Thực hành các phép tu từ: Phép điệp và phép đối

Xuất bản: 17/07/2019 - Cập nhật: 18/07/2022 - Tác giả:

Hướng dẫn soạn bài Thực hành các phép tu từ: Phép điệp và phép đối, gợi ý trả lời câu hỏi trang 124 sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 10 tập 2.

 Bài soạn Thực hành các phép tu từ: Phép điệp và phép đối do Đọc Tài Liệu biên soạn bao gồm tóm tắt những kiến thức cơ bản về cách dùng phép điệp và phép đối, rèn luyện kĩ năng phân tích và sử dụng hai phép tu từ này thông qua việc trả lời các câu hỏi và bài tập trong SGK.

A- Kiến thức cơ bản cần nắm vững

I. Phép điệp (điệp ngữ)

- Khái niệm: Phép điệp là biện pháp tu từ lặp lại một yếu tố diễn đạt (vần, âm, thanh, từ, cụm từ, câu) nhằm nhấn mạnh, biểu đạt cảm xúc và ý nghĩa, có khả năng gợi hình tượng nghệ thuật.

- Các hình thức điệp:

+ Điệp âm

+ Điệp vần

+ Điệp thanh

+ Điệp từ

+ Điệp ngữ

+ Điệp cấu trúc cú pháp

- Tác dụng của phép điệp: gợi hình ảnh, mô phỏng âm thanh, tạo sự nhấn mạnh, hoặc tạo ra sự liệt kê...

II. Phép đối

- Phép đối là cách xếp đặt từ ngữ, cụm từ và câu ở vị trí cân xứng nhau để tạo hiệu quả giống nhau hoặc trái ngược nhau nhằm gợi ra một vẻ đẹp hoàn chỉnh và hài hoà trong diễn đạt để hướng đến làm nổi bật một nội dung ý nghĩa nào đó.

- Các kiểu đối:

+ Tiểu đối (tự đối): Các yếu tố đối xuất hiện trong nội bộ một câu, một dòng

+ Trường đối (bình đối ): dòng trên và dòng dưới, đoạn trên và đoạn dưới đối nhau

- Tác dụng của phép đối: Gợi sự phong phú về ý nghĩa (tương đồng và tương phản), tạo ra sự hài hoà về thanh, nhấn mạnh ý.

B- Hướng dẫn trả lời câu hỏi bài tập thực hành các phép tu từ: Phép điệp và phép đối

I. Luyện tập về phép điệp (điệp ngữ)

Câu 1. Đọc các ngữ liệu (1) và (2) mục 1.1 (SGK trang 124) và trả lời câu hỏi.

a) - Trong ngữ liệu (1), “nụ tầm xuân” được lặp lại nguyên vẹn. Nếu thay thế bằng “hoa tầm xuân” hay “hoa cây này" thì câu thơ sẽ có như thế nào ?

- Cũng ở ngữ liệu (1):

Bây giờ em đã có chồng,

Như chim vào lồng, như cá mắc câu

Cá mắc câu biết đâu mà gỡ

Chim vào lồng biết thuở nào ra

Vì sao có sự lặp lại ở hai câu sau ? Nếu không lặp lại như vậy thì sự so sánh đã rõ ý chưa ? Cách lặp này có giống với "nụ tầm xuân" ở câu trên không ?

b) Trong các câu ở ngữ liệu (2), việc lặp từ có phải là phép điệp tu từ không ?Việc lặp từ ở những câu đó có tác dụng gì ?

c) Phát biểu định nghĩa về phép điệp.

Trả lời:

a)

- Trong ngữ liệu (1), “nụ tầm xuân” được lặp lại nguyên vẹn. Nếu thay thế bằng “hoa tầm xuân” hay “hoa cây này" thì câu thơ sẽ có một số thay đổi:

+ Về ý: “nụ tầm xuân” khiến ta liên tưởng tới người con gái. “Nụ tầm xuân” nở cũng như “em có chồng rồi”. Nếu thay như trên thì cơ sở để liên tưởng sẽ bị mờ nhạt, ý câu thơ sẽ chỉ như tả một loài vậy. Sự lặp lại nguyên vẹn ở câu thứ hai và câu thứ ba có tác dụng vừa nhấn mạnh, vừa làm cho ý thơ, nhịp thơ dường như chững lại, nó góp phần diễn tả sự hụt hẫng, sự thảng thốt trong tâm trạng của chàng trai khi được tin người con gái mình yêu đi lấy chồng.

+ Về nhạc điệu: Thực chất ba câu đầu không có vần nhưng đọc lên ta không cảm giác thấy điều đó là vì phép điệp ngữ đã tạo nên một thứ nhạc riêng mà nếu thay như trên thì thứ âm nhạc này sẽ bị phá vỡ.

Cũng trong ngữ liệu (1), bốn câu cuối có sự lặp lại hai cụm từ “chim vào lồng” và “cá mắc câu”

+ Sự lặp lại này nhằm nhấn mạnh tình cảnh “cá chậu, chim lồng”, nỗi chua xót, sự lệ thuộc, bế tắc về bi kịch hôn nhân tình yêu của người phụ nữ thời phong kiến.

+ Nếu không lặp lại như thế thì sự so sánh cũng đã rõ ý. Nhưng việc lặp lại đã tô đậm thêm một lần nữa ý so sánh. Qua đó, cô gái muốn khẳng định với chàng trai về tình cảnh không thay đổi của mình.

+ Cách lặp ở đây không giống với cách lặp ở câu trên. Đoạn trên, cụm từ “nụ tầm xuân” ở cuối câu này được lặp lại ở đầu câu kia. Đoạn dưới, hai cụm từ thuộc hai vế trong cùng một câu được lặp lại ở đầu mỗi câu tiếp theo, trong đó đầu câu thứ nhất lặp lại cụm thứ hai (cá mắc câu) và đầu câu thứ hai lặp lại cụm thứ nhất (chim sổ lồng).

b) Trong các câu ở ngữ liệu (2), việc lặp từ không phải là phép điệp tu từ mà chỉ đơn thuần là nhằm tạo nên tính đối xứng và tính nhịp điệu, diễn đạt rõ ý cho câu nói mà thôi.

c) Phát biểu định nghĩa về phép điệp:  Phép điệp là biện pháp tu từ được xây dựng bằng cách lặp lại một hoặc một số yếu tố diễn đạt (vần, nhịp, cụm từ, câu, từ) nhằm nhấn mạnh, biểu đạt cảm xúc và ý nghĩa, có khả năng gợi hình tượng.

Câu 2. Bài tập ở nhà

a) Tìm ba ví dụ có điệp từ, điệp câu nhưng không có giá trị tu từ.

b) Tìm ba ví dụ trong những bài văn đã học có phép điệp.

c) Viết một đoạn văn có phép điệp theo nội dung tự chọn.

Trả lời:

a) Loại điệp từ không có màu sắc tu từ có thể thấy xuất hiện phổ biển ở các bài văn:

- Anh ấy uống nhiều, nói nhiều và hát nhiều nữa.

- Văn học giúp ta nhận thức cuộc sống, văn học còn chắp cánh ước mơ.

- Tôi yêu thương con người phương Nam, yêu cái nắng gió phương Nam.

b) Phép điệp được dùng khá phổ biến trong các tác phẩm văn học, đặc biệt là trong thơ (các bài ca dao; đoạn trích truyện thơ Tiễn dặn người yêu; Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi; các đoạn trích Truyện Kiều của Nguyễn Du...).

Ví dụ 1:

- Điệp từ:

Người ta đi cấy lấy công

Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề

Trông trời, trông đất, trông mây

Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm

Trông cho chân cứng đá mềm

Trời yên bể lặng, mới yên tấm lòng

(Ca dao)

- Điệp ngữ:

Đảng ta đó, trăm tay nghìn mắt

Đàn em ta đây xương sắt da đồng 

Đảng ta muôn vạn công nông

Đảng ta muôn vạn tấm lòng niềm tin.

(Tố Hữu)

- Điệp cấu trúc:

   + Tre xung phong vào xe tăng đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người. Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu!

   + Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, ai không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

c) Nên chọn kiểu văn miêu tả, văn thuyết minh hoặc văn nghị luận để viết đoạn văn. Khi viết những câu văn có phép điệp cần lưu ý để tránh nhầm lẫn với việc điệp từ, điệp câu nhưng không có giá trị tu từ.

Tham khảo một số đoạn mẫu sau:

(1) Cái nắng mùa hạ luôn là cái nắng tuy chói chang nhưng lại có một hương vị riêng. Với nhiều người, có lẽ khi nhắc về nắng ngày hè luôn nghĩ ngay về cái oi ả, nóng nực của nó, nhưng với tôi, đó là cái nắng mà chỉ cần nhìn hay cảm nhận, tôi đã thấy nàng tiên mùa hạ đang vẫy tay để mang đến một mùa hè với biết bao những niềm vui tươi mới. Nắng hè thường đến sớm, mỗi tinh mơ thức dậy, nắng đã chói chang khắp các con hẻm ngõ xóm. Nắng chảy trên những chiếc lá xanh mơn mởn, lấp ló trong những vòm lá có tiếng chim hót, tiếng ve kêu lanh lảnh. Nắng tinh nghịch cùng chú mèo ngoài sân đang vờn bắt những chùm nắng. Nắng lấp lánh trên dòng sông quê hương như khoác lên cho nó tấm áo dát vàng dát bạc. Nắng trường trên vai những bác nông dân đang cày ruộng trên cánh động rộng lớn. Và nắng cũng là những dải hoàng hôn ánh hồng sau lũy tre làng khi ngày tàn. Nắng hè, mang một phong vị riêng, một niềm vui riêng khi những ngày mùa hạ được tắm ao, nô đùa bên mái đình, chạy dọc trên bờ đê, thả hồn theo cánh diều bay cao, bay xa, và được thưởng thức những món trái cây lạnh ngọt mát. Nắng, tuy giản đơn mà lại chất chứa những niềm vui như vậy.

=> Phép điệp từ: “Nắng”.

(2) Quê hương với mỗi người lại là những định nghĩa khác nhau, còn quê hương với tôi lại là những gì bình dị và gần gũi nhất. Quê hương là dòng sông đỏ nặng phù sa, quanh co, êm đềm như dải lụa đào quấn quanh xóm làng. Quê hương là cánh đồng lúa chín vàng với những bông lúa nặng trĩu hạt, đung đưa trong gió, tỏa hương lùa ngào ngạt trong không gian. Quê hương là bên nước, sân đình với những đêm trăng sáng, ngồi nghe bà kể chuyện cổ tích, những đêm trung thu rước đèn quanh ngõ xóm, hát ca rộn ràng. Và quê hương cũng là những buổi chiều nô đùa trên đê làng, chạy theo con diều tuổi thơ bay xa tít tắp đến tận chân trời. “Quê hương mỗi người chỉ một/Như là chỉ một mẹ mà thôi”, đúng vậy, quê hương yên bình, là nơi nuôi dưỡng tâm hồn ta, cho ta tình yêu thương, nâng đỡ ta trưởng thành ngay từ những gì giản dị nhất. Có lẽ, dù sau này, khi đi đâu xa, tôi cũng sẽ không bao giờ có thể quên đi quê hương, nơi lưu giữ những kỷ niệm tuổi thơ, thân thương mà yêu quý nhất trong cuộc đời này.

=> Phép điệp từ: “Quê hương là…”

II. Luyện tập về phép đối

Câu 1. Đọc những ngữ liệu (1), (2, (3), (4) trong SGK trang 125,126 và trả lời câu hỏi:

a) Ở ngữ liệu (1) và (2), anh (chị) thấy cách sắp xếp từ ngữ có gì đặc biệt ? Sự phân chia thành hai vế câu cân đối được gắn kết lại nhờ những biện pháp gì ? Vị trí của các danh từ (chim, người ; tổ, tông,...), các tính từ (đói, rách, sạch, thơm,...), các động từ (có, diệt, trừ,...) tạo thế cân đối như thế nào ?

b) Trong ngữ liệu (3) và (4) có những cách đối khác nhau như thế nào ?

c) Tìm một số ví dụ về phép đối trong Hịch tướng sĩ (Trần Hưng Đạo), Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi), Truyện Kiều (Nguyễn Du) và thơ Đường luật. Đọc một vài câu đối mà anh (chị) nhớ được.

d) Phát biểu định nghĩa về phép đối.

Trả lời:

a) Ngữ liệu (1) và (2) đều có cách sắp xếp từ ngữ cân đối giữa hai vế trong một câu. Mỗi câu đều có hai vế, mỗi vế đều có ba từ. Hai vế cân đối được gắn kết với nhau nhờ phép đối.

Vị trí của các danh từ (chim, người/tổ, tông...) các tính từ (đói, rách, sạch, thơm...), các động từ (có, diệt, trừ...) tạo thế cân đối là nhờ chúng đứng ở những vị trí giống nhau xét về cấu tạo ngữ pháp của mỗi vế (ví dụ hai danh từ “chim” và “người” đều đứng ở vị trí đầu mỗi vế; hai tính từ “sạch” và “thơm” đều đứng ở vị trí cuối mỗi vế;...).

b) Trong ngữ liệu (3) và (4) có những cách đối khác nhau:

- Ngữ liệu (3) sử dụng cách tiểu đối trong một câu (Khuôn trăng đầy đặn / nét ngài nở nang, Mây thua nước tóc / tuyết nhường màu da).

- Ngữ liệu (4) sử dụng cách đối giữa hai câu (Rắp mượn điền viên vui tế nguyệt / Trót đem thân thế hẹn tang bồng) - Đối theo kiểu câu đối.

c) Ta có thể tìm thấy trong Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn; Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi; Truyện Kiều của Nguyễn Du rất nhiều câu văn sử dụng phép đối. Ví dụ:

- Hịch tướng sĩ:

+ Trăm thân này phơi ngoài nội cỏ / nghìn xác này gói trong da ngựa;

+ Hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa / hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển / hoặc vui thú ruộng vườn / hoặc quyến luyêh vợ con;...

- Bình Ngô đại cáo:

+ Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân / Quân điếu phạt trước lo trừ bạo;

+ Gươm mài đá, đá núi phải mòn / Voi uống nước, nước sông phải cạn;...

- Truyện Kiều: Gươm đàn nửa gánh / non sông một chèo; Người lên ngựa / kẻ chia bào...

- Thơ Đường luật của Bà Huyện Thanh Quan:

Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

(Qua đèo Ngang)

- Một người thợ nhuộm chết. Vợ ông ta đến nhờ cụ Tam nguyên Yên Đổ làm cho một đôi câu đối. Nguyễn Khuyến viết như sau:

+ Thiếp kể từ khi lá thắm se duyên, khi vận tía, lúc cơn đen, điều dại, điều khôn nhờ bố đỏ

+ Chàng dưới suối vàng có biết, vợ má hồng, con răng trắng, tím gan tím ruột với trời xanh.

d) Phát biểu định nghĩa về phép đối: Phép đối là cách xếp đặt từ ngữ, cụm từ và câu ở vị trí cân xứng nhau để tạo nên hiệu quả giống nhau hoặc trái ngược nhau nhằm gợi ra một vẻ đẹp hoàn chỉnh và hài hòa trong cách diễn đạt để hướng đến làm nội bật nội dung ý nghĩa nào đó.

Câu 2. Phân tích các ngữ liệu ở mục 2 (SGK trang 126) và trả lời câu hỏi:

a) Phép đối trong tục ngữ có tác dụng gì ? Vì sao người ta không thể thay được những từ trong đó (ví dụ: nhiều người muốn thay bán và mua) ? Phép đối phải dựa vào những biện pháp ngôn ngữ nào đi kèm (vần, từ, câu) ?

b) Vì sao tục ngữ ngắn mà khái quát được hiện tượng rộng, người không học mà cũng nhớ, không cố ý ghi lại mà vẫn được lưu truyền ?

Trả lời:

a. Tục ngữ là những câu nói hết sức cô đọng, ngắn gọn và thường được sử dụng phép đối. Tục ngữ đúc kết những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, trong ứng xử xã hội.

- Phép đối trong tục ngữ có tác dụng làm cho người đọc, người nghe dễ nhớ, dễ thuộc.

- Từ ngữ sử dụng trong tục ngữ hầu như không thể thay được vì mỗi câu tục ngữ đều mang tính cố định giống như các thành ngữ, quán ngữ. Hơn nữa, tục ngữ sử dụng phép đối rất cân chỉnh, không thể có một từ khác thay vào mà tính cân chỉnh của phép đối tốt hơn.

- Phép đối trong tục ngữ thường đi kèm với các biện pháp ngôn ngữ như: thường gieo vần lưng (tật/ thật), từ ngữ dùng mang giá trị tu từ (ẩn dụ, so sánh, nhân hoá...); câu ngắn và thường tỉnh lược các bộ phận...

b) Tục ngữ là những câu rất ngắn nhưng vẫn khái quát được hiện tượng rộng, người không học mà cũng nhớ, không cố ý ghi lại mà vẫn được lưu truyền. Sở đĩ có được điều đó là vì cách diễn đạt của tục ngữ được chọn lọc, gọt giũa, có vần, có đối, nghe một lần là nhớ và rất khó quên.

Câu 3. Bài tập ở nhà

a) Tìm mỗi kiểu đối một ví dụ.

b) Ra một vế đối cho các bạn cùng đối, kiểu như:

Tết đến, cả nhà vui như Tết

Trả lời:

a) Có nhiều kiểu đối: đối thanh điệu; đối từ loại; đối ngữ nghĩa...

   Ví dụ:

- Kiểu đối thanh:

+ chim có tổ/ người có tông: (“tổ’’ - thanh trắc / “tông”, thanh bằng).

+ Ăn cây nào / rào cây ấy, uống nước / nhớ nguồn. (trắc đối bằng)

- Kiểu đối chọi về nghĩa: Gần mực thì đen / gần đèn thì sáng: (mực - xấu / đèn - tốt).

- Kiểu đối từ loại:

+ Đói cho sạch /rách cho thơm: (các từ có cùng từ loại đối với nhau: đối - rách; sạch - thơm).

+ Chó treo/ mèo đậy (chó / mèo (danh từ); treo / đậy (động từ)).

b) Có rất nhiều cách ra vế đối, cần tham khảo thêm câu đối của các bậc nho sĩ xưa để học tập cách ra vế đối và cách đối.

Ví dụ:

Tết đến, cả nhà vui như Tết.

Xuân về, khắp nước trẻ cùng xuân.

(đối ý và đối thanh)

hoặc:

Tết đến, cả nhà vui như Tết.

Xuân về, trường lớp ngát hương xuân.

-/-

---TỔNG KẾT---

  • Sau khi học xong bài thực hành này, các em đã được củng cố và nâng cao kiến thức về phép điệp và phép đối trong việc sử dụng tiếng Việt.
  • Có kỹ năng nhận diện, phân tích cấu tạo và tác dụng của phép điệp và phép đối và có khả năng sử dụng được các phép tu từ đó khi cần thiết.
  • Thấy được vẻ đẹp của tiếng Việt để yêu quý, tôn trọng và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM