Soạn bài Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng (Lí Bạch)

Xuất bản: 09/09/2020 - Cập nhật: 20/07/2022 - Tác giả:

Hướng dẫn soạn bài Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng, trả lời câu hỏi đọc hiểu và bài tập trang 143 SGK Ngữ Văn lớp 10 tập 1.

Tài liệu hướng dẫn soạn bài Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng (Lí Bạch) giúp em hiểu được tình bạn chân thành, trong sáng của hai nhà thơ lớn thời Thịnh Đường thể hiện qua bài thơ. Qua đó, nắm được đặc trưng phong cách thơ tuyệt cú (tứ tuyệt) của Lí Bạch: ngôn ngữ giản dị, hình ảnh tươi sáng và gợi cảm.

Với những hướng dẫn chi tiết trả lời câu hỏi sách giáo khoa dưới đây các em không chỉ soạn bài tốt mà còn nắm vững các kiến thức quan trọng của tác phẩm này.

      Cùng tham khảo...

Soạn bài Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng (Lí Bạch)

Soạn bài Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng Ngắn gọn

   Gợi ý trả lời câu hỏi soạn văn Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng ngắn nhấttrang 144 SGK Ngữ văn lớp 10 tập 1.

Đọc - hiểu

Câu 1 trang 144 SGK Ngữ văn 10 tập 1

Xác lập mối quan hệ giữa không gian (lầu Hoàng Hạc – sông Trường Giang – Dương Châu), thời gian (Tháng ba – mùa hoa khói) và con người (cố nhân…) trong bài thơ. Mối quan hệ ấy có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện khung cảnh và tâm tình người đưa tiễn.

Trả lời:

- Mối quan hệ không gian được tạo lập bởi ba hình ảnh: Lầu Hoàng Hạc – thành Dương Châu và dòng Trường Giang

- Mối quan hệ thời gian: Tháng ba – mùa hoa khói.

- Mối quan hệ con người: Tình cảm thân thiết, gắn bó giữa bạn với nhà thơ thể hiện qua hai chữ “cố nhân”.

=> Mối quan hệ ấy thể hiện rõ và sâu hơn cái tình sâu nặng và kín đáo của nhà thơ.

Câu 2 trang 144 SGK Ngữ văn 10 tập 1

Sông Trường Giang là huyết mạch giao thông chính của miền Nam Trung Quốc. Mùa xuân trên dòng sông chắc chắn phải tấp nập, nhiều thuyền bè xuôi ngược, vì sao Lý Bạch chỉ thấy “cảnh buồn lẻ loi” của “cố nhân”?

Trả lời:

Tình cảm của tác giả khi tiễn “cố nhân” xuôi theo dòng Trường Giang với một sự lưu luyến, buồn bã. Một chữ “cô” mà chất chứa bao nỗi buồn cho cả hai người bạn trong buổi chia li. Trong tâm trạng buồn sầu đó, tất cả tâm hồn nhà thơ chỉ còn nhìn thấy mỗi cánh buồm của bạn mình mà thôi.

Câu 3 trang 144 SGK Ngữ văn 10 tập 1

Cảm nhận tâm tình của thi nhân?

Trả lời:

Người đã đi xa nhưng tác giả vẫn đứng trên lầu Hoàng Hạc nhìn theo, hẳn là ông rất trân trọng tình bạn này. Dù cho bạn đã đi xa, cánh buồm xa dần, mất hút vào khoảng không xanh biếc, nhà thơ vẫn không nỡ ra về. Dù cho cả bài không nhắc đến tình bạn nhưng người đọc cũng vẫn hiểu được tình bạn của Lí Bạch đáng trân trọng đến nhường nào.

Luyện tập

Câu 1 trang 144 SGK Ngữ văn 10 tập 1

Những hình ảnh, từ ngữ thể hiện vẻ đẹp “ý tại ngôn ngoại'’ của bài thơ.

Gợi ý:

- “Ý tại ngôn ngoại” thể hiện trong bài thơ toàn gợi cảnh, không lời nào nói về tình nhưng tình bạn cao quý vẫn đầy ắp trong bài thơ.

+ Đó là nỗi buồn cô đơn, nỗi buồn tống biệt (tiễn biệt) và ức hữu (thương nhớ) trong biệt li => Tình bạn đẹp và cảm động.

+ Cấu trúc bài thơ là cấu trúc lấy ngoại cảnh để biểu hiện nội tâm, ngôn ngữ trang nhã, gợi cảm, hàm xúc.

Câu 2 trang 144 SGK Ngữ văn 10 tập 1

Các nhà thơ thời Đường rất trân trọng tình bạn. Anh (chị) hãy suy ngẫm về vị trí và ý nghĩa của tình bạn trong cuộc sống ngày nay.

Gợi ý:

Dù ở bất cứ đâu, bất cứ thời đại nào cũng vô cùng quan trọng và đáng quý đối với mỗi chúng ta. Nó giúp cho cuộc sống của chúng ta thêm đáng yêu và đáng trọng. Ở thời nào cũng vậy, bạn của ta có người tốt và người xấu. Điều quan trọng là ta biết "chọn bạn mà chơi". Người bạn tốt cũng giống như ngọn đèn sáng trong đêm, không chỉ chiếu sáng cho người mà còn chiếu sáng cho ta.

Soạn bài Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng Chi tiết

 Gợi ý trả lời câu hỏi soạn bài Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng trang 144 SGK Ngữ văn lớp 10 tập 1.

Đọc - hiểuTại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng

Bài 1 trang 144 SGK Ngữ văn 10 tập 1

Xác lập mối quan hệ giữa không gian (lầu Hoàng Hạc – sông Trường Giang – Dương Châu), thời gian (Tháng ba – mùa hoa khói) và con người (cố nhân…) trong bài thơ. Mối quan hệ ấy có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện khung cảnh và tâm tình người đưa tiễn.

Trả lời:

Bài thơ của Lí Bạch gần như chỉ thuần tả cảnh. Thế nhưng trong cảnh vẫn hiện lên đằm thắm cái tình. Sở dĩ có điều ấy là vì bài thơ có một sợi dây liên tưởng được tạo nên bởi những hình ảnh và những mối quan hệ chặt chẽ với nhau:

- Mối quan hệ không gian được tạo lập bởi ba hình ảnh: Lầu Hoàng Hạc (một thắng cảnh nổi tiếng, biểu tượng cho sự chia li) - thành Dương Châu (nơi bạn nhà thơ sắp đến - một thắng cảnh đô hội phồn hoa). Ở giữa hai địa danh ấy là dòng Trường Giang rộng mênh mông và xa hun hút. Vậy nên dù Lí Bạch có tiễn bạn đến chốn phồn hoa thì buổi chia tay ấy cũng đâu có giấu được nỗi buồn. Lầu Hoàng Hạc đã gợi buồn, khoảng cách giữa mình với nơi bạn đến còn gợi buồn hơn.

- Mối quan hệ thời gian: Tháng ba - mùa hoa khói. Đó là vào lúc "xuân vừa chín", sông Trường Giang nhộn nhịp hoa khói mùa xuân (hoa khói cũng tượng trưng cho sự phồn hoa của Dương Châu - nơi Mạnh Hạo Nhiên sắp đến). Cảnh vào lúc ấy tuy có gợi lên một chút nhộn nhịp nhưng vẫn không át được nỗi buồn lúc chia li.

- Mối quan hệ con người: Tác giả chỉ dành giới thiệu qua hai chữ "cố nhân". Thế nhưng chỉ với hai chữ đó, tự nó đã gợi ra mối quan hệ gắn bó thân thiết từ lâu giữa bạn với nhà thơ.

Hai câu thơ đầu đã gợi nên bao nỗi bâng khuâng, xao xuyến, nỗi buồn thầm kín của đôi bạn phải xa nhau. Bạn xuôi dòng Trường Giang về Dương Châu là nơi phồn hoa đô hội, người ở lại cảm thấy lẻ loi, cô đơn. Cuộc chia tay diễn ra bên bờ sông, nhưng nhà thơ lại chọn nơi điểm cao để vọng theo bạn. Lên cao để nhìn xa, để nhìn theo bạn. Nỗi lưu luyến, nỗi buồn biệt li như cùng mở ra trong không gian mênh mông. Đó chính là điểm hai câu trên với hai câu dưới để thành một chỉnh thể nghệ thuật hoàn chỉnh.

Bài 2 trang 144 SGK Ngữ văn 10 tập 1

Sông Trường Giang là huyết mạch giao thông chính của miền Nam Trung Quốc. Mùa xuân trên dòng sông chắc chắn phải tấp nập, nhiều thuyền bè xuôi ngược, vì sao Lý Bạch chỉ thấy “cảnh buồn lẻ loi” của “cố nhân”?

Trả lời:

Sông Trường Giang là một huyết mạch giao thông chính của miền Nam Trung Quốc. Vào mùa xuân hẳn phải có rất nhiều thuyền bè xuôi ngược. Vậy mà người đưa tiễn chỉ thấy có một cánh buồm đơn chiếc (cô Phàm) của cố nhân cứ dần dần lùi sâu vào nước xanh mênh mang thăm thẳm. Cái tình của Lí Bạch sâu sắc cũng là ở chỗ ấy. Tiễn bạn mà cứ nhìn chăm chăm vào bóng thuyền của bạn cho đến khi khuất hẳn ấy là tấm lòng đã định hướng cho đôi mắt. Người ra đi cô đơn, người đưa tiễn cũng cô đơn, bịn rịn, luyến lưu.

Bài 3 trang 144 SGK Ngữ văn 10 tập 1

Cảm nhận tâm tình của thi nhân?

Trả lời:

- Tâm tình của thi nhân đặc biệt thể hiện rõ trong câu thơ cuối:

Trông xa chỉ thấy dòng sông bên trời

Câu thơ chỉ gợi mà không tả: Trước mặt nhà thơ, trong ánh mắt nhà thơ con sông như cao dần lên hoà nhập vào với trời xanh, cảnh vật hiện ra trước mắt nhà thơ theo dòng tâm trạng.

Bạn đã đi xa, cánh buồm chỉ còn là “nền ảnh” thấp thoáng như hư, như thực. Tiếp theo đó là một dòng sông chảy vào cõi trời - một khoảng không xanh biếc, rợn ngợp. Tất cả những hình ảnh ấy đều góp phần diễn tả cái nhìn dõi trông, sự dùng dằng, lưu luyến của kẻ ở - người đi. Tâm trạng của tác giả - người ở lại trở nên bàng hoàng, hẫng hụt.

- Bài thơ đã thể hiện tình cảm sâu sắc, chân thành của hai nhà thơ thời thịnh Đường. Qua bài thơ, người đọc biết quý trọng hơn tình cảm bạn bè - một tình cảm luôn tồn tại trong mọi thời đại.

Soạn bài Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng phầnLuyện tập

Bài 1 trang 144 SGK Ngữ văn 10 tập 1

Những hình ảnh, từ ngữ thể hiện vẻ đẹp “ý tại ngôn ngoại'’ của bài thơ.

Gợi ý:

- Thuyền (đưa bạn) xuôi về Dương Châu, giữa tháng ba mùa hoa khói.

- Bóng cánh buồm xa lẻ loi mất hút vào khoảng không xanh biếc.

=>Các hình ảnh trên đều hết sức có hồn, nhưng hình ảnh trong câu thơ cuối mới thật sự là “có thần'.

- Dùng từ "cố nhân"

- “Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu" (Chỉ thấy sông Trường Giang chảy vào cõi trời)

Bài 2 trang 144 SGK Ngữ văn 10 tập 1

Các nhà thơ thời Đường rất trân trọng tình bạn. Anh (chị) hãy suy ngẫm về vị trí và ý nghĩa của tình bạn trong cuộc sống ngày nay.

Gợi ý:

Luôn được thể hiện thành công trong thơ Đường mà bài thơ này có tính chất tiêu biểu. Trong cuộc sống hôm nay, tình bạn vẫn có ý nghĩa quan trọng, động viên con người vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Bài thơ có ý nghĩa giáo dục trong mọi thời đại.

Tham khảo dàn bài chi tiết sau đây:

I. Mở bài: Giới thiệu vấn đề

- Trong cuộc sống hôm nay, ngoài tình cảm gia đình, thầy trò,… thì tình bạn là một tình cảm đẹp và cần thiết với mỗi chúng ta.

- Tình bạn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, động viên con người vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Bài thơ có ý nghĩa giáo dục trong mọi thời đại.

II. Thân bài

1. Khẳng định tình bạn trước hết cần phải có sự chân thành

- Mình chân thành với bạn thì bạn mới tin mình

- Khi bạn có lòng tin với mình thì bạn mới bộc lộ những băn khoăn thắc mắc và chia sẻ với mình.

- Sự chân thành là cơ sở của tình bạn chân chính và bền lâu.

2. Thể hiện sự chân thành trong tình bạn

- Phải tin bạn, không lừa dối, không vụ lợi

- Thông cảm, chia sẻ khó khăn với bạn

- Đồng cảm với bạn bất cứ chuyện vui buồn, khó khăn

- Rộng lượng tha thứ những lỗi lầm của bạn

- Gắn bó tình bạn thân thiết với tập thể, không chia rẽ khỏi tập thể.

3. Phê bình những sai lầm của bạn

- Phê bình sai lầm giúp bạn sữa sai, tình bạn ngày tốt hơn

- Nể nang, che giấu điều xấu của bạn sẽ làm bạn chậm tiến và tình bạn chậm phát triển

- Nêu dẫn chứng về tình bạn tốt, giúp nhau vượt qua khó khăn

4. Cách phê bình như thế nào mới là đúng

- Phê bình phải xuất phát từ lòng yêu thương bạn

- Nhưng phải nguyên tắc, không bỏ qua những sai lầm nghiêm trọng của bạn

- Biện pháp giúp đỡ phải khôn khéo, linh hoạt và phù hợp với hoàn cảnh

- Bao dung, vui mừng với sự tiến bộ của bạn.

III. Kết bài

- Nêu ý nghĩa về tình bạn.

- Liên hệ bản thân.

Xem bài văn mẫuNghị luận xã hội bàn về vai trò của tình bạn trong cuộc sống

Tìm hiểu chung về tác giả, tác phẩm

I. Tác giả

- Lí Bạch (701 - 762), tự là Thái Bạch, quê ở Lũng Tây (nay thuộc tỉnh Cam Túc), là nhà thơ lãng mạn vĩ đại của Trung Quốc.

- Nội dung thơ Lí Bạch rất phong phú, với những chủ đề chính là: Ước mơ vươn tới lí tưởng cao cả, khát vọng giải phóng cá tính, bất bình với hiện thực tầm thường, thể hiện tình cảm phong phú và mãnh liệt. Phong cách thơ Lí Bạch rất hào phóng bay bổng lại rất tự nhiên, tinh tế và giản dị. Đặc trưng nổi bật của thơ Lí Bạch là sự thống nhất giữa cái cao cả và cái đẹp.

II. Tác phẩm

- Bài thơ Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng (năm 728) viết về tình bạn chân thành, trong sáng của Lí Bạch với Mạnh Hạo Nhiên - người bạn văn chương rất thân thiết của Lí Bạch.

- Bài thơ miêu tả không gian, thời gian và địa điểm đưa tiễn bạn đồng thời thể hiện tình cảm chân thành, trong sáng, cảm động, sâu sắc của thơ dành cho bạn của mình.

- Bài thơ được viết theo cấu trúc đặc trưng của thơ tứ tuyệt Đường luật: bốn câu, mỗi câu giữ một vị trí quan trọng. Ngôn ngữ thơ trong sáng, hình ảnh giản dị, giàu sức gợi cảm. Đặc biệt mang đậm đặc trưng của thơ tứ tuyệt Đường luật là “ý tại ngôn ngoại” (ý nằm ngoài lời).

- Thể loại: Thất ngôn tứ tuyệt đường luật

- Bố cục:

+ Hai câu thơ đầu: Khung cảnh chia tay

+ Hai câu thơ cuối: Nỗi niềm của nhà thơ.

Ghi nhớ

  • Với ngôn ngữ giản dị, hình ảnh gợi cảm, bài thơ thể hiện tình bạn sâu sắc, chân thành của hai nhà thơ lớn thời Thịnh Đường. Thời đại nào tình bạn cũng rất đáng trân trọng.
  • Bài thơ với nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, miêu tả thiên nhiên tinh tế, ngôn ngữ đường thi thể hiện một tình bạn đẹp của nhà thơ với người cố nhân, sự chia tay để lại trong lòng nhà thơ biết bao kỉ niệm về tình bạn đẹp ấy.

Trên đây là nội dung chi tiết hướng dẫn soạn văn 10 bài Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng được biên soạn với mục đích giúp các em học sinh tham khảo và chuẩn bị bài tốt hơn trước khi đến lớp. Để hiểu sâu và nhớ lâu hơn, các em nên kết hợp tự soạn bài theo những kiến thức của bản thân. Chúc các em luôn đạt kết quả cao trong học tập.

[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng một cách tốt nhất. "Trong cách học, phải lấy tự học làm cố" - Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM