Soạn bài ôn tập giữa học kì 1 lớp 5 Tiết 6 trang 97 SGK với đầy đủ lý thuyết cùng với gợi ý làm bài luyện tập SGK , Đọc tài liệu hi vọng sẽ giúp các em học sinh luyện tập giữa kì 1 môn Tiếng Việt thật dễ dàng.
Mục tiêu cần đạt
- Nhớ lại các kiến thức về các loại từ trong các bài học
- Nhận biết, phân biệt và vận dụng các loại từ vào bài tập và thực tế đời sống.
Kiến thức cần ghi nhớ
1. Từ đồng nghĩa
Từ đồng nghĩa là những từ có nghĩa giống nhau hoặc gần giống nhau.
Có 2 loại từ đồng nghĩa:
-Từ đồng nghĩa hoàn toàn: Là những từ có nghĩa hoàn toàn giống nhau, có thể thay thế cho nhau trong lời nói.
- Từ đồng nghĩa không hoàn toàn là những từ tuy có cùng nghĩa với nhau nhưng vẫn khác nhau phần nào đó về thái độ, tình cảm hoặc cách thức hành động.
2. Từ trái nghĩa
Từ trái nghĩa là những từ có nghĩa trái ngược nhau.
Từ trái nghĩa khi đặt cạnh nhau làm nổi bật những sự vật, sự việc, hành động, trạng thái... đối lập nhau.
3. Từ đồng âm
Từ đồng âm là những từ giống nhau về âm nhưng khác hẳn nhau về nghĩa.
Dùng từ đồng âm để chơi chữ là dựa vào hiện tượng từ đồng âm, tạo ra những câu nói có nhiều nghĩa, gây những bất ngờ thú vị cho người đọc, người nghe.
4. Từ nhiều nghĩa
Từ nhiều nghĩa là từ có một nghĩa gốc và một hay một số nghĩa chuyển. Các nghĩa của từ nhiều nghĩa bao giờ cũng có mối liên hệ với nhau.
Gợi ý giải bài tập SGK
Câu 1 (trang 97 sgk Tiếng Việt 5): Thay những từ in đậm trong đoạn văn dưới đây bằng các từ đồng nghĩa cho chính xác hơn:
Hoàng bê chén nước bảo ông uống. Ông vò đầu Hoàng và bảo: "Cháu của ông ngoan lắm! Thế cháu đã học bài chưa?" Hoàng nói với ông: "Cháu vừa thực hành xong bài tập rồi ông ạ!"
Hướng dẫn trả lời
Hoàng bưng chén nước bảo ông uống. Ông xoa đầu Hoàng và bảo: "Cháu của ông ngoan lắm! Thế cháu đã học bài chưa?" Hoàng nói với ông: "Cháu vừa làm xong bài tập rồi ông ạ!"
Câu 2 (trang 97 sgk Tiếng Việt 5): Tìm từ trái nghĩa thích hợp với mỗi ô trống.
a) Một miếng khi đói bằng một gói khi ....
b) Đoàn kết là sống, chia rẽ là ....
c) Thắng không kiêu, ... không nản.
d) Nói lời phải giữ lấy lời
Đừng như ong bướm ... rồi lại bay.
e. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
Xấu người ... nết còn hơn đẹp người.
Hướng dẫn trả lời
a) Một miếng khi đói bằng một gói khi no.
b) Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết.
c) Thắng không kiêu, bại không nản.
d) Nói lời phải giữ lấy lời
Đừng như ong bướm đậu rồi lại bay.
e. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người.
Câu 3 (trang 98 sgk Tiếng Việt 5): Đặt câu để phân biệt hai từ đồng âm: giá (giá tiền) – giá (giá để đồ vật).
Hướng dẫn trả lời
- Giá tiền của quyển sách được in ở bìa sau.
- Em có một giá sách rất xinh.
Câu 4 (trang 98 sgk Tiếng Việt 5): Đặt câu với mỗi nghĩa dưới đây của từ đánh:
a) Làm đau bằng cách dùng tay hoặc dùng roi, gậy, … đập vào thân người.
b) Dùng tay làm cho phát ra tiếng nhạc hoặc âm thanh.
c) Làm cho bề mặt sạch hoặc đẹp ra bằng cách xát, xoa.
Hướng dẫn trả lời
a) Tráng sĩ dùng roi đánh vào mông ngựa, giục nó phi nhanh hơn.
b) Bạn Lan đánh đàn rất giỏi.
c) Bố đang đánh bóng đôi giày.
***
Với nội dung Soạn bài ôn tập giữa học kì 1 lớp 5 Tiết 6, hi vọng các em sẽ tự ôn tập, tổng hợp lại được kiến thức cần có cho mình sau này khi học các lớp lớn hơn. Chúc các em học giỏi môn Tiếng Việt lớp 5.