Phân tích nhân vật Mên, Mon trong Bầy chim chìa vôi

Xuất bản: 23/02/2023 - Tác giả:

Hướng dẫn làm bài văn phân tích nhân vật Mên, Mon trong Bầy chim chìa vôi, tham khảo tuyển chọn những mẫu bài văn phân tích hay về hai nhân vật Mên và Mon.

Cùng Đọc Tài Liệu tham khảo những gợi ý cơ bản cho bài văn phân tích nhân vật Mên, Mon trong Bầy chim chìa vôi, hy vọng sẽ giúp các em có thêm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích trong quá trình tìm hiểu, phân tích tác phẩm cũng như ôn luyện kĩ năng làm văn.

Dàn ý phân tích nhân vật Mên, Mon trong Bầy chim chìa vôi

1. Mở bài

- Giới thiệu tác phẩm Bầy chim chìa vôi

- Nêu khái quát ấn tượng về nhân vật Mên và Mon

2. Thân bài

- Phân tích đặc điểm của từng nhân vật

+ Sự xuất hiện

+ Các chi tiết miêu tả hành động của nhân vật đó.

+ Ngôn ngữ của nhân vật

+ Những cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật

+ Mối quan hệ của nhân vật đó với các nhân vật khác

+ Nhận xét về cách xây dựng nhân vật, ý nghĩa của hình tượng nhân vật thể hiện

3. Kết bài

- Khái quát chung về hai nhân vật và vai trò đối với tác phẩm.

Top 2 bài văn hay phân tích nhân vật Mên, Mon trong Bầy chim chìa vôi

Dưới đây là một số bài văn phân tích nhân vật Mên, Mon trong Bầy chim chìa vôi do Đọc Tài Liệu tổng hợp được hi vọng sẽ giúp các em có thêm vốn từ ngữ và rút kinh nghiệm về cách trình bày.

Phân tích nhân vật Mên, Mon trong Bầy chim chìa vôi bài số 1:

"Bầy chim chìa vôi” là một trong những truyện ngắn vô cùng ý nghĩa dành cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là thanh thiếu niên. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều khi đăng tải truyện ngắn đã nhắn nhủ: “Hy vọng những cậu bé, cô bé – những công dân tương lai của chúng ta mang một tấm lòng nhân ái để bảo vệ thế gian này đang bị chính người lớn chúng ta tàn phá.” Đây cũng chính là điều mà hai nhân vật chính Mon và Mên trong câu chuyện đã làm được. Hai cậu bé cho người đọc một cảm giác gần gũi, nhẹ nhàng, vừa dũng cảm, đáng yêu.

“Bầy chim chìa vôi” là tác phẩm truyện ngắn kể về hai cậu bé Mon và Mên cùng những suy nghĩ, hành động bảo vệ tổ chim chìa vôi trong đêm bão, câu chuyện được kể theo ngôi thứ ba thú vị, hấp dẫn, cùng với nghệ thuật miêu tả nhân vật qua lời đối thoại đặc sắc đã làm nổi bật lên hình ảnh hai cậu bé Mon và Mên vừa dễ thương, vừa giàu lòng nhân ái.

Mở đầu câu chuyện là khoảng thời gian đêm khuya với sự trằn trọc của hai cậu bé. Mon tuy là em trai, nhưng cậu bé lại chính là người bắt đầu những câu hỏi thể hiện sự lo lắng về tổ chim chìa vôi. Cậu bé liên tục hỏi anh Mên: “Anh ơi… em bảo…”, sau đó là hàng loạt những câu hỏi thắc mắc về tổ chim chìa vôi: “Thế bãi cát giữa sông đã ngập chưa?”; “Thế anh bảo chúng có bơi được không?”; “Sao nó lại không làm tổ trên bờ hả anh?”; “Thế làm thế nào bây giờ?”… Liên tục những câu hỏi lặp lại cho thấy suy nghĩ non nớt nhưng vô cùng lo lắng cho tổ chim chìa vôi ở bãi cát giữa sông. “Những con chim chìa vôi non bị chết đuối mất”. Thậm chí, có thể do quá lo lắng, em Mon còn đặt ra thắc mắc tại sao những chú chim chìa vôi lại làm tổ trên bãi cát giữa sông như vậy? Tại sao chúng không lựa một nơi an toàn, cao và khô ráo hơn, để chúng an toàn trong đêm mưa bão, và cũng để cho hai anh em Mon và Mên bớt lo lắng, suy nghĩ về sự an toàn của bầy chim.

Sau một hồi xoay mình qua lại, thì thầm khó ngủ, cố gắng suy nghĩ sang chuyện khác thì Mon vẫn không thể ngủ được, bèn thủ thỉ với anh mình, ngập ngừng gọi “anh ơi…” rồi đưa ra quyết định rằng “mình phải đem chúng vào bờ, anh ạ”. Đây là một quyết định quả quyết, thể hiện Mon là một cậu bé mạnh mẽ, quá quyết, không thể bỏ rơi tổ chim chìa vôi trong đêm nước sông đang lên, từ những lo lắng đã biến thành quyết định. Quyết định đi cứu những chú chim non không đến từ anh Mên mà lại đến từ chính Mon, đây là điều thể hiện sự dũng cảm, nhân hậu và lòng quyết tâm của Mon.

Trái ngược với sự quan tâm trực tiếp từ Mon, anh trai của cậu bé – Mên lại có một cách lo lắng kín đáo hơn, tuy có chút cọc cằn nhưng lại vô cùng ấm áp. Khi em trai trằn trọc giữa đêm không ngủ, thực chất anh Mên cũng chưa ngủ được, cũng vì thế nên cậu bé mới trả lời em trai một cách tỉnh táo và ráo hoảnh tới vậy. Thay vì lo lắng trực tiếp và liên tục đặt ra câu hỏi, Mên lại đáp lại em trai một cách cục cằn: “Gì đấy? Mày không ngủ à?...”; “Bảo cái gì mà lắm thế?” hay “Tao không biết”. Dẫu vậy, anh Mên cũng bày tỏ nỗi lo lắng “Ừ nhỉ”, “Tao cũng sợ”. Để nỗi lo lắng qua đi, Mon và Mên đã nghĩ đến câu chuyện bắt cá cùng bố, cười “hi hi” khi nghe em Mon kể trò nghịch ngợm, nhưng dường như hai cậu bé vẫn không yên tâm chìm vào giấc ngủ. Khi em Mon nhắc lại một lần nữa: “Tổ chim sẽ bị chìm mất”, Mên im lặng nhưng một lúc sau hỏi lại: Thế làm thế nào bây giờ?, cuối cùng im lặng một phút sau khi em trai đưa ra quyết định đi cứu tổ chim, đưa ra câu hỏi “Đi bây giờ à?”. Đây không phải một câu hỏi thể hiện sự chần chừ của Mên mà chỉ là một lời nói giúp em trai Mon chắc chắn về quyết định của mình, chắc chắn hai anh em sẽ đi cùng nhau. Điều này cho thấy Mên là một người anh cọc cằn, hay tỏ ra gắt gỏng với em trai nhưng cũng có một tấm lòng ấm áp, nhân hậu, sự quan tâm của cậu bé thể hiện qua suy nghĩ và hành động chứ không qua lời nói.

Hai anh em sau thời gian rạng sáng vật lộn trên bờ sông với chiếc đò, cuối cùng đã đưa con đò về vị trí cũ, trời đã “tang tảng sáng”. Khung cảnh bình minh hiện lên với vẻ đẹp lạ kì cùng nhiều cảm xúc. Hai đứa trẻ chạy ngược lên đoạn bờ sông dối diện với dải cát, trong khi Mon tò mò về dải cát đã bị nhấn chìm hay chưa, thì anh Mên ngồi thụp xuống, căng mắt nhìn sát mặt sông. Thật may, bãi cát chưa bị nước nhấn chìm hết. Bình minh đã đủ sáng để soi rõ những hạt mưa trên mặt sông, con nước bắt đầu dần lên và nuốt chửng dải cát. Trong những giây cuối cùng, bầy chim chìa vôi non cất cánh bay lên không trung tạo nên một “cảnh tượng như huyền thoại” trong mắt hai đứa trẻ. Đây là thời điểm chín muồi, chim non đủ cứng cáp và ý thức được sự nguy hiểm của dòng nước sắp nuốt chửng chúng, cũng là thời điểm mà trong lòng hai anh em Mon và Mên trào lên cảm giác hạnh phúc, thành tựu và hạnh phúc khó tả. Hai anh em đứng không nhúc nhích, gương mặt tái nhợt vì nước mưa nhưng đã hửng lên ánh mặt trời ấm áp, hạnh phúc. Hai anh em quay lại nhìn nhau, đã khóc từ bao giờ.

Hai anh em Mon và Mên đều là những cậu bé dũng cảm, nhân hậu nhưng cũng vô cùng trong sáng, đáng yêu. Khung cảnh bầy chim chìa vôi bay lên từ bãi cát giữa sông đã tác động đến cảm xúc của hai đứa trẻ, đó là một cảnh đẹp, kì diệu và gỡ bỏ bao nhiêu lo lắng, bất an của hai anh em.

Qua hai nhân vật Mon và Mên, chúng ta càng thấy rõ hơn những phẩm chất tốt đẹp mà bất cứ thiếu niên nào cũng nên có: nhân hậu, dũng cảm, biết yêu thương loài vật, con người. Là một thiếu niên, hãy cùng nhau nuôi dưỡng và phát triển những phẩm chất tốt đẹp của mình, để có thể giống như mong muốn của tác giả: những công dân tương lai của chúng ta mang một tấm lòng nhân ái để bảo vệ từng thứ nhỏ bé nhất trên thế giới này.

Phân tích nhân vật Mên, Mon trong Bầy chim chìa vôi bài số 2:

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều luôn được đánh giá là cây bút đa năng là sung sức, xuất hiện thường xuyên trên văn đàn, báo chí. Bên cạnh thơ, tiểu luận, dịch thuật, Nguyễn Quang Thiều sáng tác khá nhiều tác phẩm cho thiếu nhi, trong đó phải kể đến truyện ngắn “Bầy chim chìa vôi” mà em đã được đọc và tìm hiểu. Qua tác phẩm, em vô cùng ấn tượng về hai nhân vật Mon và Mên, từ những câu nói, hành động của hai bạn nhỏ, em cảm nhận được nhiều điều thú vị, ý nghĩa.

Bầy chim chìa vôi” kể về tâm trạng của hai anh em Mên và Mon trong đêm mưa lũ kéo đến. Chúng lo lắng khi cơn mưa to kéo đến bầy chim chìa vôi non ở trên dải cát giữa bãi sông sẽ bị nước lũ nhấn chìm. Vì vậy, hai anh em Mên và Mon quyết định chèo đò ra sông vào giữa đêm để cứu giúp, mang bầy chim non vào bờ. Khi đến nơi, hai anh em nhìn thấy những cánh chim bé bỏng và ướt át đột ngột bứt khỏi dòng nước bay lên, tạo nên một dòng cảm xúc khó tả, cảm động bất ngờ trong lòng hai bạn nhỏ.

Đọc truyện ngắn, ta dễ nhận thấy dù là em nhỏ, nhưng Mon có những suy nghĩ, lo lắng xuất phát từ một cậu bé tốt bụng, biết quan sát, lanh lợi và đáng yêu. Cậu bé không thể chìm vào giấc ngủ vì lo cho những chú chim có thể bị dòng nước sông trong đêm mưa cuốn trôi, liên tục đặt cho anh những câu hỏi với chi tiết lặp lại: “anh bào…” đi kèm với các dữ kiện: mưa to không, nước sông lên có to không, bãi cát giữa sông đã ngập chưa, những con chìa vôi… Dù Mon đã tự nghĩ sang những câu chuyện vui vẻ khác, nhưng dường như tất cả chúng vẫn hướng suy nghĩ của em tới bầy chim chìa vôi trên sông, em rất lo tổ chim chìa vôi ở bãi cát giữa sông. “Những con chim chìa vôi non bị chết đuối mất”.

Nghĩ vậy, sự ngập ngừng đã dần trở nên quyết đoán, khiến Mon đưa ra đề xuất với anh Mên: “Hay mình mang chúng nó vào bờ?” và dần tự thành một câu nói khẳng định, quả quyết: “Mình phải đem chúng nó vào bờ, anh ạ”. Mon là một cậu bé mạnh mẽ, quả quyết, không thể bỏ rơi tổ chim chìa vôi trong đêm nước sông đang lên, từ những lo lắng đã biến thành quyết định. Quyết định đi cứu những chú chim non không đến từ anh Mên mà lại đến từ chính Mon điều này thể hiện sự dũng cảm, nhân hậu và lòng quyết tâm của Mon.

Người anh trai Mên xuất hiện trong truyện ngắn khá yên tĩnh, có phần cọc cằn và gắt gỏng, nhưng dường như bên trong đó lại là một cậu bé biết suy nghĩ, ấm áp và giàu lòng nhân hậu. Dễ dàng nhận thấy, tuy không đặt ra nhiều câu hỏi như em Mon, nhưng Mên vẫn trả lời những câu hỏi đó bằng một thái độ tỉnh táo, hóa ra cậu bé cũng không ngủ được, có lẽ vì cơn mưa, mà nhiều phần hơn có lẽ đến từ những lo lắng cho những chú chim ngoài dải cát. Mên cũng nằm im, cố đưa mình vào giấc ngủ, nhưng khi em Mon nhắc lại một lần nữa: “Tổ chim sẽ bị chìm mất”, Mên im lặng nhưng một lúc sau hỏi lại: Thế làm thế nào bây giờ? Mên là một cậu bé có một trái tim ấm áp ẩn sâu bên trong những lời nói có phần cục cằn, cáu kỉnh. Im lặng một phút sau khi em trai đưa ra quyết định đi cứu tổ chim, đưa ra câu hỏi “Đi bây giờ à?”, đây không phải một câu hỏi thể hiện sự chần chừ của Mên mà chỉ là một lời nói giúp em trai Mon chắc chắn về quyết định của mình, chắc chắn hai anh em sẽ đi cùng nhau.

Trải qua khoảng thời gian vật lộn trên sông cùng con đò, Mon và Mên đã đến được khu vực chim chìa vôi làm tổ, lúc này bình minh cũng bắt đầu ló rạng. Hai đứa trẻ chạy ngược lên đoạn bờ sông dối diện với dải cát, Mon thì tò mò về dải cát đã bị nhấn chìm hay chưa, anh Mên thì ngồi thụp xuống, căng mắt nhìn sát mặt sông, đến khi thấy trời sáng đủ để thấy bãi cát chưa bị nước ngập đến, hai anh em mới reo lên vì mừng rỡ. Lúc này, những chú chim chìa vôi non bắt đầu vỗ cánh bay lên không trung, những cánh chim đột ngột và ướt át đột ngột bứt khỏi dòng nước khổng lồ bay lên như huyền thoại trong mắt hai đứa trẻ. Hai anh em Mon và Mên im lặng chứng kiến cảnh này, trên gương mặt tái nhợt vì nước mưa lại hửng lên ánh ngày, trong lòng cũng từ đó mà dâng lên sự ấm áp, hạnh phúc. Mên lặng lẽ quay lại nhìn em, hai anh em nhận ra mình đã khóc, chúng thắc mắc vì sao lại khóc nhưng đều không thể lí giải được. Có lẽ đó là nước mắt của hạnh phúc, của niềm mong mỏi được đền đáp, hoặc chỉ đơn giản là giọt nước mắt cảm động vì bầy chim con. Nhưng tất cả những lí do đó đều thể hiện được cho người đọc sự ngây thơ, trong sáng, đáng yêu và đáng quý của hai anh em Mon và Mên.

Hai anh em Mon và Mên đều là những cậu bé dũng cảm, nhân hậu nhưng cũng vô cùng trong sáng, đáng yêu. Khung cảnh bầy chim chìa vôi bay lên từ bãi cát giữa sông đã tác động đến cảm xúc của hai đứa trẻ, đó là một cảnh đẹp, kì diệu và gỡ bỏ bao nhiêu lo lắng, chằn chọc của hai anh em, cũng chính là điều làm nên cái hay, cái đẹp của tác phẩm.

-/-

Vừa rồi là nội dung chi tiết một số mẫu bài văn phân tích nhân vật Mên, Mon trong Bầy chim chìa vôi - Văn mẫu lớp 7 do Doctailieu tổng hợp và biên soạn chi tiết hi vọng sẽ giúp các em có thêm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích để có một bài văn phân tích hay và sâu sắc. Chúc các em học tốt !

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM