Phân tích truyện ngắn Tôi đi học của Thanh Tịnh

Xuất bản: 13/10/2018 - Cập nhật: 05/02/2024 - Tác giả:

Văn mẫu phân tích truyện ngắn Tôi đi học của Thanh Tịnh hay nhất đã được tuyển chọn và biên soạn giúp các em học sinh lớp 8 cùng tham khảo

Hướng dẫn dàn ý chi tiết và TOP 5+ bài văn phân tích truyện ngắn Tôi đi học của Thanh Tịnh do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tổng hợp. Hi vọng bài viết sẽ là nguồn tài liệu hữu ích cho các em trong quá trình tìm hiểu văn bản Tôi đi học và từ đó viết được một bài văn phân tích sâu sắc.

Hướng dẫn làm bài phân tích truyện ngắn Tôi đi học

Sơ đồ tóm tắt gợi ý

Sơ đồ tóm tắt gợi ý phân tích truyện ngắn Tôi đi học

Dàn ý phân tích truyện ngắn Tôi đi học

1. Mở bài

- Giới thiệu truyện ngắn Tôi đi học của nhà văn Thanh Tịnh

- Dẫn dắt vào vấn đề cần phân tích

2. Thân bài

a) Khái quát chung

- Xuất xứ: In trong tập “Quê mẹ” xuất bản năm 1941.

- Bố cục: 4 phần

b) Phân tích nội dung truyện ngắn

- Khởi nguồn của nỗi nhớ về kỉ niệm ngày đầu tiên đi học:

+ Thời gian: cuối thu - ngày khai trường

+ Khung cảnh: lá ngoài đường rụng nhiều, những đám mây bàng bạc, mấy em bé rụt rè cùng mẹ đến trường...

+ Tâm trạng của nhân vật “tôi”: náo nức, mơn man, rộn rã,…..

- Buổi tựu trường đầu tiên của nhân vật “tôi"

+ Tâm trạng nhân vật "tôi" trước khi đến trường:

  • Vui sướng, háo hức nhưng cũng e dè, lo sợ.
  • So sánh tâm trạng như "con chim non đứng bên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn e ngại".
  • Lý do: lần đầu tiên rời xa vòng tay mẹ, bước vào một thế giới mới.

+ Quang cảnh trường học:

  • Sân trường rộng rãi, đông đúc.
  • Lớp học trang nghiêm, sáng sủa.
  • Bảng đen, sách vở, bút thước... - những vật dụng mới mẻ, thu hút.

+ Hình ảnh thầy giáo:

  • Uy nghiêm, hiền từ.
  • Giọng nói ấm áp, cử chỉ ân cần.
  • Khiến cho "tôi" cảm thấy yên tâm và tin tưởng.

+ Bài học đầu tiên

  • Bài học "Tôi đi học" tuy đơn giản nhưng ý nghĩa.
  • Giúp "tôi" nhận thức được vai trò quan trọng của việc học.
  • Thầy khen "tôi" khiến "tôi" cảm thấy vui sướng và tự hào.
  • Thắp sáng niềm say mê học tập trong "tôi".

c) Đánh giá nội dung nghệ thuật

- Nội dung: tâm trạng, cảm xúc hồi hộp của nhân vật tôi trong buổi tựu trường đầu tiên.

- Nghệ thuật:

  • Hình ảnh so sánh giàu gợi cảm.
  • Bố cục theo dòng hồi tưởng cảm nghĩ của nhân vật theo trình tự thời gian.
  • So sánh kết hợp hài hòa giữa tả và kể với bộc lộ cảm xúc, tâm trạng của nhân vật.

c. Kết bài

- Nêu đánh giá, nhận xét chung về truyện ngắn Tôi đi học của Thanh Tịnh

- Mở rộng vấn đề bằng suy nghĩ và cảm nhận của mỗi cá nhân.

Bài văn mẫu phân tích truyện ngắn Tôi đi học

Dưới đây là bài văn phân tích truyện Tôi đi học mẫu để giúp các em tham khảo:

Tôi đi học là truyện ngắn giàu chất trữ tình của nhà văn Thanh Tịnh. Truyện không đi vào những biến cố, những xung đột xã hội gay gắt mà đó là những cung bậc cảm xúc khác nhau của nhân vật tôi trong ngày đầu tiên đến trường. Câu chuyện vì thế mặc dù nhẹ nhàng nhưng vẫn vô cùng sâu lắng, in những dấu ấn đậm nét trong lòng người đọc.

Câu chuyện được bắt đầu bằng không gian thấm đẫm chất thu, không gian của tiếng trống khai giảng, của những ngày cắp sách đến trường: “hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại náo nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường”. Từ những ngày của hiện tại, nhân vật tôi nôn nao nhớ về quá khứ, nhớ về ngày đầu tiên đến trường của mình. Sự thay đổi cả về tâm trạng và nhận thức của nhân vật tôi diễn ra theo từng chặng, phù hợp với cách đọc và tư duy của các bạn nhỏ, nhưng vẫn khiến người lớn thấy xúc động vì được sống lại những cảm giác về ngày đầu tiên đến trường của mình.

Sự thay đổi ấy trước hết là ở cảm giác về con đường đến trường: “con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học”. Nhân vật tôi tự thấy bản thân đã thay đổi, đã trưởng thành, bởi vậy không chỉ khung cảnh thay đổi mà ngay cả những hoạt động hàng ngày của cậu như thả diều hay ra đồng nô đùa với chúng bạn đã không còn nữa. Trong nhận thức non nớt của mình, cậu bé nhận rằng bản thân đã chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa mới của cuộc đời, mình đã khôn lớn và trưởng thành hơn.

Trong bộ quần áo vải dù đen được mẹ bị chu đáo chuẩn bị, cậu thấy mình trang trọng và đứng đắn hơn. Tác giả đã thật tinh tế khi dùng hai từ “trang trọng” “đứng đắn” để diễn tả tâm trạng, sự trưởng thành của nhân vật tôi. Hành trình thay đổi nhận thức còn được thể hiện trong hành động hết sức đáng yêu của cậu bé, cậu cầm hai quyển vở trên tay đã thấy nặng nhưng còn yêu cầu “mẹ đưa bút thước cho con cầm” với ý nghĩ ngây thơ “chắc chỉ người thạo mới cầm nổi bút thước”. Ý nghĩ non nớt có chút buồn cười nhưng cũng thật đáng trân trọng của cậu bé.

Khi đến trường là một chuỗi những cung bậc cảm xúc khác nhau, cho thấy cậu bé là một người có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm. Trước sân trường Mĩ Lí dày đặc người, ai cũng quần áo tươm tất, gương mặt tươi vui, sáng sủa, khiến cậu bé đâm ra lo sợ vẩn vơ. Có lẽ đây là cảm giác của bất cứ ai vào ngày đầu tiên đến trường, cảm giác cô đơn, lạc lõng, vừa muốn hòa cùng mọi người mà lại vừa lo lắng, sợ hãi. Nhưng đâu chỉ có cậu bé, những người bạn như cậu cũng như những chú chim non đứng nép bên người thân.

Khi đứng trước sân trường cảm giác “chơ vơ” lại dấy lên. Rồi khi được thầy thống đốc gọi tên nhân vật tôi giật mình, lúng túng, quả tim như ngừng đập. Và đáng yêu nhất chính là lúc cậu bé bất giác òa khóc lên nức nở khi sắp phải chia tay mẹ để vào lớp học. Cậu bé được bước vào một thế giới mới, rời xa thế giới quen thuộc có mẹ ở bên chăm sóc, đùm bọc.

Bước vào lớp học là cảm giác vừa xa lạ, vừa gần gũi, vừa ngỡ ngàng nhưng cũng rất tự tin. Nhân vật tôi cảm thấy mùi hương lạ xông lên trong lớp, mọi thứ xung quanh đều lạ, tự nhận chỗ ngồi làm của riêng, ngay cả người bạn lần đầu tiên gặp cũng không hề có cảm giác lạ lẫm. Nhân vật tôi đã tái hiện một cách đầy đủ, chân thật những cung bậc cảm xúc khác nhau về ngày đầu tiên đến trường. Một cách thật tự nhiên, mỗi chúng ta dường như cũng được sống lại bầu không khí của ngày tựu trường đầu tiên ấy.

Tác phẩm không chỉ đề cập đến cung bậc cảm xúc về ngày đầu đến trường của các bạn nhỏ mà còn cho người đọc thấy chân dung của bậc phụ huynh, của thầy cô để làm bật lên tầm quan trọng của giáo dục với thế hệ trẻ. Phụ huynh chuẩn bị chu đáo cho con em vào ngày tựu trường: quần áo, sách vở tươm tất; cầm đồ dùng học tập giúp con; tham dự buổi khai giảng của con. Các thầy cô hết sức tận tình, nhân hậu, hiền từ với các em học sinh, đặc biệt là với các bạn học sinh mới. Thầy hiệu trưởng từ tốn, bao dung, nhìn học sinh bằng cặp mắt hiền từ, khuyên nhủ, động viên các em: “Các em đừng khóc. Trưa nay các em còn được về nhà cơ mà. Và ngày mai lại được nghỉ cả ngày nữa”. Qua câu nói ta thấy được thầy hiệu trưởng là người am hiểu tâm lí trẻ em lần đầu tới lớp, chưa quen với việc học. Những lời động viên của thầy giúp những đứa trẻ bớt lo lắng và vững tâm hơn. Còn thầy giáo trẻ là người vui tính, giàu tình yêu thương, gương mặt luôn tươi cười, ân cần với các em.

Tác phẩm đã xây dựng một tình huống truyện thật đặc biệt – ngày đầu tiên đến trường với biết bao cảm xúc, tâm trạng về dấu mốc quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Kết cấu câu chuyện phù hợp: theo dòng hồi tưởng. Kết hợp linh hoạt các phương thức biểu đạt tự sự, miêu tả, biểu cảm diễn tả đầy đủ và hợp lí các cung bậc cảm xúc nhân vật. Ngôn ngữ nhẹ nhàng, sâu lắng, giọng văn thơ mộng, mượt mà, tinh tế.

Với ngôn ngữ kể chuyện tự nhiên, nhẹ nhàng, giàu chất thơ, tác phẩm đã làm sống dậy những cũng bậc cảm xúc về ngày đầu tiên đến trường. Buổi tựu trường sẽ là kỉ niệm ghi dấu ấn sâu đậm nhất trong lòng mỗi người. Đồng thời cũng nhận thấy vai trò, tầm quan trọng của giáo dục đối với thế hệ tương lai.

Trên đây là những hướng dẫn và bài văn mẫu phân tích truyện ngắn Tôi đi học - Thanh Tịnh đã được doctailieu.com biên soạn. Để học tốt hơn các em nên tự làm bài theo những kiến thức và tư duy của mình. Chúc các em làm bài tốt và luôn đạt kết quả cao trong học tập.

Tham khảo

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM