Phân tích nhân vật Cò trong đoạn trích Đi lấy mật

Xuất bản: 27/02/2023 - Tác giả:

Hướng dẫn làm bài văn phân tích nhân vật Cò trong đoạn trích Đi lấy mật, tham khảo tuyển chọn những mẫu bài văn phân tích hay về nhân vật Cò

Cùng Đọc Tài Liệu tham khảo những gợi ý cơ bản cho bài văn phân tích nhân vật Cò trong đoạn trích Đi lấy mật, hy vọng sẽ giúp các em có thêm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích trong quá trình tìm hiểu, phân tích tác phẩm cũng như ôn luyện kĩ năng làm văn.

Dàn ý phân tích nhân vật Cò

1. Mở bài

- Giới thiệu sơ lược về tác phẩm Đất rừng phương Nam và đoạn trích Đi lấy mật

- Nêu ấn tượng khái quát về nhân vật Cò trong đoạn trích.

2. Thân bài: 

* Tả những nét đặc sắc của nhân vật Cò:

- Cò là một chàng trai khỏe mạnh, tháo vát.

+ Cử chỉ, hành động: đội cái thúng to tướng, trong thúng đựng vò nước và mấy nắm cơm; khi An đã thấm mệt nhưng đối với Cò thì chưa nhằm nhò gì; khoát tay ra hiệu đi thật khẽ... Tổ ong kìa.

+ Ngoại hình: Cặp chân như bộ giò nai nhưng vẫn chưa nhằm nhò gì

+ Lời nói: Hỏi An "Đố mày biết con ong mật là con nào?"; giải thích cho An cách quan sát để phát hiện đường ong bay

+ Suy nghĩ, cảm xúc: Khi thấy An chịu thua, Cò đắc ý vênh mặt lên với vẻ tự tin

+ Mối quan hệ: Đối với An, Cò coi An như một người anh em trong nhà, vừa là bạn, cách xưng hô tao - mày vừa thân quen thể hiện sự bình đẳng với nhau

=> Cò là một cậu bé được sinh ra và lớn lên trong rừng U Minh nên rất am hiểu nơi đây. Cò còn là một người vừa mạnh mẽ và khỏe mạnh vừa lanh lợi, tinh mắt.

- Cò gắn bó sâu sắc với thiên nhiên.

* Nhận xét, đánh giá về nghệ thuật xây dựng nhân vật:

- Chú cò xuất hiện là một chú bé nhanh nhẹn, am hiểu về rừng qua lời kể của nhân vật An.

- Lời nói, cử chỉ, hành động thể hiện rõ tính cách của nhân vật.

* Nêu ý nghĩa của hình tượng nhân vật:

- Qua nhân vật Cò, tác giả đã:

+ Khắc họa hình ảnh con người và cuộc sống Nam Bộ.

+ Thể hiện tình yêu với con người nơi đây.

3. Kết bài

- Khái quát và đánh giá chung về nhân vật Cò

Top 2 bài văn hay phân tích nhân vật Cò trong đoạn trích Đi lấy mật

Dưới đây là một số bài văn phân tích nhân vật Cò trong đoạn trích Đi lấy mật do Đọc Tài Liệu tổng hợp được hi vọng sẽ giúp các em có thêm vốn từ ngữ và rút kinh nghiệm về cách trình bày.

Phân tích nhân vật Cò trong đoạn trích Đi lấy mật mẫu số 1

Tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” là một trong những sáng tác tiêu biểu của nhà văn Đoàn Giỏi. Bên cạnh An và người tía nuôi, nhân vật Cò được tác giả khắc họa với những đặc điểm và vẻ đẹp nổi bật trong đoạn trích “Đi lấy mật”.

Thông qua những lời miêu tả của An, Cò hiện lên với vẻ khỏe mạnh của một người chuyên đi rừng. Khác với An, Cò sinh ra và lớn lên ở vùng núi U Minh. Chính vì vậy, việc đội cái thúng to tướng lỉnh kỉnh bao nhiêu đồ không hề làm khó cậu. Trong khi An đã thấm mệt thì Cò chẳng thấm tháp gì. Cò có đôi chân khỏe, dẻo dai như “bộ giò nai”, lội suốt ngày trong rừng. Cậu rất giàu năng lượng và vô cùng khỏe khoắn, điều đó được thể hiện qua hành động “bưng vò nước ra, ngửa cổ kề miệng vào vò nước uống ừng ực” rồi thúc vào lưng An mà hỏi “Đố mày biết con ong mật là con nào?”. Ở Cò, tuy còn nhỏ tuổi nhưng dáng vẻ và hành động ấy cho thấy cậu sẽ là một người “băng rừng lội suối” giỏi trong tương lai.

Nổi bật hơn cả là tình yêu thiên nhiên và tài quan sát tỉ mỉ của cậu trong cuộc trò chuyện với An. Thấy An lúng túng trước câu hỏi của mình, Cò khoái chí “vênh mặt lên cười” rồi từ tốn giải thích cho An. Cuối cùng, An rất bất ngờ trước khả năng quan sát tinh tường của Cò khi cậu đã đoán trúng kèo gác ong. Có thể nói, Cò là người hiểu biết về rừng và có thể phân biệt nhiều loài động vật khác nhau.

Cò hiện lên chân thực qua lời kể của An, đặc điểm nhân vật được thể hiện rõ nét ở lời nói và hành động. Ngôn từ được sử dụng trong văn bản trong sáng, giản dị, hình ảnh gần gũi, quen thuộc đã góp phần tô đậm dáng vẻ của Cò.

Có thể nói, nhà văn đã miêu tả thành công nhân vật Cò – hình ảnh con người Nam Bộ gắn bó sâu sắc với tự nhiên. Hình tượng nhân vật Cò sẽ luôn ghi dấu trong lòng người đọc bởi nét hồn hậu, chất phác của con người phương Nam.

Phân tích nhân vật Cò trong đoạn trích Đi lấy mật mẫu số 2

Đọc văn bản "Đi lấy mật" trích trong tiểu thuyết "Đất rừng phương Nam", chúng ta không thể nào quên được nhân vật Cò. Tác giả đã khắc họa thành công nhân vật với vóc dáng khỏe mạnh, sự am hiểu và tình yêu thiên nhiên sâu sắc.

Dưới con mắt của An, Cò hiện lên ngay từ phần đầu đoạn trích với hành động "đội cái thúng to tướng, trong thúng đựng một vò nước, mấy gói cơm nắm và cái áo ướt mồ hôi vừa cởi ra cuộn lại, trên thúng úp chiếc nón lá rách". Dường như đống đồ ấy không hề làm khó được cậu ta. Đối nghịch với An, Cò được sinh ra và lớn lên ở vùng núi U Minh. Vì vậy, cậu đã quen với việc đi rừng từ bé. Trong khi An thấm mệt sau nhiều giờ đi cùng tía nuôi "ăn ong" thì "Thằng Cò thì coi bộ chưa thấm tháp gì. Cặp chân của nó như bộ giò nai, lội suốt ngày trong rừng còn chả mùi gì nữa là". Đến giờ nghỉ, cậu bé rất giàu năng lượng và khỏe khoắn khi "bưng vò nước ra, ngửa cổ kề miệng vào vò uống nước ừng ực" rồi thúc vào lưng An đố biết đâu là con ong mật. Dường như, cậu rất thuần thục địa hình nên không hề tỏ chút mệt mỏi, buồn chán.

Cò cũng là người có tài quan sát tỉ mỉ, lanh lợi, lém lỉnh. Thấy An lúng túng trước câu hỏi của mình, Cò thích thú thể hiện hiểu biết đối với một người mới đi rừng như An. Cậu "vênh mặt lên cười" rồi lấy tay chỉ "Bây giờ mày nhìn kĩ vào khoảng cách giữa hai nhánh tràm cao kia! Ờ! Đúng rồi. Nhìn một chỗ trống ấy thôi nhá. Nó tới liền bây giờ." Cò giảng giải cẩn thận giúp An nhận ra được kèo gác ong trên cành cây.

Bằng cách sử dụng ngôi kể thứ nhất xưng "tôi" cùng ngôn ngữ trong sáng, hình ảnh gần gũi, bình dị, tác giả đã miêu tả thành công nhân vật Cò. Thông qua hình tượng nhân vật, nhà văn thể hiện tình yêu của mình đối với vùng đất, con người phương Nam.

-/-

Vừa rồi là nội dung chi tiết một số mẫu bài văn phân tích nhân vật Cò trong đoạn trích Đi lấy mật - Văn mẫu lớp 7 do Doctailieu tổng hợp và biên soạn chi tiết hi vọng sẽ giúp các em có thêm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích để có một bài văn phân tích hay và sâu sắc. Chúc các em học tốt !

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM