Soạn bài Con đường mùa đông lớp 11 KNTT

Xuất bản: 25/07/2023 - Tác giả:

Soạn bài Con đường mùa đông lớp 11 KNTT bao gồm trả lời câu hỏi trang 61-64 SGK Ngữ văn 11 tập 1 Kết nối tri thức, tác giả tác phẩm, nội dung- nghệ thuật,... để các em chuẩn bị bài tốt nhất

Từ việc tham khảo Sách giáo viên Ngữ văn 11 tập 1 Kết nối tri thức, Đọc tài liệu sẽ giúp các em Soạn văn 11 Con đường mùa đông lớp 11 KNTT chính xác nhất.

Hướng dẫn trả lời các câu hỏi Soạn bài Con đường mùa đông trang 61-64 sách giáo khoa Ngữ văn 11 tập 1 Kết nối tri thức chi tiết, đầy đủ.

Bài học bao gồm các phần:

* Trước khi đọc

Câu hỏi 1 trang 61 sgk Ngữ văn 11 Tập 1 KNTT

Hãy hình dung những trở ngại tinh thần mà một người độc hành trên đường lạnh vắng có thể phải đối diện. Theo bạn, để vượt qua những trở ngại đó, người ta có thể làm gì?

Trả lời

- Những trở ngại tinh thần mà một người độc hành trên đường lạnh vắng có thể phải đối diện: sự buồn tủi, cô đơn, sự mệt mỏi,…

- Để vượt qua những trở ngại đó, người ta có thể tìm ra mục tiêu sống của mình, tự động viên bản thân vượt qua những ngày tháng cô đơn, có những người bạn tâm giao,…

* Đọc văn bản

Gợi ý trả lời câu hỏi trong khi đọc trang 61-63 SGK để giúp các em học sinh soạn bài Con đường mùa đông lớp 11 KNTT thật đầy đủ.

1. Lưu ý: Mỗi hình ảnh, âm thanh trong bài thơ vừa nhấn mạnh nỗi buồn, vừa thể hiện hoạt động không ngừng cố gắng vượt qua trở ngại.

- Hình ảnh: làn sương gợn sóng, ánh trăng, cánh đồng, đường mùa đông, cỗ xe tam mã, không một mái lều, ánh lửa, tuyết trắng và rừng, cột dài.

- Âm thanh: nhạc ngựa, bài ca của người xà ích, kim đồng hồ kêu tích tắc.

2. Giữa ngoại cảnh và những hình ảnh xuất hiện trong tâm tưởng có sự tương phản như thế nào?

- Ngoại cảnh: Bức tranh phong cảnh Nga đặc sắc với vẻ đẹp hoang sơ, lạ lùng của mùa Đông nước Nga.

- Hình ảnh xuất hiện trong tâm tưởng: Đêm đông lạnh lẽo, mênh mông, hiu quạnh.

=> Ngoại cảnh là phong cảnh nước ca tươi đẹp đối lập với hình ảnh bên trong tâm tưởng là mùa đông nước Nga lạnh lẽo, lòng người buồn tẻ, cô đơn.

3. Lời than “Ôi buồn đau, ôi cô lẻ” kết nối tâm tưởng nhân vật trữ tình với ai? Ở đâu?

Lời than “Ôi buồn đau, ôi cô lẻ” kết nối tâm tưởng nhân vật trữ tình với cô gái Nga yêu thương ở một không gian nhỏ, hẹp bình yên, ấm áp: có lò lửa đỏ, có tiếng đồng hồ kêu tích tắc.

4. Những hình tượng thơ đã xuất hiện trong bài được điểm lại như thế nào?

Những hình tượng thơ đã xuất hiện được điểm lại ở cuối bài thơ theo chiều ngược lại đã xuất hiện.

* Sau khi đọc

Gợi ý trả lời câu hỏi sau khi đọc trang 64 SGK để giúp các em học sinh soạn bài Con đường mùa đông lớp 11 Kết nối tri thức chi tiết.

Câu 1 trang 64 sgk Ngữ văn 11 Tập 1 KNTT

Nhan đề bài thơ Con đường mùa đông gợi cho bạn nhưng liên tưởng gì?

Trả lời

Nhan đề Con đường mùa đông gợi những liên tưởng về hình ảnh con đường lạnh lẽo, không khí ảm đạm u buồn, không có người qua lại.

Câu 2 trang 64 sgk Ngữ văn 11 Tập 1 KNTT

Những hình ảnh (“trăng”, “cột sọc chỉ đường”) và âm thanh (“tiếng lục lạc”, “kim đồng hồ kêu tích tắc”) trong bài thơ đã diễn tả mâu thuẫn giữa nỗi buồn với ý thức vận động vượt qua trở ngại của nhân vật trữ tình trên con đường mùa đông như thế nào?

Trả lời

- Những hình ảnh “trăng” và “cột chỉ đường” chỉ không hun hút vô tận, xa thẳm, mông lung, quạnh quẽ: ánh trăng mờ và cánh đồng xa.

- Âm thanh “tiếng lục lạc” và “kim đồng hồ kêu tích tắc” chỉ âm thanh lục lạc đơn điệu buồn tẻ, tiếng đồng hồ kêu tích tắc như một kỉ vật nhắc nhở bao hoài niệm thương yêu.

=> Hình ảnh và âm thanh diễn tả nhà thơ đăm chiêu cảm nhận cảnh vật trong sự mơ màng và xúc động. Bao dặm đường xa đã vượt qua, người lữ khách không chỉ buồn mà còn mệt mỏi. Trong không gian như vậy, nhân vật trữ tình nghĩ mái ấm gia đình hạnh phúc, trong chia ly lại nghĩ đến sum họp, trong xa vắng mà hy vọng về gặp người thương. Niềm khao khát ấy khiến cho nhân vật trữ tình không trở nên ủy mị mà lại càng tha thiết yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, yêu cái đẹp và luôn tin tưởng mình có thể vượt lên số phận.

Câu 3 trang 64 sgk Ngữ văn 11 Tập 1 KNTT

Xác định những hình ảnh, hoạt động tương phản trong khổ 4. Nhân vật trữ tình xuất hiện ở khổ thơ này có còn chìm trong cảnh vật u buồn nữa không? Vì sao?

Trả lời

Những hình ảnh, hoạt động tương phản trong khổ 4:

- Hình ảnh: mái lều – rừng, lửa – tuyết

- Hoạt động: sừng sững chào ta

→ Dường như nhân vật trữ tình đang dần thoát ly ra khỏi nỗi buồn của mình, nỗi buồn đã vơi đi hẳn và ông bắt đầu nhận ra được cảnh vật xung quanh. Lều chỉ một không gian chật hẹp, bị giới hạn đối lập với hình ảnh rừng bao la đã để lại trong ta nhiều cảm xúc. Phải chăng mái lều giống như tâm trạng của nhân vật, đang bị bó hẹp, siết chặt khiến con người chìm đắm trong đau buồn, còn rừng gợi lên một không gian bao la, rộng lớn, tượng trưng cho một tinh thần cởi mở, rũ bỏ những thứ tầm thường, nghĩ về một tương lai tốt đẹp hơn. Hay hình ảnh “chào ta” như một kết quả của quá trình. Nhân vật trữ tình đã nhìn cảnh vật bằng một con mắt khác với suy nghĩ tích cực. Công cuộc đấu tranh tư tưởng đã đến hồi kết, con người đã vượt qua nỗi buồn, tẻ nhạt của một người độc hành, nhìn thấy ánh sáng trong niềm hy vọng.

Câu 4 trang 64 sgk Ngữ văn 11 Tập 1 KNTT

Xác định không gian, thời gian tâm tưởng của nhân vật trữ tình trong hai khổ thơ 5 – 6. Hãy hình dung nhân vật trữ tình được tận hưởng những gì và tiếp tục đấu tranh với nỗi buồn ra sao.

Trả lời

- Không gian: chốn cũ của tác giả, nơi ông sống khi chưa bị lưu đày

- Thời gian: buổi tối mùa đông bên lò lửa

→ Cuộc đấu tranh nội tâm đã đưa tác giả về với những tháng ngày hạnh phúc, nơi ông được sống hạnh phúc bên người mình yêu, được trò chuyện và ngắm người con gái ấy. Đó chính là niềm hạnh phúc, khát khao cháy bỏng mà tác giả muốn có được, muốn lần nữa được trải nghiệm, cảm nhận. Nhưng khi nhìn vào hiện thực phũ phàng, nỗi buồn lại bao trùm lấy tâm trạng của nhân vật bởi ông biết những ngày tháng đấy đã qua đi và không thể trở lại.

Câu 5 trang 64 sgk Ngữ văn 11 Tập 1 KNTT

“xe tam mã”, “bài ca của người xà ích”, “mái lều, ánh lửa”, “Nhi-na” có ý nghĩa tinh thần thế nào đối với hành trình của nhân vật trữ tình trên “con đường mùa đông”?

Trả lời

Những hình tượng “xe tam mã”, “bài ca của người xà ích”, “mái lều, ánh lửa”, “Nhi-na” có ý nghĩa như điểm tựa nâng đỡ tâm hồn người lữ khách một đêm trăng mờ sương trên con đường mùa đông tuyết trắng.

+ Hình ảnh “xe tam mã”, “bài ca của người xà ích” gợi lên những nét thân thiết, quen thuộc với tâm hồn Nga. Làm dấy lên trong lòng lữ khách một nỗi buồn dịu ngọt.

+ Hình ảnh “mái lều, ánh lửa” gợi mái ấm hạnh phúc gia đình.

+ Nhà thơ nhắc đến tên người yêu để cố xua đi một phần nào nỗi buồn, nỗi cô đơn.

Câu 6 trang 64 sgk Ngữ văn 11 Tập 1 KNTT

Nêu nhận xét về những hình tượng thơ được điểm lại trong khổ thơ cuối. Hãy chia sẻ suy nghĩ của bạn về cách lấy lại cảm giác bình yên trên những “con đường mùa đông” trong cuộc đời.

Trả lời

- Những hình tượng thơ được điểm lại ở khổ thơ cuối là sự tổng hợp lại những hình tượng quen thuộc đã xuất hiện trong những khổ thơ trên của tác giả. Đó là Nhi-na, là bác xà ích, là nhạc ngựa và làn sương lạnh giá. Tất cả đều được tái hiện lại ở khổ cuối nhưng dường như đã mang theo một tâm trạng khác, một màu sắc khác.

→ Cách lấy lại cảm giác bình yên của tác giả hết sức độc đáo. Từ nỗi buồn chìm đắm, bao trùm lấy tâm trạng, ông dần nhận ra mọi thứ không cần phải như vậy và tâm trạng bắt đầu thay đổi. Ông chui qua lớp vỏ của nỗi buồn, giải phóng tâm trạng của mình, nghĩ về người mình yêu, về những ngày tháng hạnh phúc, ấm áp và hình thành lên khát khao quay lại những ngày tháng bình yên đó. Đây chính là chỗ dựa tinh thần lớn nhất trong ông, dựa vào nó, men theo những dòng suy nghĩ, hồi tưởng của bản thân từ đó hình thành niềm tin, hy vọng vào một tương lai tươi sáng.

Câu 7 trang 64 sgk Ngữ văn 11 Tập 1 KNTT

Bạn có nhận xét gì về cấu tứ của bài thơ? Hãy liên hệ với một bài thơ khác có kiểu cấu tứ này mà bạn biết.

Trả lời

- Cấu tứ của bài thơ rất độc đáo. Chủ đề chính của bài thơ là tâm trạng của nhân vật trữ tình trên con đường mùa đông lạnh lẽo. Cùng với đó là cách sắp xếp ý, chọn lọc ý hết sức tài tình của tác giả. Tâm trạng của nhân vật trữ tình đi từ buồn chán, tẻ nhạt rồi đến cuối bài thơ, vẫn là những sự vật ấy nhưng trạng thái đã khác, càng buồn hơn nhưng trong đó vẫn ẩn chứa một niềm hy vọng mong manh về một ngày sẽ trở về.

- Bài thơ khác cùng kiểu cấu tứ với bài “Con đường mùa đông” là bài thơ “Tuyết nhấp nhô như sóng” của Puskin:

Tuyết nhấp nhô như sóng

Tuyết nhấp nhô như sóng
Ngời sáng trên đồng quang
Trăng lưỡi liềm lai láng
Tam mã phóng trên đường

Hát nghe những khúc hát
Giải nỗi buồn trong đêm
Ôi, xiết bao thân thiết
Những lời ca ngang tàng!

Hát đi, bác xà ích!
Ta sẽ chăm chú nghe
Trăng liềm soi tịch mịch
Buồn tênh gió thoang xa

Hát đi: "Trăng, trăng đẹp
Sao trăng lại cứ nhoà?"

(Bản dịch của Thúy Toàn)

* Kết nối đọc – viết

Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) về một hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng mà bạn cho là đặc sắc nhất trong bài thơ Con đường mùa đông.

Đoạn văn tham khảo

“Con đường mùa đông” là nhà thơ trữ tình nổi tiếng của Puskin. Hình ảnh “con đường mùa đông” đã gợi lên ấn tượng sâu sắc với người đọc về tâm trạng buồn bã, cô đơn của người lữ khách và vẻ đẹp thiên nhiên của mùa đông nước Nga. Trên con đường ấy, cảnh vật vắng lặng, bao la và buồn man mác. Một đêm Đông quạnh hiu với làn sương mờ, ánh trăng mờ, cánh đồng mờ xa. Không gian đó trải dài tít tắp tưởng chừng vô tận. Không gian đó, ngoài những hình ảnh, đường nét, màu sắc còn có cả khúc nhạc dịu êm, du dương: tiếng lục lạc đơn điệu buồn tẻ, khúc hát dân ca của người xà ích “Như niềm vui mừng khôn xiết/ Như nỗi buồn nặng đìu hiu”, làm dấy lên trong lòng lữ khách một nỗi buồn dịu ngọt. Không gian đêm trên “con đường mùa Đông” tĩnh lặng, hiu quạnh quá. Ở đây, nhà thơ đã “lấy động để tả tĩnh”. Những âm thanh khe khẽ tuy giúp cho bức tranh cựa mình nhưng lại làm nổi bật cái im lìm của đêm Đông. Không cần đến những màu sắc rực rỡ, thiên nhiên trong bài thơ trong trẻo, thanh khiết, đẹp chân thực, tự nhiên, gần gũi và sống động lạ thường. Nó rất “Nga” và đậm hồn quê hương xứ sở. Cảnh sắc thiên nhiên mùa Đông nước Nga đã được Puskin miêu tả một cách tinh tế, chọn lọc.

Kiến thức văn bản

Tác giả

A-lếch-xan-đrơ Xéc-ghê-ê-vích Pu-skin (1799 – 1837) là người đặt nền móng cho văn học hiện thực Nga thế kỉ XIX. Sinh ra trong một gia đình trí thức quý tộc lâu đời, Pu-skin sớm bộc lộ thiên hưởng văn chương, bắt đầu sáng tác thơ văn từ khi lên bảy, tám tuổi. Pu-skin đã tổng hoà được những gì tinh túy nhất của văn hoá dân tộc, nhân loại và thời đại để trở thành “người duy nhất nổi tiếng nói mới " – tiếng nói "toàn nhân loại" trong văn học Nga thế kỉ XIX (Phê-đo Đốt-xtôi-ép-xki – Fedor Dostoievsky).Vì những vần thơ ca ngợi tự do, chống lại chế độ nông nô chuyên chế của chính quyền Nga hoàng, Pu-skin bị đày xuống Phương Nam (1820 – 1823), rồi lại bị đày ngược lên một trang trại hẻo lánh ở Phương Bắc (1824 – 1826). Đến giữa năm 1826, Pu-skin mới được mãn hạn đi đày. Ông qua đời năm 1837, sau một cuộc đấu súng.

Pu-skin đã để lại một di sản vô giá ở nhiều thể loại văn học, song trước hết ông được xem là "mặt trời của thi ca Nga", có cống hiến lớn nhất trong thơ trữ tình với hơn 800 bài thơ đặc sắc. Ngôn từ trong thơ trữ tình của Pu-skin bao giờ cũng chính xác, giản dị, trong sáng, hàm súc. Những sắc màu, hình ảnh, âm thanh trong thơ của ông không chỉ thể hiện tâm trạng mà còn chuyên chở những vận động ý thức của nhân vật trữ tỉnh, hướng tới hoá giải những khúc mắc trong lòng người đề cuối cùng đạt tới một xúc cảm cân bằng, hài hoà đến ki lạ, Thơ Pu-skin tràn ngập tinh thần nhân văn, vừa cao cả, vừa trần thế, vì vậy mà có sức lay động tâm hồn mãnh liệt đối với người đọc mọi dân tộc, mọi thời đại.

Tác phẩm

Hoàn cảnh sáng tác

Tháng 12 năm 1825, một cuộc khởi nghĩa do đông đảo những người trí thức quý tộc tiến bộ lãnh đạo chống lại chế độ nông nô chuyên chế đã nổ ra rộng khắp trên nước Nga. Đầu năm 1826, cuộc khởi nghĩa bị Nga hoàng dập tắt. Vào mùa đông năm ấy, nỗi buồn riêng của nhà thơ ở nơi đày ải, nỗi buồn chung của nhân dân sau thất bại của cuộc khởi nghĩa, cùng ý chí và khát vọng vượt qua những giây phút tủi buồn trong hành trình cuộc sống riêng tư, cũng như của dân tộc, đã trở thành nguồn cảm hứng để Pu-skin sáng tác nên bài thơ Con đường mùa đông.

Nội dung chính

Văn bản chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc: buồn - vui, tĩnh - động, sáng - tối, đơn điệu - mới lạ,...trong tuyết lạnh nhưng nhân vật trữ tình vẫn nghĩ về lửa đỏ, mái ấm gia đình hạnh phúc, trong chia ly lại nghĩ đến sum họp, trong xa vắng mà hy vọng về gặp người thương. Niềm khao khát ấy khiến cho nhân vật trữ tình không trở nên ủy mị mà lại càng tha thiết yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, yêu cái đẹp và luôn tin tưởng mình có thể vượt lên số phận. Nỗi buồn bao trùm cả bài thơ nhưng đó là nỗi buồn trong sáng giúp thanh lọc tâm hồn. Một nỗi buồn mang đậm dấu ấn Puskin và rất Nga.

Giá trị nội dung

Bài thơ đã gửi gắm những suy nghĩ của tác giả về những lựa chọn của con người trên đường đời. Đồng thời khẳng định trong cuộc sống, mỗi chúng ta luôn phải đưa ra những lựa chọn mà quyết định ấy sẽ ảnh hưởng quan trọng đến cuộc đời của mình.

Giá trị nghệ thuật

- Tác giả sử dụng các hình ảnh ẩn dụ sâu sắc hấp dẫn.

- Ngôn ngữ thơ mộc mạc, giản dị, sâu sắc.

-/-

Hi vọng với phần nội dung Soạn bài Con đường mùa đông lớp 11 Kết nối tri thức mà Đọc tài liệu cung cấp, các em sẽ chuẩn bị bài thật tốt trước khi tới lớp. Xem thêm các bài soạn khác của lớp 11 tại: Soạn văn 11 Kết nối tri thức cùng Đọc nhé.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM