Bài soạn Thực hành về thành ngữ, điển cố dưới đây sẽ củng cố lại cho các em những kiến thức về thành ngữ, điển cố, gợi ý cách làm các bài tập luyện tập trong SGK để nâng cao kỹ năng lĩnh hội, sử dụng đúng cách và phân tích được giá trị biểu hiện của những thành ngữ, điển cố thông dụng.
Với những hướng dẫn chi tiết trả lời câu hỏi sách giáo khoa Ngữ văn 11 tập 1dưới đây các em không chỉ soạn bài tốt mà còn nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học này.
Cùng tham khảo...
Soạn bài Thực hành về thành ngữ, điển cố ngắn gọn nhất
Gợi ý trả lời câu hỏi bài tập Thực hành về thành ngữ, điển cố một cách ngắn gọn nhất trang 66, 67 SGK Ngữ văn 11 tập 1.
Câu 1 trang 66 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Tìm thành ngữ trong đoạn thơ sau, phân biệt với từ ngữ thông thường về cấu tạo và đặc điểm ý nghĩa.
"Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công."
(Trần Tế Xương - Thương vợ)
Trả lời:
Trong đoạn thơ trích từ bài Thương vợ của Trần Tế Xương, tác giả đã sử dụng các thành ngữ:
– Một duyên hai nợ: hàm ý nói lên sự vất vả của bà Tú khi phải một mình đảm đương tất cả công việc gia đình để nuôi cả chồng và con.
– Năm nắng mười mưa: chỉ sự vất vả, cực nhọc.
So với các thành ngữ thông thường như cách giải nghĩa ở trên, các thành ngữ ngắn gọn, cô đọng, thể hiện sự khái quát và có giá trị biểu cảm cao hơn. Đồng thời cũng khắc họa được rõ nét hình ảnh người vợ tần tảo, đảm đang trong công việc gia đình.
Câu 2 trang 66 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Phân tích giá trị nghệ thuật của các thành ngữ in đậm trong các câu thơ sau:
- Người nách thước, kẻ tay đao,
Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi.
- Một đời được mấy anh hùng
Bõ chi cá chậu chim lồng mà chơi!
- Đội trời đạp đất ở đời
Họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông.
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
Trả lời:
– Đầu trâu mặt ngựa: biểu hiện tính hung hãn, dã man của bọn nha lại trong hoàn cảnh gia đình Kiều bị oan
– Chim lồng cá chậu: cảnh sống tù túng, chật hẹp, mất tự do, vẻ ngoài cuộc sống tỏ ra hào nhoáng, hoa mĩ
– Đội trời đạp đất: biểu hiện lối sống và hành động tự do, không chịu sự bó buộc, khuất phục trước uy quyền
Câu 3 trang 66 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Đọc lại chú thích về những điển cố in đậm ở hai câu thơ sau trong bài Khóc Dương Khuê và cho biết thế nào là điển cố ?
Giường kia treo cũng hững hờ
Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn.
Trả lời:
Hai điển cố Giường kia, Đàn kia đều được dùng để nói về tình bạn thắm thiết, keo sơn. Chữ dùng ngắn gọn mà hàm ý sâu xa.
Điển cố chính là những sự việc trước đây hay những câu chữ trong sách đời trước được dẫn ra và sử dụng lồng ghép vào bài văn, vào lời nói để nói về những điều tương tự. Mỗi điển cố như một việc tiêu biểu, điển hình mà chỉ cần nhắc đến đã chứa đựng điều mà người nói muốn diễn đạt.
Câu 4 trang 67 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Dựa vào chú thích trong các văn bản đã học, hãy phân tích tính hàm súc, thâm thuý của các điển cố.
- Sầu đong càng lắc càng đầy,
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê.
- Nhớ ơn chín chữ cao sâu,
Một ngày một ngả bóng dâu tà tà.
- Khi về hỏi liễu Chương Đài,
Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay.
- Bấy lâu nghe tiếng má đào,
Mắt xanh chẳng để ai vào có không ?
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
Trả lời:
– Ba thu: điển cố này lấy ý từ câu thơ trong Kinh Thi: Nhất nhật bất biến kiến như tam thu hề (Một ngày không thấy mặt nhau lâu như ba mùa thu) – nói về nỗi nhớ nhung da diết của con người. Đùng điển cố này, câu thơ trong truyện Kiều muốn nói: Khi chàng Kim Trọng đã tương tư Thúy Kiều thì một ngày không thấy mặt nhau cảm giác lâu như ba năm vậy.
– Chín chữ: Kinh Thi kể chín chữ nói về công ơn của cha mẹ đối với con cái: sinh, cúc, phủ, súc, trưởng, dục, cố, phục, phúc. Thúy Kiều nghĩ đến công lao của cha mẹ đối với mình, mà Kiều thì sống nơi đất khách, chưa có dịp đền đáp công lao của cha mẹ.
– Liễu Chương Đài: Gợi chuyện xa xưa của người đi làm quan ở xa, viết thư về thăm vợ con với câu: Cây liễu ở Chương Đài xưa xanh xanh – Nay có còn không – Hay là tay khác đã vịn bẻ mất rồi?. Điển cố để diễn tả tâm trạng của Thúy Kiều khi nàng nghĩ đến cảnh Kim Trọng trở về chốn hẹn xưa thì Kiều đã thuộc về người khác.
– Mắt xanh: Chuyện xưa kể rằng Nguyễn Tịch đời Tấn quý ai thì tiếp bằng mắt xanh (lòng đen của mắt), không ưa ai thì mắt trắng (lòng trắng). Dẫn điển cố này để nói về cách nhìn nhận của Từ Hải về phẩm giá của nàng Kiều; mặc dù phải sống trong chốn lầu xanh, phải tiếp nhiều khách làng chơi, nhưng nàng chưa hề quý ai.
Câu 5 trang 67 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Thay thế các thành ngữ bằng những từ ngữ thông thường. Nhận xét về hiệu quả diễn đạt.
a) Này các cậu đừng có mà ma cũ bắt nạt ma mới. Cậu ấy vừa mới chân ướt chân ráo đến, mình phải tìm cách giúp đỡ chứ
b) Họ không đi tham quan, không đi thực tế kiểu cưỡi ngựa xem hoa mà đi chiến đấu thực sự, đi làm nhiệm vụ của những chiến sĩ bình thường...
Trả lời:
a. Này các cậu, đừng có cho mình là người cũ mà bắt nạt người mới tới. Cậu ấy vừa mới đến, còn lạ lẫm, mình phải tìm cách giúp đỡ chữ.
b. Họ không đi tham quan, không đi thực tế theo kiểu đại khái, qua loa mà đi chiến đấu thực sự, đi làm nhiệm vụ của những chiến sĩ bình thường.
Câu 6 trang 67 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Đặt câu với mỗi thành ngữ sau:
- Mẹ tròn con vuông
- Trứng mà đòi khôn hơn vịt
- Nấu sử sôi kinh
- Lòng lang dạ thú
- Phú quý sinh lễ nghĩa
- ....
Trả lời:
- Nói với đứa không biết suy nghĩ như nó thì có khác gì nước đổ đầu vịt đâu.
- Mừng cho nó mẹ tròn con vuông.
- Ngẫm cũng thấy mừng cho nó. Suốt mấy năm nấu sử sôi kinh, giờ thì đã công thành danh toại.
Câu 7 trang 67 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Đặt câu với mỗi điển cố sau:
- Gót chân Asin
- Nợ như chúa chổm
- Đẽo cày giữa đường
- Gã Sở Khanh
- Sức trai Phù Đổng
Trả lời:
– Dạo này nó nợ nần như chúa Chổm.
– Đã là con người ai cũng có gót chân A-sin của mình.
– Khổ thân con bé tự nhiên gặp phải thằng Sở Khanh.
Soạn bài Thực hành về thành ngữ, điển cố chi tiết
Bài 1 trang 66 SGK Ngữ văn 12 tập 1
Tìm thành ngữ trong đoạn thơ sau, phân biệt với từ ngữ thông thường về cấu tạo và đặc điểm ý nghĩa.
"Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công."
(Trần Tế Xương - Thương vợ)
Trả lời:
Tác giả đã sử dụng hai thành ngữ:
- Một duyên hai nợ: Hàm ý nói lên sự vất vả của bà Tú khi phải một mình đảm đương tất cả công việc gia đình để nuôi cả chồng và con.
- Năm nắng mười mưa: Chỉ sự vất vả, cực nhọc khi phải làm việc ngoài trời với thời tiết khắc nghiệt.
Nếu so sánh với các từ ngữ thông thường như cách giải nghĩa ở trên, ta thấy các thành ngữ ngắn gọn, cô đọng, thể hiện sức khái quát và có giá trị biểu cảm cao hơn.
Nhờ việc sử dụng hai thành ngữ, kết hợp với các cụm từ cũng có dáng dấp thành ngữ như lặn lội thân cò, eo sèo mặt nước, tác giả đã khắc hoạ rõ nét hình ảnh người vợ vất vả, tần tảo, đảm đang, tháo vát trong công việc gia đình.
Bài 2 trang 66 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Phân tích giá trị nghệ thuật của các thành ngữ in đậm trong các câu thơ sau:
- Người nách thước, kẻ tay đao,
Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi.
- Một đời được mấy anh hùng
Bõ chi cá chậu chim lồng mà chơi!
- Đội trời đạp đất ở đời
Họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông.
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
Trả lời:
a) Thành ngữ được sử dụng là: "Đầu trâu mặt ngựa". Thành ngữ này đã biểu đạt được tính chất hung bạo, thú vật và sự vô lại, vô tổ chức của bọn quan quân khi chúng kéo đến nhà Thúy Kiều khi gia đình nàng bị vu oan.
Qua việc sử dụng thành ngữ này, nhà thơ còn thể hiện được thái độ phủ định của mình đối với những loại người “đâm thuê chém mướn” trong xã hội phong kiến, cái thời Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng nhưng thực chất lại chứa đầy hiểm nguy, bất trắc.
b) Ở hai câu: "Một đời được mấy anh hùng - Bõ chi cá chậu chim lồng mà chơi!" (Truyện Kiều - Nguyễn Du), thành ngữ được sử dụng là "Cá chậu chim lồng". Thành ngữ này đã biểu hiện được cảnh sống tù túng chật hẹp, mất tự do tuy bề ngoài có vẻ hào nhoáng, hoa mĩ.
c) Thành ngữ "Đội trời đạp đất" đã biểu hiện được sự ngang tàng, ý chí và lối sống tự do, không chịu khuất phục bất cứ uy quyền nào của Từ Hải.
Bài 3 trang 66 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Đọc lại chú thích về những điển cố in đậm ở hai câu thơ sau trong bài Khóc Dương Khuê và cho biết thế nào là điển cố ?
Giường kia treo cũng hững hờ
Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn.
Trả lời:
Hai điển cố được sử dụng là:
- Giường kia: Mượn ý từ câu chuyện về Trần Phồn đời Hậu Hán. Trần Phồn có bạn là Tử Trĩ. Phồn quý bạn đến mức dành riêng cho bạn một chiếc giường, khi bạn đến chơi thì hạ xuống, lúc về thì lại treo giường lên.
- Đàn kia: Mượn ý từ câu chuyện kể về tình bạn giữa Bá Nha và Chung Tử Kì. Bá Nha là người đàn giỏi, trong khi đó Chung Tử Kì chỉ cần nghe tiếng đàn mà có thể hiểu được tâm sự và suy nghĩ của bạn. Khi Chung Tử Kì mất, Bá Nha đã treo đàn không gảy nữa vì cho rằng không có ai hiểu được tiếng đàn của mình.
Cả hai điển cố nêu trên đều được dùng để nói về tình bạn thắm thiết, keo sơn. Chữ dùng ngắn gọn mà hàm ý sâu xa. Điển cố chính là những sự việc trước đây hay câu chữ trong sách đời trước được dẫn ra và sử dụng lồng ghép vào bài văn, vào lời nói để nói về những điều tương tự. Mỗi điển cố như một sự việc tiêu biểu, điển hình mà chỉ cần nhắc đến đã chứa đựng điều mà người nói muốn diễn đạt.
Rút ra kết luận điển cố là những câu chuyện cũ đã trở thành mẫu mực cho một cách ứng xử nào đấy mà đời sau luôn noi theo.
Bài 4 trang 67 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Dựa vào chú thích trong các văn bản đã học, hãy phân tích tính hàm súc, thâm thuý của các điển cố.
- Sầu đong càng lắc càng đầy,
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê.
- Nhớ ơn chín chữ cao sâu,
Một ngày một ngả bóng dâu tà tà.
- Khi về hỏi liễu Chương Đài,
Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay.
- Bấy lâu nghe tiếng má đào,
Mắt xanh chẳng để ai vào có không ?
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
Trả lời:
- Ba thu: Điển cố này lấy ý từ câu thơ trong Kinh Thi "Nhất nhật bất kiến như tam thu hề" (Một ngày không thấy mặt nhau lâu như ba mùa thu) - nói về nỗi nhớ nhung da diết của con người. Dùng điển cố này, câu thơ trong Truyện Kiều muốn nói ý: Khi chàng Kim đã tương tư Thuý Kiều thì một ngày không thấy mặt nhau cảm giác lâu như ba năm vậy.
- Chín chữ: Kinh Thi kể chín chữ nói về công lao của cha mẹ đối với con cái (sinh, cúc, phú, súc, trưởng, dục, cố, phục, phúc). Dẫn điển tích này, Thuý Kiều nghĩ đến công lao của cha mẹ đối với bản thân mình. Cha mẹ đang thương nhớ lo lắng cho mình, còn mình thì biền biệt nơi đất khách, chưa hề báo đáp được ơn sinh thành của mẹ cha.
- Liễu Chương Đài: Gợi chuyện xưa của người đi làm quan ở xa, viết thư về cho vợ có câu "Cây liễu ở Chương Đài xưa xanh xanh, nay có còn không, hay là tay khác đã vin bẻ mất rồi?". Dẫn đến điển tích này, Kiều mường tượng đến cảnh Kim Trọng trở lại thì Kiều đã thuộc về người khác rồi.
- Mắt xanh: Chuyện xưa kể rằng Nguyễn Tịch đời Tấn quý ai thì tiếp bằng mắt xanh (lòng đen của mắt), không ưa ai thì tiếp bằng mắt trắng (lòng trắng). Dẫn điển tích này, Từ Hải muốn nói với Kiều rằng chàng biết Kiều ở chốn lầu xanh, hằng ngày phải tiếp khách làng chơi nhưng nàng chưa hề ưa ái, bằng lòng với ai. Câu nói của Từ thể hiện lòng quý trọng và sự đề cao phẩm giá của Thuý Kiều.
Bài 5 trang 67 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Thay thế các thành ngữ bằng những từ ngữ thông thường. Nhận xét về hiệu quả diễn đạt.
a) Này các cậu đừng có mà ma cũ bắt nạt ma mới. Cậu ấy vừa mới chân ướt chân ráo đến, mình phải tìm cách giúp đỡ chứ
b) Họ không đi tham quan, không đi thực tế kiểu cưỡi ngựa xem hoa mà đi chiến đấu thực sự, đi làm nhiệm vụ của những chiến sĩ bình thường...
Trả lời:
a) Câu này có hai thành ngữ:
- Ma cũ bắt nạt ma mới: Người cũ cậy quen biết nhiều mà lên mặt, bắt nạt, doạ dẫm người mới đến. Có thể thay bằng cụm từ: bắt nạt người mới.
- Chân ướt chân ráo: Vừa mới đến, còn lạ lẫm. Có thể thay bằng chính những từ vừa giải thích hoặc mới đặt chân đến.
b) Trong câu có thành ngữ:
Cưỡi ngựa xem hoa: chỉ việc làm qua loa, không đi sâu tìm hiểu kĩ càng, thấu đáo. Có thể thay bằng cụm từ: Qua loa.
Nhìn chung nếu thay các thành ngữ bằng những từ ngữ tương đương thông thường thì chỉ mới có thể đảm bảo được phần nghĩa cơ bản mà không thể đảm bảo được phần sắc thái biểu cảm. Hơn thế, câu nói cũng mất đi tính hình tượng và sự diễn đạt lại có thể phải dài dòng.
Bài 6 trang 67 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Đặt câu với mỗi thành ngữ sau:
- Mẹ tròn con vuông
- Trứng mà đòi khôn hơn vịt
- Nấu sử sôi kinh
- Lòng lang dạ thú
- Phú quý sinh lễ nghĩa
- ....
Trả lời:
Tìm hiểu kĩ ý nghĩa cũng như cách dùng thành ngữ trước khi đặt câu:
- Mẹ tròn con vuông: sinh nở an toàn
- Trứng mà đòi khôn hơn vịt: những kẻ tự cao tự đại luôn tỏ ra vẻ thông minh hơn những người đã từng có kinh nghiệm
- Nấu sử sôi kinh: dày công học tập, luyện rèn
- Lòng lang dạ thú: những người có lòng dạ độc ác giống như những loài thú (sói)
- Phú quý sinh lễ nghĩa: giàu có sinh ra nghi lễ (phiền hà)
- Dĩ hòa vi quý: lấy hòa hảo làm điều quý
- Nước đổ đầu vịt: dùng lời nói của mình để khuyên răn, dạy bảo ai đó mà người đó không hiểu hay không có tác dụng gì đối với họ
- Đi guốc trong bụng: hiểu rõ những ý nghĩ, nội tâm của đối phương.
- Con nhà lính tính nhà quan: ám chỉ những người thích sống và ăn ở theo phong cách nhà quan mà không biết thân phận của mình là gì.
- Thấy người sang bắt quàng làm họ: những kẻ tham lam, ham hư vinh khi nhìn thấy người giàu sang, có tiếng tăm thì sẽ lại nhận quen biết, thân thiết.
Có thể tham khảo một số câu sau:
- Nói với đứa không biết suy nghĩ như nó thì có khác gì nước đổ đầu vịt đâu.
- Cậu có nói nữa thì cũng như nước đổ đầu vịt thôi.
- Con hãy làm theo lời khuyên của mẹ đi, trứng mà đòi khôn hơn vịt à.
- Cháu đúng là đồ trứng khôn hơn vịt.
- Mừng cho nó mẹ tròn con vuông.
- Chúng tôi mong cho nó mẹ tròn con vuông.
- Ngẫm cũng thấy mừng cho nó. Suốt mấy năm nấu sử sôi kinh, giờ thì đã công thành danh toại.
- Nó cứ nấu sử sôi kinh thì có ngày sẽ đỗ đạt.
- Mẹ con Cám là những người lòng lang dạ thú, luôn tìm cách hãm hại Tấm.
- Cô ả ấy đúng là lòng lang dạ thú.
- Việc nhỏ ấy đâu cần phải quà cáp cảm ơn chị, em cứ phú quý sinh lễ nghĩa.
- Con người ta ở đời, ai mà chả phú quý sinh lễ nghĩa.
- Lan biết hết mọi chuyện rồi, chị ấy đi guốc trong bụng anh mà.
- Hắn nói như đi guốc trong bụng cô ta.
- Làng xóm cần giữ tinh thần đoàn kết, vui vẻ, dĩ hòa vi quý là tốt nhất
- Phương châm sống của hắn ta là dĩ hòa vi quý.
- Nhà nghèo mà đòi mua sắm đồ hiệu, đúng là con nhà lính tính nhà quan.
- Cái loại nghèo rớt mồng tơi như hắn, nhưng lại quen thói con nhà lính tính nhà quan.
- Tôi không quen biết chị, đừng thấy người sang bắt quàng làm họ nhé!
- Thái độ xum xoe niềm nở của thằng cha đó, thật đúng là thấy người sang bắt quàng làm họ.
Bài 7 trang 67 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Đặt câu với mỗi điển cố sau:
- Gót chân Asin
- Nợ như chúa chổm
- Đẽo cày giữa đường
- Gã Sở Khanh
- Sức trai Phù Đổng
Trả lời:
Tìm hiểu kĩ ý nghĩa của các điển cố và cách dùng trước khi đặt câu.
- Gót chân Asin: chỉ nhược điểm của con người
- Nợ như chúa Chổm: nợ nần quá nhiều không trả được
- Đẽo cày giữa đường: không có chính kiến
- Gã Sở Khanh: tên lừa đảo
- Sức trai Phù Đổng: sức khỏe vô địch
Có thể tham khảo một số câu sau:
- Dạo này nhà em nợ như chúa Chổm bác ạ!
- Hắn không còn một xu mà lại còn nợ như chúa Chổm.
- Bên làng Đông dường như đã kịp tìm ra cái gót chân A-sin của đối phương rồi.
- Thằng cha đó bị hạ gục rồi, cô ta đã điểm trúng gót chân A-sin của hắn.
- Khổ thân em tôi, tránh đến thế rồi mà cuối cùng vẫn gặp một gã Sở Khanh.
- Gã Sở Khanh kia đã nẫng mất cô nàng đỏng đảnh ấy rồi.
- Anh cần quyết định dứt khoát công việc của mình, đừng nghe người khác mà cứ đẽo cày giữa đường.
- Ai bảo gì hắn cũng nghe, đúng là đẽo cày giữa đường.
- Với sức trai Phù Đổng, thế hệ trẻ chính là lực lượng xây dựng đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.
- Lớp trẻ đang tấn công vào lĩnh vực công nghệ thông tin bằng sức trai Phù Đổng.
Nhắc lại kiến thức cơ bản về thành ngữ, điển cố
I. Thành ngữ
- Khái niệm: Thành ngữ là loại cụm từ cố định, có vai trò tổ chức câu tương đương với từ và cụm từ tự do.
- Tác dụng: Việc vận dụng thành ngữ tạo nên tính chất dân dã, mộc mạc, bình dị mà vẫn sâu sắc.
- Đặc điểm của thành ngữ:
+ Tính hình tượng: Thành ngữ thường dùng cách nói có hình ảnh cụ thể, thông qua những hình ảnh cụ thể
+ Tính khái quát về nghĩa: có mục đích nói về những điều có tính khái quát cao, có chiều sâu và bề rộng. Nghĩa của thành ngữ thường mang tính triết lí sâu sắc, thâm thúy, hàm súc.
+ Tính biểu cảm: Mỗi thành ngữ thường có sắc thái biểu cảm, thể hiện cả thái độ đánh giá và tình cảm của con người
+ Tính cân đối và có thể có vần điệu: làm cho thành ngữ dễ đọc, dễ nhớ.
Xem lại chi tiết kiến thức về thành ngữ qua nội dung soạn bài Thành ngữ lớp 7 đã học ở THCS.
II. Điển cố
- Khái niệm: Điển cố là những sự kiện, sự tích cụ thể trong các văn bản quá khứ hoặc trong cuộc sống có tính khái quát cao về một nét tính cách, một hành động, một lối sống... nào đó trong cuộc sống.
- Tác dụng: Việc sử dụng điển cố, điển tích tạo nên tính chất bác học, ước lệ tượng trưng, tính trang nhã, cổ kính cho những sáng tác thơ văn của tác giả.
- Đặc điểm của điển cố:
+ Có hình thức cô đọng, hàm súc, có thể là một từ hoặc một cụm từ.
+ Không có tính chất cố định về cấu tạo như thành ngữ.
+ Muốn sử dụng và hiểu được thành ngữ cần phải có vốn văn hóa, vốn sống sâu rộng.
Tổng kết
- Trong lời nói hàng ngày cũng như trong các tác phẩm văn chương, chúng ta thường sử dụng những tập hợp từ đã trở nên cố định để diễn đạt một ý nghĩa nào đó. Đó là khi chúng ta đã vận dụng thành ngữ, điển cố.
- Bài học này nhằm mục đích rèn luyện kĩ năng sử dụng thành ngữ, điển cố trong đời sống cũng như trong văn học.
// Trên đây là nội dung chi tiết soạn bài Thực hành về thành ngữ, điển cố do Đọc Tài Liệu biên soạn gửi tới các em. Mong rằng nội dung của bài hướng dẫn soạn văn 11 bài Thực hành về thành ngữ, điển cố này sẽ giúp các em ôn tập và nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học. Chúc các em luôn đạt được những kết quả cao trong học tập.
[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể tự soạn bài Thực hành về thành ngữ, điển cố một cách tốt nhất. "Trong cách học, phải lấy tự học làm cố" - Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.