Tập làm văn: Cấu tạo của bài văn miêu tả con vật

Xuất bản: 21/08/2019

Soạn bài Tập làm văn lớp 4: Cấu tạo của bài văn miêu tả con vật tuần 29, trang 112 SGK Tiếng Việt 4 tập 2 được Đọc tài liệu tổng hợp đầy đủ lý thuyết và gợi ý thực hành bài tập SGK

Soạn bài Tập làm văn lớp 4: Cấu tạo của bài văn miêu tả con vật trang 112, tuần 29 SGK Tiếng Việt 4 tập 2 được Đọc tài liệu tổng hợp nội dung chính cần nhớ trong bài: dàn bài văn miêu tả con vật, cùng với đó là gợi ý trả lời các câu hỏi phần Nhận xét, Luyện tập cho các em học sinh liên hệ để tự đưa ra câu trả lời cho riêng mình.

>> Bài trước: Ôn tập giữa học kì 2 Tiếng Việt 4 tiết 8

Kiến thức cần nhớ

Bài văn miêu tả con vật lớp 4 có cấu tạo như sau:

1. Mở bài: Giới thiệu con vật sẽ miêu tả.

2. Thân bài:

-  Tả ngoại hình con vật.
- Tả thói quen sinh hoạt và một vài hoạt động của con vật.

3. Kết luận: Nêu cảm nghĩ về con vật.

Soạn bài Tập làm văn lớp 4: Cấu tạo của bài văn miêu tả con vật trang 112, tuần 29 SGK Tiếng Việt 4 tập 2

Gợi ý trả lời câu hỏi SGK

I. Nhận xét

Câu 1 trang 112 SGK Tiếng Việt 4 tập 2. Đọc bài sau:

Con Mèo Hung

“Meo, meo”. Đấy, chú bạn mới của tôi lại đến chơi với tôi đấy.

Chà, nó có bộ lông mới đẹp làm sao! Màu lông hung hung có sắc vằn đo đỏ, rất đúng với cái tên mà tôi đã đặt cho nó. Mèo Hung có cái đầu tròn trong, hai tai dong dỏng dựng đứng rất thính nhạy. Đôi mắt Mèo Hung hiền lành nhưng ban đêm đôi mắt ấy sáng lên giúp mèo nhìn rõ mọi vật. Bộ ria mép vểnh lên có vẻ oai lắm; bốn chân thì thon thon, bước đi một cách nhẹ nhàng như lướt trên mặt đất. Cái đuôi dài trông thướt tha duyên dáng… Mèo Hung trông thật đáng yêu.

Có một hôm, tôi đang ngồi học, bỗng thấy nó rón rén nước từng bước nhẹ nhàng đến bên bồ thóc ngồi rình. A! Con mèo này khôn thật! Chả là ngày thường chuột hay vào bồ ăn vụng thóc nên mèo mới rình đây. Bỗng nhiên nó chụm bốn chân lại, dặt, dặt cái đuôi lấy đà rồi “phốc” một cái. Thế là một con chuột đã nằm gọn ngay trong vuốt của nó… Nhiều lúc tôi đang học bài, chú ta đến dụi dụi vào tay, muốn tôi vuốt ve bộ lông mượt như nhung hoặc đùa với chú một tí.

Con mèo của tôi là thế đấy.

Theo Hoàng Đức Hải

Câu 2 trang 113 SGK Tiếng Việt 4 tập 2. Phân đoạn bài văn trên

Gợi ý trả lời:

Bài văn có ba phần:

-   Phần đầu: "Meo, meo" đến "với tôi đấy".                                                         
- Phần thứ hai: ..."Chà, nó có bộ lông" đến "đùa với chú một tí".
- Phần thứ ba: ...Con mèo của tôi là thế đấy

Câu 3 trang 113 SGK Tiếng Việt 4 tập 2. Nội dung chính của mỗi đoạn văn trên là gì?

Gợi ý trả lời:

-   Phần đầu (phần mở bài): giới thiệu con mèo định miêu tả.

-   Phần hai (phần thân bài):

+  Miêu tả vóc dáng, màu sắc, các bộ phận của con mèo.                                     
+ Miêu tả thói quen sinh hoạt và vài hoạt động của con mèo.

-   Phần ba (phần kết bài): Cảm nghĩ của em về con mèo.

Câu 4 trang 113 SGK Tiếng Việt 4 tập 2. Từ bài văn trên, nhận xét về cấu tạo của bài văn miêu tả con vật.

Gợi ý trả lời:

Bài văn miêu tả con vật thường có cấu tạo như sau:

1. Mở bài: Giới thiệu con vật sẽ miêu tả.

2. Thân bài:

-   Tả ngoại hình con vật.
- Tả thói quen sinh hoạt và hoạt động của con vật.

3. Kết luận: Nêu cảm nghĩ về con vật.

II. Luyện tập

Đề bài : Lập một dàn ý chi tiết tả một vật nuôi trong nhà (gà, chim, chó, lợn...)

Trả lời:

Dàn bài chi tiết miêu tả con gà trống

1. Mở bài:

Giới thiệu con vật mình muốn tả: Đó là con gà trống, thuộc giống gà gì? Được bao nhiêu tháng tuổi.

2. Thân bài:

* Tả bao quát con gà (lớn bằng chừng nào, độ bao nhiêu kí, thân hình ra sao? Có màu lông gì?)

* Tả từng bộ phận: (Đầu, mào, mắt, mỏ...)

* Tả đặc tính hoạt động: (thói quen sinh hoạt, thời gian giờ giấc buổi sáng, trưa, chiều, tối... quan hệ của chú với những con gà khác trong bầy, đàn...)

3. Kết bài:

Nêu cảm nghĩ của em về con gà trống đó.

Bài văn mẫu tả con gà trống lớp 4

Mỗi gia đình ở làng quê em đều nuôi gà trống, vừa để tạo nòi giống sinh sản vừa làm chuông báo thức mỗi sáng mai thức dậy. Nhà em cũng có nuôi rất nhiều gà trống, với độ tuổi và kích thước khác nhau. Tuy nhiên em vẫn ấn tượng với chú gà trống nòi mà mẹ em đã gây giống bao nhiêu năm qua.

Mẹ bảo chú gà trống này thuộc vào thế hệ "lão thành" sống với gia đình em từ lâu, cứng rắn và khỏe mạnh nhất trong số những con còn lại. Thân hình của chú gà trống rất chắc chắn và khỏe mạnh, mỗi khi nó cất tiếng gáy đều làm cho những ngôi nhà xung quanh gia đình em đều thức giấc cùng một lúc.

Bộ lông đầy màu sắc sặc sỡ nhưng màu sắc chủ đạo nhất vẫn là màu đỏ thẫm, bộ cánh rất chắc chắn với những chiếc lông nhọn găm vào bên trong người của chú gà.

>>Xem thêm: Những bài văn hay tả con gà trống

Một đặc điểm riêng để phân biệt với những con gà khác chính là chiếc mào đỏ chót nhưng hơi thẫm màu. Chiếc mào dày và nặng đôi khi trĩu xuống vì dường như nó rất nặng khi ở trên đầu gà trống. Cái đuôi cong vút và rất dài của chú gà trống này là điểm nhấn khiến cho thân hình nó càng trở nên cân đối và hài hòa hơn hẳn.

Có lẽ bộ lông của gà trống mềm mại nhất là ở cổ, những chiếc lông đầy đủ màu sắc khiến cho chiếc cổ của gà trống trở nên dài và khỏe khoắn hơn. Cái đầu của chú gà trống rất to với hai con mắt long lanh, sáng quắc. Có lẽ đây là lợi thế tìm mồi nhanh hơn bất kì con gà nào.

Cặp chân của nó vàng óng, chắc nịch với những chiếc cựa sắc nhọn. Khi đối đầu với con gà khác thì chắc chắn chú gà trống nhà em sẽ nắm chắc phần thắng. Cho nên những chú gà khác ít khi dám đến gần chú gà trống nhà em. Mỗi khi nó đạp đạp chân vào đất ắt hẳn lúc đó nó đang muốn lao vào chiến đấu với một con gà nào đó đang muốn gây sự.

Mỗi khi chú gà trống này chạy, em thấy được sự chắc nịch và đầy đặn của nó. Dù thân hình to nhưng khi chạy lại rất nhanh, không hề chậm chạp.

Chú gà trống chính là chiếc đồng hồ báo thức của gia đình em và rất nhiều gia đình khác xung quanh. Vì mỗi lần cất tiếng gáy nó có thói quen đậu trên cây rơm cao nhất của gia đình em và bắt đầu cất cao giọng gáy vang và to. Vậy là chẳng cần đồng hồ mọi người đều biết thức dậy đúng giờ. Em hi vọng chú gà trống này sẽ sống thật lâu thật khỏe với gia đình em.

>> Bài tiếp theo: Luyện từ và câu: Giữ phép lịch sự khi bày tỏ yêu cầu đề nghị

***

Soạn bài Tập làm văn lớp 4: Cấu tạo của bài văn miêu tả con vật trang 112, tuần 29 SGK Tiếng Việt 4 tập 2 được Đọc tài liệu biên soạn chi tiết, ngắn gọn và chính xác nhất cho các em tham khảo, hi vọng các em sẽ nắm chắc kiến thức để vận dụng trong những bài làm văn của mình.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM