Soạn bài Kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích trang 30 (Cánh Diều)

Xuất bản: 21/06/2021 - Cập nhật: 12/07/2021 - Tác giả:

Soạn Kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích ( Nói và nghe) với hướng dẫn trả lời câu hỏi trang 30 SGK Ngữ Văn 6 tập 1, Cánh Diều chương trình đổi mới của Bộ giáo dục.

Chủ đề: Soạn văn 6 sách Cánh Diều

Soạn Kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích - Nói và Nghe, trang 30 Cánh Diều

Đọc tài liệu tổng hợp kiến thức và gợi ý trả lời các câu hỏi trong bài Nói và nghe giúp các em soạn bài Kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích trang 30, Ngữ văn 6 tập 1 Cánh Diều để chuẩn bị vài thật tốt trước khi đến lớp.

1. Định hướng - Soạn bài Kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích.

(Trang 30 Ngữ Văn 6 Tập 1 Cánh Diều)

a. Ở phần nói và nghe, các em sẽ không viết văn mà kể lại truyền thuyết hoặc cổ tích đó bằng lời

b. Để kể lại một truyện truyện truyền thuyết hoặc cổ tích các em cần:

  • Bám sát sự kiện chính nhưng có thể sáng tạo thêm những chi tiết hình ảnh, cách kết thúc truyện
  • Phân biển kể miệng ( văn nói) với kể bằng viết ( văn viết), chú ý cách kể, giọng kể, kết hợp với ngôn ngữ hình thể ( cử chỉ, ánh mắt, nét mặt,…) phù hợp với nội dung câu chuyện. Trong trường hợp cần thiết, người kể có thể sử dụng các thiết bị hỗ trợ ( tranh, ảnh, video,…)

2. Thực hành - Soạn bài Kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích

Bài tập: kể lại truyền thuyết "Thánh Gióng" bằng lời của em

a. Chuẩn bị (trang 30 Ngữ Văn 6 tập 1 Cánh Diều)

Đọc lại truyện

Sắp xếp tranh ảnh hoặc các phương tiện hỗ trợ khác nếu có

b. Tìm ý và lập dàn ý (trang 31 Ngữ Văn 6 tập 1 Cánh Diều)

– Xem lại dàn ý đã chuẩn bị ở phần Viết để bổ sung, chỉnh sửa.

– Chú ý kiểm tra các sự kiện chính, các yếu tố sáng tạo trong nội dung và cách kể lại câu chuyện.

c. Nói và nghe (trang 31 Ngữ Văn 6 tập 1 Cánh Diều)

– Dựa vào dàn ý và thực hiện việc kể lại truyện trước tổ hoặc lớp.

– Chú ý bảo đảm nội dung và cách kể để câu chuyện trở nên hấp dẫn.

d. Kiểm tra và chỉnh sửa (trang 31 Ngữ Văn 6 tập 1 Cánh Diều)

Nhớ lại, rút kinh nghiệm về nội dung câu chuyện và cách kể chuyện:

– Người nói xem xét lại nội dung và cách nói của bản thân.

+ Nội dung truyện Thánh Gióng đã đầy đủ chưa? Còn thiếu những gì?

+ Nội dung, chi tiết, lời kể và cách kể của em có gì sáng tạo?

+ Về cách kể: Giọng kể, điệu bộ… thế nào?

– Người nghe tự đánh giá cách nghe của bản thân

+ Đã hiểu và nắm được nội dung chính của câu chuyện được nghe chưa? Có nhận xét được về yếu tố sáng tạo trong lời kể của bạn không?

+ Thái độ khi nghe bạn kể chuyện thế nào?

Gợi ý bài nói Kể về một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích

Gợi ý 1:

Từ thuở còn trong nôi, em đã được bà kể cho nghe nhiều câu chuyện lắm. Nhưng câu chuyện mà em nhớ nhất là truyện Thánh Gióng.

Truyện kể rằng vào đời Hùng Vương thứ sáu, ở một làng kia có hai vợ chồng ông lão, chăm chỉ làm ăn lại có tiếng là phúc đức. Nhưng đến lúc sắp già mà vẫn chứa có lấy một mụn con. Một ngày kia bà vợ ra đồng trông thấy một bước chân to, bèn đặt chân mình vào ướm thử. Về nhà bà mang thai. Nhưng không ngờ, khác với người thường, đến mười hai tháng sau bà mới sinh ra một cậu bé mặt mũi khôi ngô. Cậu bé ra đời là niềm mơ ước cả đời của hai vợ chồng nên ông bà mừng lắm. Nhưng chẳng biết làm sao, dù đã ba tuổi nhưng cậu bé vẫn chẳng biết nói, biết cười, cứ đặt đâu nằm đó. Ông bà buồn lắm.

Bấy giờ, giặc Ân sang xâm lược bờ cõi nước ta. Chúng gây bao nhiêu tội ác khiến dân chúng vô cùng khổ sở. Thế giặc mạnh, nhà vua bèn sai người đi khắp nước cầu hiền tài. Đi đến đâu sứ giả cũng rao:

– Ai có tài, có sức xin hãy ra giúp vua cứu nước.

Nghe tiếng rao, cậu Gióng đang nằm trên giường bèn cất tiếng:

– Mẹ ơi! Mẹ ra mời sứ giả vào đây cho con.

– Nghe tiếng con, vợ chồng lão nông dân thấy lạ đành mời sứ giả vào nhà. Cậu Gióng liền yêu cầu sứ giả về chuẩn bị ngay: roi sắt, ngựa sắt, áo giáp sắt để cậu đi phá giặc.

Càng lạ hơn, từ lúc cậu Gióng gặp sứ giả, cậu cứ lớn nhanh như thổi. Cơm ăn mấy cậu cũng không no, áo vừa mặc xong đã sứt chỉ. Vợ chồng ông bà nọ đem hết gạo ra nuôi mà không đủ bèn nhờ hàng xóm cùng nuôi cậu Gióng. Trong làng ai cũng mong cậu đi giết giặc cứu nước nên chẳng nề hà gì.

Giặc đã đến sát chân núi Trâu. Người người hoảng sợ. Cũng may đúng lúc đó, sứ giả mang những thứ cậu Gióng đã đề nghị đến nơi. Cậu bèn vươn vai đứng dậy như một tráng sĩ, khoác vào áo giáp, cầm roi rồi nhảy lên ngựa phi thẳng tới trận tiền. Bằng sức mạnh như cả ngàn người cộng lại, chẳng mấy chốc cậu đã khiến lũ giặc kinh hồn bạt vía. Đang đánh nhau ác liệt thì roi sắt gãy, cậu bèn nhổ ngay từng bụi tre ở bên đường quật vào lũ giặc. Quân giặc bỏ chạy toán loạn nhưng rồi cũng bị tiêu diệt không sót một tên.

Dẹp giặc xong, cậu Gióng không quay về kinh để nhận công ban thưởng mà thúc ngựa đến núi Sóc, bỏ lại áo giáp sắt, một người một ngựa bay thẳng về trời. Nhiều đời sau người ta còn kể, khi ngựa thét lửa, lửa đã thiêu trụi một làng nay làng ấy gọi là làng Gióng. Những vết chân ngựa ngày xưa nay đã thành những ao hồ to nhỏ nối tiếp nhau.

Câu chuyện về người anh hùng Thánh Gióng đã không chỉ còn là niềm yêu thích của riêng em, mà nó đã là niềm say mê của bao thế hệ học trò.

Gợi ý 2:

Câu chuyện kể rằng vào Hùng Vương thứ sáu, ở làng Gióng có hai ông bà già nổi tiếng là sống phúc đức. Hai ông bà rất mong có một đứa con. Thế rồi, một hôm, bà ra đồng trông thấy một vết chân rất to, liền đặt bàn chân mình lên ướm thử. Không ngờ về nhà bà mang thai.

Điều kì lạ là mãi 12 tháng sau bà mới sinh được một cậu bé mặt mũi rất khôi ngô. Hai vợ chồng mừng rỡ vô cùng. Nhưng kì lạ hơn nữa là đứa trẻ đã lên ba tuổi mà vẫn không biết nói, biết cười, cũng chẳng biết đi, cứ đặt đâu thì nằm đấy.

Bấy giờ giặc Ân thế mạnh như chẻ tre tràn vào xâm lược nước ta. Nhà vua túng thế, bèn sai sứ giả đi khắp nơi tìm người tài giỏi cứu nước. Đứa bé nghe tiếng loa của sứ giả, bỗng cựa mình và cất tiếng nói: “Mẹ ra mời sứ giả vào đây”. Sứ giả vào, đứa bé bảo: “Ông về tâu với vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc này”. Sứ giả lấy làm kinh ngạc và cũng tỏ ý vui mừng, vội về tâu với vua. Nhà vua chấp nhận và sai người ngày đêm làm đủ những vật mà chú bé yêu cầu.

Từ hôm gặp sứ giả, chú bé bỗng lớn nhanh như thổi. Cơm ăn không biết no, áo vừa mới mặc đã chật. Hai vợ chồng làm lụng cực nhọc mà không đủ nuôi con. Bà mẹ cùng dân làng cuống cuồng chạy ngược xuôi lo cơm cà phục vụ cậu Gióng. Khi ăn đến mười nong cơm, ba nong cà, mỗi lần ăn xong một nong lại vươn vai và vụt lớn lên như thổi. Vải vóc do dân làng mang đến rất nhiều để may quần áo mà vẫn không đủ.

Ngày ấy, giặc vừa đến sát chân núi Trâu thì sứ giả cũng kịp mang vũ khí tới. Gióng bèn vươn vai đứng dậy, lập tức trở thành một tráng sỹ, khoác áo giáp, cầm roi sắt, chào mẹ và dân làng rồi nhảy lên ngựa. Cả người cả ngựa lao vun vút ra trận.

Trên chiến trường, Gióng tung hoành ngang dọc, tả đột hữu xung, giặc chết dưới tay như ngả rạ. Bỗng gậy sắt gãy, Gióng nhanh như chớp nhổ tre bên đường làm vũ khí mới. Giặc sợ hãi chạy trốn, dẫm đạp lên nhau mà chết

Dẹp giặc xong, cậu Gióng không quay về kinh để nhận công ban thưởng mà thúc ngựa đến núi Sóc, bỏ lại áo giáp sắt, một người một ngựa bay thẳng về trời.

Sau khi thắng trận, để nhớ ơn người anh hùng, vua Hùng sai lập đền thờ Gióng ở làng quê, phong Gióng làm Phù Đổng Thiên Vương, phong mẹ Gióng là Thánh Mẫu Bảo Vương, cho làng có xóm Ban nơi Gióng sinh ra được đặt tên là làng Phù Đổng.

Nhiều đời sau người ta còn kể, khi ngựa thét lửa, lửa đã thiêu trụi một làng nay làng ấy gọi là làng Gióng. Những vết chân ngựa ngày xưa nay đã thành những ao hồ to nhỏ nối tiếp nhau.

~/~

Vậy là trên đây Đọc tài liệu đã hướng dẫn các em hoàn thiện phần soạn bài Kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích - Cánh Diều. Chúc các em học tốt.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM