Soạn bài Nhàn (Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Xuất bản: 09/09/2020 - Cập nhật: 20/07/2022 - Tác giả:

Hướng dẫn soạn bài Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm, trả lời các câu hỏi đọc hiểu và luyện tập trang 128 sách giáo khoa Ngữ văn 10 tập 1.

Bạn đang cần tìm tài liệu soạn bài Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm? Đọc Tài Liệu giới thiệu nội dung chi tiết bài soạn Nhàn giúp các bạn trả lời tốt các câu hỏi đọc hiểu bài và nắm chắc kiến thức về tác phẩm.

Sau khi nghiên cứu xong nội dung bài soạn Nhàn (Nguyễn Bỉnh Khiêm), các em cần hiểu đúng quan niệm "sống nhàn" và cảm nhận được vẻ đẹp nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ngoài ra, bài soạn cũng giúp các em biết cách đọc một bài thơ kết hợp giữa trữ tình và triết lí có cách nói ẩn ý, thâm trầm và sâu sắc.

  Cùng tham khảo nhé...

Soạn bài Nhàn (Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Kiến thức cơ bản về tác giả, tác phẩm

1. Tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm

- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) quê ở làng Trung Am, nay thuộc xã Lí Học, huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng

- Nguyễn Bỉnh Khiêm là người có học vấn uyên thâm. Ông đỗ Trạng nguyên năm 1535, làm quan dưới triều Mạc. Khi làm quan, ông dâng sớ vạch tội và xin chém đầu mười tám lộng thần. Vua không nghe, ông bèn cáo quan về quê, lập quán Trung Tân, dựng am Bạch Vân, lấy hiệu là Bạch Vân Cư Sĩ.

- Mặc dù về ở ẩn, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn tham vấn cho triều đình nhà Mạc. Ông được phong tước Trình Tuyền hầu, Trình Quốc công nên có tên gọi là Trạng Trình.

- Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà thơ lớn của dân tộc. Ông để lại tập thơ chữ Hán Bạch Vân am thi tập (khoảng 700 bài) và tập thơ chữ Nôm Bạch Vân quốc ngữ thi (khoảng trên 170 bài).

- Thơ ông mang đậm chất triết lí, giáo huấn, ngợi ca chí của kẻ sĩ, thú thanh nhàn, đồng thời phê phán những điều xấu xa trong xã hội.

2. Tác phẩm Nhàn

- Nhàn là bài thơ Nôm trong Bạch Vân quốc ngữ thi. Nhan đề bài thơ do người đời sau đặt.

- Nội dung bài thơ khẳng định quan niệm sống nhàn hoà hợp với tự nhiên và giữ được cốt cách thanh cao, thoát khỏi vòng danh lợi.

- Nghệ thuật: Nhịp thơ chậm, thong thả. Giọng điệu thơ nhẹ nhàng, hóm hỉnh. Ngôn ngữ thơ mộc mạc, tự nhiên. Các biện pháp nghệ thuật: dùng điển cố, phép đối.

- Bố cục bài thơ: hai câu đề, hai câu thực, hai câu luận và hai câu kết

Hướng dẫn soạn bài Nhàn

   Gợi ý trả lời các câu hỏi đọc hiểu soạn bài Nhàn (Nguyễn Bỉnh Khiêm) chi tiết, đầy đủ trang 129, 130 sách giáo khoa Ngữ văn 10 tập 1.

Soạn bài Nhàn phần Hướng dẫn học bài

Bài 1 trang 129 SGK Ngữ văn 10 tập 1

 Cách dùng số từ, danh từ trong câu thứ nhất và nhịp điệu hai câu thơ đầu có gì đáng chú ý? Hai câu thơ ấy cho ta hiểu hoàn cảnh cuộc sống và tâm trạng tác giả như thế nào?

Trả lời:

- Trong câu đầu, nhà thơ dùng số từ “mỗi” lặp lại ba lần, cùng với các danh từ đứng sau chỉ công cụ nông ngư: “Một mai, một cuốc, một cần câu”.

- Nhịp điệu trong hai câu thơ đầu thể hiện sự thong thả, ung dung:

Một mai, /một cuốc, / một cần câu (2/2/3)

Thơ thẩn dầu ai/ vui thú nào (4/3)

- Hai câu thơ thể hiện quan niệm về cuộc sống nhàn: Đó là sống ung dung trong những việc hàng ngày (lao động, vui chơi); cuộc sống nghèo, thanh đạm, nhàn nhã, và chan hoà cùng thiên nhiên. Ba chữ “một” trong câu thơ để thấy nhu cầu cuộc sống của tác giả chẳng có gì cao sang, thật khiêm tốn, bình dị.

Bài 2 trang 129 SGK Ngữ văn 10 tập 1

Anh (chị) hiểu thế nào là nơi "vắng vẻ", chốn "lao xao"? Quan điểm của tác giả về "dại", "khôn" như thế nào? Tác dụng biểu đạt ý của nghệ thuật đối trong hai câu thơ 3 và 4?

Trả lời:

- Hai tiếng “ta dại, người khôn” khẳng định phương châm sống của tác giả, pha chút mỉa mai với người khác. Ta dại có nghĩa là ta ngu dại. Đây là cái ngu dại của bậc đại trí. Người xưa có câu “Đại trí như ngu” nghĩa là người có trí tuệ lớn thường không khoe khoang, bề ngoài rất vụng về, dại dột. Cho nên khi nói “ta dại” cũng là thể hiện nhà thơ rất kiêu ngạo với với cuộc đời.

+ Tìm nơi “vắng vẻ” không phải là xa lánh cuộc đời mà tìm nơi mình thích thú được sống thoải mái, hoà nhập với thiên nhiên, lánh xa chốn quan trường, lợi lộc để tìm chốn thanh cao.

+ Chốn "lao xao” là chốn vụ lợi, chạy theo vinh hoa, lợi ích vật chất, giành giật hãm hại lẫn nhau. Rõ ràng Nguyễn Bỉnh Khiêm cho cách sống nhàn nhã là xa lánh không quan tâm tới danh lợi.

- Đây là cách nói của đời thường, chưa phải quan niệm của tác giả. Tác giả mượn lời nói của đời thường để diễn đạt quan niệm sống của mình mặc người đời cho là khôn hay dại. Nho sĩ thời loạn vẫn tìm về nơi yên tĩnh để ở ẩn.

Đối lập giữa “nơi vắng vẻ" với "chốn lao xao”, tác giả muốn khẳng định cách sống nhàn cư ẩn dật; xa lánh chốn vinh hoa, chạy theo vật chất tầm thường. Hai vế tương phản, làm nổi bật ý nghĩa của mỗi vế.

Bài 3 trang 129 SGK Ngữ văn 10 tập 1

Các sản vật và khung cảnh sinh hoạt trong hai câu thơ 5, 6 có gì đáng chú ý? Hai câu thơ cho thấy cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm như thế nào? Phân tích giá trị nghệ thuật của hai câu thơ này?

Trả lời:

Các sản vật và khung cảnh sinh hoạt hết sức giản dị, đạm bạc mà thanh cao, lối sống hoà nhập cùng cỏ cây hoa lá.

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao ?

Nhịp thơ của hai câu là 1/3/1/2. Nhịp một nhấn mạnh vào các mùa trong năm, ăn, tắm đều thích thú, mùa nào thức ấy. Cách sống nhàn là hoà hợp với tự nhiên.

- Măng, trúc, giá, hồ sen, ao tất cả đều gần gũi với cuộc sống quê mùa chất phác, sinh hoạt rất đạm bạc mà thanh cao. Cho dù sinh hoạt ấy còn khổ cực, còn thiếu thốn nhưng đó là thú nhàn, là cuộc sống hoà nhịp với tự nhiên của con người. Từ trong cuộc sống nhàn ấy là toả sáng nhân cách.

Cái thú cảnh sông nhàn ẩn dật mang tính triết lí của các Nho sĩ là ở chỗ: trong thời loạn lạc, người có nhân cách cao đẹp phải xa lánh cuộc sống bon chen tầm thường, tìm đến nơi yên tĩnh, vui thú cùng cỏ cây, vạn vật, an lòng với cảnh nghèo khó, sống hoà mình với thiên nhiên, vũ trụ và giữ được cốt cách thanh cao, trong sạch.

Bài 4 trang 130 SGK Ngữ văn 10 tập 1

Với điển tích được vận dụng trong hai câu thơ cuối, anh (chị) cảm nhận như thế nào về nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm?

Trả lời:

Với điển tích Thuần Vu, ta thấy hai câu cuối của bài thơ thể hiện quan niệm sống mang tính triết lí của tác giả: sống ẩn dật, xa lánh cuộc đời bon chen để giữ cho tâm hồn cốt cách được trong sạch: với “phú quý” (sự giàu sang) nhà nho chỉ thấy “tựa chiêm bao” (như trong giấc mộng) nghĩa là có mà cũng như không, rất phù phiếm, không có gì quan trọng...

Đây là triết lí của đạo Nho: sự thịnh hay suy là quy luật của vũ trụ, đất nước, triều đại có lúc hưng, lúc vong. Nhà nho là người “hiểu được ý Trời” nên khi nào ra làm quan, khi nào về ở ẩn, tất thảy đều tuân theo “mệnh Trời” (với tư cách là hình ảnh của quy luật tự nhiên và xã hội). Trong cả hai trường hợp, nhà nho chân chính đều tự coi mình là cao quý, họ phải giữ cho tâm hồn, cốt cách trong sạch, không bị thói đòi làm hoen ố.

Hai câu cuối cho thấy tâm hồn, nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm thể hiện rõ là một kẻ sĩ thanh cao và trong sạch.

Bài 5 trang 130 SGK Ngữ văn 10 tập 1

Quan niệm sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm là gì?

Trả lời:

- Quan niệm nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải là tìm đến sự nhàn nhã để chẳng phải vất vả, cực nhọc. Nhàn cũng không phải để thỏa thú nhàn tản của bản thân, thây kệ cuộc đời, không bận tâm đến xã hội.

- Với Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhàn là sống hòa hợp với tự nhiên, thuận theo tự nhiên; nhàn là xa rời phương danh lợi, quyền quý để giữ cốt cách thanh cao.

- Bản chất chữ "nhàn" của Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhàn thân mà không nhàn tâm. Nhàn mà vẫn lo âu việc nước, việc đời. Nhà thơ tìm đến "say" nhưng là để tỉnh: "Rượu đến cội cây ta sẽ uống/ Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao"

=> Quan niệm sống nhàn của ông chứa đựng nhiều yếu tố tích cực khác với lối sống "độc thiện kì thân" (tốt cho riêng mình".

Soạn bài Nhàn phần Luyện tập

Câu hỏi luyện tập trang 130 SGK Ngữ văn 10 tập 1

Cảm nhận chung về cuộc sống, nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ Nhàn.

Trả lời:

Sống gần trọn thế kỉ thứ XVI (1549 - 1585), Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chứng kiến cảnh bất công, ngang trái, thối nát của các triều đại phong kiến Việt Nam: Lê, Mạc, Trịnh. Xót xa hơn ông cũng thấy sự băng hoại của đạo đức con người:

Còn bạc còn tiền còn đệ tử

Hết cơm hết rượu hết ông tôi

Khi làm quan ông vạch tội bọn gian thần, dâng sớ xin vua chém kẻ lộng thần. Vua không nghe, ông cáo quan về sống tại quê nhà với triết lí: Nhàn một ngày là tiên một ngày.

Bài thơ Nhàn là một trong những tác phẩm viết bằng chữ Nôm, rút trong Bạch Vân quốc ngữ thi tập của ông. Bài thơ cho thấy một phần cuộc sống và quan niệm sống của tác giả trong cảnh ẩn dật.

- Cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện lên trong bài thơ là cuộc sống giản dị, đạm bạc (đơn giản) nhưng thanh cao, trong sạch.

- Triết lí sống của ông là tư tưởng nhân sinh của đạo nho, ứng xử trong thời loạn: kẻ sĩ "an bần lạc đạo" (yên phận với cái nghèo, vui với đạo), sống chan hòa với thiên nhiên, giữ cho tâm hồn luôn thanh cao.

- Nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhân cách của một nhà nho ẩn sĩ: cao cả, trong sạch, uyên thâm...

Soạn bài Nhàn ngắn nhất

   Gợi ý trả lời các câu hỏi đọc hiểu soạn văn bài Nhàn lớp 10 ngắn gọn nhất trang 129, 130 sách giáo khoa Ngữ văn 10 tập 1.

Câu 1 trang 129 SGK Ngữ văn 10 tập 1

- Số từ "một" được lặp lại ba lần, đi cùng với ba danh từ "mai", "cuốc", "cần câu"

- Nhịp điệu hai câu thơ đầu thay đổi linh hoạt: câu 1 ngắt nhịp 2/2/3, câu 2 ngắt nhịp 4/3 quen thuộc, thể hiện sự thong thả, ung dung.

=> Nguyễn Bỉnh Khiêm đang sống một cuộc sống nhàn tản, với thú vui tao nhã, thanh đạm, sống chan hòa cũng thiên nhiên, lánh xa cuộc sống phồn hoa ồn ào, tấp nập, đầy bon chen bên ngoài.

Câu 2 trang 129 SGK Ngữ văn 10 tập 1

- Nơi "vắng vẻ": là nơi mà tác giả đang ở ẩn, xa lánh chốn quan trường, những bon chen về lợi lộc vật chất của cuộc sống, được sống thoải mái hòa nhập với thiên nhiên.

- Chốn "lao xao": nơi trái ngược với nơi tác giả đang ở, chốn vụ lợi, chạy theo vinh hoa, lợi ích vật chất, giành giật hãm hại lẫn nhau.

- Quan điểm về "dại", "khôn" của tác giả: Dựa trên câu chữ, chọn cuộc sống ở chốn an tĩnh, lánh đời như tác giả là dại, đắm mình vào chốn xô bồ là khôn, nhưng thực chất quan điểm của tác giả ngụ ý điều ngược lại (cách nói trái ngược).

- Nghệ thuật đối rất chỉnh giữa hai câu 3 và 4 đã tách bạch rõ hai kiểu sống tương phản, làm bật nổi quan điểm sống nhàn cư ẩn dật; xa lánh chốn vinh hoa, chạy theo vật chất tầm thường của thi nhân.

Câu 3 trang 129 SGK Ngữ văn 10 tập 1

- Các sản vật và khung cảnh sinh hoạt trong hai câu thơ 5, 6 hết sức giản dị, dân dã, đạm bạc mà thanh cao, lối sống hoà nhập cùng cỏ cây hoa lá: măng trúc, giá, tắm hồ sen, tắm ao.

- Hai câu thơ cho thấy một cuộc sống đạm bạc mà thanh cao, an tĩnh, hòa hợp với tự nhiên của nhà thơ. Sự đạm bạc ở những thức ăn cây nhà lá vườn, tự mình làm ra, là công sức của chính mình. Cuộc sống tự nhiên mùa nào thức ấy, không hề nặng nề, ảm đạm mà trái lại nó thanh cao, bình dị.

- Giá trị nghệ thuật:

+ Phép liệt kê, liệt kê bốn mùa trong năm gắn với những sản vật thiên nhiên đặc trưng, gợi ra dòng chảy của cuộc sống qua bốn mùa.

+ Cách ngắt nhịp 4/3 quen thuộc, đều đặn thể hiện phong thái ung dung tự tại.

Câu 4 trang 130 SGK Ngữ văn 10 tập 1

Cảm nhận về nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm:

- Không coi trọng vinh hoa phú quý chỉ muốn cuộc sống nhàn nhã nhưng thanh tao.

- Trí tuệ và nhân cách của ông đi đôi với nhau, dù trí tuệ của ông có cao siêu nhưng ông vẫn muốn có cuộc sống nhàn nhã và thanh tao.

- Đối với ông, phú quý chỉ là chiêm bao, sẽ chóng tan biến đi, thứ niềm vui mà nó mang lại chỉ là nhất thời. Tác giả đối với phú quý lợi lộc thì xem nhẹ tựa lông hồng, không màng tới, không bận tâm.

Câu 5 trang 130 SGK Ngữ văn 10 tập 1

Quan niệm sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm là xa lánh nơi quyền quý để giữ cốt cách thanh cao, hòa hợp với tự nhiên.

=> Liên hệ với quan niệm sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm, các em hãy nêu quan niệm sống nhàn hiện nay?

Soạn bài Nhàn nâng cao

Câu 1: Lối sống nhàn dật được thể hiện bằng những chi tiết nào trong bài thơ? (cách sống, cách sinh hoạt, quan niệm sống)

Trả lời

Cách sống: lao động, câu cá, ăn những thức ăn quê mùa, dân dã: măng trúc, giá đỗ

Sinh hoạt: thích tắm hồ, tắm ao như bao người dân quê khác

Quan niệm sống: sống nơi vắng vẻ, tránh xa sự đua chen, trói buộc của vòng danh lợi.

Câu 2: Biểu tượng “nơi vắng vẻ” đối lập với “chốn lao xao” trong bài có ý nghĩa gì? Quan niệm của tác giả khác đời như thế nào?

Trả lời

Tham khảo đáp án của câu số 2 ở mục 2 (Hướng dẫn soạn bài chương trình chuẩn)

Câu 3: Hai câu 5 – 6 nói về chuyện sinh hoạt hàng ngày hết sức giản dị và gần gũi với thiên nhiên, sống như thế thích thú thế nào về phương diện tinh thần?

Trả lời

Hai câu thơ cho thấy cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm đạm bạc mà thanh cao.Sự đạm bạc ở những thức ăn cây nhà lá vườn, tự mình làm ra, là công sức của chính mình. Cuộc sống tự nhiên mùa nào thức ấy, không hề nặng nề, ảm đạm mà trái lại nó thanh cao, bình dị.

Câu 4: Anh (chị) hiểu thế nào về triết lí nhân sinh của tác giả thể hiện ở hai câu cuối?

Trả lời

Hai câu thơ cuối thể hiện vẻ đẹp trí tuệ của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Với cái nhìn thông tuệ của mình, ông tìm đến “say” để “tỉnh”. Hình ảnh một ông già ngồi một mình bên gốc cây uống rượu hiện lên với vẻ thoải mái nhưng “lạc lõng”. Nhiều năm trong chốn quan trường kia để ông nhận ra công danh, của cải, quyền quý chỉ là giấc chiêm bao.

Câu 5: Phan Huy Chú nhận xét: “Văn chương ông tự nhiên nói ra là thành, không cần gọt giữa, giản dị mà linh hoạt, không màu mè mà có ý vị, đều có quan hệ đến việc dạy đời”. Anh (chị) thấy từ ngữ, giọng điệu bài thơ này có gì chứng tỏ nhận xét ấy là xác đáng?

Trả lời

Những từ ngữ, hình ảnh được tác giả sử dụng hết sức giản dị, gần gũi với đời sống ở làng quê.

Nhịp điệu và giọng điệu của bài thơ nhẹ nhàng, thảnh thơi gợi lên sự nhàn nhã, vô tư, không lo phiền của tác giả.

Tổng kết

  • Qua bài thơ ta thấy được vẻ đẹp thanh cao của triết lí "nhàn dật" trong lí tưởng sống của người xưa: xa rời danh lợi, hòa hợp với tự nhiên, giữ gìn cốt cách thanh cao, trong sạch. 
  • Bài thơ sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt mộc mạc, giản dị, kết hợp chất trữ tình và triết lí sâu xa, phát huy cao độ tác dụng của nghệ thuật đối trong thơ thất ngôn Đường luật.

Tham khảo thêm: Biện pháp nghệ thuật và tu từ trong Nhàn

// Trên đây là những nội dung hướng dẫn soạn bài Nhàn (Nguyễn Bỉnh Khiêm) đã được biên soạn chi tiết. Nội dung này không chỉ giúp bạn tham khảo để soạn bài mà còn giúp bạn nắm vững các kiến thức quan trọng để hoàn thành tốt các đề văn hay câu hỏi liên quan đến tác phẩm này.

[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Nhàn một cách tốt nhất. "Trong cách học, phải lấy tự học làm cố" - Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM