Soạn bài Cha con nghĩa nặng (Hồ Biểu Chánh)

Xuất bản: 16/09/2020 - Tác giả:

Hướng dẫn soạn bài Cha con nghĩa nặng của Hồ Biểu Chánh, gợi ý trả lời câu hỏi đọc hiểu trang 164 SGK Ngữ Văn lớp 11 tập 1.

Tham khảo tài liệu hướng dẫn soạn bài Cha con nghĩa nặng (Hồ Biểu Chánh) để thấy tình cha con thắm thiết, sâu nặng, dung dị được thể hiện qua nhân vật Trần Văn Sửu và Tí. Qua đó, bồi đắp lòng yêu thương cha mẹ, lòng vị tha giữa con người với con người.

Với những hướng dẫn chi tiết trả lời câu hỏi sách giáo khoa dưới đây các em không chỉ soạn bài tốt mà còn nắm vững các kiến thức quan trọng của tác phẩm này.

   Cùng tham khảo...

Soạn bài Cha con nghĩa nặng (Hồ Biểu Chánh)

Tìm hiểu chung về tác giả, tác phẩm

I. Tác giả Hồ Biểu Chánh

1. Cuộc đời

- Hồ Biểu Chánh là bút danh của Hồ Văn Trung (1885-1958) quê ở tỉnh Tiền Giang, học cả chữ Nho lẫn chữ quốc ngữ, làm công chức ở nhiều địa phương.

- Năm 1909, Hồ Biểu Chánh sáng tác U tình lục tác phẩm đầu tay được viết bằng thơ lục bát.

- Ông sáng tác nhiều thể loại, nhưng thành công hơn cả là ở lĩnh vực tiểu thuyết. Ông để lại 64 cuốn tiểu thuyết.

- Hồ Biểu Chánh là một trong những nhà văn đầu tiên đặt nền móng cho sự xuất hiện và phát triển tiểu thuyết hiện đại Việt Nam.

2. Phong cách

- Dung dị, giàu tình cảm, đầy chất trữ tình.

- Mang đậm dấu ấn cuộc sống và tính cách con người Nam Bộ.

II. Tác phẩm Cha con nghĩa nặng

1. Hoàn cảnh xuất xứ

- "Cha con nghĩa nặng" là tác phẩm thứ 15 của Hồ Biểu Chánh, xuất bản năm 1929.

2. Nội dung chính

- Qua câu chuyện gặp mặt đầy cảm động của hai cha con Trần Văn Sửu và Tí, truyện đã thể hiện vẻ đẹp của lòng hiếu thảo và tình thương con, khẳng định những tình cảm tốt đẹp này là bài học đạo lí của muôn đời.

3. Bố cục

Đoạn trích có thể chia làm 3 phần:

- Phần 1 (từ đầu ... buồn rầu khổ cực nữa): tâm trạng tuyệt vọng của Trần Văn Sửu khi trên cầu Mê Tức.

- Phần 2 (tiếp … trở lại liền): cuộc gặp gỡ cảm động của hai cha con.

- Phần 3 (còn lại): cuộc đoàn tụ của hai cha con.

4. Tóm tắt truyện Cha con nghĩa nặng

Truyện Cha con nghĩa nặng xoay quanh nhân vật Trần Văn Sửu – một nông dân hiền lành, chăm chỉ. Anh lấy Thị Lự sinh được ba con: Tí, Quyên, Sung. Anh hết mực thương vợ, yêu con. Một hôm Sửu bắt gặp vợ ngoại tình, trong lúc nóng giận không may anh xô vợ ngã vấp vào phản chết ngay. Sửu bỏ trốn, mọi người thì tưởng Sửu nhảy xuống sông tự tử. Anh em thằng Tí về ở với ông ngoại là hương thị Tào. Sung ốm chết, Tí và Quyên đi làm thuê cho bà hương quản Tồn, được bà thương, Quyên trở thành con dâu của bà. Sau mười mấy năm trốn tránh, Sửu lẻn về nhà thăm con, được bố vợ cho biết cuộc sống hai đứa con ổn định và hạnh phúc, Sửu vội vã ra đi... Sau đó, Sửu được xóa án và cha con đoàn tụ.

Đoạn trích trong SGK kể lại sự việc Sửu bỏ đi sau khi lẻn về thăm con, thằng Tí chạy theo cha và hai cha con gặp nhau trên cầu Mê Tức.

Hướng dẫn soạn bài Cha con nghĩa nặng ngắn gọn nhất

Gợi ý trả lời câu hỏi đọc hiểu soạn bài Cha con nghĩa nặng ngắn gọn nhất trang 167 SGK Ngữ văn 11 tập 1.

Câu 1 trang 167 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Đọc kĩ đoạn trích, gắn phần tóm tắt truyện ở trên với diễn biến sự việc trong đoạn trích thành một mạch truyện xuyên suốt.

Trả lời:

Sau khi ông Sửu tha hương, trốn tội rồi một thời gian dài sau đó, ông lẻn về quê thăm con. Được biết con đang sống rất tốt, sự xuất hiện của ông e là bất lợi nên ông lại bỏ đi. Thằng Tí con ông chạy đuổi theo cha và hai cha con gặp nhau.

Câu 2 trang 167 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Phân tích, làm rõ tĩnh nghĩa cha con trong đoạn trích.

Trả lời:

- Tình cha đối với con:

+ Dù trốn đi biệt xứ nhưng Trần Văn Sửu vẫn không nguôi nhớ về con, lo cho con.

+ Không quản nguy hiểm quyết về thăm con --> sợ liên luỵ đến con nên chưa gặp con đã vội trốn đi .

+ Định tự tử vì sự bình yên của con.

→ Một người cha hết lòng yêu thương và lo cho con. Trần Văn Sửu không hề nghĩ gì đến bản thân, sẵn sàng chịu cảnh khổ, xa con, trốn tránh thay tên đổi họ để con được hạnh phúc.

- Tình con đối với cha:

+ Tình cảm mạnh mẽ, quyết liệt.

+ Ngầm theo dõi câu chuyện của cha, càng thương cha.

+ Lo lắng, thương cha, quyết bỏ nhà, hi sinh tình yêu hạnh phúc vừa kịp đến để theo cha, lo cho cha.

+ Nhất quyết không cho cha đi.

→ Tí là đứa con hiếu nghĩa, mộc mạc đáng thương và đáng trọng.

Câu 3 trang 167 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Để thể hiện chủ đề cha con nghĩa nặng, tác giả đã tạo ra những tình huống nghệ thuật có kịch tính cao. Hãy tìm hiểu và làm rõ tình huống giàu kịch tính đó.

Trả lời:

Tình huống giàu kịch tính trong đoạn trích:

- 10 năm xa cách đối lập với cuộc gặp gỡ ngắn ngủi của Trần Văn Sửu với con.

- Tình yêu thương con sâu nặng, khao khát được nhìn thấy và ở gần con đối lập với nỗi lo sợ sự hiện diện của mình phá vỡ hạnh phúc của con.

=> Tình huống éo le, cảm động và căng thẳng.

Câu 4 trang 167 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Qua nhân vật Trần Văn Sửu và thằng Tí, hãy nêu lên vài cảm nhận về tính cách con người Nam Bộ.

Trả lời:

- Nhân vật người con Trần Văn Tí chứng tỏ tính cách mạnh mẽ không chịu bó tay trước hoàn cảnh. Dù phải hi sinh hạnh phúc của mình nhưng Tí vẫn đặt chữ hiếu lên trên hết.

- Nhân vật người cha và con thể hiện tính cách của người Nam Bộ mạnh mẽ và kiên quyết nhưng cũng rất đôn hậu, yêu thương con.

Câu 5 trang 167 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Nhận xét về nghệ thuật kể chuyện, miêu tả nhân vật, sử dụng ngôn ngữ trong đoạn trích.

Trả lời:

- Qua đoạn trích, người đọc thấy được tài năng của Hồ Biểu Chánh. Đoạn đối thoại giữa cha và con cho thấy khả năng thúc đẩy sự kiện qua lời thoại. Nó diễn ra rất nhanh và sinh động.

- Ngôn ngữ nhân vật cùng ngôn ngữ người kể chuyện gắn với đời sống. Đặc biệt phương ngôn Nam Bộ được sử dụng nhuần nhuyễn tạo nên màu sắc đặc trưng cho văn phong của Hồ Biểu Chánh.

Hướng dẫn soạn bài Cha con nghĩa nặng chi tiết

Gợi ý trả lời câu hỏi đọc hiểu soạn bài Cha con nghĩa nặng chi tiết, đầy đủ trang 167 SGK Ngữ văn 11 tập 1.

Bài 1 trang 167 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Đọc kĩ đoạn trích, gắn phần tóm tắt truyện ở trên với diễn biến sự việc trong đoạn trích thành một mạch truyện xuyên suốt.

Trả lời:

Câu chuyện kể về cha con của Trần Văn Sửu - một người cha nặng ân tình với con, ông đã lẻn về thăm con nhưng rồi sợ liên lụy tới con lên đã định nhảy sông tự tử. Tuy nhiên, sự đợi chờ dõi theo cuộc sống của con và ông ngoại đã làm cho ông có thêm một chút niềm tin để sống, ông mong chờ sẽ có ngày gặp con. Trần Văn Tý là một người con có hiếu, không những không ghét bỏ mà còn hết mực yêu thương cha. Đoạn trích đã thể hiện một tình cảm cha con sâu nặng và mang giá trị nhân đạo sâu sắc.

Bài 2 trang 167 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Phân tích, làm rõ tĩnh nghĩa cha con trong đoạn trích.

Trả lời:

* Về người cha:

- Trần Văn Sửu đã mười mấy năm biệt tích. Cuộc gặp gỡ với cha vợ và các con lần này với anh không phải là quá bất ngờ. Nó được nung nấu trong ân hận và nhớ thương. Anh đã chủ động tìm về.

- Được cha vợ cho biết hai đứa con anh đã được bà hương quán Tồn thương. Một lấy làm con dâu, một chuẩn bị dựng vợ cho. Trần Văn Sửu vô cùng sung sướng, mãn nguyện. Tình của người cha với con cũng chỉ mong có thế.

- Nguyện tự tử để đem lại bình yên cho con.

=> Một người cha hết lòng yêu thương và lo cho con. Trần Văn Sửu không hề nghĩ gì đến bản thân, sẵn sàng chịu cảnh khổ, xa con, trốn tránh thay tên đổi họ để con được hạnh phúc.

* Về người con:

- Tình cảm mạnh mẽ, quyết liệt.

- Ngầm theo dõi câu chuyện của cha, càng thương cha. Tí đã hiểu tình cảm của cha nó, nó lại càng thương, càng quý trọng cha nó.

- Lo lắng, thương cha, quyết bỏ nhà, hi sinh tình yêu hạnh phúc vừa kịp đến để theo cha, lo cho cha.

- Khi cha nó nghe lời ông ngoại bỏ đi luôn, Tí đã chạy đuổi theo.

=> Tí là đứa con hiếu nghĩa, mộc mạc đáng thương và đáng trọng.

Bài 3 trang 167 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Để thể hiện chủ đề cha con nghĩa nặng, tác giả đã tạo ra những tình huống nghệ thuật có kịch tính cao. Hãy tìm hiểu và làm rõ tình huống giàu kịch tính đó.

Trả lời:

Để thể hiện tình cha con sâu nặng, tác giả đã xây dựng được một tình huống truyện giàu kịch tính. Hãy nghe đoạn đối thoại này:

-  [...] Thôi cha trở về nhà với con.

- Húy. Về sao được?

- Sao vậy?

- Về rồi làng tổng họ đến bắt còn gì?

Thằng Tí nghe cha nói thế thì nó tỉnh ngộ, nó hiểu rằng cha nó ở lại thì sẽ bị bắt tù và nhất định sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống và hạnh phúc của anh, em nó. “Bây giờ biết làm sao?”. Tình huống đã đầy mâu thuẫn lên đỉnh điểm. Giải quyết như thế nào đây? Tí đang đứng trước hoàn cảnh thật khó. Cuối cùng cách giải quyết của người con thật bất ngờ. Tí nói:

- Cha đi đâu?

- Đi đâu cũng được.

- Hễ cha đi thì con đi theo.

- Để làm gì?

- Đi theo đặng mà nuôi cha; chừng nào cha chết rồi con sẽ về.

- Con đừng cố tính bậy. Con phải ở nhà làm mà nuôi ông ngoại.

- Có trâu, có lúa sẵn đó, ông ngoại làm mà ăn, cần gì con nuôi nữa. Lại có con Quyên ở nhà đó. Cậu Ba Giai cưới nó đấy, nó giàu có thiếu gì tiền bạc, nó giúp đỡ ông ngoại được rồi. Bây giờ có một mình cha nghèo khổ, vậy con phải làm mà nuôi cha chứ.

Cách giải quyết của người con khiến cho người cha đứng đó và cả người đọc vô cùng cảm động. Thằng Tí đã làm được điều mà nó đang tính.

Tình huống truyện đặt ra thật căng thẳng và phức tạp. Cuộc gặp gỡ của hai cha con đã thoả lòng mong ước suốt mười mấy năm trời. Nhưng bóng đen quá khứ vẫn ám ảnh họ. Sự sum họp của cha con khó bề được thực hiện. Vì dù sao Trần Văn Sửu cũng là người có tội đang bị truy nã. Sự có mặt của Sửu lúc này có thể làm cho hạnh phúc của Tí, của Quyên (con ông) tan vỡ. Vì không ai người ta chịu gả con cho con một người đi tù. Nhưng nếu ông bỏ đi thì con ông lại không chịu. Tình huống truyện đã đẩy mâu thuẫn lên tột đỉnh. Cha thì lo, con thì tính, cả hai đều lặng thinh.

Cuộc đối thoại giữa hai cha con đã đi đến một kết cục tốt đẹp. Người đọc cảm nhận được tình cha con sâu nặng. Con người biết sống có đạo lí theo đạo lí thì bao giờ cũng có một kết cục tốt đẹp.

Bài 4 trang 167 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Qua nhân vật Trần Văn Sửu và thằng Tí, hãy nêu lên vài cảm nhận về tính cách con người Nam Bộ.

Trả lời:

- Nhân vật người con Trần Văn Tí chứng tỏ tính cách mạnh mẽ không chịu bó tay trước hoàn cảnh. Tí đã đưa ra lối thoát cho tình huống tưởng chừng bế tắc, làm yên lòng mình, dịu được lòng cha, vẹn được nhiều bề dù trước mắt còn nhiều khó khăn phức tạp.

- Nhân vật người cha và con thể hiện tính cách của người Nam Bộ mạnh mẽ và kiên quyết. Tính cách ấy được thể hiện nổi bật nhất qua diễn biến tâm lí nhân vật, qua lời đối thoại và độc thoại.

Bài 5 trang 167 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Nhận xét về nghệ thuật kể chuyện, miêu tả nhân vật, sử dụng ngôn ngữ trong đoạn trích.

Trả lời:

- Qua đoạn trích, người đọc thấy được tài năng của Hồ Biểu Chánh. Đoạn đối thoại giữa cha và con cho thấy khả năng thúc đẩy sự kiện của lời thoại. Nó dịch ra rất nhanh và sinh động. Đây là khả năng của người viết tiểu thuyết mà không phải tác giả nào ở thời Hồ Biểu Chánh cũng làm được.

- Ngôn ngữ nhân vật cùng ngôn ngữ người kể chuyện gắn với đời sống. Đặc biệt phương ngôn Nam Bộ được sử dụng nhuần nhuyễn tạo nên màu sắc đặc trưng cho văn phong của Hồ Biểu Chánh.

Tổng kết

Tiểu thuyết Cha con nghĩa nặng đã nêu bật tình cảm sâu sắc xúc động của nhân vật cha Sửu và nhân vật con Tí, diễn đạt thành công tình cảm thiêng liêng của con người, đó là tình cha con. 

Cha con nghĩa nặng là một câu chuyện đầy kịch tính. Toàn bộ ngôn ngữ câu chuyện là một chuỗi kế tiếp mang tính chất xung đột vì ý thức trách nhiệm - đạo đức của con người.

Soạn bài Cha con nghĩa nặng nâng cao

Đọc tài liệu tổng hợp cả nội dung soạn văn bài Cha con nghĩa nặng của chương trình nâng cao để các bạn học sinh học chương trình nâng cao tham khảo, các bạn học chương trình cơ bản mở rộng kiến thức.

Bài 1 - Trang 136 SGK

Có thể chia đoạn trích thành mấy phần ? Hãy tóm tắt nội dung từng phần.

Trả lời:

Đoạn trích có thể chia làm 2 phần:

- Phần 1 (từ đầu đến "không nói được một tiếng chi hết"): Cuộc rượt đuổi của hai cha con.

Sau nhiều năm sống lẩn trốn cực khổ, Trần Văn Sửu cải trang thành người Thổ trở về quê với mong muốn tha thiết là được gặp hai con. Nhưng sau khi nghe bố vợ phân tích lợi hại của việc gặp mặt hai con, Trần Văn Sửu phải nén nỗi nhớ mong để ra đi, mong không làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của các con. Ông chào bố vợ và ra đi trong lòng vô cùng đau khổ. Thằng Tí lén nghe được cuộc chuyện trò giữa ông ngoại và cha, anh chạy theo cha. Trần Văn Sửu tưởng người làng đuổi bắt nên cố chạy thật nhanh, Tí thì cố đuổi theo cha. Vì thế cuộc rượt đuổi diễn ra rất gay gắt. Đến cầu Mê Tức mới gặp nhau khi Trần Văn Sửu đang định tự vẫn, chấm dứt những ngày khổ cực. Cha con gặp nhau vô cùng mừng rỡ.

- Phần 2 (phần còn lại): Cuộc gặp gỡ của hai cha con sau hơn mười năm xa cách.

Hai cha con gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Cha muốn bỏ đi xa để không làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của các con, con trai không chịu để cha đi, anh sẵn sàng theo để chăm sóc cha dù phải chịu vất vả cực nhọc.

Bài 2 - Trang 136 SGK

Nhân vật Trần Văn Sửu có tâm trạng ra sao khi ngồi một mình trên cầu ? Ý định tự vẫn đến với ông như thế nào ? Hãy nêu lên các thủ pháp miêu tả tâm lí mà tác giả đã sử dụng trong tình huống truyện này.

Trả lời:

Ngồi trên cầu với tâm trạng "sầu não". Trần Văn Sửu yên tâm vì con đã hiểu và không trách mình, mừng vì các con đã được sống hạnh phúc sung sướng. Ông nhớ lại những ngày hạnh phúc và cả khổ đau đã qua.

Trần Văn Sửu là người hết lòng thương yêu vợ con nhưng vì một phút nóng giận, không thể kiềm chế anh đã vô tình giết chết vợ. Và phải sống lẩn trốn nhiều năm với mục đích duy nhất là gặp lại hai con và mong chúng tha thứ. Nhưng anh lại trở về đúng lúc hai con anh sắp lấy vợ lấy chồng. Ông đã chấp nhận ra đi lặng lẽ, không gặp mặt hai con. Nhưng khi ra đi ông đã rất đau khổ. Ông đã định tự vẫn.

Trong tình huống truyện này, nhà văn đã dùng hình thức độc thoại nội tâm để thể hiện tâm trạng nhân vật. Đây là một biểu hiện của tính chất hiện đại trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh.

Bài 3 - Trang 136 SGK

Nhân vật Tí đã thể hiện tình cảm với cha mình như thế nào qua hành động, cử chỉ và lời nói ?

Trả lời:

Tí là người con trai có hiếu. Anh đã đuổi theo để giữ cha ở lại. Tí hiểu những khổ cực, thiệt thòi mà người cha đã phải chịu đựng. Nhà văn đã thể hiện rất xúc động tình cảm cha con khi xây dựng cuộc gặp gỡ vô cùng cảm động giữa họ.

Gặp cha, Tí "chạy riết lại nắm tay cha", "dòm sát mặt", "ôm cứng trong lòng". Tí quyết không để cha đi, anh quyết theo cha để chăm sóc cha "cha đi đâu con theo đó", "đi theo đặng làm mà nuôi cha..., con phải làm nuôi cha chứ"... Cuộc đối thoại giữa hai cha con đã thể hiện tình nghĩa cha con xúc động. Tấm lòng cao cả, tình yêu vô bờ, đức hi sinh của người cha và tấm lòng thơm thảo hiếu nghĩa của cậu con trai. Hồ Biểu Chánh là nhà văn có mục đích sáng tác rất rõ ràng, sáng tác để giáo dục đạo đức. Hai cha con Trần Văn Sửu là hai trong số những nhân vật thể hiện tư tưởng đạo đức truyền thống theo quan niệm của nhà văn.

Bài 4 - Trang 136 SGK

Mong muốn sum họp thật sự của hai cha con Trần Văn Sửu đã gặp những trở ngại gì ? Tại sao tác giả lại "đẩy nhân vật" vào những tình huống khó xử như thế ?

Trả lời:

Trần Văn Sửu mang tội giết vợ nên phải sống lẩn trốn, việc trở về của anh chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến hai con. Vì Quyên và Tí được mọi người thương nên đều chuẩn bị lấy vợ, lấy chồng. Nếu Trần Văn Sửu xuất hiện và với tiếng giết vợ, hai con ông khó mà có được hạnh phúc trọn vẹn. Ông đã quyết tâm ra đi nhưng lại rất đau khổ và có ý định tự vẫn. Họ đã phải đứng trước những trở ngại rất lớn. Cha không thể trở về vì nếu về hàng tổng sẽ bắt, hạnh phúc của các con sẽ bị ảnh hưởng. Con theo cha thì sẽ phải chịu khổ cực và không chăm sóc được ông ngoại. Hai cha con bàn tính ngược xuôi mãi. Cuối cùng cũng đưa ra được quyết định. Đẩy nhân vật vào tình huống khó xử ấy, nhà văn đã thể hiện rất cảm động tình cha con giữa hai người.

Bài 5 - Trang 136 SGK

Cách giải quyết tình huống mà nhân vật Tí đưa ra nói lên được điều gì về chiều sâu tình cảm và tính cách của anh ? Kết cục câu chuyện giới hạn trong đoạn trích) chứng tỏ được điều gì về quan niệm đạo lí của tác giả ?

Trả lời:

Cách giải quyết tình huống của nhân vật Tí cho ta thấy Tí là một người con có hiếu, một thanh niên tuy còn trẻ nhưng chín chắn và sâu sắc. Anh đã biết cách xử lí tình huống cho trọn nghĩa vẹn tình. Qua nhân vật này nhà văn đã thể hiện quan niệm đạo lí của tác giả, đó là quan niệm về hiếu nghĩa, làm con phải tận hiếu với cha mẹ, phải chăm sóc yêu thương cha mẹ. Hồ Biểu Chánh là nhà văn của những quan niệm đạo đức truyền thống tốt đẹp như chữ trung, chữ hiếu...

Bài 6 - Trang 136 SGK

Phân tích đặc điểm và cái hay của ngôn ngữ kể chuyện trong đoạn trích.

Trả lời:

Ngôn ngữ trong sáng tác của Hồ Biểu Chánh đậm chất Nam Bộ. Ta có thể còn gặp lại lối văn biền ngẫu ở tiểu thuyết của ông. Song, về cơ bản, ngôn ngữ trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh đã tiến gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày, một thứ ngôn ngữ "bình dân" đậm chất Nam Bộ đã thấm sâu vào ngôn ngữ kể chuyện và trở thành văn phong riêng. Như "Trời chạng vạng tối, hương thị Tào với thằng Tí về tới Giồng Ké. Khi quẹo vô sân, hương thị Tào ngó ra ngoài lộ, thì thấy người Thổ đó đi đường ngang, mà còn liếc mắt ngó vô nhà. Ông lấy làm kì, nên đứng lại mà ngó, thì người ấy bươn bả đi tuốt". Lớp phương ngữ Nam Bộ mà tác giả sử dụng một mặt tạo ra sắc thái cá thể cho lời kể, mặt khác có tác dụng làm nhạt đi màu sắc "bác học", để câu chuyện gần gũi hơn với chính hiện thực sản sinh ra nó.

-/-

// Trên đây là nội dung chi tiết bài soạn văn Cha con nghĩa nặng của Hồ Biểu Chánh do Đọc Tài Liệu tổng hợp và biên soạn theo cả hai chương trình SGK cơ bản và nâng cao. Mong rằng nội dung của bài hướng dẫn soạn văn 11 bài Cha con nghĩa nặng này sẽ giúp các em ôn tập và nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học. Chúc các em luôn đạt được những kết quả cao trong học tập.

[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Cha con nghĩa nặng một cách tốt nhất. "Trong cách học, phải lấy tự học làm cố" - Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM