Soạn bài Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu lớp 8 KNTT

Xuất bản: 18/07/2023 - Tác giả:

Soạn bài Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu lớp 8 KNTT của tác giả Trần Tế Xương bao gồm: trả lời câu hỏi SGk trang 82 - 83, tác giả tác phẩm, nội dung, nghệ thuật...

Từ việc tham khảo Sách giáo viên Ngữ văn 8 tập 1 Kết nối tri thức, Đọc tài liệu sẽ giúp các em Soạn văn 8 Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu lớp 8 KNTT chính xác nhất.

Hướng dẫn trả lời các câu hỏi Soạn bài Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu trang 82-83 sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập 1 Kết nối tri thức chi tiết, đầy đủ.

Bài học bao gồm các phần:

Trước khi đọc

Câu hỏi 1 trang 82 sgk Ngữ văn 8 Tập 1 Kết nối tri thức

Nhà nước phong kiến xưa tổ chức các kỳ thi cho sĩ tử tham gia nhằm mục đích gì?

Trả lời

Nhà nước phong kiến xưa tổ chức các kỳ thi cho sĩ tử tham gia nhằm tìm ra người tài giỏi để phục vụ cho triều đình và nhân dân.

Câu hỏi 2 trang 82 sgk Ngữ văn 8 Tập 1 Kết nối tri thức

Sau cuộc thi (thể thao, nghệ thuật, giáo dục,…) thường sẽ có một buổi lễ xướng danh và trao giải. Mục đích của lễ xướng danh là gì?

Trả lời

Mục đích của lễ xướng danh là khen ngợi những người có tài, đỗ đạt cao được để tên trên bảng vàng.

Đọc văn bản

Gợi ý trả lời câu hỏi trong bài đọc

Theo dõi: Các chi tiết miêu tả con người và khung cảnh lễ xướng danh.

Trả lời

- Con người: Luộm thuộm sĩ tử vai đeo lọ

- Khung cảnh: Trường Nam thi lẫn với trường Hà; quan trường miệng thét loa.

Chú ý: Sự xuất hiện của các nhân vật người nước ngoài trong kì thi.

Trả lời

Các nhân vật nước ngoài: quan sứ và mụ đầm.

Sau khi đọc

Gợi ý trả lời câu hỏi sau khi đọc bài trang 59-62 SGK để các em soạn bài Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu lớp 8 KNTT thật tốt.

Câu 1 trang 83 sgk Ngữ văn 8 Tập 1 Kết nối tri thức

Bố cục bài thơ gồm mấy phần. Đó là những phần nào.

Trả lời

Bố cục bài thơ Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu có thể chi làm 4 phần.

- Phần 1: Hai câu đề: Giới thiệu về khoa thi năm Đinh Dậu. 1897.

- Phần 2: Hai câu thực: Cảnh trường thi trong thực tế.

- Phần 3: Hai câu luận: Cảnh người nước ngoài xuất hiện, phủ bóng lên kì thi khiến sĩ tử, quan trường trông thật tội nghiệp, thảm hại.

- Phần 4: Hai câu kết: Tâm trạng, nỗi lòng của nhà thơ về sự bi hài của các kì thi nói riêng và tình cảnh đất nước bị thực dân đô hộ nói chung.

Hoặc có thể chia làm 2 phần:

- 4 câu đầu: Cảm xúc ngao ngán khi Nho học vào thời điểm mạt vận;

- 4 câu sau: Niềm day dứt trước tình cảnh đất nước bị thực dân Pháp đô hộ.

Câu 2 trang 83 sgk Ngữ văn 8 Tập 1 Kết nối tri thức

Hai câu đề cho biết điều gì về chế độ thi cử ở nước ta cuối thế kỉ XIX?

Trả lời

Chế độ thi cử ở nước ta cuối thế kỉ XIX qua hai câu đề:

- Thời gian: Ba năm mở một khoa

- Hình thức: Trường Nam thi lẫn với trường Hà.

=> Sự lộn xộn, láo nháo, lôi thôi, thiếu nề nếp, quy củ trước giờ của đất nước.

Câu 3 trang 83 sgk Ngữ văn 8 Tập 1 Kết nối tri thức

Biện pháp tu từ nào đã được sử dụng trong cách diễn đạt “Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ” và “Ậm ọe quan trường miệng thét loa”? Nêu rõ tác dụng của biện pháp tu từ đó trong việc tái hiện hình ảnh các sĩ tử và quan viên người Việt.

Trả lời

- Biện pháp đảo ngữ: Lôi thôi sĩ tử; ậm ọe quan trường.

- Tác dụng:

+ Nhấn mạnh vẻ nhếch nhác, không gọn gàng của những sĩ tử. Họ không có tư thế của những sĩ tử đang tham gia vào kì thi quan trọng của quốc gia, của người làm chủ kiến thức trong kì thi.

+ Làm nổi bật đối tượng người coi thi nói năng ậm ọe, ấp úng, ra oai gượng gạo. Cảnh hỗn độn, nhếch nhác, tàn tạ, không mang tính chất của cuộc thi.

=> Tạo ra tiếng cười bởi sự mâu thuẫn giữa cái danh (nhân tài) và thực tế (yếu kém) đang phơi bày trước mắt.

Câu 4 trang 83 sgk Ngữ văn 8 Tập 1 Kết nối tri thức

Phân tích tác dụng của phép đối được tác giả sử dụng trong hai câu thực.

Trả lời

Tác dụng của phép đối được tác giả sử dụng trong hai câu thực:

Nhấn mạnh cảnh hỗn độn, nhếch nhác, tàn tạ của trường thi năm Đinh Dậu:

Cách đảo trật tự cú pháp: “Lôi thôi sĩ tử”, “ậm oẹ quan trường” kết hợp với các từ giàu hình ảnh: lôi thôi, đeo lọ cùng với những từ chỉ âm thanh: ậm oẹ, thét loa làm cho quang cảnh thi trở nên nhốn nháo, ô hợp, mất đi vẻ trang nghiêm của một kì thi do quốc gia tổ chức.

Hơn thế, sĩ tử thì lôi thôi lếch thếch mất hết vẻ nho nhã, thư sinh. Quan trường không còn quyền uy, mực thước, trang trọng như trước mà như nhân vật tuồng hề “ậm oẹ, thét loa”. Cảnh trường thi phản ánh sự suy vong của một nền học vấn, sự lỗi thời của đạo Nho.

Câu 5 trang 83 sgk Ngữ văn 8 Tập 1 Kết nối tri thức

Tiếng cười trào phúng được thể hiện như thế nào qua việc đặc tả, nhấn mạnh hai hình ảnh mang tính chất “ngoại lai” là quan sứ và mụ đầm?

Trả lời

Hình ảnh: quan sứ, mụ đầm => làm tăng sự lố bịch của cuộc thi.

+ Cờ kéo rợp trời: đón tiếp trang nghiêm, linh đình.

=> Hình ảnh lá cờ tượng trưng cho một quốc gia, sánh cùng với quan sứ người Pháp, thể hiện sự phô phang, thị oai của quan sứ, làm rộ lên tiếng cười đả kích.

+ Váy lê quét đất: cách ăn mặc lòe loẹt, lố lăng.

=> Trang phục của người phụ nữ phương Tây - vợ của quan sứ, nhấn mạnh hơn sự phô trương, kệch cỡm.

- Kết hợp cả 2 hình ảnh trong 2 câu thơ là thủ pháp đối: "quan sứ" với "mụ đầm" ( đối lập giữa chức vụ quan trọng, khả kính với danh xưng mang tính giễu cợt, khinh khi); "lá cờ" với "cái váy"

=> tiếng cười châm biếm sao mà sâu cay quá.

Câu 6 trang 83 sgk Ngữ văn 8 Tập 1 Kết nối tri thức

Nhắc đến “nhân tài đất Bắc”, tác giả muốn ám chỉ những đối tượng nào? Em cảm nhận được thái độ gì của tác giả qua lời nhắn nhủ ấy?

Trả lời

Hai câu kết là một câu hỏi. Nhà thơ hỏi “Nhân tài đất Bắc” tức là hỏi tầng lớp trí thức. Đó là những sĩ tử đang chăm chăm chạy theo danh vọng. Ông hỏi mà như thức tỉnh họ về nỗi nhục mất nước. Kẻ thù ngoại bang nếu vẫn có mặt ở lễ xướng danh này thì dẫu có đậu tiến sĩ ra làm quan cũng là thân phận tay sai mà thôi. Đường công danh còn có ý nghĩa gì? Hai tiếng “ngoảnh cổ” bộc lộ thái độ vừa mạnh mẽ vừa thể hiện một nỗi tủi nhục. Nhà thơ hỏi người cũng chính là hỏi mình. Giọng thơ dù đay nghiến mà vẫn có cái gì xa xót đến rưng rưng.

Câu 7 trang 83 sgk Ngữ văn 8 Tập 1 Kết nối tri thức

Nhân vật nào trong bài thơ để lại ấn tượng cho em nhiều nhất? Vì sao?

Trả lời

Nhân vật để lại ấn tượng sâu sắc nhất là sĩ tử. Bởi vì các sĩ từ trong bài thơ này được khắc họa với dáng dấp lôi thôi luộm thuộm. Họ không có tư thế của những sĩ tử đi thi, của người làm chủ kiến thức trong kì thi. Từ đó cho thấy được sự đau buồn, thất vọng cùng tiếng cười mỉa mai, chua chát của Tú Xương.

Câu 8 trang 83 sgk Ngữ văn 8 Tập 1 Kết nối tri thức

Cảm xúc chủ đạo của tác giả trong bài thơ này là gì?

Trả lời

Cảm xúc chủ đạo của tác giả:

+ Thái độ châm biếm, đả kích của Tú Xương

+ Tâm trạng đau đớn, chua xót của nhà thơ trước hiện thực của đất nước

Viết kết nối với đọc

Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) phân tích một chi tiết có tính chất trào phúng mà em ấn tượng nhất trong bài thơ Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu.

Bài viết tham khảo

Bài thơ Lễ xướng danh khoa thi Đinh Dậu đã miêu tả lễ xướng danh khoa thi tại trường Nam 1897, thể hiện thái độ mỉa mai, phẫn uất của nhà thơ đối với chế độ khoa cử nhốn nháo:

“Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ

Ậm ọe quan trường miệng thét loa”

Chỉ một từ “lôi thôi” được đảo ra phía trước, nhấn mạnh là hình ảnh của sĩ tử bị chìm trong sự nhếch nhác. Sĩ tử mà bút mực đâu không thấy, chỉ nổi bật lủng lẳng một cái lọ (vì đường xa, phải đeo theo lọ nước uống). Hàng ngàn “sĩ tử vai đeo lọ” thì lôi thôi thật, là bức tranh biếm họa để đời về anh học trò đi thi trong thời buổi thực dân nhố nhăng. Còn quan trường thì “ậm ọe” giọng như mửa, sĩ tử thì đông vì dồn cả hai trường thi lại nên quan trường phải “thét loa” lại còn lên giọng đe nẹt sĩ tử nên thành ra “ậm ọe” tởm lợm thật đáng ghét. Thái độ trào lộng của nhà thơ thật rõ ràng. Đối với “sĩ tử”, Tú Xương thấy nhếch nhác đáng thương; đối với “quan trường”, Tú Xương khinh ghét ra mặt. Quan trường của một kì thi quốc gia bát nháo mà còn “ậm ọe” không biết nhục.

Kiến thức văn bản

Tác giả

Trần Tế Xương (1870-1907) quê Nam Định, là người có tài nhưng lận đận thi cử, đỗ Tú tài nên thường gọi là Tú Xương. Trần Tế Xương sáng tác nhiều thơ Nôm. Thơ của ông đậm chất trữ tình và chất trào phúng, phản ánh rõ nét bức tranh hiện thực của xã hội thuộc địa nửa phong kiến nước ta cuối thế kỉ XIX-đầu thế kỉ XX. Một số bài thơ Nôm tiêu biểu của Trần Tế Xương: Năm mới chúc nhau, Thương vợ, Áo bông che bạn, Sông Lấp,...

Tác phẩm

* Hoàn cảnh sáng tác

Vào khoa thi năm 1897 (năm Đinh Dậu), kì thi Hương ba năm diễn ra một lần vốn từ xưa đều được tổ chức ở Hà Nội, nay bị Pháp bãi bỏ và tổ chức chung cho thí sinh ở trường Nam Định thi cùng với thí sinh trường Hà Nội. Chứng kiến hiện thực đầy bát nháo, đau xót đó, Tú Xương đã sáng tác bài thơ này.

* Nội dung

Tác phẩm miêu tả tình trạng thảm hại của kỳ thi năm Đinh Dậu (1897) tại trường Hà Nam, đồng thời thể hiện sự đau đớn, xót xa của nhà thơ đối với tình cảnh hiện thực nhốn nháo và bất ổn của xã hội thực dân nửa phong kiến ở thời điểm đó.

* Giá trị nội dung

  • Vịnh khoa thi hương là bài thơ thuộc đề tài thi cử – một đề tài khá đậm nét trong sáng tác của Tú Xương. Qua việc tái hiện hình ảnh thảm hại của kì thi năm Đinh Dậu (1897) tại trường Hà Nam, nhà thơ bày tỏ sự xót xa, đau đớn của con người trước tình cảnh thảm hại của các nhà Nho vào thời kì mạt vận của Nho học.
  • Một phần hiện thực nhốn nháo, ô hợp của xã hội thực dân nửa phong kiến buổi đầu đã được tái hiện lại đồng thời nói lên tâm sự của mình trước tình cảnh đất nước.

* Giá trị nghệ thuật

  • Nghệ thuật đối, đảo ngữ;
  • Ngôn ngữ có tính chất khẩu ngữ, trong sáng, giản dị nhưng giàu sức biểu cảm.

-/-

Hi vọng với phần nội dung Soạn bài Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu lớp 8 KNTT mà Đọc tài liệu cung cấp, các em sẽ chuẩn bị bài thật tốt trước khi tới lớp. Xem thêm các bài soạn khác của lớp 8 tại: Soạn văn 8 Kết nối tri thức cùng Đọc nhé.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM