Phân tích truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của O.Henri

Xuất bản: 06/11/2019 - Tác giả:

Xem ngay dàn ý kèm tuyển chọn văn mẫu hay nhất phân tích truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của O.Henri do Đọc tài liệu thực hiện giúp các em nắm rõ ý chính cần có trong bài.

Phân tích Chiếc lá cuối cùng của O.Henri các em có thể đi theo hai khía cạnh sau:

- Đi phân tích theo tình huống của câu chuyện

- Đi phân tích theo nhân vật của truyện.

Vậy để làm được bài văn này, các em cùng tham khảo mẫu dàn ý sau đây nhé:

Dàn ý phân tích truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của O.Henri

Dàn ý phân tích theo tình huống của truyện

A. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về nhà văn Mỹ O Hen-ri.

- Chiếc lá cuối cùng là tác phẩm thể hiện niềm tin mãnh liệt vào sự sống, khẳng định giá trị nhân văn cao cả.

B.Thân bài

1. Khái quát chung

- Tóm tắt cốt truyện: ý nghĩa nhân văn gắn với bức vẽ cuối cùng của người hoạ sĩ già Bơ men đã vực cô gái Giôn-xi vượt lên ám ảnh định mệnh.

- Tình huống truyện đảo ngược là nhân tố khơi nguồn cho nội dung cảm động đầy tình người, hướng đến giá trị tốt đẹp của sự sống.

2. Phân tích

a) Khung cảnh mùa đông và tình cảnh tuyệt vọng của Giôn-xi : nỗi sợ hãi ám ảnh tâm trạng của Xiu và cụ Bơ-men trong đêm mưa gió. Niềm tin kỳ quặc của Giôn-xi khi phó thác cuộc đời vào chiếc lá thường xuân.

b) Tình huống đảo ngược thứ 1:

- Tâm trạng đau khổ và hồi hộp của Xiu khi phải mở cửa cho Giôn-xi. Sự bất ngờ ngoài dự kiến: chiếc lá cuối cùng vẫn còn đó, hy vọng trở lại.

- Tâm trạng chờ đợi héo hắt của Giôn-xi : thể hiện sự tuyệt vọng , thiếu niềm tin vào sự sống. Thời gian là nỗi ám ảnh.

- Chiếc lá vẫn ở trên tường: Thức tỉnh ý chí sống của Giôn-xi , giúp cô tự tin vượt qua bệnh tật. Thiên nhiên thua chiếc lá, bệnh tật thua ý chí con người.

c) Tình huống đảo ngược thứ 2

- Tâm trạng Xiu: từ hồi hộp lo lắng đến khi hiểu rõ sự thật là sự hòa trộn tình yêu thương và cảm phục trước tấm lòng cao cả của cụ Bơ men.

- Sự hy sinh từ một hành động lừa dối cao cả nhưng lại có thể thức tỉnh lòng tin của con người . Trên hết là tình yêu thương đồng loại.

3. Tổng kết

- Lời nói kết lại tác phẩm là sự khẳng định cho ý nghĩa cao cả của sự sống. Là ca ngợi và kính trọng trước nhân cách cao đẹp của người nghệ sĩ dám hy sinh vì đồng loại.

- Nghệ thuật dựng truyện đặc sắc, cách tạo tình huống bất ngờ giúp người đọc cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa câu chuyện.

C. Kết bài

Nêu ngắn gọn cảm nhận của bản thân về truyện ngắn, rút ra bài học cho mình.

Dàn ý phân tích tác phẩm Chiếc lá cuối cùng

Dàn ý phân tích tác phẩm Chiếc lá cuối cùng theo nhân vật

I. Mở bài

- Giới thiệu vài nét cơ bản về tác giả O.Hen-ri: một nhà văn Mỹ chuyên viết truyện ngắn, nổi tiếng với những tác phẩm thấm đẫm tinh thần nhân đạo, tình yêu thương những con người nghèo khổ

- Chiếc lá cuối cùng là một truyện ngắn thấm đẫm tinh thần nhân văn như thế: kể lại việc làm mang đầy ý nghĩa nhân đạo của cụ Bơ-men - vẽ chiếc lá thường xuân cuối cùng để cứu sống Giôn-xi

II. Thân bài

1. Nhân vật Giôn-xi

- Giôn-xi là một họa sĩ nghèo mắc bệnh sưng phổi

- Khi bị bệnh, cô đã vô cùng tuyệt vọng:

+ Mở to cặp mắt thẫn thờ và thều thào ra lệnh

+ Suy nghĩ rằng khi chiếc lá cuối cùng rụng thì cô sẽ chết

⇒ Tinh thần suy sụp, mất hết niềm tin, nghị lực, tâm trạng buông xuôi, tuyệt vọng. (lưu ý chi tiết sử dụng từ láy)

- Thái độ của Giôn-xi khi nhìn thấy chiếc lá cuối cùng không rụng:

Tự thấy mình là hư

Muốn ăn cháo, uống nước, muốn soi gương và muốn vẽ

⇒ Tâm trạng hoàn toàn thay đổi, cô thoát khỏi cái chết, có tình yêu cuộc sống, yêu nghệ thuật

- Sự dai dẳng của chiếc lá chính là nguồn gốc hồi sinh tâm trạng của Giôn-xi

⇒ Con người cần phải có niềm tin, nghị lực để chiến thắng bệnh tật và vượt lên chính mình

2. Nhân vật Xiu

- Xiu là một cô gái có tấm lòng nhân hậu, đức hi sinh, có sự đồng cảm sâu sắc và yêu thương bạn như người thân ruột thịt:

+ Khi Giôn-xi bị bệnh: Lo lắng, luôn động viên, chăm sóc Giôn-xi

+ Xiu sợ khi chỉ còn 1 chiếc là thường xuân cuối cùng còn bám lại trên tường khiến Giôn-xi càng mất đi hi vọng sống.

=> Tình cảm chân thành của Xiu với cô bạn yếu đuối trọ cùng

- Xiu kể về cái chết của cụ Bơ-men bằng một giọng cảm động và chân thành còn có cả sự biết ơn khôn xiết

⇒ Thể hiện sự kính trọng, thương nhớ, khâm phục cụ Bơ-men

3. Nhân vật cụ Bơ-men

- Là một họa sĩ già, nghèo, chưa có thành đạt trên con đường nghệ thuật, mơ ước vẽ được kiệt tác

- Quan tâm, yêu quí các đồng nghiệp trẻ

- Là người có đức hi sinh thầm lặng cao cả, quên mình vì người khác

- Tạo ra kiệt tác chiếc lá cuối cùng để cứu lấy Giôn-xi: Khi biết tâm trạng chán nản của Giôn-xi, cụ lẳng lặng vẽ cltxcc trên tường trong đêm gió tuyết để nhen lên niềm tin, niềm hi vọng và nghị lực sống cho Giôn-xi

⇒ Chiếc lá cuối cùng mà cụ Bơ-men được tạo ra từ nghệ thuật chân chính, hướng đến con người và vì con người

III. Kết bài

- Khái quát những giá trị tiêu biểu về nội dung và nghệ thuật làm nên thành công của tác phẩm

- Câu chuyện khép lại nhưng để lại dư âm mãi trong lòng người đọc về tình yêu thương nhân loại cảm động và chân thành.

Trên đây Đọc tài liệu đã đưa ra dàn ý theo 2 hướng mà các em có thể tiếp cận, tiếp theo cùng tham khảo thêm một số bài văn mẫu hay nhất phân tích Chiếc lá cuối cùng em nhé:

Văn mẫu phân tích truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của O.Henri

Bài số 1 - Thông điệp tuyệt đẹp của cuộc sống

Chiếc lá cuối cùng thuộc phần cuối của tác phẩm cùng tên của nhà văn người Mĩ O.Hen-ri. Truyện là bài ca, ca ngợi vẻ đẹp, sức mạnh tình người giúp con người vượt qua mọi khó khăn, trở ngại của cuộc sống. Đồng thời tác phẩm còn gửi gắm những thông điệp nghệ thuật ý nghĩa.

Trong tác phẩm gồm ba nhân vật chính: Giôn-xi, Xiu và cụ Bơ-men, các nhân vật này được chia làm hai tuyến chính: Giôn-xi sống trong tuyệt vọng, đếm từng chiếc lá để chờ đến lúc mình lìa đời, cụ Bơ-men và Xiu ra sức chăm sóc và giúp đỡ Giôn-xi vượt qua căn bệnh hiểm nghèo.

Giôn-xi là một cô họa sĩ nghèo sống trong một nhà trọ tồi tàn ở ngoại ô, cô sống trong cảnh nghèo khổ và bệnh tật (bệnh sưng phổi), đây không phải là căn bệnh khó chữa, nhưng cô đã mất hết niềm tin vào cuộc sống nên bệnh tình ngày càng xấu đi, cô không buồn uống thuốc, chán nản, chỉ đếm những chiếc lá trên cây thường xuân. Khi chiếc lá cuối cùng rụng xuống cũng là lúc cô lìa xa cuộc sống này. Qua một đêm mưa gió vùi dập, khi chiếc mành cửa được kéo lên, cô vẫn thấy một chiếc lá bám trên tường gạch. Đó quả là một điều khó tin vì đêm qua mưa gió, bão tuyết lớn, vậy mà chiếc lá vẫn dũng cảm treo bám trên cành cây như vậy. Chính chiếc lá cuối cùng đã làm thay đổi suy nghĩ của Giôn-xi, giúp cô lấy lại được nghị lực, niềm tin vào cuộc sống. Bởi vậy, cô đã vượt qua bệnh tật, tiếp tục mang trong mình những ước mơ, hoài bão.

Xiu là bạn cùng phòng với Giôn-xi, cũng là một họa sĩ nghèo, trong những ngày bạn ốm, Xiu đã hết lòng thương yêu, chăm sóc: nấu cháo, lời nói dịu dàng, cử chỉ ân cần dỗ dành Giôn-xi mong cho bạn lấy lại tinh thần, bệnh tật sớm qua khỏi. Trong những ngày Giôn-xi ốm, điều cô lo sợ nhất chính là mở tấm mành cửa lên và thấy chiếc lá cuối cùng đã rụng xuống. Vào đêm mưa gió, Xiu không thể ngủ được, cô lo sợ chiếc lá ngoài kia đã bị mưa gió cuốn đi và người bạn Giôn-xi sẽ rời xa mình mãi mãi. Bởi vậy, sáng hôm đó, khi nhận lệnh của Giôn-xi cô chán nản, tuyệt vọng, đầy lo lắng kéo tấm mành lên. Và cô đã vui biết nhường nào khi chiếc lá vẫn còn đó, cô nấu cháo, gọi bác sĩ đến khám bệnh cho Giôn-xi. Chính tình yêu thương, sự quan tâm chân thành của Xiu đã phần nào tiếp thêm động lực sống cho Giôn-xi.

Cụ Bơ-men chỉ xuất hiện thoáng qua trong tác phẩm, nhưng tấm lòng, sự hi sinh của cụ lại có ý nghĩa quan trọng nhất với Giôn-xi. Cụ Bơ-men là một họa sĩ già, đã ngoài sáu mươi tuổi, kiếm sống bằng cách ngồi làm mẫu vẽ cho các họa sĩ trẻ. Hơn bốn mươi năm trong nghề cụ chỉ có một khao khát tột cùng đó là vẽ được một kiệt tác. Khi biết được tâm trạng chán chường, tuyệt vọng của Giôn-xi cụ hết sức lo lắng và tìm cách cứu sống Giôn-xi. Tình yêu thương của cụ dành cho Giôn-xi thật sâu sắc và cao thượng. Trong đêm tối mưa to gió lớn cụ đã không quản gió lạnh, không lo nghĩ cho sức khỏe, tính mạng mình mà thức suốt đêm bí mật vẽ chiếc lá thường xuân cuối cùng để cứu sống Giôn-xi. Người họa sĩ già ấy đã quên mình vì người khác – một sự hi sinh thầm lặng, cao cả mà lớn lao. Chiếc lá cuối cùng của cụ xứng đáng là một kiệt tác không chỉ vì nó giống chiếc lá thật đến nỗi khiến cả Giôn-xi và Xiu không nhận ra, mà nó còn chứa đựng niềm hi vọng sống. Chiếc lá được vẽ bằng cả tài năng và tấm lòng, sự hi sinh cao thượng của cụ Bơ-men. Đồng thời kiệt tác của cụ cũng chứa đựng thông điệp nghệ thuật giàu ý nghĩa: một tác phẩm nghệ thuật thực sự là tác phẩm được tạo ra để phục vụ con người.

Tác phẩm được thuật lại bằng lối kể chuyện hấp dẫn, giàu kịch tính với những chi tiết được lựa chọn kĩ càng, đặc biệt là ở tình huống truyện đảo ngược hai lần. Giôn -xi từ chỗ tuyệt vọng, không còn niềm tin vào cuộc sống đến chỗ lấy lại niềm tin, khỏi bệnh và sống vui vẻ; cụ Bơ-men từ chỗ khỏe mạnh đến chỗ mất đi một cách đột ngột. Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng rất thành công. Ba nhân vật có cảnh ngộ gần gũi, nhưng mỗi người đều có tính cách riêng. Kết thúc bất ngờ, giàu ý nghĩa tạo dư âm sâu đậm trong lòng người đọc.

Với kết cấu truyện đầy kịch tính, bất ngờ tác phẩm đã cho thấy tình yêu thương cao cả có ý nghĩa vô cùng to lớn, giúp con người vượt qua mọi khó khăn, trở ngại trong cuộc đời. Ngoài ra cũng thấy được giá trị của một tác phẩm nghệ thuật chân chính sinh ra là để phục vụ, vì cuộc sống con người.

Xem thêm: Cảm nhận về tác phẩm Chiếc lá cuối cùng

Bài số 2 - Tình yêu thương vĩ đại của người họa sĩ già

O.Hen-ri là nhà văn Mỹ nổi tiếng với những tác phẩm văn học nhẹ nhàng, sâu lắng, giàu giá trị nhân văn. Đọc những trang viết của ông người đọc có cảm giác như đang được sống trong những bức tranh được vẽ bằng ngôn từ của ông. “Chiếc lá cuối cùng” trích trong tác phẩm cùng tên của O.Hen-ri thực sự có sức ám ảnh lớn, lay động đến tâm can người đọc vì tình thương yêu cao cả vĩ đại của những con người ông khắc họa nên.

“Chiếc lá cuối cùng” có thể xem là kiệt tác để đời của nhà văn Mỹ này, ông đã tái hiện thành công hiện thực xã hội Mỹ thời bấy giờ, có những con người cùng cực, nghèo khổ, ước mơ và khát vọng vẫn còn đó nhưng bị vùi dập. Tuy nhiên đọc những trang viết của ông người đọc nhận ra sự kiên cường, tinh thần bất diệt không chịu đầu hàng số phận, và cả những người chịu hi sinh bản thân mình vì ước mơ và sự sống của người khác. Đoạn trích cùng tên “chiếc lá cuối cùng” có thể xem là đã lột tả được hết những điều đó. Một đoạn trích giàu giá trị nhân văn và nghệ thuật, xứng là là tác phẩm sống mãi trong lòng người đọc.

“Chiếc lá cuối cùng” kể về cuộc sống nghèo khổ của ba người nghệ sĩ: Giôn xi, cụ Bơ men, Xiu. Họ đều là những người tài hoa, luôn đi tìm kiếm cái đẹp và mong muốn có những tác phẩm nghệ thuật để đời. Nhưng cuộc sống khắc nghiệt, nghèo đói và bệnh tật khiến họ rơi vào hố sâu của tuyệt vọng. Giôn xi phát hiện ra mình bị mắc bệnh viêm phổi nặng, cô nằm trên giường bệnh, tuyệt vọng đếm những chiếc lá bám trên dây thường xuân ngoài tường rơi rụng, khi nào chiếc lá cuối cùng rơi đồng nghĩa với việc cô đã chết. Xiu là người bạn của Giôn xi, bất lực nhìn người bạn mình tiều tụy từng ngày. Ông cụ già Bơ men là người họa sĩ sống ở tầng dưới, cả cuộc đời ông vẫn luôn trằn trọc và khát vọng có một tác phẩm để đời, đã 40 năm rồi nhưng ông vẫn chưa làm được điều đó. Cả ba con người họ, đều chung một ước mơ, chung một số phận nhưng cuộc đời trớ trêu đều đẩy họ vào con đường cùng.

O.Hen-ri đã rất thành công khi khắc họa diễn biến tâm lý của nhân vât, đặc biệt là nghệ thuật xây dựng tình huống truyện và đảo tình huống truyện cực kỳ độc đáo. Hiếm có nhà văn nào có thể làm được điều này.

Mỗi ngày Giôn xi đều nhìn ra ngoài khung cửa sổ mà đếm lá rơi, niềm tin trong cô vơi cạn dần, hi vọng càng trở nên mong manh. Chính điều này khiến cho XIu và cụ Bơ men buồn bã “Họ sợ sệt ngó ra ngoài cửa sổ, nhìn cây thường xuân. Rồi họ nhìn nhau một lát, chẳng nói năng gì”. Sự im lặng khiến cho cả căn phòng rơi vào trạng thái mất cân bằng. Mọi thứ dường như trở nên tồi tệ hơn rất nhiều.

Hình ảnh cô gái trẻ Giôn xi vì bệnh tật mà cự tuyệt tất cả, phó mặc cho số phận, nói đúng hơn là phó mặc cho những chiếc lá vô tri vô giác ở ngoài kia. Cô đã để cho tuổi trẻ, để cho ước mơ và khát vọng của mình không còn một con đường nào để đi nữa. Cô khiến người đọc trở nên xung đột với mình, cô có đáng trách không, hay cô đáng thương. Thực ra cô là cô gái có khát vọng nhưng vì hiện thực khắc nghiệt nên mới rơi vào tình trạng này. Cô vẫn luôn có ước mơ “được vẽ vịnh Na-Plo”.

O.Hen-ri khiến người đọc hồi hộp, chờ đợi tình huống truyện tiếp theo xảy ra như thế nào. Trên dây thường xuân chỉ còn lại một chiếc lá cuối cùng, chiếc lá ấy chính là niềm hi vọng cũng là sự tuyệt vọng của Giôn xi. Gion xi thất vọng “hôm nay nó sẽ rụng thôi và cùng lúc đó em sẽ chết”. Nhưng có một tình huống bất ngờ xảy ra như một phép nhiệm màu. Đêm hôm ấy gió mưa tràn về nhưng kỳ lạ thay “chiếc lá vẫn còn đó”, bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết. Giôn xi cảm thấy rất  khó hiểu nhưng cũng tràn đầy niềm tin. Hóa ra sau tất cả sự khắc nghiệt và khó khăn thì chiếc lá ấy vẫn còn.

Tình huống truyện đảo ngược ở cuối truyện thực sự đã khiến trái tim của một cô gái tuyệt vòng trở nên có niềm tin hơn. Nhưng sự thật tì chiếc lá cuối cùng bám lại trên tường ấy chính là kiệt tác của cụ Bơ men, cụ đã bất chấp thời tiết nắng mưa ấy làm một việc vô cùng nhân văn, tạo niềm tin và nghị lực cho chính cô gái trẻ. Chi tiết “chiếc lá cuối cùng” chính là chi tiết đắt giá, đậm chất nhân văn cũng như giàu tính nghệ thuật, mang đến cho người đọc nhiều suy nghĩ. Đây chính là bức tranh cuối cùng, là kiệt tác trong cả một đời làm họa sĩ của cụ Bơ men. Không bất kỳ ai biết được sự thật đó, chỉ sau khi cụ Bơ men ra đi thì mọi người mới bừng tỉnh. Suốt cả cuộc đời nghệ sĩ của mình thực sự cụ Bơ men đã có được kiệt tác để đời. Một kiệt tác không chỉ có giá trị nghệ thuật mà còn thấm đẫm tình người.

Tấm lòng của một con người thật đáng quý, ông hi sinh bản thân mình để tạo tin yêu và hi vọng cho người khác, khiến người khác ngưỡng mộ và trân trọng.

O.Hen-ri với cách xây dựng tình huống truyện ngược cùng cách khắc họa tâm lý nhân vật cực kỳ sâu sắc đã mang đến cho tác phẩm này một sức sống mãnh liệt nhất, đó là tình yêu thương người với người vô bờ bến.

“Chiếc lá cuối cùng” của O.Hen-ri thực sự là những trang viết ám ảnh với ngược đọc bởi tình nhân văn sâu sắc và tính nghệ thuật cực kỳ độc đáo. Với thông điệp “hãy yêu thương mọi người và không ngừng hi vọng vượt lên số phận” thì tác giả đã làm được một điều kỳ diệu và thành công nhất.

Bài số 3 - Một câu chuyện đời thường giản dị mà xiết bao cảm động

O.Hen-ri là nhà văn Mĩ, sinh năm 1862, mất năm 1910. Thuở nhỏ, vì nhà nghèo nên ông không được học hành đến nơi đến chốn. Năm mười lăm tuổi, ông đã phải thôi học, đến phụ việc tại hiệu thuốc của người chú ruột. Thời trai trẻ, ông trải qua nhiều nghề khác nhau để kiếm sống như nhân viên kế toán, thủ quỹ ngân hàng, bốc vác… O.Hen-ri sáng tác rất nhiều và phần lớn tác phẩm của ông phản ánh cuộc sống bất hạnh của tầng lớp dân nghèo. Nhiều truyện ngắn đã để lại ấn tượng khó quên trong lòng người đọc, trong đó có truyện Chiếc lá cuối cùng.

Bối cảnh của truyện là ngôi nhà trọ ba tầng cũ kĩ, tồi tàn với những căn phòng cho thuê giá rẻ trong một khu phố nhỏ ở phía Tây công viên Oa-sinh-tơn. Thời điểm xảy ra sự việc là tháng mười một, khi những cơn gió lạnh mùa đông tràn về. Hai nữ họa sĩ trẻ là Xiu và Giôn-xi thuê chung một căn phòng nhỏ trên tầng thượng sát mái. Cụ Bơ-men là một họa sĩ nghèo sống ở tầng hầm.

Giôn-xi bị sưng phổi nặng. Vì nghèo không có tiền thuốc thang nên cô buồn bã không thiết sống nữa. Mặc cho Xiu chăm sóc, động viên, Giôn-xi cứ nằm quay mặt ra phía cửa sổ, nhìn những chiếc lá thường xuân rụng dần từng chiếc một. Mỗi lần có chiếc lá rơi, cô lại cảm thấy mình gần cái chết thêm một chút. Trước khi trời tối, Giôn-xi đếm còn lại bốn chiếc lá và tự nhủ sau khi chiếc lá cuối cùng rụng nốt thì mình cũng lìa đời. Nghe Xiu kể chuyện ấy, cụ Bơ-men bực mình nghĩ rằng tại sao trên đời này lại có người muốn chết chỉ vì một cây dây leo nào đó rụng hết lá?! Rồi Xiu đưa cụ Bơ-men lên gác… Đoạn trích này tiếp nối câu chuyện trên, kể về việc vì thương Giôn-xi mà cụ Bơ-men đã thức trắng đêm để vẽ chiếc lá thường xuân lên tường. Sáng hôm sau thức giấc, Giôn-xi nhìn thấy chiếc lá cuối cùng vẫn còn bám chặt vào cây. Cô như được tiếp thêm sức mạnh và thoát qua cơn hiểm nghèo. Nhưng cũng vì vẽ chiếc lá trong đêm đông giá buốt nên cụ Bơ-men đã bị cảm lạnh rồi qua đời chi sau hai ngày. Qua đoạn trích, tác giả bày tỏ thái độ trân trọng, cảm phục trước tình yêu thương chân thành và lòng vị tha cao cả của những con người nghèo khổ.

Cụ Bơ-men là một hoạ sĩ vô danh. Suốt bốn mươi năm, cụ ấp ủ ý định sẽ vẽ một bức tranh tuyệt tác nhưng chưa bao giờ bắt đầu công việc. Giống như chị Xiu, cụ Bơ-men rất quan tâm đến tình cảnh tội nghiệp của Giôn-xi. Biết cô gái đang tuyệt vọng, muốn tìm đến cái chết để giải thoát, cụ đã nhờ chị Xiu đưa lên gác để thăm. Hai người sợ sệt ngó ra ngoài cửa sổ, nhìn cây thường xuân. Rồi họ nhìn nhau một lát, chẳng nói năng gì vì thấy những chiếc lá thường xuân đang theo nhau rụng, chỉ còn một vài chiếc. Có lẽ trong thâm tâm cả hai đều lo lắng cho số phận của Giôn-xi. Riêng cụ Bơ-men, chắc là cụ đang nghĩ đến cách vẽ chiếc lá cuối cùng để đem lại cho Giôn-xi niềm hi vọng.

Tình thương và lòng trắc ẩn đã khơi dậy trong tâm hồn cụ Bơ-men một ý tưởng sáng tạo tuyệt vời. Cụ lẳng lặng làm theo lời trái tim mách bảo, không hé răng cho ai biết ý định của mình.

Tác giả không tiết lộ ngay việc cụ Bơ-men vẽ chiếc lá trong đêm mưa tuyết ra sao mà đợi đến những dòng cuối cùng của truyện mới cho mọi người biết qua lời của chị Xiu. Cách kể truyện như thế tạo được bất ngờ và hứng thú cho người đọc.

Chiếc lá cụ Bơ-men vẽ lên bức tường gạch đối diện với cửa sổ căn gác nhỏ của Giôn-xi đúng là một kiệt tác vì trước hết trông nó giống y như thật : Ở gần cuống lá còn giữ màu xanh sẫm, nhưng với rìa lá hình răng cưa đã nhuốm màu vàng úa, chiếc lá vẫn dũng cảm treo bám vào cành cách mặt đất chừng hai mươi bộ, khiến Giôn-xi tưởng đấy chính là chiếc lá cuối cùng. Quan trọng hơn cả là chiếc lá do cụ Bơ-men vẽ đã đem lại sự sống cho Giôn-xi. Chiếc lá không phải chỉ được vẽ bằng bút lông, bột màu, mà bằng cả tình cảm chân thành và lòng vị tha cùng đức hy sinh cao cả của cụ Bơ-men. Người hoạ sĩ già đã quên cả tuổi tác lẫn sức khỏe của mình để cố gắng nhen nhóm lại hi vọng sống trong lòng cô gái trẻ đáng thương.

Tình thương yêu của Xiu đối với Giôn-xi biểu hiện qua thái độ quan tâm, chăm sóc và động viên người bệnh và qua nỗi lo sợ khi thấy chị còn lác đác mấy chiếc lá thường xuân bám lại trên tường. Chị Xiu luôn ở bên cạnh Giôn-xi và sẵn sàng chiều theo ý muốn của bạn.

Chị Xiu không biết ý định của cụ Bơ-men là sẽ vẽ chiếc lá vào đúng chỗ chiếc lá cuối cùng vừa rụng nốt trong đêm. Cho nên khi Giôn-xi nhờ kéo mành lên, Xiu đã làm theo với tâm trạng lo lắng cực độ: Em thân yêu, thân yêu! Xiu nói, cúi khuôn mặt hốc hác xuống gần gối, “Em hãy nghĩ đến chị, nếu em không còn muốn nghĩ đến mình nữa. Chị sẽ làm gì đây?”.

Khi chiếc mành được kéo lên, từ trong phòng đã có thể nhìn rõ cảnh vật bên ngoài thì chính chị Xiu cũng ngạc nhiên bởi không ngờ chiếc lá cuối cùng vẫn còn bám chặt vào cành sau một đêm mưa gió phũ phàng. Chị không hề biết đấy chỉ là chiếc lá vẽ và tâm trạng lo lắng vẫn đeo đẳng chị cho tới khi biết được sự thật.

Hôm sau, khi trời vừa hửng sáng thì Giôn-xi lại ra lệnh kéo mành lên. Chiếc lá thường xuân vẫn còn đó.

Ngắm chiếc lá cuối cùng, trong lòng Giôn-xi bất chợt rộn lên ý nghĩ yêu đời và ham sống. Giôn-xi nằm nhìn chiếc lá hồi lâu. Rồi cô gọi Xiu đang quấy món cháo gà trên lò hơi đốt.

“Em thật là một con bé hư, chị Xiu thân yêu ơi!”, Giôn-xi nói. “Có một cái gì đấy đã làm cho chiếc lá cuối cùng vẫn còn đó để cho em thấy rằng mình đã tệ như thế nào. Muốn chết là một tội. Giờ thì chị có thể cho em xin tí cháo và chút sữa pha ít rượu vang đỏ và – khoan – đưa cho em chiếc gương tay trước đã, rồi xếp mấy chiếc gối lại quanh em, để em ngồi dậy xem chị nấu nướng”.

Chiếc lá cuối cùng đã thắp sáng trong cô những ước mơ và niềm hy vọng. Cô vui vẻ bày tỏ nguyện vọng của mình: Chị Xiu thân yêu ơi, một ngày nào đó em hi vọng sẽ được vẽ vịnh Na-plơ”.

Đọc đến đoạn này, người đọc cũng có tâm trạng căng thẳng, hồi hộp giống như tâm trạng của chị Xiu khi hai lần Giôn-xi bảo kéo mành lên. Tối hôm trước, dây thường xuân chỉ còn một chiếc lá. Nếu sau đêm mưa tuyết, chiếc lá ấy rụng nốt thì Giôn-xi sẽ ra sao? Làm sao để chiếc lá cuối cùng ấy vẫn còn?! Tâm trạng lo lắng của Xiu chi diễn ra ở lần kéo mành đầu tiên, vì ngày hôm đó, chắc cô đã biết chuyện cụ Bơ-men làm gì trong đêm mưa tuyết. Còn đối với Giôn-xi, khi nhờ Xiu kéo mành lên, chắc là cô thản nhiên đón nhận cái chết, nếu chẳng còn thấy chiếc lá nào. Nhưng lạ lùng thay, chiếc lá vẫn còn nguyên đó. Ngắm chiếc lá cuối cùng, như có phép màu kì diệu, sức sống đã trở lại với Giôn-xi. Hôm sau, bác sĩ bảo Xiu : “Cô ấy khỏi nguy hiểm rồi… Giờ chỉ còn việc bồi dưỡng và chăm nom – thế thôi”.

Động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự hồi sinh của Giôn-xi chính là chiếc lá cuối cùng (cô không biết đấy là chiếc lá vẽ). Tuy bé nhỏ, mong manh nhưng nó đã gan góc chống chọi với gió mưa, buốt giá, cố bám chặt lấy thân cây. Điều đó trái ngược hẳn với thái độ tiêu cực, yếu đuối, muốn tìm đến cái chết của Giôn-xi. Cô ngẫm nghĩ, so sánh và xấu hổ, thấy mình thật tệ, không bằng chiếc lá thường xuân bé nhỏ.

Nhà văn kết thúc câu chuyện bằng đoạn văn chân thực và cảm động:

Và buổi chiều hôm đó, Xiu tới bên giường Giôn-xi nằm, thấy Giôn-xi đang vui vẻ đan một chiếc khăn choàng len màu xanh thẫm , chị ôm lấy cả người Giôn-xi lẫn những chiếc gối.

Chị có chuyện này muốn nói với em, con chuột bạch của chị, cô nói, "Cụ Bơ-men đã chết vì sưng phổi hôm nay ở bệnh viện rồi. Cụ ốm chỉ có hai ngày. Buổi sáng ngày thứ nhất, bác gác cổng thấy cụ ốm nặng trong căn phòng của cụ ở tầng dưới. Giày và áo quần của cụ ướt sũng và lạnh buốt. Chẳng ai hình dung nổi cụ đã ở đâu trong một đêm khủng khiếp như thế. Nhưng rồi người ta tìm thấy một chiếc đèn bão vẫn còn thắp sáng và một chiếc thang đã bị lôi ra khỏi chỗ để của nó, và vài chiếc bút lông rơi vung vãi, và một bảng pha màu có màu xanh và màu vàng trộn lẫn với nhau, và – em thân yêu ơi, em hãy nhìn ra ngoài cửa sổ, nhìn chiếc lá thường xuân cuối cùng ở trên tường. Em có lấy làm lạ tại sao chẳng bao giờ nó rung rinh hoặc lay động khi gió thổi không? Ồ, em thân yêu, đó chính là kiệt tác của cụ Bơ-men, cụ vẽ nó ở đấy vào cái đêm mà chiếc lá cuối cùng đã rụng”:

Lời kết thúc này là vừa đủ, không cần phải kể thêm về phản ứng của Giôn-xi, do đó mà dư âm của câu chuyện lắng đọng trong lòng người đọc và gây xúc động thấm thía.

Mở đầu đoạn trích, Giôn-xi sống trong đau buồn, tuyệt vọng, ngày càng tiến dần đến cái chết khiến mọi người xung quanh thương cảm. Nhưng lúc gần kết thúc thì Giôn-xi đã thoát khỏi cơn nguy hiểm, hồi phục rất nhanh và yêu đời trở lại. Mọi người thở phào, trút được gánh nặng lo âu.

Cụ Bơ-men đang khỏe mạnh thì lại chết rất nhanh, chi sau hai ngày bị viêm phổi nặng. Cái chết của cụ khiến cho mọi người hết sức ngạc nhiên. Tình huống của hai nhân vật trẻ và già hoàn toàn trái ngược với nhau. Cô gái tưởng không tránh khỏi cái chết thì lại sống; người họa sĩ già đang khỏe mạnh lại chết bất ngờ. Số phận của họ đều liên quan đến bệnh sưng phổi và chiếc lá cuối cùng. Giôn-xi bị bệnh sưng phổi nặng và sự sống của cô tùy thuộc vào chiếc lá cuối cùng. Cụ Bơ-men vẽ chiếc lá cuối cùng trong đêm mưa tuyết với hi vọng níu kéo Giôn-xi về với cuộc sống, vì thế mà cụ đã bị chết vì bệnh sưng phổi. Nhà văn đã sử dụng rất thành công thủ pháp nghệ thuật vừa tương phản vừa tường đồng để tạo nên sự hấp dẫn của truyện.

Chiếc lá cuối cùng là câu chuyện đời thường giản dị mà xiết bao cảm động. Tình thương yêu giữa người với người đã đem lại giá trị lâu dài cho tác phẩm và vinh quang cho tôn tuổi nhà văn O.Hen-ri. Ngoài ra, tác phẩm còn chứa đựng một quan điểm đúng đắn về mục đích của sáng tạo nghệ thuật: Nghệ thuật đích thực trước hết phải phục vụ con người và cuộc sống.

-/-

Trên đây là tổng hợp dàn ý kèm văn mẫu phân tích truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của O.Henri do Đọc tài liệu sưu tầm và thực hiện, mong rằng với các nội dung ở trên đây, các em sẽ hoàn thiện thật tốt bài văn phân tích của mình. Đừng quên còn rất nhiều bài văn mẫu 8 đang đợi các em khám phá nhé!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM