Soạn bài Bắt sấu rừng U Minh Hạ (Sơn Nam)

Xuất bản: 06/07/2018 - Cập nhật: 13/01/2020 - Tác giả:

Hướng dẫn soạn bài Bắt sấu rừng U Minh Hạ giúp em nắm vững kiến thức về tác phẩm và trả lời các câu hỏi bài tập trang 50 SGK Ngữ văn lớp 12 tập 2.

Đọc Tài Liệu hướng dẫn soạn bài Bắt sấu rừng U Minh Hạ giúp các em tìm hiểu và cảm nhận được khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống của con người vùng đất mũi, tài trí, công lao của người dân ở đây trong công cuộc mở mang bờ cõi của đất nước.

Với những hướng dẫn chi tiết trả lời câu hỏi sách giáo khoa dưới đây các em không chỉ soạn bài tốt mà còn nắm vững các kiến thức quan trọng của tác phẩm này.

      Cùng tham khảo...

Soạn bài Bắt sấu rừng U Minh Hạ (Sơn Nam)

Tìm hiểu chung về tác giả, tác phẩm

1. Tác giả

- Sơn Nam (1926 - 2008) còn có bút danh khác là Phạm Anh Tài, tên khai sinh là Phạm Minh Tài, sinh lại làng Đông Thới, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang.

- Ông tham gia cách mạng từ năm 1945 và hoạt động văn nghệ thời kháng chiến chống Pháp ở Khu IX.

- Từ năm 1954 đến năm 1975, ông làm báo và viết văn ở Sài Gòn.

- Sau năm 1975, ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

- Tác phẩm chính:

+ Thời kỳ kháng chiến chống Pháp: Tây đầu đỏ, Bên rừng Cù Lao Dung (Giải thưởng Văn nghệ Cửu Long);

+ Thời kì 1954 - 1975: Hương rừng Cà Mau, Hai cõi U Minh, Vọc nước giỡn trăng (tập truyện), Bà Chúa Hòn, Chim quyên xuống đất (tiểu thuyết), Tìm hiểu đất Hậu Giang, Văn minh miệt vườn (khảo cứu);

+ Thời kì sau 1975: Bến Nghé xưa, Người Sài Gòn (khảo cứu),...

2. Tác phẩm

- Đoạn trích Bắt sấu rừng U Minh Hạ là một trong 18 truyện đặc sắc của Hương rừng Cà Mau.

- Hương rừng Cà Mau là tập truyện gồm 18 truyện ngắn, đưa ta vào một thế giới bao la và kì thú của vùng rừng U Minh với những người dân lao động có sức sống mãnh liệt, đậm sâu ân nghĩa và cũng đầy tài ba, trí dũng, gan góc, can trường. Thấm đượm trong mỗi trang viết là tình yêu thiết tha của nhà văn với đất nước quê hương. Truyện Sơn Nam còn hấp dẫn người đọc bằng cách dựng truyện li kì, những chi tiết gợi cảm, nhân vật giàu chất sống, ngôn ngữ đậm màu sắc Nam Bộ.

Hướng dẫn soạn bài Bắt sấu rừng U Minh Hạ chi tiết

Gợi ý trả lời câu hỏi bài tập đọc hiểu soạn bài Bắt sấu rừng U Minh Hạ trang 55 SGK Ngữ văn lớp 12 tập 2.

1 - Trang 55 SGK

Qua tác phẩm, thiên nhiên và con người vùng U Minh Hạ hiện lên với những đặc điểm nổi bật nào?

Trả lời:

Những đặc điểm nổi bật của thiên nhiên, con người vùng U Minh Hạ:

- Thiên nhiên vùng U Minh Hạ là một thế giới bao la, kì thú: "U Minh đỏ ngòm", "rừng tràm xanh biếc", "sấu lội từng đàn", "những ao sấu", "Miền Rạch Giá, Cà Mau có những con lạch ngã ba mang tên đầu sấu, lưng sấu, bàu sấu". Đó là những nơi nhiều bí ẩn kì thú.

- Con người vùng U Minh Hạ là những người lao động có sức sống mãnh liệt, đậm sâu ân nghĩa và cũng đầy tài ba, trí dũng, can trường. Tất cả những điều đó tập trung ở hình ảnh ông Năm Hên, một con người sống phóng khoáng giữa thiên nhiên bao la. Tài năng đặc biệt của ông là bắt sấu. Sự xuất hiện của ông Năm cùng một con xuồng, lọn nhang trầm và một hũ rượu, vừa bơi xuồng mà hát: "Hồn ở đâu đây. Hồn ơi! Hồn hỡi!" vừa huyền bí vừa mang đậm dấu ấn con người đất rừng Phương Nam.

2 - Trang 55 SGK

Phân tích tính cách, tài nghệ của nhân vật ông Năm Hên. Bài hát của ông Năm Hên gợi cho anh (chị) cảm nghĩa gì?

Trả lời:

Tính cách, tài nghệ của Năm Hên tiêu biểu cho tính cách con người vùng U Minh Hạ:

-  Một con người tài ba, cởi mở nhưng cũng đầy bí ẩn: mọi người nhìn thấy ông với ấn tượng ban đầu như là một thầy tướng pháp; đến nơi bắt cá sấu chỉ mang theo một lọn nhang trầm và một hũ rượu.

-  Ông có tài nghệ phi phàm, mưu kế kì diệu: ông là thợ bắt cá sấu, bắt bằng tay không, là người can trường dũng cảm, chuyên bắt sấu trên khô, không cần lưới, một mình bắt sống 45 con cá sấu còn sống nguyên.

- Ông là người giàu nghĩa khí, giàu tình cảm. Ông nói "Nghề bắt sấu có thể làm giàu được, ngặt tôi không màng thứ phú quới đó".

- Ông là người mê ca hát nhưng tiếng hát của ông như ai khóc lóc, như ai phẫn nộ:

+ Tiếng hát cùng hình ảnh: áo rách vai, tóc rối mù, mắt ngầu đỏ, bó nhang cháy đỏ quơ đi, quơ lại trên tay gợi những đau thương mà con người phải trả giá để sinh tồn trên mảnh đất hoang dại, kì bí. Đồng thời hình ảnh ấy cũng gợi lên vẻ đẹp bi tráng của những con người gan góc vượt lên sự khắc nghiệt của thiên nhiên, chế ngự và làm chủ nó.

+ Tiếng hát của ông cũng là một sự hoá giải cho những linh hồn bất hạnh, những con người bị sấu ăn thịt, những linh hồn vất vưởng nơi rừng thiêng nước độc:

Hồn ở đâu đây

Hồn ơi! Hồn hỡi

...

Ta thương ta tiếc

Lập đàn giải oan...

- Hình tượng nhân vật Năm Hên được xây dựng thật giàu tình thương người, rất mộc mạc khiêm nhường nhưng cũng rất mưu trí, gan góc, can trường. Tiếng hát của ông thể hiện tấm lòng sâu nặng nghĩa tình đồng loại, ông hát để tỏ lòng thương tiếc những người xấu số và bằng hành động khôn khéo bắt đàn sấu dữ, ông đã "lập đàn giải oan" cho họ.

3 - Trang 55 SGK

Nêu những nét đặc sắc về nghệ thuật kể chuyện, sử dụng ngôn ngữ của Sơn Nam trong tác phẩm?

Trả lời:

Những nét đặc sắc về nghệ thuật:

-  Nghệ thuật kể chuyện: dựng chuyện li kì, nhiều chi tiết gợi cảm; lối dẫn chuyện rất thô mộc, tự nhiên mà gọn gàng, sáng rõ.

-  Nhân vật giàu chất sống, thể hiện rõ nét tính cách con người Nam Bộ.

-  Ngôn ngữ đậm màu sắc địa phương Nam Bộ, phương ngữ được sử dụng thích hợp, với liều lượng vừa đủ để khắc họa sâu đậm vóc dáng tâm hồn của con người, đất rừng, sông nước Cà Mau.

4 - Trang 55 SGK

Cảm nhận của anh (chị) về vùng đất và con người miền cực Nam Tổ quốc qua truyện ngắn Bắt sấu rừng U Minh Hạ?

Trả lời:

    Bắt sấu rừng U Minh Hạ không chỉ đem đến cho người đọc những cảm giác khám phá đầy say mê, lí thú khi mở ra những điều bí ẩn, độc đáo của thiên nhiên, con người vùng cực Nam Tổ quốc mà còn khiến người ta thêm yêu thương gắn bó một phần đất, phần hồn của đất nước mình, quê hương mình. Đâu đây vẫn là vẻ đẹp giàu có mà khắc nghiệt của đất Việt, vẫn là hồn cốt cần cù, dũng cảm, tài trí, yêu đời của người Việt trong cuộc đấu tranh sinh tồn và mở mang, xây dựng đất nước thân yêu. Sự kì thú khi khám phá những yêu thương, thân gần và một tình cảm tự hào  tha thiết đó chính là cảm xúc thẩm mĩ mà tác phẩm đem đến cho người đọc.

-/-

Các em vừa tham khảo nội dung chi tiết hướng dẫn soạn văn 12 bài Bắt sấu rừng U Minh Hạ của nhà văn Sơn Nam được Đọc Tài Liệu biên soạn giúp các em tham khảo và chuẩn bị bài tốt hơn trước khi đến lớp. Để hiểu sâu và nhớ lâu hơn, các em nên kết hợp tự soạn bài theo những kiến thức của bản thân. Chúc các em luôn đạt kết quả cao trong học tập.

[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Bắt sấu rừng U Minh Hạ một cách tốt nhất. "Trong cách học, phải lấy tự học làm cố" - Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM