Soạn bài Trao duyên lớp 11 Chân trời sáng tạo

Xuất bản: 26/10/2023 - Tác giả:

Hướng dẫn soạn bài Trao duyên lớp 11 CTST, trả lời các câu hỏi hướng dẫn đọc hiểu nội dung bài thơ Trao duyên trang 37 - 41 SGK Ngữ văn 11 tập 2 Chân trời sáng tạo.

Đọc Tài Liệu cung cấp hướng dẫn chi tiết soạn bài Trao duyên lớp 11 CTST, tham khảo cách trả lời các câu hỏi đọc hiểu nội dung bài thơ Trao duyên trang 37 - 41 sách giáo khoa Ngữ văn 11 tập 2 Chân trời sáng tạo.

Soạn bài Trao duyên lớp 11 Chân trời sáng tạo

Trước khi đọc

Trong cuộc sống, đôi khi có những điều rất khó nói, nhưng vẫn phải tìm cách nói ra để nhận được sự cảm thông, chia sẻ của một người nào đó. Đã bao giờ bạn gặp một tình huống như vậy chưa? Hãy chia sẻ với các bạn hoặc lắng nghe chia sẻ của bạn về trải nghiệm đó.

Trả lời:

Em đã từng gặp tình huống như vậy rồi, đó là khi em bị điểm kém trong bài thi cuối kì, ban đầu sợ bị mắng nên em đã không nói với bố mẹ, nhưng sau khi suy nghĩ kĩ em quyết định nói cho bố mẹ biết sự thật về kết quả điểm thi của mình và hi vọng bố mẹ có thể chia sẻ, cảm thông với mình.

Đọc văn bản

Theo dõi: Phân biệt lời của người kể chuyện và lời của nhân vật trong đoạn này.

Trả lời:

- Lời người kể chuyện từ “Nỗi riêng riêng những bàn hoàn… Dưới đèn ghé đến ân cần hỏi han:

- Lời nhân vật (xác định được thông qua dấu ngoặc kép để ngăn cách lời người kể. Lời nói của nhân vật và dấu hai chấm để thông báo cho người đọc đoạn thoại của nhân vật ở đoạn sau): “Cơ trời dâu bể đa đoan... Nỗi riêng còn mắc mối tình chi đây?” và câu thơ “Lòng đương thổn thức đầy”

Suy luận: Cách mở đầu cho câu chuyện sắp nói với Thuý Vân của Kiều có gì khác thường?

Trả lời:

Cách mở đầu cho câu chuyện sắp nói với Thúy Vân của Kiều khác thường ở chỗ:

- Hai từ “cậy em” của Thúy Kiều đã làm toát lên sự tin tưởng đến mức tuyệt đối của Thúy Kiều ở người em gái thân yêu.Trong lời mở đầu ấy chứa đựng sự dằn vặt, day dứt và mới khiến Kiều trở nên băn khoăn, ngập ngừng.

+ “Cậy em”: nhờ vả, gửi gắm, mong đợi, tin tưởng về sự giúp đỡ của em.

+ “Chịu lời”: Đồng nghĩa với “nhận lời” nhưng “nhận lời” nó còn bao hàm sắc thái tự nguyện, có thể đồng ý hoặc không đồng ý, còn “chịu lời” thì bắt buộc phải chấp nhận, không thể từ chối bởi nó mang sắc thái nài nỉ, nài ép của người nhờ cậy.

-> Ngôn ngữ vừa nhờ vả, vừa nài nỉ, vừa là sự ép buộc.

- Kiều là chị, vai vế và tuổi tác lớn hơn Thúy Vân nhưng lại có hành động “lạy rồi sẽ thưa” thể hiện sự trang nghiêm, trịnh trọng, hạ mình của người bề dưới với người bề trên -> Hành động bất thường đặt trong mối quan hệ với các từ ngữ đặc biệt đã nhấn mạnh tình thế éo le của Thúy Kiều

- Thông qua hành động “lạy rồi sẽ thưa”, có thể thấy trước khi bắt đầu câu chuyện sắp nói với Thúy Vân, Thúy Kiều có thái độ cầu khẩn, nhờ cậy, e dè, thận trọng, cách nói tạo sự ràng buộc tế nhị. Đây là hành động bất thường nhưng lại hoàn toàn bình thường trong hoàn cảnh này bởi hành động của Kiều là lạy đức hi sinh cao cả của Thúy Vân. Bởi vậy, việc Thúy Kiều nhún nhường, hạ mình van nài Thúy Vân là hoàn toàn hợp lí.

=> Cách mở đầu cho câu chuyện sắp nói với Thúy Vân của Kiều đã giúp cho không khí của thời khắc “trao duyên” trở nên trang trọng hơn bao giờ hết. Cách dẫn dắt tinh tế và sâu sắc ấy ở Thúy Kiều đã trở thành điều khiến Vân không thể không chú ý, không để tâm đến những lời mà chị mình sắp nói ra.

Tưởng tượng: Bạn hình dung thế nào về dáng vẻ, tâm trạng, giọng nói của Thúy Kiều trong đoạn từ dòng thơ 741 đến dòng 756 ở cuối văn bản?

Trả lời:

Trong đoạn từ dòng thơ 741 đến dòng 756 ở cuối văn bản, Kiều giằng xé trong nội tâm, đau đớn và nhớ thương Kim Trọng. Tâm trạng đau đớn đến cùng cực của Thúy Kiều khi hướng về tình yêu của mình và Kim Trọng.

- Chới với trước viễn cảnh tương lai, Kiều như nửa tỉnh, nửa mê; nửa như đang sống, nửa như người đã chết.

- Những hình ảnh “lò hương, hồn,...” là những hình ảnh cuộc sống cõi âm, đầy thần linh, ma mị → Người đọc cảm nhận được sự đau đớn trong nội tâm đến chết của Thúy Kiều.

- Mâu thuẫn lớn trong tâm trạng Thúy Kiều: trao kỉ vật cho em mà lời gửi trao chất chứa bao đau đớn, giằng xé và chua chát.

+ Kiều thốt lên tiếng kêu xé lòng: “Ôi Kim lang! hỡi Kim lang/ Thôi thôi tiếp đã phụ chàng từ đây.”

  • Thán từ “ôi, hỡi” như một tiếng nấc đau thương.
  • Lời gọi được lặp lại một cách trang trọng “Kim lang” như một lời kêu cứu tuyệt vọng.

+ Nhịp thơ 3/3 ở câu trên như một tiếng nấc nghẹn ngào, trong khi đó, điệp từ “thôi” vừa thể hiện sự dằn vặt, vừa xác nhận sự phụ bạc, nhịp thơ ngân dài như một tiếng than vọng mãi không lời đáp, tiếng kêu cứu trong tuyệt vọng.

Sau khi đọc

Trả lời các câu hỏi trang 41 SGK Ngữ văn 11 tập 2 Chân trời sáng tạo

Câu 1:

Việc “trao duyên” và cuộc trò chuyện giữa chị em Thuý Kiều - Thuý Vân được thuật lại theo ngôi kể nào? Những dấu hiệu nào giúp bạn nhận biết điều đó?

Trả lời:

Việc “trao duyên” và cuộc trò chuyện giữa chị em Thúy Kiều - Thúy Vân được thuật lại theo ngôi kể thứ ba. Điều đó có thể nhận biết được qua các dấu hiệu:

- Người kể - tác giả không xưng “tôi” trong xuyên suốt nội dung tác phẩm.

- Khi giới thiệu về hội thoại giữa hai chị em Thúy Kiều - Thúy Vân, tác giả sử dụng “ân cần hỏi han, rằng” kết hợp cùng dấu “:” để thông báo cho người đọc.

- Miêu tả cụ thể, chi tiết nội tâm, hành động, biểu cảm, tâm trạng của Thúy Kiều - Thúy Vân.

- Sự phân biệt giữa lời của người kể chuyện (bốn dòng thơ đầu, từ “rằng”, hai dòng thơ cuối) và lời của nhân vật (đánh dấu bằng dấu hai chấm, dấu gạch ngang và trích dẫn nguyên văn lời của các nhân vật) cho thấy câu chuyện do một người kể chuyện (không phải nhân vật) kể lại.

- Cách người kể chuyện gọi tên nhân vật và cách thuật lại nguyên văn từ ngữ xưng gọi “chị”, “em” giữa hai chị em Thuý Kiều - Thuý Vân.

Câu 2: Xác định số dòng thơ biểu đạt lời của mỗi nhân vật. Chỉ ra sự khác biệt về độ dài (tính bằng số dòng thơ) giữa lời thoại của hai nhân vật và giải thích sự khác biệt ấy.

Trả lời:

Số dòng thơ biểu đạt lời của mỗi nhân vật:

- Số dòng thơ biểu đạt lời của nhân vật Thúy Kiều: 38 câu (719 - 756)

- Số dòng thơ biểu đạt lời của nhân vật Thúy Vân: 4 câu (715 - 718)

-> Độ dài (tính bằng số dòng thơ) của những dòng thơ biểu đạt lời của Thúy Kiều nhiều hơn Thúy Vân.

=> Có sự khác biệt rất lớn về độ dài giữa lời thoại của Thúy Kiều so với lời thoại của Thúy Vân, vì Thúy Kiều là người kể, người nói chính, nhờ cậy, gửi gắm, do vậy cần một câu chuyện có đầu có đuôi, đầy tâm trạng và nỗi niềm. Lời của Kiều nhằm thực hiện mục đích thuyết phục một vấn đề hết sức tế nhị, khó khăn. Trong khi đó, Thúy Vân là người nghe, chia sẻ; chỉ cần “hỏi han” gợi chuyện cho Kiều bày tỏ.

Câu 3: Lời thoại của Thuý Vân có vai trò như thế nào đối với sự tiến triển của câu chuyện?

Trả lời:

Lời thoại của Thúy Vân có vai trò đối với sự tiến triển của câu chuyện:

- Lời “ân cần hỏi hạn” của Thuý Vân là một cách mang lại tình cảm chị em ấm áp đối với người chị đang rất mực cô đơn với gánh nặng tinh thần chưa biết chia sẻ cùng ai.

- Lời của Thuý Vân đã tạo một tình huống, cơ hội tự nhiên cho Thuý Kiều kể chuyện, bày tỏ nỗi lòng.

- Thuý Kiều được lời như cởi tấm lòng, mạnh bạo, tự tin để trao duyên, nhờ em thay mình lấy Kim Trọng.

- Thuý Vân chỉ ăn cẩn hỏi han rồi lặng lẽ, chăm chú lắng nghe (không ngắt lời chị), nhờ đó câu chuyện và ý nguyện “trao duyên” của Kiều được biểu đạt đầy đủ, trọn vẹn (đến mức nói xong nàng ngất đi).

Câu 4: Đọc kĩ lời thoại của Thuý Kiều và cho biết:

a. Lời thoại của Kiều trong văn bản là tự sự, biểu cảm hay kết hợp tự sự với biểu cảm?

b. Từ dòng thơ 741 đến dòng thơ 756, lời của Thuý Kiểu hướng đến ai; là đối thoại, độc thoại hay độc thoại nội tâm?

Trả lời:

a. Lời thoại của Kiều trong văn bản là sự kết hợp giữa tự sự và biểu cảm. Khi thì kể lại cho Thúy Vân nghe hoàn cảnh của mình để em có thể thông cảm, chấp nhận giúp mình. Khi thì bày tỏ cảm xúc, nội tâm buồn tủi, dằn vặt, đau đớn, xót xa.

b. Từ dòng thơ 741 đến dòng thơ 756, lời của Thúy Kiều hướng đến Kim Trọng - là lời độc thoại. Lời của Thúy Kiều là những lời tự cảm thấy có lỗi rất lớn với Kim Trọng, cho nên gửi lại chàng trăm lạy, nghìn lạy. Đồng thời là lời oán trách cho số phận vô lý nhưng cũng thể hiện sự bất lực của nàng.

Câu 5: Chỉ ra sự thay đổi trong tâm trạng của Thuý Kiều trước, trong và sau khi trao kỉ vật cho Thuý Vân.

Trả lời:

Sự thay đổi trong tâm trạng của Thuý Kiều trước, trong và sau khi trao kỉ vật cho Thuý Vân:

- Trước khi trao kỉ vật:

+ Kiều buồn bã, phiền lòng vì hoàn cảnh tình yêu của mình và chàng Kim.

+ Khi Thúy Vân mở lời hỏi han, Thúy Kiều mở lời nhờ cậy, giãi bày, thuyết phục với Thúy Vân trước một sự việc hệ trọng mà nàng sắp thực hiện.

- Trong khi trao kỉ vật:

+ Có sự giằng xé trong tâm trạng của Thúy Kiều

+ Một khối mâu thuẫn lớn trong tâm trạng Thúy Kiều: trao kỉ vật cho em mà lời gửi trao chất chứa bao đau đớn, giằng xé và chua chát

- Sau khi trao kỉ vật:

+ Từ khi trao lại kỷ vật, Kiều dường như quên hẳn hiện tại, nàng chỉ sống với cái mai hậu hư vô của mình, vì nàng hi vọng em mình và chàng Kim tương lai sẽ được hạnh phúc. Hiện tại với nàng chỉ là con số không.

+ Kiều tự cảm thấy có lỗi rất lớn với Kim Trọng, cho nên gửi lại chàng trăm lạy, nghìn lạy.

+ Kiều than thở và với Kim Trọng thì thương xót. "Thôi thôi" cũng là tiếng than tiếc và dằn vặt, là sự xác nhận cho sự phụ bạc của mình.

Câu 6: Xác định chủ đề của văn bản Trao duyên và cho biết, phần văn bản này có vai trò như thế nào trong việc góp phần thể hiện chủ đề của Truyện Kiều.

Trả lời:

- Chủ đề của bài thơ Trao duyên: Lời nói, tâm trạng, cảm xúc của Thuý Kiều khi thuyết phục Thuý Vân thay mình lấy Kim Trọng.

- Vai trò của bài thơ Trao duyên trong việc thể hiện chủ đề chung của Truyện Kiều: Nếu xem chủ đề chung của Truyện Kiều là tiếng kêu đau thương về cuộc đời ba chìm bảy nổi của nàng Kiều thì Trao duyên là tiếng kêu trước nỗi đau đầu đời của nàng. Nỗi đau này kéo theo nhiều nỗi đau khác trong suốt mười lăm năm lưu lạc của Kiều.

Bài tập sáng tạo: Vẽ một bức tranh hay dựng một hoạt cảnh sân khấu hóa về cuộc trao duyên.

Tham khảo mẫu:

Tranh vẽ Trao duyên

Các bạn vừa tham khảo xong nội dung chi tiết soạn bài Trao duyên lớp 11 Chân trời sáng tạo. Hi vọng thông qua việc giải đáp các câu hỏi đọc hiểu cuối bài các em sẽ nắm được kiến thức cơ bản về bài thơ Trao duyên một cách dễ dàng và ghi nhớ lâu hơn.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM