Dàn ý Phân tích Thư dụ Vương Thông lần nữa
I. Mở bài
- Khái quát về tác giả và tác phẩm
+ Trong quá trình phò tá chủ soái Lê Lợi lãnh đạo nghĩa quân Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh, lập nên nghiệp lớn, nhiều lần mưu sĩ Nguyễn Trãi đã soạn thảo thư từ gửi cho tướng giặc để khiêu khích hoặc dụ hàng, nhằm thực hiện chiến lược “mưu phạt tâm công”.
+ Thư dụ Vương Thông lần nữa là bức số 35 có nội dung và nghệ thuật hay nhất, sau này được in trong Quân trung từ mệnh tập. Với lập luận chặt chẽ, sắc bén, qua bức thư này, Nguyễn Trãi đã thể hiện ý chí quyết chiến quyết thắng và tinh thần yêu chuộng hòa bình của quân dân Đại Việt.
II. Thân bài
* Hoàn cảnh ra đời của bức thư:
- Nghĩa quân Lam Sơn vây hãm thành Đông Quan, đẩy giặc Minh vào tình thế vô cùng khốn đốn.
- Nguyễn Trãi viết bức thư này vào khoảng tháng 2 - 1427 thì đến tháng 10 cùng năm, sau khi tướng giặc Liễu Thăng bị nghĩa quân ta giết chết ở gò Mã Yên, Vương Thông sợ hãi không đợi lệnh vua Minh đã tự ý rút quân về nước.
* Bố cục của bức thư:
Gồm 3 đoạn:
+ Đoạn 1: Từ đầu đến... Sao đủ để cùng nói việc binh được?: Tác giả nêu lên nguyên tắc của người dùng binh là phải hiểu biết về thời và thế.
+ Đoạn 2: Tiếp theo đến... bại vong đó là sáu : Tác giả phân tích thời và thế bất lợi của đối phương.
+ Đoạn 3: Phần còn lại: Tác giả khuyên các tướng giặc đầu hàng và hứa hẹn những điều tốt đẹp; đồng thời thách đấu và sỉ nhục chúng.
* Nội dung của bức thư:
+ Nguyên tắc của người dùng binh là phải hiểu biết về thời và thế.
- Thế nào là thời và thế? Thời là khoảng thời gian nhất định. Thế là tổng thể các mối quan hệ tạo thành điều kiện chung có lợi hoặc không có lợi cho một hoạt động nào đó của con người. Người lãnh đạo trong bất kì một lĩnh vực nào đó muốn thành công thì phải hiểu rõ thời và thế.
- Tác giả chỉ rõ cho tướng giặc biết thuật dùng binh bằng giọng điệu bề trên tỏ ý coi thường sự dốt nát của chúng: Người giỏi dùng binh là ở chỗ hiểu biết thời thế... Nay các ông không hiểu rõ thời thế, lại che đậy bằng lời dối trá, thế chẳng phải là hạng thất phu đớn hèn ư? Sao đủ để cùng nói việc binh được? Nguyễn Trãi khẳng định đây là nguyên lý cơ bản có giá trị như một chân lí.
+ Tác giả phân tích thời và thế bất lợi của đối phương:
- Cái thế của nhà Minh bên Trung Quốc hiện đang có ba điều bất lợi: Chính sách hà khắc tất dẫn đến diệt vong. Phía Bắc có giặc Thiên Nguyên đe doạ. Trong nước có nội loạn ở Tầm Châu. Nguyễn Trãi nêu lên một loạt dẫn chứng trong lịch sử Trung Quốc, đồng thời liên hệ tới tình hình rối ren đương thời.
- Cái thế của quân Minh trong thành Đông Quan bây giờ cũng có ba điều bất lợi: Thành bị vây; không viện binh; không lương thực. Dân chúng trong thành căm ghét tìm cách chống lại; quân lính thì oán trách, bất bình. Trong những khó khăn chủ quan về phía giặc thì nguyên nhân để mất lòng tin là cốt yếu, chi phối toàn bộ chiến lược của chúng. Đúng là quân giặc trong thành Đông Quan đang lâm vào tình thế cá trên thớt, thịt trong nồi.
- Trên cơ sở phân tích thời, thế và sự tương quan giữa ta và địch, Nguyễn Trãi chỉ ra cho lũ tướng giặc thấy sáu cái cớ bại vong không thể tránh khỏi của chúng. (Dẫn chứng). Nắm vững lẽ biến dịch “cùng tắc biến, biến tắc thông”, Nguyễn Trãi khẳng định thế cùng của giặc, trước mắt chúng sẽ tự tiêu diệt lẫn nhau. Đây là đoạn văn hay nhất trong bức thư bởi lập luận sắc bén, chặt chẽ, có lí có tình và giọng văn hùng hồn, đanh thép. Tướng giặc đọc thư này ắt phải khâm phục và khiếp sợ.
+ Tác giả khuyên lũ tướng giặc đem quân đầu hàng và hứa hẹn những điều tốt đẹp; đồng thời thách đấu và sỉ nhục chúng nếu chúng không nghe lời.
- Trong phần kết thúc bức thư, tác giả nêu ra hai khả năng cho các tướng giặc lựa chọn: một là đầu hàng, hai là mở cửa thành đem quân ra giao chiến với nghĩa quân Lam Sơn. Tuy nhiên, ông vẫn chỉ ra cho chúng thấy rằng đầu hàng là kế sách tốt nhất để đỡ hao binh tổn tướng.
- Dù đang ở tư thế chủ động nhưng Nguyễn Trãi vẫn giữ thái độ đúng mực: đối với đám tướng giặc ngoan cố, tàn ác thì cương quyết tiêu diệt, đối với tướng giặc nào biết nghe lẽ phải thì kiên trì phân tích để dụ hàng. Lời lẽ của tác giả lúc cương, lúc nhu rất linh hoạt và giàu sức thuyết phục.
- Bức thư cũng thể hiện sức mạnh và thế áp đảo của nghĩa quân Lam Sơn đang bao vây thành Đông Quan. Bên cạnh đó, tác giả cũng dùng mưu khích tướng, coi tướng giặc là lũ thất phu, là hạng đàn bà, không phải đại trượng phu... không thể bàn việc binh được. Cách lập luận phong phú của tác giả vẫn không ngoài mục đích dụ hàng.
- Tinh thần yêu chuộng hoà bình của Nguyễn Trãi nói riêng và quân dân Đại Việt nói chung thể hiện ở niềm tin tất thắng và thái độ thực lòng muốn hòa hiếu giữa hai nước. Đó là tư tưởng chiến lược lâu dài rất sáng suốt và đúng đắn. Tác giả bức thư nêu rõ thiện chí không chủ trương tiêu diệt quân Minh và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho quân Minh rút về nước.
- Cuối thư là lời cảnh cáo có tính chất tối hậu thư đối với tướng giặc Vương Thông với lời lẽ vừa đanh thép, hùng hồn vừa nhục mạ, chế giễu: Nếu không nghe lời ta như vậy, thì nên sắm quân dàn trận, ra giao chiến ở giữa đồng bằng để quyết một trận thư hùng, đặng xem cái tài hơn kém, không nên ngồi rũ một xó hang cùng, bắt chước cái lối đàn bà mà mang cái nhục khăn yếm như thế!
III. Kết bài
- Nêu ra ý nghĩa của toàn bức thư mà Nguyễn Trãi muốn truyền tải và bày tỏ. Nêu ra giá trị nội dung của toàn bức thư.
+ Nguyễn Trãi là cây bút chính luận lỗi lạc. Các bức thư địch vận của ông có sức mạnh như một đạo quân lớn hoặc một thứ vũ khí vô cùng sắc bén. Thư dụ Vương Thông lần nữa thể hiện tác giả là tài năng bậc thầy của văn chính luận trong lịch sử văn học dân tộc.
+ Nguyễn Trãi đã lấy sự phân tích xác thực về thời thế, lấy chính tinh thần nhân đạo, yêu chuộng hòa bình để thuyết phục tướng giặc. Sức mạnh của sách lược đánh vào lòng người ở bức thư này một lần nữa thể hiện trí tuệ sáng suốt và tấm lòng nhân ái cao cả của Nguyễn Trãi nói riêng và quân dân Đại Việt nói chung.
Top 5 bài văn mẫu Phân tích Thư dụ Vương Thông lần nữa
Dựa vào phần dàn ý chi tiết ở trên, các em có thể viết được bài văn phân tích tác phẩm đầy đủ nội dung chính. Dưới đây là một số bài văn phân tích Thư dụ Vương Thông lần nữa mà Đọc tài liệu đã tổng hợp giúp học sinh tham khảo thêm và bổ sung thêm vốn từ cho bài văn của mình.
Phân tích Thư dụ Vương Thông lần nữa - Mẫu 1
Nói đến Nguyễn Trãi là ta lại nhớ đến một nhà quân sự tài ba có những mưu lược thông minh và đóng vai trò quan trọng cho sự hình thành nhà Hậu Lê - phò tá Lê Lợi gây dựng lại cơ đồ của thiên thu của Đại Việt, đưa người dân Đại Việt thoát khỏi sự lầm than, sự thống trị ác độc của quân nhà Minh. Không những thế, nhắc đến ông, ta còn nhắc đến một con người có những đóng góp quan trọng cho văn học và những tác phẩm ấy vẫn còn lưu giữ và truyền bá đến ngày nay. Ông có rất nhiều tác phẩm văn học đậm chất triết lý nhưng cũng ẩn chứa trữ tình sâu vào từng câu chữ. Và tác phẩm mà hôm nay nhắc đến đó chính là “Thư dụ Vương Thông lần nữa” - đây bức thư số 35, nằm trong những chiến lược quân sự của ông khi trong sự nghiệp phò tá chủ soái Lê Lợi lãnh đạo nghĩa quân Lam Sơn đánh đuổi quân Minh cướp nước.
Bức thư mang nội dung dụ hàng tướng giặc, thậm chí là mắc nhiếc, khiêu khích quân tướng nhà Minh, đây là một trong những bước đi quan sự mưu lược Nguyễn Trãi trong chiến lược “mưu phạt tâm công”. Mỗi câu từ trong bức thư đều thể hiện sâu sắc được nghệ thuật dung từ của ông đến mức mà học giả Bùi Huy Bích đã phải thốt lên rằng bức thư như mang sức mạnh của mười vạn quân. Với sự mưu lược của mình, Nguyễn Trãi viết bức thư này như muốn nói rằng “Ta không đánh thì giặc cũng tan”.
Bức thư này được Nguyễn Trãi đặt bút viết vào khoảng tháng 2 năm 1427, lúc bấy giờ nghĩa quân Lam Sơn đang vây hãm, kìm kẹp quân giặc trong thành Đông Quan (tức Hà Nội ngày nay) khiến chúng không còn đường lui. Đến tháng Mười cùng năm, sau khi tướng giặc Liễu Thăng bị giết ở Mã Yên, Vương Thông sợ hãi, không đợi lệnh vua Minh đã tự ý rút quân về nước.
Với lập luận chặt chẽ, sắc bén, qua Thư dụ Vương Thông lần nữa, Nguyễn Trãi đã thể hiện ý chí quyết chiến quyết thắng và tinh thần yêu chuộng hòa bình của quân dân Đại Việt.
Bức thư được phân bố ra làm ba đoạn, trong đó mỗi đoạn đều thể hiện một nội dung khác nhau. Đoạn một từ đầu đến “Sao đủ để cùng nói dùng binh được?” đã nêu lên nguyên tắc của người dùng binh là phải hiểu biết về thời và thế. Đoạn hai tiếp đến “bại vong đó là sáu”, ở đây tác giả đã phân tích cho chúng ta thấy được thời và thế bất lợi của đối phương. Đoạn ba là phần còn lại, tác giả Nguyễn Trãi đã khuyên các tướng giặc đầu hàng, hứa hẹn những điều tốt đẹp, đồng thời thách đấu và sỉ nhục chúng.
Nội dung của bức thư đã được thể hiện như sau:
Nguyên tắc của người dùng binh là phải hiểu biết về thời và thế.
Thế nào là thời và thế? Thời là khoảng thời gian nhất định. Thế là tổng thể các mối quan hệ tạo thành điều kiện chung có lợi hoặc không có lợi cho một hoạt động nào đó của con người. Người lãnh đạo trong bất kì một lĩnh vực nào đó muốn thành công thì phải hiểu rõ thời và thế.
Tác giả vạch ra rõ chiến thuật dụng binh đánh trận cho tướng giặc nhìn ra rõ ràng bằng một giọng điệu khí thế của một bậc bề trên dạy dỗ kẻ ngu dốt- ý chỉ kẻ dốt ở đây chính là quân giặc cướp nước: Người giỏi dùng binh là người có mưu lược và biết chọn thời thế để áp dụng nó…. Nay sự ngu dốt của lũ giặc cướp nước các ngươi chả thể áp dụng được sự đơn giản của thời thế, che đậy, chắp vá những điều thiếu xót ấy bằng sự ngông cuồng và ngu dốt, chả khác nào một lũ hèn bạt mạn. Những cái thứ trí trá chả thể đối đầu được với mưu trí, chiến lược của người dân Việt yêu nước. Nguyễn Trãi dùng những câu từ vừa chặt chẽ, oai hùm nhưng cũng đanh thép để khẳng định vị thế, chủ quyền của dân đất Việt và thể hiện chân lý có phía trị trường tồn.
Ông còn sử dụng những ngôn từ chỉ rõ và bóc tách từng điểm bất lợi của quân giặc để chúng nhìn nhận ra đang bị “dồn vào chân tường” và “quay đầu là bờ”: cái thế nhà Minh Trung Quốc hiện giờ đã lộ rõ một một ba điểm bất lợi đó là chính sách hà khắc tất dắt đến diệt vong. Hiện nhìn nhà Minh như trong thế loạn chiến khi trong nước thì thế lực thù trong nổi loạn ở Tầm Châu. Ngoài biên thùy thì phía bắc có Thiên Nguyên lăm le cho quân “nuốt chửng” nhà Minh bất cứ lúc nào. Lập luận sắc bén từng câu từ, Nguyễn trãi từ đó đã đưa ra những bằng chứng sắt đá dẫn chứng trong lịch sử Trung Quốc đã từng diễn ra và hiện tại có thể tái diễn lại lần nữa. Và từ những dẫn chứng cứng hơn sắt thép đó liên hệ tình hình rối ren, ngàn cân treo sợi tóc đương thời.
Tiếp đó, ông lại chỉ ra, một loạt dẫn chứng nói về sự bất lợi của quân dội nhà Minh trong thành Đông Quan như “cá mắc cạn”: thành bị bao vây, không viện binh, không lương thực, không tiếp tế. Dân chúng trong thành yêu nước, căm ghét quân cướp nước thì tìm mọi cách chống phá lại; quân lính thì oai án, bất bình, làm mất lòng tin cốt yếu. Khó khăn chồng chất, tiến không được mà lùi cũng chả xong của quân địch chả khác gì “cá trên thớt” vì quân ta đã thao túng sách lược chi phối toàn bộ chiến lược của bọn chúng. Và qua những lập luận đanh thép, tác giả muốn khuyên lũ tướng giặc đem quân ra hang và đưa ra những hứa hẹn có lợi, tốt đẹp và cũng không quên đưa ra nhũng lời sỉ vả bọn chúng nếu không chịu nghe theo lời đàm phán.
Phần kết của bức thư, ông đã đưa ra hai khả năng cho tướng quân giặc được lựa chọn: một là đưa quân ra xin hang, chịu rút lui và nhận được cái kết tốt đẹp. Hai là, mở cổng thành cùng quân Lam Sơn giao chiến một mất một còn nhưng với thế bị động của quân minh hiện tai thì không những bại thảm hại mà cái mạng cũng khó có thể mà giữ.
Qua những lời văn răn đe như vậy, mặc dù bên quân ta giữ thế phản công nhưng mà ông vẫn giữ chất giọng đúng mực nhưng lại toát lên vẻ dọa người: đối với lũ giặc ngu dốt, ngoan cố không chịu hang mà vẫn tàn ác thì quyết “diệt cỏ tận gốc”. Nhưng chúng biết quay đầu xin hang hoặc tướng giặc nào biết nghe theo và ngộ ra lẽ phải thì chúng ta sẽ kiên trì đàm phán để dụ hàng. Lời lẽ được sử dụng một cách khôn khéo nhu có nhưng cương cũng có, được vận dụng linh hoạt và giàu sức thuyết phục quân giặc quy phục đàm phán.
Tinh thần yêu chuộng hoà bình của Nguyễn Trãi nói riêng và quân dân Đại Việt nói chung thể hiện ở niềm tin tất thắng và thái độ thực lòng muốn hoà hiếu giữa hai nước. Đó là tư tưởng chiến lược lâu dài rất sáng suốt và đúng đắn. Tác giả bức thư nêu rõ thiện chí không chủ trương tiêu diệt quân Minh và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho quân Minh rút về nước.
Cuối thư là lời cảnh cáo có tính chất tối hậu thư đối với tướng giặc Vương Thông với lời lẽ vừa đanh thép, hùng hồn vừa nhục mạ, chế giễu: Nếu không nghe lời ta như vậy, thì nên sắm quân dàn trận, ra giao chiến ở giữa đồng bằng để quyết một trận thư hùng, đặng xem cái tài hơn kém, không nên ngồi rũ một xó hang cùng, bắt chước cái lối đàn bà mà mang cái nhục khăn yếm như thế.
Nguyễn Trãi là một trong những danh nhân văn hóa thiên cổ vĩ đại ta đã được nhà nước và UNESCO công nhận. Ông không những giỏi trong lĩnh vực thao lược quân sự phò tá nhà Lê gây dựng lại cơ đồ mà còn là một cây bút văn chương lỗi lạc. Và bức thư địch vận của ông cũng là một trong số đó, lời nói như sức mạnh của mười vạn quân - hiện diện âm thầm nhưng sức mạnh cực lớn, đó là sức mạnh của người dân, quân lính yêu nước, khát khao được tự do, đánh đuổi lũ bạt mạn cướp nước. Thư dụ vương thông lần nữa của ông đã thể hiện sự sắc bến, hiện diệt sự yêu nước, lấy tinh thần nhân đạo làm đầu, sự hòa bình và tốt đẹp để dụ tướng lính quân giặc. Sức mạnh của sách lược đánh vào lòng người ở bức thư này một lần nữa thể hiện trí tuệ sáng suốt và tấm lòng nhân ái cao cả của Nguyễn Trãi nói riêng và quân dân Đại Việt nói chung.
Phân tích Thư dụ Vương Thông lần nữa - Mẫu 2
Trong sự nghiệp phò tá chủ soái Lê Lợi lãnh đạo nghĩa quân Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh cướp nước, nhiều lần mưu sĩ Nguyễn Trãi đã soạn thảo thư từ gửi cho các tướng giặc để mắng nhiếc, khiêu khích hoặc dụ hàng, nhằm thực hiện chiến lược “mưu phạt tâm công”. Học giả Bùi Huy Bích đã nhận xét rất chính xác rằng: “Các bức thư này có sức mạnh của mười vạn quân”.
Thư dụ Vương Thông lần nữa là bức thư số 35, có nội dung và nghệ thuật hay nhất, sau này được in trong Quân trung từ mệnh tập. Bằng cách thuyết phục này, Nguyễn Trãi đã đạt được mục đích: Ta không đánh mà giặc cũng tan.
Lúc bấy giờ, quân giặc trong thành Đông Quan (tức Hà Nội ngày nay) bị nghĩa quân Lam Sơn vây hãm nhiều ngày, đang lâm vào tình cảnh khốn đốn. Nguyễn Trãi viết bức thư này vào khoảng tháng 2 - 1427 thì đến tháng 10 năm ấy, sau khi tướng giặc Liễu Thăng bị giết ở gò Mã Yên, Vương Thông sợ hãi, không đợi lệnh vua Minh đã tự ý rút quân về nước.
Với lập luận chặt chẽ, sắc bén, qua Thư dụ Vương Thông lần nữa, Nguyễn Trãi đã thể hiện ý chí quyết chiến quyết thắng và tinh thần yêu chuộng hoà bình của quân dân Đại Việt.
Bố cục bức thư gồm ba đoạn:
Đoạn 1: Từ đầu... đến Sao đủ để cùng nói việc binh được?: Tác giả nêu lên nguyên tắc của người dùng binh là phải hiểu biết thời thế.
Đoạn 2: Từ Trước đây các ông... đến bại vong đó là sáu!: Nguyễn Trãi phân tích thời và thế bất lợi của đối phương.
Đoạn 3: Phần còn lại: Tác giả khuyên các tướng giặc đầu hàng, hứa hẹn những điều tốt đẹp. Đồng thời thách đấu và sỉ nhục tướng giặc.
Muốn hiểu rõ nội dung bức thư, việc đầu tiên chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa của hai từ thời và thế.
Thời là khoảng thời gian nhất định. Thế là tổng thể các mối quan hệ tạo thành điều kiện chung có lợi hoặc không có lợi cho một hoạt động nào đó của con người. Không chỉ riêng các nhà quân sự mà những người làm kinh tế hoặc ngoại giao cũng phải hiểu thời và thế thì mới đạt được kết quả tốt trong công việc.
Thời thế trong một cuộc chiến là hoàn cảnh chung, là vị trí, vai trò của trận đánh, là sự tương quan lực lượng giữa hai bên... Trên cơ sở đó, các tướng lĩnh sẽ đưa ra cách đánh hợp lí nhất để đạt mục đích của từng trận đánh nói riêng và của cả chiến dịch nói chung.
Mở đầu bức thư, tác giả chỉ cho tướng giặc biết thuật dùng binh:
Người giỏi dùng binh là ở chỗ hiểu biết thời thế. Được thời và có thế thì biến mất thành còn, hóa nhỏ thành lớn ; mất thời và không thế, thì mạnh hoá ra yếu, yên lại thành nguy, sự thay đổi ấy chỉ ở trong khoảng trở bàn tay. Nay các ông không hiểu rõ thời thế, lại che đậy bằng lời dối trá, thế chẳng phải là hạng thất phu đớn hèn ư? Sao đủ để cùng nói việc binh được?
Đây là đoạn văn có vai trò nêu chủ đề, mở ra hướng lập luận cho toàn bài. Ở các đoạn sau, tác giả nêu ra những luận điểm, luận chứng hết sức chặt chẽ và chính xác để làm nổi bật chủ đề.
Chủ đề bức thư là bàn về việc binh, mà điều quan trọng là người dùng binh muốn chiến thắng thì phải biết thời thế. Nguyễn Trãi khẳng định đây là nguyên lí cơ bản có giá trị như một chân lí. Tác giả phân tích thời thế bất lợi của đối phương nhằm mục đích thuyết phục, dụ hàng, đồng thời nhận xét rằng tướng giặc không những không hiểu thời thế mà còn dối trá, che đậy nguy cơ thất bại đối với binh lính dưới quyền.
Ở đoạn 2 của bức thư, tác giả chỉ ra ba ý: Ý thứ nhất nói đến cái thế của nhà Minh ở Trung Quốc (hậu phương); ý thứ hai nói đến cái thế của quân Minh thành Đông Quan; ý thứ ba chỉ ra sáu nguyên nhân bại vong của giặc.
Cái thế của nhà Minh ở Trung Quốc có ba điều bất lợi: Chính sách hà khắc tất dẫn đến diệt vong. Phía Bắc có giặc Thiên Nguyên đe doạ. Trong nước có nội loạn ở Tầm Châu.
Nguyễn Trãi đã nêu lên một loạt dẫn chứng trong lịch sử Trung Quốc, đồng thời liên hệ đến tình hình nội bộ rối ren của Trung Quốc hiện thời:
Ngày xưa nhà Tần thôn tính sáu nước, chuyên chế bốn bể, không chăm lo đức chính, thân mất nước tan. Nay Ngô mạnh không bằng Tần, mà hà khắc lại quá, không đầy một năm tất sẽ theo nhau mà chết, ấy là mệnh trời, không phải sức người vậy. Hiện nay phía bắc có kẻ địch Thiên Nguyên, phía nam có mối lo nội loạn ở các xứ Tầm Châu, một khu Giang Tả không tự giữ được, huống còn mưu toan đi cướp nước khác ư? Các ông không hiểu sự thế, bị người đánh bại, lại còn chực dựa uy Trương Phụ, thế có phải là đại trượng phu chăng, hay chỉ là đàn bà thôi?
Tinh thế ngày nay, dù có vị ngôi cao đem quân đến nữa, cũng chỉ càng mau chết mà thôi, huống chi Trương Phụ chỉ là đến nộp mạng, thì có gì đáng nói?
Cái thế của quân Minh ở thành Đông Quan lúc này cũng có ba điều bất lợi: Thành bị vây, không viện binh, không lương thực. Dân chúng trong thành căm ghét tìm mọi cách chống lại. Quân lính thì oán trách, bất bình:
Nay các ông kế cùng lực kiệt, lính tráng mỏi mệt, trong không lương thảo, ngoài không viện binh, bám hờ khu nhỏ mọn, nghỉ tạm thành chơ vơ, há chẳng như là thịt trên thớt, cá trong nồi rồi sao? Thế mà lại còn lừa dối dân ta, dụ điều phi nghĩa. Kia những kẻ trung thần nghĩa sĩ, dù thời cùng vận khốn, cũng nếm mật nằm gai, không chịu đem lòng kia khác, lẽ nào ngày nay, lại chịu tin theo những lời bất nghĩa của các ông. Chỉ e người Nam trong thành nhớ mến chúa cũ, người Ngô ở đây khốn khổ không kham thì những người chống các ông sẽ kéo nhau ra hàng; như Trương Phi, Lã Bố, các ông lại bị chính thuộc hạ giết hại, đó là lẽ tất nhiên.
Trong những khó khăn chủ quan về phía giặc, thì nguyên nhân để mất lòng tin là nguyên nhân cốt yếu, chi phối toàn bộ chiến lược của chúng. Đúng là như vậy! Thành trì bị quân ta vây chặt, lại gặp nạn lụt lội, lương thực cho người, cỏ rơm cho lừa, ngựa đã cạn, mà viện binh vẫn tuyệt tăm hơi. Đó là điều thất bại trông thấy trước mắt. Đúng là quân Minh rơi vào cái thế hoàn toàn bị động của “cá trên thớt, thịt trong nồi”:
Nay ở các thành, từ đô ti trở xuống, đều căm giận các ông lừa dối, khuyên ta làm cỏ cả thành. Hoặc có kẻ vượt luỹ trốn ra, tố cáo cả việc sắp đặt chiến cụ, sửa đóng xe thang. Những người bị khốn sẽ giết lẫn nhau, hà tất phải đợi quân sĩ của ta nữa.
Trên cơ sở phân tích sự chuyển biến của thời và thế cùng mối tương quan lực lượng giữa ta và địch, Nguyễn Trãi đã vạch rõ cho lũ tướng giặc thấy sáu cái cớ bại vong:
Nguyên nhân thứ nhất là những khó khăn chồng chất mà chúng đang gặp phải, không thể vượt qua.
Nguyên nhân thứ hai là không có viện binh đến cứu, giặc Minh ở Đông Quan rơi vào tình cảnh “nước xa không cứu được lửa gần”.
Nguyên nhân thứ ba là triều đình nhà Minh đang phải lo đối phó với quân Nguyên, không rỗi mà quan tâm đến tình cảnh bi đát của đám tướng sĩ xâm lược ở nước Nam.
Nguyên nhân thứ tư là nội chiến xảy ra liên miên khiến cho dân chúng sống dưới triều đại nhà Minh không được yên ổn, đâm ra chán nản và thất vọng.
Nguyên nhân thứ năm là ở triều đình nhà Minh, bọn gian thần chuyên chính, nội bộ lục đục tranh giành quyền lực, gây ra cảnh nồi da xáo thịt.
Nguyên nhân thứ sáu là lực lượng nghĩa quân Lam Sơn càng ngày càng mạnh mẽ, trong khi quân Minh ngày càng mỏi mệt, nhụt chí chiến đấu.
Nắm rất chắc lẽ biến dịch “cùng tắc biến, biến tắc thông”, Nguyễn Trãi đã chỉ ra cho bọn tướng giặc biết là cái thế “cùng” của chúng không thể kéo dài mà tất sẽ bung ra, trước hết là từ ngay trong lòng của nó. Hay nói cách khác, tự quân lính dưới quyền của chúng sẽ quay mũi giáo chống lại chúng để tìm đường giải thoát, vì nếu không thì sẽ chết thảm. Nguyễn Trãi nêu lên từng luận điểm cụ thể với lí lẽ và dẫn chứng thật chặt chẽ, chính xác:
Nay ta suy tính hộ các ông thì cái cớ bại vong có sáu!
Nước lụt mênh mông, tường rào đổ lở, lương có thiếu thốn, ngựa chết quân ốm; bại vong đó là một!
Xưa Đường Thái Tông bắt Kiến Đức mà Thế Sung phải ra hàng; nay bao nhiêu của quan hiểm trở đều có binh tướng đồn đóng, viện binh nếu đến, tất nhiên bị bại, viện binh đã bại, các ông còn trốn đằng trời; bại vong đó là hai!
Nước các ông binh khỏe ngựa béo, nay còn để cả miền bắc để phòng thủ quân Nguyên, không rỗi đâu nhìn sang nước Nam được; bại vong đó là ba!
Can qua liên miên, chinh phạt không nghỉ, người chẳng sống yên, nhao nhao thất vọng; bại vong đó là bốn!
Gian thần chuyên chính, chúa yếu trị vì, xương thịt hại nhau, “gia đình sinh biến”; bại vong đó là năm!
Nay ta dấy nghĩa quân, trên dưới đồng lòng, anh hùng tận lực, quân lính càng luyện, khí giới càng tinh, vừa cày ruộng vừa đánh giặc, trong thành quân sĩ mỏi mệt, tự chuốc diệt vong; bại vong đó là sáu!
Đây là đoạn hấp dẫn nhất của bức thư mà nội dung xoáy sâu vào tình thế tiến thoái lưỡng nan của giặc. Dẫn chứng cụ thể, lời lẽ sắc bén, giọng văn hùng hồn của tác giả khiến Vương Thông và lũ tướng giặc không thể coi thường, đọc đến đây ắt sợ toát mồ hôi.
Trong phần kết của bức thư, Nguyễn Trãi nêu ra hai khả năng cho quân Minh lựa chọn: một là đầu hàng, hai là mở cửa thành đem quân ra giao chiến với nghĩa quân Lam Sơn. Tác giả khuyên chúng nên đầu hàng là có lợi nhất:
Ngồi giữ một mảnh thành con, để chờ sáu cái cớ bại vong ấy, thật tiếc thay cho các ông! Cổ nhân có câu: “Nước xa không cứu được lửa gần”. Dù có viện binh đến đây, cũng không ích gì cho sự bại vong cả. Trước đây Phương Chính, Mã Kì chỉ chuyên làm những sự hà ngược, sinh linh lầm than, thiên hạ oán thán: nào đào mồ mả của làng ấp ta, nào bắt vợ con của dân ta, kẻ chết hàm oan, người sống bị khổ. Các ông là những người xét rõ sự cơ, hiểu sâu thời thế, vậy nên chém đầu Phương Chính, Mã Kì đem đến cửa quân dâng nộp. Như vậy trong thành sẽ khỏi nạn cá thịt, trong nước sẽ khỏi vạ đau thương, hoà hiếu lại thông, can qua xếp bỏ.
Mặc dù ở tư thế của người nắm phần chủ động, hơn hẳn về sức mạnh quân sự cũng như thời thế, song thái độ của tác giả vẫn hết sức đúng mực. Tác giả có sự phân biệt rõ ràng trong cách đối xử với các tướng nhà Minh. Đối với bọn Phương Chính, Mã Kì tàn ác, ngoan cố thì cương quyết tiêu diệt, đối với Vương Thông, Sơn Thọ và các tướng khác thì kiên trì phân tích phải trái, lúc cương, lúc nhu rất linh hoạt, chủ yếu là để dụ chúng đầu hàng.
Bức thư cũng thể hiện và nhấn mạnh cái thế áp đảo của quân ta. Khi Nguyễn Trãi viết bức thư này, nghĩa quân Lam Sơn đang bao vây thành Đông Quan. Tác giả vừa sỉ nhục coi lũ tướng giặc là đám thất phu, không cùng bàn việc binh được, là hạng đàn bà, không phải đại trượng phu để làm cho chúng hổ thẹn; vừa dùng lí lẽ phân tích sáu cớ bại vong nhằm lung lạc ý chí của chúng; đồng thời thách thức giao chiến để chứng tỏ sức mạnh quân sự của ta.
Niềm tin tất thắng của tác giả vào công cuộc chống quân Minh thể hiện ở sự hiểu rõ thế thất bại tất yếu của địch. Tinh thần yêu chuộng hoà bình của Nguyễn Trãi thể hiện ở thiện chí không chủ trương tiêu diệt quân Minh khi chúng đã bại trận mà tạo điều kiện cho chúng rút quân:
Nếu muốn rút quân về nước, ta sẽ sửa sang cầu cống, mua sắm tàu thuyền, thuỷ lục hai đường, tuỳ theo ý muốn ; quân ra khỏi cõi, muôn phần bảo đảm được yên ổn không lo ngại gì ; nước ta lại phụng cống xưng thần, theo lệ như trước.
Tác giả hiểu rõ quan hệ đặc biệt giữa ta với Trung Quốc nên không muốn gây thù, chuốc oán mà muốn giữ quan hệ láng giềng thân thiện. Phần kết bức thư đã thể hiện rõ tư tưởng chiến lược sáng suốt, có ý nghĩa lâu dài của Nguyễn Trãi.
Cuối cùng là lời cảnh cáo có tính chất tối hậu thư cho Vương Thông:
Nếu không nghe lời ta như vậy, thì nên sắm quân dàn trận, ra giao chiến ở giữa đồng bằng để quyết một trận thư hùng, đặng xem cái tài hơn kém, không nên ngồi rũ một xó hang cùng, bắt chước cái lối đàn bà mà mang cái nhục khăn yếm như thế!
Nguyễn Trãi là một ngòi bút chính luận lỗi lạc. Các bức thư địch vận của ông có sức mạnh như một đạo quân hùng hậu hoặc như một vũ khí sắc bén. Bài Thư dự Vương Thông lần nữa thể hiện tác giả là tài năng nghị luận bậc thầy trong lịch sử văn học dân tộc. Có thể coi văn bản trên là một đòn đánh mạnh vào âm mưu cố thủ, chờ viện binh sang để phản công quân ta của đám tướng lĩnh nhà Minh, Nguyễn Trãi đã lấy sự phân tích xác thực về thời thế, lấy chính tinh thần nhân đạo, yêu chuộng hoà bình để thuyết phục tướng giặc. Sức mạnh của sách lược “đánh vào lòng người” ở bức Thư dụ Vương Thông lần nữa thể hiện một trí tuệ sáng suốt, một tấm lòng nhân ái cao cả, yêu hoà bình chính nghĩa của quân dân Đại Việt.
Phân tích Thư dụ Vương Thông lần nữa - Mẫu 3
Nguyễn Trãi vừa là nhà thơ vừa là nhà quân sự lỗi lạc cho vua Lê lợi. Thơ văn của ông thể hiện tình yêu thiên nhiên, cuộc sống và con người. Nguyễn Trãi tuy không trực tiếp ra trận nhưng ông đã dùng ngòi bút của mình để giúp vua. Ông có nhiều tác phẩm nổi tiếng nhưng tiêu biểu nhất là tác phẩm Quân trung từ mệnh tập có đoạn trích Thư dụ Vương Thông lần nữa thể hiện tài năng quân sự giỏi giang của Nguyễn Trãi. Đoạn trích thể hiện rõ khát vọng hòa bình và ý chí quyết thắng giặc ngoại xâm của nhân dân ta.
Thư dụ Vương Thông lần nữa là lá thư số 35 trong Quân Trung từ mệnh tập. Chính lá thư này làm cho Nguyễn Trãi có được nguyện vọng “ta không đánh mà vẫn tan”. Về sau thư gửi của Nguyễn Trãi được vua gọi là biểu và tấu là ban công việc chiến, việc hòa bình mang đậm tính chất chính luận.
Bức thư này được viết khi địch đang bị ta bao vây ở thành Đông Quan rất khốn đốn. Bức thư viết nhằm dụ địch ra đầu hàng và rút quân về nước “Các ông là những người xét rõ sự cơ, hiểu sâu thời thế, vậy nên chém đầu Phương Chính, Mã Kì đem đến cửa quân dâng nộp. Như vậy, trong thành sẽ tránh được nạn cá thịt, trong nước sẽ khỏi vạ đau thương, hoà hiếu lại thông, can qua xếp bỏ”.
Đoạn mở đầu, Nguyễn Trãi dùng những tư tưởng về thời thế đối với người dùng binh. Như người binh phải biết thời thế khi dùng binh mà trong thời thế này thì chỉ rút quân. Không thì mang quân ra thành đánh chiến phân cao thấp thắng bại. Nguyễn Trãi là một người có tài tư tưởng dùng binh rất tinh tế và đúng đắn. Trong hoàn carnh ấy Nguyễn Trãi rất bình tĩnh và phân tích rất sắc sảo trong từng dòng ghi trong bức thư. Từ việc này người đọc thấy được ông là một người rất am hiểu binh thư. Đồng thời từ bức thư này còn thể hiện rõ sự yêu chuộng hòa bình của nhân dân ta. Tác giả phân tích rồi sử dụng tiếp cương hay nhu như Vương Chính,Mã Kì tàn ác ngoan cố hì tiêu diệt còn Vương Thông, Sơn Thọ thì phân tích tình hình khuyên nhủ. Cuối cùng đề là khuyên hàng không thì khích tướng để dụ chúng ra trận mau chóng kết thúc. Bức thư rất tinh tế và sắc sảo nhằm đuổi giặc về nước mà tránh được thương đau cho nhân dân.
Sau đó Nguyễn Trãi nói rõ hơn thế nhà Minh ở Trung Quốc, Đông Quan và chỉ ra sáu nguyên nhân bại vong của giặc. Thế nhà Minh ở Trung Quốc có ba điều rất bất lợi đó là:: “Chính sách hà khất tất dẫn đến diệt vong. Phía Bắc có giặc Thiên Nguyên đe dọa. Trong nước có nội loạn ở Tầm Châu”.Khi nói đến những điều bất lợi đó Nguyễn Trãi cũng nhằm nêu lên tình hình rối ren của quân địch lúc bấy giờ. Rồi sau đó ông lại nói cái khốn khó của quân minh ở thành Đông Quan, chúng mệt mỏi rệu rã lương không có ăn, tinh thần chiến đấu giảm xuống. Khi đó quân ta chưa cần giết thì chúng cũng tự giết nhau rồi.
Nguyễn Trãi đúng là một nhà quân sự lỗi lạc ông chỉ ra sáu nguyên nhân khiến chúng bại trận tự ra đầu hàng để tránh thương vong đẫm máu. Đầu tiên là những khó khăn chồng chất mà chúng đang gặp phải, không thể vượt qua. Thứ hai là không có viện binh đến cứu, giặc Minh ở Đông Quan rơi vào tình cảnh “nước xa không cứu được lửa gần”. Thứ ba là triều đình nhà Minh đang phải lo đối phó với quân Nguyên, không rỗi mà quan tâm đến tình cảnh bi đát của đám tướng sĩ xâm lược ở nước Nam. Thứ tư là nội chiến xảy ra liên miên khiến cho dân chúng sống dưới triều đại nhà Minh không được yên ổn, đâm ra chán nản và thất vọng. Thứ năm là ở triều đình nhà Minh, bọn gian thần chuyên chính, nội bộ lục đục tranh giành quyền lực, gây ra cảnh nồi da xáo thịt. Thứ sáu là lực lượng nghĩa quân Lam Sơn càng ngày càng mạnh mẽ, trong khi quân Minh ngày càng mỏi mệt, nhụt chí chiến đấu. Nguyễn Trãi nhấn mạnh từng nguyên nhân và khó khăn bất lợi của giặc Minh lúc bấy giờ để cho giặc minh nhận ra vị trí của mình như thế nào và đưa ra quyết định đúng đắn hơn.
Từ lúc bức thư được gửi đi đến sáu tháng sau thì quân do Liễu Thăng chỉ hauy vào Lạng Sơn, Mộc Thanh chỉ huy năm vạn quân vào Lào Cai và đều thất bại thê thảm. Từ đây ta thấy được tài nhìn xa trông rộng và ý chí lãnh đạo đúng đắn của Nguyễn Trãi.
Sau đó ông chỉ ra hai con đường một là rút quân về nước tránh tình trạng thịt nát xương tan máu mê đầm đìa thứ hai nếu cố chấp thì “ra giao chiến ở giữa đồng bằng để quyết một trận thư hùng. Qua đây ta thấy rõ bức thư của Nguyễn Trãi như một bản đồ quân sự phân tích chiến thuật tiến công rõ ràng và điểm yếu điểm mạnh của địch.
Như vậy qua thư dụ ta thấy được Nguyễn Trãi là mảng văn chương chính luận. Ông không những là nhà thơ văn yêu thiên nhiên cuộc sống và con người mà ông còn rất giỏi đề ra chiến lược chiến công khiến kẻ thù khiếp sợ. Nguyễn Trãi sử dụng ngòi bút của mình như một loại vũ khí đặc biệt để đánh bại kẻ thù.
Phân tích Thư dụ Vương Thông lần nữa - Mẫu 4
Nguyễn Trãi không chỉ là một nhà thơ nhà văn mà còn là một quân sư đắc lực cho vua Lê Lợi. Con người thiên tài ấy không chỉ sáng tác thơ văn yêu nước, thơ văn ẩn dật thể hiện cuộc sống của cư sĩ chán cảnh quan trường, thơ văn thể hiện tình yêu thiên nhiên cuộc sống và con người mà còn có cả mảng thơ văn thể hiện sự sáng suốt của một quân sư trung thành. Nguyễn Trãi không trực tiếp ra trận nhưng bằng ngòi bút cua mình để giúp vua. Ông không chỉ là một nhà thơ trữ tình mà còn là nhà thơ chính luận xuất sắc. Bên cạnh tác phẩm nổi tiếng bình ngô đại cáo thì ta còn có thể kể đến tác phẩm quân trung tư mệnh tập đặc biệt đoạn trích Thư dụ Vương Thông lần nữa thể hiện rõ sự sáng suốt tinh nhạy của một quân sư giỏi. Đặc biệt đoạn trích muốn thể hiện tinh thần yêu chuộng hòa bình và ý chí quyết thắng của nhân dân ta.
Quân trung từ mệnh tập là quyển thứ tư của Ức Trai thi tập. Tác phẩm này có tất cả 42 bài gồm cả thư viết cho bọn giặc Minh và bọn ngụy quân, vừa là biểu cầu phong, dụ gửi tướng sĩ ở Thanh Hóa khen thưởng vì đã có công đánh giặc.
Đoạn trích Thư gửi Vương Thông lần nữa là lá thư số 35 trong tập Quân Trung Từ mệnh tập. Có thể nói đây là đoạn trích có nội dung và nghệ thuật hay nhất. Chính bởi lá thư ấy mà Nguyễn Trãi đã đạt được nguyện vọng “ta không đánh mà giặc vẫn tan”.
Khi phò tá cho vua Lê Lợi, Nguyễn Trãi có nhiệm vụ soạn thảo các thu từ cho nhà Minh. Ở thời trung đại, thư ban đầu là tên chung của một loại thư tín viết để trao đổi thông tin bày tỏ tình cảm. Về sau thư gửi vua gọi là biểu và tấu và ở đây thư là ban việc công việc chiến, việc hòa bình nên mang đậm chất chính luận.
Thư dụ Vương Thông lần nữa được viết vào hoàn cảnh quân ta đang vây hãm thành Đông Quan, quân địch trong thành thì khốn đốn. Bức thư viết nhầm dụ giặc ra hàng và rút quân về nước “Các ông là những người xét rõ sự cơ, hiểu sâu thời thế, vậy nên chém đầu Phương Chính, Mã Kì đem đến cửa quân dâng nộp. Như vậy, trong thành sẽ tránh được nạn cá thịt, trong nước sẽ khỏi vạ đau thương, hoà hiếu lại thông, can qua xếp bỏ”. bức thư được viết vào khoảng tháng 2 năm 1427 nhưng sau khi Liễu Thăng bị giết ở Gò Mã ngay lập túc Vương Thông ra đầu hàng mà không chờ xin lệnh của vua Minh.
Bức thư ấy gồm có ba phần rõ rệt mở đầu, nội dung, kết thúc. Mỗi một phần có một nhiệm vụ khác nhau và kết cấu cũng như nội dung chặt chẽ ấy đã giúp Nguyễn trãi đuổi được quân Minh ra khỏi thành Đông Quan.
Thứ nhất là đoạn mở đầu, tác giả bắt đầu bằng những tư tưởng về thời thế đối với người dùng binh. Nào là người dùng binh phải biết thời thế khi nào đánh khi nào ngưng, mà trong thời thê này thì chỉ có cách là rút quân về nước không thì chuốc lấy bại vong. Không thì đem quân ra thành để so tài cao thấp. Có thể nói những tư tương về tài dùng binh của Nguyễn Trãi rất đúng đắn và hợp tình thế nên những ai là tướng nắm rõ luật dùng binh thì có thể hiểu rõ mà không phải nói nhiều. Từ hoàn cảnh cụ thể của hai bên Nguyễn Trãi rất sắc sảo phân tích tình hình qua từng lời dụ. Việc làm ấy thể hiện ông tuy là nhà nho nhưng lại rất am hiểu về binh thư yếu lược. Không chỉ vậy nó còn thể hiện sự yêu chuộng hòa bình của dân tộc ta, dĩ hòa vi quý không muốn hai bên tổn thất thêm nữa. Tuy nhiên nếu chúng ngoan cố muốn chiếm nước tới cùng thì quân ta không bao giờ lùi bước. Tuy chúng ta nắm thế chủ động trên chiến trường nhưng đối với từng tướng ta lại có cách khác nhau,mỗi lần một khác đều linh hoạt. Tác giả phân tích thời thế rồi sử dụng cương hay nhu. Ví dụ như Vương Chính,Mã Kì tàn ác ngoan cố hì tiêu diệt còn Vương Thông, Sơn Thọ thì phân tích tình hình khuyên nhủ. Cuối cùng đề là khuyên hàng không thì khích tướng để dụ chúng ra trận mau chóng kết thúc. Bức thư vừa có tình lại vừa thể hiện ý chí quyết đuổi giặc về nước.
Tiếp đó Nguyễn Trãi nói về cái thế của nhà Minh ở Trung Quốc, lại nói cái thế quân Minh ở Đông Quan rồi chỉ ra sáu nguyên nhân bại vong của giặc. Cái thế của nhà Minh ở Trung Quốc có ba điều bất lợi: Chính sách hà khấc tất dẫn đến diệt vong. Phía Bắc có giặc Thiên Nguyên đe dọa. Trong nước có nội loạn ở Tầm Châu. Bằng những dẫn chứng lịch sử cụ thể Nguyễn Trãi đã nêu lên cả tình hình rối ren của Trung Quốc lúc bấy giờ. Ngày xưa nhà Tần thôn tính sáu nước, chuyên chế bốn bề không lo đức chính mất nước nhà tan. Nhà Ngô mạnh không bằng nhà Tần mà lại quá hà khắc. Khá hay cho sự khích tướng của Nguyễn Trãi khi nói Trung Quốc suy thoái lại đi nhờ uy Trương Phụ đâu có đáng mặt trượng phu chỉ đáng làm đàn bà thôi. Mà chí làm trai thời trung đại lớn lắm đàng hoàng là một bậc trượng phu mà bị ví như đàn bà thì thật nhục lắm. Trong tình thế hiện nay mà Trương Phụ có đem quân đén thì cũng chỉ là đi vào chỗ chết. Không những thế Nguyễn trãi còn phân tích cái khốn của quân Minh trong thành Đông Quan. Chúng mệt mỏi rệu rã lương không có ăn, tinh thần chiến đấu giảm xuống. Khi đó quân ta chưa cần giết thì chúng cũng tự giết nhau rồi.
Từ những phân tích tình hình sắc sảo trên Nguyên Trãi đưa ra sáu nguyên nhân khiến chúng bại trận. Thứ nhất là những khó khăn chồng chất mà chúng đang gặp phải, không thể vượt qua. Nguyên nhân thứ hai là không có viện binh đến cứu, giặc Minh ở Đông Quan rơi vào tình cảnh “nước xa không cứu được lửa gần”. Nguyên nhân thứ ba là triều đình nhà Minh đang phải lo đối phó với quân Nguyên, không rỗi mà quan tâm đến tình cảnh bi đát của đám tướng sĩ xâm lược ở nước Nam. Nguyên nhân thứ tư là nội chiến xảy ra liên miên khiến cho dân chúng sống dưới triều đại nhà Minh không được yên ổn, đâm ra chán nản và thất vọng. Nguyên nhân thứ năm là ở triều đình nhà Minh, bọn gian thần chuyên chính, nội bộ lục đục tranh giành quyền lực, gây ra cảnh nồi da xáo thịt. Nguyên nhân thứ sáu là lực lượng nghĩa quân Lam Sơn càng ngày càng mạnh mẽ, trong khi quân Minh ngày càng mỏi mệt, nhụt chí chiến đấu.
Chỉ sáu tháng sau khi bức thư này được gửi đi, hai cánh quân do Liễu Thăng chỉ huy kéo vào Lạng Sơn. Mộc Thạnh chỉ huy năm vạn quân vào Lào Cai cả hai viện binh đều thất bại thảm hại. Qua đó ta thấy sáu cái cớ mà tác giả nêu ra đã thể hiện cái nhìn xa trông rộng của ông.
Cuối bức thư ông vạch ra hai con đường đi cho giặc một là rút quân về nươc hai là nếu ngoan cố và hiếu chiến thì sẽ “ra giao chiến ở giữa đồng bằng để quyết một trận thư hùng” chứ đừng “ngồi rũ một xó hang ngồi bắt chước cái lối đàn bà mà mang cái nhục khăn yếm như thế”.
Như thế có thể thấy rõ Nguyễn Trãi đã viết lên một bản đồ phân tích chiến sự rõ ràng và thuyết phục, chỉ ngặt một nỗi Vương Thông không nghe thì kết cục vẫn cứ là thất bại thảm hại mà thôi. Với giọng văn lúc khoan thai nhịp nhang như khuyên bảo nhưng khi đe dọa khích tướng thì mới cay nghiệt làm sao. Hay cả khi đe dọa thì ý chí ngút ngàn tác giả đã tỏ ra rất khôn khéo trong việc tấn công tinh thần của địch. Những câu nói ngắn gọn nhưng súc tích mà lại truyền tải nội dung lớn.
Qua đây ta hiểu thêm về con người Nguyễn Trãi cũng như mảng văn chương chính luận của ông. Nguyễn Trãi khôn chỉ giỏi yêu thiên nhiên yêu con người mà còn giỏi tấn công tinh thần địch làm cho chúng đã rệu rã khốn đốn lại càng khốn đốn nhiều hơn nữa. Phải chăng Nguyễn trãi đã sử dụng ngòi bút của mình như một vũ khí để đánh bại kẻ thù xâm lược.
Phân tích Thư dụ Vương Thông lần nữa - Mẫu 5
Nguyễn Trãi là nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam trên các tư cách anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn, nhà tư tưởng, nhà chính trị – quan chức, nhà ngoại giao, nhà sử học và địa lý học. về hoạt động xã hội, ông là bậc khai quốc công thần một lòng đắp xây vương triều Lê trong buổi ban đầu. Gắn với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh, trên cương vị Tuyên phụng đại phu, Hàn lâm thừa chỉ, Nguyễn Trãi đã có tập thư binh vận Quân trung từ mệnh tập nổi tiếng, sử dụng “đao bút” như một thứ vũ khí lợi hại, từng bước làm tan rã tinh thần quân địch. Bên cạnh các tác phẩm văn chương xuất sắc như Bình Ngô đại cáo, Phú núi Chí Linh, Ức Trai thi tập (105 bài thơ chữ Hán), Quốc âm thi tập (254 bài thơ chữ Nôm) và biên soạn bộ sách Dư địa chí nổi tiếng…, phải ghi nhận Quân trung từ mệnh tập có một vị trí đặc biệt trong sự nghiệp thơ văn Nguyễn Trãi nói riêng, trong dòng văn chính luận và binh vận, ngoại giao của toàn dân tộc nói chung. Xét trên phương diện văn bản học, đến nay các nhà nghiên cứu đã xác định Quân trung từ mệnh tập có tới 62 văn thư, được viết trong khoảng thời gian từ 1423 – 1426, giữa khi cuộc chiến chống quân Minh đang diễn ra quyết liệt[1].
Sau cả mười năm dài chịu sự thống trị của giặc Minh và trăn trở tìm đường cứu nước, có thể nói những ngày theo về cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi và được trọng dụng là những năm tháng hào sảng nhất trong cả cuộc đời Nguyễn Trãi. Đó là khoảng thời gian ông đã trong ngoài bốn mươi tuổi – “tứ thập nhi bất hoặc” – lứa tuổi đã đến độ chín của tri thức và tài năng, đã định hình tính cách, đã xác lập bản lĩnh một cái tôi cá thể không dễ đổi thay, càng không dễ nhào nặn lại theo khuôn mẫu mới. Nghiệm sinh bao nhiêu năm trời trong cảnh nước mất nhà tan, Nguyễn Trãi đau nỗi đau của bậc kẻ sĩ, thức giả, nỗi đau không ở thể xác mà thấu nghiệm qua lòng trắc ẩn, qua tầm nhìn hướng về làm dâu trăm họ, nỗi đau không chỉ gợi bởi số phận cá nhân mà nâng tới tầm ý thức về cộng đồng, dân tộc, quốc thể. Tất cả sức mạnh tinh thần yêu nước và nguồn tri thức cổ kim đã giúp ông vận dụng, phát huy vào việc xác định nhiệm vụ và mục tiêu trọng đại của cả nước lúc này là đánh đuổi ngoại xâm, bằng mọi giá quyết giành lại quyền độc lập dân tộc. Đã nhiều lần ông tỏ ý phê phán nhà Hồ nhưng trước sau vẫn khẳng định triều Trần, khẳng định quyền tự quyết dân tộc và phê phán nhà Minh không thể mượn cớ đi xâm lược nước khác. Ngay khi xây dựng được lực lượng lớn mạnh, Nguyễn Trãi đã tiến tới khẳng định bờ cõi nước Nam có quyền đứng riêng với phương Bắc, coi đó là chân lí và mục đích tối thượng của người Nam. Với tư cách là những bản văn thư binh vận liên quan trực tiếp đến các Tổng binh, Đô đốc, quan tướng, đại nhân thiên triều, mỗi lời văn trong Quân trung từ mệnh tập đều gắn với quyền lợi dân tộc, với sự an nguy, thành bại, được mất ở một thời điểm cụ thể trước mắt cũng như kế sách giữ nước lâu dài. Chính với sự hiểu biết thời cuộc sâu sắc mà Nguyễn Trãi biết phân hoá đội ngũ tướng giặc, kiên quyết với kẻ ngoan cố đối địch, mưu lược với bọn kiêu căng, mềm dẻo với bọn quyền thế, luận lí chữ nghĩa sắc sảo với những tướng nho nhã. Trong số những văn thư còn lại, Nguyễn Trãi viết tới 17 thư cho riêng Tổng binh Vương Thông (và thêm chín thư gửi chung cho Vương Thông cùng các viên tướng khác) với những lời lẽ khúc chiết, luận giải chặt chẽ, tình lí đủ đầy. Đến Thư lại dụ Vương Thông được viết vào khoảng tháng 2 – 1427, sau mấy tháng quân ta vây đánh thành Đông Quan, Nguyễn Trãi nhấn mạnh nhiều hơn cái thế tất thua của giặc: “Người giỏi dùng binh là ở chỗ hiểu biết thời thế. Được thời và có thế thì biến mất thành còn, hóa nhỏ thành lớn; mất thời và không thế thì mạnh hoá ra yếu, yên lại thành nguy, sự thay đổi ấy chỉ trong khoảng trở bàn tay”. Nguyễn Trãi phân tích sâu sắc bài học lịch sử cũng như tình hình rối ren từ trong nội bộ triều đình nhà Minh, chỉ rõ tình thế nguy khốn cũng như chính việc làm bất nghĩa của kẻ xâm lược, “một khu Giang Tả không tự giữ được, huống còn mưu toan đi cướp nước khác ư?”. Từ việc phân tích tình hình hiện thực, tương quan lực lượng và xu thế phát triển, Nguyễn Trãi tỏ rõ tư thế đối đầu thách thức, giả định ngay cả khi vua Minh huy động lực lượng đưa viện binh sang cũng chuốc lấy thất bại, làm tan rã tinh thần tướng giặc: “Tinh thế ngày nay, dù có vị ngôi cao đem quân đến nữa, cũng chỉ càng mau chết mà thôi, huống chi Trương Phụ chỉ là đến nộp mạng, thì có gì đáng nói?”. Sau khi vận dụng bài học lịch sử về tương quan thời thế hai nước, Nguyễn Trãi tiếp tục bàn luận cụ thể về những điều lợi – hại, mạnh – yếu, thắng – thua của đạo quân do Vương Thông chỉ huy ngay ở chiến trường nước Nam: “Nay các ông thế cùng lực kiệt, lính tráng mỏi mệt, trong không lương thảo, ngoài không viện binh, bám hờ khu nhỏ mọn, nghỉ tạm thành chơ vơ, há chẳng phải như là thịt trên thớt, cá trong nồi rồi sao
Với tinh thần “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, Nguyễn Trãi không chỉ khẳng định chính nghĩa và sức mạnh dân tộc mà còn triệt để tận dụng mọi cơ hội để vừa đánh vừa đàm, lấy đánh làm cơ sở để thuyết phục, lấy kế tâm công để thuyết hàng, bức hàng, hòa hoãn, mở đường đến thắng lợi. Trên đà thắng lợi, Nguyễn Trãi đi sâu phân tích thời thế: “Nay ta suy tính hộ các ông thì cái cớ bại vong có sáu.
Nước lụt mênh mông, tường rào đổ lở, lương cỏ thiếu thốn, ngựa chết quân ốm, bại vong đó là một ! Xưa Đường Thái Tông bắt Kiến Đức mà Thế Sung phải ra hàng; nay bao nhiêu cửa quan hiểm trở đều có binh tướng đồn đóng, viện binh nếu đến, tất nhiên bị bại; viện binh đã bại, các ông còn trốn đằng trời; bại vong đó là hai ! Nước ông binh khoẻ ngựa béo, nay còn để cả miền bắc để phòng thủ quân Nguyên, không rỗi đâu nhìn sang nước Nam được; bại vong đó là ba ! Can qua liên miên, chinh phạt không nghỉ, người sống chẳng yên, nhao nhao thất vọng; bại vong đó là bốn! Gian thần chuyên chính, chúa yếu trị vì, xương thịt hại nhau, “gia đình sinh biến”; bại vong đó là năm ! Nay ta dấy nghĩa binh, trên dưới đồng lòng, anh hùng tận lực, quân lính càng luyện, khí giới càng tinh, vừa cày ruộng vừa đánh giặc, trong thành quân sĩ mỏi mệt, tự chuốc diệt vong; bại vong đó là sáu!… Ngồi giữ một mảnh thành con để chờ sáu cái cớ bại vong ấy, thật tiếc thay cho các ông Điều này cho thấy Nguyễn Trãi hiểu rõ tình thế triều đình đối phương, thực tế chiến trường và so sánh thực lực đôi bên, có tầm nhìn sâu rộng trên bàn cờ ngoại giao và tác động mạnh mẽ vào tư tưởng quân xâm lược, làm nản chí cả những kẻ đang cố thủ trong thành chờ viện binh. Qua nhiều bản văn thư khác, Nguyễn Trãi tiếp tục phân loại quan tướng giặc thành những bọn quyền thế và thừa hành, bọn hung hăng và chủ hòa, bọn nho nhã và võ biền để có lời lẽ đấu tranh thích hợp. Qua đây có thể thấy được tầm vóc trí tuệ, tư tưởng yêu nước, bản lĩnh và cả phong thái chủ động, đĩnh đạc đầy chất uy-mua của Nguyễn Trãi. Trải suốt một thời gian dài của cuộc chiến, Nguyễn Trãi đã vừa đánh vừa đàm, trước hết căn cứ vào từng giai đoạn, từng hoàn cảnh cụ thể mà định ra đường lối ngoại giao phù hợp. Chính nhờ đó mà những văn thư của ông có được sức mạnh của “đao bút”, từng bước phân hoá và làm thất bại mọi mưu đồ kẻ thù, mau chóng đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi và đảm bảo cho mối quan hệ hữu hảo lâu dài với đế chế phong kiến phương Bắc hùng mạnh.
Nếu như ý thức về quyền độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết trong mọi điều tiên quyết thì Nguyễn Trãi cũng là một nhà cầm quân tài ba, kết hợp hài hòa giữa hai phương sách “đánh” và “đàm”, dựa vào thực lực trên chiến trường mà lựa chọn phương sách thư đàm phù hợp. Với vốn hiểu biết sâu rộng và sự am hiểu thời thế, Nguyễn Trãi đã vận dụng khôn khéo cả một hệ thống điển tích, điển cố Trung Hoa phù hợp thực tế và tạo nên những lập luận chặt chẽ, đanh thép, rõ ràng. Đôi khi ông viện dẫn lời cổ nhân và những thành ngữ đúc kết kinh nghiệm như “Bụng dạ kẻ khác ta lường đoán được”, “Nước xa không cứu được lửa gần” nhằm khẳng định chân lí hiện thực. Ông thường đưa ra những bài học lịch sử và đặc biệt nhấn mạnh sự đối lập về thời thế giữa quá khứ: “Trước đây các ông trong lòng gian dối”, “Ngày xưa nhà Tần thôn tính sáu nước”, “Xưa Đường Thái Tông”, “Trước đây Phương Chính, Mã Kì chỉ chuyên làm những sư hà ngược”,… với một hiện thực đang bày ra trước mắt: “Nay các ông không hiểu rõ thời thế”, “Hiện nay phía Bắc có kẻ địch”, “Tình thế ngày nay”, “Nay các ông thế cùng lực kiệt”, “Nay ở các thành”, “Nay bao nhiêu cửa quan hiểm trở đều có binh lính đồn đóng”, “Nay ta dấy nghĩa binh, trên dưới đồng lòng”… nhằm chỉ rõ hoàn cảnh thực tại, góp phần thức tỉnh và khai thác sâu sắc tâm lí hoang mang, thất bại ngay trong hàng ngũ quan tướng giặc.
Điều quan trọng hơn, Nguyễn Trãi thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, biết cách đạt kết quả cao nhất bằng những tổn thất thấp nhất và cũng sẵn sàng có cách nói nhún nhường, mềm mỏng nhằm sớm chấm dứt chiến tranh, mưu lợi ích cho muôn đời sau. Trong tư thế người chiến thắng, Nguyễn Trãi tự tin mở đường sống cho Tổng binh Vương Thông và quan quân: “Các ông là những người xét rõ sự cơ, hiểu sâu thời thế, vậy nên chém đầu Phương Chính, Mã Kì đem đến cửa quân dâng nộp. Như vậy trong thành sẽ khỏi nạn cá thịt, trong nước sẽ khóc vạ đau thương, hòa hiếu lại thông, can qua xếp bỏ. Nếu muốn rút quân về nước, ta sẽ sửa sang cầu cống, mua sắm tàu thuyền, thuỷ bộ hai đường, tùy theo ý muốn; quân ra khỏi cõi, muôn phần đảm bảo được yên ổn, không lo ngại gì; nước ta lại phụng cống xưng thần, theo như lệ trước”…
Chính nhờ tinh thần yêu nước, tư tưởng nhân nghĩa cao cả và vốn kiến thức sâu sắc mà Nguyễn Trãi nắm bắt đúng cục diện cuộc chiến và định hướng được những quan hệ lâu dài, lường trước được những khả năng diễn biến phức tạp có thể xảy ra và chủ trương xây đắp tinh thần hòa nghị lâu dài giữa hai quốc gia phong kiến ngay trong bản văn thư luận chiến Thư dụ Vương Thông lần nữa. Tinh thần chiến đấu vì độc lập dân tộc, vì hòa bình, vì những giá trị nhân văn nhân đạo cao cả nay sau đó đã được Nguyễn Trãi thêm một lần khẳng định trong bản tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của dân tộc: Họ đã tham sống sợ chết mà hòa hiếu thực lòng – Ta lấy toàn quân là hơn, đế nhân dân nghỉ sức – Chẳng những mưu kế kì diệu – Cũng là chưa thấy xưa nay – Xã tắc từ đây vững bền – Non sông từ đây đổi mới… (Đại cáo bình Ngô).
-/-
Hy vọng với những bài văn mẫu "Phân tích Thư dụ Vương Thông lần nữa" mà Đọc tài liệu tổng hợp giúp các em có thêm tài liệu tham khảo. Cùng với trọn bộ văn mẫu lớp 10 là những tài liệu hữu ích giúp các em học tốt Ngữ Văn 10!