Soạn bài Đường về quê mẹ

Xuất bản: 06/07/2023 - Tác giả:

Soạn bài Đường về quê mẹ hướng dẫn trả lời chi tiết câu hỏi soạn văn 8 Cánh diều tập 1 bài Đường về quê mẹ giúp học sinh tham khảo

Đọc tài liệu cùng các em chuẩn bị tốt trước khi tới lớp với phần Soạn văn 8 Cánh Diều "Đường về quê mẹ". Với việc trả lời các câu hỏi trong ba phần: Chuẩn bị, Đọc hiểu, Câu hỏi cuối bài các em sẽ nắm được đặc sắc nghệ thuật và nội dung của bài.

Chuẩn bị Soạn bài Đường về quê mẹ

- Thông tin về nhà thơ Đoàn Văn Cừ:

+ Nhà thơ Đoàn Văn Cừ (1913 - 2004) quê gốc ở xã Nam Lợi, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Trước Cách mạng tháng Tám, Đoàn Văn Cừ dạy học, ông đã tham gia phong trào công nhân Nhà máy sợi Nam Định năm 1936. Sau Cách mạng tháng Tám, ông tham gia Hội đồng Nhân dân tỉnh Nam Định (1946). Năm 1948 ông tham gia Việt Minh trong Kháng chiến chống Pháp làm công tác văn nghệ, phiên dịch, công tác địch vận Liên khu III. Từ 1959, ông là cán bộ biên tập Nhà xuất bản Phổ Thông (Bộ Văn hóa). Năm 1974 công tác tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Nam Ninh, tỉnh Hà Nam Ninh (hiện nay huyện Nam Trực thuộc tỉnh Nam Định). Từ 1971, ông là Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn nghệ Hà Nam Ninh (gồm ba tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. (theo wiki)

+ Ông còn có các bút danh khác là Kẻ Sỹ, Cư sỹ Nam Hà, Cư Sỹ Sông Ngọc và ngoài thơ cũng sáng tác văn xuôi.

+ Đoàn Văn Cừ được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001. Con trai ông, họa sĩ Đoàn Văn Nguyên cũng được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2006.

+ Đoàn Văn Cừ xuất hiện trong Phong trào Thơ mới và viết về thôn quê với bút pháp rất riêng: tả chân.

+ Một số tác phẩm tiêu biểu của Đoàn Văn Cừ

  • Thôn ca I (1944)
  • Thơ lửa (1947)
  • Việt Nam huy hoàng (1948)
  • Quân dân Nam Định anh dũng chiến đấu (phóng sự, 1953)
  • Trần Hưng Đạo, anh hùng dân tộc (1958)
  • Thôn ca II (1960)
  • Dọc đường xuân (1979)
  • Đường về quê mẹ (1987)
  • Tuyển tập Đoàn Văn Cừ (1992)

Đọc hiểu Soạn bài Đường về quê mẹ

Câu 1. Chú ý thời điểm và không gian khi mẹ đưa “tôi” về quê ngoại.

Trả lời:

- Thời điểm: mỗi mùa xuân

- Không gian: Dặm liễu (đường xa) mây bay sắc trắng ngần

Câu 2. Ở các khổ 2, 4: Thiên nhiên và con người hiện lên như thế nào?

Trả lời:

- Hình ảnh thiên nhiên được tác giả miêu tả: những rặng đề; dòng sông trắng lượn ven đê; cồn xanh, bãi tía; cà, ngô; chiều mát, nắng nhạt vàng; trời xanh, cò trắng

- Hình ảnh con người được tác giả miêu tả: người xới cà, ngô bốn bề; đoàn người về ấp gánh khoai lang.

⇒ Qua đó, ta thấy được thiên nhiên và con người hiện lên đầy vẻ mộc mạc, giản dị đến lạ nhưng cũng đầy thân thương, yên bình của một làng quê, mà khiến cho ai đi đâu cũng nhớ về.

Câu 3. Ở các khổ 3, 5: Chú ý các hình ảnh tác giả khắc họa về người mẹ trên con đường về quê.

Trả lời:

- Các hình ảnh tác giả khắc họa về người mẹ trên con đường về quê: thúng cắp bên hông, nón đội đầu, khuyên vàng, áo thắm, áo the nâu, mắt sáng, môi hồng, má đỏ au, bóng u hay bóng người thôn nữ.

Câu 4. Em hiểu nghĩa của từ ngữ “mang đi” trong dòng 20 là gì?

Trả lời:

- Có thể hiểu từ ngữ “mang đi” là che mất.

Câu 5. Xác định thể thơ, vần và nhịp của bài thơ.

Trả lời:

- Thể thơ: thơ bảy chữ.

- Vần được gieo trong bài thơ: vần chân (ngần – thân, đê – bề, vàng – bàng, đầu – nâu, đồng – hồng, quen – quên).

- Nhịp thơ: 4/3.

Câu hỏi cuối bài Soạn bài Đường về quê mẹ

Câu 1. Bài thơ là lời của ai? Nêu ấn tượng chung của em về tác phẩm.

Trả lời:

- Bài thơ là lời của nhân vật “tôi”.

- Ấn tượng của em: tái hiện những kí ức đẹp đẽ về khung cảnh thiên nhiên, con người khi về quê.

Câu 2. Hãy chỉ ra bố cục của bài thơ và đặt tên cho từng phần.

Trả lời:

- Bố cục bài thơ: gồm 6 khổ thơ.

+ Khổ 1: không gian và thời gian khi “tôi” về quê.

+ Khổ 2, 4: bức tranh thiên nhiên và con người nơi làng quê.

+ Khổ 3, 5: hình ảnh người mẹ trên con đường về quê.

+ Khổ 6: những tâm tư, tình cảm của tác giả về nơi cội nguồn.

Câu 3. Liệt kê các hình ảnh, chi tiết về thiên nhiên và con người trong bài thơ. Qua đó, hãy nêu nhận xét của em về màu sắc, đường nét của bức tranh thiên nhiên và vẻ đẹp tâm hồn của con người được thể hiện trong tác phẩm.

Trả lời:

- Những hình ảnh, chi tiết về thiên nhiên và con người trong bài thơ: rạng đề, dòng sông uốn lượn ven đê, cồn xanh, bãi tía, đường làng, trời xanh, phơi xác lá bàng và cả những người xới cà, ngô bộn bề, đoàn người gánh khoai làng.

- Nhận xét: ta thấy được những dòng hoài niệm của người con về những lần cùng mẹ về quê ngoại. Khung cảnh thiên nhiên mùa xuân thật đẹp với những rặng đề, dòng sông trắng, bãi tía, cồn xanh,... Cảnh vật vừa sinh động, tràn đầy sức sống, hiện lên như một bức tranh thôn quê với những màu sắc và đường nét được phối hài hòa. Con người nơi đây đang rộn ràng trong khung cảnh lao động quen thuộc: Người xới cà, ngô rộn cánh đồng. Khung cảnh đầy bình yên và ấm áp. Qua những cảm nhận của người con, quê ngoại là cả một vùng kí ức êm đềm và thơ mộng.

Câu 4. Bài thơ đã diễn ra được tâm trạng và tình cảm gì của nhà thơ?

Trả lời:

- Bài thơ đã diễn tả được tâm trạng vui mừng, háo hức của nhà thơ mỗi lần cùng mẹ về quê ngoại. Qua đó, ta thấy được tình cảm gắn bó của tác giả đối với quê hương, và sự yêu mến, niềm tự hào của người con về vẻ xinh đẹp, đằm thắm của người mẹ.

Câu 5. Em thích nhất hình ảnh, chi tiết nào trong bài thơ? Hãy tưởng tượng và miêu tả bằng lời hoặc vẽ lại bức tranh thể hiện chi tiết, hình ảnh đó.

Trả lời:

- Em thích nhất hình ảnh người mẹ - một người phụ nữ đẹp người, đẹp nết. Hình ảnh về người mẹ với khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu, mắt sáng, môi hồng, má đỏ,... vẫn in đậm trong tâm trí con, có lẽ bởi người mẹ xinh đẹp và đằm thằm nên khiến người con phải thốt lên ngỡ ngàng: Trông u chẳng khác thời con gái.

- Bức tranh tham khảo:

Soạn bài Đường về quê mẹ hình 1
Soạn bài Đường về quê mẹ hình 2
Soạn bài Đường về quê mẹ hình 3

-/-

Trên đây là toàn bộ nội dung Soạn bài Đường về quê mẹ mà các em cần chuẩn bị trước tại nhà. Chúc các em học tốt với trọn bộ tài liệu Soạn văn 8 !

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM