Phân tích tác phẩm Xúy Vân giả dại

Xuất bản: 30/05/2023 - Tác giả:

Phân tích tác phẩm Xúy Vân giả dại bao gồm sơ đồ tư duy, dàn ý chi tiết cùng 5 bài văn mẫu đặc sắc phân tích tác phẩm Xúy Vân giả dại giúp học sinh tham khảo.

Dàn ý Phân tích tác phẩm Xúy Vân giả dại

I. Mở bài

- Giới thiệu trích đoạn, tác phẩm.

II. Thân bài

1. Phân tích lớp chèo

1.1. Giá trị nội dung: Đoạn trích đã khắc họa những mâu thuẫn giằng xé trong nội tâm của nhân vật Xúy Vân.

a. Nguyên nhân dẫn đến hành động giả dại:

- Do sống trong cảnh chờ chồng quá lâu lại bị những lời dụ dỗ, tán tỉnh làm cho mê muội, Xúy Vân quyết định dựng lên màn kịch điên loạn. Mục đích của việc làm này là để Kim Nham trả lại tự do rồi đi theo nhân tình.

b. Hành động giả dại của Xúy Vân:

* Lời nói:

- Tự giới thiệu về tên tuổi, tình cảnh.

- Tâm trạng đau đớn, cảm thấy duyên phận lỡ làng.

- Bẽ bàng, xấu hổ vì phụ Kim Nham để đi theo Trần Phương.

- Cảm thấy cô đơn, lạc lõng trong cuộc hôn nhân, không một ai thấu hiểu.

- Ước mơ, khao khát về cuộc sống gia đình hạnh phúc

- Nhớ thương nhân tình.

- Lời xót thương cho phận mình.

- Rơi vào trạng thái điên loạn, không còn tỉnh táo.

* Hành động:

+ Hát, nói bộc lộ tâm trạng đau đớn.

+ Múa điệu bắt nhện, xe tơ, dệt cửi => những động tác thường làm trong công việc hàng ngày của người phụ nữ.

+ Vừa hát vừa cười; đi vào, vừa đi vừa vười => tâm trạng điên loạn, không đủ tỉnh táo.

1.2. Giá trị nghệ thuật:

- Lối nói theo giọng điệu đặc trưng của chèo như: nói lệch, vỉa, điệu sử rầu, nói.

- Các làn điệu hát chèo như: quá giang, con gà rừng, sắp, sa lệch, hát ngược.

- Vũ điệu: múa bắt nhện, xe tơ dệt cửi.

- Chỉ dẫn sân khấu: âm thanh tiếng trống, hành động múa, hát, cử chỉ, điệu bộ của nhân vật.

2. Đánh giá lớp chèo Xúy Vân giả dại

2.1. Đánh giá về nội dung:

- Thông qua lớp chèo "Xúy Vân giả dại", ta thấy được:

+ Khát vọng hạnh phúc, khát vọng sống thật của Xúy Vân.

+ Thái độ xót thương, cảm thông sâu sắc đối với tình cảnh của người phụ nữ trong xã hội xưa.

2.2. Đánh giá về nghệ thuật:

- Nghệ thuật chèo dân gian với những hình ảnh quen thuộc, gần gũi với đời sống sinh hoạt hàng ngày.

III. Kết bài

- Khẳng định giá trị của đoạn trích "Xúy Vân giả dại" nói riêng và chèo "Kim Nham" nói chung.

Sơ đồ tư duy Phân tích tác phẩm Xúy Vân giả dại

Sơ đồ tư duy phân tích tác phẩm Xúy Vân giả dại

Top 5 bài văn hay Phân tích tác phẩm Xúy Vân giả dại

Đọc tài liệu và các em cùng nhau phân tích chi tiết đoạn trích Xúy Vân giả dại để hiểu thêm những nét đặc sắc của nghệ thuật và hiểu để cảm thông với tâm trạng Xúy Vân.

Phân tích tác phẩm Xúy Vân giả dại - Mẫu 1

Trong cuộc sống xã hội, nỗi khổ nào cũng có giới hạn, nỗi đau nào rồi cũng qua đi theo thời gian năm tháng. Thế nhưng có những nỗi đau như đọng thành giọt đắng, thấm vào lòng người thật tê tái, xót xa. Và nó được biểu hiện sâu sắc qua lời tâm sự của người phụ nữ bị thiếu vắng tình yêu, đi theo tiếng gọi tình yêu thì bị xã hội lên án, bị cuộc hôn nhân gượng ép trói buộc, cuối cùng phải chết đi trong niềm đau se thắt; trong cơn mê loạn, điên cuồng. Xúy Vân giả dại - một màn chèo dân gian đặc sắc trong vở Kim Nham sẽ đưa ta đi vào một bi kịch đầy nước mắt.

Xúy Vân - ngưừi vợ trẻ cô đơn phải chờ chồng đi theo tiếng gọi “công danh”. Bao năm dài đằng đẵng sự khao khát tình yêu lứa đôi như rực cháy trong tim nàng. Trái tim nàng như giục giã, đòi giọt nước “ái tình” tươi nhuần, tắm mát. Và nàng đã sa vào cuộc phiêu lưu tình ái với Trần Phương - một tay chơi “nhà cự phú lừng miền tỉnh Bắc”. Trần Phương đã xui nàng “giả dại, làm điên” để chồng là Kim Nham phụ bỏ. Nhưng sau đó, Trần Phương đã “quất ngựa truy phong”, để lại cho nàng một vết thương lòng tê tái. Xúy Vân rơi vào tình cảnh “điên điên dại dại” trong khi Kim Nham đang trong buổi tiệc ăn mừng thi đậu, Xúy Vân hiện lên trong đoạn trích với hình ảnh thật thương cảm, một hình hài xơ xác của một mụ điên, giọng cười man dại:

Đau thiết, thiệt oan

Than cùng bà Nguyệt

Đánh cho lề lệt

Chết ĩnệt con đồng

Đầu tiên là lời thống thiết, van xin xuất phát từ đáy lòng đau khổ. Xúy Vân van xin “bà Nguyệt”. Phải chăng nàng cần sự thông cảm, than về tình duyên của số phận mình. Nỗi đau đã ngấm ngầm chà xát tim gan Xúy Vân, nàng xem mình như kẻ bại trận thảm hại trong cuộc chiến tình trường, như một “con đồng” bị tình yêu quất ngã thật đau đớn. Người xem chỉ thấy một Xúy Vân thật tỉnh táo, nhưng đang chìm trong nỗi khổ triền miên, không gian như ngừng trôi, lắng lại. Bỗng Xúy Vân vút lên trong thảng thốt, xé toạc cả không gian:

Bớ đò, bớ đò!

Tôi la đò, đò nỏ có thưa

Tôi càng chờ, càng đợi, càng trưa chuyến đò

Các câu sau không hề có sự liên kết với phần trên. Đây quả là lời “điên” thực sự. Hình ảnh con đò hiện hữu trong đoạn thơ thật ngẫu nhiên. Con đò có nét gì quen thuộc, thường xuất hiện trong các câu ca dao:

Trăm năm đành lỗi hẹn bò

Cây đa bến cũ con đò khác xưa?

ơ đây, con đò như chiếc bóng mờ mờ, nhạt nhạt mà Xúy Vân như lữ khách cô đơn, lạc lõng trên bờ bến cuộc đời phồn tạp. Ta như cảm thấy được sự trớ trêu của số phận Xúy Vân, nàng dường như đang thống thiết gọi Kim Nham, như gọi một phương tiện sang sông, nàng cảm nhận tuổi xuân của mình từng ngày bị bóp chết bởi sự vò võ, ngóng trông:

Bớ các chị nhiêu ơi, bớ các bạn tình ơi!

Cách con sông nên tôi phải lụy đò

Bởi chưng giời tối phải lụy cô bán hàng.

Xúy Vân lại một lần nữa thống thiết vang lên với nỗi đau trong tận cùng sâu thẳm. Lời lẽ như phảng phất lời tự bạch, biện minh. Lời lẽ thật tỉnh táo. Tâm trạng của Xúy Vân rơi vào sự phức tạp không thể lí giải. Chợt điên rồi lại tỉnh. Nàng ví Kim Nham như một con đò, trong đêm tĩnh mịch, tối trời nàng phải “lụy”. Từ “lụy” có gì nằng nặng, có gì xót xa, nuối tiếc. Nuối tiếc cho sự dun dủi của phận số, một sợi dây oan nghiệt trói buộc nàng vào cuộc hôn nhân hờ hững. Người đọc như thấy Xúy Vân trên sân khấu với nét mặt ủ ê, với lời nói có sự phảng phất đau buồn:

Chẳng nên gia thất thì về

Ở làm chi nữa chúng chê bạn cười

Tôi chắp tay lạy bạn đừng cười

Lòng tôi không giăng gió, tôi gặp người gió giăng.

Rơi vào tình cảnh tình không lôi thoát, Xúy Vân sợ xã hội lên án vì nàng đã dối lòng khi chung sông với Kim Nham. Xúy Vân “chắp tay lạy bạn” để mong tìm sự thông cảm, sẻ chia. Thật tội nghiệp. Cô để cả trái tim mình trên lòng bàn tay chìa ra khắp cả mọi người để chứng minh cho:

Lòng tôi không giăng gió, tôi gặp người gió giăng.

Xúy Vân giải thích với mọi người rằng chính cô là nạn nhân của Trần Phương, của tình yêu bồng bột. Nếu các đoạn trên, ta tìm được cái lôgích thì ở đoạn:

Gió giăng thì mặc gió giăng

Đôi ta chỉ quyết đạo hằng với nhau

Đã rời xa cái khung ngôn ngữ. Phải chăng Xúy Vân đã tìm thấy tình yêu thực sự ở Trần Phương dù biết rằng đó là tình yêu bồng bột, sự sôi nổi, sự xúc động nhất thời? Nàng đã chấp nhận tất cả để “quyết đạo hằng” với Trần Phương dù có mang tiếng là “ngoại tình”. Sự mãnh liệt, khát khao tình yêu của Xúy Vân như cơn sóng biển ồ ạt, rì rào và đã dạt dào trong ta một sự thông cảm. Xúy Vân đã tự tin hơn bao giờ hết. Nàng tin với liều thuốc thời gian, và tình yêu của mình, Trần Phương sẽ được cải tạo chín chắn hơn. Có lẽ nhân dân đã tạo ở nàng một mâu người với khát vong tình yêu cháy bỏng, một cô gái có bản lĩnh tự tin, luôn hành động theo bản năng và là người tuân thủ đặc biệt cái “tình yêu thiên tính”. Sự khát khao cuộc sống lứa đôi của Xúy Vân ta đã bắt gặp trong lời tâm sự của người thiếu phụ chờ chồng của Vương Xuân Linh trong bài thơ Khuê oán:

Khuê trung thiếu phụ bất như sầu

Xuân nhật ngưng trang thướng thúy lâu

Hốt tiến mạch đầu dương liễu sắc

Hối giao phu tế mịch phong hầu.

(Trong khuê trung thiếu phụ chẳng biết sầu

Ngày xuân, ngừng trang điểm bước lên lầu xanh biếc

Bỗng thấy, phía trước con đường ruộng có dương liễu xanh

Hối hận sao lại để chồng đi tìm “Sắc phong”).

Thật vậy, Xúy Vân đã đi vào con đường “rối rắm tơ lòng”, nhưng nàng đã chân thành bày tỏ cái “nhịp sóng lòng” với chúng ta, dù bất chợt đó là lời nói trong cơn mê loạn. Trong tận cùng sâu thẳm của lí trí một người điên, nàng vẫn còn nhận ra đích thị giá trị nhân phẩm của mình:

Nghề dại dột... nhưng tài cao vô giá như đã có lần biện minh:

Lòng tôi không giăng gió, tôi gặp người gió giăng.

Tuy bị tình yêu cuốn đi như cơn lốc, nhưng nàng vẫn còn tỉnh táo để nhận ra sự sai trái, đáng lên án của một kẻ “ngoại tình” là:

Phụ Kim Nham, say đắm Trần Phương

Đang trượt dài trong niềm Ưu tư, ở nàng như bộc phát sự tái tê đến không thể chịu được, và nàng đã hát, hát lên cho vơi đi niềm đau, hát cho tan cả đất trời, điệu hát “Con gà rừng” bỗng dưng ngân vảng:

Con gà rừng

Ăn lẫn với công

Đắng cay chẳng chịu được

Láng giềng ai hay?

Bông dắt bông díu

Xa lắc xa líu

Láng giềng ai hay?

Trong lời hát, hai hình ảnh mâu thuẫn giữa “con gà rừng” và “công” tạo ra sự liên tưởng đặc biệt. Một sự cách xa về giống loài, về giá trị đã tạo nên sự “đắng cay”, chua chát. Phải chăng, Xúy Vân đang gợi cho ta số phận một “Xúy Vân” tài cao vô giá lại phải sống chung với “con gà rừng”, chẳng khác nào nàng đã ám chỉ Kim Nham, để rồi sau đó là thống thiết kêu lên “Láng giềng ai hay?”. Câu nói của nàng như một lời nghi vấn, cần sự giải đáp gây nhức nhối trong lòng người. Tiếp theo nàng đưa ra hình ảnh “bông dắt bông díu”, nhưng lại “xa lắc xa líu”, một sự vương víu, mắc míu được nhấn mạnh, có lẽ đó là sợi dây oan nghiệt trói buộc nàng. Một lần nữa, nàng lại tự hỏi: “Láng giềng ai hay?”. Có lẽ lần nói này đã chan hòa nước mắt, nó nghẹn ngào khi niềm cay đắng dâng lên. Trong tình cảnh này, tâm tư Xúy Vân mâu thuẫn gay gắt giữa tình yêu thiên tính và đạo đức xã hội ám ảnh, cái đạo đức Nho giáo “tam tòng tứ đức” dằn vặt. Nàng đau khổ vì đâu? Điên dại vì đâu? Chúng ta được sự giải thích: “Bởi xuân huyên!”. Lời thật đau nhói, xoáy vào tâm can các bậc cha mẹ. Dù sao, Xúy Vân vẫn chỉ trách phận mình đen đủi, phải vấp ngã trong dòng thác lũ cuộc đời. Hai câu tiếp theo bỗng dưng đột biến kì lạ:

Chờ cho bông lúa chín vàng

Để anh đi gặt, để nàng mang cơm.

Xúy Vân vụt hát lên với ước mơ bình dị, được sum vầy êm ấm trong hạnh phúc đời thường, nó phảng phất tính chất đồng quê. Nó như một định hướng về tương lai phía trước. Phải chăng khi quá đau khổ thất vọng, con người chỉ biết ước mơ thôi? Hai câu này gợi cho ta sự liên tưởng đến câu ca dao:

Trên đồng cạn, dưới đồng sâu

Chồng cày, vợ cấy con trâu đi bừa.

Tiếp theo sau, Xúy Vân thực sự “chìm” trong quá khứ. Nàng múa bắt nhện, xe tơ, dệt cửi... Người xem như thấy một Xúy Vân ngây thơ, trong trắng ở thời con gái - thời dệt nhiều hoa mộng nhất của đời người. Một quá khứ tái hiện trở lại. Ta thấy Xúy Vân đáng thương hơn bao giờ hết. Nhưng rồi, nàng lại cười lên với tràng cười ghê rợn, lại khóc tấm tức, và lại tự mỉm cười. Có lẽ nàng đã điên thực sự trong nỗi đau khổ thật của mình. Hình ảnh con nhện giăng tơ gối đầu trên đoạn thơ như sự giao kết, liên lạc giữa hai người: Xúy Vân - Trần Phương:

Ngồi rồi xem nhện xe tơ

Xe năm sợi chỉ đợi chờ tình nhân

Nhác trông lên núi Thiên Thai

Thấy hai con quạ ăn xoài trên cây.

Hình ảnh “hai con quạ ăn xoài” hiện lên thật đẹp, thật khắng khít, khó tách rời nhau. “Núi Thiên Thai” như một thế giới khác, lánh xa cuộc sống phàm tục, nó bồng bềnh, tươi đẹp của cảnh “non bồng nước nhược”. Sau đó, nàng lại liên tưởng đến mình và người yêu:

Đôi ta dắt díu lên đây

Áo giải làm chiếu, chăn quay làm mùng

Đây quả là một ước mơ táo bạo, tách rời cả khuôn phép đạo đức. Xét ở góc độ nào, niềm ước mơ của nàng vẫn chân thành, nó xuất phát từ trái tim yêu, yêu mãnh liệt, cháy bỏng: Nàng quá yêu; nó bộc lộ sâu săc trong lời than thở:

Tôi thương nhân ngãi

Tôi nhớ nhân tình

Đêm năm canh trằn trọc hòa (cả) năm

Than rằng nhân ngãi cựu hình đi đâu

Nàng thẳng thắn bộc lộ tâm trạng mình - tâm trạng của người con gái dam mê sống, dam mê yêu nhưng bị “tình yêu” trốn chạy, vuột khỏi tầm tay. Xúy Vân lại thêm một nỗi khổ chất chồng: là nạn nhân của mối tình bồng bọt nhất thời. Nàng ví mình như con cá rô bé nhỏ, sa vào “vũng chân trâu”:

Con cả rô nằm vũng chân trâu

Để cho năm bảy cái cần câu châu vào

Nàng bị “cạm bẫy” cuộc đời trói buộc, rồi lại phải nhận bao điều oan trái, đắng cay ập xuống thân phận mỏng manh, như “năm, bảy” cần câu châu vào một con cá rô, mặc cho con cá rô vùng vẫy, lẻ loi, hoảng sợ mà chẳng tìm đâu ra bến đỗ, nơi giải thoát bản thân. Nét tâm lí này như một nếp gấp không thể nào là ủi phẳng phiu được. Càng sống trong thực tại, nàng càng cảm thấy khổ đau, bị cơn sóng lòng dội mạnh. Bỗng dưng, Xúy Vân vận dụng vè nói ngược:

Chuột chạy bờ rào

Muỗi ấp cảnh dơi

Õng Bụt mà bẻ cổ con nai

Cái trứng gà mày tha con quạ lên ngồi trên cây

Cưỡi con gà mà đi đảnh giặc

Câu hát ngược của nàng là sự hòa quyện giữa cái bi và hài. Nàng ẩn giấu cái “bi kịch” đầy nước mắt của mình vào lời hát dân ca để ta có thể cảm nhận “cái tôi” thật sự của nàng qua hình ảnh của một “mụ điên”. Dưới mắt xã hội, kẻ điên như một phần tử bị sa thải khỏi cộng đồng, nhưng Xúy Vân vẫn đề cao giá trị nhân phẩm của mình.

Rồ này ai bán thì mua

Dại này ai thấy không mơ mẩn tình

Lúc thì giả cách làm thinh

Lúc thì giả dại ra hỉnh làm điên

Lúc thì tưởng đến nhân duyên

Cho nên đến nỗi phát điên phát rồ.

Lúc này, Xúy Vân tỉnh táo hơn bao giờ hết. Người xem chỉ thấy một Xúy Vân đáng thương, thân hình tiều tụy, sầu khổ trăm bề. Nỗi tủi khổ như uất nghẹn, tim nàng co thắt, nước mắt bây giờ đã chạy ngược vào tim, cuộc đời giờ đây đối với Xúy Vân chỉ là một vòng tròn oan nghiệt, một con số không vô nghĩa. Trong phút giây này, nàng cảm thấy tủi hổ với Kim Nham và chỉ còn nhắn với Kim Nham vài lời trong niềm chua chát:

Phong thư này nhắn gửi Kim Nham

Anh ở đâu cho chóng mà về

Nghe lời tôi lập một đàn thề

Nghe thời chớ, không nghe để gái này tự vẫn

Màn chèo khép lại trong dư âm của tiếng khóc thì thầm, trong tiếng cười gờn gợn của Xúy Vân, để lại trong mỗi chúng ta một sự chua xót, nén tiếng thở dài. Màn chèo kết hợp hài hòa, tinh vi trong điệu bộ, cử chỉ, nhạc điệu và âm hưởng. Màn chèo với cách diễn tả thật độc đáo tâm trạng của cô gái quá khổ đau trong tình trường. Xúy Vân hiện lên trong suốt màn chèo với một Xúy Vân đáng thương hơn đáng trách. Nàng đã hành động “Phụ Kim Nham say đắm Trần Phương" là vì nàng hành động theo bản năng, theo tiếng gọi tình yêu để vươn tới tình yêu thiên tính. Xét góc độ bên ngoài thì đây là hành động phi đạo đức, đáng lên án, nhưng càng đi sâu vào cái khổ, cái bấn loạn, hỗn độn của nội tâm Xúy Vân, thì niềm thông cảm đã lấn át ý tưởng một mực lên án nàng. Màn chèo "Xúy Vân giả dại” trở thành “đứa con phá bĩnh” với người sáng tạo ra nó, nguyên nhân là nhân dân tôn trọng tâm trạng khách quan. Màn chèo còn là tiếng nói phản kháng các cuộc hôn nhân gượng ép, giả dối. Cái chết của Xúy Vân quả là một bi kịch đầy nước mắt. Và phải chăng nhân dân đã muốn nàng phải trả giá cho hành động quá bồng bột, lãng mạn đã đi ngược đạo đức Nho giáo?

Xuyên suốt màn chèo, ta nhận ra biết bao vẻ đẹp của nhân ái và khát vọng tình yêu đã rực cháy như ngọn lửa thiêng không bao giờ tắt trong trái tim người thiếu phụ. Khát vọng tình yêu tự nhiên nên vẻ đẹp với ánh sáng lung linh của thời đại càng đi sâu và hòa quyện tâm hồn vào con người của Xúy Vân, thông cảm cho nàng hơn bao giờ hết. Vở chèo đã góp chung một tiếng nói phản kháng các cuộc hôn nhân giả dối, gượng ép, ủng hộ tình yêu thiên tính. Đồng thời, ta có thể rút ra cho mình một nhận thức về:

“Người đàn bà cao quý biết bao! Họ bệnh và dệt nên những hoa hồng của thượng giới trong đời sống phàm tục của chúng ta”.

Chính nhịp sóng lòng về tình yêu của người phụ nữ là những nốt nhạc trầm bổng du dương, tạo nên trong tao đàn văn học dân gian một giai điệu không dứt và mãi xao xuyến, rung động tâm hồn con người qua bao thời đại.

Tham khảo thêm: Phân tích tác dụng của một yếu tố nghệ thuật trong văn bản Xúy Vân giả dại

Phân tích tác phẩm Xúy Vân giả dại - Mẫu 2

Thuộc loại hình sân khấu dân gian, chèo được hình thành và phát triển ở nước ta từ rất sớm. Những vở chèo nổi tiếng nhất có thể kể đến như: Quan âm Thị Kính, Kim Nhan…những vở chèo không chỉ nhằm mục đích giải trí mà thông qua vở chèo các tác giả dân gian đã gửi gắm biết bao quan niệm về nhân sinh. Chèo đối với cuộc sống của con người đã trở nên vô cùng quen thuộc, chẳng những vậy mà nhà văn Nguyễn Bính cũng từng viết:

“Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy

Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ

Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay… ”

Trong những trích đoạn chèo hay và nổi tiếng nhất có thể kể đến, đó chính là Xúy Vân giả dại. Trích đoạn chèo này thuộc vở chèo Kim Nham, nói về việc Xúy Vân có những dan díu bất chính với tình nhân là Trần Phương khi chồng vắng nhà. Để có thể đến được với Trần Phương, Xúy Vân đã quyết định giả dại để làm lí do có thể li hôn với Kim Nhan.

Ở phần mở đầu, Xúy Vân xuất hiện với những tiếng hát và hành động quay cuồng, tâm trạng nửa tỉnh nửa mê, nửa ngây nửa dại. Xúy Vân đã cất tiếng hát than thở với bà Nguyệt về tình duyên của mình, sau đó Xúy Vân đã mượn hình ảnh con đò tình duyên để nói về mình, một người phụ nữ mòn mỏi chờ chồng, hạnh phúc dang dở.

“Tôi là đò, đò nhỏ có thưa

Tôi càng chờ, càng đợi, càng trưa chuyến đò”

Tuy lời hát xuất phát từ trạng thái nửa tỉnh nửa ngây nhưng qua lời hát ấy chúng ta vẫn có thể cảm nhận được tâm trạng đầy đau khổ, day dứt của một cô gái đang lo lắng trước tuổi xuân đang trôi qua, hình ảnh của cô gái ấy như một người lữ khách đứng trên bến đò vắng nhưng chưa thấy bóng dáng con đò.

Ở những câu hát tiếp theo, dưới hình thức của những câu thơ lục bát biến thể, Xúy Vân đã thể hiện được tâm trạng của một người con gái đã có chồng, tự do bị trói buộc, mọi thứ đều phải phụ thuộc vào chồng. Muốn qua sông lần nữa thì phải dứt bỏ tình duyên cũ với chồng:

“Chẳng nên gia thất thì về

Ở làm chi nữa chúng chê bạn cười”

Xúy Vân không phủ định mà thừa nhận tình cảm đổi thay của mình, cô gái ấy luôn khát khao tình yêu và có một niềm tin mãnh liệt vào một tương lai đầy hạnh phúc với tình nhân mới củy mình.

“Gió giăng thì mặc gió giăng

Đôi ta chỉ quyết đạo hằng với nhau”

Hình ảnh Xúy Vân mạnh mẽ tìm đến tình yêu của mình đã từng bị coi là hành vi phá bỏ những giá trị đạo đức phong kiến, phá vỡ đạo tam tòng tứ đức, trở thành một người nổi loạn chẳng quá cũng vì quá khát khao tình yêu và đắm chìm trong tình yêu ấy đến nỗi không thể thoát ra được.

Sau những tâm sự, trước tiếng hỏi của vai diễn cũng như sự hô ứng của tác giả thì nhân vật Xúy Vân mới bắt đầu giới thiệu về mình:

“Chẳng giấu gì: tôi tên gọi Xúy Vân

Lấy Kim Nhan nhà khó gian truân

Chồng học vắng thầy ngày mong mỏi"

Khi đã giới thiệu về bản thân mình. Xúy Vân cũng đã mạnh dạn thừa nhận mình đã phụ tấm lòng của Kim Nhan mà say đắm tình nhân trong hiện tại là Trần Phương, dẫu biết là sai trái nhưng tình cảm nào chịu nghe theo sự chi phối của lí trí:

“Phụ Kim Nham say đắm Trần Phương

Nên đến nỗi điên cuồng rồ dại”

Nhưng cũng có những lúc Xúy Vân chợt bừng tỉnh khỏi cơn mê để nhận thức được cái dại khờ của mình:

“Rồ này ai bán thì mua

Dại này ai thấy không mơ mẩn tình

Lúc thì giả cách làm thinh

Lúc thì giả dại ra hình làm điên”

Trích đoạn Xúy Vân giả dại đã làm nổi bật lên tâm trạng nhiều đau khổ, day dứt của Xúy Vân, một cô gái đa tình mà đành phụ tình, đi theo tình yêu mới. Tuy nhiên nàng cũng không hề hay biết rằng người mà mình yêu say đắm Trần Phương lại là một tên Sở Khanh không hơn không kém.

Phân tích tác phẩm Xúy Vân giả dại - Mẫu 3

"Xúy Vân giả dại" là một trong những trích đoạn tiêu biểu của vở chèo "Kim Nham". Đây được đánh giá là lớp chèo xuất sắc của nền chèo cổ. Văn bản "Xúy Vân giả dại" không chỉ ẩn chứa những hấp dẫn về mặt nội dung mà còn thể hiện sự độc đáo của các yếu tố nghệ thuật.

Chèo "Kim Nham" xoay quanh câu chuyện giữa ba nhân vật chính là Kim Nham, Xúy Vân và Trần Phương. Sau khi nên vợ nên chồng với Xúy Vân, Kim Nham tiếp tục lên kinh đô dùi mài kinh sử. Nàng Xúy Vân ở nhà sống trong cảnh "chăn đơn gối chiếc", chờ chồng trở về. Trong lúc ấy, tên Trần Phương xuất hiện và tán tỉnh Xúy Vân. Nàng xiêu lòng rồi giả điên với hi vọng Kim Nham trả lại tự do cho mình để đi theo nhân tình. Đoạn trích "Xúy Vân giả dại" diễn tả cảnh nàng tự dựng lên màn điên loạn của bản thân nhằm che mắt chồng.

Có thể thấy, ở toàn bộ trích đoạn, Xúy Vân đã trực tiếp bày tỏ nỗi lòng, tâm trạng của mình. Mọi lời nói, hành động của nàng đều tập trung thể hiện những mâu thuẫn giằng xé trong nội tâm. Ngôn ngữ mà nàng sử dụng là ngôn ngữ của kẻ nửa tỉnh nửa điên.

Thông qua lời tự giới thiệu, tác giả dân gian đã cung cấp cho người đọc một số thông tin về tên, tài năng, tình cảnh của nhân vật:

"Bước chân vào tôi thưa rằng vậy,

Chẳng giấu gì Xúy Vân là tôi.

Tuy dại dột, tài cao vô giá,

Thiên hạ đồn rằng tôi hát hay đã lạ,

Ai cũng gọi là cô ả Xúy Vân.

Phụ Kim Nham, say đắm Trần Phương,

Nên đến nỗi điên cuồng, rồ dại."

Nàng tuy dại dột nhưng "tài cao vô giá", được mọi người đồn có tài hát hay. Chứng tỏ, Xúy Vân cũng là người phụ nữ tài hoa. Ngoài ra, lời thừa nhận "Phụ Kim Nham, say đắm Trần Phương/ Nên đến nỗi điên cuồng rồ dại." của Xúy Vân càng khắc họa rõ những giằng xé trong nội tâm nhân vật.

Mở đầu đoạn trích, Xúy Vân trực tiếp bày tỏ nỗi đau đớn, tủi hờn:

"Đau thiết thiệt van.

Than cùng bà Nguyệt.

Đánh cho tê liệt,

Chết mệt con đồng.

Bắt đò sang sông,

Bớ đò, bớ đò."

Nàng đau khổ tới mức phải kêu lên, than thở cùng với ông Tơ, bà Nguyệt. Xúy Vân trách duyên phận mình dang dở, lỡ làng. Do hoàn cảnh xô đẩy nên nàng buộc lòng phải theo"Nên tôi phải lụy đò,/ Cách con sông nên tôi phải lụy đò," để rồi từ đó rơi vào bi kịch.

Đâu chỉ dừng lại ở đau khổ, xót xa, nàng còn bộc lộ nỗi xấu hổ, bẽ bàng qua câu "Không trăng gió lại gặp người gió trăng". Xúy Vân nhận thấy bản thân mình không "trăng gió", chỉ vì gặp người đàn ông phong lưu, đa tình nên mới xiêu lòng. Nhận thức được sai lầm, nàng khuyên mọi người phải giữ lấy chuẩn mực, cốt cách của người phụ nữ "Gió trăng mặc thời gió trăng,/ Ai ơi giữ lấy đạo hằng chớ quên". Xúy Vân khuyên người nhưng cũng chính là lời nhắc nhở bản thân.

Trong điệu hát con gà, nỗi niềm đắng cay, bực tức được thể hiện rõ nét. Nàng dùng hình ảnh "con gà rừng", "con công" để khẳng định sự bơ vơ, lạc lõng. Đồng thời, thể hiện ý thức về địa vị, vai trò của bản thân. Nàng nhận thấy mình thấp kém, chênh lệch so với người chồng. Không những vậy, câu "Láng giềng ai hay, ức bởi xuân huyên" được lặp lại hai lần đã nhấn mạnh vào nỗi uất ức, cùng cực của Xúy Vân. Nàng phẫn uất trước sự sắp đặt của cha mẹ. Vì thế, nàng luôn khao khát có được cuộc sống gia đình hạnh phúc như bao người:

"Chờ cho bông lúa chín vàng,

Để anh đi gặt, để nàng mang cơm"

Đến đoạn nói điệu sử rầu, hát sắp, nhân vật bộc lộ sự tự ý thức về chính mình. Nàng mắc kẹt trong mối duyên tình với Trần Phương "Tôi thương nhân ngãi, tôi nhớ nhân tình,/ Đêm năm canh tôi thức cả vừa năm.". Biện pháp ẩn dụ trong đoạn hát sắp: "Con cá rô nằm vũng chân trâu,/ Để cho năm bảy cần câu châu vào!" thể hiện tình cảnh bế tắc, không lối thoát của Xúy Vân. Nàng như con cá ở trong vũng nước nhỏ, xung quanh chứa đầy rủi ro, bất trắc. Cho nên, lúc nào Xúy Vân cũng sống trong cảm giác bất an, sợ hãi.

Cuối cùng, Xúy Vân thực sự nhập tâm và hóa điên trong đoạn hát ngược. Các hình ảnh, từ ngữ được liên hệ đầy bất thường, phi logic:

"Một đàn các cô con gái lội sông té bèo.

Chuột đậu cành rào, muỗi ấp cánh dơi,

Ông Bụt kia bẻ cổ con nai,

Cái trứng gà mà tha con quạ lên ngồi trên cây.

Ở trong đình có cái khua, cái nhôi,

[...] Cưỡi con gà mà đi đánh giặc!"

Nó cho thấy nàng thực sự không còn giữ nổi sự tỉnh táo trong cả hành động lẫn lời nói. Chỉ có những người thần trí không bình thường mới khó có thể phân biệt được ngược, xuôi. Những câu hát tưởng chừng như vô nghĩa lại mở ra đời sống nội tâm phức tạp, phong phú với những rối bời. Xúy Vân lúc này đã thực sự đánh mất mình và hoàn toàn rơi vào trạng thái mất phương hướng.

Bên cạnh lời thoại, tâm trạng của Xúy Vân còn được mô tả thông qua hành động như hát, nói, múa. Nàng múa điệu bắt nhện, xe tơ, dệt cửi trên nền trống rồi vừa hát vừa cười. Những hành động này cho thấy khát khao cháy bỏng của Xúy Vân về cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Nàng cũng muốn được trở thành vợ hiền, dâu thảo. Thế nhưng, hiện thực khiến mong ước ấy trở nên xa vời. Kết thúc điệu hát ngược, nàng đi vào vừa đi vừa cười điên dại càng làm nổi bật tình trạng thiếu minh mẫn, đau khổ, tuyệt vọng.

Bên cạnh yếu tố nội dung thì nghệ thuật cũng là phương diện quan trọng góp phần tạo nên thành công cho đoạn trích. Lớp chèo "Xúy Vân giả dại" được tác giả dân gian sử dụng lối nói theo giọng điệu đặc trưng: nói lệch, vỉa, điệu sử rầu, nói kết hợp với các làn điệu hát chèo như: quá giang, con gà rừng, sắp, sa lệch, hát ngược. Ngôn ngữ chèo mang đậm màu sắc dân gian, sử dụng chất liệu ca dao, dân ca và thể thơ truyền thống. Ngoài ra, các chỉ dẫn sân khấu: âm thanh tiếng trống, hành động múa, hát, cử chỉ, điệu bộ giúp cho vở diễn được trơn tru, hấp dẫn hơn.

Như vậy, thông qua lớp chèo "Xúy Vân giả dại", ta thấy được khát vọng hạnh phúc, khát vọng sống thật của nhân vật Xúy Vân. Đồng thời, bày tỏ nỗi xót thương, cảm thông sâu sắc đối với tình cảnh của người phụ nữ trong xã hội xưa.

Tóm lại, giữa sự nở rộ của hàng ngàn loại hình giải trí, chèo cổ vẫn luôn có sức sống mãnh liệt, bền bỉ với thời gian. Đoạn trích "Xúy Vân giả dại" nói riêng và chèo "Kim Nham" nói chung vẫn giữ được vị trí đặc biệt trong lòng người dân Việt Nam.

Phân tích tác phẩm Xúy Vân giả dại - Mẫu 4

Trong đoạn trích "Xúy Vân giả dại" của vở chèo "Kim Nham", chúng ta thấy tâm trạng bi kịch của nhân vật Xúy Vân được thể hiện một cách sâu sắc. Xúy Vân là một người phụ nữ đáng thương, đối mặt với sự giằng xé giữa khát vọng tình yêu và hạnh phúc, và hoàn cảnh khắc nghiệt của một người phụ nữ trong xã hội cổ truyền.

Xúy Vân được miêu tả là một người phụ nữ nết na, thuỳ mị, đáng yêu. Cô là con gái huyện Tề, được cha gả cho cậu học trò nghèo từ Nam Định - Kim Nham. Tuy nhiên, trong quá trình chờ đợi chồng "dùi mài kinh sử" nơi xa trở về, Xúy Vân bị Trần Phương, một người đàn ông giàu có, tán tỉnh và lừa dối cô để thoát khỏi hôn nhân với Kim Nham. Xúy Vân giả dại trong hy vọng được chồng chữa lành, nhưng cuối cùng cô phải trả tự do và đau khổ cho quyết định đó. Trần Phương hứa hẹn, Xúy Vân cảm thấy đau khổ và điên thật. Trong khi đó, Kim Nham trở thành một người thành đạt, được bổ nhiệm làm quan. Khi nhận ra vợ cũ đang đi ăn xin, Kim Nham đặt một ít bạc vào nắm cơm để trao cho Xúy Vân, nhưng cô cảm thấy xấu hổ và tự vẫn bằng cách nhảy xuống sông.

Đoạn trích "Xúy Vân giả dại" là một cảnh đặc sắc trong vở chèo "Kim Nham". Trong nghệ thuật chèo, mỗi vở chèo thường có một hoặc hai cảnh nổi bật, và cảnh này trở thành linh hồn và sức sống của tác phẩm. Cảnh "Xúy Vân giả dại" là một phần như vậy. Đoạn trích này thể hiện tâm trạng bi kịch của Xúy Vân.

Xúy Vân thuộc loại đào pha trong nghệ thuật chèo. Cô là hiện thân của số phận bi kịch, bị giằng xé giữa khát vọng tình yêu và hạnh phúc, và cuộc sống khắc nghiệt trong xã hội cổ truyền. Tuy cô là một người phụ nữ nết na, thuỳ mị, nhưng Xúy Vân phải đối mặt với nhiều đau khổ và sự phản bội từ những người xung quanh.

Trong đoạn trích, tình huống Xúy Vân giả dại được sử dụng để tạo ra sự căng thẳng và nuối tiếc trong tâm trí người xem. Người xem sẽ cảm nhận được tâm trạng phức tạp và đau đớn của Xúy Vân thông qua cử chỉ, diễn xuất và âm nhạc. Đây là một trong những cảnh đặc biệt trong vở chèo "Kim Nham", đóng vai trò quan trọng trong việc truyền đạt thông điệp và cảm xúc sâu sắc của tác phẩm.

Tuy vở chèo "Kim Nham" và đoạn trích "Xúy Vân giả dại" đã được sáng tác từ lâu và thuộc văn hóa dân gian Việt Nam, nhưng tác phẩm này vẫn giữ được giá trị và sức hấp dẫn cho khán giả hiện đại. Nó không chỉ thể hiện vẻ đẹp nghệ thuật của chèo mà còn đề cập đến các vấn đề xã hội, con người và tình yêu đầy phức tạp. Từ đó, người xem có thể suy ngẫm về ý nghĩa và thông điệp sâu xa mà tác phẩm mang lại.

Phân tích tác phẩm Xúy Vân giả dại - Mẫu 5

Chèo là một loại hình sân khấu dân gian kết hợp nghệ thuật hát, múa, diễn rất hài hoà. Các làn điệu chèo rất phong phú, đa dạng; lời chèo thấm quyện ca dao, dân ca một cách tài tình.

Những trích đoạn như “Thị Mầu lên chùa ”, “Xuý Vân giả dại”, “Thị Phương dắt mẹ chồng chạy giặc”, “Tuần Ty gặp đào Huế”… được nhiều người yêu thích, xem mãi vẫn muốn xem, không chán.

Trích đoạn “Xuý Vân giả dại” nằm trong phần hai vở chèo “Kim Nhan”. Xa chồng lâu ngày, Xuý Vân dan díu với Trần Phương, bị dụ dỗ, nàng giả điên giả dại, lập mưu để Kim Nhan li dị. Với ánh mắt bốc lửa, tiếng hát đắm say, với bước đi, điệu lượn, cánh tay múa… như điên cuồng, nhân vật Xuý Vân từng để lại nhiều ấn tượng về lửa tình, về bi kịch tình yêu trong lòng khán giả. Nhiều nghệ sĩ chèo đã thành danh qua vai chèo “Xúy Vân giả dại”.

Mấy câu mở đầu, Xuý Vân xuất hiện (chưa xưng danh) từ nói lệch, đến hát xuôi, cô nàng quay cuồng với tâm trạng dở tỉnh dở điên, dở ngây dở dại. Cất tiếng than bà Nguyệt (trách duyên số) rồi réo cô đồng, rồi cất tiếng hát nói về con đò, con đò tình duyên của một cô gái chờ chồng, đợi chồng đi xa:

“Tôi là dò, đò nỏ có thưa

Tôi càng chờ, càng đợi, càng trưa chuyển dò”.

Buồn và lo vì tuổi xuân sẽ trôi qua, như kẻ đứng trên bến vắng chờ đò “càng trưa chuyến đò”

Những câu hát tiếp theo là những câu thơ lục bát phá thể, biến thể, thể hiện tâm trạng đầy bi kịch của người con gái đã có chồng (như gông đeo cổ) nên phải “lụy dò” lúc muốn “qua sông”, muốn dứt bỏ mối duyên tình cũ:

“Chẳng nên gia thất thì về

Ở làm chi nữa chúng chê bạn cười”

Chẳng cần chi úp mở, cô gái thổ lộ mối tình “gió giăng ” của mình, với niềm tin sẽ cùng với tình nhân “gió giăng” sống đến đầu bạc răng long, trọn vẹn “đạo hằng” thuỷ chung:

“Gió giăng thì mặc gió giăng

Đôi ta chỉ quyết đạo hằng với nhau”

Tâm trạng “nổi loạn” ấy của Xuý Vân cho đến nay vẫn còn làm cho nhiều khán giả ngỡ ngàng, ngạc nhiên. Phải chăng đó là sự “bứt phá” đạo tam tòng tứ đức lễ giáo phong kiến của một người con gái đang “nổi loạn ”?

Sau tiếng hỏi của vai diễn và tiếng đế hô ứng của khán giả, Xuy Vân mới xưng danh:

“Chẳng giấu gì: tôi tên gọi Xuý Vân

Lấy Kim Nhan nhà khó gian truân

Chồng học vắng chầy ngày mong mỏi

Tôi ngồi từ tối

Đợi khách tha nhang

Gái phải nằm hàng

Nghề dại dột… nhưng tài cao vô giá

Thiên hạ đồn tôi hát hay đã lạ

Ai cũng gọi là cô ả Xuý Vân

Phụ Kim Nhan say đắm Trần Phương

Nên đến nỗi điên cuồng rồ dại… ”

Rồi Xuý Vân cất điệu “hát con gà rừng” thể hiện một duyên phận trớ trêu, khác nào “Con gà rừng ăn lẫn với công”, vô duyên lấy phải anh chồng vai u thịt bắp, sống cuộc đời lam lũ: “Để anh đi gặt lúa, để cô nàng mang cơm”. Xuý Vân tự cho mình là con quan, cao môn lệnh tộc, còn Kim Nhan là con nhà nghèo hèn, cục mịch tầm thường.

Rồi nàng lại chuyển sang “hát xe chỉ” diễn tả tâm trạng mong nhớ “đợi chờ tình nhân”, ước ao khát khao muốn được cùng Trần Phương sống trong tình yêu hạnh phúc “Áo giải làm chiếu, chăn quây làm mùng”. Hát rồi nói, bộc lộ một tâm trạng cô đơn của cô gái đa tình:

“Tôi thương nhân ngãi

Tôi nhớ nhân tình

Đêm năm canh trằn trọc hoà năm

Than rằng nhân ngãi cựu tình đi đâu”?

Đoạn “hát ngược ” đã thể hiện tâm trạng trăm mối tơ vò của một cô gái giả dại mà ngọn lửa tình ngùn ngụt, mà nỗi khao khát dục tình cháy bỏng khôn nguôi. Giả dại, giả điên hay hóa cuồng? Ngược đời trong tự nhiên cũng là nghịch lí trong tâm trạng người con gái đa tình mà thất tình: “Muỗi ấp cánh dơi… Cái trứng gà mày tha con quạ lên ngồi trên cây…”

Rồi Xuý Vân như chợt bừng tỉnh, giải thích rõ cái dại, cái rồ, cái điên của mình:

“Rồ này ai bán thì mua

Dại này ai thấy không mơ mẩn tình

Lúc thì giả cách làm thinh

Lúc thì giả dại ra hình làm điên

Lúc thì tưởng đến nhân duyên

Cho nên đến nỗi phát điên, phát rồ”.

Trần Phương đã qua mụ quán xúi Xuý Vân giả dại để thoả tình giăng gió, gió giăng. Phải xem chèo và nghe chèo mới cảm thấy cái hay màn chèo “Xuý Vân giả dại”. Trích đoạn này đã làm nổi bật tâm trạng đau khổ của một cô gái đa tình mà thất tình, muốn dứt bỏ, đập phá mối quan hệ vợ chồng với Kim Nhan để chạy theo mối tình mới với Trần Phương – một Sở khanh mà nàng đâu biết.

Nỗi khát khao về tình yêu hạnh phúc lứa đôi, nỗi buồn cô đơn của ngư i vợ trẻ trong cảnh ngộ “thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây” của Xuý Vân là điều có thể cảm thông và thương cảm.

Xuý Vân giả dại là khởi đầu của một sự trượt dốc để không bao lâu thân tàn ma dại trở thành hành khất, rồi bị điên, rồi tự tử. Cái kết cục bi thảm đó đã làm cho cảm hứng nhân đạo thấm sâu vai chèo, màn chèo.

Cái bánh vẽ tình yêu mà Trần Phương trao cho Xuý Vân, nàng tưởng là ngọt ngào nhưng vô cùng cay đắng.

Màn chèo Xuý Vân giả dại đã thể hiện sâu sắc quan niệm của nhân dân về tình yêu lứa đôi, về sự đau khô dại khờ trong tình yêu lứa đôi. Câu hỏi được đặt ra: “Thế nào là tình yêu hạnh phúc gia đình chân chính?” cứ xoáy sâu mãi vào những người yêu thích chèo Kim Nham.

Vở chèo Kim Nham được bắt đầu bằng cuộc hôn nhân giữa Xuý Vân với cha nẹ Kim Nham. Cuộc gả bán vội vàng, không có tình yêu đó đã đưa đẩy Xuý Vân làm nên bi kịch của chính mình và trở thành một trong những nhân vật đào lệch đặc sắc của chèo cổ. Lấy chồng chẳng được gần chồng, thân thế nông dân lại bị gả vào gia đình chữ nghĩa, cô tự thấy mình lạc lõng, vô nghĩa trong gia đình Kim Nham, chẳng có ai bầu bạn, cũng không người chia sẻ. Tâm trạng đó được thể hiện qua câu hát của Xuý Vân “gà rừng ăn lẫn với công – Đắng cay chẳng có chịu được ức…”. Cô ví mình như con gà rừng ngu ngơ, lạc lõng, đành chịu cay đắng giữa bầy công cao sang, xa lạ.

Đang trong cảnh tù túng bế tắc đó, gặp Trần Phương là tay chơi nổi tiếng đất Đông Ngàn mà cô không biết, cô yêu hắn tưởng như túm được chiếc phao cứu đỡ cho cuộc đời. Nghe lời ngon ngọt của Trần Phương, Xuý Vân giả dại để được trả về nhà với hi vọng được sống với người mình yêu, được thoát khỏi cảnh tù túng để bay ra cuộc sống tự do. Những câu hát điên dại của Xuý Vân không phải tất cả đều là điên dại, ngược lại phần lớn nhũng câu nói và hát đó đều là những lời cay đắng tự trong tâm can cô, phản chiếu niềm khao khát mãnh liệt của một tâm hồn trẻ trung, muốn giao cảm với đời. Cô đã mượn lời nói khi điên dại, khi bóng gió để thể hiện nỗi lòng và bộc lộ tâm trạng của mình, điều mà khi tỉnh không một người phụ nữ nào trong xã hội phong kiến xưa đủ can đảm bộc lộ.

Xuý Vân vừa rối rít gọi đò “bớ đò, bớ đò”, lại vừa chán chường trong lời hát :

“Tôi kêu đò, đò nọ không thưa

Tôi càng chờ càng đợi, càng trưa chuyến đò”.

Lời hát ấy bộc lộ tâm trạng tự thấy mình đã dở dang, lỡ làng. Dường như chẳng có ai đợi cô ở bên này, cũng chẳng ai đón cô ở đầu kia của bến đò. Cô bẽ bàng trong cảnh đi cũng dở, ở cũng không xong.

Con sông trong văn học dân gian và trong thơ cổ thường là biểu tượng của sự chia li, khoảng cách của đôi bờ, của mặt nước mênh mang luôn gợi buồn. Ca dao có câu :

Sông Thương nước chảy đôi dòng,

Bên trong, bên đục đau lòng biệt li.

Lí Bạch, nhà thơ nổi tiếng ở Trung Quốc thòi Đường khi tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng cũng có câu thơ nổi tiếng về dòng sông li biệt:

Bóng buồm đã khuất bầu không,

Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời.

Con đò (thuyền) là phương tiện nối liền sự xa cách, nhưng con thuyền mất hút chỉ thấy dòng sông bát ngát trong thơ Lí Bạch, con đò “càng chờ càng đợi” càng không thấy đâu trong câu hát của Xuý Vân đều gợi hình ảnh thật buồn bã, bất lực. Cô vẫn biết “Chả nên gia thất thì về – ở làm chi mãi cho chúng chê, bạn cười”, nhưng nói về mà về đâu có dễ, nhất là với các cô gái đã lấy chổng, đã “sang ngang”. Cô càng chờ đợi càng muộn màng, lỡ dở. Hình ảnh cô gái càng chờ đợi, con đò càng không tới đã cụ thể hoá sự bẽ bàng, lỡ dở của cô, cho ta thấm thìa nỗi trống trải, thất vọng của nhân vật.

Với cô thôn nữ Xuý Vân, một gia đình hạnh phúc “anh đi gặt, nàng mang cơm” là ước mơ giản dị và đầm ấm. Mơ ước tưởng như bình thường đó với cô lại không thể có được, bởi Kim Nham mải mê đèn sách, thi cử, bỏ mặc cô một minh với gánh nặng gia đình. Cho nên, lời hát : “Bông bông dắt, bông bông díu – Xa xa lắc, xa xa líu – Láng giềng ai hay…” được lặp đi lặp lại mấy lần, đã phản ánh bằng hình ảnh cụ thể nỗi thất vọng của cô. Nhân duyên khiến hai người gắn bó, dắt díu, ràng buộc với nhau, nhưng những ao ước của họ khác xa nhau, đến mức không thể sẻ chia. Một bên chỉ mong ước cùng sống với nhau dưới một mái nhà, “chồng cày, vợ cấy”, được mùa lúa chín “anh đi gặt, nàng mang cơm”, còn bên kia lại mơ ước học hành, thi cử, đỗ đạt, làm quan để “võng anh đi trước, võng nàng theo sau”. Mơ ước của cả hai đều đẹp và đáng được trân trọng, song nó không có chỗ gặp nhau khiến hôn nhân trở thành sự trói buộc nghiệt ngã. Có nỗi ấm ức, bế tắc, cô đơn nào khòng khiến người ta thất vọng! Xuý Vân tự hoạ nỗi thất vọng ấy của mình bằng hình ảnh “Con cá rô nằm vũng chân trâu – Để cho năm bảy cần câu châu vào…”. Hình ảnh được gợi lên qua câu hát đã bóng gió về không gian cạn hẹp và đầy bất trắc. Trong câu hát đó không có lời nào nói đến “mắc câu”, nhưng hình ảnh con cá rô nhỏ bé, trong cái vũng chân trâu cạn hẹp, không có lối ra, lại có đến năm bảy cái cần câu chực sẵn thì làm sao thoát được. Đó cũng là tình cảnh bị mất tự do, bế tắc của Xuý Vân trong gia đình Kim Nham. Sau mỗi lời bộc bạch là điệp ngữ : “Láng giềng ai hay, ức bởi xuân huyên” càng làm cho nỗi cô đom và niềm khát khao hạnh phúc của cô hiển hiện. Xuân huyên vốn là hai loại cây sống rất lâu năm, tượng trưng cho cha mẹ già. Xuân là cây cổ thụ, gốc to, vững chãi, được ví với người cha; huyền là loại cây lá nhỏ và thanh mảnh, thường được ví với người mẹ. Những người xung quanh không hiểu cô, đến cả cha mẹ là những người thân yêu, tin cậv nhất cô cũng không thể chia sẻ, bởi đằng sau họ là xã hội phong kiến với quan niệm khe khắt “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy” làm gì có chỗ để cảm thông với một Xuý Vân đã có chồng rồi còn không yên bề gia thất, làm gì có ai đồng tình với một Xuý Vân muốn bỏ chồng để chạy theo người khác… Xuý Vân cuống cuồng vùng vẫy trong không gian cạn hẹp, tù túng đó. Thật đúng như lời một câu ca dao :

Em như con hục đần đình,

Muốn bay không cất nổi mình mà bay.

Thân phận của Xuý Vân làm cho ta cứ bị ám ảnh, vương vấn, day dứt khôn nguôi.

Cùng với những câu hát bóng gió và nhũng lời bộc bạch, những câu hát ngược cuối đoạn trích lại là một lối bộc lộ rất khéo tâm trạng nhân vật :

… Cái trứng gà mà tha con quạ lên ngồi trên cây

Ở trong đình có cái khua, cúi nhôi,

Ở trong cái nón có cái kèo, cúi cột,

Ở dưới sông có cái phố bán bát,

Lẻn trên biển ta đốn gỗ làm nhà…

Chỉ có những người điên dại mới lẫn lộn, không rõ ngược xuôi. Những câu hát ngược, hát xuôi lẫn lộn của Xuý Vân vừa thể hiện tư duy điên dại, thiếu tỉnh táo, vừa gợi hình ánh ngược đời, trớ trêu, điên đảo, đúng sai, thực giả lẫn lộn mà cô chứng kiến. Những hình ảnh ẩn dụ khi kín đáo, khi bóng bảy, khi thì được giấu giữa những tiếng cười, câu hát đicn dại tưởng như vô nghĩa, khi lại là những câu nói ngược,… tất cả làm thành một nội tâm phong phú, rối bời, đầy tính bi kịch, diễn tả tâm trạng bế tắc, mất phương hướng của cô.

-/-

Hy vọng với những bài văn mẫu "Phân tích tác phẩm Xúy Vân giả dại" mà Đọc tài liệu tổng hợp giúp các em hiểu hơn về đặc sắc nghệ thuật của chèo cổ Việt Nam và số phận, khát vọng của người con gái Việt Nam xưa. Cùng với trọn bộ văn mẫu lớp 10 là những tài liệu hữu ích giúp các em học tốt Ngữ Văn 10!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM