Viết bài làm văn số 2: Nghị luận văn học

Xuất bản: 23/07/2019 - Cập nhật: 27/08/2019 - Tác giả:

Hướng dẫn soạn bài Viết bài làm văn số 2 lớp 11 - Nghị luận văn học, gợi ý làm các đề bài mẫu trang 53 sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 11 tập 1.

Nội dung chính của bài soạn Viết bài làm văn số 2 lớp 11: Nghị luận văn học bao gồm phần tổng hợp lại kiến thức lí thuyết về cách làm bài nghị luận văn học và phần hướng dẫn cụ thể cách làm một số đề bài gợi ý trong SGK trang 53.

Sau khi học xong bài học này, các em cần nắm chắc các kĩ năng làm bài văn nghị luận, viết được một bài nghị luận văn học về một tác phẩm đã học có sử dụng thao tác lập luận phân tích.

A- Nhắc lại kiến thức lí thuyết

1. Đọc lại văn bản và bài học ở phần Văn học để nắm được giá trị nội dung, nghệ thuật của những tác phẩm (đoạn trích) đã học từ tuần 1 đến tuần 5 (từ bài Vào phủ chúa Trịnh đến Bài ca phong cảnh Hương Sơn).

2. Ôn lại các bài: Phân tích đề, lập dàn ý bài văn nghị luận; Thao tác lập luận phân tích; Luyện tập thao tác lập luận phân tích.

3. Những yêu cầu cơ bản của một bài nghị luận văn học

- Căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể, ý đồ sáng tác của tác giả từ đó phân tích, làm sáng tỏ các tầng nội dung, ý nghĩa trong ngôn từ cũng như hình ảnh của văn bản.

- Bên cạnh việc phân tích, giảng giải, cần đưa ra những đánh giá, bình luận về các giá trị của tác phẩm, ý nghĩa của vấn đề, hay nhiều khi là các hình tượng, hình ảnh, lời hay ý đẹp trong tác phẩm.

- Bài văn cần có hệ thống luận điểm rõ ràng mạch lạc, những luận chứng, luận cứ cho luận điểm phải sinh động, dễ hiểu, đúng đắn, thuyết phục.

- Lời văn chuẩn xác, trong sáng, giọng văn hợp với vấn đề, với nội dung, ngôn từ diễn tả sát, đúng bản chất của đối tượng mà mình muốn hướng tới.

4. Các dạng đề nghị luận văn học

- Phân tích, cảm nhận về một bài thơ, đoạn thơ, một khía cạnh về nội dung hoặc nghệ thuật của bài thơ

- Nghị luận về một tình huống truyện

- Phân tích, cảm nhận về đoạn văn xuôi

- Phân tích, cảm nhận về  nhân vật hoặc chi tiết trong tác phẩm

- So sánh, đối chiếu: hai nhân vật, hai chi tiết, hai tư tưởng, hai đoạn thơ, hai bài thơ…

- Bình luận về một ý kiến bàn về văn học

- Nghị luận 2 vấn đề bàn về văn học

- Nghị luận về vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học

5. Cách làm một bài nghị luận văn học

- Cần nắm vững nội dung kiến thức tác phẩm.

- Đọc kỹ đề, gạch chân dưới những từ ngữ quan trọng trong đề.

- Xác định đề thuộc dạng nào: chứng minh một nhận định hay phân tích một hình tượng, một đoạn thơ, một bài thơ… hay so sánh đối chiếu giữa các tác phẩm với nhau?

- Lập dàn ý chi tiết cho đề bài

+ Mở bài: Giới thiệu thông tin cơ bản về tác giả, tác phẩm và nêu vấn đề cần nghị luận.

+ Thân bài:

  • Tiền đề phân tích: hoàn cảnh, xuất xứ của tác phẩm, giải thích các khái niệm hoặc nhận xét được nêu ra trong đề bài.
  • Phân tích: Xác lập được các luận điểm chính rồi từ đó dựa vào các thao tác: chứng minh, bình luận, phân tích, cảm nhận… để làm rõ luận điểm.
  • Để làm nổi bật lên sự đặc sắc, độc đáo của tác phẩm mình đang phân tích thì người viết cần so sánh tác phẩm đó với những tác phẩm cùng loại.

+ Kết bài: Tổng kết lại toàn bộ vấn đề đã trình bày ở phần thân bài từ đó rút ra kết luận.

B- Hướng dẫn soạn bài Viết bài làm văn số 2 lớp 11

Cùng Đọc tài liệu tham khảo gợi ý cách làm một số đề bài được cho em nhé:

Soạn bài viết số 2 lớp 11 Đề 1: Cảm nghĩ của em về giá trị hiện thực trong đoạn trích “Vào phủ chúa Trịnh” (Trích “Thượng kinh kí sự” của Lê Hữu Trác)

Gợi ý dàn bài:

a) Mở bài

- Giới thiệu khái quát về tác giả và đoạn trích.

- Đưa ra nhận xét chung về giá trị hiện thực của đoạn trích

b) Thân bài          

- Bức tranh hiện thực sinh động về cuộc sống xa hoa nơi phủ chúa:

+ Quang cảnh nơi phủ chúa hiện thực lên cực kì xa hoa, tráng lệ và không kém phần thâm nghiêm. Quang cảnh nói lên uy quyền tột bậc của nhà chú.

+ Cung cách sinh hoạt quyền quý đầy kiểu cách ở phủ chúa

+ Bức chân dung Trịnh Cán: vây quanh cậu bé bao nhiêu là vật dụng (gấm vóc lụa là, vàng, ngọc, sập, nến, đèn, hương hoa, màn trướng,…); người hầu hạ, cung tần, mĩ nữ đứng gần hoặc chực ở xa.

=> Bức tranh nơi phủ chúa: xa hoa lộng lẫy nhưng thiếu sinh khí

- Tâm trạng, suy nghĩ của tác giả khi vào phủ chữa bệnh cho Thế tử

- Thái độ và dự cảm của tác giả:

+ Thái độ coi thường danh lợi

+ Phê phán nhẹ nhàng mà thấm thía của tác giả

+ Đồng thời dự cảm được sự suy tàn đang tới gần của giai cấp thống trị Lê – Trịnh thế kỉ XVIII.

c) Kết bài:

- Khẳng định lại giá trị hiện thực mà tác giả nói lên trong đoạn trích.

- Ý kiến cá nhân

Văn mẫu tham khảo: Cảm nghĩ về đoạn trích Vào phủ Chúa Trịnh - Lê Hữu Trác

Soạn bài viết số 2 lớp 11 Đề 2: Qua các bài thơ Bánh trôi nước, Tự tình (bài II) của Hồ Xuân Hương và bài Thương vợ của Trần Tế Xương, anh (chị) hiểu những gì về người phụ nữ Việt Nam thời xưa.

Gợi ý cách làm:

a. Mở bài:

- Giới thiệu hình ảnh người phụ nữ trong văn học nói chung.

- Tiêu biểu nhất qua các bài thơ: Bánh trôi nước, Tự tình (bài II) của Hồ Xuân Hương và bài Thương vợ của Trần Tế Xương

b. Thân bài            

* Cảm hứng về người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương và thơ Trần Tế Xương nói chung

- Đây là đề tài quen thuộc trong văn học Việt Nam

- Hoàn cảnh sáng tác các bài thơ này

- Khái quát nội dung của từng bài

* Qua ba bài thơ, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa được thể hiện nổi bật những phẩm chất sau:

- Những phẩm chất tốt đẹp và khao khát yêu thương:

+ Trong hai bài thơ của Hồ Xuân Hương: hình ảnh người phụ nữ đẹp “vừa trắng lại vừa tròn” và luôn giữ “tấm lòng son”; nổi bật với niềm khao khát yêu thương và khao khát được yêu thương mạnh mẽ.

+ Ở bài Thương vợ, hình ảnh bà Tú nổi bật với vẻ đẹp của người phụ nữ truyền thống Việt Nam nhân hậu, đảm đang, giàu đức hi sinh, yêu chồng thương con hết mực.

- Người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi, gian nan, vất vả:

+ “Bánh trôi nước”: thân phận trôi nổi lênh đênh của người phụ nữ, không có quyền lựa chọn quyết định tình duyên, cuộc sống của mình

=> Đó là hình ảnh người phụ nữ mang dáng dấp của những người phụ nữ cam chịu, nhẫn nhục trong ca dao xưa.

+ “Thương vợ” là hình ảnh người phụ nữ chịu thương chịu khó, lặn lội sớm khuya, vất vả quanh năm vì những gánh nặng cơm áo gạo tiền của gia đình.

+ Bài “Tự tình II” là nỗi buồn về thân phận, về chuyện tình duyên, về hạnh phúc gia đình, những điều rất quan trọng và vô cùng có ý nghĩa đối với những người phụ nữ.

=> Những người phụ xưa đều chịu nhiều thiệt thòi, đắng cay và sự cam chịu

=> Họ đại diện cho vẻ đẹp cho nhân cách, tâm hồn của những người phụ nữ Việt Nam xưa.

c. Kết bài:

- Tổng kết chung nhất về những người phụ nữ qua các tác phẩm đó

- Nêu cảm nghĩ của bản thân.

>> Tham khảo bài văn mẫuPhân tích hình ảnh người phụ nữ xưa qua bài Tự tình và Thương vợ

Soạn bài viết số 2 lớp 11 Đề 3: Nhân cách nhà nho chân chính trong “Bài ca ngắn đi trên bãi cát” (hoặc “Bài ca ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ).

Dàn ý tham khảo:

a. Mở bài:

- giới thiệu tác giả, tác phẩm

- khái quan nhân cách nhà nho chân chính

b. Thân bài:

- Tầm nhìn xa rộng của Cao Bá Quát.

- Tầm tư tưởng cao rộng của nhà thơ:

+ Nhận ra tính chất vô nghĩa của lối học khoa cử, của con đường công danh theo lối cũ.

+ Phân tích hình ảnh người đi trên bãi cát: Đi một bước như luì một bước: nỗi vất vả khó nhọc; Không gian đường xa, bị bao vây bởi núi sông, biển; Thời gian: mặt trời lặn vẫn còn đi; Nước mắt rơi → khó nhọc, gian truân.

=> Từ chuyện đi trên cát mà liên tưởng đến chuyện lợi danh, đến chốn quan trường là một sự liên tưởng sáng tạo mà lô-gíc. Người đi trên cát sa lầy vào trong cát chẳng khác nào cái mồi công danh, bổng lộc lôi kéo con người, làm cho con người mê muội.

- Thực tế: những trăn trở của người đi trên cát: hiện tâm trạng băn khoăn, dây dứt giữa việc đi tiếp hay dừng lại?; “Anh đứng làm chi trên bãi cát?..” câu hỏi mệnh lệnh cho bản thân -> phải thoát ra khỏi bãi cát danh lợi đầy nhọc nhằn chông gai mà vô nghĩa.

=> Nhìn thấy con đường danh lợi đầy nhọc nhằn, đầy chông gai, tuy chưa thể tìm ra một con đường đi nào khác, song Cao Bá Quát đã thấy không thể cứ đi trên bãi cát danh lợi đó mãi được.

- Vẻ đẹp nhân cách nhà nho trong:

+ Nguyễn Công Trứ phô trương sự ngang tàng, sự phá cách trong lối sống của ông, lối sống ít phù hợp với khuôn khổ của đạo Nho.

+ Khi làm quan, thực hiện các chức phận, ông luôn tỏ ra thẳng thắn, thậm chí dám kiến nghị, góp ý cả cho vua). => Phong cách ngạo nghễ như vậy vì ông có tài năng và tận tâm với sự nghiệp. Không hề luồn cúi để vinh thân phì gia.

+ Sau khi từ quan, cách ông nghỉ và chơi cũng rất ngông, rất khác thường. => Ông có quyền ngất ngưởng vì ông về hưu trong danh dự, sau khi đã cống hiến rất nhiều cho đất nước

c) Kết bài

Khẳng định lại vấn đề.

Văn mẫu tham khảo:

---TỔNG KẾT---

  • Trong bài văn nghị luận văn học, người viết thường sử dụng kết hợp nhiều thao tác, kĩ năng bởi khó mà có thể tách bạch một cách rạch ròi từng thao tác một.

  • Để làm được một bài nghị luận văn học hay, người viết ngoài việc phải có các yếu tố cơ bản như kiến thức, năng lực cảm thụ còn cần có kỹ năng kết hợp đồng thời, linh hoạt các phép lập luận để làm sáng tỏ và trình bày vấn đề một cách thuyết phục, hấp dẫn.

Vậy là Đọc tài liệu đã hướng dẫn chi tiết các em soạn bài Viết bài làm văn số 2 lớp 11 với hướng dẫn lập dàn ý cho 3 đề bài mẫu trong sách giáo khoa, mong rằng với gợi ý này các em sẽ hoàn thiện bài văn của mình tốt nhất nhé!

Xem thêm:

Bài trước: Bài ca phong cảnh Hương Sơn (Chu Mạnh Trinh)

Bài sau: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu)

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM