Tài liệu hướng dẫn soạn bài Tôi yêu em (Pu-skin) được Học Tốt biên soạn chi tiết giúp em cảm nhận được vẻ đẹp trong sáng của bài thơ cả về nội dung tâm tình lẫn ngôn từ nghệ thuật.
Với những hướng dẫn chi tiết trả lời câu hỏi sách giáo khoa dưới đây các em không chỉ soạn bài tốt mà còn nắm vững các kiến thức quan trọng của tác phẩm này.
Bài thơ Tôi yêu em - Puskin
Tôi yêu em: đến nay chừng có thể.
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai;
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa,
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài.
Tôi yêu em âm thầm không hy vọng,
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen,
Tôi yêu em, yêu chân thành đằm thắm,
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.
Cùng tham khảo...
Soạn bài Tôi yêu em (Pu-skin) ngắn nhất
Gợi ý trả lời câu hỏi bài tập đọc hiểu soạn Tôi yêu em siêu ngắn trang 60 SGK Ngữ văn lớp 11 tập 2.
Câu 1 (trang 60 SGK Ngữ văn 11 tập 2)
- Điệp khúc “Tôi yêu em” (lặp lại 3 lần) làm nổi bật cảm xúc chủ đạo của bài thơ.
- Bài thơ là lời từ giã cho mối tình không thành của Puskin dành cho Ô-lê-nhi-na. Tuy nhiên, lời từ giã của Puskin đặc biệt ở chỗ nó vẫn bộc lộ một tình yêu chân thành, bền bỉ, mãnh liệt và gắn với cách hành xử cao đẹp trong tình yêu.
Câu 2 (trang 60 SGK Ngữ văn 11 tập 2)
- Ở hai câu 1 - 2, giọng thơ có sự dè dặt, ngập ngừng trong lời thổ lộ: “có thể”, “chưa hoàn toàn”.
- Hai câu thơ 3 - 4 như nhấn mạnh quyết định dứt khoát đầy tính lí trí của nhân vật trữ tình
- Nhịp thơ của hai câu 5-6 nhanh, nhiều ngắt cách với những trạng từ chỉ thời gian kết hợp với những trạng thái chỉ tình cảm biễn đổi liên tục diễn tả thành công bi kịch tuyệt vọng giữa lí trí và tình cảm.
- Với cặp câu 7 - 8, mạch cảm xúc thay đổi đột ngột, nó như được giải tỏa, dâng cao bởi sự xuất hiện của những từ: “chân thành, đằm thắm”.
Câu 3 (trang 60 SGK Ngữ văn 11 tập 2)
- Có thể nói hai câu kết hàm chứa nhiều ý vị bởi:
+ Ở 6 câu thơ đầu, nhân vật trữ tình như bị giằng xé, xáo trộn bởi rất nhiều cung bậc cảm xúc của một trái tim yêu say đắm nhưng dường như không được đáp lại. Tình yêu âm thầm vô vọng cùng nỗi ghen tuông khiến nhân vật trữ tình rơi vào đáy sâu của nỗi khổ đau. Và ta tưởng cảm giác tuyệt vọng sẽ ngày càng giày vò nhân vật trữ tình.
+ Nhưng đến 2 câu thơ cuối, mạch cảm xúc đã thay đổi đột ngột. Vượt lên nỗi buồn đau u ám, lòng ghen tuông ích kỉ, nhân vật trữ tình “Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”: cách ứng xử cao đẹp, biết tình yêu vô vọng nên đã cầu chúc cho người mình yêu tìm được hạnh phúc thực sự. Đây không phải là điều mà ai cũng có thể làm được
⇒ Tình yêu vượt qua những tầm thường, ích kỉ, hướng tới những điều cao thượng, đầy chất nhân văn.
Câu 4 (trang 60 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2)
Tôi yêu em là một trong những bài thơ tình nổi tiếng của Pu-skin. Bài thơ cũng chính là vẻ đẹp tâm hồn của Pu-skin.
Bài thơ thể hiện những tình cảm chân thành, cao thượng, nhân ái của tình yêu chứa đựng trong những lời lẽ giản dị, trong sáng nhất. Mặc dù bài thơ thấm đượm nỗi buồn của một mối tình vô vọng nhưng là nỗi buồn trong sáng của một tâm hồn yêu đương chân thành, mãnh liệt, nhân hậu, vị tha.
Soạn bài Tôi yêu em (Pu-skin) chi tiết
Gợi ý trả lời câu hỏi bài tập đọc hiểu soạn Tôi yêu em trang 60 SGK Ngữ văn lớp 11 tập 2.
Bài 1 trang 60 SGK Ngữ văn 11 tập 2
Điệp khúc nào làm nổi bật cảm xúc chủ đạo của bài thơ? Bài thơ dường như là lời giã từ cho một mối tình không thành. Lời giã từ của Pu-skin có gì đặc biệt?
Trả lời:
Bài thơ dường như là lời từ giã cho một mối tình không thành. Nó thấm đượm một nỗi buồn nhưng không hoàn toàn bi lụy, không hề có suy nghĩ gì mang tính tiêu cực. Bài thơ mở ra ngay lập tức đi thẳng vào điều cốt yếu: "Tôi yêu em", như lời thú nhận lại như lời tự nhủ, trực tiếp, ngắn gọn và giản dị:
Tôi yêu em: đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai;
Hai câu thơ rất chừng mực. Trong nguyên bản, sau "Tôi yêu em" (đúng ra là "Tôi đã yêu em") là dấu hai chấm (:) diễn giải, và từ dấu hai chấm này, "tình yêu" xuất hiện như một chủ thể khác:
Tôi đã yêu em, tình yêu vẫn, có lẽ
Chưa tắt hẳn trong lòng tôi;
Trong bản dịch không còn rõ nét tinh tế ấy. Tình yêu nảy sinh trong ta, thuộc về ta, nhưng đồng thời, tình yêu như cũng có sinh mệnh riêng, sự vận động, tự chủ riêng của nó. Trong bốn câu thơ đầu, dường như có một "cái tôi" đang tự soi vào tâm hồn mình, ở đó tình yêu vẫn chưa tắt hẳn (cách nói phủ định "tình yêu chưa tắt hẳn" day dứt, ám ảnh hơn diễn đạt để khẳng định "tình yêu vẫn còn"); nhưng lại có một "cái tôi" khác, nghĩ đến người (cô gái), dùng ý chí mà chế định cảm xúc: "hãy để tình yêu không làm phiền em thêm nữa". Đó là một sự dằn lòng, một sự chế ngự, một sự vươn lên. Tâm hồn vươn về tình yêu trong ý nghĩa đích thực, xem tình yêu như hành vi trao tặng, làm cho đối tượng tình yêu của mình hạnh phúc quan trọng hơn là được yêu với nghĩa đón nhận, sở hữu về mình, cho sự hưởng thụ của mình. Thế nên "tôi" giữ nỗi buồn riêng cho mình, "tôi không muốn làm em buồn về bất cứ điều gì", ngay cả dù điều ấy là tình yêu của tôi dành cho em. Cách ứng xử của Pu-skin đúng là một lời từ giã tình yêu thật đặc biệt.
Bài 2 trang 60 SGK Ngữ văn 11 tập 2
Giọng điệu trữ tình chuyển biến như thế nào từ hai câu 1 - 2 sang hai câu 3 - 4 và từ hai câu 5 - 6 sang hai câu 7 - 8? Diễn biến tâm trạng phức tạp của nhân vật trữ tình được thể hiện tinh tế ra sao?
Trả lời:
Mở đầu bài thơ, điệp khúc Tôi yêu em cất lên như là một lời bộc lộ chân thành, lời lẽ giản dị mà mang bao nỗi quyến rũ, bí ẩn muôn đời. Bốn câu thơ sau lại mở ra bằng điệp khúc Tôi yêu em để rồi sự chế ngự của lí trí phải nhường lại cho mạch cảm xúc dào dạt tuôn trào:
Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng,
Lúc rụt rẽ, khi hậm hực lòng ghen.
Nhịp thơ nhanh hơn với những từ "lúc, khi", diễn tả những trạng thái tình yêu biến đổi vô cùng, dồn dập. Nhân vật trữ tình bộc lộ thẳng thắn tâm hồn mình: một tình yêu âm thầm, không hy vọng như để tô đậm thêm nét đặc biệt của mối tình đơn phương này. Nhưng dù vậy, tình yêu ấy vẫn có đầy đủ mọi sắc thái của tình yêu muôn thuở: nỗi khổ đau âm thầm, niềm tuyệt vọng, lòng ghen tuông giày vò. Hai câu thơ khơi mở ra những lớp tình cảm phức tạp mà rất con người dưới đáy sâu tâm hồn, sau lớp vỏ ngôn từ bình thản, điềm tĩnh thể hiện qua cách xưng hô, qua vẻ bề ngoài lặng lẽ, rụt rè, qua ý thức cố ghìm nén tình cảm, chỉ cho phép nói rằng tình yêu của mình chưa lụi tắt chứ không phải (thực tế) là đang bùng cháy mãnh liệt.
Thế là câu thơ đáng ra nói cái bị động, tiêu cực mà lại làm hiện lên những nhịp đập sôi nổi, mạnh mẽ, tràn đầy sinh lực của trái tim yêu.
Trong mạch thơ như vậy, hai câu kết vừa nối tiếp tự nhiên vừa mang đến ấn tượng bất ngờ:
Tôi yêu em chân thành như thế đó, đằm thắm như thế đó,
Cầu trời cho em (lại) được ai khác yêu thương (cũng) như thế.
(Bản dịch nghĩa)
Điệp khúc Tôi yêu em lại được láy lại lần thứ ba với một lời khẳng định bản chất của mối tình này: chân thành và đằm thắm. Khi phân tích bài thơ Tôi yêu em, điệp ngữ Tôi yêu em, ở bản tiếng Nga, động từ yêu luôn được để ở thể chưa hoàn thành, điều ấy có nghĩa là ngọn lửa tình yêu trong trái tim nhà thơ sẽ không bao giờ tắt, không bao giờ lụi tàn, nhạt phai. Chính sự chân thành và đằm thắm ấy là cái gốc của tấm lòng cao thượng trong tình yêu này. Nó lí giải vì sao ở đoạn trên kia, nhân vật trữ tình lại có một cách ứng xử dịu dàng, tế nhị, trân trọng người mình yêu và đến cuối bài thơ lại có một lời chúc thiêng liêng đầy vị tha như thế.
Bài 3 trang 60 SGK Ngữ văn 11 tập 2
Tại sao có thể nói hai câu kết là bất ngờ, hàm chứa nhiều ý vị?
Trả lời:
Khi soạn bài Tôi yêu em, ta thấy hai câu thơ cuối của bài thơ quả thật rất bất ngờ và thú vị:
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm,
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.
- Hai câu kết cũng mở đầu bằng điệp khúc Tôi yêu em nhưng không chỉ trở về quá khứ (đã yêu em) mà còn là sự tiếp nối liên tục hết sức đặc biệt từ quá khứ tới tương lai. Câu 7 khái quát tâm tình được diễn tả trong toàn bộ sáu câu trước đó (Tôi đã yêu em chân thành như thế đó, đằm thắm như thế đó).
=> Câu thơ thể hiện bản lĩnh và tấm lòng tha thiết với người yêu của nhân vật trữ tình. Một lần nữa, ta thấy nhân vật trữ tình lại giữ lại tất cả những sầu khổ, dằn vặt cho riêng mình để chỉ dâng hiến cho bạn lòng tặng vật tốt đẹp nhất của tình yêu, đó là sự chân thành và đằm thắm.
- Câu 7 chuyển ý đến câu 8 bằng một so sánh tương ứng: Cầu cho em lại được ai khác yêu em cũng chân thành như tôi đã yêu em, đằm thắm như tôi đã yêu em.
- Nếu ở câu 6, nhân vật trữ tình bị giày vò bởi nỗi ghen tuông, thì đến đây, anh đã vượt lên sự ích kỉ thường tình để có thể gửi gắm vào một người khác, một người thứ ba tất cả tình cảm nâng niu mà anh dành cho người anh yêu với ước mong nàng được hạnh phúc. Yêu chân thành, đằm thắm, người ta có thể quên đi "cái tôi" để chỉ nghĩ đến người mình yêu. Với tình yêu thực sự, người ta phấn đấu thực hiện được sự "toàn mãn" trong tình yêu hơn là được yêu.
=> Câu thơ không phải không ẩn chút nuối tiếc, xót xa nhưng đồng thời cũng rất tự tin và kiêu hãnh (bởi có thể chẳng ai khác nữa ngoài anh yêu em chân thành, đằm thắm đến thế; và cũng rất có thể em, có thể chúng ta đang để mất một tình yêu quý giá chẳng bao giờ còn kiếm tìm được nữa).
Bài 4 trang 60 SGK Ngữ văn 11 tập 2
Bài thơ gợi cho anh (chị) những cảm nghĩ gì về tâm hồn Pu-skin và về tình yêu?
Trả lời:
Tôi yêu em là một trong những bài thơ tình nổi tiếng của Pu-skin "tôn vinh phẩm giá của con người với tư cách là Con Người" (Bi-ê-lin-xki). Thơ Pu-skin thường không trang sức rực rỡ cầu kì, vẻ ngọc của những bài thơ sáng lên chủ yếu ở xu hướng vươn tới cái cao cả trong tâm hồn và tư tưởng.
Tinh yêu vốn là một chủ đề lớn trong thơ trữ tình của Pu-skin. Theo Bi-ê-lin-xki, "Hầu như tình yêu, tình bạn luôn luôn là những tình cảm chi phối nhà thơ nhiều nhất và là ngọn nguồn trực tiếp nhất của hạnh phúc và đau khổ của cả đời Pu-skin... Màu sắc chung của thơ Pu-skin, đặc biệt là trong thơ trữ tình, là vẻ đẹp nội tâm con người và lòng nhân ái vuốt ve tâm hồn".
Thơ tình của Pu-skin thường bắt nguồn từ những cảm xúc cụ thể, chân thực với những trải nghiệm tình cảm sâu xa, do đó đã thể hiện được những vẻ đẹp đa dạng, tinh tế của thế giới tâm hồn con người. Tôi yêu em là vẻ đẹp tâm hồn của Pu-skin. Nó đã gây một niềm xúc động lớn lao vì đã vươn tới những giá trị tinh thần chung của loài người: những tình cảm chân thành, cao thượng, nhân ái của tình yêu chứa đựng trong những lời lẽ giản dị, trong sáng nhất. Những vần thơ như thế, những tình cảm cao đẹp như thế che chở và nuôi dưỡng tâm hồn con người. Chính vì vậy mà thơ Pu-skin làm xúc động bao thế hệ độc giả không chỉ ở nước Nga mà ở tất cả những nơi nó đến.
Soạn bài Tôi yêu em lớp 11 nâng cao
Câu 1: Đọc diễn cảm bài thơ, lưu ý cụm từ Tôi yêu em và vị trí của cụm từ này trong bài, hãy tìm hiểu kết cấu bài thơ và diễn biến tâm trạng nhân vật trữ tình.
Gợi ý:
Bài thơ mở ra ngay lập tức đi thẳng vào điều cốt yếu: “Tôi yêu em”, như lời thú nhận lại như lời tự nhủ, trực tiếp, ngắn gọn và giản dị.
Điệp khúc tôi yêu em là giọng điệu chủ đạo của bài thơ. Trong tiếng Nga, với hai đại từ ya và vư, người ta có thể dịch sang tiếng Việt thành một số cặp quan hệ từ như: tôi yêu cô, anh yêu em, tôi yêu em. Có thể nói việc người dịch chọn dịch thành tôi yêu em là khá đạt, bởi cụm từ này đã diễn đạt được một cách chính xác mối quan hệ vừa gần vừa xa, vừa rụt rè lại vừa đằm thắm.
Diễn biến tâm trạng của nhân vật trữ tình: yếu đuối, bất lực, những góc khuất tận đáy sâu tâm hồn – một tâm hồn yêu đương cháy bỏng trong âm thầm; cuồng nhiệt trong vô vọng; đắm đuối đến bối rối, lo âu, thắc thỏm; một tâm hồn vật vã, trăn trở, day dứt không biết đến nhẹ nhõm, an bằng, thanh thản,…
Câu 2: Tình cảm phức tạp, tế nhị của nhân vật trữ tình trong bài được Pu-skin diễn tả tinh tế như thế nào qua bốn câu thơ đầu?
Gợi ý:
Nhân vật trữ tình bộc lộ thẳng thắn tâm hồn mình: một tình yêu âm thầm, không hi vọng như để tô đậm thêm nét đặc biệt của mối tình đơn phương này. Nhưng dù vậy, tình yêu ấy vẫn có đầy đủ mọi sắc thái của tình yêu muôn thuở: nỗi khổ đau âm thầm, niềm tuyệt vọng, lòng ghen tuông giày vò.
Câu 3: Cảm xúc trong hai câu thơ: "Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng - Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen" có gì đặc biệt? Nó hé mở trạng thái tình cảm gì trong nhân vật trữ tình?
Gợi ý:
Mạch cảm xúc dào dạt tuôn trào:
Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng,
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen,
Nhịp thơ nhanh hơn với những từ lúc, khi, diễn tả những trạng thái tình yêu biến đổi vô cùng, dồn dập. Hai câu thơ khơi mở ra những lớp tình cảm phức tạp mà rất con người dưới đáy sâu tâm hồn, sau lớp vỏ ngôn từ bình thản, điềm tĩnh thể hiện qua cách xưng hô, qua vẻ bề ngoài lặng lẽ, rụt rè, qua ý thức cố ghìm nén tình cảm, chỉ cho phép nói rằng tình yêu của mình chưa lụi tắt chứ không phải (thực tế) là đang bùng cháy mãnh liệt.
Câu 4: Xu hướng vươn tới sự cao cả trong tư tưởng, tình cảm là đặc trưng cơ bản của thơ Pu-skin. Phân tích hai câu thơ cuối để chứng minh.
Gợi ý:
Hai câu kết cũng mở đầu bằng điệp khúc Tôi yêu em nhưng không chỉ trở về quá khứ (đã yêu em) mà còn là sự tiếp nối liên tục hết sức đặc biệt từ quá khứ tới tương lai. Câu 7 khái quát tấm chân tình được diễn tả trong toàn bộ sáu câu trước đó (Tôi đã yêu em chân thành như thế đó, đằm thắm như thế đó). Câu thơ thể hiện bản lĩnh và tấm lòng tha thiết với người yêu của nhân vật trữ tình. Một lần nữa, ta thấy nhân vật trữ tình lại giữ lại tất cả những sầu khổ, dằn vặt cho riêng mình để chỉ dâng hiến cho bạn lòng tặng vật tốt đẹp nhất của tình yêu, đó là sự chân thành và đằm thắm.
Câu 7 chuyển ý đến câu 8 bằng một so sánh tương ứng: Cầu cho em lại được ai khác yêu em cũng chân thành như tôi đã yêu em, đằm thắm như tôi đã yêu em. Nếu ở câu 6, nhân vật trữ tình bị giày vò bởi nỗi ghen tuông, thì đến đây, anh đã vượt lên sự ích kỉ thường tình để có thể gửi gắm vào một người khác, một người thứ ba tất cả tình cảm nâng niu mà anh dành cho người anh yêu với ước mong nàng được hạnh phúc. Yêu chân thành, đằm thắm, người ta có thể quên đi “cái tôi” để chỉ nghĩ đến người mình yêu. Với tình yêu thực sự, người ta phấn đấu thực hiện được sự “toàn mãn” trong tình yêu hơn là được yêu.
Câu thơ không phải không ẩn chút nuối tiếc, xót xa nhưng đồng thời cũng rất tự tin và kiêu hãnh (bởi có thể chẳng ai khác nữa ngoài anh yêu em chân thành, đằm thắm đến thế; và cũng rất có thể em, có thể chúng ta đang để mất một tình yêu quý giá chẳng bao giờ còn kiếm tìm được nữa).
Lời cầu mong cuối bài thơ cũng còn là lời nhắn nhủ của một trái tim giàu độ lượng, chở che như nhà thơ đã viết trong một bài thơ khác:
Nhưng nếu gặp ngày buồn rầu đau đớn
Em thầm thì hãy gọi tên lên
Và hãy tin: còn đây một kỉ niệm
Em vẫn còn sống giữa một trái tim.
=> Chính thái độ trân trọng, tôn thờ, sùng kính, “sự thuần khiết” đối với phụ nữ đã đưa bài thơ của Pu-skin vươn tới những giá trị nhân văn cao cả trong kho tàng thơ tình nhân loại.
Soạn bài Tôi yêu em Puskin Tác giả, tác phẩm
1. Tác giả Pu-skin
- A-lếch-xan-đrơ Xéc-ghê-ê-vích Pu-skin (1799 – 1837) là một nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng người Nga, sinh ra trong một gia đình quý tộc lâu đời ở Mát - xcơ - va.
- Ông được mệnh danh là “Mặt trời của thi ca Nga”, là nhà thơ vĩ đại “có ý nghĩa to lớn không chỉ trong lịch sử văn chương mà cả trong lịch sử thức tỉnh của dân tộc Nga” (N. A. Đô-brô-liu-bốp).
- Không chỉ là một thi sĩ lừng danh (với hơn 800 bài thơ trữ tình), Pu-skin còn là tác giả của tiểu thuyết bằng thơ nổi tiếng Ép-ghê-nhi Ô-nhê-ghin, 1823 – 1831) khởi đầu cho chủ nghĩa hiện thực Nga, tác giả của bi kịch lịch sử hoành tráng (Bô-rít Gô-đu-nốp - 1825), người sáng tạo những trường ca sâu lắng (Ru-xlan và Li-út-mi-la - 1820, Người tù Cáp-ca-dơ -1821,...), những truyện ngắn xuất sắc (Cô tiểu thư nông dân -1830, Con đầm pích – 1833,...), những ngụ ngôn thâm trầm,...
- Các sáng tác phong phú của Pu-skin đã thể hiện tuyệt đẹp tâm hồn nhân dân Nga khao khát TỰ DO và TÌNH YÊU. Và ở thể loại nào, văn chương Pu-skin cũng luôn là một tiếng nói Nga trong sáng, thuần khiết, thể hiện cuộc sống một cách giản dị, chân thực.
2. Bài thơ Tôi yêu em
- Tôi yêu em là một trong những bài thơ tình nổi tiếng của Pu-skin, được khơi nguồn từ mối tình của nhà thơ với A. A. Ô-lê-nhi-na (con gái của A. N.Ô-lê-nhin, Chủ tịch Viện Hàn lâm nghệ thuật Nga) - người mà mùa hè năm 1829 Pu-skin đã cầu hôn nhưng không được chấp nhận.
- Nội dung chính: Bài thơ ra đời như chuyện tình đơn phương thu nhỏ của tác giả thấm đượm nỗi buồn nhưng là nỗi buồn trong sáng của một tâm hồn chân thành, mãnh liệt, nhân hậu.
- Bố cục bài thơ gồm có 3 phần:
+ Phần một (4 câu đầu): Những mâu thuẫn giằng xé trong tâm trạng nhân vật trữ tình.
+ Phần hai (câu 5 và câu 6): Thể hiện nỗi đau khổ tuyệt vọng.
+ Phần ba (2 câu còn lại): Sự chân thành vị tha, cao thượng của nhân vật trữ tình.
Tổng kết bài thơ Tôi yêu em - Pu-Skin
- Tôi yêu em thấm đượm nỗi buồn của mối tình vô vọng, nhưng là nỗi buồn trong sáng của một tâm hồn yêu đương chân thành, mãnh liệt, nhân hậu, vị tha. Lời giãi bày tình yêu của Pu-skin được thể hiện qua ngôn từ giản dị mà tinh tế.
- Bài thơ tôn vinh phẩm giá con người, con người biết yêu say đắm, yêu hết mình nhưng cũng rất chân thành, đằm thắm. Trong tình yêu cũng có lúc đau khổ nhưng con người biết nhận tất cả đau khổ về mình, có lí trí sáng suốt, tỉnh táo để kìm nén tình cảm- nhất là tình yêu đơn phương.
Trên đây là nội dung chi tiết hướng dẫn soạn văn 11 bài Tôi yêu em của Pu-skin đã được Học Tốt biên soạn giúp các em tham khảo và chuẩn bị bài tốt hơn trước khi đến lớp. Để hiểu sâu và nhớ lâu hơn, các em nên kết hợp tự soạn bài theo những kiến thức của bản thân. Chúc các em luôn đạt kết quả cao trong học tập.
[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Tôi yêu em (Pu-skin) một cách tốt nhất. "Trong cách học, phải lấy tự học làm cố" - Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.