Soạn bài Tinh thần thể dục (Nguyễn Công Hoan)

Xuất bản: 16/09/2020 - Tác giả:

Hướng dẫn soạn bài Tinh thần thể dục của Nguyễn Công Hoan, gợi ý trả lời câu hỏi đọc hiểu trang 172 SGK Ngữ Văn lớp 11 tập 1.

Tài liệu hướng dẫn soạn bài Tinh thần thể dục do Đọc Tài Liệu biên soạn giúp các em dễ dàng đọc hiểu tác phẩm, nắm bắt được nội dung nghệ thuật của tác phẩm thông qua những câu hỏi tìm hiểu bài trong SGK. Hi vọng bài soạn sẽ là một tài liệu hữu ích phụ trợ các em có thể tiếp thu bài tốt hơn trong giờ học trên lớp.

Cùng tham khảo ngay...

Soạn bài Tinh thần thể dục (Nguyễn Công Hoan)

Hướng dẫn soạn bài Tinh thần thể dục ngắn nhất

Gợi ý trả lời các câu hỏi đọc hiểu và soạn bài Tình thần thể dục trang 177 SGK Ngữ văn 11 tập 1.

Câu 1 trang 177 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Bố cục và cách dựng truyện của Nguyễn Công Hoan trong truyện ngắn trào phúng này có gì đặc biệt?

Trả lời:

* Bố cục: ba phần

– Đoạn 1 (từ đầu đến..Nay sức, Lê Thăng): giới thiệu lệnh của trên qua trát quan về làng.

– Đoạn 2 (tiếp đó đến Vâng): những người bị bắt đi xem đá bóng trực tiếp xin ông Lí (Lí trưởng).

– Đoạn 3 (còn lại): cảnh lùng sục bắt người đi xem đá bóng.

* Cách dựng truyện của Nguyễn Công Hoan trong truyện ngắn: Sau đoạn mở đầu giới thiệu tờ trát của tri huyện Lê Thăng là cảnh thứ nhất thì truyện bao gồm thêm năm cảnh trong đó: năm cảnh sau liên kết với nhau để thể hiện chủ đề, trào phúng cái tinh thần thể dục trước cách mạng.

+ Cảnh 1: Tờ trát về làng với giọng cứng nhắc, hách dịch là nguyên nhân cho tất cả các cảnh sau.

+ Ba cảnh sau là ba cảnh đối phó khác nhau của dân làng trước cái lệnh sắt đá của quan huyện.

+ Hai cảnh cuối cùng là cảnh tróc nã dữ dội, đưa người xem đi đá bóng mà như dẫn giải tù binh.

→ Các cảnh tưởng như rời rạc nhưng lại được móc nối với nhau trong mối quan hệ nhân quả, cùng thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm.

Câu 2 trang 177 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Mâu thuẫn trào phúng cơ bản của truyện? Trên cơ sở của mâu thuẫn cơ bản đó, mâu thuẫn trào phúng riêng từng cảnh là gì? Phân tích truyện để làm rõ mâu thuẫn cơ bản và những mâu thuẫn riêng đó.

Trả lời:

Mâu thuẫn trào phúng cơ bản của truyện: là mẫu thuẫn giữa chính quyền với người dân nghèo, giữa sự khuếch trương của bọn quan lại thực dân phong kiến với ước mong xin được ở nhà của người dân, giữa việc đi cổ vũ với việc tìm mọi cách chạy chọt để được ở nhà thậm chí trốn tránh.

Trên cơ sở những mâu thuẫn đó, mỗi cảnh tình riêng lại có những nét hài hước riêng:

- Anh Mịch không chỉ lạy lục van xin, mà lời lẽ của anh tha thiết đến năn nỉ ông lí xin không đi xem bóng đá. Đáp lại sự van xin của anh Mịch là thái độ dọa dẫm, phủ nhận của ông Lí: "kệ mày", ... Cái tinh thần thể dục kia chẳng biết vui vẻ đến mức nào, chỉ thấy bao người khốn khổ vì nó, đến cả ông lí cũng lo sốt vó "tao thương chúng mày thì ai thương tao".

- Bác Phô gái "dịu dàng đặt cành cau lên bàn", đây là lễ vật đến xin ông Lí "đừng bắt nhà con đi xem bóng đá vội", nhưng ông Lí cũng không chấp nhận. Đến cả người ốm cũng không tha. Thật khốn khổ và nực cười.

- Ở một hoàn cảnh khác, bà cụ Phó biếu ông lí ba hào để đút lót, mượn người đi thay. Đây cũng là dịp để bọn chức dịch "đục nước béo cò".

- Người có tiền thì vậy, người không có tiền thì xin, xin không được thì trốn sang làng bên lánh nạn. Thằng Cò phải ôm con nằm trong đống rơm. Nhưng cuối cùng cũng bị lôi ra.

Tất cả những chi tiết trong truyện đã tạo nên một tiếng cười trào phúng châm biếm sâu say vào thực tại xã hội. Tiếng cười đó Nguyễn Công Hoan muốn ném thẳng vảo mặt cái chế đọ thực dân thôi nát.Mâu thuẫn chính là một phong trào nghe có vẻ rất có ích những tại sao người dân lại phản đối và né tránh kịch liệt như vậy? Bởi rằng cách mà bọn thực dân làm như một trò hề, thể hiện sự lố lăng của bọn thực dân mang danh đi khai sáng văn hóa dân tộc Việt Nam. Một hành đồng phi văn minh chứ không giống cái danh của nó.

Câu 3 trang 177 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Hãy nêu ý nghĩa phê phán của truyện Tinh thần thể dục.

Trả lời:

Tinh thần thể dục phê phán thói giả dối, chính sách lừa bịp mị dân của bọn cầm quyền thực dân phong kiến. Trong khi cuộc sống của dân chúng vô cùng khốn khổ thì chính quyền tay sai thực dân lại bày đặt những trò thể thao xa xỉ.

Hướng dẫn soạn bài Tinh thần thể dục chi tiết

Gợi ý trả lời các câu hỏi đọc hiểu và soạn bài Tình thần thể dục chi tiết, đầy đủ trang 177 SGK Ngữ văn 11 tập 1.

Bài 1 trang 177 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Bố cục và cách dựng truyện của Nguyễn Công Hoan trong truyện ngắn trào phúng này có gì đặc biệt?

Trả lời:

Truyện ngắn được chia làm 6 đoạn như bố cục của một vở kịch, mỗi đoạn kể một nội dung:

- Đoạn 1 (Lệnh quan trên): Không giống những cái lệnh thông thường khác (bắt phu phen, thu thuế, bắt tội phạm...), lệnh ở đây quan trên sức giấy bắt người đi xem đá bóng. Lệnh quan rất đầy đủ, đúng nghi thức một văn bản hành chính quan trọng. Lệnh quy định rõ số lượng người phải có mặt, những việc người đi xem phải làm... Điều đó cho thấy quan trên rất coi trọng việc thể dục này.

- Đoạn 2 (Van xin): Anh Mịch van xin ông Lí thống thiết để miễn cho việc đi xem bóng đá vì anh còn phải đi làm trừ nợ cho ông Nghị nhưng không làm ông Lí động lòng.

- Đoạn 3 (Nài nỉ): Bác Phô gái xin ông Lí cho chồng mình không phải đi xem bóng đá với lí do ốm đau, còn mang cả cành cau biếu nhưng ông Lí cũng rất kiên quyết “Ốm gần chết cũng phải đi. Lệnh quan như thế. Ai cũng lấy cớ ốm yếu mà không đi, thì người ta đá bóng cho chó xem à?”.

- Đoạn 4 (Đút lót): Bà cụ Phó Bính có tiền hơn. Bà có ba hào để đút lót ông Lí, có tiền để thuê người đi thay. Vì vậy phản ứng của ông Lí nhã nhặn hơn. Ông không dọa nạt mà chỉ trách nhẹ “Làm việc mà cứ gặp phải những người như con bà, thì tôi đến chết mất”, sau khi đã bỏ ba hào vào túi.

- Đoạn 5 (Lùng sục): Các nhà chức trách tróc nã, bắt bớ người đi xem bóng mà vất vả hơn cả bắt lính. Không khí trong làng như có trận càn, đánh đập, quát tháo, chửi rủa.

- Đoạn 6 (Lên đường): Không khí của buổi lên đường cũng không vui vẻ gì. Những người không may mắn, không thể trốn thoát được phải tập trung xếp hàng năm để lên đường đi xem bóng đá. Họ bị giải đi như đoàn tù binh.

   Cách dựng truyện mang tính chất bi hài với nội dung cốt truyện đã bộc lộ được mẫu thuẫn giữa bản chất và hiện tượng, giữa nội dung và hình thức của phong trào thể dục thể thao do chính quyền Pháp phát động.

+ Sự thúc ép của các cấp chính quyền từ tỉnh xuống xã, việc hành hạ nhân dân tất cả chỉ để làm vừa lòng bọn thực dân kia.

+ Xem đá bóng không trên tinh thần tự nguyện mà phải bắt như tù binh cho đủ số người quy định

+ Bọn hương lí thừa cơ hội bòn rút tiền của của dân chúng.

+ Tinh thần thể dục diễn ra trong cảnh tượng rất hỗn độn, nhố nhăng của cái xã hội thối nát với tấn bi kịch cười ra nước mắt.

=> Đằng sau tiếng cười ấy, Nguyễn Công Hoan muốn cho người đọc thấy được những cảnh đời éo le, số phận thật đáng thương của những con người bị sống trong một xã hội nực cười đó.

Bài 2  trang 177 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Mâu thuẫn trào phúng cơ bản của truyện? Trên cơ sở của mâu thuẫn cơ bản đó, mâu thuẫn trào phúng riêng từng cảnh là gì? Phân tích truyện để làm rõ mâu thuẫn cơ bản và những mâu thuẫn riêng đó.

Trả lời:

* Mâu thuẫn trào phúng cơ bản của truyện:

Mâu thuẫn trào phúng cơ bản của truyện là mâu thuẫn giữa chính quyền với người dân nghèo, giữa sự khuếch trương của bọn quan lại thực dân phong kiến với ước mong xin được ở nhà của người dân, giữa việc đi cổ vũ với việc tìm mọi cách để được ở nhà thậm chí trốn tránh. Trên cơ sở những mâu thuẫn đó, mỗi cảnh riêng lại có những nét hài hước riêng.

* Mâu thuẫn trào phúng riêng của từng cảnh:

- Trát quan tri huyện về việc phải gom đủ người đi xem đá bóng. Nội dung tờ trát có nhiều điều nực cười bởi chứa đựng nhiều mâu thuẫn: lí trưởng phải đích thân dẫn đủ một trăm người có mặt ở sân vận động huyện từ 12 giờ trưa, làng Ngũ Vọng lại phải có năm lá cờ từ 10 giờ sáng, trong khi trận bóng khởi tranh vào giữa buổi chiều; ai đã “đi dự cuộc khánh thành sân thể dục tháng trước, thì lần này được miễn”, trong khi tưởng đó là hoạt động giải trí tự do; “các thầy không được coi thường, nếu không tuân lệnh sẽ bị cữu”, hoá ra đây là “việc quan” buộc các chức dịch phải đôn đốc thực hiện, nếu không quan trên sẽ khiển trách.

- “Phong trào thể dục thể thao” do chính quyền thực dân đề xướng thực chất là tai hoạ đối với những người nông dân Việt Nam:

+ Anh Mịch bày tỏ tình cảnh của mình với ông Lí: “Lạy ông, ông làm phúc tha cho con, mai con phải đi làm trừ nợ cho ông Nghị, kẻo ông ấy đánh chết”. Anh Mịch không chỉ lạy một lần mà lời lẽ của anh thiết tha “Cắn cỏ con lạy ông trăm nghìn mớ lạy” và “nếu không vợ con con chết đói”, đến năn nỉ “ông thương phận nào con nhờ phận ấy”.

Đáp lại sự van xin của anh Mịch là thái độ doạ dẫm, phủ nhận của ông Lí: “kệ mày”, đến “chết đói hay chết no tao đây không biết” và “tao thương chúng bay, nhưng ai thương tao”. Cái lệnh nghiêm ngặt và có vẻ quan trọng của tỉnh đường kéo theo bao phiền toái, đụng chạm đến phần cơm áo hằng ngày của đám dân quê khốn khổ. Cái tinh thần thể dục kia vui vẻ đến mức nào không biết chỉ thấy rằng bao nhiêu người đã khốn khổ vì nó. Ngay đến cả ông Lí cũng lo sốt vó “tao thương mày, nhưng ai thương tao”. Không chọn được đủ người thì ông cũng bị quở trách vì thế mà ông chẳng nương nhẹ với bất cứ ai mặc kệ hoàn cảnh của họ có éo le đến thế nào.

+ Khác với anh Mịch, Bác Phô gái “dịu dàng đặt cành cau lên bàn”, đây là lễ vật đến xin ông Lí: “lạy thầy nhà con thì chưa cắt cơn... lạy thầy quyền phép trong tay thầy, thầy tha cho nhà con đừng bắt nhà con đi xem bóng đá vội”. Bác Phô gái xin một hồi cũng không được ông Lí chấp thuận. Cái đáng cười là người ốm cũng không được tha, “ốm gần chết cũng phải đi. Lệnh quan như thế. Ai cũng lấy cớ ốm yếu mà không đi thì người ta đá bóng cho chó xem à".

+ Ở một hoàn cảnh khác, bà cụ Phó Bính mắt kèm nhèm vừa nói vừa cười rất vô duyên “thì lòng thành ông lí cứ nhận đi cho cháu”. Ông Lí nhăn mặt nhặt ba hào bỏ túi. Có người khôn ngoan đã dùng tiền để đút lót, mượn người đi thay, vậy cái tinh thần thể dục kia đâu có phải là tự giác. Đây cũng là dịp để bọn chức dịch kì hào như ông Lí nhà ta đây “đục nước béo cò”.

+ Người có tiền đã vậy, người không có tiền thì xin, không xin được thì trốn sang làng bên lánh nạn. Đó là trường hợp của thằng Cò. Thằng Cò phải ôm con nằm trong đống rơm. Thằng Cò trốn trong đống rơm cũng bị lôi ra. Tội nghiệp mà cũng không kìm được tiếng cười khi nghe thằng Cò nói với tuần đinh: "Tôi đi thì tôi mất cả ngày. Mai mà mất buổi làm thì tôi với cháu nhịn đói... mấy lị tôi không mượn đâu được quần áo”.

=> Dựng lên những hoàn cảnh này và qua lời thoại của các nhân vật, Nguyễn Công Hoan chĩa tiếng cười châm biếm đầy mỉa mai vào chính quyền thực dân và bọn phong kiến tay sai. Mặt khác nhà văn chia sẻ với người nghèo khổ, những nạn nhân của tinh thần thể dục giả tạo của bọn xâm lược.

- Khi kể và tả lại tình cảnh bi - hài của những người dân lành bị ép đi xem đá bóng, tuỳ theo thành phần, giới tính, lứa tuổi, hoàn cảnh,… của từng nhân vật, nhà văn đã lựa chọn, sử dụng từ ngữ, chi tiết chính xác, gợi cảm và vận dụng đắc địa các biện pháp nghệ thuật tương thích. Nhờ vậy, tình huống trào phúng nào cũng rất cụ thể, rất sống động.

- Sự “mẫn cán”, “tận tâm” của viên lí trưởng: “Phong trào thể dục thể thao” thời đó là một cơ hội béo bở để các loại chức dịch trong các làng xã thể hiện sự “mẫn cán” với các quan trên và lòng “tận tâm” của chúng với quê hương, làng nước. => Bản chất cơ hội “đục nước béo cò” của bọn quan lại đó được ngòi bút trào phúng sắc sảo của Nguyễn Công Hoan lột tả đến chân xác không thương tiếc.

Bài 3 trang 177 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Hãy nêu ý nghĩa phê phán của truyện Tinh thần thể dục.

Trả lời:

Từ mâu thuẫn giữa việc phải đi cổ vũ cho cái “tinh thần thể dục” và thái độ cự tuyệt, trốn tránh kiên quyết của người dân, truyện làm bật lên tiếng cười hài hước châm biếm hướng đến chính quyền thực dân và bè lũ phong kiến, tay sai. Truyện góp phần làm lật tẩy âm mưu của bọn thực dân khi chúng bày ra cái gọi là "phong trào thể thao", "sức khỏe nòi giống" nhưng thực chất là đánh lạc hướng thanh niên, làm phân tán tinh thần đấu tranh và nhiệm vụ cứu nước của họ lúc đó. Trong khi cuộc sống của dân chúng vô cùng khốn khổ thì chính quyền tay sai thực dân lại bày đặt những trò thể thao xa xỉ.

>> Hướng dẫn soạn bài Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài

Hướng dẫn soạn bài Tinh thần thể dục nâng cao

Gợi ý trả lời các câu hỏi đọc hiểu và soạn bài Tình thần thể dục chương trình nâng cao được Đọc tài liệu tiếp tục cập nhật. Mời các em tham khảo sau.

Kiến thức cơ bản về tác giả, tác phẩm

I. Tác giả

1. Cuộc đời

- Nguyễn Công Hoan (1903 - 1977) quê ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, sinh trưởng trong một gia đình quan lại phong kiến xuất thân khoa bảng bắt đầu sa sút.

- Ông kiếm sống bằng nghề dạy học và bắt đầu sự nghiệp sáng tác vào năm 1920, nổi tiếng với tập truyện ngắn Kép tư bền (1935).

- Sau cách mạng, ông tiếp tục hoạt động trên lĩnh vực báo chí, văn học. Ông được bầu làm Chủ tịch Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (1957-1958).

2. Sự nghiệp văn học

- Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Công Hoan khá đồ sộ. Ông để lại hơn 20 tiểu thuyết và khoảng 200 truyện ngắn.

+ Truyện ngắn: Kép tư bền (1935), Hai thằng khốn nạn (1937), Người vợ lẽ bạn tôi (1937),...

+ Tiểu thuyết: Lá ngọc cành vàng (1935), Ông chủ (1935), Bước đường cùng (1938),...

- Các tác phẩm của ông tập trung phê phán thói hư tật xấu trong xã hội cũ, là bộ bách khoa thư sống động về xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc. Đối tượng phê phán của ông chủ yếu là bọn nhà giàu, quan lại, tư sản.

- Nguyễn Công Hoan là người có nhiều đóng góp vào sự phát triển của văn xuôi quốc ngữ.

3. Phong cách nghệ thuật

- Nguyễn Công Hoan có phong cách của một nhà văn hiện thực bậc thầy.

- Ông là một cây bút sáng tạo dồi dào, dẻo dai, độc đáo, đậm bản sắc dân tộc; đặc biệt sở trường về truyện ngắn trào phúng.

- Là một cây bút trào phúng xuất sắc, Nguyễn Công Hoan sử dụng tiếng cười để đả phá ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp và bè lũ tay sai.

II. Tác phẩm

1. Hoàn cảnh xuất xứ

- Truyện ngắn Tinh thần thể dục lần đầu xuất hiện trên tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy số 251, ra ngày 25 – 3 – 1939, vạch rõ tính chất bịp bợm của “phong trào thể dục thể thao” mà thực dân Pháp cổ động rầm rộ nhằm đánh lạc hướng thanh niên đương thời.

2. Nội dung chính

- Truyện miêu tả mâu thuẫn giữa một bên là chính quyền thực dân và bọn chức dịch kì hào cổ vũ, khuếch trương phong trào thể dục. Mà cụ thể là giữa một bên là bóng đá với một bên là tình cảnh khốn khó và tìm cách thoái thác của người dân nghèo khổ để làm bật lên tiếng cười mỉa mai, châm biếm.

=> Phê phán sự giả dối, bịp bợm, vạch rõ tư tưởng mị dân của chế độ thực dân phong kiến.

3. Bố cục

Truyện ngắn có thể chia làm 3 phần:

+ Phần 1 (từ đầu... Lê Thăng): lệnh của quan trên qua trát quan tới làng

+ Phần 2 (tiếp… “Vâng”): Những người bị bắt đi xem bóng trực tiếp van xin ông lí

+ Phần 3 (còn lại): Cảnh lùng sục, bắt người đi xem bóng

Tổng kết

  • Truyện Tinh thần thể dục đả kích phong trào thể thao bịp bợm do thực dân chủ trương, bọn tay sai mẫn cán ra sức thực hiện trở thành tai họa khốn khổ cho nông dân. Trong khi cuộc sống của dân chúng vô cùng khốn khổ thì chính quyền tay sai thực dân lại bày đặt những trò thể thao xa xỉ.
  • Truyện khẳng định tài năng trào phúng bậc thầy của Nguyễn Công Hoan thể hiện trong cách bố cục, dựng truyện, sáng tạo những tình huống trào phúng độc đáo và giọng văn kể chuyện rất hóm hỉnh.

//Trên đây là nội dung chi tiết bài soạn Tinh thần thể dục (Nguyễn Công Hoan) do Đọc Tài Liệu tổng hợp và biên soạn. Mong rằng nội dung của bài hướng dẫn soạn văn 11 bài Tinh thần thể dục này sẽ giúp các em ôn tập và nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học. Chúc các em luôn đạt được những kết quả cao trong học tập.

[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Tinh thần thể dục một cách tốt nhất. "Trong cách học, phải lấy tự học làm cố" - Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM