Soạn bài Tổng quan văn học Việt Nam

Xuất bản: 14/08/2020 - Cập nhật: 20/07/2022 - Tác giả:

Hướng dẫn soạn bài Tổng quan văn học Việt Nam lớp 10 và trả lời câu hỏi bài tập trang 5 sách giáo khoa Ngữ Văn 10 tập 1.

Soạn bài Tổng quan văn học Việt Nam do Đọc Tài Liệu tổng hợp và biên soạn trong chuyên mục soạn văn lớp 10 nhằm giúp các em học sinh nắm được một cách đại cương hai bộ phận lớn của văn học Việt Nam: văn học dân gian và văn học viết. Bên cạnh đó cũng nắm được một cách khái quát quá trình phát triển của văn học viết Việt Nam, hiểu được những nội dung thể hiện con người Việt Nam trong văn học.

A. Kiến thức cần nắm vững

I. Các bộ phận hợp thành của văn học Việt Nam

- Văn học dân gian:

+ Nằm trong tổng thể văn hoá dân gian, văn học dân gian ra đời từ thời công xã nguyên thuỷ, gắn bó với các sinh hoạt khác nhau của cộng đồng; được truyền miệng từ đời này sang đời khác.

+ Do nhân dân lao động sáng tác, sử dụng và lưu truyền; phản ánh đời sống tư tưởng, tình cảm, thể hiện cách cảm, cách nghĩ và trình độ nhận thức của quần chúng nhân dân lao động.

+ Các đặc trưng cơ bản: Tính tập thể, tính truyền miệng, tính thực hành...

+ Bao gồm các thể loại: thần thoại, sử thi, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, tục ngữ, câu đố, ca dao, vè, truyện thơ, các loại hình diễn xướng như chèo, tuồng, dân ca,...

- Văn học viết:

+ Là những sáng tác của giới trí thức, ra đời khi đã có chữ viết, được lưu giữ bằng văn tự (chữ viết) và tồn tại dưới hình thức văn bản cố định; chính thức hình thành từ thế kỉ thứ X, khi dân tộc Việt Nam khôi phục được nền độc lập tự chủ của mình.

+ Là những sáng tác của cá nhân mang dấu ấn phong cách của từng tác giả.

+ Về cơ bản thành phần văn học này được sáng tác bằng ba loại văn tự: chữ Hán, chữ Nôm và chữ quốc ngữ.

+ Hệ thống thể loại đa dạng và phong phú.

  • Văn học trung đại có ba nhóm thể loại chủ yếu: Văn xuôi (truyện, kí, tiểu thuyết chương hồi...), thơ (thơ cổ phong, thơ Đường luật, từ khúc,...), văn biền ngẫu (phú, cáo, văn tế,...)
  • Văn học hiện đại: tự sự (tiểu thuyết, truyện ngắn, bút kí, tuỳ bút, phóng sự,...), trữ tình (thơ trữ tình, trường ca...), kịch (kịch nói, kịch thơ)

II. Hai thời đại lớn của văn học viết Việt Nam

Nhìn tổng quát, văn học Việt Nam đã trải qua hai thời đại văn học: văn học trung đại và văn học hiện đại.

- Văn học trung đại hình thành và phát triển trong bối cảnh văn hoá, văn học vùng Đông Á và Đông Nam Á; có quan hệ giao lưu với nhiều nền văn học khu vực. Chịu ảnh hưởng sâu sắc, trực tiếp văn học Trung Quốc. Tồn tại trong khuôn khổ của xã hội phong kiến, văn hoá phong kiến và mĩ học phong kiến.

- Văn học hiện đại tồn tại, phát triển trong bối cảnh giao lưu văn hoá, văn học ngày càng mở rộng; tiếp nhận thêm tinh hoa của nhiều nền văn học trên thế giới để đổi mới căn bản về hệ thống thi pháp.

- Văn học Việt Nam miêu tả hiện thực xã hội Việt Nam; thể hiện tư tưởng, tình cảm, cùng quan niệm về chính trị, văn hoá, đạo đức và thẩm mĩ của con người Việt Nam trong nhiều mối quan hệ: từ quan hệ với thế giới tự nhiên đến quan hệ quốc gia dân tộc; từ quan hệ xã hội đến ý thức về bản thân.

III. Con người Việt Nam qua văn học

1. Mối quan hệ với thế giới tự nhiên: con người Việt Nam yêu thiên nhiên, tôn trọng và mở rộng tâm hồn trước thiên nhiên.

2. Mối quan hệ quốc gia, dân tộc: con người Việt Nam luôn có lòng yêu nước, sắn sàng, hi sinh vì độc lập của đất nước.

3. Các mối quan hệ xã hội: con người Việt Nam luôn giàu lòng nhân ái, vị tha.

4. Ý thức về bản thân: người Việt Nam luôn có ý thức về bản thân, về danh dự, lòng tự trọng, lương tâm... gắn bó với ý thức cộng đồng. Mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể luôn luôn thống nhất, gắn bó hài hòa.

B. Hướng dẫn soạn bài Tổng quan văn học Việt Nam

Gợi ý trả lời câu hỏi hướng dẫn đọc bài Tổng quan văn học Việt Nam trang 13 SGK Ngữ văn 11 tập 1, Đọc tài liệu chia sẻ cả soạn bài Tổng quan văn học VN ngắn gọn nhất và chi tiết nhất cho các em tham khảo.

Soạn bài Tổng quan văn học Việt Nam ngắn gọn nhất

Câu 1 trang 13 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Hãy vẽ sơ đồ các bộ phận của văn học Việt Nam.

Trả lời

Sơ đồ Tổng quang Văn học Việt Nam

Câu 2 trang 13 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Trình bày quá trình phát triển của văn học viết Việt Nam.

Trả lời

* Gắn chặt với lịch sử chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước.

* Đến nay, văn học viết Việt Nam đã trải qua ba thời kì phát triển lớn. Thời kì đầu thuộc loại hình văn học trung đại. Hai thời kì sau thuộc phạm trù văn học hiện đại.

- Văn học trung đại: gồm hai thành phần là văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm.

+ Văn học chữ Hán tồn tại đến cuối TK XIX đầu thế kỉ XX; chịu ảnh hưởng của học thuyết Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo; tiếp nhận một phần hệ thống thể loại và thi pháp văn học cổ - trung đại Trung Quốc. Văn học chữ Hán có nhiều thành tựu rực rỡ.

+ Văn học chữ Nôm: Bắt đầu phát triển mạnh mẽ từ thế kỉ XV; đạt tới đỉnh cao ở cuối thế kỉ XIX. Văn học chữ Nôm chịu ảnh hưởng của văn học dân gian khá sâu sắc. Thơ chữ Nôm phát triển hơn văn xuôi chữ Nôm.

- Văn học hiện đại:

+ Tiếp xúc với các nền văn học châu Âu. Chủ yếu được viết bằng chữ quốc ngữ. Số lượng tác giả, tác phẩm và người đọc tăng nhanh. Nhiều nhà văn, nhà thơ có thể sống bằng nghề. Đời sống văn học sôi động hơn nhờ có báo chí và kĩ thuật in ấn hiện đại. Lối viết hiện thực lấn át lối viết ước lệ; cái tôi cá nhân dần được khẳng định; nhiều thể loại văn học mới ra đời thay thế hệ thống thể loại cũ.

+ Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, nhiều nhà văn, nhà thơ đi theo cách mạng, cống hiến tài năng cho sự nghiệp văn học cách mạng của dân tộc.

+ Sau năm 1975, văn học phán ánh sâu sắc công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, miêu tả trung thực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và những tâm tư tình cảm của con người Việt Nam trước ngưỡng cửa hội nhập.

Câu 3 trang 13 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Dùng hiểu biết của mình để làm sáng tỏ nhận định: Văn học Việt Nam đã thể hiện chân thực, sâu sắc đời sống tư tưởng, tình cảm của con người Việt Nam trong nhiều mối quan hệ đa dạng.

Trả lời

Văn học Việt Nam đã thể hiện chân thực, sâu sắc đời sống tư tưởng, tình cảm của con người Việt Nam trong nhiều mối quan hệ đa dạng.

Đối tượng trung tâm của văn học là con người và con người trong văn học tồn tại trong bốn mối quan hệ cơ bản:

– Quan hệ với thế giới tự nhiên: cho thấy tình yêu thiên nhiên tha thiết của người Việt.

– Quan hệ với quốc gia, dân tộc: cho thấy niềm tự hào dân tộc và sự xả thân vì giống nòi của một chủ nghĩa yêu nước vô song…

– Quan hệ với xã hội: cho thấy một chủ nghĩa hiện thực sâu sắc và một chủ nghĩa nhân đạo cao cả, không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, bảo vệ cái thiện, cái tốt đẹp,…

– Quan hệ với bản thân: cho thấy quá trình đấu tranh kiên trì để khẳng định đạo lí làm người của bản thân, của dân tộc.

Soạn bài Tổng quan văn học Việt Nam chi tiết

Câu 1 trang 13 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Hãy vẽ sơ đồ các bộ phận của văn học Việt Nam.

Trả lời

Sơ đồ các bộ phận của Văn học Việt Nam (sơ đồ tư duy Tổng quan văn học Việt Nam)


Sơ đồ Tổng quang Văn học Việt Nam

Để chi tiết hơn nữa, học sinh có thể vẽ thêm các sơ đồ nội dung cụ thể của từng bộ phận. Ví dụ:

- Văn học trung đại: văn học được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, chữ Quốc ngữ

- Văn học hiện đại: văn học trước 1945, sau 1945.

- Văn học dân gian có thể chia thành 12 thể loại như trong sách giáo khoa.

Câu 2 trang 13 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Trình bày quá trình phát triển của văn học viết Việt Nam.

Trả lời

 * Văn học Việt Nam là sản phẩm tinh thần của tất cả các dân tộc đang sinh sống và cư trú trên lãnh thổ Việt Nam. Đó là nền văn học thống nhất trong sự đa dạng. Quá trình phát triển của văn học Việt Nam gắn chặt với lịch sử chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước.

Nhìn tổng quát, văn học Việt Nam đã trải qua 3 thời kì lớn:

- Văn học từ thế kỉ X – hết thế kỉ XIX.

- Văn học từ đầu thế kỉ XX – Cách mạng tháng 8 - 1945

- Văn học từ sau cách mạng tháng 8 (1945) – hết thế kỉ XX.

* Văn học viết Việt Nam trải qua 2 thời kì chính:

- Văn học trung đại (X – hết XIX)

+ Văn học chữ Hán tồn tại đến cuối TK XIX đầu thế kỉ XX; chịu ảnh hưởng của học thuyết Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo; tiếp nhận một phần hệ thống thể loại và thi pháp văn học cổ - trung đại Trung Quốc. Văn học chữ Hán có nhiều thành tựu rực rỡ.

+ Văn học chữ Nôm: Bắt đầu phát triển mạnh mẽ từ thế kỉ XV; đạt tới đỉnh cao ở cuối thế kỉ XIX. Văn học chữ Nôm chịu ảnh hưởng của văn học dân gian khá sâu sắc. Thơ chữ Nôm phát triển hơn văn xuôi chữ Nôm.

- Văn học hiện đại (đầu XX – hết XX)

+ Tiếp xúc với các nền văn học châu Âu. Chủ yếu được viết bằng chữ quốc ngữ. Số lượng tác giả, tác phẩm và người đọc tăng nhanh. Nhiều nhà văn, nhà thơ có thể sống bằng nghề. Đời sống văn học sôi động hơn nhờ có báo chí và kĩ thuật in ấn hiện đại. Lối viết hiện thực lấn át lối viết ước lệ; cái tôi cá nhân dần được khẳng định; nhiều thể loại văn học mới ra đời thay thế hệ thống thể loại cũ.

+ Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, nhiều nhà văn, nhà thơ đi theo cách mạng, cống hiến tài năng cho sự nghiệp văn học cách mạng của dân tộc.

+ Sau năm 1975, văn học phán ánh sâu sắc công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, miêu tả trung thực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và những tâm tư tình cảm của con người Việt Nam trước ngưỡng cửa hội nhập.

Câu 3 trang 13 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Dùng hiểu biết của mình để làm sáng tỏ nhận định: Văn học Việt Nam đã thể hiện chân thực, sâu sắc đời sống tư tưởng, tình cảm của con người Việt Nam trong nhiều mối quan hệ đa dạng.

Trả lời

Văn học Việt Nam thể hiện đời sống tâm tư, tình cảm, quan niệm về chính trị, đạo đức, thẩm mĩ của con người Việt Nam trong nhiều mối quan hệ đa dạng:

 * Mối quan hệ với thiên nhiên:

Ở khía cạnh này, các tác phẩm văn học Việt Nam đã khái quát lại quá trình ông cha ta nhận thức cải tạo và chinh phục thế giới tự nhiên. Thiên nhiên bên cạnh những khía cạnh dữ dội và hung bạo, nó còn là ngư­ời bạn. Vì vậy, nó hiện lên trong thơ văn thân thiết và gần gũi, t­ươi đẹp và đáng yêu. Nó đa dạng và cũng thay đổi theo quan niệm thẩm mĩ của từng thời.

* Mối quan hệ quốc gia dân tộc

Đây là nội dung tiêu biểu và xuyên suốt lịch sử phát triển văn học Việt Nam, phản ánh một đặc điểm lớn của lịch sử dân tộc: luôn phải đấu tranh chống lại các thế lực xâm lư­ợc để bảo vệ nền độc lập tự chủ của mình. Mối quan hệ quốc gia dân tộc đư­ợc văn học đề cập đến ở nhiều khía cạnh mà nổi bật là tinh thần yêu nư­ớc (tình yêu làng xóm, yêu quê cha đất tổ, căm ghét các thế lực giày xéo quê hư­ơng, ý thức về quốc gia dân tộc, ý chí đấu tranh, khát vọng tự do, độc lập…). Nhiều tác phẩm của dòng văn học này đã trở thành những kiệt tác văn chư­ơng bất hủ của đất nư­ớc ta.

* Mối quan hệ xã hội

Trong xã hội có giai cấp đối kháng, văn học Việt Nam cất lên tiếng nói tố cáo phê phán các thế lực chuyên quyền và bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với những ngư­ời dân bị áp bức, bóc lột. Các tác phẩm thuộc mảng sáng tác này đã thể hiện ước mơ da diết về một xã hội dân chủ, công bằng và tốt đẹp. Nhìn thẳng vào thực tại để nhận thức, phê phán và cải tạo xã hội là một truyền thống cao đẹp, là biểu hiện rực rỡ của chủ nghĩa nhân đạo trong văn học nư­ớc ta.

Cảm hứng xã hội sâu đậm là một tiền đề quan trọng cho sự hình thành chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa nhân đạo trong văn học dân tộc.

* Ý thức về bản thân

Ở ph­ương diện này, văn học Việt Nam đã ghi lại quá trình lựa chọn, đấu tranh để khẳng định cái đạo lí làm ngư­ời của dân tộc Việt Nam trong sự kết hợp hài hòa hai phương diện: tâm và thân, phần bản năng và phần văn hoá, tư­ tưởng vị kỉ và tư tư­ởng vị tha, ý thức cá nhân và ý thức cộng đồng. Trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau, văn học có thể đề cao mặt này hay mặt khác. Song, nhìn chung xu hướng của sự phát triển văn học dân tộc là xây dựng một đạo lí làm ng­ười với nhiều phẩm chất tốt đẹp nh­ư: nhân ái, thuỷ chung, tình nghĩa, vị tha, giàu đức hi sinh.

Soạn bài Tổng quan văn học Việt Nam nâng cao

Câu 1: Nội dung bài Tổng quan nền văn học Việt Nam qua các thời kì lịch sử gồm mấy phần, mỗi phần nêu lên những vấn đề gì của nền văn học?

Gợi ý trả lời

Nội dung bài Tổng quan nền văn học Việt Nam qua các thời kì lịch sử gồm ba phần:

Các bộ phận, thành phần của nền văn học

Các thời kì phát triển của nền văn học

Một số nét đặc sắc truyền thống của văn học Việt Nam

Câu 2: Hãy cho biết nền văn học Việt Nam gồm những bộ phận và thành phần nào. Chúng có vị trí như thế nào trong quá trình phát triển của văn học dân tộc?

Gợi ý trả lời

Nhìn một cách tổng quát, nền văn học nước ta gồm hai bộ phận phát triển song song và luôn có ảnh hưởng qua lại sâu sắc: văn học dân gian và văn học viết.

* Văn học dân gian:

Nằm trong tổng thể văn hóa dân gian ra đời từ xa xưa và tiếp tục phát triển cho đến ngày nay.

Bộ phận văn học này gồm những truyện thần thoại, sử thi, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn, truyện thơ dân gian, ca dao, tục ngữ, vè, câu đố, chèo,...do người bình dân sáng tác và phổ biến theo lối truyền miệng.

Ở Việt Nam, văn học dân gian có vị trí và vai trò rất quan trọng. Trong hàng nghìn năm Bắc thuộc và ở các thời kì dân tộc chưa có chữ viết hoặc chữ viết chưa phổ cập, văn học dân gian đã đóng góp to lớn trong việc giữ gìn, mài giũa và phát triển ngôn ngữ dân tộc, nuôi dưỡng tâm hồn nhân dân. Tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc và những sáng tạo nghệ thuật độc đáo, tài hoa của văn học dân gian có tác động mạnh mẽ đối với sự hình thành và phát triển của văn học từ nội dung đến hình thức.

* Văn học viết:

Do tầng lớp trí thức sáng tạo nên, chính thức ra đời từ khoảng thế kỉ X như một bước nhảy vọt của tiến trình lịch sử văn học dân tộc.

Văn học viết đóng vai trò chủ đạo và thể hiện những nét chính của diện mạo văn học dân tộc.

Câu 3: Lịch sử văn học viết Việt Nam phát triển qua ba thời kì. Dựa vào những tác phẩm văn học đã học ở Trung học cơ sở, hãy chọn cho mỗi thời kì một số tác phẩm tiêu biểu: thời trung đại (tác phẩm chữ Hán, tác phẩm chữ Nôm); thời kì từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám 1945; thời kì từ sau Cách mạng đến hết thế kỉ XX (tác phẩm thuộc giai đoạn 1945-1975, tác phẩm thuộc giai đoạn từ sau năm 1975).

Gợi ý trả lời

Lịch sử văn học gắn chặt với lịch sử xã hội, lịch sử chính trị của đất nước. Tuy nhiên, không nên đồng nhất lịch sử văn học với lịch sử chính trị, xã hội. Theo quan điểm ấy, lịch sử văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX có thể chia làm ba thời kì lớn:

Thời kì từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XXI: nền văn học Việt Nam phát triển dưới các triều đại phong kiến. Nó bao gồm hai thành phần văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm. Thành phần chữ Hán luôn luôn giữ vai trò chính thống, nhưng thành phần chữ Nôm ngày càng phát triển phong phú và có vị trí quan trọng.

Tác phẩm thời kì này có thể như: Truyện Kiều (Nguyễn Du), Truyền kì mạn lục (Nguyễn Dữ)...

Thời kì từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám 1945: thời kì văn học này tùy chỉ diễn ra gần nửa thế kỉ, nhưng có nhiều chuyển biến lớn, phản ánh những đổi thay sâu sắc trên đất nước ta về mặt xã hội và ý thức. Tình hình văn học thời kì này nói chung rất phức tạp những đã để lại nhiều thành tựu xuất sắc.

Tác phẩm thời kì này có thể kể như: Phan Bội Châu (Xuất dương lưu biệt), Phan Châu Trinh (Đập đá ở Côn Lôn), Nam Cao (Lão Hạc),...

Thời kì từ Cách mạng tháng Tám đến hết thế kỉ XX: từ sau Cách mạng tháng Tám nên văn học mới trên đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, trở nên thống nhất về tư tưởng và hướng hẳn về đại chúng nhân dân.

Tác phẩm thời kì này có thể kể đến như: Nguyên Hồng (Trong lòng mẹ), Chính Hữu (Đồng chí), Tố Hữu (Việt Bắc),...

Câu 4: Phân tích một số các tác phẩm văn học sau đây để chứng minh cho một nét đặc sắc truyền thống của nền văn học Việt Nam: Thánh Gióng, Thạch Sanh, Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi), Truyện Kiều (Nguyễn Du), Cảnh khuya (Hồ Chí Minh), Làng (Kim Lân), Bến quê (Nguyễn Minh Châu)

Gợi ý trả lời

Một số nét đặc sắc có tính truyền thống của văn học dân tộc:

- Tâm hồn người Việt Nam

  • Lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc.
  • Lòng yêu nước gắn liền với tình nhân ái.
  • Người Việt gắn bó tha thiết với thiên nhiên.
  • Luôn yêu đời, vui vẻ, luôn tin tưởng ở lẽ tất thắng của điều thiện, của chính nghĩa.
  • Về tình cảm thẩm mĩ, người Việt Nam, chắc hẳn do hoàn cảnh lịch sử hoàn cảnh thiên nhiên và điều kiện văn hóa riêng, dường như nghiêng về cái đẹp xinh xắn hơn là cái đẹp hoành tráng, đồ sộ.

- Về mặt thể loại văn học:

  • Ở nước ta, thơ có truyền thống lâu đời.
  • Sử thi của các dân tộc ở Tây Nguyên, của dân tộc Mường,..., truyện thơ dân gian của các dân tộc Thái, Nùng, Tày,...còn lưu truyền nhiều thiên bất hủ.
  • Ca dao, dân ca, thơ cổ điểm của người Việt thời phong kiến cũng để lại nhiều viên ngọc quý.
  • Thơ hiện đại, trước cũng như sau Cách mạng tháng Tám 1945, đã góp vào kho tàng văn học dân tộc biết bao kiệt tác.
  • Văn xuôi tiếng Việt ra đời muộn nhưng tốc độ phát triển và trưởng thành hết sức nhanh chóng.
  • Với các thể bút kí, tùy bút, truyện ngắn, tiểu thuyết, văn xuôi Việt Nam đã có thể sánh cùng nhiều nền văn xuôi hiện đại của thế giới.

- Nền văn học Việt Nam có một sức sống dẻo dai và mãnh liệt.

>>> Hướng dẫn soạn bài Khái quát văn học dân gian Việt Nam ngắn gọn nhất

-/-

Tổng kết Tổng quan văn học Việt Nam

Văn học Việt Nam có hai bộ phận lớn : văn học dân gian và văn học viết. Văn học viết Việt Nam gồm văn học trung đại và văn học hiện đại, phát triển qua ba thời kì, thể hiện chân thực, sâu sắc đời sống tư tưởng, tình cảm của con người Việt Nam.

Học văn học dân tộc là để tự bồi dưỡng nhân cách, đạo đức, tình cảm, quan niệm thẩm mĩ và trau dồi tiếng mẹ đẻ.

Tài liệu với nhiều nội dung cho các em học sinh chọn lọc để đưa vào bài soạn Tổng quan văn học Việt Nam của riêng mình. Chúc em học tốt môn ngữ văn lớp 10.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM