Soạn bài Nói và nghe trang 15 Ngữ Văn 7 Cánh Diều tập 2

Xuất bản: 01/12/2022 - Tác giả:

Soạn bài Kể lại một truyện ngụ ngôn giúp học sinh tự thực hành kể lại một câu truyện ngụ ngôn mà em thích với người khác ở bài 6 trang 15 SGK Ngữ Văn 7 tập 2 Cánh Diều

Soạn bài Kể lại một truyện ngụ ngôn sách Cách Diều

Trong nội dung dưới dây, Đọc tài liệu sẽ hướng dẫn các em cách Kể lại một truyện ngụ ngôn thông qua việc tìm ý, lập dàn ý và bài nói tham khảo.

1. Định hướng

a) Kể lại một truyện ngụ ngôn là hình thức dùng lời của em để kể cho người khác nghe về một câu chuyện đã học hay đã đọc. Truyện ngụ ngôn được kể lại có thể là truyện Việt Nam hoặc nước ngoài

b) Để kể lại một truyện ngụ ngôn, các em cần chú ý:

- Lựa chọn truyện ngụ ngôn mà em yêu thích.

- Bám sát cốt truyện nhưng kể lại bằng lời nói và cách diễn đạt của cá nhân người kể. Trong khi kể có thể kết hợp với các yếu tố phi ngôn ngữ (cử chỉ, hành động, nét mặt, điệu bộ,...) để thể hiện được những suy nghĩ, cảm xúc và thái độ của mình sinh động hơn.

- Lập dàn ý cho bài kể

- Khi kể phải phát âm đúng, dùng từ ngữ chính xác, trình bày nội dung rõ ràng, mạch lạc, biết sử dụng ngữ điệu, điệu bộ để hỗ trợ, nhằm giúp cho người nghe tiếp nhận đạt hiệu quả cao nhất, sử dụng những cách nói thủ vị, di dỏm, hài hước.

- Bảo đảm thời gian theo quy định

2. Thực hành Kể lại một truyện ngụ ngôn

Bài tập: Kể lại truyện ngụ ngôn “Ếch ngồi đáy giếng”.

a) Chuẩn bị 

- Xem lại nội dung đọc hiểu truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng

- Chuẩn bị tranh, ảnh và phương tiện trình bày (nếu có).

b) Tìm ý và lập dàn ý 

* Tìm ý cho bài nói bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi

- Truyện kể về sự kiện: ếch ở dưới giếng lâu ngày nên chỉ thấy bầu trời thông qua miện giếng và thấy bầu trời bé bằng chiếc vung.

- Nhân vật chính: chú ếch

- Diễn biến câu chuyện: Mở đầu: giới thiệu chú ếch và hoàn cảnh sống-> phát triển: chú ếch kêu to, ra oai với mọi người và nghĩ mình là nhất. Một hôm ra khỏi giếng vẫn giữ thói hung hang ngang tàng → kết thúc: bị trâu giẫm bẹp.

- Môi trường sống nhỏ hẹp, tù túng, không giao lưu làm hạn chế hiểu biết về thế giới xung quanh. Sống lâu trong môi trường nhỏ hẹp sẽ dần hạn chế sự hiểu biết. Từ những hiểu biết hạn hẹp, dễ trở nên nông cạn, chủ quan, kiêu ngạo sẽ phải trả giá rất đắt

* Lập dàn ý

Mở đầu

- Giới thiệu khái quát về truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng.

Ví dụ: Truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng là một trong những truyện dân gian hay. Tác giả dân gian mượn chuyện loài vật để nêu lên bài học sâu sắc đối với con người.

Nội dung chính

- Lựa chọn và sắp xếp các ý tìm được từ truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng theo một trình tự hợp lí.

Ví dụ:

+ Khi ếch ở trong giếng (hoàn cảnh sống, suy nghĩ và thái độ của ếch).

+ Khi ếch ra ngoài giếng (môi trường sống đã thay đổi; hành động và thái độ của ếch; hậu quả).

Kết thúc

+ Nhận xét, đánh giá chung về nhân vật con ếch trong câu chuyện.

+ Nêu ý nghĩa và bài học cho bản thân từ truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng.

c) Nói và nghe

Kính thưa thầy/ cô và các bạn, em tên là….lớp….trường…

Tối thứ bảy hàng tuần, em đều được bà kể cho nghe truyện ngày xưa. Trong đó có những câu chuyện ngụ ngôn tuy ngắn nhưng thật hay và bổ ích, giúp con người thấy được nhiều bài học trong cuộc sống. Hôm nay, bà đã kể cho em chuyện “Ếch ngồi đáy giếng”.

Bà nội em thuộc rất nhiều ca dao, tục ngữ, thành ngữ... Vì thế khi nói chuyện bà hay thêm vào đó những câu tục ngữ lạ mà em không hiểu. Những lúc như thế bà lại cặn kẽ giảng giải. Hôm nay, bà nói về câu tục ngữ “Ếch ngồi đáy giếng” chỉ những kẻ dù hiểu biết rất hạn hẹp nhưng lúc nào cũng huênh hoang, tự đắc. Rồi để giải thích cho em hiểu hơn, bà kể lại cho em nguồn gốc câu thành ngữ ấy.

Ngày xưa, có một chú ếch sống trong một cái giếng nhỏ. Vì sống ở đó lâu ngày nên nó không biết thế giới ở ngoài kia ra sao. Xung quanh nó chỉ có vài con cua, ốc, nhái bé nhỏ... nên nó tưởng rằng mình là to là mạnh nhất. Ếch ta tự hào lắm về tiếng kêu ồm ộp của mình. Mỗi khi nó kêu làm vang động cả cái giếng nhỏ, khiến những con vật nhỏ khác rất hoảng sợ. Ếch cứ ngỡ mình rất oai. Ngẩng mặt lên nhìn trời, nó thấy bầu trời chỉ bằng chiếc vung chứ không cao và rộng lớn như người ta thường đồn đại. Ếch ta kiêu hãnh lắm và cho rằng trời quá bé nhỏ còn nó mới xứng là một vị chúa tể. Suy nghĩ ấy đã làm cho ếch ta coi thường mọi vật. Trong cái nhìn của ếch thì chẳng có ai bằng nó cả. Thế nên, một năm trời mưa to, nước trong giếng dâng cao, đưa ếch ta ra ngoài. Quen cái nhìn cũ, quen cách nghĩ cũ, ếch huênh hoang đi lại trên đường, đi khắp nơi như chốn không người. Theo thói quen, nó cất tiếng kêu ồm ộp và tưởng rằng ai cũng sợ như dưới đáy giếng kia. Nó đưa cặp mắt lên nhìn và vẫn cho rằng bầu trời bé tẹo như cái vung nên chẳng để ý gì đến xung quanh. Bỗng nó thấy tối sầm lại, không nhìn rõ gì nữa. Một vật gì rất lớn che mất tầm nhìn của nó. Nó đâu biết rằng đó là chân của một con trâu nên đã bị dẫm bẹp. Thế là hết đời một con ếch ngông nghênh.

Nghe câu chuyện bà kể, em thấy chú ếch con thật đáng chê trách. Có nhiều người trẻ, ít kinh nghiệm, ít hiểu biết nhưng lại là những người có tính cách hung hăng, huênh hoang, ngông nghênh nhiều nhất. Có lẽ vì còn chưa hiểu biết nhiều nên họ mới làm những việc kém hiểu biết. Do đó, những người trẻ tuổi phải cố gắng mở rộng tầm hiểu biết của mình, không chỉ trong sách vở mà còn nhiều lĩnh vực khác, không chủ quan hay kiêu ngạo. Những tính cách đó chỉ làm hỏng một con người mà thôi, đôi khi còn làm cho người khác bị tổn thương nữa.

Bao giờ kể chuyện xong bà cũng giúp em rút ra những bài học quý báu, không cao sang, xa vời mà rất thực tế, gần gũi. em luôn lắng nghe những điều bà dặn để áp dụng vào cuộc sống. Bản thân em cũng như tất cả mọi người, không ai là hoàn hảo nên luôn phải học hỏi lẫn nhau, những khiếm khuyết của mình sẽ được tri thức của người khác bổ sung và ngược lại. Do đó, không được giấu điểm yếu kém. Bà còn bảo em phải học thật chăm để không bị kém hiểu biết, có như thế mới không suy nghĩ hay hành động thiếu hiểu biết. Quả thực những điều bà dặn dò em đòi hỏi một sự cố gắng nỗ lực và tự giác rất lớn nhưng dù có thế nào thì em cũng không thể để mình như chú ếch ngồi đáy giếng được.

Truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng của ông cha ta thật sâu sắc: Nói chuyện của loài vật nhưng mục đích là nói chuyện loài người. Bất kì ai khi đọc truyện cũng sẽ tự rút ra được cho mình bài học cần thiết và bổ ích.

d) Kiểm tra và chỉnh sửa

- Người nói: Xem xét lại về việc thể hiện nội dung và cách kể

- Người nghe: Rút kinh nghiệm về việc nắm bắt nội dung và cách nghe

-/-

Hy vọng các em sẽ học tốt Ngữ Văn 7 với trọn bộ tài liệu Soạn văn 7 Cánh Diều do Đọc tài liệu tổng hợp và biên soạn.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM