Một số thể loại văn học: kịch, văn nghị luận

Xuất bản: 20/08/2019 - Tác giả:

Soạn bài Một số thể loại văn học kịch, nghị luận, hướng dẫn trả lời câu hỏi bài tập soạn bài trang 109 SGK Ngữ văn lớp 11 tập 2.

Soạn bài Một số thể loại văn học kịch, nghị luận - Hướng dẫn tìm hiểu khái quát đặc điểm của một số thể loại văn học: kịch và nghị luận, từ đó biết cách vận dụng những hiểu biết đó vào việc đọc văn.

A- Nội dung kiến thức lí thuyết

I. Kịch

1. Khái lược về kịch

- Kịch là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, trong đó đối tượng mô tả của kịch là những xung đột trong đời sống.

- Đặc trưng của kịch: Kịch dùng lời thoại của nhân vật, tái tạo những mâu thuẫn, xung đột trong cuộc sống. Kịch là một loại hình nghệ thuật tổng hợp của nhiều bộ môn, nhiều người (đạo diễn, diễn viên, hóa trang, ánh sáng, đạo cụ, tác giả kịch bản (kịch tác gia)... chỉ có kịch bản (vở kịch) mới thuộc thể loại văn học, đồng đẳng với truyện, kí, thơ.

- Phân loại kịch:

+  Căn cứ vào tính chất: hài kịch, bi kịch, chính kịch.

  • Bi kịch: Kịch phản ánh xung đột giữa những nhân vật cao thượng tốt đẹp với những thế lực đen tối, độc đáo, sự thảm bại hay cái chết cùa nhân vật ấy gợi lên nỗi xót xa, thương cảm (Rô-mê-ô và Giu-li-ét của Sếch-xpia)
  • Hài kịch: Kịch khai thác những tình huống khôi hài, sự đối lập với vẻ ngoài đẹp đẽ với cái bên trong xấu xa nhằm làm bật lên tiếng cười chế giễu mỉa mai (Lão hà tiện của Mô-li-e).
  • Chính kịch: Kịch phản ánh mâu thuẫn, xung đột trong cuộc sống hằng ngày với bi hài, vui buồn lẫn lộn (Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ).

+ Căn cứ vào tính truyền thống hay hiện đại: kịch dân gian, kịch hiện đại, kịch cổ điển.

+ Căn cứ vào ngôn ngữ diễn đạt: kịch thơ (lời thoại bằng thơ), kịch câm, kịch nói (lời thoại bằng ngôn ngữ đời thường), kịch hát múa (lời thoại bằng hát như tuồng, chèo, cải lương)…

2. Yêu cầu về đọc kịch bản văn học

- Đọc kĩ lời giới thiệu, tiểu dẫn

- Tập trung chú ý vào lời thoại của các nhân vật

- Phân tích hành động kịch

- Nêu rõ chủ đề tư tưởng, ý nghĩa xã hội của tác phẩm.

II. Nghị luận

1. Khái lược về văn nghị luận

- Nghị luận là thể loại văn học đặc biệt, dùng lập luận, luận điểm, luận cứ để bàn luận về một vấn đề xã hội, chính trị hay văn học nghệ thuật.

- Đặc trưng của văn nghị luận:

+ dùng lí lẽ, phán đoán, chứng cứ để bàn luận về một vân đề nào đó

+ tác động vào lí trí nhận thức và cả tâm hồn người đọc giúp họ hiểu rõ vấn đề đã nêu ra

+ có ngôn ngữ giàu hình ảnh, giàu biểu cảm và nhất là từ ngữ vô cùng chính xác.

- Phân loại văn nghị luận:

+ Xét nội dung: Văn chính luận, văn phê bình văn học.

+ Theo trung đại: Chiếu, cáo, hịch, bình sử, điều trần…

+ Hiện đại: Tuyên ngôn, kêu gọi, phê bình, tranh luận…

2. Yêu cầu về đọc văn nghị luận

- Tìm hiểu tác giả và hoàn cảnh ra đời tác phẩm

- Chú ý đến luận đề, luận điểm, luận cứ và lập luận của bài nghị luận.

- Phân tích nghệ thuật lập luận, nêu chứng cứ, dùng ngôn ngữ và các biện pháp tu từ.

- Khái quát giá trị tác phẩm về nội dung và hình thức; rút ra bài học và tác dụng của tác phẩm với cuộc sống.

Tham khảo nội dung bài tiếp: Soạn bài Một số thể loại văn học: Thơ, truyện

B- Hướng dẫn trả lời câu hỏi bài tập soạn bài Một số thể loại văn học: kịch, văn nghị luận

Câu 1: Hãy nêu đặc trưng của kịch, các kiểu loại kịch và yêu cầu về đọc kịch bản văn học.

Trả lời:

- Đặc trưng của kịch: Đối tượng phản ánh của kịch là những mâu thuẫn xung đột trong đời sống xã hội và con người

+ Xung đột kịch có vai trò quan nhất, tạo tính kịch, hấp dẫn, lôi cuốn.

+ Hành động kịch do nhân vật kịch thể hiện góp phần thể hiện xung đột kịch.

+ Nhân vật kịch bằng lời thoại và hành động thể hiện tính cách, xung đột kịch, qua đó thể hiện chủ đề vở kịch.

+ Cốt truyện kịch: phát triển theo xung đột kịch, qua các giai đoạn: mở đầu – thắt nút – phát triển - điểm đỉnh – giải quyết

+ Thời gian, không gian kịch: có thể là một địa điểm, nhiều địa điểm; một ngày, nhiều ngày, hàng năm, nhiều năm, nhiều thế hệ…

+ Ngôn ngữ kịch: Thể hiện trong lời thoại, mang tính hành động và khẩu ngữ: đối thoại và độc thoại, làm nổi bật tính cách nhân vật.

- Các kiểu loại kịch:

+ Căn cứ vào tính truyền thống hay hiện đại: Kịch dân gian (chèo, tuồng, cải lương…), kịch cổ điển (trước XX), kịch hiện đại (từ XX)

+ Căn cứ vào tính chất: bi kịch, hài kịch, chính kịch (xung đột trong cuộc sống), kịch lịch sử

+ Căn cứ vào ngôn ngữ diễn đạt: Kịch nói, kịch hát múa, kịch thơ, kịch rối, kịch câm…

- Yêu cầu đọc kịch bản văn học.

+ Đọc, tìm hiểu

+ Đọc kĩ các lời thoại để phát hiện

+ Phát hiện, phân tích xung đột kịch, tính chất bi, hài của các xung đột đó

+ Nêu chủ đề tư tưởng: xác định giá trị, ý nghĩa của tác phẩm kịch.

Câu 2. Tóm lược đặc trưng của văn nghị luận, các kiểu loại văn nghị luận và yêu cầu về đọc văn nghị luận.

Trả lời:

Đặc trưng của văn nghị luận, các kiểu loại văn nghị luận và yêu cầu về đọc văn nghị luận:

+ Đặc trưng của văn nghị luận: trình bày trực tiếp tư tưởng, quan điểm, tình cảm về những vấn đề mà xã hội quan tâm bằng lí lẽ, chứng cứ có sức thuyết phục nhằm tranh luận, thuyết phục, bác bỏ, khẳng định, phủ nhận…giúp người đọc hiểu rõ vấn đề nêu ra.

+ Các kiểu văn nghị luận:

- Căn cứ vào thời gian xuất hiện: Nghị luận dân gian (tục ngữ), nghị luận trung đại (chiếu, hịch, cáo, thư dụ…), nghị luận hiện đại (tuyên ngôn, lời kêu gọi, xã luận, phê bình…)

- Căn cứ vào đối tượng và vấn đề nghị luận: Nghị luận xã hội – chính trị (chính luận), nghị luận văn học (phê bình,. nghiên cứu, bình giảng, phân tích…)

+ Yêu cầu đọc văn nghị luận

- Tìm hiểu thân thế tác giả, hoàn cảnh ra đời tác phẩm.

- Phát hiện chính xác luận đề và hệ thống luận điểm.

- Đánh giá giá trị của hệ thống luận điểm.

- Tìm hiểu phương pháp luận chứng làm sáng tỏ luận điểm.

- Tìm hiểu và đánh giá thái độ, cảm xúc, tình cảm của người viết.

- Tìm hiểu và đánh giá sự đặc sắc độc đáo riêng của người viết.

Soạn bài Một số thể loại văn học kịch, văn nghị luận phần Luyện tập

Câu 1. Phân tích xung đột kịch trong đoạn trích Tình yêu và thù hận (trích kịch Rê-mê-ô và Giu-li-ét của Sếch-xpia).

Trả lời:

Vở kịch dựa trên xung đột giữa khát vọng yêu đương mãnh liệt với hoàn cảnh thù địch vây hãm. Mối tình của Rô-mê-ô và Giu-li-ét khẳng định sức sống, sức vươn lên trên mọi hoàn cảnh trói buộc con người. Mối tình đó cũng là lời kết án đanh thép, tố cáo thành kiến phong kiến, nguyên nhân hận thù của tình người, của chủ nghĩa nhân văn.

Trong toàn vở Rô-mê-ô và Giu-li-ét, xung đột cơ bản là xung đột giữa tình yêu và thù hận. Tuy nhiên trong đoạn trích này, thù hận không xuất hiện như là một thế lực cản trở tình yêu. Thù hận chỉ hiện ra qua suy nghĩ của các nhân vật, song không phải là động lực chi phối, điều khiển, quyết định hành động của nhân vật.

Để làm rõ những xung đột kịch trong đoạn trích, cần trả lời các câu hỏi sau:

- Tinh yêu của Rô-mê-ô và Giu-li-ét bị ngăn trở bởi điều gì?

- Tìm những biểu hiện cho thấy cả Rô-mê-ô và Giu-li-ét đều băn khoăn, trăn trở, lo lắng cho tình yêu của mình trước những thử thách không dễ vượt qua.

- Những suy nghĩ của các nhân vật đã thôi thúc họ hành động như thế nào?

- Những suy nghĩ và hành động của nhân vật thể hiện ý nghĩa gì?

=> Từ việc phân tích suy nghĩ, hành động của các nhân vật, chỉ ra xung đột kịch của đoạn trích: xung đột giữa tình yêu của hai người và sự cản trở bởi thù hận của hai dòng họ. Họ sẵn sàng từ bỏ tên họ, dòng họ mình để bảo vệ tình yêu trong sáng, mê say, mãnh liệt. Ở đoạn trích “Tình yêu và thù hận” xung đột này không gay gắt bằng những cảnh ở phần sau nhưng mối thù hận giữa hai dòng họ vẫn là sự cản trở lớn đối với tình yêu mới bắt đầu nhưng vô cùng mãnh liệt, thiết tha của Rô-mê-ô và Giu-li-ét.

Câu 2. Phân tích nghệ thuật lập luận trong văn bản Ba cống hiến vĩ đại của Các Mác

(Ăng-ghen).

Trả lời:

Nghệ thuật lập luận nổi bật trong bài điếu văn đọc trước mộ Các Mác của Ăng-ghen là nghệ thuật trùng điệp và kiểu so sánh tăng tiến:

- So sánh:

+ So sánh tương đồng: tạo ra sự đối sánh song song nhằm nhấn mạnh hai cống hiến vĩ đại như nhau (từ ngữ so sánh “giống như”, theo kiểu cấu tạo: Nếu (A) đã… thì (B) cũng…)

+ So sánh đối lập, tương phản để nhấn mạnh ý nghĩa to lớn mà Mác đã phát hiện.

- Lập luận so sánh tăng tiến: “Nhưng không chỉ có thế thôi” , “Nhưng đấy hoàn toàn không phải là điều chủ yếu của Mác

+ Liệt kê, chứng minh.

+ Kết cấu hai đoạn văn.

=> Lập luận chặt chẽ thuyết phục

- Hệ thống luận điểm rõ ràng và quan hệ chặt chẽ với nhau. Thông báo về sự qua đời của Các-mác, đánh giá sự nghiệp của ông và bày tỏ sự tiếc thương đối với người đã khuất.

---TỔNG KẾT---

  • Kịch tái hiện những xung đột trong cuộc sống qua diễn tiến của cốt truyện kịch, qua lời thoại và hành động của các nhân vật kịch.
  • Văn nghị luận trình bày trực tiếp tư tưởng, quan điểm, tình cảm về những vấn đề mà xã hội quan tâm bằng lí lẽ, chứng cứ có sức thuyết phục.
Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM