Hướng dẫn soạn bài Phong cách ngôn ngữ báo chí giúp các em hiểu được khái niệm ngôn ngữ báo chí, các thể loại chủ yếu của văn bản báo chí và đặc điểm của phong cách ngôn ngữ báo chí. Từ đó, biết viết một bài đưa tin trên báo tường, biết phân tích một bài phóng sự hoặc tiểu phẩm báo chí.
Qua những hướng dẫn chi tiết trả lời câu hỏi sách giáo khoa dưới đây các em không chỉ soạn bài tốt mà còn nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học này.
Cùng tham khảo...
Hướng dẫn soạn bài Phong cách ngôn ngữ báo chí ngắn nhất
Gợi ý trả lời câu hỏi và bài tập vận dụng soạn bài Phong cách ngôn ngữ báo chí ngắn gọn nhất trang 131 SGK Ngữ văn 11 tập 1.
Câu 1 trang 131 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Đọc một tờ báo xác định những thể loại văn bản báo chí trên tờ báo đó.
Trả lời:
Đọc một tờ báo và xác định thể loại văn bản trên tờ báo đó
+ Bản tin: thời gian, địa điểm, sự kiện chính xác ngắn gọn
+ Theo trình tự, khuôn mẫu: nguồn tin, thời gian, địa điểm, sự kiện, diễn biến, kết quả
+ Phóng sự: Cung cấp nguồn tin, tường thuật chi tiết sự kiện, miêu tả bằng hình ảnh, giúp người đọc có cái nhìn sinh động
Ví dụ: Chuyên mục thời sự trên các kênh truyền hình quốc gia đăng tải phóng sự người dân vùng miền núi Sơn La, Hà Giang:
– Thời gian, địa điểm của phóng sự
– Phỏng vấn nhân vật
(Thông tin được trình bày dưới dạng nguồn tin ngắn gọn, chính xác, đầy đủ)
Câu 2 trang 131 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Phân biệt hai thể loại báo chí: bản tin và phóng sự.
Trả lời:
– Bản tin:
+ Ngắn gọn
+ Cần chính xác, khách quan
– Phóng sự
+ Thông tin sự việc, miêu tả sinh động, cụ thể
+ Gợi cảm, gây hứng thú
Câu 3 trang 131 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Viết một tin ngắn phản ánh tình hình học tập ở lớp.
Gợi ý:
Vào lúc 8h, ngày 31/5/2014 tại trường THPT chuyên Lam Sơn tỉnh T.H lớp 11 sử đã tiến hành tổ chức lễ tổng kết năm học. Tai buổi lễ giáo viên chủ nhiệm đã công bố danh sách học sinh giỏi (8 học sinh),danh sách học sinh tiên tiến (24 học sinh) không có học sinh trung bình. Lớp được xếp hạng là lớp tiên tiến. Buổi lễ kết thúc vào lúc 11h 20 phút cùng ngày.
Hướng dẫn soạn bài Phong cách ngôn ngữ báo chí chi tiết
Gợi ý trả lời câu hỏi và bài tập vận dụng soạn bài Phong cách ngôn ngữ báo chí chi tiết, đầy đủ trang 131 SGK Ngữ văn 11 tập 1.
Bài 1 trang 131 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Đọc một tờ báo xác định những thể loại văn bản báo chí trên tờ báo đó.
Trả lời:
- Ngôn ngữ báo chí được sử dụng ở những thể loại tiêu biểu: Bản tin, phóng sự, tiểu phẩm, ...
Ví dụ: Bản tin trên báo điện tử Dantri.com.vn
Buổi sáng thứ hai không ghi nhận ca mắc mới Covid - 19 tại Việt Nam
Sau nhiều biện pháp quyết liệt của Chính phủ, các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Việt Nam dần hạ nhiệt. Sáng 5/4 không ghi nhận ca mắc mới, trong ngày chỉ xác nhận 1 ca bệnh nhưng đã được cách ly tập trung ngay từ khi nhập cảnh.
Đến sáng 6/4 là sáng thứ 2 Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới. Hiện đã có 91/241 bệnh nhân được tuyên bố khỏi bệnh. Trong số các bệnh nhân đang nằm điều trị, có 52 trường hợp xét nghiệm đã âm tính 1-2 lần.
Để tiếp tục ngăn ngừa dịch Covid-19, cả nước đã thực hiện tốt Chỉ thị 16 của Chính phủ về cách ly toàn xã hội trong 5 ngày qua. Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đề nghị người dân tiếp tục thực hiện tốt thông điệp 5 điểm.
Bài 2 trang 131 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Phân biệt hai thể loại báo chí: bản tin và phóng sự.
Trả lời:
* Bản tin:
- Thông tin ngắn gọn
- Có thời gian, địa điểm cụ thể
- Sự kiện chính xác
- Câu ngắn gọn, từ ngữ chính xác, khách quan.
=> Cung cấp tin tức mới
* Phóng sự (ngắn)
- Là một bản tin có thời gian, địa điểm và sự kiện nhưng được miêu tả, tường thuật chi tiết bằng hình ảnh cụ thể, hấp dẫn, câu văn biểu cảm, từ ngữ sinh động, gây được hứng thú.
Chúng ta cần hiểu được rằng:
Bản tin là đơn vị cơ sở của thông tin báo chí nhằm truyền đạt, phản ánh “về một sự kiện mới xảy ra được mọi người hoặc một số người quan tâm. Tin thường được thông báo nhanh và ngắn gọn trên báo chí, đặc biệt báo ngày, báo điện tử, đài phát thanh và truyền hình. Một bản tin cần có thời gian địa điểm, sự kiện chính xác nhằm cung cấp những tin tức mới cho người đọc. Hay nói cách khác bản tin chỉ đơn giản nói sự vật, sự kiện, nhân vật xảy ra ở đâu thời gian như thế nào mà thôi.
Trong khi đó, phóng sự cũng là một dạng của bản tin. Nhưng thuộc dạng bản tin mở rộng có tường thuật chi tiết sự kiện, có hình ảnh minh họa để cung cấp cho người đọc thông tin một cách đầy đủ, sinh động. Phóng sự được viết, được tường thuật bằng nhiều cách khác nhau sau khi đã được điều tra xác minh chi tiết, nguyên nhân quá trình hình thành sự kiện nhân vật một cách chính xác.
Bài 3 trang 131 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Viết một tin ngắn phản ánh tình hình học tập ở lớp.
Gợi ý:
Để viết được mẩu tin ngắn phản ánh tình hình học tập ở lớp cần chú ý các yếu tố sau:
- Thời gian: Vào một thời điểm nhất định (thi đua chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam, những ngày cuối học kì,...).
- Địa điểm: Lớp.
- Sự kiện: chú ý những sự kiện nổi bật.
- Đưa ra ý kiến (ngắn gọn) về sự kiện, đưa ra số liệu, dẫn chứng cụ thể, thành tích đạt được
Lưu ý: Tin ngắn có những yêu cầu là: chính xác, khách quan (trừ kiểu bài bình luận thời sự).
Các em tham khảo một số mẫu tin ngắn dưới đây để nắm được cách làm bài tập này:
(1)
Hiến máu nhân đạo dự trữ cho SEA Games 22
Nguồn tin từ Viện Huyết học và truyền máu Trung ương cho hay: đến nay đã có khoảng 1000 thnah niên, sinh viên đăng kí tình nguyện hiến máu cho ngân hàng máu SEA Games 22. Viện sẽ tổ chức lễ "Đăng kí hiến máu nhân đạo" cho 1000 sinh viên tham gia hoạt động này đợt đầu tiên vào ngày 30-10 tại Hà Nội.
Tất cả thanh niên, sinh viên tham gia hiến máu nhân đạo đều được khám sức khỏe và phân loại máu, sẵn sàng hiến máu phục vụ điều trị, dự trữ trong SEA Games 22. Theo thống kê của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, từ đầu năm đến nay, thanh niên, sinh viên Hà Nội đã hiến được gần 13000 đơn vị máu, đáp ứng 30% nhu cầu máu cho điều trị tại các bệnh viện ở Hà Nội.
(2)
Thư ngỏ
Các bạn lớp 11 Sử thân mến!
Để tăng cường tính đoàn kết của tất cả thành viên trong lớp, cũng như cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm học tập nâng cao hiệu quả việc học của chúng ta. Đưa tập thể 11Sử trở thành một tập thể xuất sắc. Ban chấp hành chi đoàn 11 Sử quyết định phát động một chương trình thi đua trong tháng mười này và đến hết năm học. Đó là chương trình Cùng tiến bộ với nội dung chương trình cụ thể như sau: Chúng ta cần thành lập một đội ngũ ban cán sự các bộ môn. Đó là những bạn học tốt về các môn học, các bạn này sẽ chịu trách nhiệm trong việc giải đáp những thắc mắc của các thành viên trong lớp, giúp đỡ những bạn học kém làm bài tập. Việc giải đáp thắc mắc sẽ được tiến hành đầu mỗi buổi học. Kết quả của chương trình này, sẽ được đánh gia thông qua kết quả học tập của mọi người ở cuối năm.
Mọi thắc mắc của mọi người xin gửi về địa chỉ email của lớp là: 11sulamson@gmail.com
(3)
Tổng hợp kết quả thi đua lớp 11A
Tình hình học tập lớp 11A trong tuần thi đua thứ 4 (29/11 - 03/11/2012)
Trong không khí thi đua chào mừng 20/11, trong tuần thi đua thứ 4 (29/11 - 03/11/2012), lớp 11A đã có kết quả thi đua xếp thứ 3 /10 lớp trong toàn trường. Song bên cạnh đó vẫn còn trong lớp vẫn còn nhiều giờ trung bình, yếu. Hiện tượng đi muộn tăng, điểm kém tăng từ 02 điểm lên 14 điểm. Xuất hiện hiện tượng vi phạm quy chế thi và kiểm tra (02 HS).
Cần biểu dương tinh thần đi học đúng giờ, vệ sinh lớp học, thực hiện nội quy trang phục, duy trì sĩ số thể dục đã không có trường hợp nào vi phạm qua các tuần.
So với thành tích của tuần thi đua thứ 3, ở tuần thi đua thứ 4 lớp 11A đã có tiến bộ song chưa nhiều. Với thành tích đã đạt được, trong tuần thi đua thứ 5, lớp cần duy trì việc thực hiện nội quy nề nếp học tập, nâng cao ý thức học tập để đạt được thứ hạng cao hơn trong tuần thi đua thứ 5 (05/11 - 10/11/2012).
Kiến thức lí thuyết cơ bản
I. Ngôn ngữ báo chí
- Khái niệm: Ngôn ngữ báo chí là ngôn ngữ dùng để thông báo tin tức thời sự trong nước và quốc tế, phản ánh chính kiến của tờ báo và dư luận quần chúng, nhằm thúc đẩy sự tiến bộ xã hội.
- Ngôn ngữ báo chí tồn tại ở 2 dạng chính: nói và viết
- Chức năng chính của ngôn ngữ báo chí là cung cấp tin tức thời sự, phản ánh dư luận và ý kiến của quần chúng. Đồng thời nêu lên quan điểm chính kiến của tờ báo, nhằm thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
- Phân loại báo chí:
Tiêu chí phân loại | Cách phân loại |
Theo phương tiện | báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử |
Theo định kì xuất bản | báo hàng ngày, báo hàng tuần, báo hàng tháng |
Theo lĩnh vực hoạt động xã hội | báo Văn nghệ, báo Khoa học và đời sống, báo Pháp luật, báo Thương mại, ... |
Theo đối tượng, độc giả, giới tính, lứa tuổi | báo Nhi đồng, báo Thanh niên, báo Phụ nữ, báo Tiền phong... |
- Đặc trưng cơ bản của một số thể loại văn bản báo chí:
+ Bản tin:
- Có thời gian, địa điểm, sự kiện chính xác nhằm cung cấp tin tức cho người đọc.
- Thường theo một khuôn mẫu: nguồn tin - thời gian - địa điểm - sự kiện - diễn biến - kết quả.
+ Phóng sự: bản chất cũng là bản tin nhưng mở rộng phần tường thuật chi tiết sự kiện, miêu tả bằng hình ảnh, giúp người đọc có một cái nhìn đầy đủ, sinh động, hấp dẫn.
+ Tiểu phẩm: là những thể loại phóng túng, giọng văn thân mật, dân dã, thường mang sắc thái mỉa mai, châm biếm nhưng hàm chứa một chính kiến về thời cuộc.
>> Nội dung tiếp theo: Soạn bài Phong cách ngôn ngữ báo chí (tiếp theo)
Tổng kết
- Ngôn ngữ báo chí là ngôn ngữ dùng để thông báo tin tức thời sự trong nước và quốc tế, phản ánh chính kiến của tờ báo và dư luận quần chúng, nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.
- Ngôn ngữ báo chí được sử dụng ở những thể loại tiêu biểu là bản tin, phóng sự, tiểu phẩm,...
Bạn nên tham khảo: Kiến thức các loại phong cách chức năng ngôn ngữ trong văn bản
// Trên đây là nội dung chi tiết bài soạn văn Phong cách ngôn ngữ báo chí do Đọc Tài Liệu biên soạn gửi tới các em tham khảo. Mong rằng nội dung của bài hướng dẫn soạn văn 11 bài Phong cách ngôn ngữ báo chí này sẽ giúp các em ôn tập và nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học. Chúc các em luôn đạt được những kết quả cao trong học tập.
[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Phong cách ngôn ngữ báo chí một cách tốt nhất. "Trong cách học, phải lấy tự học làm cố" - Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.