So sánh nỗi nhớ được nhắc đến trong Tây Tiến và Việt Bắc

Xuất bản: 10/05/2019 - Cập nhật: 04/12/2020 - Tác giả:

Trong Tây Tiến và Việt Bắc tác giả đều có tới nỗi nhớ, hãy so sánh và nêu cảm nhận của em về nỗi nhớ mà 2 tác giả đã nhắc tới trong Tây Tiến và Việt Bắc

So sánh nỗi nhớ trong hai bài Tây Tiến và Việt Bắc để thấy được cách thể hiện nỗi nhớ rất riêng biệt của từng nhà thơ, cá tính sáng tạo đặc biệt của họ tạo nên dấu ấn lâu bền trong lòng người đọc.

Đề bài: Cảm nhận của anh (chị) về hai đoạn thơ sau:

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi”

(Tây Tiến – Quang Dũng)

“Nhớ gì như nhớ người yêu 

Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương 

Nhớ từng bản khói cùng sương 

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về”

(Việt Bắc – Tố Hữu)

Để làm được bài văn này trước hết chúng ta cần phải hiểu được nỗi nhớ ở đây mà cả Tố Hữu và Quang Dũng đang muốn nói đến là gì? Nó tượng trưng cho điều gì? Cùng tham khảo dàn ý chi tiết dưới đây được Đọc tài liệu thực hiện em nhé:

Dàn ý so sánh nỗi nhớ được nhắc đến trong Tây Tiến và Việt Bắc

I. Mở bài

- Giới thiệu vài nét về tá giả và tác phẩm:

+ Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài, tên tuổi của ông gắn liền với thi phẩm “Tây Tiến”. Bài thơ là nỗi nhớ lớn của tác giả về thiên nhiên và con người. Bốn câu đầu thể hiện rõ nhất nội dung cũng như cảm hứng sáng tạo nghệ thuật.

+ Việt Bắc là bài thơ xuất sắc của Tố Hữu. Cả bài thơ là tình cảm cách mạng sâu nặng của những người cán bộ kháng chiến với chiến khu và những kỉ niệm kháng chiến. Bốn câu thơ nằm ở phần I của bài thơ phần nào thể hiện được đạo lí ân tình thuỷ chung đó.

    Ví dụ: Trong cuộc đời ai cũng có ít nhất một niềm thương nỗi nhớ. Có lẽ vì thế mà nỗi nhớ đã trở thành đề tài quen thuộc được các nhà văn, nhà thơ ưu ái nói đến. Nếu như trong “Tây Tiến”, Quang Dũng nhớ da diết thiên nhiên và con người miền Tây thì đến với “Việt Bắc”, nhà thơ không chỉ nhớ về con người và thiên nhiên hùng vĩ thơ mộng, nhớ về những ngày tháng kháng chiến gian khổ, hào hùng mà hơn thế nữa là những dấu ấn tươi nguyên về những ngày chiến thắng. Trong rất nhiều nỗi nhớ đó nổi bật lên là những kí ức của Quang Dũng và Tố Hữu về những vùng đất, những địa danh đã làm nên lịch sử. Và điều đó được thể hiện rõ nhất qua hai đoạn thơ sau:

(Trích dẫn 2 đoạn thơ)

II. Thân bài

1. Cảm nhận về hai đoạn thơ:

* Đoạn thơ bài Tây Tiến

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!…..

Mường Lát hoa về trong đêm hơi.”

– 2 câu thơ đầu: gọi tên cho cảm xúc chủ đạo của toàn bộ thi phẩm. Đó là nỗi nhớ và những hoài niệm.

+ Câu thơ thứ nhất với nhịp 2/2/3, vừa như đứt quãng, vừa như liền mạch. Khi Quang Dũng nhớ về sông Mã thì ngay lập tức lại thấy nó xa rồi nên “Tây Tiến ơi” vừa như một lời gọi thiết tha, lưu luyến vừa như một cảm xúc dâng trào và nỗi nhớ đã nổi hình, nổi khối. Vì sao khi nhớ về Tây Tiến, Quang Dũng lại gọi tên sông Mã? Vì dọc con đường hành quân của họ, dòng sông Mã như một địa danh đồng hành, từng chứng kiến bao kỉ niệm, đau thương, mất mát.

+ Câu thơ thứ hai, Quang Dũng muốn nói rõ hơn về nỗi nhớ của mình, nỗi nhớ rừng núi và mang cảm xúc chơi vơi. Vì địa bàn hoạt động của người chiến binh chủ yếu là núi rừng hiểm trở nên hình ảnh núi, rừng đã ăn sâu vào tâm khảm những người chiến binh cho dù đã xa Tây Tiến. Còn nỗi “nhớ chơi vơi”, đó là trạng thái cảm xúc mông lung, không định hình rõ rệt. Nhất là hai chữ “chơi vơi” ấy phối hợp với chữ “rồi”, chữ “ơi” ở câu trên tạo nên một thứ hòa âm của nỗi niềm thao thức, nó cứ lan tỏa mênh mông. Những tình cảm này cũng từng được cha ông ta nói đến trong ca dao như là nỗi nhớ chơi vơi, sự bâng khuâng, xao xuyến: “Ra về nhớ bạn chơi vơi”.

+ Cả hai câu thơ cùng kết lại trong vần “ơi”, “chơi vơi”. Nó vẽ lên điều gì đó như xa xôi, như mất mát. Cảm xúc của tác giả như hụt hẫng, chới với vì Tây Tiến lúc này chỉ là quá khứ. Từ nỗi nhớ và tiếng vẫy gọi của tác giả làm cho Tây Tiến như một sinh thể có hồn, đang chuyển tải cảm xúc của nhà thơ.

– 2 câu thơ tiếp theo:

+ Sài Khao, Mường Lát là những địa danh rất quen thuộc của Tây Bắc góp phần gợi nỗi nhớ chơi vơi. Hình ảnh Tây Bắc hiện lên trong câu thơ mịt mù và cả mệt mỏi, gian khó của đoàn quân như lẫn vào sương. Bên cạnh cái gian khổ lại pha một chút rất thơ, có vẻ như huyễn hoặc mà có thật:

“Mường Lát hoa về trong đêm hơi.”

+ Câu thơ rất độc đáo, “hoa về” chứ không phải là hoa nở, “đêm hơi” chứ không phải là đêm sương. Vì nhìn từ xa, đoàn quân Tây Tiến hành quân về Mường Lát mang theo những ngọn đuốc giống như một dòng sông hoa lung linh, ẩn hiện trong đêm sương mờ ảo. Đọc đến đây, cái “mỏi” của đoàn quân dường như tan biến. Quang Dũng thật tài tình khi viết một câu thơ hầu hết là thanh bằng, lâng lâng, chơi vơi như sương, như hoa, như hồn người. Bên cạnh cái khắc nghiệt của núi rừng, nguy hiểm của chiến tranh là những giây phút người lính thả hồn đầy lãng mạn. Đó cũng là chất thơ toát lên từ hiện thực cuộc chiến, rất đặc trưng cho hồn thơ tài hoa của Quang Dũng.

>> Để hiểu rõ hơn về hoàn cảnh, và hình ảnh trong nỗi nhớ của Quang Dũng thì các em có thể tham khảo: Phân tích 8 câu thơ đầu bài Tây Tiến của Quang Dũng.

* Đoạn thơ bài Việt Bắc

“Nhớ gì như nhớ người yêu…..

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.”

– Nỗi nhớ đằm thắm, sâu nặng của người cán bộ kháng chiến dành cho Việt Bắc, trong đó chan hòa tình nghĩa riêng chung.

– Đoạn thơ là nỗi nhớ người, nhớ cảnh Việt Bắc – mảnh đất gắn bó máu thịt với người cách mạng. Không phải thể hiện một cách chi tiết nỗi nhớ, Tố Hữu sử dụng hình ảnh so sánh hết sức độc đáo “nhớ gì như nhớ người yêu”. Nhà thơ đã lấy nỗi nhớ trong tình yêu làm thước đo giá trị để cắt nghĩa, lí giải cho tình cảm cán bộ đối với nhân dân. Vì thế, đó không phải là nỗi nhớ của ý thức, của nghĩa vụ mà là nỗi nhớ của hai trái tim yêu, của tình cảm chân thành.

– Câu thơ “Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương” thể hiện hai nửa thời gian của nỗi nhớ: vế đầu là thời gian đêm trăng, vế sau là thời gian buổi chiều lao động. Thời gian như chảy ngược, nỗi nhớ đi từ gần tới xa. Để rồi tình yêu như chuyển thành nỗi nhớ trong tình cảm gia đình. Toàn không gian núi rừng Việt Bắc được gói gọn trong không khí gia đình ấm áp tình thương:

“Nhớ từng bản khói cùng sương

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.”

=> Hiện lên trong nỗi nhớ mà Tố Hữu thể hiện là một Việt Bắc thân thương, đẹp bình dị mà thơ mộng với nhịp sống êm đềm. Hình ảnh “bếp lửa” là một hình ảnh nhiều sức gợi. Nó cho thấy con người Việt Bắc ấm áp, giàu yêu thương đồng thời thể hiện tình cảm chứa chan, nồng nàn mà người cán bộ cách mạng dành cho con người nơi đây mỗi khi nhớ về. Tình cảm quân dân kết tinh trong ngọn lửa thiêng liêng bất diệt ấy.

2. So sánh sự tương đồng giữa nỗi nhớ được nhắc tới trong Tây Tiến và Việt Bắc:

Điểm giống nhau:

+ Đều thể hiện nỗi nhớ gắn với một vùng đất cụ thể. Nếu như nỗi “nhớ chơi vơi” của Quang Dũng gắn với địa danh Tây Tiến thì nỗi “nhớ người yêu” của Tố Hữu gắn chặt với không gian Việt Bắc.

+ Ngôn ngữ thơ giản dị, mộc mạc, đầy ý nghĩa.

Điểm khác nhau:

+ Tây Tiến: sử dụng một loạt các tên địa danh để cụ thể hóa nỗi nhớ, sử dụng khéo léo bút pháp lãng mạn khi viết về hiện thực. Thể thơ 7 chữ điêu luyện.

+ Việt Bắc: nêu rất nhiều không gian (đầu núi, lưng nương, bản, bếp lửa), thời gian khác nhau (trăng lên đầu núi, nắng chiều, sớm khuya), thể thơ lục bát làm cho nỗi nhớ đậm chất dân gian.

Nguyên nhân của sự khác biệt:

+ Lí giải từ hoàn cảnh sáng tác và phong cách nghệ thuật của từng nhà thơ.

III. Kết bài

Đây là hai đoạn thơ đặc sắc trong bài thơ trữ tình của nền thi ca cách mạng. Thông qua cách thể hiện nỗi nhớ rất riêng biệt của từng nhà thơ, chúng ta thấy được cá tính sáng tạo đặc biệt của họ và điều đó tạo nên dấu ấn lâu bền trong lòng người đọc.

– Hai đoạn thơ đều diễn tả những nỗi nhớ rất sâu đậm về một địa danh cụ thể gắn với một vùng đất chan chứa kỉ niệm.

- Dù là nỗi nhớ chơi vơi hay nỗi nhớ người yêu thì chúng ta đều nhận thấy mức độ sâu nặng trong tình cảm nhớ thương của hai nhà thơ.

- Họ không chỉ nhớ về một nơi cụ thể mà đó còn là nơi cất giấu những kỉ niệm, những ân tình kháng chiến, những gian khổ đã từng trải qua và hơn thế nữa còn là tình cảm quân dân gắn bó.

Bài văn mẫu hay so sánh nỗi nhớ được nhắc đến trong Tây Tiến và Việt Bắc

Từ lịch sử văn học thế giới nói chung và lịch sử văn học Việt Nam nói riêng, có thể thấy khi nhà thơ đáp ứng được những đòi hỏi đó, thì tác phẩm và tên tuổi của họ sẽ trường tồn mãi với thời gian. Tiêu biểu cho nền văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 là hai tác giả Quang Dũng và Tố Hữu. Cho dù cùng viết về nỗi nhớ tha thiết những địa danh từng công tác, gắn bó trong suốt những tháng ngày gian khổ mà hào hùng cả dân tộc cùng tham gia kháng chiến chống Pháp, song mỗi nhà thơ đều có một nét đẹp rất riêng, rất độc đáo trong sáng tác, thể hiện qua đoạn trích của hai bài thơ “Tây Tiến” và “Việt Bắc”.

Tám câu thơ đầu trong bài thơ “Tây Tiến” đã thể hiện nỗi nhớ da diết của Quang Dũng qua việc miêu tả rừng núi miền Tây, nhắc nhở những kỷ niệm về các chặng đường hành quân gian khổ mà kiên cường, anh dũng:

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi !

….

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

Mở đầu bài thơ là một tiếng gọi tha thiết: “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!” - ta cảm nhận được dồn nén trong một câu thơ bảy chữ ngắn ngủi là cả một nỗi nhớ cồn cào, da diết khôn nguôi. Vần “ơi” ngân nga, khiến nỗi nhớ dường như kéo dài miên man. Và nỗi nhớ ấy lại càng trải rộng thêm ra, trùm phủ khắp không gian núi rừng miền Tây khi chữ “nhớ” được lặp lại hai lần trong câu thơ thứ hai. Cái tài tình của Quang Dũng là đã miêu tả nỗi nhớ đó là “nhớ chơi vơi” – một hình ảnh thơ đầy sáng tạo, độc đáo và đem lại một hiệu quả vô cùng đắt giá. Từ “chơi vơi” cùng từ “ơi” ở câu trên vang vào thơ như một tiếng vọng, tạo ra một sự âm vang, gợi lên cái phiêu diêu, cái “chơi vơi” của nhà thơ giữa những hình ảnh của rừng núi trở về, hiện lên sống động rợn ngợp khắp không gian. Một người ngoài cuộc hẳn không thể có nỗi nhớ ấy. Chỉ có Quang Dũng với nỗi lòng của mình mới có nỗi nhớ ấy mà thôi. Thông thường, người ta thường nhớ về kỷ niệm để lại dấu ấn sâu sắc nhất với mình. Đối tượng đầu tiên trong nỗi nhớ của Quang Dũng là nhớ về rừng núi:

“Nhớ về rừng núi…”

Có lẽ bởi trong suốt cuộc hành quân cùng binh đoàn Tây Tiến, rừng núi chính là khung cảnh đặc trưng nhất, quen thuộc nhất đối với Quang Dũng và đồng đội. Rừng núi in đậm bao niềm vui nỗi buồn của người lính. Hơn ai hết, tác giả chính là người thấm thía nhất những khó khăn mình đã từng trải qua:

“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

Quang Dũng không miêu tả thẳng những khó khăn gian khổ của người lính mà chỉ miêu tả cái hoang vu khắc nghiệt của một vùng rừng núi hoang dã; song đọc đoạn thơ ai cũng hiểu, cũng có thể tưởng tượng ra cuộc sống chiến đấu của người lính Tây Tiến. Những địa danh “Sài Khao”, “Mường Lát”, “Pha Luông” xa lạ càng làm cho núi rừng trở nên xa ngái, hoang vu, mà ở đó, kỷ niệm ùa về đầu tiên trong nhà thơ chính là những cuộc hành quân:

“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi”

Câu thơ chùng xuống, đều đều, gợi lên sự mỏi mệt, bải hoải, nặng nề, khiến ta tưởng chừng như đoàn binh Tây Tiến sắp ngã xuống, sắp bị lấp chìm đi trong sương núi. Nhưng không, âm điệu bài thơ bỗng trở nên nhẹ bâng, bồng bềnh bởi một câu thơ nhiều thanh bằng:

“Mường Lát hoa về trong đêm hơi”

Đó là hương hoa đêm của núi rừng đưa hương ngào ngạt, hay là hình ảnh những ngọn đuốc hoa trên tay người lính cầm trong cuộc hành quân giữa đêm dài? Có lẽ hiểu theo nghĩa nào cũng đúng, hình ảnh nào cũng rất hay, rất đẹp, rất lãng mạn hiện lên trong một không gian mờ ảo, phiêu bồng “đêm hơi”. Câu thơ đã xóa tan đi sự mỏi mệt của đoàn quân Tây Tiến để đoàn quân bước tiếp, tiếp tục vượt qua những chặng đường gian khổ:

“Dốc lên khúc khủy dốc thăm thẳm

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”

Hình ảnh “khúc khuỷu” hiện lên làm ta cảm giác con đường đi khó khăn, vất vả biết mấy. “Dốc thăm thẳm” lại làm cho những khó khăn ấy dài thêm ra, sâu hút xuống, và cũng như tôn vị trí người lính đang đứng lên cao vòi vọi, sau khi đã vượt lên những con đường ngoằn ngoèo, uốn khúc. Đọc câu thơ lên ta cảm nhận rất rõ những bước chân nặng nề gắng gượng, những hơi thở nặng nhọc của người lính khi vượt qua hết con dốc này đến con dốc khác, dốc chồng lên dốc, hết dốc lên cao lại dốc lao xuống vô cùng vô tận. Thiên nhiên, địa hình khắc nghiệt của Tây Bắc hiện lên rõ nét, sinh động qua nét bút bạo, khỏe, gân guốc, ngôn ngữ có tính chạm khắc với một loạt những từ láy “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”?

Song, dù thiên nhiên có khắc nghiệt đến đâu, chặng đường có gian khổ cách mấy thì người lính Tây Bắc vẫn hiên ngang, oai dũng vô cùng qua hình ảnh:

“Heo hút cồn mây súng ngút trời”

Giữa cái xa xôi, hiu hắt, vòi vọi của độ cao, nơi nguy hiểm chồng chất dựng lên thành dốc, thành cồn, người lính đứng đó, mái đầu và đầu súng như chạm vào mây trời, ngang tàng, hiên ngang và khí phách. Hình ảnh thơ tếu táo “súng ngửi trời” đã nhấn đậm thêm vào vẻ đẹp ấy của người lính. Ta thấy con người và cây súng đã làm chủ được thiên nhiên, làm chế ngự được những khắc nghiệt, thử thách gian lao của một vùng sơn cước u minh. Quang Dũng đã sử dụng một hình ảnh hết sức sáng tạo, và vô cùng đắc địa. Chỉ một từ “ngửi” đã nói lên được cái ngông, cái ngang tàng của người lính trẻ. Đó không phải là “chạm trời”, hay “chọc trời” mà cây súng ở đây lại “ngửi trời”? Bao nhiêu gian lao khi vượt dốc, băng đường, trở thành một việc vô cùng đơn giản, dễ dàng, cỏn con, chỉ để người lính “ngửi” xem trời như thế nào mà thôi.

“Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống” cũng giống câu thơ: “Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm” có nhịp ngắt 4/3 với điệp từ và hai vế đối đã bẻ gập câu thơ, vẽ nên trong không gian những đường gấp khúc của rừng núi Tây Bắc: lên cao ngút trời, sâu xuống vô cùng, hun hút không thấy đáy. Ấy vậy mà khi vượt qua những chặng đường hành quân như vậy, dường như người lính lại chẳng hề mệt mỏi, bởi dường như bao nặng nhọc đã vơi đi hết bởi một câu thơ toàn thanh bằng độc đáo:

“Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

Đó chính là cái tài ở thơ Quang Dũng. Câu thơ đã gợi lên cái phiêu diêu, chơi vơi, bay bổng nhẹ tênh của không gian rộng mở. Những mỏi mệt đã lùi hết về phía sau, vương lại nơi những khấp khểnh đường đi mà người lính đã vượt qua. Người lính bây giờ chỉ thấy khung cảnh trước mắt trải ra ngút ngàn: những ngôi nhà xa xôi, chìm khuất ẩn hiện trong màn mưa, gợi lên sự bâng khuâng và thoáng thầm lặng trong nỗi nhớ quê nhà.

Tám câu thơ mở đầu “Tây Tiến” đã gợi ra toàn cảnh những vất vả, gian lao, của chặng đường hành quân giữa thiên nhiên khắc nghiệt, rợn ngợp. Đó có lẽ là những ấn tượng sâu sắc và đậm nét nhất trong những kỷ niệm về Tây Tiến của nhà thơ. Xuyên suốt đoạn thơ, ta cảm nhận được nỗi nhớ khi dâng lên ào ạt, mãnh liệt, khi lại như tràn ra mênh mang sâu lắng qua từng câu thơ, vần bằng xen giữa những câu thơ vần trắc, âm hưởng thơ trùng điệp, khi lên bổng lúc xuống trầm, lãng mạn và cũng hào hùng khôn tả.

Cũng là một nỗi nhớ về nơi đã từng gắn bó trong những năm tháng hoạt động Cách mạng, song ta lại bắt gặp một phong cách thơ hoàn toàn khác với “Tây Tiến”, đồng thời mang một vẻ đẹp riêng, đó là bài “Việt Bắc” của Tố Hữu. Nếu như “Tây Tiến” được viết theo thể thất ngôn trường thiên thì “Việt Bắc” được Tố Hữu viết theo thể thơ lục bát, mang ít nhiều âm hưởng của ca dao, dân ca. Có lẽ bởi vậy mà nỗi nhớ trong bài thơ là một nỗi nhớ tha thiết, cồn cào mà sâu lắng, đằm thắm, ngọt ngào, đặc biệt là đoạn thơ:

“Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đầu núi, trăng chiều lưng nương

Nhớ từng bản khói cùng sương

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về

Nhớ từng rừng nứa bờ tre

Ngòi Thia sông Đáy suối Lê vơi đầy

Ta đi ta nhớ những ngày

Mình đây, ta đó đắng cay ngọt bùi…”

Đọc đoạn thơ, ta thấy ở “Việt Bắc” là một “vân chữ” hoàn toàn khác với “Tây Tiến”. Cả đoạn thơ là một khúc ca êm ái, ngọt ngào, chứa chan tình cảm với lời thơ mở đầu:

“Nhớ gì như nhớ người yêu”

Nỗi nhớ người yêu là nỗi nhớ như thế nào? Đó là nỗi nhớ mà chỉ có những người từng trải qua cảm giác yêu rồi mới có thể hiểu rõ được. Tố Hữu đã từng tâm sự với Moselle Gansel – một nhà nghiên cứu văn học người Pháp, rằng ông đã phải lòng đất nước mình, vậy cho nên ông nhớ đất nước mình, yêu đất nước mình như nhớ, như yêu hai người đàn bà trong trái tim ông. Chính vì thế mà Tố Hữu mới có thể viết ra một câu thơ lãng mạn đến vậy để miêu tả nỗi nhớ về Việt Bắc “Nhớ gì như nhớ người yêu”. Đó là nét riêng trong sáng tạo, một hình ảnh thơ mà chỉ có Tố Hữu mới hiểu rõ và viết ra đầy tình cảm khiến ta liên tưởng đến câu ca dao:

“Nhớ ai bổi hổi bồi hồi”

Như đứng đống lửa như ngồi đống than”

Đó là nỗi nhớ về những khung cảnh thơ mộng đầy thi vị của vùng Tây Bắc:

“Trăng lên đầu núi, trăng chiều lưng nương”

Hai vế câu thơ là chỉ thời gian đôi lứa hò hẹn nhau. Người Việt Bắc cần mẫn, lam lũ, nên thời gian nghỉ ngơi trong ngày là rất ít, những chàng trai cô gái chỉ có thể gặp gỡ nhau khi trăng đã lên ngang tầm đỉnh núi, hoàng hôn đã buông lưng chừng nương rẫy mà thôi. Có lẽ bởi vậy cho nên khung cảnh khi đó mới là đẹp nhất, lãng mạn nhất trong ngày, nên đã để lại ấn tượng trong Tố Hữu một cách rõ nét và sâu sắc hơn cả.

Nằm bình yên giữa núi cao và nương rẫy là những bản làng người dân tộc vùng cao. Khói bếp thổi cơm đưa lên hòa cùng với sương sớm và sương chiều buông phủ xa mờ, tạo nên một bức tranh nên thơ, lãng mạn mơ màng:

“Nhớ từng bản khói cùng sương”

Trong những ngôi nhà chìm khuất trong khói sương ấy là hình ảnh cô thôn nữ tảo tần:

“Sớm khuya bếp lửa người thương đi về”

Những cô gái Việt Bắc thao thức chờ đợi bên bếp lửa gợi lên không gian ấm áp tình người và cả tình đời, lưu giữ lại trong tác giả một hình ảnh thân thương, ấm áp. Việt Bắc có những vùng bạt ngàn tre nứa, mang đầy sức sống và cũng mang bóng dáng của con người nơi đây và những vẻ đẹp giản dị, mộc mạc mà ngay thẳng, kiên cường bất khuất. Tác giả nhớ về rừng tre nứa cũng là nhớ phẩm chất của con người nơi đây:

“Nhớ từng rừng nứa bờ tre”

Nhớ từ những bản làng, người cán bộ đưa tầm nhìn của nỗi nhớ rộng sang những rừng tre nứa, rồi những con suối, dòng sông len lỏi giữa núi rừng:

“Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê rơi đầy”

Hai chữ “vơi đầy” không chỉ miêu tả dòng nước mà còn để chỉ sự ấm áp của nghĩa tình gắn bó giữa cán bộ Cách mạng và người dân Việt Bắc suốt 15 năm dài kháng chiến.

Như vậy, mỗi bài thơ đều có phong cách rất riêng, khơi gợi lên trong lòng độc giả những sắc thái cảm xúc khác nhau. Đó chính là “vân chữ” của mỗi tác giả, tạo nên giá trị riêng cho mỗi bài thơ, làm nên sự nổi tiếng và sức sống lâu bền cho tác phẩm. Viết ra được những lời thơ như vậy là nhờ vào không chỉ tài năng mà còn là khả năng đào sâu tìm tòi những điều mới mẻ và những cảm xúc, cảm nhận riêng của từng tác giả. Có thể nói Tố Hữu và Quang Dũng là những người nghệ sĩ thứ thiệt với mỗi “dạng vân chữ” độc tồn, “không trộn lẫn” của riêng mình.

-/-

Trên đây là văn mẫu so sánh và nêu cảm nhận của em về nỗi nhớ đã được nhắc tới trong bài Tây Tiến và Việt Bắc, mong rằng nội dung này sẽ hữu ích với các em!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM