Soạn bài Đề văn nghị luận và việc lập ý cho bài văn nghị luận

Xuất bản: 10/02/2020 - Cập nhật: 12/07/2022 - Tác giả:

Soạn bài Đề văn nghị luận và việc lập ý cho bài văn nghị luận trang 21 SGK Ngữ văn lớp 7 tập 2. Trả lời câu hỏi phần luyện tập trang 23 sách giáo khoa để em tham khảo

Đề văn nghị luận bao giờ cũng nêu ra một vấn đề để bàn bạc và đòi hỏi người viết bày tỏ ý kiến của mình đối với vấn đề đó. Tính chất của đề như ngợi ca, phân tích, khuyên nhủ, phản bác,... đòi hỏi bài làm phải vận dụng các phương pháp phù hợp.

Yêu cần của việc tìm hiểu đề là xác định đúng vấn đề nghị luận cũng như phạm vi tính chấy của bài làm để tránh khỏi sai lệch.

Lập dàn ý cho bài nghị luận bằng các xác lập các luận điểm, từ đó cụ thể hóa thành các luận điểm phụ rồi từ đó tìm luận cứ và các thức lập luận cho bài văn.

Soạn bài Đề văn nghị luận và việc lập ý cho bài văn nghị luận - Ngữ văn 7 tập 2

I. Tìm hiểu đề văn nghị luận

1. Nội dung và tính chất của đề văn nghị luận

Đọc các đề văn sau và trả lời câu hỏi.

(1) Lối sống giản dị của Bác Hồ.

(2) Tiếng Việt giàu đẹp.

(Đề có tính chất giải thích, ca ngợi)

(3) Thuốc đắng dã tật.

(4) Thất bại là mẹ thành công.

(5) Không thể sống thiếu tình bạn.

(6) Hãy biết quý thời gian.

(7) Chớ nên tự phụ.

(Đề có tính chất khuyên nhủ, phân tích)

(8) Không thầy đố mày làm nên Học thầy không tày học bạn có mâu thuẫn với nhau không?

(9) Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.

(Đề có tính chất suy nghĩ, bàn luận)

(10) Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau nên chăng?

(11) Thật thà là cha dại phải chăng?

(Đề có tính chất tranh luận, phản bác, lật ngược vấn đề)

Câu hỏi:

a) Các đề văn trên có thể xem là đề bài, đầu đề được không? Nếu dùng làm đề bài cho bài văn sắp viết có được không?

b) Căn cứ vào đâu để nhận ra các đề trên là đề văn nghị luận?

c) Tính chất của đề văn có ý nghĩa gì đối với việc làm văn.

Trả lời:

a) Giống như đề bài của các loại văn khác, đề bài của một bài văn nghị luận cũng khái quát chủ đề, nội dung chính của bài văn. Vì vậy, tất cả các đề văn trên đều có thể xem là đề bài, đầu đề cho bài văn có nội dung tương ứng.

b) Đề bài của một bài văn nghị luận có vai trò nêu ra vấn đề để trao đổi, bàn bạc. Khi trao đổi, bàn bạc về vấn đề được nêu ra trong đề văn người làm văn nghị luận phải thể hiện được quan điểm, ý kiến của riêng mình về vấn đề đó. Căn cứ vào đặc điểm này, có thể khẳng định các đề văn trên đều là đề văn nghị luận.

Chẳng hạn:

- (1) là đức tính giản dị của Bác Hồ; người viết phải bàn luận về đức giản dị và bày tỏ thái độ ngợi ca đức tính này ở vị lãnh tụ vĩ đại.

- (3) là có trải qua khó khăn, gian khổ thì mới đến được vinh quang, sung sướng; người viết phải phân tích để thấy được ý nghĩa khuyên nhủ đúng đắn của câu thành ngữ này.

- (10) là không nên sống ích kỉ, cơ hội; người viết phải tranh luận để thể hiện được thái độ phản bác, lật lại vấn đề mà câu thành ngữ Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau nêu ra.

c) Tính chất của đề văn yêu cầu chúng ta phải hiểu đúng vấn đề, phạm vi, tính chất của bài văn nghị luận. Nó giúp ta không đi lệch khỏi vấn đề mình quan tâm.

Dựa vào tính chất nghị luận, có thể xếp các đề trên theo những nhóm sau:

- Đề có tính chất giải thích, ngợi ca: (1), (2);

- Đề có tính chất phân tích, khuyên nhủ: (3), (4), (5), (6), (7);

- Đề có tính chất suy xét, bàn luận: (8), (9);

- Đề có tính chất tranh luận, bác bỏ: (10), (11).

2. Tìm hiểu đề văn nghị luận

a) Tìm hiểu đề Chớ nên tự phụ

- Đề nêu lên vấn đề tự phụ.

- Đối tượng và phạm vi nghị luận ở đây là phân tích, khuyên nhủ không nên tự phụ.

- Khuynh hướng trong đề là phủ định.

- Đề đòi hỏi người viết phải có thái độ phê phán thói tự phụ, kiêu căng, khẳng định sự khiêm tốn, học hỏi, biết mình biết ta.

b) Trước một đề văn, muốn làm tốt người viết phải xác định được vấn đề cần nghị luận; từ đó hình dung cụ thể về đối tượng cần bàn bạc, đánh giá và biết được nên tập trung vào những gì để bài viết có trọng tâm (tức là phạm vi nghị luận); xác định được tính chất nghị luận (cần bộc lộ thái độ khẳng định, ngợi ca hay phủ định, phê phán); và qua những điều đã xác định được này mà có thể dự tính cách làm cụ thể cho bài văn (hướng triển khai)

II. Lập ý cho bài văn nghị luận

1. Xác định luận điểm

Cho đề bài: Chớ nên tự phụ.

- Tự phụ là một thói xấu của con người.

- Đức khiêm tốn tạo nên cái đẹp cho nhân cách con người bao nhiêu thì sự tự phụ lại làm xấu nhân cách bấy nhiêu.

- Những luận điểm phụ:

+ Tự phụ khiến cho bản thân cá nhân không biết mình là ai.

+ Tự phụ luôn kèm theo thái độ khinh bỉ, thiếu tôn trọng những người khác.

+ Tự phụ khiến cho bản thân bị chê trách, bị mọi người xa lánh.

2. Tìm luận cứ

- Tự phụ: Tự đánh giá quá cao tài năng thành tích của mình, do đó coi thường mọi người, kể cả người trên mình.

- Tự phụ có hại:

+ Cô lập mình với người khác.

+ Hoạt động của mình bị hạn chế không có sự hợp tác dễ dẫn đến sai lầm và không hiệu quả.

+ Gây nên nỗi buồn cho chính mình.

+ Khi thất bại thường tự ti.

- Các dẫn chứng minh họa:

+ Nên lấy từ thực tế trường lớp, môi trường quanh mình.

+ Có lúc mình đã tự phụ.

+ Một số dẫn chứng mà mình đã đọc qua sách báo:

Chẳng hạn trong truyện Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, nhân vật Ngụy Diên ỷ thế là tướng giỏi đã cưỡi ngựa ra trước ba quân và hét lên đắc chí: “Ai dám chém đầu ta”. Trong lúc cứ gào lên như vậy thì đầu hắn đã bị một nhát chém bất ngờ từ một viên tướng quân của hắn.

3. Xây dựng lập luận

- Bắt đầu bằng cách định nghĩa tính tự phụ.

- Suy ra tác hại của tự phụ.

- Đề cao lối sống hoà đồng, khiêm tốn, phê phán thói tự phụ.

Soạn bài Đề văn nghị luận và việc lập ý cho bài văn nghị luận
Hướng dẫn soạn bài Đề văn nghị luận và việc lập ý cho bài văn nghị luận chi tiết

III. Soạn phần Luyện tập Đề văn nghị luận và việc lập ý cho bài văn nghị luận

Tìm hiểu đề và lập ý cho đề bài: Sách là người bạn thân của con người.

Gợi ý tham khảo:

* Tìm hiểu đề:

- Vấn đề nghị luận: ý nghĩa to lớn của sách đối với đời sống con người;

- Bàn luận về vấn đề nghị luận: vai trò của sách với đời sống của con người;

- Khuynh hướng nghị luận: khẳng định ý nghĩa to lớn của sách đối với đời sống con người;

- Yêu cầu: Phải phân tích tác dụng của sách đối với nhận thức của con người về thế giới xung quanh, về các lĩnh vực tri thức, về quá khứ - hiện tại - tương lai, giúp cho ta chia sẻ với tình cảm của người khác, giúp ta có những phút giây giải trí, thưởng thức nghệ thuật ngôn từ,...; tiến tới khẳng định sách là người bạn không thể thiếu trong đời sống mỗi người.

* Dàn ý:

- Mở bài: Không có gì thay thế được sách trong việc nâng cao giá trị đời sống trí tuệ và tâm hồn của mình.

- Thân bài: Vì sao lại nói "Sách là người bạn lớn của con người"? Vì sách rất có ích đối với con người.

+ Sách giúp ta hiểu biết:

  • Những không gian, thế giới bí ẩn.
  • Những thời gian đã qua của lịch sử hoặc tương lai mai sau để ta hiểu thực tại.

+ Sách văn học đưa ta vào thế giới tâm hồn con người.

  • Cho ta thư giãn.
  • Cho ta những vẻ đẹp và  thế giới thiên nhiên và con người đã được khám phá lần thứ hai qua nghệ thuật.
  • Cho ta hiểu vẻ đẹp của muôn từ - công cụ tư duy của con người. Cho ta thuộc lời hay ý đẹp để giao tiếp với quanh ta.

+ Sách ngoại ngữ: mở rộng thêm cánh cửa trí thức và tâm hồn.

+ Trong thực tế, ích lợi của sách thể hiện ra sao? Những sự việc cụ thể nào cho thấy ích lợi của sách?

+ Nhận rõ ích lợi to lớn của sách như vậy, chúng ta sẽ làm gì?

- Kết bài: Phải chọn và yêu quý sách

--------------------------------------------------------------------

» Xem thêm: Hướng dẫn trả lời câu hỏi soạn bài Đặc điểm của văn bản nghị luận (SGK)

Bài soạn tiếp theo: Soạn bài Tinh thần yêu nước của nhân dân ta

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM