Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương - Tài liệu hướng dẫn cách làm dựa trên dàn ý chi tiết và tham khảo những mẫu bài văn hay phân tích tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của tác giả Nguyễn Dữ.
Dàn ý phân tích
Mở bài phân tích Chuyện người con gái Nam Xương
- Giới thiệu sơ lược về tác giả, tác phẩm:
+ Nguyễn Dữ là người học rộng tài cao, có nhân cách sáng ngời, sống trong xã hội loạn lạc, chế độ phong kiến thối nát, ông viết sách và để lại một số thơ và cuốn văn xuôi cổ Truyền kì mạn lục viết bằng chữ Hán.
+ Chuyện người con gái Nam Xương là câu chuyện thương tâm về cái chết oan khuất của nhân vật Vũ Nương, tác giả thể hiện niềm thương cảm sâu sắc đối với thân phận người phụ nữ, đồng thời ca ngợi phẩm chất đáng quý của họ trong xã hội phong kiến.
Thân bài phân tích Chuyện người con gái Nam Xương
* Phân tích nhân vật Vũ Nương
- Những phẩm chất cao đẹp của nhân vật Vũ Nương:
+ Vũ Nương là người con gái tính tình đã thùy mị, nết na lại thêm tư dung tốt đẹp
+ Vũ Nương lấy người chồng là Trương Sinh tính tình đa nghi, hay ghen nhưng chưa bao giờ nàng để vợ chồng bất hòa
+ Khi tiễn chồng đi lính: Nàng không màng vinh hiển chỉ mong chồng bình yên trở về, không mong đeo ấn phong hầu chỉ xin mang theo được hai chữ bình yên.
+ Cảm thông với những gian lao mà chồng sẽ phải chịu đựng "Việc quân khó liệu, thế giặc khôn lường"
+ Khi xa chồng, Vũ Nương là người vợ thủy chung yêu thương chồng tha thiết: "Nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào ngăn nổi"
-> Nàng làm trọn bổn phận người phụ nữ tam tòng tứ đức một cách hoàn hảo.
+ Vũ Nương còn là người con dâu hiếu thảo, một người mẹ đảm đang, yêu thương con hết mực:
- Trong ba năm chồng đi lính, một mình nàng nuôi dạy con thơ, phụng dưỡng mẹ chồng
- Với mẹ chồng, nàng là một cô con dâu hiếu thảo: Khi bà ốm nàng đã thuốc thang lễ bái thần phật và lấy những lời khôn khéo để khuyên răn để bà vơi bớt nỗi nhớ thương con. Đến khi bà mất, nàng đã hết lời thương xót, ma chay tế lễ cẩn trọng hệt như với cha mẹ đẻ của mình.
- Với con thơ, nàng hết sức yêu thương, chăm chút: chỉ bóng mình trên vách và bảo đó là cha Đản để con trai mình bớt đi cảm giác thiếu vắng tình cảm của người cha.
- Nỗi oan và cái chết của Vũ Nương:
+ Khi chồng trở về nghe lời đứa con nhỏ dại liền nghi oan và trách mắng Vũ Nương
+ Nàng đau đớn, thất vọng trước sự đối xử bất công và tàn nhẫn của chồng
+ Vũ Nương lựa chọn cái chết để rửa nỗi nhục -> đây là hành động quyết liệt nhất chất chứa nỗi tuyệt vọng cay đắng, sự bất lực của thân phận.
+ Khi sống dưới thủy cung, nàng vẫn khôn nguôi nhớ về cuộc sống trần thế
+ Nguyên nhân cái chết của Vũ Nương:
- Trực tiếp: lời nói ngây thơ của bé Đản
- Gián tiếp: người chồng tính tình đa nghi, hay ghen đã cư xử hồ đồ, phũ phàng
- Do ngay từ đầu cuộc hôn nhân không có sự bình đẳng
- Do chiến tranh và lễ giáo phong kiến hà khắc.
=> Vũ Nương tuy có những phẩm chất tâm hồn đáng quý nhưng lại là nạn nhân của chế độ nam quyền, một xã hội mà hôn nhân không có tình yêu và tự do, nạn nhân của chiến tranh phi nghĩa, phải tìm đến cái chết để giải nỗi oan ức, bảo toàn danh dự.
=> Tố cáo xã hội phong kiến bất công phi lí đương thời chà đạp lên hạnh phúc của con người đồng thời cảm thông thương xót cho số phận bất hạnh của họ.
* Phân tích nhân vật Trương Sinh
- Vốn con nhà giàu nhưng ít học
- Lấy Vũ Nương chỉ vì dung hạnh nên đã đem một trăm lạng vàng đến hỏi nàng
- Là người chồng đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá mức
-> Là hiện thân của chế độ phụ quyền Trung Quốc.
- Tính đa nghi, hay ghen của Trương Sinh đã gây ra tấn bi kịch cho cuộc đời Vũ Nương, ép nàng đến cái chết thương tâm:
+ Tin lời con nhỏ, nghi là vợ hư, đem lời mắng nhiếc, đánh đập Vũ Nương
+ Bỏ qua mọi lời biện minh của Vũ Nương và khuyên răn của hàng xóm.
-> Một người chồng vũ phu, tàn nhẫn, gia trưởng, ghen tuông một cách mù quáng. Tính cách cố chấp, bảo thủ của Trương Sinh phản ánh chế độ nam quyền, trọng nam khinh nữ.
- Vô tình bạc nghĩa:
+ Vũ Nương vốn dĩ là vợ chàng, người có công phụng dưỡng mẹ già lúc chàng đi lính. Thế nhưng, Trương Sinh đã không mảy may tưởng đến.
+ Khi Vũ Nương chết, Trương Sinh tuy giận cũng động lòng thương, tìm vớt thây nàng nhưng không thấy, sau đó cũng không cất công tìm thêm nữa.
+ Ngay cả khi nhận ra vợ bị oan thì sự ăn năn, hối hận của Trương Sinh cũng rất mờ nhạt.
=> Bản chất của Trương Sinh hay cũng chính là bản chất bất công thối nát của xã hội phong kiến đương thời đã chà đạp lên số phận con người.
* Ý nghĩa chi tiết cái bóng
- Cái bóng trong câu chuyện là chi tiết tạo nên cách thắt nút cho câu chuyện:
+ Đối với Vũ Nương: trong những ngày chồng ra chiến trường, vì không muốn con thiếu vắng bóng người cha nên vào hằng đêm nàng chỉ vào cái bóng của mình và bảo đó là cha của bé Đản -> Lời nói dối của Vũ Nương với mục đích hoàn toàn tốt đẹp.
+ Đối với bé Đản: Mới 3 tuổi, còn ngây thơ, chưa hiểu hết những điều phức tạp nên được tin là có một người cha đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng nít thin thít và không bao giờ bế nó.
+ Đối với Trương Sinh: Lời nói của bé Đản về người cha khác (cái bóng) đã làm nảy sinh sự nghi ngờ vợ không thủy chung, nảy sinh thái độ ghen tuông và lấy đó làm bằng chứng để mắng nhiếc, đánh đuổi Vũ Nương. -> Hậu quả làm Vũ Nương phải gieo mình xuống dòng Hoàng Giang để minh oan cho bản thân mình.
- Tạo nên mở nút cho câu chuyện: Sau khi hiểu ra cái bóng chính là người cha mà bé Đản nhắc tới, Trương Sinh đã hiểu được nỗi oan của vợ.
- Nỗi oan ức mà Vũ Nương phải gánh chịu đều được bắt đầu và hóa giải vì cái bóng.
- Cách thắt nút và mở nút bằng chi tiết cái bóng đã làm cho cái chết của Vũ Nương thêm oan ức, có giá trị tố cáo đối với xã hội phong kiến nam quyền đầy bất công đối với phụ nữ càng thêm sâu sắc hơn.
=> Cái bóng là một chi tiết đặc sắc, là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo làm cho câu chuyện hấp dẫn hơn so với truyện cổ tích.
* Giá trị nội dung và nghệ thuật
- Giá trị nội dung
+ Giá trị hiện thực: phê phán tố cáo xã hội phong kiến bất công chà đạp lên số phận người phụ nữ, người phụ nữ chịu nhiều oan khuất, bế tắc nhưng không tự bảo vệ được mình
+ Giá trị nhân đạo: ca ngợi phẩm chất tốt đẹp và thương cảm cho người phụ nữ thông qua hình tượng nhân vật Vũ Nương
- Giá trị nghệ thuật
+ Xây dựng tình huống truyện độc đáo đặc biệt chi tiết chiếc bóng
+ Nghệ thuật xây dựng tình huống éo le, bất ngờ thú vị, tăng tính bi kịch của truyện
+ Xây dựng thành công nhân vật qua lời nói và hành động, kết hợp với các hình ảnh ước lệ tượng trưng.
Kết bài phân tích Chuyện người con gái Nam Xương
- Khái quát giá trị nội dung tác phẩm:
+ Chuyện người con gái Nam Xương là tác phẩm xuất sắc góp phần vào tiếng nói chung đòi sự bình đẳng cho người phụ nữ.
+ Truyện xây dựng thành công hình tượng nhân vật Vũ Nương, thể hiện niềm xót thương thân phận người phụ nữ xưa và thông qua đó ca ngợi phẩm chất son sắc, thủy chung của họ.
>>> Tham khảo thêm nội dung soạn bài Chuyện người con gái Nam Xương để cảm nhận rõ nét hơn những giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.
Top 2 bài văn phân tích Chuyện người con gái Nam Xương
Cùng Đọc tài liệu tham khảo 2 bài văn mẫu chọn lọc nhất giúp bạn hiểu và phân tích rõ hơn tác phẩm này:
Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương bài số 1
Trong xã hội phong kiến, dường như tất cả mọi thứ đều bất công với người phụ nữ. Tình yêu không, hạnh phúc không, tiếng nói cũng không. Nhưng chính những áp bức đó đã làm sáng ngời lên những đức tính, phẩm hạnh đáng quý của người phụ nữ. Viết về họ, Hồ Xuân Hương đã rất thành ông với bài thơ “Bánh trôi nước”, đại thi hào Nguyễn Du với kiệt tác “Truyện Kiều” và Nguyễn Dữ - học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm với “Chuyện người con gái Nam Xương” - thiên thứ 16 của “Truyền kì mạn lục”. Qua nhân vật Vũ Nương, câu chuyện đem đến bao suy tư, trăn trở cho người đọc về thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến đầy bất công.
Đọc "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ, ta thấy Vũ Nương đúng là một mẫu mực của người phụ nữ phong kiến với những phẩm chất đáng quý. Nàng "thùy mị, nết na, tư dung tốt đẹp", chính vì lẽ đó mà Trương Sinh- một chàng trai trong làng đã mến dung hạnh ấy, mang sính lễ đến hỏi nàng làm vợ. Trong đạo vợ chồng, nàng hết sức khôn khéo, hết sức " giữ gìn khuôn phép" để hy vọng có được một mái ấm gia đình hạnh phúc.
Thế rồi, Nguyễn Dữ đã xây dựng lên một câu chuyện phản ánh hiện thực xã hội đầy bất nhân oan trái. Chiến tranh loạn lạc, xã hội bất công đã gây nên bi kịch về cuộc đời nàng. Ngày Trương Sinh phải lên đường ra trận, nàng tiễn chồng với lời tống biệt dịu dàng, thiết tha mà chân thành.
"Chồng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi,...". Đó là tấm lòng của người phụ nữ Việt Nam dung dị, không màng danh lợi, chỉ mong vun vén cho một mái ấm gia đình. Trong những năm tháng đằng đẵng chồng còn ngoài nơi chiến địa, người thiếu phụ đáng thương ấy đã ra sức tần tảo nuôi con thơ, phụng dưỡng mẹ chồng, ngày đêm giữ gìn tiết hạnh, vun đắp, nuôi dưỡng cho cái nguồn hạnh phúc mà nàng đang mong đợi. Đối với mẹ chồng, nàng giữ vẹn đạo làm dâu thảo. Vũ Nương hết lòng săn sóc, lo thuốc thang khi mẹ ốm đau và cả việc lo ma chay tế lễ khi mẹ chồng mất. Còn gì quý hơn là lời của mẹ chồng nhận xét về tấm lòng thơm thảo của nàng trước khi bà cụ qua đời. Trong đôi mắt của người mẹ chồng, nàng là người có "lòng lành". Sự đảm đang, hiếu nghĩa ấy cũng biểu hiện phần nào tấm lòng son sắc của nàng đối với Trương Sinh. Có thể nói, làm con, làm vợ, làm mẹ tất cả đều được Vũ Nương thực hiện trọn vẹn. Và có lẽ tâm hồn nàng đẩy lên đến cao độ qua hình ảnh của chiếc bóng trên vách. Một chi tiết tưởng đơn giản ấy nhưng lại bao hàm biết bao ý nghĩa về lòng yêu thương, thủy chung son sắt của nàng đối với chồng. Dù chiến tranh ngăn cách nhưng trong tâm hồn nàng, hình bóng Trương Sinh vẫn khăng khít, gắn bó với nàng như hình với bóng không rời nhau. Vũ Nương ngày ngày mong đợi, chờ nóng đến thổn thức:" Giữ trọn tấm lòng thủ chung son sắt", "Tô son điểm phấn từng đã nguội lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót". Nỗi nhớ thương dài theo năm tháng "Mỗi khi bướm lượn đầy vườn mây che kín núi thì nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào ngăn được". Nàng vừa thương chồng, vừa thương xót cho chính mình đêm ngày phải đối mặt với nỗi cô đơn vò võ. Tâm tạng nhớ thương đau buồn ấy của Vũ Nương cũng là tâm trạng chung của những người chinh phụ thời loạn lạc xưa nay:
"... Nhớ chàng đằng đẵng đường lên bằng trời
Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong..."
(Chinh phụ ngâm)
Dường như số phận cuộc đời đã định sẵn cho người con gái này một cuộc sống chẳng mấy hạnh phúc mà chỉ toàn bất hạnh, khổ đau:
"Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung"
(Truyện Kiều)
Lời ai oán trên đã hơn một lần xuất hiện trong sáng tác của đại thi hào Nguyễn Du, đây không phải là một lời nói quá mà điều này lại được thể hiện phổ biến trong văn học Việt Nam. Trong xã hội phong kiến lúc suy tàn, số phận người phụ nữ thật bé nhỏ, long đong, lận đận. Vũ Nương là một trong những người phụ nữ như thế. Cô là một bi kịch của gia đình, của số phận người phụ nữ bẽ bàng trong xã hội đầy bất công oan trái. Lấy chồng chưa được bao lâu thì niềm vui "nghi gia nghi thất" của Vũ Nương đã bị mất đi khi chồng nàng bị bắt đi lính. Nàng thiếu phụ tuổi xuân còn đang phơi phới đã phải gánh chịu nỗi buồn "chiếc bóng năm canh của đời người chinh phụ"
"Mặt biếng tô miệng càng biếng nói,
Sớm lại chiều dòi dõi nương song.
Nương song luống ngẩn ngơ lòng,
Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai?"
(Chinh phụ ngâm)
Những nỗi khổi về vất chất lẫn tinh thần đè nặng lên đôi vai người con gái này bắt buộc nàng phải vượt qua hết. Những tưởng khi giặc tan, chồng về gia định hạnh phúc khi được sum vầy, thì bão giông đã lập tức ập đến. Bóng đen của cơn ghen đã làm cho Trương Sinh mù quáng và đánh mất người vợ hiền của mình. Chỉ nghe một đứa trẻ nói những lời ngây thơ vô tình mà anh tưởng vợ mình hư hỏng. Trương Sinh chẳng những không hỏi cho rõ ràng mà còn đánh đập phũ phàng, ruồng rẫy đuổi nàng đi. Bị dồn vào bước đường cùng, Vũ Nương phải tìm đến cái chết để kết thúc một kiếp người trong oan khuất. Bi kịch của Vũ Nương là bi kịch của gia đình:
"Có con phải khổ vì con
Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng".
Nếu như người phụ nữ ẵm con mang theo nỗi buồn sâu thẳm để chờ chồng nơi hòn núi Vọng Phu thì nàng Vũ Nương không thể biện minh cho mình nên đã nhờ dòng sông Hoàng Giang rửa sạch oan khiên. Trước khi nàng tự tử, nàng ngửa mặt lên trời cao để phân trần với trời đất:" kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ... Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất làm cỏ Ngu Mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, duối xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ". Đắng cay đến thế! Một người vợ thủy chung, một người con dâu ngoan hiền như người mẹ chồng đã nói lúc lâm chung :"Xanh kia quyết chẳng phụ con...", thế mà nàng phải mượn dòng nước Hoàng Giang cuốn trôi nỗi đau.
Nếu như trong truyện kể dân gian, sau khi Vũ Nương chết, Trương Sinh tỉnh ngộ, nhận ra sai lầm của mình thì cũng là lúc truyện cổ tích khép lại, điều đó đã để lại niềm xót xa đau đớn cho người đọc về thân phận bất hạnh oan khiên của người phụ nữ tiết hạnh, thì trong "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ, ông đã sáng tạo thêm phần cuối của truyện khi Vũ Nương hiện về thấp thoáng trên chiếc kiệu hoa giữa dòng, võng lọng, cờ kiệu rực rỡ đầy sông, nàng nói lời đa tạ Linh Phi và tạ từ Trương Sinh rồi biến mất. Sự sáng tạo của tác giả đã góp phần làm lên những giá trị thẩm mĩ và tư tưởng mới của truyện. Đó là làm hoàn thiện thêm nét đẹp tính cách, phẩm chất của nhân vật và chứng tỏ được Vũ Nương trong sạch. Ở thế giới bên kia, nàng được đối xử xứng đáng với phẩm giá của mình. Vì thế, Nguyễn Dữ đã đáp ứng được ước mơ của con người về sự bất tử, sự chiến thắng của cái thiện, cái đẹp, thể hiện nỗi khát khao hạnh phúc trong một cuộc sống công bằng, hạnh phúc cho những con người lương thiện, đặc biệt là người phụ nữ đương thời.
Vũ Nương dù khi sống hay lúc đã thác làm ma đều khát khao hạnh phúc gia đình. Nàng vì phải chịu nỗi oan cay nghiệt mà chết . Nhưng vì lòng thanh sạch mà được sống dưới thủy cung. Trong những ngày sống cuộc sống nơi cung nước, Vũ Nương vẫn không quên mong nhớ dương gian và thầm mong chồng sẽ giải oan cho nàng. Vũ Nương nhờ Phan Lang nhắn Trường Sinh lập đàn giải oan là đề chính chống nàng chiêu tiết cho nàng, và hiểu tấm lòng chung thủy của nàng. Ăm dương cách trở, nàng chỉ hiện về trong thoáng chốc rồi biến mất. Qua chi tiết này tác giả không chỉ khắc họa sâu sắc bi kịch của Vũ Nương mà còn khẳng định một lần nữa vẻ đẹp tâm hồn của nàng. Lời thoại của Vũ Nương không trở về vì đã thề sống chết với đức Linh Phi còn chứng tỏ nàng là người sống tình nghĩa, đã mắc ân với Linh Phi thì nàng sẽ ở lại trả ân đức đó.
Điểm hội tụ nét đẹp của văn chương chính là sự đồng điệu trong tâm hồn của người nghệ sĩ với nhân vật của chính mình, với những rung động trong trái tim của baot hế hệ độc giả. Đó là giá trị nhân đạo cao đẹp, là ước mơ về hạnh phúc cuộc đời. Nguyễn Dữ đã thể hiện xuất sắc ngòi bút nhân đạo của mình bằng việc xây dựng lên những chi tiết, yếu tố kỳ ảo nói lên khát vọng của nhân đạo muôn đời. Văn học là một hoạt động sáng tạo cảu con người nhằm khám phá và khẳng định những giá trị của đời sống. Nguyễn Dữ đã nhìn thấy những bất công, những nghịch cảnh, nghịch lí đối với con người và thủ phạm của nó. Ông thể hiện sự quan tâm, niềm thương cảm sâu sắc đối với những con người phải chịu khổ đau thiệt thòi. Quan trọng hơn, nhà văn đã khẳng định và ca ngợi vẻ đẹp của con người, thể hiện niềm tin vào cái đẹp, vào công lý.
Qua Chuyện người con gái Nam Xương, ta xót xa thương cảm cho người phụ nữ bất hạnh trng xã hội xưa bao nhiêu, ta càng căm giận cái xã hội thối nát, bất công đã đẩy người phụ nữ vào vòng oan trái bấy nhiêu. Đọc tác phẩm, ta lại càng thêm nâng niu, trân trọng cái tài, cái tâm của người con huyện Thanh Miện, Hải Dương dành cho những thân phận bọt bèo trong xã hội phong kiến đương thời.
Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương bài số 2:
“Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương.”
(Lê Thánh Tôn)
Từ một câu chuyện có thật trong nhân gian về một nỗi oan khuất của một người thiếu phụ, Nguyễn Dữ đã viết nên “Chuyện người con gái Nam Xương”. Đó là tác phẩm văn xuôi trong Truyền Kỳ mạn lục, phản ánh hiện thực xã hội, thể hiện ước mơ nhân đạo sự nhân đạo, ca ngợi về phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam.
Câu chuyện phản ánh sinh động về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Chuyện kể về nàng Vũ Thị Thiết – người con gái quê ở Nam Xương, tính tình thuỳ mị nết na, tư dung tốt đẹp nhưng lấy phải người chồng là Trương Sinh – vốn là con nhà giàu nhưng thất học và có tính đa nghi. Ít lâu sau, chiến tranh loạn lạc diễn ra, Trương Sinh phải đi lính. Chồng đi vừa đầy tuần, nàng hạ sinh được một đứa con trai đặt tên là Đản. Nàng ở nhà nuôi con và phụng dưỡng mẹ chồng. Rồi người mẹ chồng cũng qua đời, nàng lo ma chay tử tế. Hết chiến tranh, Trương Sinh trở về bồng con ra thăm mộ mẹ. Chỉ vì lời nói ngây thơ của đứa trẻ, chàng quay về nhục mạ và đuổi nàng đi vì cho rằng nàng không chung thủy. Vì nỗi oan không được giải bày, nàng nhờ dòng sông Hoàng Giang rửa sạch mối oan tình. Sau chàng hiểu nỗi oan của vợ nhưng tất cả đã muộn màng.
Chuyện đã phản ánh hiện thực xã hội đầy bất nhân oan trái. Chính chiến tranh loạn lạc, chính xã hội bất công đã gây nên bi kịch về cuộc đời nàng. Ngày chồng trở về cứ tưởng mọi sự đền bù sau bao ngày tháng nhớ nhung được đền đáp như thế đó lại là bi kịch của cuộc đời nàng diễn ra. Vì thói “gia trưởng nam quyền”, Trương Sinh đã gạt ngoài những lời biện bạch của vợ. Đó là sự bất công nghiệt ngã của xã hội phong kiến. Quyền sống, quyền tự do của người phụ nữ không được tôn trọng. Trương Sinh vì lý do ghen tuông – đó là chuyện bình thường trong cuộc sống đôi lứa, thế nhưng ta phải lên án Trương Sinh vì thói “gia trưởng” mà không nghe lời biện bạch của vợ dẫn đến cái chết đầy oan khốc của Vũ Nương. Đồng thời, câu chuyện cũng lên án chiến tranh tranh giành quyền lực của các tập đoàn phong kiến đã gây nên cảnh chia lìa đôi lứa, gián tiếp gây ra cái chết của Vũ Nương. Nguyễn Dữ phản ánh hiện thực xã hội đương thời đầy bất công oan trái kia đã đẩy bao con người nhất là phụ nữ vào những con đường không lối thoát. Một nàng Vũ Nương vì nỗi oan không được giải bày đã nhờ sông Hoàng Giang rửa sạch oan tình, một nàng Thuý Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du đánh đổi mười lăm năm trường khổ nhục hay một Kiều Nguyệt Nga của Nguyễn Đình Chiểu một đời đau khổ. Tất cả là đều do cái xã hội phong kiến nghiệt ngã kia đã tạo ra.
Không những vậy, trong “Chuyện người con gái Nam Xương”, Nguyễn Dữ đã đề cao lòng nhân đạo, những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Dù dòng đời bao biến chuyển, dù xã hội bất công oan trái nhưng những phẩm chất đó vẫn âm thầm tỏa sáng. Vũ Nương – một cô gái thuỳ mị, nết na, tư dung tốt đẹp, hội tụ đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Ngay cả khi lấy chồng, nàng vẫn biết tính tình không hòa hợp nhưng “cũng giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải bất hòa”. Nhưng sum vầy chưa được bao lâu, chồng ra trận. Nàng ở nhà thủ tiết chờ chồng, nuôi dưỡng con cái và phụng dưỡng mẹ chồng chu đáo. Ngay cả trước khi qua đời, mẹ chồng nàng đã nói: “…xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như đã chẳng phụ mẹ”. Tấm lòng hiếu thảo của nàng dâu đối với mẹ chồng trong xã hội phong kiến có lẽ ta ít thấy. Ông bà ta từ ngày xưa đã dùng cụm từ “mẹ chồng nàng dâu” để nói lên sự nghiệt ngã trong quan hệ đó. Thế nhưng đối với tấm lòng của Vũ Nương, người mẹ chồng hết sức cảm động và khẳng định rằng “sau này trời xét lòng lành, ban cho phúc đức…”. Nhớ lại ngày tiễn chồng ra trận nàng có nói “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi…”. Một cô gái con nhà nghèo như nàng mà lại thốt lên những lời như thế quả thật hiếm thấy. Nàng không cần áo gấm, không cần phong hầu chỉ cần một mái nhà êm ấm hạnh phúc. Nguyễn Dữ viết đến đây để người đọc thấy được nỗi niềm khát vọng hết sức đơn sơ mà bao người cầu mong không có. Nhưng đến ngày chồng trở về, là ngày bi kịch của đời nàng, chỉ vì thói ghen tuông mù quáng đã đẩy nàng đến cái chết oan nghiệt. Vũ Nương đã khóc mà nói rằng: “Thiếp sỡ dĩ nương tựa vào chàng, vì có thú vui nghi gia nghi thất. Này bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió, khóc tuyết bông hoa rụng cuống, kêu xuân cái én lìa đàn, nước thẳm buồm xa, đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa”. Nếu như người phụ nữ ẵm con mang theo nỗi buồn sâu thẳm để chờ chồng rồi hóa đá thì nàng Vũ Nương không thể biện minh cho mình nên đã nhờ dòng sông Hoàng Giang rửa sạch oan khiên. Trước khi nàng tự tử, nàng ngửa mặt lên trời cao để phân trần cùng trời đất “Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ… Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất làm cỏ Ngu Mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ”. Nàng đã nêu hậu quả của mình nếu không lòng trinh tiết chờ chồng để minh oan với trời đất. Đắng cay đến thế ! Một người vợ thủy chung, một người con dâu ngoan hiền như người mẹ chồng đã nói lúc lâm chung “xanh kia quyết chẳng phụ con…”, thế mà nàng phải mượn dòng nước Hoàng Giang cuốn trôi nỗi đau đời.
Trong “Chuyện người con gái Nam Xương”, Nguyễn Dữ đã xây dựng một thế giới thuỷ cung đầy ắp nghĩa tình. Phan Lang – người làm Đầu mục ở bến đò Hoàng Giang - đêm nằm mộng thấy cô gái áo xanh xin cứu mạng. Sáng hôm sau chàng được người phường chài biếu con rùa xanh, liền đem thả. Sau cũng nhờ con rùa đó – là Linh Phi hoàng hậu cứu giúp mà Phan Lang thoát khỏi nguy nan. Nguyễn Dữ đã sáng tạo thêm thế giới thủy cung đầy ân nghĩa thủy chung, vừa tạo nét ly kỳ hấp dẫn lôi cuốn cho câu chuyện, đồng thời cũng thể hiện ước mơ nhân đạo cao đẹp. Một người chung Thủy, hiền thục như Vũ Nương phải được trân trọng. Đó chính là khát vọng về quyền được sống của phụ nữ trong xã hội phong kiến.
Nguyễn Dữ đã thực hiện thành công khi xây dựng nghệ thuật đặc sắc trong câu chuyện. Một số yếu tố li kì và hoang đường trong câu chuyện vẫn không làm mờ nhạt giá trị hiện thực, nhân đạo mà còn làm tăng lên khát vọng về quyền sống, quyền tự do của người phụ nữ. Người đọc thật sự bất ngờ vì lời nói ngây thơ của đứa trẻ, sửng sốt thương tâm trước cái chết của Vũ Nương, cũng như bàng hoàng khi đứa trẻ chỉ vào vách và nói: “Cha Đản đến kia kìa”. Thì ra nguyên nhân của nỗi đau khổ, nỗi oan ức của một con người và cả sự tan nát của một gia đình vì một “cái bóng” trong lời trẻ con. Chi tiết cái bóng là nét nhấn độc đáo, là đỉnh điểm của câu chuyện. Cái bóng ấy, là hình tượng của sự thủy chung son sắt, là tấm lòng kiên trung, một mực yêu thương chồng. Dẫu chiến tranh có chia cắt hai người, nhưng trong lòng Vũ Nương, hình ảnh Trương Sinh vẫn luôn hiện hữu như hình với bóng không rời nhau. Cách xây dựng tình tiết độc đáo tạo sự lôi cuốn cho người đọc. Một gia đình mỗi người một tính cách: Vũ Nương hiền thục, chung Thủy và cam chịu, Trương Sinh nóng nảy đa nghi và đứa con thì vô tư dẫn đến cái bi đát của nó. Truyện kết hợp giữa hiện thực và hoang đường tạo nên sự li kì cho người đọc.
Truyện kết thúc với hình ảnh Vũ Nương thoắt ẩn thoắt hiện gây cho ta những ý nghĩ và cảm xúc mênh mang. Câu chuyện quả là bi thảm, đặc biệt với số phận của Vũ Nương. Kết thúc ấy làm lòng ta chợt quặn lên thương xót. Thương xót bởi vì Vũ Nương đoan trang, tiết hạnh là thế, chung thủy là thế, vậy mà phải chịu vết nhục phải tự tử để rửa sạch và chỉ đến khi Trương Sinh hiểu được sự thật, lập đàn giải oan thì đã quá muộn màng. Phải chăng số phận của Vũ Nương cũng chính là số phận bi đát của những người phụ nữ thời phong kiến. Số phận ấy mong manh như ngọn nến trước gió, sẵn sàng phụt tắt bất cứ lúc nào. Vũ Nương, Thúy Kiều… và biết bao số phân thật buồn thảm phụ nữ vẫn mãi đi vào ngõ tối. Cách mạng tháng Tám là cuộc tái sinh màu nhiệm đã mang đến cho người phụ nữ ngọn “gió mới ngàn phương”, “một vườn đầy xuân”.
-/-
>>> Đọc thêm văn mẫu hay: Các đề văn về Chuyện người con gái Nam Xương
Thông qua 2 bài văn mẫu phân tích tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương ở trên ta càng hiểu rõ số phận oan nghiệt của người phụ nữ đương thời như thế nào. Mặt khác, để lưu lại tài liệu giúp nắm chắc và ghi nhớ những nội dung chính, xem sơ đồ tư duy sau:
Sơ đồ tư duy phân tích Chuyện người con gái Nam Xương
Nghe bài văn Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương do Đọc tài liệu thực hiện:
Một số nhận định về tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương
"Hạnh phúc trong cuộc đời Vũ Thị Thiết là một thứ hạnh phúc vô cùng mong manh, ngắn ngủi. Mong manh như sương như khói và ngắn ngủi như kiếp sống của đoá phù dung sớm nở, tối tàn."
(Nhà phê bình Đồng Thị Sáo)
Vậy là Đọc Tài Liệu đã vừa gửi đến các em những gợi ý chi tiết cho cách làm và dàn ý phân tích Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ. Dựa vào việc tham khảo gợi ý này cùng với hai bài văn mẫu kèm theo, hi vọng các em sẽ có thể tự viết được một bài văn phân tích hay và đủ ý. Chúc các em học tốt môn Văn khi tham khảo tại Văn mẫu 9 !