Nhằm giúp các em hệ thống kiến thức và dễ dàng tiếp thu, vận dụng vào làm bài, Đọc tài liệu gửi đến tài liệu sơ đồ tư duy Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy với hệ thống luận điểm, sơ đồ tư duy chi tiết. Hy vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em học tập hiệu quả và đạt kết quả cao
******
Sơ đồ tư duy Truyện An Dương Vương và Mị Châu Trọng Thủy
Sơ đồ tư duy phân tích Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy
Luận điểm 1: An Dương Vương xây thành, chế nỏ. đánh giặc
Luận điểm 2: Bài học mất nước gắn với những sai lầm của An Dương Vương và bi kịch tình yêu của Mị Châu - Trọng Thủy
- Những sai lầm của An Dương Vương.
- Bi kịch tình yêu của Mị Châu - Trọng Thủy
- Bài học cho bi kịch mất nước
Truyện An Dương Vương, Mị Châu - Trọng Thuỷ được nhiều thế hệ người Việt Nam yêu thích bởi giá trị nội dung sâu sắc và giá trị nghệ thuật độc đáo của nó. Thông qua truyện, chúng ta có thể hình dung được phần nào về bi kịch mất nước của dân tộc ta thời kì Âu Lạc và càng thấm thía hơn bài học giữ nước mà tổ tiên ta đã đúc kết. Câu chuyện còn nhắc nhở chúng ta bài học về bạn và thù; mối quan hệ giữa nước và nhà... Những bài học lớn rút ra từ truyền thuyết này luôn luôn nóng hổi ý nghĩa giáo dục trong mọi hoàn cảnh và mọi thời đại.
Xem thêm bài mẫu: Phân tích truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy
Sơ đồ tư duy phân tích nhân vật An Dương Vương
Luận điểm 1: An Dương Vương có công dựng nước và giữ nước
Luận điểm 2: An Dương Vương và những sai lầm.
Thông qua những chi tiết thần kì, nhân dân ta đã thể hiện thái độ, tình cảm và cách đánh giá đối với An Dương Vương. Trước hết đó là sự cảm phục, biết ơn, tự hào đối với vị vua đầu tiên tiến hành việc xây thành đắp lũy bảo vệ dân tộc, là minh chứng điển hình cho sự trưởng thành về mặt ý thức của thời đại An Dương Vương. Sự giúp đỡ thần kì của Rùa Vàng là ẩn dụ cho sự ủng hộ của nhân dân, đồng thời biểu trưng cho sức mạnh thần bí của dân tộc. Và khi đất nước rơi vào tay giặc, An Dương Vương cầm sừng tê bảy tấc rẽ sóng xuống biển khơi. Nhân dân đã bất tử hóa người anh hùng để thể hiện tình cảm, thái độ đối với người anh hùng. Họ đính chính lại lịch sử theo quan điểm của mình, xây dựng người anh hùng lí tưởng, có công với dân tộc để biến họ trở thành những tấm gương tuyên truyền, giáo dục lịch sử cho các thế hệ sau.
Sơ đồ tư duy cảm nhận về nhân vật An Dương Vương
Luận điểm 1: Công lao dựng nước của An Dương Vương
Luận điểm 2: An Dương Vương và những sai lầm dẫn đến mất nước
An Dương Vương cho ta một bài học trong việc bảo vệ đất nước. Tình yêu con sâu sắc đã làm vua An Dương Vương mù quáng. Khi đến bước đường cùng, vua mới nhận ra địch ngay bên cạnh mình. Chính tay vua đã hạ kiếm chém Mị Châu, điều đó biểu lộ thái độ công bằng trước lịch sử. Rùa Vàng – biểu tượng dân tộc – giúp nhà vua xây thành, chế nỏ tượng trưng cho trí tuệ, sức sáng tạo, công sức bền bỉ của cha ông ta trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ đất nước. Rùa Vàng gọi Mị Châu là giặc vì nàng thân là công chúa nhưng vì tình yêu mù quáng mà dẫn giặc hại nước, hại cha. Cái chết thảm của Mị Châu thể hiện sự kiên quyết, thái độ không khoan nhượng của nhân dân ta đối với bất kì hành động nào làm tổn hại đến lợi ích quốc gia.
Xem chi tiết dàn ý và bài mẫu: Cảm nhận về nhân vật An Dương Vương
Sơ đồ tư duy phân tích nhân vật Mị Châu và Trọng Thủy
Luận điểm 1: Phân tích nhân vật Mị Châu
- Hết lòng yêu thương, tin tưởng chồng
- Là người nhẹ dạ cả tin
- Sự trừng phạt nghiêm khắc đối với nàng (cái chết) và cái nhìn cảm thông nhân hậu (sò ăn máu Mị Châu hóa thành hạt châu)
Luận điểm 2: Phân tích nhân vật Trọng Thủy
- Là tên gián điệp nguy hiểm, trực tiếp gây ra bi kịch
- Đau lòng, xót thương vợ, hối hận muộn màng
Mị Châu có tội nhưng những tội lỗi mà nàng gây ra là do nàng quá nhẹ dạ, yêu chồng nên bị lừa dối. Hơn nữa, nàng cũng tình ngộ và phải chịu cái chết đau đớn. Tuy nhiên, tác giả dân gian lại không muốn kết thúc số phận Mị Châu bằng cái kết thê thảm ấy. Nàng đã được hóa thân thành một hình hài khác: “Mị Châu chết ở bờ biển, máu chảy xuống nước, trai sò ăn phải đều biến thành hạt châu”, “Xác nàng đem về táng ở Loa Thành, xác biến thành ngọc thạch. Đây là một thủ pháp nghệ thuật quen thuộc mang tính truyền thống của truyện kể dân gian: sử dụng hình thức hóa thân để kéo dài sự sống cho nhân vật. Nhưng ở nhiều truyện, nhân vật chỉ hóa thân trong một hình hài thì Mị Châu lại không hóa thân trọn vẹn. Hình thức hóa thân, phân thân độc đáo này thể hiện sự cảm thông, bao dung của nhân dân với sự trong trắng của Mị Châu, vừa thể hiện thái độ nghiêm khắc cùng bài học lịch sử.
Xem chi tiết: Phân tích nhân vật Mị Châu và Trọng Thủy
Kiến thức về Truyện An Dương Vương và Mị Châu Trọng Thủy
A. Tìm hiểu chung
1. Xuất xứ
Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy trích từ Truyện Rùa Vàng trong Lĩnh Nam chích quá – một sưu tập truyện dân gian ra đời vào khoảng cuối thế kỉ XV.
2. Bố cục (3 phần)
- Phần 1 (Từ đầu đến “bèn xin hoà”) : An Dương Vương được thần giúp xây thành, chế nỏ để bảo vệ đất nước.
- Phần 2 (Tiếp đó đến “Dẫn vua xuống biển”): Cảnh mất nước nhà tan.
- Phần 3 (Còn lại): Thái độ, tình cảm của nhân dân đối với An Dương Vương, Mị Châu và Trọng Thủy.
3. Tóm tắt Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy
Sau khi giúp An Dương Vương xây dựng xong Loa Thành, trước khi ra về, thần Kim Quy còn tặng cho chiếc vuốt để làm lẫy nỏ thần. Nhờ có nỏ thần, An Dương Vương đánh bại quân Triệu Đà khi chúng sang xâm lược. Triệu Đà cầu hôn Mị Châu cho Trọng Thuỷ, vua An Dương Vương đồng ý. Trọng Thuỷ dỗ Mị Châu cho xem trộm nỏ thần rồi ngầm đổi mất lẫy thần mang về phương Bắc. Sau đó, Triệu Đà phát binh đánh Âu Lạc. Không còn nỏ thần, An Dương Vương thua trận, cùng Mị Châu chạy về phương Nam. Thần Kim Quy hiện lên kết tội Mị Châu, vua chém chết con rồi đi xuống biển. Mị Châu chết, máu chảy xuống biển thành ngọc trai. Trọng Thuỷ mang xác vợ về chôn ở Loa Thành, xác liền biến thành ngọc thạch. Vì quá tiếc thương Mị Châu, Trọng Thuỷ lao đầu xuống giếng mà chết. Người đời sau mò được ngọc trai, rửa bằng nước giếng ấy thì ngọc trong sáng thêm.
Tham khảo thêm:
- Đóng vai An Dương Vương kể lại Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy
- Đóng vai Mị Châu kể lại truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy
4. Giá trị nội dung
Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy giải thích nguyên nhân mất nước Âu Lạc và nêu lên bài học lịch sử về việc giữ nước, tinh thần cảnh giác với kẻ thù cùng cách xử lí đúng đắn trong mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, giữa cái riêng với cái chung, giữa nhà và nước.
5. Giá trị nghệ thuật
- Kết hợp nhuần nhuyễn giữa cốt lõi lịch sử với các chi tiết hư cấu
- Kết cấu chặt chẽ, xây dựng chi tiết hàm đọng, cô đúc, nhiều ý nghĩa cùng với những chi tiết tưởng tượng, hư cấu có giá trị nghệ thuật cao
- Cốt truyện:
+ Cốt lõi lịch sử: xây thành, chế tạo vũ khí hiện đại, chiến thắng giặc, mất nước, bi kịch bi thảm…
+ Yếu tố hư cấu: sứ Thanh Giang, móng Rùa Vàng lầm lẫy nỏ thần, sư hóa thân của các nhân vật…
+ Có sự đan xen tạo yếu tố li kì, hấp dẫn cho câu chuyện kể.
- Hình ảnh:
+ Giàu chất tư tưởng thẩm mĩ.
+ Có sức sống lâu bền.
B. Tìm hiểu chi tiết
1. An Dương Vương xây thành, chế nỏ, bảo vệ đất nước
- Vua An Dương Vương xây thành ở đất Việt Thường nhưng gặp rất nhiều khó khăn, “hễ đắp tới đâu là lại lở tới đấy”. Vì vậy, vua lập đàn tai giới, cầu đảo bách thần. Sau đó, đón tiếp cụ già từ phương Đông tới và ra tận của đông chờ đợi đón Rùa Vàng.
→ An Dương Vương là người quyết tâm, kiên trì, không ngại khó khăn, dồn hết tâm huyết cho việc xây thành, luôn suy nghĩ cho vận mệnh của đất nước và biết trọng người hiền tài.
- An Dương Vương cho xây thành “rộng hơn ngàn trượng, xoắn như hình trôn ốc”
→ Tài năng và tầm nhìn xa trông rộng của An Dương Vương.
- Khi Rùa Vàng từ biệt trở về, An Dương Vương lo lắng hỏi: “Nếu có giặc ngoài thì lấy gì mà chống?”
→ Ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu và tinh thần cảnh giác cao độ.
- Lấy vuốt rùa làm lẫy, nhờ Cao Lỗ chế nỏ đánh thắng mọi kẻ thù, giặc xâm lược.
⇒ Thông qua các chi tiết hư cấu, tưởng tượng (cụ già, Rùa Vàng) truyện đã xây dựng thành công hình tượng vua An Dương Vương - một vị vua anh minh, sáng suốt, luôn suy nghĩ cho vận mệnh của dân tộc, vì lợi ích của nhân dân, biết trọng người tài, được sự đồng tâm, giúp đỡ của cả trời đất và nhân dân. Vị vua ấy luôn nhận được sự tôn trọng, ngợi ca của toàn thể nhân dân.
2. Những sai lầm của An Dương Vương, bi kịch tình yêu của Mị Châu, Trọng Thủy và bài học từ bi kịch mất nước.
a) Những sai lầm của An Dương Vương
- Chủ quan, mất cảnh giác: Nhận lời cầu hòa của Triệu Đà, đồng ý gả con gái cho Trọng Thủy và đồng ý cho Trọng Thủy ở rể.
- Ỷ lại vào vũ khí mà không đề phòng, lơ là cảnh giác, xem thường kẻ địch: lúc giặc đến chân thành vẫn mải đánh cờ, cười nhạo kẻ thù.
- Chi tiết An Dương Vương tự tay giết chết con gái thể hiện hành động quyết liệt, dứt khoát đứng về phía công lí và lợi ích chung của cả dân tộc, để cái chung lên trên tình riêng đó cũng là sự thức tỉnh muộn màng của An Dương Vương
- Chi tiết An Dương Vương cầm sừng tê bảy tấc, Rùa Vàng rẽ nước dẫn vua đi xuống biển đã huyền thoại hóa, bất tử hóa hình tượng vua An Dương Vương, qua đó, thể hiện sự traan trọng, cảm mến của nhân dân với nhà vua.
b) Bi kịch tình yêu của Mị Châu và Trọng Thủy
- Nhân vật Mị Châu:
+ Hết lòng yêu thương, tin tưởng chồng: cho Trọng Thuỷ xem nỏ thần, khiến bảo vật giữ nước bị đánh tráo mà hoàn toàn không biết.
+ Nhẹ dạ cả tin, chỉ nghĩ đến hạnh phúc cá nhân: bị giặc đuổi, đánh dấu đường cho Trọng Thủy lần theo
+ Bị kết tội là giặc, bị vua cha chém chết. Đó cũng là sự trừng trị nghiêm khắc cho sai lầm của Mị Châu
+ Lời thề của Mị Châu trước lúc chết cũng chính là lời thanh minh của nàng cho tấm lòng trong trắng của mình.
+ Mị Châu chết, máu hóa thành ngọc trai, xác hóa thành ngọc thạch. Nàng không hóa than trọn vẹn trong một hình hài duy nhất mà nàng hóa thân – phân thân: máu chảy xuống biển, trai ăn phải hóa thành ngọc trai, xác hóa thành ngọc thạch. Hình ảnh đó vừa thể hiện sự bao dung, thông cảm với sự trong trắng, ngây thơ, vô tình phạm tội; vừa thể hiện thái độ nghiêm khắc trừng trị cùng bài học lịch sử vể giải quyết quan hệ giữa nhà với nước, chung với riêng.
- Nhân vật Trọng Thủy:
+ Thời kì đầu: Trọng Thủy đóng vai trò là một tên gián điệp theo lệnh của vua cha sang làm rể → điều tra bí mật.
+ Thời gian ở Loa Thành: lừa Mị Châu để thực hiện âm mưu, chính sự chủ quan lơ là mất cảnh giác của An Dương Vương, sự ngây thơ cả tin, toàn tâm toàn ý với chồng của Mị Châu đó giúp y hoàn thành kế hoạch đen tối.
+ Khi Mị Châu chết, y ôm xác vợ khóc lóc, thương nhớ rồi tự tử. Đây chính là sự hối hận muộn màng của Trọng Thủy, đồng thời cho thấy Trọng Thủy cũng là một nạn nhân của cha mình.
+ Hình ảnh ngọc trai – giếng nước ở cuối chuyện là cách kết thúc hợp lí nhất cho câu chuyện và cho số phận đôi trai gái. Hình ảnh này chứng tỏ sự trong sáng của Mị Châu, sự hóa giải tình cảm của Mị Châu, Trọng Thủy ở thế giới bên kia và đó cũng chính là tấm lòng bao dung, thông cảm của nhân dân dành cho Mị Châu và Trọng Thủy.
c) Bài học từ bi kịch mất nước
- Đề cao tinh thần cảnh giác với kẻ thù, không chủ quan khinh thường trước bất cứ hoàn cảnh nào.
- Luôn luôn đặt quan hệ riêng, chung cho đúng mực, phải đặt quyền lợi của dân tộc, đất nước lên trên quyền lợi cá nhân, gia đình.
>> Xem thêm: Ý kiến về hành động cho Trọng Thủy xem nỏ thần của Mị Châu
*****
Trên đây là sơ đồ tư duy Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy do Đọc tài liệu biên soạn. Hy vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em học và ôn tập môn Văn tốt hơn. Đừng quên tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu 10 được cập nhật đầy đủ tại doctailieu.com em nhé. Chúc các em luôn học tốt.