Soạn bài Giới thiệu về một bài thơ hoặc một bức tranh/pho tượng

Xuất bản: 31/10/2023 - Cập nhật: 23/01/2024 - Tác giả:

Soạn bài Giới thiệu về một bài thơ hoặc một bức tranh/pho tượng theo lựa chọn cá nhân, hướng dẫn chi tiết cách viết và mẫu bài văn giới thiệu về bài thơ hoặc một bức tranh theo lựa chọn cá nhân SGK Ngữ văn 11 tập 2 Chân trời sáng tạo.

Tài liệu cung cấp nội dung hướng dẫn chi tiết soạn bài Giới thiệu về một bài thơ hoặc một bức tranh/pho tượng theo lựa chọn cá nhân, tham khảo cách trả lời các câu hỏi gợi ý viết bài văn nghị luận trang 74, 75 SGK Ngữ văn 11 tập 2 Chân trời sáng tạo.

Soạn bài Giới thiệu về một bài thơ hoặc một bức tranh/pho tượng theo lựa chọn cá nhân lớp 11 CTST

Đề bài: Hãy giới thiệu một bài thơ hoặc bức tranh/ pho tượng mà bạn yêu thích.

Dàn ý tham khảo:

1. Mở bài:

- Giới thiệu chung về bài thơ và xác định vấn đề sẽ được tập trung bàn luận trong bài viết.

2. Thân bài:

- Cảm giác chung mà cấu tứ cùng những hình ảnh và cách diễn tả khác lạ trong bài thơ đã gợi cho người đọc.

- Sự khác biệt của bài thơ này so với các bài thơ khác trên phương diện xây dựng hệ thống hình ảnh và tạo sự kết nối giữa các bộ phận cấu tạo trong bài thơ (thực hiện những so sánh cần thiết để chỉ ra được sự khác biệt).

- Những khả năng hiểu (cắt nghĩa) khác nhau đối với một số yếu tố, hình ảnh trong bài thơ 9 (cần nêu cụ thể).

- Điều được làm sáng tỏ qua việc đọc thăm dò và thử nghiệm các cách đọc khác nhau đối với bài thơ.

- Sự gợi mở về cách nhìn mới đối với thế giới và con người được đề xuất từ mạch ngầm văn bản bài thơ.

3. Kết bài:

- Khẳng định lại sự độc đáo của bài thơ và ý nghĩa của nó đối với việc đem lại cách nhìn, cách đọc mới cho đọc giả.

Một số bài văn mẫu:

Mẫu 1:

Tranh "Thiếu nữ bên hoa huệ" là một tác phẩm tranh sơn dầu do họa sĩ Tô Ngọc Vân vẽ vào năm 1943. Nội dung bức tranh mô tả chân dung một thiếu nữ. Mặc áo dài trắng bên cạnh lọ hoa huệ trắng. Với hình dáng cô gái cùng những chi tiết và màu sắc xung quanh. Tạo thành một hình khối giản dị, toát lên một nét buồn vương vấn, nhẹ nhàng. Người thiếu nữ bên tà áo dài thể hiện sự thuần khiết và trong trắng của người phụ nữ Việt Nam. Nói đến người mẫu trong bức tranh đó chính là cô Sáu và là con gái của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Cô còn là người mẫu cho nhiều tác phẩm khác kinh điển khác. Trong đó có bức Thiếu Nữ Bên Hoa sen. Bên cạnh Tô Ngọc Vân, cô Sáu còn là người mẫu tranh cho nhiều họa sĩ nổi tiếng đương thời như Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Lương Xuân Nhị.

Bên cạnh những giá trị nghệ thuật, tranh "Thiếu nữ bên hoa huệ" của Tô Ngọc Vân còn thể hiện cho một thú chơi tao nhã của người dân Hà Nội. Thú chơi hoa loa kèn trắng, loài hoa nở rộ vào cuối tháng 3 và tháng 4 hàng năm. Với nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, cụm từ “thiếu nữ và hoa” dường như đã đi vào tiêu chuẩn và phổ biến hơn. Ông vô cùng điêu luyện trong việc biết cách vận dụng những nét độc đáo theo từng chi tiết trong cụm từ “ thiếu nữ và hoa”. Chính vì vậy, ông đã được nổi danh với nhiều tác phẩm. Trong đó chính là bức tranh thiếu nữ bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân.

Nhưng trong tranh thiếu nữ bên hoa huệ thì Tô Ngọc Vân đã tiếp nối các tiền bối làm cái đẹp đó trở nên phổ quát hơn nữa. Giai đoạn đầu, thiếu nữ và hoa đã từng xuất hiện ở tranh của họa sĩ danh tiếng Lê Phổ. Trong những khung cảnh đầy ảo mộng chan hòa với cỏ cây hoa lá. Lê Thị Lựu và Mai Trung Thứ cũng cùng một tiếng nói. Khi đặt nhân vật và những vật thể vào không gian trong tranh.

"Thiếu nữ bên hoa huệ” là một bức tranh miêu tả dáng một thiếu nữ Hà thành nghiêng nghiêng thật tự nhiên, uyển chuyển, tay vờn nhẹ cành huệ trắng tinh khiết. Những hòa sắc và đường nét, hình khối giản dị của bức tranh toát lên một nét buồn vương vấn, nhẹ nhàng, không duyên cớ. Khi mà mọi người biết đến bức tranh, “Thiếu nữ bên hoa huệ” (1943), một kiệt tác của danh họa Tô Ngọc Vân, giá trị thẩm mỹ đã như một liều thuốc hữu hiệu gỡ bỏ một số định kiến xã hội lúc đương thời. Trong những năm 1920, xã hội Việt Nam có nhiều chuyển biến sâu sắc, ở thành thị cuộc sống tư sản hóa đã thắng lợi và ổn định, đời sống về mặt tinh thần cũng được đòi hỏi với nhu cầu tiếp cận với nền văn minh phương Tây đặc biệt là Pháp đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của cư dân nơi này, điều đó ảnh hưởng nhiều đến những giá trị truyền thống của người Việt Nam. Trong môi trường ấy, các tầng lớp và giai cấp ở thành thị - tư sản và công nhân, tiểu thương, tiểu chủ, công chức, dân nghèo thành thị, tri thức tân học và nhà nho cho tới các cô sen, cậu bồi - tuy rất khác nhau về mức sống thậm chí đối lập nhau về thái độ đối với chế độ đương thời, vẫn gần nhau về những nét tâm lí và thị hiếu: thích đua đòi, ăn chơi hưởng lạc, muốn sống và giải trí trong môi trường náo nhiệt, khao khát cái lạ, cái đang đổi thay. Tầng lớp trên của xã hội này có lối sinh hoạt theo văn minh phương Tây với những phương tiện mới và hiện đại: Họ đi ô tô, ở nhà lầu, dùng quạt điện, mặc áo vét đi giầy bít, đi nghe hòa nhạc và xem phim... Thời trang cũng được thay đổi theo từng năm. Cùng với những thay đổi sinh hoạt là các thay đổi về ý nghĩ và cảm xúc. Nhiều giá trị bền vững của truyền thống bị giới trẻ coi thường, thậm chí còn mang ra chỉ trích. Chính hiện tượng đó ngày càng lớn khiến một số nhà tri thức cũ lo lắng “thế đạo nhân tâm” bị suy sụp do phát triển xã hội không gắn liền với yêu nước. Vì thế chiếc áo dài truyền thống lúc này là một nét văn hóa tiêu biểu cho cái hồn của dân tộc. Hình ảnh người phụ nữ Hà thành trong trang phục áo dài là một nét đẹp cổ kính nhưng lại rất quyến rũ đã tạo nên nét đặc sắc riêng trong xu hướng thời trang Tây hóa ồ ạt vào lúc này. Tuy nhiên phần đông áo dài phụ nữ thành thị đều may theo thể năm thân, hay năm tà. Mỗi thân áo trước và sau đều có hai tà, khâu lại với nhau dọc theo sống áo. Thêm vào đó là tà thứ năm ở bên phải, trong thân trước. Tay áo may nối phía dưới khuỷu tay vì các loại vải ngày xưa chỉ dệt được rộng nhất là 40cm. Cổ, tay và thân trên áo thường ôm sát người, rồi tà áo may rộng ra từ sườn đến gấu và không chít eo. Gấu áo may võng, vạt rất rộng, trung bình là 80cm. Cổ áo chỉ cao khoảng 2 - 3cm, riêng ở miền Bắc đặc biệt là Hà thành khoảng năm 1910 - 1920, phụ nữ thích may thêm một cái khuyết phụ độ 3cm bên phải cổ áo, và cài khuy cổ lệch ra đấy. Cổ áo như thế sẽ hở ra cho quyến rũ hơn và cũng để diện chuỗi hột trang sức nhiều vòng. Phần nhiều áo dài ngày xưa đều may kép, tức là may có lớp lót. Lớp áo trong cùng thấm mồ hôi, vì thế được may đơn bằng vải màu trắng để không sợ bị thôi mầu, dễ giặt. Một áo kép mặc kèm với một áo lót đơn ở trong đã thành một bộ áo mớ ba. Quần may rộng vừa phải, với đũng thấp. Thuở đó, phần đông phụ nữ từ Nam ra Bắc đều mặc quần đen với áo dài, trong khi phụ nữ Huế lại chuộng quần trắng. Trong các thập niên 1930 và 1940, cách may áo dài vẫn không thay đổi nhiều, gấu áo dài thường được may trên mắt cá khoảng 20cm, thường được mặc với quần trắng hoặc đen và những gì khác biệt với những chuẩn mực đó đã bị các nhà tri thức khó tín cho là lai căng và sính ngoại. Hình ảnh cô gái trong bức tranh "Thiếu nữ bên hoa huệ" là hình ảnh chiếc áo dài đã được cách tân, với chiếc áo dài này tuy đã che đậy tất cả, mà lại chả giấu giếm tý gì: phía trên, như một lớp da thứ hai, dán chặt vào bộ ngực và cánh tay. Cổ được tôn lên bởi một vòng cổ áo đứng. Và từ thắt lưng trở xuống, được xẻ làm đôi, tà áo nhẹ bay, uốn lượn tới gần đầu gối. Dưới đó là chiếc quần rộng, một màu, rất kính đáo nhưng cũng không kém phần quyến rũ khi tôn lên những đường cong gợi cảm của người phụ nữ.

Tô Ngọc Vân vẽ bức “Thiếu nữ bên hoa huệ” là chủ động biểu hiện hệ đối tượng: thiếu nữ - hoa huệ. Thiếu nữ má hồng tân thời e ấp làm dáng. Sự chuyển động hình thể của cô gái cho thấy một sức sống tươi trẻ và trong sáng tuổi đôi mươi yêu cái đẹp. Búp tay nõn nà nâng nhẹ cánh hoa trắng tinh. Những cử chỉ động tác đều toát lên những cảm xúc lay động. Cái đẹp đã xua đi ác cảm về cái gọi là a dua, sính ngoại, lai căng. Nếu không "bước" vào trong bức tranh này, tà áo dài cách tân và cô gái duyên dáng ấy vẫn còn bị xì xào, lườm nguýt bởi sự khắt khe của lề thói văn hóa thẩm mỹ truyền thống. Những bóng hồng yêu kiều đó thường bị coi là lai căng. Nhưng nay, hình như trong mắt ai ai cũng đều thừa nhận đó lại là một vẻ đẹp nữa của dân tộc. Áo nâu bạc màu, những cô hàng xén răng đen, đàn bà chân đất váy quay cồng hay những nón thúng quai thao, rồi đến tà áo dài tân thời... đều có vẻ đẹp và những giá trị riêng của nó.

Mẫu 2: 

Nhắc đến Mai Văn Phấn là nhắc đến một nhà thơ có duyên với thiên nhiên, hòa đồng, đằm sâu trong thiên nhiên. Ông còn được coi là nhà thơ của sinh thái, giàu sắc màu vũ trụ. Bài thơ “Con chào mào” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Mai Văn Phấn thể hiện đầy đủ tinh thần này. Với thể thơ tự do, cấu tứ thơ lạ, xây dựng hình tượng con chào mào là trung tâm của bài thơ, tác giả giúp người đọc cảm nhận bức tranh thiên nhiên trong sáng, khoáng đạt, thanh bình qua vẻ đẹp của con chim chào mào và tiếng chim trong trẻo. Từ đó, bài thơ mở ra một quan niệm mới mẻ về tình yêu thiên nhiên, đó là thái độ tôn trọng, qua cách ứng xử của con người với thiên nhiên.

Mở đầu bài thơ, thi sĩ khắc họa hình tượng con chim chào mào với lối đặc tả gần, khá kỹ:

“Con chào mào đốm trắng mũ đỏ

Hót trên cây cao chót vót

triu… uýt… huýt… tu hìu…”

Chỉ bằng vài nét vẽ, hình ảnh chú chim chào mào hiện lên vô cùng chân thực, người đọc như đang được nhìn ngắm hình tướng của nó trong một cự ly gần nhất. Trước mắt người đọc là hình ảnh chú chim chào mào với những chiếc lông có đốm trắng, cái mào màu đỏ rực đang say sưa hót líu lo trên cành cao. Tác giả đồng thời đặt định vị trí “Hót trên cây cao chót vót” của “nhân vật” này. Hai câu thơ đã mở ra một khung cảnh thanh bình, có thể đó là ban mai trong suốt hoặc hoàng hôn ráng vàng, thanh tịnh. Nó mang đến cho bạn đọc cảm giác yên bình về một khoảng không thiên nhiên thanh sạch, mướt xanh.

Câu thơ thứ ba của khổ thơ này vang lên như một bản ký xướng âm giọng chim đầy thú vị: “triu… uýt… huýt… tu hìu…”. Mỗi lần đọc câu thơ ta như nghe được trực tiếp chuỗi tiếng hót của con chim. Ở đây, tác giả đã ghi lại từng nốt nhạc để sắp đặt trọn vẹn một câu thơ mang giọng chim. Mỗi “nốt nhạc” đều tạo nên giai điệu có độ rung vang khác thường: “triu… uýt… huýt… tu hìu…”. Đây không chỉ đơn thuần là tiếng hót huyền diệu của con chào mào, mà là tiếng vọng của thiên nhiên trong khoảng không kỳ vĩ, bí ẩn. Sự vang vọng của câu thơ thứ ba này được phát ra từ hình ảnh “đốm trắng mũ đỏ” và “cây cao chót vót” ở trên. Ba câu thơ đầu tạo một bức tranh tràn đầy âm thanh, ánh sáng. Với hình ảnh thơ chân thực, sống động, ngôn từ cô đọng, hàm súc (bút pháp tả thực), nhà thơ phác họa hình tượng chào mào tuyệt đẹp, là biểu tượng của thiên nhiên trong trẻo, sống động đến vô cùng.

Khi nhìn thấy hình ảnh con chim chào mào, nhà thơ có cảm xúc và suy nghĩ ra sao? Từ khổ thơ thứ hai mở ra những suy nghĩ của nhà thơ trong không gian tâm tưởng:

“Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ

Sợ chim bay đi

Vừa vẽ xong nó cất cánh

Tôi ôm khung nắng, khung gió

Nhành cây xanh hối hả đuổi theo”

Bất chợt, khi nhìn thấy con chim, cùng là lúc trong tâm hồn thơ Mai Văn Phấn có những khoảnh khắc ý nghĩ rất đời thường mà cũng rất thơ: “Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ/ Sợ chim bay đi”. Nhà thơ đã nghĩ phải nhanh chóng vẽ chiếc lồng cho con chào mào. Có người đặt ra vấn đề “chiếc lồng” của ông được đan bện bằng tưởng tượng với mục đích kìm giữ, nhốt “con chào mào” kia chăng? Không! Chiếc lồng của nhà thơ tượng trưng cho khát vọng sở hữu thiên nhiên, phô bầy cái đẹp của riêng ông. Và nỗi “sợ chim bay đi” chính là nỗi lo cái đẹp biến/ vuột mất. Câu thơ này cho thấy, tác giả khao khát mở rộng “chiếc lồng” của ông thành không gian bất tận, muốn để tâm hồn mình bao trùm cả thiên nhiên rộng lớn cho con chào mào khoe sắc và cất tiếng tự do.

Và trong khoảnh khắc “Vừa vẽ xong nó cất cánh” thì dường như nhà thơ và con chào mào hóa thân vào nhau. “Tôi ôm khung nắng, khung gió/ Nhành cây xanh hối hả đuổi theo”. Đây là cuộc đuổi bắt ngoạn mục làm hiển lộ vẻ đẹp của con chim và tâm thế của tác giả. Cái “khung nắng, khung gió” và cả “nhành cây xanh” kia chính là chiếc lồng mà nhà thơ đã vẽ ra trong ý nghĩ ở khổ thơ thứ hai. Hành động “đuổi theo” con chim lúc này cho thấy vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ được cất cánh, thăng hoa.

“Trong vô tăm tích tôi nghĩ

Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu

Trái cây chín đỏ

Từng giọt nước

Thanh sạch của tôi”

Khi không còn thấy tăm tích con chim chào mào, nhân vật “tôi” đã hình dung ra con chim chào mào đang mổ những “con sâu, trái cây chín, giọt nước thanh sạch” của tôi. Khổ thơ này khắc họa khá đầy đủ đời sống sinh động của con chào mào. Nó thường ăn những con sâu, trái cây chín, uống nước… Đó chính là một cách “chuộc lỗi” khi con người hiểu ra rằng con chim chào mào mình yêu quý sẽ chỉ hạnh phúc trong cuộc sống tự do, tự nhiên giữa thiên nhiên,…Từ đó, nhà thơ bộc lộ tình yêu thiên nhiên thực sự và trọn vẹn của mình.

“triu… uýt… huýt… tu hìu…”

Dòng thơ “triu… uýt… huýt… tu hìu…” được lặp lại hai lần trong bài thơ. Nhà thơ nhấn mạnh điệp khúc những thanh âm của thiên nhiên, tiếng hót trong trẻo của con chào mào lại vang lên lần nữa ở cuối bài thơ. Chuỗi âm thanh được nhắc lại trọn vẹn như từng cất lên lần đầu, nhưng bạn đọc lại cảm nhận “con chào mào” đã đi qua một hành trình, từ đơn lẻ tới hòa nhập, từ âm vực có phần lảnh lót, chói gắt đến phối bè, vang vọng.

“Chẳng cần chim lại bay về

Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ.”

Hai câu thơ kết khẳng định sự thay đổi trong ý nghĩ, cảm xúc, trong tình yêu thiên nhiên của nhà thơ. Chẳng cần con chào mào bay về nữa, tiếng hót du dương của nó vẫn vang vọng trong tâm hồn ông. Bởi vì nhân vật “tôi” biết ứng xử với thiên nhiên bằng sự tôn trọng và tình yêu chứ không phải bằng mong muốn “độc chiếm”, ích kỷ, hẹp hòi. Tình yêu khiến cho tâm hồn người ta rộng mở, phong phú, tràn đầy niềm vui và sức sống…

Tóm lại, bài thơ “Con chào mào” là một bài thơ đặc sắc. Về nghệ thuật, bài thơ thành công với thể thơ tự do, có những câu thơ lặp lại hoàn toàn gợi âm thanh thiên nhiên với nhiều âm vực ngân vang, hình ảnh thơ chân thực, giàu sức gợi, cấu tứ bài thơ lạ, kết thúc mở tạo nhiều dư âm trong lòng người đọc. Qua đó, Mai Văn Phấn giúp người đọc cảm nhận được bức tranh thiên nhiên trong sáng, khoáng đạt, thanh bình qua vẻ đẹp của con chim chào mào và tiếng chim trong trẻo. Tình yêu thiên nhiên của tác giả được thể hiện qua thái độ tôn trọng, qua cách ứng xử của con người với thiên nhiên. Bài thơ bồi đắp cho ta tình yêu thiên nhiên và mỗi chúng ta cần suy ngẫm về thái độ ứng xử với thiên nhiên.

-/-

Các bạn vừa tham khảo xong nội dung chi tiết soạn bài Giới thiệu về một bài thơ hoặc một bức tranh/pho tượng theo lựa chọn cá nhân lớp 11 tập 2 CTST. Hi vọng thông qua việc giải đáp các câu hỏi hướng dẫn cuối bài các em sẽ nắm được kiến thức cơ bản về bài học một cách dễ dàng và ghi nhớ lâu hơn.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM