Phân tích tâm trạng của tác giả khi nhớ về miền Tây Bắc

Xuất bản: 24/08/2018 - Cập nhật: 08/07/2020 - Tác giả:

Tham khảo tuyển chọn những bài văn hay chủ đề phân tích tâm trạng của tác giả Quang Dũng khi nhớ về miền Tây Bắc trong bài Tây Tiến

Đề bài: Phân tích tâm trạng của tác giả khi nhớ về miền tây Bắc Bộ và những người đồng đội trong đoạn thơ sau:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.

Hướng dẫn lập dàn ý

I. Mở bài

– Khái quát nội dung bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.

– Đi sâu về nỗi nhớ của tác giả khi nhớ về miền Tây Bắc Bộ.

II. Thân bài

– Đoạn đầu bài thơ chính là đoạn ghi lại những kỉ niệm những kỉ niệm đầy ắp và nỗi nhớ của nhà thơ về những ngày tháng gắn bó cùng binh đoàn:

– Hai câu thơ mở đầu đã tạo ngay ấn tượng về nỗi nhớ:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi.

– Những hình ảnh thiên nhiên như đột ngột hiện lên trong không gian. Đó là con sông Mã kì vĩ và kiêu hãnh chảy từ thượng Lào về đất Việt, đó là rừng, là núi điệp trùng, những nơi đã in dấu chân của binh đoàn Tây Tiến một thời trận mạc, thế mà giờ đây đã xa rồi thì làm sao tránh khỏi nỗi nhớ dâng lên trong lòng người chiến sĩ Tây Tiến năm xưa.

– Nỗi nhớ ấy có địa chỉ, địa danh như đã bắt rễ trong lòng người, nỗi nhớ ấy lại trong một trạng thái thật chơi vơi, mơ hồ như một thoáng buồn xa xôi… Có lẽ nhà thơ đã đạt được cái tài cái tình ấy trong câu thơ “Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi!”.

– Từ hai câu thơ khơi nguồn ấy, mạch chảy dòng tâm sự hoài niệm của nhà thơ mở ra lan toả như một chuỗi kỉ niệm giờ đây thức dậy, lay động và xôn xao trong lòng.

Những đường Việt Bắc của ta,

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay

– Thiên nhiên như cùng hát lên, cùng âm điệu với khúc quân hành của người lính ra trận. Còn với Quang Dũng, bối cảnh thiên nhiên hiện ra trong kí ức và tâm trạng là những hình ảnh sóng đôi của sự trái ngược:

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,

Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống,

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

– Bước hành quân gian lao của người lính vệ quốc mở ra trong không gian nhiều chiều. Ta như nghe thấy bước chân và hơi thở trên đường trường chinh gian lao của người lính qua câu thơ đầy những vần trắc: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”.

– Biết bao nhiêu gian lao thử thách, vừa như muốn quật ngã người lính cách mạng, lại vừa như kích thích họ đi tới, dẫn tới của sự chinh phục.

– Cảnh rừng núi hiểm trở với dốc lên khúc khuỷu, với hun hút cồn mây, với độ cao thấp đến choáng ngợp của “ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”, thế mà hình ảnh của sự sống vẫn chợt hiện ra như tạo nên thế cân bằng: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi’.

– Bên cái hiểm trở dữ dội của thiên nhiên là sự sống thanh bình của con người khiến cho giọng điệu và tâm tình trong thơ Quang Dũng chợt như mềm lại, tạo nên sự linh hoạt đã thành rất đỗi tài hoa trong bút pháp thể hiện:

Chiều chiều oai linh thác gầm thét,

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói,

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.

III. Kết bài

– Với những kỉ niệm về binh đoàn Tây Tiến rất khó mờ phai trong tâm trí, lại thêm bút pháp hoài niệm rất đỗi tài hoa, qua hàng loạt những hình ảnh trái ngược mà hài hoà bổ sung cho nhau, Quang Dũng đã làm sống dậy hình ảnh người lính Tây Tiến, rừng núi Tây Tiến trong nỗi nhớ thật chơi vơi về Tây Tiến.

– Những chuỗi kỉ niệm về thiên nhiên và con người đó như những thước phim vừa chân thực sinh động vừa rất huyền ảo, tình cảm và tài hoa đã góp phân tạo nên thành công cả về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích.

– Có người nhận định rằng với bài thơ Tây Tiến, Quang Dũng đã dựng nên bức tượng đài bằng thơ về hình tượng ngựời lính đánh Pháp trong cuộc kháng chiến gian lao mà dũng cảm và cũng đầy chất thơ của nhân dân ta.

» Tham khảo thêm: Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Bài tham khảo phân tích tâm trạng của tác giả trong bài Tây Tiến

Đã hơn sáu mươi năm kể từ khi bài thơ "Tây Tiến" của Quang Dũng ra mắt bạn đọc. Sáu mươi năm! Dòng thời gian dài đằng đẵng đó đủ để nước chảy đá mòn, đủ để một mái tóc xanh ngả màu tiêu muối, đủ để ta lãng quên một con người, một tác phẩm văn chương. Nhưng với "Tây Tiến" thì không, thi phẩm vẫn vượt lên sự cản phá của thời gian, vượt qua "eo xèo" của dư luận để ngày càng tỏa sáng trong trái tim bạn yêu thơ Việt Nam. Đọc "Tây Tiến", người ta cảm nhận được vẻ đẹp hào hùng, hào hoa, sự hi sinh bi tráng của người lính Tây Tiến và vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của thiên nhiên miền Tây…Tất cả những vẻ đẹp đó, hòa quyện trong nỗi nhớ "chơi vơi" của nhân vật trữ tình. Bằng ngòi bút lãng mạn, tài hoa của mình, Quang Dũng đã tái hiện nỗi nhớ ấy một cách sâu sắc và thấm thía:

"Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

...

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi".

Đoạn trích nằm ở đầu bài thơ, thể hiện sâu sắc tâm trạng của tác giả khi nhớ về miền Tây Bắc và những người đồng đội.

Tây Tiến là một phân hiệu bộ đội được thành lập đầu năm 1947, thành phần chủ yếu là thanh niên trí thức Hà Nội. Nhiệm vụ của họ là phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới phía Tây. Năm 1948, Tây Tiến giải thể để thành lập trung đoàn 52, Quang Dũng cũng chuyển sang đơn vị khác. Sau khi rời đơn vị cũ chưa được bao lâu, Quang Dũng đã sáng tác bài thơ này.

Nỗi nhớ về miền đất, đoàn quân mình đã gắn bó đã được nhân vật trữ tình thể hiện ngay ở hai câu thơ đầu tiên:

"Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi"

Dòng sông là một tín hiệu nghệ thuật rất hay đi vào trong văn chương, biểu tượng cho sự lưu giữ những kỉ niệm khó phai. Bài thơ viết về Tây Tiến nhưng lại bắt đầu bằng hình ảnh sông Mã. Bởi đó là dòng sông chảy dọc miền đất Tây Bắc, là địa bàn hoạt động của người lính Tây Tiến. Sông Mã đã trở thành một chứng nhân lịch sử, một người bạn lớn chia sẻ vui buồn và hơn thế, dòng sông ấy cũng bao lần tiễn đưa người lính về với đất mẹ yêu thương. Phải chăng, nó đã trở thành dòng sông cảm xúc chở nặng những nỗi niềm đầy vơi của lòng người?

Hình ảnh sông Mã đồng hiện với Tây Tiến và đặt ở giữa là "xa rồi", vừa có ý nghĩa với Tây Tiến, vừa có ý nghĩa với sông Mã, và vì "xa rồi" nên trong lòng nhân vật trữ tình thức dậy nỗi nhớ. Sự đồng hiện của sông Mã với Tây Tiến đã hé lộ một cấu tứ: nỗi nhớ về thiên nhiên (vùng đất Tây Bắc) luôn gắn liền với nỗi nhớ về đồng đội. Điệp từ "nhớ" đứng ở đầu mỗi vế trong câu thơ thứ hai cộng hưởng với "chơi vơi" tạo thành một kết hợp đầy ấn tượng. Nhớ "chơi vơi" là nỗi nhớ bâng khuâng, khó tả bởi nó diễn đạt nhiều cảm xúc cung bậc. Âm "ơi" là âm mở, mang âm hưởng vọng dài, lan tỏa. Âm "ơi" bắt đầu từ câu thứ nhất trải dài xuống câu thứ hai như tiếng gọi vọng ra từ những vách đá của núi rừng Tây Bắc, vọng ra từ cõi nhớ ngàn trùng của nhân vật trữ tình.

Nỗi nhớ vừa trải khắp bao la rừng núi vừa cuộn xoáy trong lòng người. Câu thơ đọc lên thấy nhẹ tênh mà bồng bềnh, vương vấn, lan tỏa theo thời gian, không gian như muốn nhấc bổng nhân vật trữ tình ra khỏi thực tại, lơ lửng trong nỗi nhớ thường trực, da diết khôn cùng. Nỗi nhớ ấy, tiếp tục được đánh thức qua những địa danh thân thiết: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông. Đó không phải là những tên gọi vô hồn mà gắn bó với tác giả. Nó gợi ra sự hoang vu, xa vắng của vùng đất Tây Bắc-nơi những người lính Tây Tiến đi trong sương, chìm lấp trong sương. Nỗi nhớ còn dựng kỉ niệm thành bức tranh Tây Bắc hiểm trở, hùng vĩ để tôn lên bức chân dung người lính Tây Tiến:

"Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm 

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống 

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi"

Cái hùng vĩ của cảnh vật được tô đậm thêm ở những hình ảnh miêu tả đầy ấn tượng. Câu thơ "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm" đã sử dụng những vần trắc liền nhau như đoạn đường gồ ghề, lên dốc xuống đèo trên đường hành quân của người chiến sĩ. Đường hành quân vất vả như đường lên đến tận trời, khiến cho thiên nhiên cùng với con người tạo ra một hình ảnh thật thú vị "súng ngửi trời". Mũi súng của người chiến binh được nhân hóa tạo nên một hình ảnh tinh nghịch theo kiểu lính, vừa giàu chất thơ, mang vẻ đẹp cảm hứng lãng mạn. Nó khẳng định ý chí và quyết tâm của người chiến sĩ. Chính vì chất lính trẻ trung ấy mà trước thiên nhiên dữ dội làm họ không bị mờ đi mà nổi lên đầy thách thức. Lúc này đây, thiên nhiên không còn là đối tượng để ngắm nhìn nữa mà là đối thủ "ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống".

Bốn câu thơ là sự kết hợp tuyệt vời giữa vần điệu với nội dung. Sự thay đổi bằng - trắc linh hoạt như những chặng đường hành quân lên thác xuống ghềnh đầy gian khổ. Ở đó, sau những vất vả, có lúc tâm hồn con người được hòa vào những khoảnh khắc thật đẹp "nhà ai Pha Luông mưa xa khơi". Đứng từ trên núi cao nhìn xuống, giữa khoảng mênh mông bao la, khi cơn mưa xa khơi làm cho mọi thứ hiện ra vừa hư vừa thực thì "nhà ai" gieo vào lòng người chiến sĩ có lẽ không phải nỗi băn khoăn mà là một lời tán thưởng cho những gì đang diễn ra trước mắt. "Thi trung hữu họa", bức tranh thiên nhiên được nhìn từ nhiều góc độ và mỗi góc nhìn là một ấn tượng vẻ đẹp khác nhau. Hành trình theo nỗi nhớ của nhà thơ, dường như người đọc cũng đang tham gia vào những vất vả của con người trong kí ức, vui với niềm vui mà họ có được.

Bốn câu thơ tiếp theo, nhà thơ thể hiện sự hi sinh bi tráng của người lính trên chặng đường hành quân đầy chông gai, khó khăn nguy hiểm:

"Anh bạn dãi dầu không bước nữa 

Gục lên súng mũ bỏ quên đời

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người"

Người lính Tây Tiến trong cuộc hành quân gian khổ ấy đã có người ngã xuống vì kiệt sức. Cách nói giảm, nói tránh về cái chết, vừa xót xa vừa ngạo nghễ, cứ như một sự bình tĩnh, thản nhiên đón nhận cái chết, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Để tăng thêm sự bi tráng cho sự hi sinh, Quang Dũng đã điểm tô vào bức tranh thiên nhiên với âm thanh ghê rợn. Tất nhiên là đằng sau đó có hiểm nguy, có đe dọa đến tính mạng nhưng dưới cái nhìn của những chàng trai gan dạ không kém phần tinh nghịch thì chỉ là "gầm thét", "trêu người" mà thôi.

Không chỉ là bức tranh thiên nhiên Tây Bắc, cuộc sống của người dân nơi đây cũng xuất hiện với một vài hình ảnh chấm phá, thoáng qua nhưng gợi rất nhiều. Sau âm thanh ghê rợn của "thác" và "cọp" thì đột ngột mở ra một nỗi nhớ ấm áp về nghĩa tình dân quân:

"Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi"

Chi tiết "cơm lên khói", "thơm nếp xôi" là hình ảnh gần gũi, quen thuộc, gợi ra cảnh gia đình đầm ấm, hạnh phúc. "Mai Châu" đứng đầu dòng thơ thanh nhẹ như ủ sẵn trong đó một mùi hương gợi ra miền đất lành. Nỗi nhớ của nhân vật trữ tình không chỉ dừng lại ở thiên nhiên thơ mộng hùng vĩ, ở người lính Tây Tiến lạc quan giữa núi rừng khắc nghiệt mà còn ở sự gắn bó ấm áp với con người Tây Bắc.

Lính Tây Tiến nay đã "xa rồi" nhưng có bao giờ quên được "Bữa xôi đầu còn tỏa nhớ mùi hương" ấy? Hai tiếng "mùa em" là một sáng tạo độc đáo về ngôn ngữ thi ca. "Mùa em" có phải chăng là để nói đến mùa thiếu nữ với vẻ đẹp e ấp, duyên dáng đã để lại trong lòng người lính trẻ bao niềm thương nỗi nhớ. Có lẽ vì vậy mà điệu thơ trở nên uyển chuyển, mềm mại, tình thơ trở nên ấm áp, tươi vui. Mọi khó khăn gian khổ như bị đẩy lùi, thay vào đó là niềm lạc quan và tình thơ đong đầy.

Đoạn thơ đã để lại một dấu ấn đẹp đẽ về thơ ca kháng chiến mà sự thành công là sự kết hợp hài hòa giữa khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Bên cạnh đó còn có các yếu tố nghệ thuật như sử dụng nhiều từ láy tạo hình, cách sử dụng thanh trắc, điệp từ, nhân hóa, đối lập… tất cả đã tạo nên một đoạn thơ hay và giàu giá trị.

Nỗi nhớ là hạt nhân xuyên suốt trong cảm xúc để nhân vật trữ tình hồi tưởng lại kỉ niệm với binh đoàn Tây Tiến, những kỉ niệm như những đợt sóng từ quá khứ ào ạt tràn về dâng đầy tâm tưởng. Tóm lại, đoạn thơ trên đã thể hiện một cách rung động nỗi nhớ của tác giả về miền Tây Bắc và những người đồng đội trong kháng chiến chống Pháp.

-/-

    Trên đây là dàn bài gợi ý tham khảo cho đề bài văn phân tích tâm trạng của Quang Dũng khi nhớ về Tây Bắc, các bạn có thể đọc thêm nội dung soạn bài Tây Tiến để có được hệ thống dàn ý chi tiết và đầy đủ nhất.

Chúc các bạn học tốt !

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM