Soạn bài Luyện từ và câu: Mở rộng vốn từ Công dân trang 28 SGK Tiếng Việt 5 tập 2, tuần 21, giúp các em học sinh ôn tập kiến thức về từ vựng thêm vào đó là mở rộng vốn từ và vận dụng vốn từ chủ đề này vào thực tế.
Kiến thức cần nhớ
1. Khái niệm công dân
Công dân là người dân của một nước, có quyền lợi và nghĩa vụ với đất nước.
Một số từ đồng nghĩa với từ công dân: dân, dân chúng, nhân dân
2. Một số từ có chứa tiếng “công”
- Công có nghĩa là“của nhà nước, của chung”: công dân, công cộng, công chúng
- Công có nghĩa là “không thiên vị”: công bằng, công lí, công minh, công tâm
- Công có nghĩa là “thợ, khéo tay”: công nhân, công nghiệp
Giải nghĩa
- Công bằng: theo đúng lẽ phải, không thiên vị
- Công cộng: thuộc về mọi người hoặc phục vụ chung cho mọi người trong xã hội
- Công lí: lẽ phải phù hợp với đạo lí và lợi ích chung của xã hội
- Công nghiệp: Ngành kinh tế dùng máy móc để khai thác tài nguyên, làm ra tư liệu sản xuất hoặc hàng tiêu dùng
- Công chúng: Đông đảo người đọc, xem, nghe trong quan hệ với tác giả, diễn viên,…
- Công minh: Công bằng và sáng suốt
- Công tâm: Lòng ngay thẳng, chỉ vì việc chung, không vì tư lợi hoặc thiên vị
3. Mở rộng vốn từ công dân
- Quyền công dân: Điều mà pháp luật hoặc xã hội công nhận cho người dân được hưởng, được làm, được đòi hỏi
- Ý thức công dân: Sự hiểu biết về nghĩa vụ và quyền lợi của người dân đối với đất nước
- Nghĩa vụ công dân: Điều mà pháp luật hay đạo đức bắt buộc người dân phải làm đối với đất nước, đối với người khác
- Nghĩa vụ công dân, quyền công dân, ý thức công dân, bổn phận công dân, trách nhiệm công dân, danh dự công dân, công dân gương mẫu, công dân danh dự
Gợi ý trả lời câu hỏi SGK
Câu 1 (tr. 28 sgk Tiếng Việt 5 tập 2): Ghép từ "công dân" vào trước hoặc sau từng từ dưới đây để tạo thành những cụm từ có nghĩa :
Nghĩa vụ, quyền, ý thức, bổn phận, trách nhiệm, gương mẫu, danh dự
Trả lời
- Nghĩa vụ công dân, quyền công dân, ý thức công dân, bổn phận công dân, trách nhiệm công dân, công dân gương mẫu, danh dự công dân.
Câu 2 (tr. 28 sgk Tiếng Việt 5 tập 2): Tìm nghĩa ở cột A thích hợp với mỗi từ ở cột B.
Trả lời
Nghĩa Cụm từ | Ý thức công dân | Quyền công dân | Nghĩa vụ công dân |
Điều mà pháp luật hoặc xã hội công nhận cho người dân được hưởng, được làm, được đòi hỏi. | ✓ | ||
Sự hiểu biết về nghĩa vụ và quvền lợi của người dân đối với đất nước. | ✓ | ||
Việc mà pháp luật hay đạo đức bắt buộc người dân phải làm đối với đất nước, đối với người khác | ✓ |
Câu 3 (tr. 28 sgk Tiếng Việt 5 tập 2):
Dựa vào nội dung câu nói của Bác Hồ "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.", em hãy viết một đoạn văn khoảng 5 câu về nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của mỗi công dân.Trả lời
Tham khảo một số đoạn văn sau:
(1) Ngàn đời sau chúng ta vẫn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ về nghĩa vụ "cùng nhau giữ lấy nước". Bởi vì, có thực hiện được lời dạy đó, chúng ta mới không phụ công dựng nước của các cua Hùng. Tuổi nhỏ chúng em phải cố gắng học hành, có nhiều kiến thức, thành người tài giỏi đi xây dựng tổ quốc giàu đẹp. Chúng em luôn nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng để chống mọi sự phá hoại của kẻ thù. Chúng em tham gia tùy theo sức của mình để cùng cha anh xây dựng đất nước phồn vinh.
(2) Dân tộc Vỉệt Nam có tinh thần yêu nước nồng nàn. Nhờ tinh thần yêu nước ấy, chúng ta đã giành được độc lập tự do, giành được chủ quyền của lãnh thổ mà tổ tiên ta từ ngàn đời gầy dựng. Để xứng đáng là con cháu của các Vua Hùng, mỗi người dân phải có nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc phòng, ra sức xây dựng quê hương mỗi ngày một giàu đẹp hơn. Ngày nay, thế hệ trẻ chúng em ra sức thực hiện lời dạy của Bác, ra sức học tập để sau này trở thành những người có ích cho Tổ quốc.
***
Soạn bài Luyện từ và câu: Mở rộng vốn từ Công dân trang 28 SGK Tiếng Việt 5 tập 2 ở trên do Đọc tài liệu chia sẻ, hi vọng có thể giúp các em học sinh thêm nắm chắc bài và ôn luyện vốn từ ngữ công dân thật hữu ích.