Soạn bài Cầu hiền chiếu Kết nối tri thức

Xuất bản: 26/07/2023 - Tác giả:

Soạn bài Cầu hiền chiếu Kết nối tri thức bao gồm trả lời câu hỏi trang 76-79 SGK Ngữ văn 11 tập 1 KNTT, tác giả tác phẩm, nội dung- nghệ thuật,... để các em chuẩn bị bài tốt nhất

Từ việc tham khảo Sách giáo viên Ngữ văn 11 tập 1 Kết nối tri thức, Đọc tài liệu sẽ giúp các em Soạn văn 11 Cầu hiền chiếu KNTT chính xác nhất.

Hướng dẫn trả lời các câu hỏi Soạn bài Cầu hiền chiếu trang 76-79 sách giáo khoa Ngữ văn 11 tập 1 Kết nối tri thức chi tiết, đầy đủ.

Bài học bao gồm các phần:

* Trước khi đọc

Câu hỏi 1 trang 76 sgk Ngữ văn 11 Tập 1 Kết nối tri thức

Có không ít câu chuyện thú vị về việc vua chúa hay lãnh đạo đất nước muốn chiêu mộ hiền tài ra gánh vác trọng trách quốc gia. Hãy chia sẻ một câu chuyện mà bạn biết?

Trả lời

Dưới triều Vua Lê Thánh Tông việc tuyển chọn người có đức, có tài được xem là điều hệ trọng nhất trong mọi điều hệ trọng với nhiều hình thức tiến bộ, tổ chức rất nghiêm ngặt.

Nhà vua đã áp dụng hàng loạt các biện pháp cơ bản, mang tính hệ thống như khuyến khích việc học; tổ chức thi tuyển để lựa chọn người tài; đặt lệ bảo cử để không bỏ sót nhân tài; đặt lệ tập ấm để khuyến khích con cháu công thần lập thân; thực hiện chế độ tản quan để tỏ lòng tri ân với những người có công; đặt lệ khảo thi để khuyến khích nhân tài phấn đấu vươn lên; đặt lệ khảo khóa để đánh giá, phát huy thực tài của quan lại.

(Lê Đức Tiết: Bộ luật Hồng Đức, Di sản văn hóa pháp lý đặc sắc của Việt Nam, NXB Tư pháp, 2010, tr.143-144).

Câu chuyện về nhà vua chiêu mộ hiền tài mà em biết là câu chuyện về vua Quang Trung (Nguyễn Huệ). Sau khi lên ngôi sau giai đoạn đất nước bị chia cắt ngổn ngang, nguyên khí quốc gia bị suy yếu kiệt quệ. Trong hoàn cảnh đó, nhà vua ý thức được sự cấp thiết phải chiêu mộ hiền tài để xây dựng lại đất nước sau chiến tranh. Trước tình hình đó, Ngô Thì Nhậm – một thân tín của vua Quang Trung đã thay mặt ông soạn “Chiếu cầu hiền” để thể hiện tinh thần quyết tâm vực lại giang sơn của một nhà lãnh đạo tài giỏi, anh minh.

Câu hỏi 2 trang 76 sgk Ngữ văn 11 Tập 1 Kết nối tri thức

Trong công cuộc xây dựng đất nước, việc trọng dụng người tài có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời

Nhân tài có vai trò quan trọng, quyết định cho sự tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy mà cha ông ta đã coi: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, tiến hành các cuộc thi cử để tìm ra trạng nguyên, tiến sĩ cho đất nước.

- Mang đến lợi ích chung cho Quốc gia.

- Nhận được sự giúp đỡ và có thể giải quyết những vấn đề khó khăn.

- Góp phần phát triển quê hương đất nước về mọi mặt.

- …

* Đọc văn bản

Gợi ý trả lời câu hỏi trong khi đọc trang 76-78 SGK giúp các em soạn bài Cầu hiền chiếu Kết nối tri thức chi tiết.

1. Phần 1 nêu vấn đề gì?

Phần 1 nêu lên sứ mệnh của người hiền tài.

2. Dự đoán: Việc nêu thực trạng “trốn tránh việc đời” của kẻ sĩ dẫn đến ý gì sẽ được trình bày ở phần 3?

Việc nêu thực trạng “trốn tránh việc đời” của kẻ sĩ dẫn đến ý mối quan hệ giữa người tài và thiên tử sẽ được trình bày ở phần 3.

3. Nhận xét về lí lẽ được sử dụng.

Lí lẽ thấu đáo và sắc sảo để chỉ ra cho người hiền tài thấy được trách nhiệm của họ với đất nước, đồng thời thể hiện được nhân cách và phẩm chất của vua Quang Trung.
4. Giữa lí lẽ trình bày ở các phần trước với kế hoạch thực thi được nêu ở phần 4 có mối liên hệ như thế nào?

Các lí lẽ được trình bày ở các phần trước: người hiền tài phải do thiên tử sử dụng, nếu không sử dụng là trái luật trời; nêu ra tình hình đất nước hiện tại tạo tiền đề đi đến luận ở phần 4: người hiền tài phải phục vụ hết mình cho triều đại mới.

5. Ý nghĩa của lời khuyến dụ.

Lời khuyến dụ có ý nghĩa: Thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của vua Quang Trung trong công cuộc xây dựng đất nước sau thời phân li: vạch ra các con đường để người hiền tài ra cống hiến cho đất nước. Đường lối cầu hiền hết sức rộng mở, cách tiến cử rất dễ làm thái độ nhà vua hết sức thành tâm, độ lượng.

* Sau khi đọc

Gợi ý trả lời câu hỏi sau khi đọc trang 79 SGK để giúp các em soạn bài Cầu hiền chiếu Kết nối tri thức lớp 11 chi tiết.

Câu 1 trang 79 sgk Ngữ văn 11 Tập 1 Kết nối tri thức

Cầu hiền chiếu được ban bố với lí do và mục đích gì?

Trả lời

- Lí do: hoàn cảnh đất nước khi vừa mới trải qua chiến tranh, triều đình mới xây dựng, lòng dân hoang mang, lo lắng, xã tắc chưa vững, việc nước chưa định, việc quân chưa xong.

- Mục đích: trong hoàn cảnh đó, việc người tài ra giúp vua trị dân, trị nước ngày càng trở lên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhận thấy tình hình đó, Ngô Thì Nhậm đã thay vua Quang Trung ra Chiếu cầu hiền nhằm kêu gọi những văn thân, sĩ tử, những kẻ sĩ trong thiên hạ từ bỏ cuộc sống an nhàn, ra triều làm quan, giúp vua xây dựng và ổn định đất nước.

Câu 2 trang 79 sgk Ngữ văn 11 Tập 1 Kết nối tri thức

Văn bản hướng tới đối tượng nào trong xã hội lúc bấy giờ? Khi vâng mệnh vua Quang Trung soạn chiếu này, Ngô Thì Nhậm đối diện với những khó khăn gì trong việc thuyết phục các đối tượng đó ra gánh vác việc nước?

Trả lời

- Văn bản hướng đến đối tượng là các văn thân, sĩ phu yêu nước, những người có tài, những người đã từng làm quan cho triều cũ đang sống cuộc sống ở ẩn.

- Khi vâng mệnh vua Quang Trung soạn chiếu này, Ngô Thì Nhậm đối diện với nhiều khó khăn trong việc thuyết phục các đối tượng đó ra gánh vác việc nước bởi:

+ Bản thân của những người đó không còn tin vào triều đình, vào chế độ

+ Họ thích cuộc sống an nhàn, ngày 3 bữa câu cá, ngâm thơ, một cuộc sống nhàn tản thỏa mãn sở thích cá nhân, rời xa thời cuộc

+ Nhiều người thuộc triều đại cũ, e ngại việc ra là quan cho triều đại mới liệu có đi ngược lại với tư tưởng của mình

+ Một bộ phận thì không ủng hộ chính quyền mới nhưng không có ý chống phá.

+ Bộ phận khác thì ngại tiến cử bản thân và không có ai để tiến cử…

→ Tất cả những lý do đó đã tạo nên một sự tổn thất nghiêm trọng về nguyên khí của quốc gia tại thời điểm đó.

Câu 3 trang 79 sgk Ngữ văn 11 Tập 1 Kết nối tri thức

Văn bản có mấy phần? Phân tích mối quan hệ giữa nội dung các phần.

Trả lời

- 3 phần:

+ Phần 1 (từ đầu đến “sinh ra người hiền vậy”): Khẳng định người hiền tài có sứ mệnh phò tá cho thiên tử.

+ Phần 2 (tiếp theo đến “buổi ban đầu của trẫm hay sao”): Hoàn cảnh của đất nước và sự cần thiết của người tài đối với vận mệnh quốc gia.

+ Phần 3 (đoạn còn lại): Đường lối cầu hiền của vua Quang Trung.

- Phần 1 là đặt vấn đề, phần 2 là giải quyết vấn đề, phần 3 là kết luận.

Nội dung của các phần có mối quan hệ chặt chẽ, bổ sung và hỗ trợ nhau nhằm thực hiện mục tiêu chung của tác phẩm là chiêu mộ người tài. Mở đầu tác phẩm, tác giả đưa ra lập luận không ai có thể chối cãi bởi lịch sử đã chứng minh, người tài ắt phải giúp đỡ thiên tử xây dựng nước, như vậy mới đúng với tư tưởng trung quân ái quốc mà họ tôn thờ. Tiếp đến, ông đưa ra thực trạng của đất nước, thiếu thốn người tài, nguyên khí tổn thất nghiêm trọng và cần thiết mọi người phải ra mặt. Để rồi cuối cùng, ông đưa ra đường lối thực hiện như một sự đảm bảo về kế sách vẹn toàn, chờ người thực hiện… Đây là biểu hiện chung của một áng văn nghị luận với lập luận chặt chẽ, lý lẽ sắc bén nhằm làm nổi bật mục đích muốn truyền tải.

Câu 4 trang 79 sgk Ngữ văn 11 Tập 1 Kết nối tri thức

Nghệ thuật lập luận thể hiện như thế nào qua việc dùng lí lẽ và bằng chứng, phối hợp với các yếu tố biểu cảm, thuyết minh?

Trả lời

Nghệ thuật:

– Cách nói sùng cổ.

– Lời văn ngắn gọn, súc tích, tư duy sáng rõ, lập luận chặt chẽ, khúc chiết kết hợp với tình cảm tha thiết, mãnh liệt có sức thuyết phục cả về lý và tình.

=>Ngô Thì Nhậm đã dùng những lập luận đầy đủ, thấu đáo và sắc sảo để chỉ ra cho người hiền tài thấy được trách nhiệm của họ với đất nước, đồng thời thể hiện được nhân cách và phẩm chất của vua Quang Trung. Vừa lên ngôi nhưng vua Quang Trung đã có chính sách rất đúng đắn là trọng dụng nhân tài. Bài có bố cục hợp lí theo một logic chặt chẽ, lần lượt trình bày các nội dung.

Câu 5 trang 79 sgk Ngữ văn 11 Tập 1 Kết nối tri thức

Theo bạn, điều gì tạo nên sức thuyết phục của Cầu hiền chiếu?

Trả lời

Những điều làm nên sức thuyết phục của Cầu hiền chiếu:

- Người viết chú trọng đưa ra những lí lẽ sắc sảo, lời lẽ tâm huyết và đầy sức thuyết phục để kêu gọi người hiền tài ra giúp vua Quang Trung xây dựng và củng cố đất nước sau những năm nội chiến và nạn ngoại xâm liên miên.

- Nhân cách và phẩm chất của vua Quang Trung thể hiện qua bài chiếu.

- Bài kí có bố cục hợp lí theo một logic chặt chẽ, lần lượt trình bày các nội dung. Từ khái quát vấn đề, giải quyết từng khía cạnh cụ thể của vấn đề và khẳng định, cầu hiền một cách khẩn thiết là logic của bản chiếu.

Câu 6 trang 79 sgk Ngữ văn 11 Tập 1 Kết nối tri thức

Viết Cầu hiền chiếu trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt, tác giả đã gửi gắm khát vọng lớn lao nào đối với đất nước?

Trả lời

Năm 1788, vua Lê Chiêu Thống rước quân Thanh vào xâm lược nước ta, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung rồi đem quân ra Bắc quét sạch 20 vạn giặc Thanh cùng bọn tay sai bán nước. Lê Chiêu Thống và tàn quân chạy theo Tôn Sĩ Nghị, triều Lê sụp đổ. Trước sự kiện trên, một số bề tôi của nhà Lê hoặc mang nặng tư tưởng trung quân lỗi thời, hoặc sợ hãi vì chưa hiểu triều đại mới nên có người đã bỏ trốn, hoặc đi ở ẩn, hoặc tự tử,… Quang Trung giao cho Ngô Thì Nhậm thay mình viết Chiếu cầu hiền kêu gọi những người tài đức ra giúp nước an dân.

Văn bản thể hiện rõ sự khát khao cầu hiền của nhà vua trẻ tài đức, qua đó ta thấy được Ngô Thì Nhậm thật là uyên bác, cao tay trong việc dùng văn bản, thay mặt nhà vua chiêu hiền đãi sĩ. Ông xứng đáng là người được vua Quang Trung tin cậy.

* Kết nối đọc - viết

Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) nêu suy nghĩ của bạn về luận điểm: Người có tài cần phát huy tài năng của mình để đóng góp cho cộng đồng.

Đoạn văn tham khảo

Từ xưa đến nay, người tài luôn giữ một vị trí quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước. Ngày nay, khi xu thế toàn cầu hóa ngày càng mở rộng, trên con đường hội nhập của đất nước, vai trò của người tài lại càng được trú trọng hơn bao giờ hết. Bởi dưới sự góp sức của họ, đất nước mới có thể phát triển, lớn mạnh, nhân dân mới được ấm lo, hạnh phúc. Họ là những người xuất chúng trong quần chúng, có cái nhìn chiến lược với năng lực làm việc tốt. Vậy nên, đất nước, nhân dân cần họ. Đồng thời, những người tài cũng phải nhận rõ được nghĩa vụ phải cống hiến sức mình cho Tổ quốc, cho nhân dân, đây là nghĩa vụ cao cả của con người trong xã hội. Vì vậy, không nên vì giỏi mà sinh kiêu, xem thường người khác bởi như vậy nó sẽ đánh mất giá trị vốn có của người tài như Bác Hồ nói “tài phải đi với đức” thì mới làm được việc lớn.

Kiến thức văn bản

Tác giả

Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803) hiệu là Hy Doãn, người làng Tả Thanh Oai (làng Tó), huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội). Năm 1775, ông đỗ tiến sĩ, từng được chúa Trịnh giao cho giữ chức Đốc đồng trấn Kinh Bắc. Năm 1788, khi chế độ Lê – Trịnh sụp đổ, Ngô Thì Nhậm theo phong trào Tây Sơn, được vua Quang Trung phong làm Lại bộ Tả thị lang, sau thăng chức Binh bộ Thượng thư. Ông là người có công lớn đối với triều đại Tây Sơn: thu phục nhiều cựu thần nhà Lê ra cộng tác với nhà Tây Sơn; hỗ trợ đắc lực cho cuộc tiến quân của vua Quang Trung ra Bắc đánh bại quân Thanh xâm lược; phụ trách việc bang giao với nhà Thanh; soạn thảo nhiều văn kiện quan trọng cho triều đại Tây Sơn...

Tác phẩm

Hoàn cảnh sáng tác

Sau khi vua Quang Trung thiết lập triều đại mới, các sĩ phu Bắc Hà – những người vốn gắn bó với triều đại cũ (Lê – Trịnh) – chưa thực sự đồng lòng ủng hộ. Có nhiều người còn tỏ thái độ bất hợp tác. Trước tình hình đó, Quang Trung đã đưa ra chính sách thu phục nhân tâm, chiêu mộ hiền tài ra giúp vua xây dựng đất nước. Vua Quang Trung đã giao cho Ngô Thì Nhậm thay mình viết Cầu hiền chiếu (vào khoảng năm 178B – 1789) nhằm thuyết phục sĩ phu Bắc Hà, tức là các trí thức của triều đại cũ, ra làm việc cho triều đại Tây Sơn.

Nội dung chính

Văn bản là một văn kiện lịch sử quan trọng thể hiện chủ trương, đường lối đúng đắn của vua Quang Trung, đồng thời qua bài chiếu ta thấy được tấm lòng của vua Quang Trung đối với người tài, đối với đất nước, cảm nhận được nhân cách cao đẹp của vua Quang Trung.

Giá trị nội dung

Chiếu cầu hiền là một văn kiện quan trọng thể hiện chủ trương đúng đắn của nhà Tây Sơn nhằm động viên tri thức Bắc Hà tham gia xây dựng đất nước.

Giá trị nghệ thuật

  • Là một áng văn nghị luận mẫu mực bởi ập luận chặt chẽ, hợp lí, thuyết phục, lời lẽ khiêm nhường, chân thành
  • Sử dụng điển cố, hình ảnh ẩn dụ
  • Từ ngữ giàu sức gợi

-/-

Hi vọng với phần nội dung Soạn bài Cầu hiền chiếu lớp 11 Kết nối tri thức mà Đọc tài liệu cung cấp, các em sẽ chuẩn bị bài thật tốt trước khi tới lớp. Xem thêm các bài soạn khác của lớp 11 tại: Soạn văn 11 Kết nối tri thức cùng Đọc nhé.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM