Soạn bài Muối của rừng lớp 11 CTST

Xuất bản: 24/10/2023 - Tác giả:

Hướng dẫn soạn bài Muối của rừng lớp 11, trả lời các câu hỏi hướng dẫn đọc hiểu nội dung văn bản Muối của rừng trang 16 - 21 SGK Ngữ văn 11 tập 2 Chân trời sáng tạo.

Hướng dẫn chi tiết soạn bài Muối của rừng, tham khảo cách trả lời các câu hỏi đọc hiểu nội dung văn bản Muối của rừng trang 16 - 21 sách giáo khoa Ngữ văn 11 tập 2 Chân trời sáng tạo.

Soạn bài Muối của rừng
lớp 11 Chân trời sáng tạo

Trước khi đọc

Nhan đề của truyện ngắn gợi cho bạn những liên tưởng gì?

Trả lời:

Nhan đề của truyện ngắn "Muối của rừng" gợi cho em những liên tưởng về bức tranh không gian thiên nhiên bí ẩn, đẹp đẽ và huyền ảo khi rừng kết muối - biểu tượng của cuộc sống thanh bình. Nếu nhìn từ xa, chúng ta sẽ cảm thấy như bản thân đang chìm đắm trong sự yên tĩnh và gần gũi với thiên nhiên. Các cây cối rợp bóng, đan xen vào nhau như những núi đồi đá và tạo hình những dòng sông uốn lượn vô tận. Những cảm giác thanh thản và sự tĩnh lặng đến từ việc nghe tiếng nước chảy, tiếng chim rớt lá và tiếng gió thổi qua. Hãy tưởng tượng những tia nắng lấp lánh qua vòm cây, tạo điểm nhấn trên cỏ và hoa, giúp cho bức tranh thiên nhiên trở nên sống động và đầy cảm hứng.

Đọc văn bản

Theo dõi: Chú ý quan sát, theo dõi hành động của gia đình khỉ từ khi ông Diểu bắn hạ khỉ bố.

Trả lời:

Hành động của gia đình khỉ từ khi ông Diểu bắn hạ khỉ bố:

- Cả đàn khỉ trở nên hỗn loạn, “thoắt biến trong rừng”

- Con khỉ đực “cố gượng dậy, nhưng lại vật xuống”

- “Con khỉ cái tiến đến gần con khỉ đực một cách thận trọng, nó nhìn ngó xung quanh”, khiếp sợ, hoảng loạn;

- “Con khỉ đực cất tiếng gọi nó” buồn thảm, đau đớn, khỉ cái như muốn liều thí mạng với ông Diểu.

Suy luận: Vì sao ông Diểu sợ hãi “kinh hoàng” đến mức phải chạy trốn?

Trả lời:

Ông Diểu sợ hãi “kinh hoàng” đến mức phải chạy trốn vì chứng kiến cảnh khỉ con rơi xuống vực cùng tiếng rú thê thảm, “trong kí ức của ông chưa hề có tiếng rú nào tương tự thế này”. Ở miệng vực, sương mù dâng lên cuồn cuộn, trông vừa kinh dị, vừa đầy tử khí, sương mù len vào từng chân bụi cây và xóa đi cảnh vật. Trong khi đó đó dưới sâu hun hút thì vang lên tiếng rú thê thảm của con khỉ nhỏ.

Dự đoán: Bạn đoán xem liệu ông Diểu có cứu con khỉ đực không?

Trả lời:

Theo em dự đoán, ông Diểu sẽ cứu con khỉ đực vì khi chứng kiến cảnh khỉ đực bị thương, nằm đau đớn, ông “bỗng thấy thương hại”.

Dự đoán: Hành động này của ông Diểu có gây bất ngờ cho bạn không?

Trả lời:

Hành động này của ông Diểu có gây bất ngờ cho em. Ngay từ đầu, ông Diểu là người đang tàn phá thiên nhiên, nhưng về sau ông lại là người đang cứu giúp khỉ đực, ông được trở về với bản chất của con người tốt đẹp vốn có của mình.

Suy luận: Kết truyện gợi cho bạn suy nghĩ gì về ý nghĩa của nhan đề truyện?

Trả lời:

Kết truyện gợi cho em nhiều suy nghĩ về ý nghĩa của nhan đề truyện, hình ảnh loài hoa tử huyền có màu trắng, vị mặn, bé bằng dâu tằm, người ta vẫn hay gọi là hoa muối của rừng; loài hoa tượng trưng cho may mắn, điềm báo cho đất nước thanh bình, mùa màng phong túc.

Nhan đề “Muối của rừng” như tượng trưng một biểu tượng thiêng liêng, một khát khao hướng thiện. Con người sẽ luôn tồn tại những góc khuất cần đào bới, nếu ngay từ đầu ông Diểu là người đang tàn phá thiên nhiên, thì về ông lại là người đang cứu chúng, ông được trở về với bản chất của con người tốt đẹp vốn có của mình.

Sau khi đọc

Trả lời các câu hỏi trang 21 SGK Ngữ văn 11 tập 2 Chân trời sáng tạo

Câu 1: Hãy liệt kê các sự kiện chính của câu chuyện và cho biết:

a. Nhân vật ông Diểu được quan sát chủ yếu từ ngoại hình, hành động hay nội tâm; qua cái nhìn của ai, ngôi kể nào?

b. Cách sử dụng điểm nhìn, ngôi kể như vậy tạo ưu thế gì trong việc thể hiện nội dung câu chuyện?

Trả lời:

Các sự kiện chính của câu chuyện:

- Mùa xuân, ông Diểu đi săn. Ông bắn hạ khỉ bố.

- Khỉ bố bị thương nặng, khỉ mẹ quyết tâm cứu khỉ bố.

- Khỉ con xuất hiện cướp súng của ông Diểu và cùng rơi xuống vực với khẩu súng.

- Ông Diểu vác khỉ bố về trong tình trạng khỉ mẹ lẽo đẽo theo sau.

- Ông Diểu động lòng trước tình trạng và tình cảm của hai vợ chồng nhà khỉ, ông băng bó vết thương cho khỉ bố và tha cho nó.

- Ông Diểu trở về nhà trong làn mưa xuân dịu dàng và những đóa hoa tử huyền nở rộ mà 30 năm mới nở một lần.

a. Nhân vật ông Diểu được quan sát chủ yếu từ hành động và nội tâm qua cái nhìn của người kể chuyện đó là tác giả ở ngôi kể thứ ba.

b. Cách sử dụng điểm nhìn, ngôi kể như vậy tạo ưu thế trong việc thể hiện nội dung câu chuyện. Bằng ngôi kể thứ ba, nội dung câu chuyện được thể hiện một cách bao quát, khai thác được nhiều khía cạnh hành động, suy nghĩ và nội tâm của nhân vật. Từ đó, người đọc có được những cảm nhận sâu sắc về bức thông điệp bảo vệ thiên nhiên, về sự đấu tranh giữa cái thiện và cái ác,... mà tác giả muốn truyền tải.

Câu 2: Cách phản ứng của bầy khỉ trong truyện cho thấy điểm gì đặc biệt trong mối quan hệ giữa các thành viên của gia đình khỉ? Sự thay đổi thái độ đối với bầy khỉ thể hiện nét tính cách nào của nhân vật ông Diểu?

Trả lời:

- Cách phản ứng của bầy khỉ trong truyện cho thấy mối quan hệ đặc biệt của các thành viên gia đình khỉ: Khi khỉ đực bị thương, khỉ cái và khỉ con đã có những hành động, thái độ khiến cho người đọc có những liên tưởng đẹp về mối quan hệ của gia đình khỉ. Đó là tình cảm huyết thống thiêng liêng, tình cảm ấy vượt lên trên mọi rào cản, khỉ cái luôn theo dõi, quan sát mọi hành động của ông Diểu đối với khỉ đực, khỉ cái sẵn sàng đối đầu với nòng súng của ông Diểu, không sợ chết, quay lại đồng hành cùng khỉ đực. Thứ tình cảm huyết thống ấy đã tạo nên sức mạnh to lớn, làm thức tỉnh sự lương thiện trong con người của ông Diểu.

- Sự thay đổi thái độ với bầy khỉ thể hiện ông Diểu là một người có tấm lòng lương thiện, bản chất tốt đẹp, biết yêu thương động vật, chính những điều đó đã chiến thắng cái ác, hướng tâm hồn của ông tới cái thiện.

Câu 3: Đọc kĩ đoạn “Sự hỗn loạn của cả đàn khỉ ... lừa ông sao được?", liệt kê các câu văn trong đoạn vào bảng sau và nhận xét về sự kết hợp giữa lời người kể chuyện và lời nhân vật (làm vào vở):

Lời người kể chuyện
Lời nhân vậtĐối thoại
Độc thoại

Trả lời:

Lời người kể chuyện

- “Sự hỗn loạn của đàn khỉ khiến cho ông Diểu sợ hãi run lên. Ông vừa làm điều ác…”

- “Ông Diểu rên lên khe khẽ”

- “Ông Diểu tức giận giương súng. Hành động hi sinh thân mình của con khỉ cái làm ông căm ghét”.

Lời nhân vậtĐối thoại“Chạy đi”
Độc thoại“Đồ gian dối, mày chứng minh tấm lòng cao thượng hệt như bà trưởng giả. Sự tan rã đạo đức bắt đầu từ những tấn kịch thế này. lừa ông sao được?”

=> Nhận xét: Sự kết hợp giữa lời người kể chuyện và lời nhân vật giúp cho người đọc có cái nhìn đa chiều ở nhiều khía cạnh, người đọc có thể dễ dàng khai thác những sự vật, sự việc xung quanh nhân vật chính đồng thời dễ dàng quan sát được hành động, suy nghĩ, nội tâm của nhân vật ông Diểu trước những sự vật, sự việc đang diễn ra. Cách kết hợp này giúp cho câu chuyện trở nên sinh động, đa chiều, hấp dẫn, kích thích sự thích thú của người đọc.

Câu 4: Trong quan niệm của người kể chuyện, “muối của rừng” kết tinh từ đâu và chủ yếu được gửi gắm trong hình ảnh, chi tiết nào?

Trả lời:

Trong quan niệm của người kể chuyện, “muối của rừng” là kết tinh của lòng trắc ẩn, lương thiện, khát khao hướng thiện. Khi con người có lòng trắc ẩn, biết làm việc thiện việc tốt thì sẽ gặp được may mắn.

“Muối của rừng” chủ yếu được gửi gắm trong hình ảnh, chi tiết:

- Ông Diểu buồn bã ngồi nhìn “con khỉ đực nằm dài trên vạt cỏ ướt” và “buồn bã tê tái đến tận đáy lòng”, “cay cay sống mũi” khi chứng kiến cả hai con khỉ.

- Ông quyết định “phóng sinh” cho con khỉ bởi bản thân ông tự nhận ra “Hóa ra ở đời, trách nhiệm đè lên mỗi sinh vật quả thật nặng nề.

- Ông trở về cùng hai bàn tay trắng và cơ thể trần truồng với phần người trỗi dậy và thắng thế.

=> Sự thức tỉnh lương tâm con người.

Câu 5: Theo bạn, truyện ngắn Muối của rừng hấp dẫn bởi nội dung câu chuyện hay cách kể chuyện? Vì sao?

Trả lời:

Truyện ngắn "Muối của rừng" của Nguyễn Huy Thiệp rất hấp dẫn cả về nội dung câu chuyện cũng như cách kể chuyện của tác giả. Qua những phương diện khác nhau, người đọc có thể cảm nhận được những giá trị đặc sắc khác nhau. Không chỉ đơn thuần kể về cuộc đi săn của nhân vật ông Diểu, truyện còn gửi gắm những vấn đề nhân sinh phổ biến, trong đó có sự đấu tranh không ngừng giữa thiện và ác, giữa con người và thế giới tự nhiên. Sau khi tìm thấy sự cứu rỗi bởi cái đẹp, nhân vật chính trong truyện cũng từ đó xóa đi những quan niệm sai lầm, tìm được sự thật về bản thân mình.

Bên cạnh giá trị về nội dung, giá trị nghệ thuật của cách kể chuyện cũng rất đáng khen ngợi. Nguyễn Huy Thiệp đã khéo léo sử dụng hình ảnh ước lệ mang tính triết lý sâu sắc trong một phong cách viết lạnh lùng, kiêu sa. Cách tạo dựng nhân vật và tình huống trong truyện cũng rất độc đáo, không giống bất kỳ tác phẩm nào khác. Tuy là một ông lão cô độc đi săn trong rừng vào sáng xuân, nhưng nhân vật ông Diểu không chỉ có những phẩm chất xấu xa, cái ti tiện, mà ở ông còn ngời sáng những nhân cách đẹp, những tâm hồn thuần khiết, vẻ đẹp vốn có hằn sâu trong tâm thức con người.

Câu chuyện hấp dẫn ở chỗ ít nhân vật, tưởng chừng đơn giản, nhưng lại là quá trình biến đổi tính cách, con người ông Diểu từ ý định phá huỷ thiên nhiên đến cứu rỗi và trở về với thiên nhiên. Theo dõi quá trình đó, ta mới nhận thấy câu chuyện hấp dẫn và đem đến nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Câu 6: Theo bạn, cách quan sát và thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên trong hai truyện ngắn Muối của rừng (Nguyễn Huy Thiệp, 1986), Chiều sương (Bùi Hiển, 1941) có những điểm tương đồng, khác biệt nào? Từ thời điểm sáng tác, bối cảnh văn hoá – xã hội của mỗi truyện, hãy lý giải sự tương đồng và khác biệt ấy.

Trả lời:

Những điểm tương đồng, khác biệt trong cách quan sát và thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên trong hai truyện ngắn Muối của rừng (Nguyễn Huy Thiệp, 1986) và Chiều sương (Bùi Hiển, 1941):

- Tương đồng: Đều nói về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, thái độ của con người đối với tự nhiên, xây dựng tình huống đưa con người vào thiên nhiên, từ những cuộc chiến, va chạm, tiếp xúc mà con người rút ra được những suy tưởng cho chính mình và cho cả độc giả. Tác giả không tập trung miêu tả thiên nhiên hay con người mà hai hình ảnh thiên nhiên và con người luôn được diễn tả song hành.

- Khác biệt:

+ Trong Muối của rừng (Nguyễn Huy Thiệp, 1986):

  • Xây dựng tình huống để con người đàn áp thiên nhiên, ông Diểu có thể tự tin cầm súng vào rừng bắn khỉ thể hiện tâm thế đối đầu trực diện với thiên nhiên nhưng tới cuối cuộc săn, chứng kiến tình cảm của gia đình khỉ, ông Diểu nhận ra sự tương đồng giữa người và thú, liên kết giữa tự nhiên và văn hóa, và sự nhận thức về gánh nặng và trách nhiệm chung của muôn loài khi cùng chung sống trong một ngôi nhà sinh thái.
  • Từ nhận thức ấy, ông Diểu quay về bản dạng nguyên thủy và tìm về với thiên nhiên trong đoạn kết truyện.
  • Từ hình ảnh ông Diểu trần truồng, lặng lẽ rời đi, tác giả muốn gửi gắm bức thông điệp về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên: từ bỏ vị thế bá quyền là cách duy nhất để hòa hợp với tự nhiên.

+ Trong Chiều sương (Bùi Hiển, 1941):

  • Xây dựng tình huống thiên nhiên dữ dội, mạnh mẽ quật ngã con người: Những người dân chài gắn bó, sống đời đời kiếp kiếp với biển khơi, dù biển khơi có đôi khi giận giữ, làm cho sóng to biển lớn, tạo ra thử thách cho con người nhưng biển khơi và con người, đặc biệt là những người dân lao động vùng biển, không thể tách rời, gắn bó sâu sắc.
  • Mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên là mối quan hệ thắm thiết, nuôi sống, bảo vệ và đùm bọc lẫn nhau.

-/-

Các bạn vừa tham khảo xong nội dung chi tiết soạn bài Muối của rừng lớp 11 Chân trời sáng tạo. Hi vọng thông qua việc giải đáp các câu hỏi đọc hiểu cuối bài các em sẽ nắm được kiến thức cơ bản về văn bản Muối của rừng một cách dễ dàng và ghi nhớ lâu hơn.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM