Soạn bài Những câu hát dân gian về vẻ đẹp quê hương (Chân trời sáng tạo)

Xuất bản: 23/06/2021 - Tác giả:

Soạn bài Những câu hát dân gian về vẻ đẹp quê hương trang 61 sách Ngữ văn 6 tập 1 (Chân trời sáng tạo) với hướng dẫn trả lời câu hỏi chi tiết để em có thể soạn văn 6 tại nhà.

Hướng dẫn soạn văn 6 bài Những câu hát dân gian về vẻ đẹp quê hương bài 3 bộ sách Chân trời sáng tạo được biên soạn theo chương trình đổi mới của Bộ giáo dục.

Soạn bài Những câu hát dân gian về vẻ đẹp quê hương

Dưới đây là gợi ý trả lời các câu hỏi của bài học

Chuẩn bị đọc

Cụm từ “vẻ đẹp quê hương” thường khiến em nghĩ đến điều gì?

Trả lời

Cụm từ “vẻ đẹp quê hương” gợi ra cho em là những khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp trên mọi miền đất nước từ thành thị đến thôn quê, từ miền núi đến đồng bằng

Trải nghiệm cùng văn bản

Qua câu ca dao này, thành Thăng Long hiện lên trong tâm trí em như thế nào?

"Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ."

Trả lời:

Qua câu ca dao "Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ. " em cảm nhận được kinh thành Thăng Long là nơi đông đúc, nhộn nhịp với 36 phố phường buôn bán tấp nập với những tên phố hiện lên cũng đầy ấn tượng và có nét đặc trưng riêng cho từng con phố.

Suy ngẫm và phản hồi

Câu 1. Hình ảnh kinh thành Thăng Long được gợi lên trong bài ca dao số 1 có điểm gì đặc biệt? Những từ ngữ như “phồn hoa thứ nhất Long Thành”, “người về nhớ cảnh ngẩn ngơ” đã góp phần thể hiện sắc thái cảm xúc gì của tác giả về đất Long Thành?

Trả lời câu 1 trang 63 SGK Ngữ văn 6 tập 1 (Chân trời sáng tạo)

Hình ảnh kinh thành Thăng Long hiện lên với đầy đủ tên gọi của 36 phố phường. Những từ ngữ như “phồn hoa thứ nhất Long Thành”, “người về nhớ cảnh ngẩn ngơ” đã góp phần thể hiện niềm tự hào về sự đông đúc, nhộn nhịp của phố phường Hà Nội và thể hiện tình cảm lưu luyến của tác giả khi phải xa Long Thành.

Bài ca dao số 1:

Rủ nhau chơi khắp Long thành,

Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai

Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai,

Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Hài, Hàng Khay,

Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giày,

Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn,

Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Than,

Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Ngang, Hàng Đồng,

Hàng Muối, Hàng Nón, Cầu Đông,

Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè,

Hàng Thùng, Hàng Bát, Hàng Tre,

Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà,

Quanh đi đến phố Hàng Da,

Trải xem phường phố, thật là cũng xinh.

Phồn hoa thứ nhất Long Thành,

Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ.

Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ,

Bút hoa xin chép nên thơ lưu truyền.

Câu 2. Bài ca dao 2 giới thiệu vẻ đẹp gì của quê hương? Cảm xúc của tác giả dân gian về quê hương được thể hiện như thế nào qua bài ca dao này?

Trả lời câu 2 trang 63 SGK Ngữ văn 6 tập 1 (Chân trời sáng tạo)

Bài ca dao số 2 đã giới thiệu về một vẻ đẹp khác  của quê hương, đó là vẻ đẹp về truyền thống giữ nước của dân tộc, tác giả dân gian đã giới thiệu địa danh lịch sử, gắn với những chiến công lịch sử oanh liệt của dân tộc (ba lần phá tan quân xâm lược trên sông Bạch Đằng, cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn chiến thắng giặc Minh). Qua đó, đã thể hiện niềm tự hào và tình yêu với quê hương đất nước.

Bài ca dao 2:

Em đố anh từ nam chí bắc,
Sông nào là sông sâu nhất?
Núi nào là núi cao nhất ở nước ta?
Anh mà giảng được cho ra,
Thì em kết nghĩa giao hoà cùng anh.
- Sâu nhất là sông Bạch Đằng,
Ba lần giặc đến ba lần giặc tan.
Cao nhất là núi Lam Sơn,
Có ông Lê Lợi trong ngàn bước ra.

Câu 3. Em cảm nhận như thế nào về vẻ đẹp của vùng đất Bình Định qua bài ca dao 3? Xác định và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ đuọc sử dụng trong câu lục bát “Bình Định có núi Vọng Phu/ Có đầm Thị Nại, có cù lao Xanh.”

Trả lời câu 3 trang 63 SGK Ngữ văn 6 tập 1 (Chân trời sáng tạo)

- Bài ca dao 3 đã gợi lên vẻ đẹp của vùng đất Bình Định qua vẻ đẹp của thiên nhiên, của lịch sử đấu tranh anh hùng (chiến công của nghĩa quân Tây Sơn ở đầm Thị Nại), của lòng chung thuỷ, sắt son của người phụ nữ (núi Vọng Phu), của những món ăn dân dã (bí đỏ nấu canh nước dừa) đặc trưng nơi đây.

- Biện pháp tu từ đuọc sử dụng trong câu lục bát “Bình Định có núi Vọng Phu/ Có đầm Thị Nại, có cù lao Xanh.” là điệp từ “có”

Tác dụng: Điệp từ này đã góp phần nhấn mạnh những nét đẹp đặc trưng của Bình Định và thể hiện lòng tự hào của tác giả dân gian về mảnh đất quê hương.

Bài ca dao 3:

Bình Định có núi Vọng Phu,
Có đầm Thị Nại, có cù lao xanh.
Em về Bình Định cùng anh,
Được ăn bí đỏ nấu canh nước dừa.

Câu 4. Em hãy chỉ ra đặc điểm của thể thơ lục bát thể hiện qua bài ca dao 3.

Trả lời câu 4 trang 63 SGK Ngữ văn 6 tập 1 (Chân trời sáng tạo)

Đặc điểm của thể thơ lục bát thể hiện qua bài ca dao số 3:

- Số dòng thơ: 4 dòng (2 dòng lục có sáu tiếng, 2 dòng bát có 8 tiếng)

- Vần trong các dòng thơ: câu lục vần với tiếng thứ sáu của câu bát: phu-cù, xanh-anh-canh)

- Nhịp thơ: Dòng 1 nhịp 2/4, dòng 2 nhịp 4/4, dòng 3 nhịp 4/2, dòng 4 nhịp 4/4

Câu 5. Những hình ảnh “cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn” thể hiện đặc điểm gì của vùng Tháp Mười? Từ đó, cho biết tình cảm của tác giả đối với vùng đất này.

Trả lời câu 5 trang 63 SGK Ngữ văn 6 tập 1 (Chân trời sáng tạo)

Những hình ảnh “cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn” thể hiện sự trù phú về sản vật mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng và qua đó thể hiện niềm tự hào về sự giàu có của thiên nhiên vùng Đồng Tháp Mười.

Câu 6. Những vẻ đẹp nào của quê hương được thể hiện xuyên suốt trong bốn bài ca dao trên? Qua đó, tác giả dân gian thể hiện tình cảm gì với quê hương, đất nước? Dựa vào đâu, em nhận định như vậy?

Trả lời câu 6 trang 64 SGK Ngữ văn 6 tập 1 (Chân trời sáng tạo)

Qua bốn bài ca dao, đã thể hiện được vẻ đẹp cảu quê hương qua vẻ đẹp thiên nhiên, con người, truyền thống lịch sử đấu tranh, văn hoá của vùng đất. Qua đó tác giả thể hiện tình cảm, sự tự hào về quê hương, đất nước.

Dựa vào những hình ảnh, từ ngữ, biện pháp nghệ thuật được các tác giả dân gian thể hiện qua từng bài ca dao.

Câu 7. Điền vào bảng sau ít nhất một từ ngữ hoặc hình ảnh độc đáo của mỗi bài ca dao và giải thích vì sao em chọn từ ngữ, hình ảnh ấy:

Bài ca daoTừ ngữ, hình ảnh độc đáoGiải thích
1
2
3
4

Trả lời câu 7 trang 64 SGK Ngữ văn 6 tập 1 (Chân trời sáng tạo)

Bài ca daoTừ ngữ, hình ảnh độc đáoGiải thích
1Phồn hoa thứ nhất Long Thành/ Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờCâu thơ gợi lên hình ảnh kinh thành Thăng Long đông đúc, nhộn nhịp, đường xá
2Sâu nhất là sông Bạch Đằng/ Ba lần giặc đến, ba lần giặc tanThể hiện được vẻ đẹp và lòng tự hào về lịch sử quê hương.
3Có đầm Thị Nại, có cù lao XanhĐiệp từ "có" thể hiện lòng tự hào về những cảnh đẹp quê hương gắn liền với lịch sử.
4tôm sẵn bắt, trời sẵn ănHình ảnh thể hiện sự trù phú, giàu có của thiên nhiên ban tặng người dân Tháp Mười.

Câu 8.

Trong bốn bài ca dao trên, em thích nhất bài nào? Vì sao?

Trả lời câu 8 trang 64 SGK Ngữ văn 6 tập 1 (Chân trời sáng tạo)

Em thích nhất là bài ca dao số 1, bài thơ đã thể hiện được vẻ đẹp phồn hoa đô thị của phố phường Hà Nội xưa. Đó chính là niềm tự hào về mảnh đất kinh thành, nơi hội tụ tinh hoa của đất nước, niềm tự hào của mỗi người dân Việt.

-/-

Vậy là trên đây Đọc tài liệu đã hướng dẫn các em hoàn thiện phần soạn bài Những câu hát dân gian về vẻ đẹp quê hương trang 61 Ngữ văn 6 tập 1 (Chân trời sáng tạo). Chúc các em học tốt.

Chi tiết các bài học: Soạn văn 6 sách chân trời sáng tạo

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM