, tính mạng mình điểm tô cho đất nước.

- Ông căm ghét quyết liệt. Đối tượng ông ghét là kẻ thù xâm lược, là vua chúa bán nước hại dân. Tiếng thơ ông là lời hiệu triệu lớn lao đối với mọi đối tượng, mọi người dân đứng lên bảo vệ nền độc lập của nước nhà.

- Trong cuộc chiến sống còn đó, hi sinh là tất yếu. Những nghĩa sĩ tuy rất yêu quý mạng sống, yêu quý cuộc đời, những nếu cần, họ sẵn sàng ngã xuống, không một chút do dự tiếc nuối. Thơ văn Đồ Chiểu, âm vang nhiều cung bậc giọng điệu, nhưng bao trùm lên tất cả vẫn là âm hưởng bi hùng mang tính anh hùng ca.

- Ông quan niệm thơ văn là vũ khí đấu tranh chống kẻ thù: "Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, / Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà" (Dương Từ - Hà Mậu). Thực tế sáng tác của ông đã chứng minh cho điều đó. Chạy giặc là lời tố cáo tội ác kẻ thù một cách cụ thể và đanh thép nhất. Đồng thời đó cũng là lời kêu gọi, động viên mọi người nhận thức được tội ác và đứng lên tranh đấu với kẻ thù.

- Hình ảnh người nghĩa sĩ trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc oai hùng, chất phác mà kì vĩ biết bao. Phải có tấm lòng đồng cảm và yêu thương con người lắm lắm thì mới có thể rút ruột ra những câu văn đầy đau xót mà kiêu hùng biết bao.

- Dân tộc Việt Nam sản sinh ra biết bao người con anh hùng, những người “làm nên đất nước”. Trong số đó, Nguyễn Đình Chiểu vẫn luôn là một vì sao sáng, tỏa chiếu tư tưởng nghĩa nhân và đức hạnh để nhiều thế hệ tiếp theo tiếp bước trên con đường của những anh hùng.

-/-

Với những gợi ý chi tiết để triển khai các đề bài mẫu của bài soạn Viết bài làm văn số 3: Nghị luận văn học trên đây, Đọc Tài Liệu hi vọng các bạn sẽ có thể tự hoàn thành bài văn nghị luận của mình đáp ứng tốt nhất yêu cầu đề bài. Chúc các bạn làm bài tốt và đạt điểm cao !

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM