Soạn bài Kiến và người lớp 11 Chân trời sáng tạo

Xuất bản: 25/10/2023 - Tác giả:

Hướng dẫn soạn bài Kiến và người lớp 11, trả lời các câu hỏi hướng dẫn đọc hiểu nội dung văn bản Kiến và người trang 24 - 27 SGK Ngữ văn 11 tập 2 Chân trời sáng tạo.

Đọc Tài Liệu cung cấp hướng dẫn chi tiết soạn bài Kiến và người, tham khảo cách trả lời các câu hỏi đọc hiểu nội dung văn bản Kiến và người trang 24 - 27 sách giáo khoa Ngữ văn 11 tập 2 Chân trời sáng tạo.

Soạn bài Kiến và người lớp 11 Chân trời sáng tạo

Hướng dẫn đọc

Trả lời các câu hỏi trang 27 SGK Ngữ văn 11 tập 2 Chân trời sáng tạo

Câu 1: Liệt kê các sự kiện chính trong văn bản và cho biết những dấu hiệu nào giúp bạn nhận biết Kiến và người là một truyện ngắn.

Trả lời:

Những sự kiện chính trong văn bản:

- Người bố và cả gia đình tìm đủ mọi vật dụng để ngăn cản loài kiến

- Loài kiến đang xâm chiếm căn nhà và gây ảnh hưởng đến vật nuôi

- Cuộc trốn chạy gian nan của gia đình trước sự xâm chiến của loài kiến

- Những mất mát to lớn khi con người tác động vào môi trường sinh thái

Dấu hiệu nhận biết Kiến và người là một truyện ngắn:

- Truyện có yếu tố hư cấu: Nhân hóa loài kiến có hành động và suy nghĩ như con người.

- Truyện không dài với số lượng nhân vật ít và chỉ tập trung miêu tả một khía cạnh của cuộc sống.

Câu 2: Câu chuyện được kể từ ngôi kể nào, qua điểm nhìn của ai? Theo bạn, việc sử dụng ngôi kể, điểm nhìn như vậy có tác dụng gì trong việc thể hiện chủ đề, thông điệp của tác phẩm?

Trả lời:

Câu chuyện được kể từ ngôi kể thứ nhất, qua điểm nhìn của người con cả trong gia đình. Tác dụng của việc sử dụng ngôi kể, điểm nhìn này là dẫn dắt, kể lại toàn bộ câu chuyện một cách chân thực, chủ quan nhất. Bằng ngôi kể này, người kể không phải chỉ kể chuyện mà còn kể tâm trạng. Do đó, nội dung truyện ngắn luôn luôn sống động và hết sức phức tạp. Kể và suy ngẫm, kể và tự ý thức, kể và độc thoại là những biểu hiện đặc biệt của cách kể chuyện.

Câu 3: Chỉ ra điểm tương đồng và khác biệt trong cách ứng xử của “bố cháu” so với “mẹ cháu”, “cháu”, “em cháu”,... trước cuộc tấn công của bầy kiến.

Trả lời:

Điểm tương đồng và khác biệt trong cách ứng xử của “bố cháu” so với “mẹ cháu”, “cháu”, “em cháu”,... trước cuộc tấn công của bầy kiến:

- Điểm tương đồng là cùng nghĩ cách thoát khỏi đàn kiến, nhưng cách của người bố cuồng nhiệt, bạo liệt, cực đoan, một mất một còn hơn là những người còn lại trong gia đình.

- Điểm khác biệt trong cách ứng xử của “bố cháu” so với “mẹ cháu”, “cháu”, “em cháu”,... trước cuộc tấn công của bầy kiến:

+ Bố cháu: Lo lắng và buồn bực, tìm đủ mọi cách để tiêu diệt chúng và rất sửng sốt khi thấy kiến gây ảnh hưởng tới các con vật nuôi.

+ Mẹ cháu: Lo lắng đến tái cả mặt nhưng vẫn cố tỉnh táo để nấu cơm cho cả nhà.

+ Cháu: Sợ hãi khi thấy đàn kiến xâm chiếm ngôi nhà và luôn theo sát bố, cùng tìm cách bịt kín ngõ ngách kiến có thể chui vào.

+ Em cháu: Cùng anh trai tìm cách chống lại lũ kiến xâm nhập.

Câu 4: Phân tích ý nghĩa của hình tượng bầy kiến và nhận xét về cách đặt nhan đề của tác giả.

Trả lời:

- Ý nghĩa của hình tượng bầy kiến: Bầy kiến ở đây đại diện cho các sinh vật tự nhiên bị bứt ra khỏi cuộc sống thuận tự nhiên, trái với quy luật thì sẽ phản kháng, quay lại chống đối và tiêu diệt những gì làm hại đến đời sống của chúng.

- Đặt nhan đề Kiến và người, tác giả muốn đặt tự nhiên và con người ở hai vị trí ngang nhau, trong đó, mối quan hệ là tương hỗ, qua lại, tương tác (từ “và” có vai trò kết nối hai yếu tố đẳng lập chứ không phải từ “hoặc” hay từ “chống lại”), tức là “cộng sinh” (dựa vào nhau cùng sống). “Kiến” được đặt trước “Người” có thể cũng có dụng ý ưu tiên, trước con người, chúng ta phải quan tâm hơn đến tự nhiên, đừng đặt con người là trung tâm, cao hơn tự nhiên để hành xử theo kiểu áp đặt, tấn công, chống đối.

Câu 5: Nhận xét vai trò của tưởng tượng, hư cấu trong truyện ngắn Kiến và người.

Trả lời:

Vai trò của tưởng tượng, hư cấu trong truyện ngắn Kiến và người:

- Tưởng tượng, hư cấu đóng vai trò phát triển tình huống, nội dung của truyện. Nếu không có chi tiết tưởng tượng, hư cấu bầy kiến nổi dậy, trả thù con người thì tác giả không thể phát triển nội dung truyện, đồng thời thiếu đi sự thú vị, sinh động, kích thích người đọc.

- Thông qua tưởng tượng, hư cấu, tác giả ngầm gửi gắm tới người đọc những thông điệp, bài học ý nghĩa mà không hề khô khan, nhàm chán về sự tàn phá của con người với môi trường thiên nhiên.

- Tưởng tượng, hư cấu còn góp phần thể hiện tài năng của tác giả trong việc xây dựng nội dung câu chuyện đặc sắc.

Câu 6: Truyện đã mang lại thay đổi gì trong nhận thức của bạn về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên?

Trả lời:

Truyện đã mang lại thay đổi trong nhận thức của em về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên là:

- Phần đầu của truyện là sự tán dương giá trị con người, nhưng đến gần cuối truyện, con người thảm bại trước những sinh vật nhỏ nhoi nhất. Từ đó, tác phẩm để lại sức ám ảnh rất lớn. Truyện ngắn Kiến và người không phải là phủ định địa vị, giá trị con người mà chỉ là hi vọng hạn chế những dục vọng quá lớn của con người cùng với những hành động phi lí của họ đối với tự nhiên mà thôi.

- Con người và tự nhiên vốn là hai thứ luôn tồn tại song hành, bổ sung và tương trợ lẫn nhau. Tự nhiên còn là thứ xuất hiện trước cả con người, nó tồn tại và phát triển mãi mãi và hai đối tượng này phải luôn song hành với nhau. Nếu con người cứ cố xâm chiếm và hủy hoại thiên nhiên thì sẽ phải trả giá đắt cho hành động của mình.

-/-

Các bạn vừa tham khảo xong nội dung chi tiết soạn bài Kiến và người lớp 11 CTST. Hi vọng thông qua việc giải đáp các câu hỏi đọc hiểu cuối bài các em sẽ nắm được kiến thức cơ bản về văn bản Kiến và người một cách dễ dàng và ghi nhớ lâu hơn.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM