Soạn bài Phương pháp thuyết minh chi tiết và đầy đủ nhất do Học Tốt biên soạn với nội dung tóm tắt kiến thức cơ bản và gợi ý trả lời câu hỏi bài tập vận dụng phương pháp thuyết minh.
Tài liệu hướng dẫn soạn bài Phương pháp thuyết minh được biên soạn nhằm giúp các em có những cơ sở kiến thức hữu ích để hiểu rõ tầm quan trọng của phương pháp thuyết minh và những yêu cầu đối với việc vận dụng phương pháp thuyết minh. Qua đó, nắm được một số phương pháp thuyết minh cụ thể thông qua việc luyện tập làm các câu hỏi bài tập SGK.
Cùng tham khảo nhé...
Kiến thức cơ bản
I. Tầm quan trọng của phương pháp thuyết minh
- Phương pháp thuyết minh là một hệ thống những cách thức mà người thuyết minh sử dụng nhằm đạt được mục đích đặt ra. Phương pháp thuyết minh có tầm quan trọng rất lớn trong việc làm bài văn thuyết minh. Nắm được phương pháp, người viết (người nói) mới truyền đạt đến người đọc (người nghe) những hiểu biết về sự vật, sự việc, hiện tượng một cách dễ dàng và hiệu quả.
- Việc lựa chọn, vận dụng và phối hợp các phương pháp thuyết minh cần tuân theo các nguyên tắc: không xa rời mục đích thuyết minh; làm nổi bật bản chất và nét đặc trưng của sự vật, hiện tượng; làm cho người đọc (người nghe) tiếp nhận dễ dàng và hứng thú.
- Người học cần rèn luyện kĩ năng nhận thức, phân loại các phương pháp thuyết minh đồng thời rèn luyện kĩ năng vận dụng các phương pháp thuyết minh vào những bài tập cụ thể, từ đó có kĩ năng vận dụng phương pháp thuyết minh vào làm văn cũng như trong cuộc sống.
II.
Một số phương pháp thuyết minh1. Ôn lại một số phương pháp thuyết minh đã học
- Phương pháp nêu ví dụ: Là phương pháp dẫn ra, đưa ra những dẫn chứng lấy từ sách báo, từ đời sống thực tiễn để làm sáng rõ cho điều mình trình bày. Dẫn chứng này càng mang tính phổ biến bao nhiêu càng có giá trị cao bấy nhiêu.
- Phương pháp định nghĩa, giải thích: Đây là phương pháp được viết theo kiểu cấu trúc: s là p.
- Phương pháp dùng số liệu: Đây là phương pháp đưa vào văn bản những con số mang tính chất định lượng chính xác để giải thích, chứng minh hay giới thiệu về một sự vật, hiện tượng nào đó.
- Phương pháp phân loại, phân tích: Đây là phương pháp chia ra từng loại, từng bộ phận, từng mặt khi mà sự vật quá đa dạng hay có nhiều bộ phận cấu tạo, có nhiều mặt để thuyết minh.
- Phương pháp so sánh: Đây là phương pháp đem so sánh, đổi chiếu một sự vật, hiện tượng nào đó trừu tượng, chưa thật sự gần gũi, còn mới mẻ với mọi người với nhiều sự vật, hiện tượng thông thường, dễ gặp, dễ thấy để giúp người đọc nhận thức, hiểu về sự vật, hiện tượng đó một cách cụ thể, dễ dàng hơn.
- Phương pháp liệt kê: Đây là phương pháp kể ra, đưa ra một loạt những tính chất, những đặc điểm nào đó của đối tượng nhằm khẳng định hay nhấn mạnh cho một điều gì đó, một đặc tính nào đó cần thuyết minh, làm rõ.
Xem lại soạn bài Phương pháp thuyết minh lớp 8 để nắm chắc hơn những tác dụng của việc vận dụng kết hợp các phương pháp thuyết minh trong một bài văn thuyết mình.
2. Tìm hiểu thêm một số phương pháp thuyết minh khác
- Thuyết minh bằng chú thích: nêu ra những đặc điểm của sự vật, hiện tượng nhưng yêu cầu về mức độ chuẩn xác không cao như phương pháp định nghĩa.
- Thuyết minh bằng cách giảng giải, nguyên nhân - kết quả: Là thuyết minh bằng cách lí giải mối quan hệ giữa các sự vật, các hiện tượng có quan hệ gắn bó với nhau, hoặc làm nảy sinh nhau, làm cho đối tượng thuyết minh được hiện lên cặn kẽ, rõ ràng và hợp lí.
II. Yêu cầu đối với việc vận dụng phương pháp thuyết minh
- Phương pháp thuyết minh được lựa chọn căn cứ vào mục đích thuyết minh.
- Phương pháp thuyết minh được sử dụng sao cho làm nổi bật mục đích thuyết minh, bản chất, đặc trưng của đối tượng thuyết minh. Mặt khác phải đảm bảo tính chuẩn xác và hấp dẫn của văn bản thuyết minh.
Hướng dẫn soạn bài Phương pháp thuyết minh
Lý thuyết
I. Tầm quan trọng của phương pháp thuyết minh
II. Một số phương pháp thuyết minh
1. Ôn tập các phương pháp thuyết minh đã học
Đọc các đoạn trích (SGK trang 48, 49) và trả lời câu hỏi:
a. Cho biết tác giả mỗi đoạn trích đã sử dụng những phương pháp thuyết minh nào?
- Đoạn trích (1) thuyết minh về Trần Quốc Tuấn của Ngô Sĩ Liên: Phương pháp nêu ví dụ.
- Đoạn trích (2) thuyết minh về Ba-sô của Hàn Thuỷ Giang: Phương pháp nêu định nghĩa.
- Đoạn trích (3) thuyết minh về vấn đề con người và con số: Phương pháp dùng số liệu.
- Đoạn trích (4) thuyết minh về nhạc cụ trong điệu hát trống quân: Phương pháp phân tích.
b. Phân tích tác dụng của từng phương pháp trong việc làm cho sự vật hay hiện tượng được thuyết minh càng thêm chuẩn xác, sinh động và hấp dẫn.
- Đoạn trích (1) trong Đại Việt sử kí toàn thư của Ngô Sĩ Liên thuyết minh về công lao tiến cử người tài giỏi cho đất nước của Trần Quốc Tuấn. Với việc sử dụng phương pháp nêu ví dụ, những tên tuổi được nêu ra (Dã Tượng, Yết Kiêu, Phạm Ngũ Lão, Trần Thị Kiến, Trương Hán Siêu, Phạm Lãm, Trịnh Dũ, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực) đã làm cho vấn đề được thuyết minh trở nên rõ ràng, có sức thuyết phục.
- Đoạn trích (2) trong Thi sĩ Ba-sô và "Con đường hẹp thiên lí" thuyết minh về các bút danh của Ba-sô. Từ bút danh Mu-nê-phu-sa, bút danh Tô-sây đến bút danh Ba-sô, cái người đọc cần hiểu biết là nghĩa của các bút danh ấy. Nhờ việc sử dụng phương pháp nêu định nghĩa để thuyết minh mà các bút danh của Ba-sô được giải thích một cách rõ ràng.
- Đoạn trích (3) con người và con số trên tạp chí Kiến thức ngày nay thuyết minh về cấu tạo phức tạp và đồ sộ của tế bào trong cơ thể người. Với phương pháp dùng số liệu, người viết đã đi từ số lượng tế bào (40-60000 tỉ) đến số lượng phân tử cấu tạo nên tế bào (ở triệu tỉ phần tử), rồi số lượng nguyên tử cấu tạo nên phân tử (/ tỉ tỉ nguyên tử). Từ đó, để giúp người đọc dễ hình dung, người viết đã liên hệ tới các số liệu khác như số lượng cư dân, số lượng các vì tinh tú... và đi đến kết luận: “Nếu mỗi nguyên tử dài 1mm, một tế bào sẽ dài 10 cm, thì một người cao 1,75 m sẽ biến thành người khổng lồ với chiều cao 1.750km! May thay, điều này không xảy ra vì nguyên tử là cực nhỏ". Sức hấp dẫn của đoạn thuyết minh này chính là các số liệu. Các số liệu đã tạo nên ấn tượng sâu sắc, khó quên ở người đọc.
- Đoạn trích (4) trong Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng thuyết minh về các loại nhạc cụ dùng trong hát trống quân. Nhà văn đã sử dụng phương pháp thuyết minh phân tích để làm rõ tính giản dị của nhạc cụ dùng trong hát trống quân: các loại "hết thảy đều là đồ bỏ”, cách sử dụng vô cùng dân dã, nhưng âm thanh thật "giòn giã". Phương pháp thuyết minh này đã giúp người đọc hiểu được ý nghĩa của đối tượng.
2. Tìm hiểu thêm một số phương pháp thuyết minh
a. Thuyết minh bằng cách chú thích
Đọc lại câu văn "Ba-sô là bút danh” đã dẫn trong phần luyện tập trước và trả lời câu hỏi (SGK, trang 50).
Câu "Ba-sô là bút danh" không sử dụng phương pháp định nghĩa vì không đặt Ba-sô vào một loại lớn hơn, cũng không chỉ ra yếu tố nói lên đúng đặc điểm bản chất của nhà văn này. Phương pháp được sử dụng ở đây là phương pháp chú thích.
Phương pháp chú thích và phương pháp định nghĩa có những nét khá giống nhau bởi vì về đại thể cả hai đều co cấu trúc cơ bản: "A là B". Song, hai phương pháp này có những nét khác nhau. Phương pháp định nghĩa có những đòi hỏi chặt chẽ hơn. Phần B trong định nghĩa phải đạt được hai yếu tố cơ bản. Một là phải đặt đối tượng định nghĩa vào một loại lớn hơn. Hai là phải chỉ ra yếu tố nói lên đúng đặc điểm bản chất của đối tượng để phân biệt nó với các đối tượng cùng loại khác. Phương pháp chú thích không buộc thoả mãn hai yêu cầu đó. Tuy mức độ chuẩn xác không cao nhưng bù lại phương pháp chú thích có khả năng mềm dẻo hơn, dễ sử dụng hơn.
b. Thuyết minh bằng cách giảng giải nguyên nhân - kết quả
Đọc đoạn văn tiếp tục giới thiệu về thi sĩ Ba-sô (mục 2.b. SGK, trang 50) và trả lời câu hỏi:
Đoạn trích thuyết minh về niềm say mê cây chuối của Ba-sô và tại sao có bút danh Ba-sô. Trong hai mục đích này, mục đích thuyết minh về việc tại sao có bứt danh Ba-sô là chủ yếu mặc dù được nói ngắn hơn niềm say mê cây chuối của Ba-sô. Đây chính là mối quan hệ nhân - quả. Cho dù nguyên nhân có được trình bày dài hơn nhưng nội dung thông báo chính vẫn là kết quả. Niềm say mê cây chuối là nguyên nhân dẫn đến bút danh Ba-sô.
Đoạn trích đã được trình bày một cách hợp lí và hấp dẫn bởi vì người viết đã sử dụng phương pháp thuyết minh phù hợp đối tượng thuyết minh. Nhờ đó mà hình ảnh thi sĩ Ba-sô cùng bút danh của ông hiện lên một cách sinh động, sâu sắc.
Soạn bài Phương pháp thuyết minh phần Luyện tập
Bài 1 trang 51 SGK Ngữ văn 10 tập 2
Nhận xét về sự chọn lựa, vận dụng và phối hợp phương pháp thuyết minh trong đoạn trích ”Hoa lan Việt Nam" (Mục IV.1. SGK trang 51).
Trả lời:
Đây là đoạn trích văn bản thuyết minh được viết nhằm cung cấp những tri thức về hoa lan, một loại hoa được ưa chuộng. Người viết tỏ ra có những hiểu biết thật sự khoa học, chính xác, khách quan về hoa lan ở Việt Nam. Tác giả đã phối hợp nhiều phương pháp thuyết minh: chú thích, phân loại, liệt kê, nêu ví dụ... nhờ đó mà lời thuyết minh trở nên linh hoạt, sinh động và hấp dẫn.
Bài 2 trang 51 SGK Ngữ văn 10 tập 2
Trong một buổi giao lưu với bạn bè quốc tế, anh (chị) muốn giới thiệu với các bạn một trong những nghề truyền thống của quê mình (trồng lúa, nuôi tằm, làm đồ gốm...). Hãy viết lời giới thiệu của anh (chị) thành một bài văn thuyết minh dài khoảng 500 chữ.
Gợi ý cách làm:
Để thực hiện tốt yêu cầu của đề bài, học sinh cần chú ý:
- Tìm tòi, học hỏi để có những hiểu biết chuẩn xác, đầy đủ về nghề truyền thống của quê hương. Đây là yêu cầu trước hết và quan trọng nhất vì không có hiểu biết gì thì không thể thuyết minh.
- Xác định mục đích thuyết minh.
- Vạch đề cương về nội dung thuyết minh.
- Lựa chọn các phương pháp thuyết minh phù hợp với từng nội dung như phương pháp định nghĩa, phương pháp nêu ví dụ để thuyết minh về những nghệ nhân nổi tiếng với nghề truyền thống của quê hương; phương pháp phân tích để thuyết minh về ý nghĩa, giá trị của nghề truyền thống trên lĩnh vực vật chất hoặc văn hoá; phương pháp nguyên nhân - kết quả thuyết minh vì sao có nghề truyền thống ấy...
Dàn ý tham khảo:
1. Mở bài
- Giới thiệu khái quát về làng nghề truyền thống của quê hương (tên, ở đâu, có thể chọn cách trực tiếp hoặc gián tiếp)
2. Thân bài
- Nêu cụ thể hơn địa chỉ của làng nghề: nằm ở đâu, cách đi đến và nhận dạng như thế nào?
- Nêu nguồn gốc, lịch sử hình thành của làng nghề truyền thống ấy
+ Làng được hình thành, ra đời từ khi nào?
+ Lịch sử của làng gắn với sự kiện, nhân vật quan trọng nào?
+ Thời gian tồn tại và phát triển dài bao lâu?
- Chi tiết về làng nghề truyền thống ấy
+ Trong làng có bao nhiêu gia đình theo nghề?
+ Khung cảnh làng như thế nào?
+ Sản phẩm truyền thống của làng nghề là gì? Hiện nay, người dân trong làng vẫn duy trì phương pháp thủ công hay hiện đại? Nêu nét thay đổi, tiến bộ trong hoạt động làm nghề của con người nơi đây.
+ Quá trình những người nghệ nhân làm nghề có gì đặc biệt, gây ấn tượng với em?
+ Sản phẩm tạo ra có hình dáng, màu sắc như thế nào? Thể hiện nét đặc trưng chỉ thuộc về làng nghề này...
- Những sự vật, khung cảnh khác xung quanh làng nghề
- Nêu vị trí, giá trị của làng nghề truyền thống ấy trên đất nước, với người dân nơi đây.
3. Kết bài
- Khẳng định lại lịch sử lâu đời của làng nghề
- Tình cảm của bản thân với làng nghề đó.
Bài văn mẫu tham khảo: Thuyết minh về một ngành thủ công mỹ nghệ hoặc đặc sản của địa phương
TỔNG KẾT
- Muốn làm bài văn thuyết minh có kết quả, người làm bài phải nắm được phương pháp thuyết minh.
- Những phương pháp thuyết minh thường gặp là: định nghĩa, chú thích, phân tích, phân loại, liệt kê giảng giải nguyên nhân - kết quả, nêu ví dụ, so sánh, dùng số liệu,...
- Việc lựa chọn, vận dụng và phối hợp các phương pháp thuyết trình cần tuân theo các nguyên tắc: không xa rời mục đích thuyết minh, làm nối bật bản chất và đặc trưng của sự vật, hiện tượng: làm cho người đọc người nghe) tiếp nhận dễ dàng và hứng thú.
// Trên đây là những nội dung hướng dẫn soạn văn 10 Phương pháp thuyết minh đã được biên soạn chi tiết. Nội dung này không chỉ giúp bạn tham khảo để soạn bài mà còn giúp bạn nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học vận dụng vào việc viết văn.
[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Phương pháp thuyết minh một cách tốt nhất. "Trong cách học, phải lấy tự học làm cố" - Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.