Soạn bài chính tả Trong lời mẹ hát (nghe - viết)

Xuất bản: 07/07/2019 - Cập nhật: 25/07/2019 - Tác giả:

Hướng dẫn soạn bài chính tả Trong lời mẹ hát lớp 5 trang 146 và gợi ý trả lời câu hỏi sách giáo khoa Tiếng việt 5 tập 2 trong tiết chính tả và câu tuần 33.

Tài liệu hướng dẫn soạn bài chính tả trong lời mẹ hát được Đọc Tài Liệu biên soạn giúp các em học sinh nắm được cách luyện chính tả và gợi ý cách trả lời câu hỏi trang 146 SGK Tiếng Việt 5 tập 2.

chính tả trong lời mẹ hát Đọc Tài Liệu

I. Mục tiêu bài học

  • Luyện viết hoa viết thường tên các cơ quan tổ chức
  • Lắng nghe và viết lại đúng chính tả

II. Kiến thức cần nhớ

Cách viết hoa tên cơ quan tổ chức:

  • Tên cơ quan, tổ chức của Việt Nam: Viết hoa chữ cái đầu của các từ, cụm từ chỉ loại hình cơ quan, tổ chức; chức năng, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức. (Văn phòng Quốc hội, Bộ Xây dựng...)
  • Tên cơ quan, tổ chức nước ngoài: Tên cơ quan, tổ chức nước ngoài đã dịch nghĩa: Viết hoa theo quy tắc viết tên cơ quan, tổ chức của Việt Nam. (Liên hợp quốc (UN)...)
  • Tên cơ quan, tổ chức nước ngoài được sử dụng trong văn bản ở dạng viết tắt: Viết bằng chữ in hoa như nguyên ngữ hoặc chuyển tự La – tinh nếu nguyên ngữ không thuộc hệ La-tinh. (WTO, ...)

III. Hướng dẫn trả lời câu hỏi SGK

Câu 1 - Trang 146 SGK

Nghe - viết:

Trong lời mẹ hát

Tuổi thơ chở đầy cổ tích

Dòng sông lời mẹ ngọt ngào

Đưa con đi cùng đất nước

Chòng chành nhịp võng ca dao

Con gặp trong lời mẹ hát

Cánh cò trắng, dải đồng xanh

Con yêu màu vàng hoa mướp

“Con gà cục tác lá chanh”

Thời gian chạy qua tóc mẹ

Một màu trắng đến nôn nao

Lưng mẹ cứ còng dần xuống

Cho con ngày một thêm cao.

Mẹ ơi, trong lời mẹ hát

Có cả cuộc đời hiện ra

Lời ru chắp con đôi cánh

Lớn rồi con sẽ bay xa

Chú ý:

- Viết đúng chính tả, trình bày đúng thể thơ bài thơ Trong lời mẹ hát.

- Chú ý những từ dễ viết sai: ngọt ngào, chòng chành, nôn nao, lời ru,...

Câu 2 - Trang 146 SGK

Chép lại tên các cơ quan, tổ chức trong đoạn văn sau. Tên các cơ quan, tổ chức ấy được viết như thế nào? (bài Công ước về quyền trẻ em)

Công ước về quyền trẻ em

  Công ước về quyền trẻ em là văn bản quốc tế đầu tiên đề cập toàn diện các quyền của trẻ em trên cơ sở thừa nhận trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt.

   Việc soạn thảo Công ước được tiến hành từ năm 1979. Nhóm công tác của Liên hợp quốc đặc trách việc soạn thảo gồm đại diện của 43 nước thành viên Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc và một số cơ quan thuộc hệ thống Liên hợp quốc như Tổ chức Nhi đồng Liên hợp quốc, Tổ chức Lao động Quốc tế cùng khoảng 50 tổ chức phi chính phủ như Tổ chức Quốc tế về bảo vệ trẻ em, Liên minh Quốc tế Cứu trợ trẻ em, Tổ chức Ân xá Quốc tế, Tổ chức Cứu trợ trẻ em của Thụy Điển,…

   Sau 10 năm soạn thảo, sửa đổi, ngày 20-11-1989, Công ước được Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức thông qua. Từ ngày 2-9-1990, Công ước có hiệu lực, trở thành luật quốc tế. Đến tháng 12-1996, đã có 187 quốc gia tham gia Công ước.

   Việt Nam là quốc gia đầu tiên của châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em.

Theo Vũ Ngọc Bình

Gợi ý trả lời:

* Tên các cơ quan, tổ chức có trong đoạn văn:

- Liên hợp quốc

- Ủy ban / Nhân quyền / Liên hợp quốc

- Tổ chức / Nhi đồng / Liên hợp quốc

- Tổ chức / Quốc tế / về bảo vệ trẻ em

- Liên minh / Quốc tế / Cứu trợ trẻ em

- Tổ chức / Ân xá / Quốc tế

- Tổ chức / Cứu trợ trẻ em / của Thụy Điển

- Đại hội đồng / Liên hợp quốc

* Cách viết hoa:

-  Viết hoa chữ cái đầu của mỗi bộ phận tạo thành tên đó!

-  Bộ phận thứ ba là tên địa lí nước ngoài (Thụy Điển - phiên âm theo âm Hán việt — viết hoa chữ cái đầu của mỗi tiếng tạo thành tên đó (viết như viết tên riêng Việt Nam).

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM