Phân tích một đoạn thơ trong văn bản Lời tiễn dặn

Xuất bản: 16/08/2024 - Tác giả:

Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) phân tích một đoạn thơ trong văn bản Lời tiễn dặn đã để lại cho bạn những ấn tượng thực sự sâu sắc - Văn mẫu 11 Kết nối tri thức

Phân tích một đoạn thơ trong văn bản Lời tiễn dặn là một trong những yêu cầu thường gặp trong chương trình Ngữ văn lớp 11. Bài viết này sẽ hướng dẫn các em đi từng bước từ việc lựa chọn đoạn thơ, xác định nội dung, hình thức nghệ thuật đến việc triển khai lập luận một cách chặt chẽ, để các em có thể hoàn thành bài văn một cách tốt nhất.

Lựa chọn đoạn thơ và xác định chủ đề

- Dựa vào yêu cầu của đề bài, chọn đoạn thơ đã để lại cho bạn những ấn tượng thực sự sâu sắc để phân tích. Ấn tượng đó là về nội dung, hình thức nghệ thuật, hay ý nghĩa của đoạn thơ?

- Xác định chủ đề của đoạn thơ muốn nói về điều gì? (Tình yêu, sự chia ly, nỗi đau, hy vọng,...)

- Tìm hiểu xem tác giả đã sử dụng những biện pháp nghệ thuật nào? Tác dụng của những biện pháp đó là gì? Cảm xúc của nhân vật được thể hiện ra sao?

- Mỗi hình ảnh, chi tiết trong đoạn thơ đều mang một ý nghĩa sâu sắc. Hãy tìm hiểu và giải thích ý nghĩa của chúng.

- Xác định ý nghĩa nội dung đoạn thơ muốn gửi gắm thông điệp gì đến người đọc?

Ví dụ:

"Chết ba năm hình còn treo đó;
Chết thành sông, vực nước uống mát lòng;
Chết thành đất, mọc dây trầu xanh thắm;
Chết thành bèo, ta trôi nổi ao chung;
Chết thành muôi, ta múc xuống cùng bát;
Chết thành hồn, chung một mái, song song."

+ Nội dung chủ đề đoạn thơ: Tình yêu mãnh liệt, thủy chung son sắt của đôi lứa khi yêu nhau. Dù có chết đi, hóa thành sông, thành đất, thành bèo, thành muôi, thành hồn thì đôi lứa vẫn gắn bó bên nhau, trọn vẹn nghĩa tình. Mong muốn thoát khỏi tập tục và quy luật của đời người, sống chết cũng không chia lìa.

+ Biện pháp nghệ thuật: điệp từ "chết", lặp cấu trúc,...

+ Cảm xúc của nhân vật: Dù có chết đi vẫn muốn gắn bó với nhau, ý chí quyết tâm đưa người con gái mình yêu trở về đoàn tụ với mình, sống một cuộc sống tràn đầy niềm vui, hạnh phúc, sống một cuộc sống không phải chịu sự dày vò, đánh đập.

+ Những hình ảnh tượng trưng: "Sông, vực, đất, bèo, muôi, hồn" đều là những hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống, được sử dụng để tượng trưng cho sự hòa quyện, gắn bó mật thiết giữa hai người. Hình ảnh "cái chết" không phải cái chết vật lý mà là chỉ sự gắn kết vĩnh cửu. Hình ảnh "chung một mái" biểu tượng cho gia đình, cho cuộc sống chung.

+ Thông điệp của đoạn văn: Cái chết là điểm cực hạn của đời người, nhưng chỉ cần đồng lòng yêu thương nhau, tình yêu ấy sẽ vượt mọi giới hạn, trở thành bất tử.

Lập dàn ý đoạn văn phân tích một đoạn thơ trong văn bản Lời tiễn dặn

1. Mở đoạn

- Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm truyện thơ "Lời tiễn dặn" của dân tộc Thái, nhấn mạnh giá trị nghệ thuật và nội dung sâu sắc của tác phẩm.

- Giới thiệu đoạn thơ em lựa chọn để phân tích (chép lại chính xác đoạn thơ).

2. Thân đoạn

a) Tóm tắt nội dung chính của đoạn thơ

- Lời thề nguyền của chàng trai dù biến thành bất cứ hình dạng, dáng vẻ nào, đôi lứa vẫn sẽ ở bên nhau, vai kề vai sánh đôi, tình yêu của họ dường như đã vượt ra khỏi ranh giới giữa sự sống và cái chết.

b) Phân tích nội dung chi tiết từng câu thơ

- Ý nghĩa biểu tượng:

+ Giải thích ý nghĩa của các hình ảnh: hình ảnh cái chết, sông, vực, đất, bèo, muôi, hồn.

+ Nhấn mạnh sự gắn kết vĩnh cửu giữa hai người.

- Tâm trạng nhân vật:

+ Xác định tâm trạng của nhân vật qua các từ ngữ, hình ảnh: yêu thương sâu sắc, quyết tâm sắt đá, hy vọng.

+ Phân tích sự chuyển biến tâm trạng (nếu có).

+ Liên hệ với hoàn cảnh của nhân vật để làm rõ hơn.

- Quan hệ giữa các hình ảnh:

+ Chỉ ra sự liên kết giữa các hình ảnh.

+ Giải thích mối quan hệ đó thể hiện điều gì.

c) Đặc sắc nghệ thuật của đoạn thơ

- Nghệ thuật của đoạn thơ có gì đặc sắc?

- So sánh với các đoạn thơ khác.

3. Kết đoạn

- Khẳng định lại giá trị của đoạn thơ

- Nêu suy nghĩ, cảm xúc của bản thân về đoạn thơ.

9+ mẫu đoạn văn phân tích một đoạn thơ trong văn bản Lời tiễn dặn

Phân tích một đoạn thơ trong văn bản Lời tiễn dặn mẫu số 1

“Chết ba năm hình còn treo đó;
Chết thành sông, vực nước uống mát lòng
Chết thành đất, mọc dây trầu xanh thắm,
Chết thành bèo, ta trôi nổi ao chung,
Chết thành muôi, ta múc xuống cùng bát,
Chết thành hồn, chung một mái, song song.”

Đoạn thơ trên trong văn bản Lời tiễn dặn của dân tộc Thái là một minh chứng hùng hồn cho tình yêu mãnh liệt, vượt qua cả sinh tử của đôi lứa. Hình ảnh cái chết được lặp đi lặp lại, nhưng không hề mang ý nghĩa tiêu cực mà lại là một lời khẳng định về sự gắn bó vĩnh cửu. Nhà thơ dân gian đã sử dụng những hình ảnh thiên nhiên gần gũi, quen thuộc như sông, vực, đất, bèo, muôi để diễn tả một tình yêu bền chặt, không gì có thể chia cắt. Dù có chết đi, họ vẫn muốn hóa thân vào những vật thể ấy để luôn được ở bên nhau, cùng nhau trải qua mọi khoảnh khắc trong cuộc sống. Hình ảnh "chung một mái, song song" là một lời khẳng định cuối cùng, khẳng định về một tình yêu vĩnh hằng, vượt qua cả sự sống và cái chết. Qua đó, tác giả đã thể hiện một quan niệm về tình yêu sâu sắc, một tình yêu không chỉ tồn tại trong hiện tại mà còn vươn xa đến cả tương lai.

Phân tích một đoạn thơ trong văn bản Lời tiễn dặn mẫu số 2

Anh tới nơi, em bẻ lá xanh em ngồi;

Được nhủ đôi câu, anh mới đành lòng quay lại,

Được dặn đôi lời, anh yêu em mới chịu quay đi.

Lúc tiễn đưa này, anh - người đàn ông dân tộc Thái ấy, cử chỉ thân mật, tình cảm tuyệt vời, trước người con gái mình yêu, hoàn cảnh éo le hiện tại, anh cũng như chị, cũng muốn níu kéo thời gian giây phút ngắn ngủi được ở bên chị, Anh đòi hỏi với mong muốn tha thiết phải được dặn chị đôi lời mới chịu quay gót, phải dặn dù chẳng được nói chuyện nhiều như lúc xưa kia nhưng vì anh luôn cảm thấy chi hiểu mình, tin tưởng nhau tuyệt đối như ngày nào nên dù có dặn đôi câu cũng đã yên lòng quay gót đi. Ngôn ngữ xưng hô trong dân ca Thái và trong tiễn dặn người yêu sao mà ngọt ngào, mở đầu đoạn trích Anh gọi chị là “người đẹp anh yêu”, đến lúc gặp được chị là một câu tự xưng “anh yêu của em” khẳng định tình yêu trong Anh vẫn nồng nàn, thắm thiết.

Phân tích một đoạn thơ trong văn bản Lời tiễn dặn mẫu số 3

"Lời tiễn dặn" của dân tộc Thái là một bản tình ca ngọt ngào mà sâu lắng, khắc họa tình yêu đôi lứa trong bối cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Hình ảnh một chàng trai đứng giữa rừng sâu, đôi mắt hướng về phía xa xăm, chờ đợi người yêu trở về, là một hình ảnh đẹp nhưng cũng đầy nỗi buồn.

Tình cảm của người con trai ấy thật cao cả, đáng quý, không những chỉ yêu mình cô gái, còn dành cả tình yêu luôn cả đứa con riêng của cô. Vì hoàn cảnh éo le, nàng phải chấp nhận tình cảm, cũng như đứa con mà tạo thành bởi một cuộc tình không có cảm xúc, lạnh nhạt với người chồng hiện tại. Anh vẫn bao dung, trân trọng cô, anh nựng đứa con của người yêu như chính đưa con ruột của mình.

Con nhỏ hãy đưa anh ẵm,

Bé xinh hãy đưa anh bồng,

Cho anh bế con dòng, đừng ngượng,

Nựng con rồng, con phượng, đừng buồn.

Tiếng nựng kia dù chân thành nhưng làm sao có thể tránh sự đau lòng, ai oán, khi tình yêu đến mà không được cùng nhau đi đến cuối cuộc đời, không được cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc, những đàn con thơ.

Phân tích một đoạn thơ trong văn bản Lời tiễn dặn mẫu số 4

Chết ba năm hình còn treo đó;
Chết thành sông, vực nước uống mát lòng;
Chết thành đất, mọc dây trầu xanh thắm;
Chết thành bèo, ta trôi nổi ao chung;
Chết thành muôi, ta múc xuống cùng bát;
Chết thành hồn, chung một mái, song song.

Đoạn thơ trên đã vẽ nên một bức tranh tình yêu mãnh liệt, vượt qua cả sinh tử. Hình ảnh "chết" được lặp đi lặp lại nhưng không hề mang ý nghĩa tiêu cực mà lại chứa đựng một khát vọng sâu sắc về sự gắn kết vĩnh cửu. Tác giả dân gian đã sử dụng những hình ảnh thiên nhiên quen thuộc như sông, vực, đất, bèo, muôi để tượng trưng cho sự hòa quyện, gắn bó mật thiết giữa hai tâm hồn. Việc "chết thành sông, vực nước uống mát lòng", "chết thành đất, mọc dây trầu xanh thắm" không chỉ thể hiện sự gắn bó về không gian mà còn khẳng định sự trường tồn của tình yêu. Hình ảnh "chung một mái, song song" là lời khẳng định cuối cùng, khẳng định một tình yêu chung thủy, son sắt. Bằng việc sử dụng những biện pháp tu từ như so sánh, liệt kê, tác giả đã tạo nên một âm điệu sâu lắng, gợi cảm, khiến người đọc không khỏi xúc động trước tình yêu mãnh liệt của đôi lứa. Đoạn thơ không chỉ là lời tỏ tình mà còn là lời thề nguyện, là lời khẳng định về một tình yêu bất tử, vượt qua mọi khoảng cách, thời gian.

Phân tích một đoạn thơ trong văn bản Lời tiễn dặn mẫu số 5

“Lời tiễn dặn” là truyện thơ đặc sắc, tiêu biểu nhất của dân tộc Thái giữa một kho tàng văn học các dân tộc thiểu số, thể hiện khát vọng tự do yêu đương của lứa đôi. Một trong những điều đau khổ nhất trong cuộc đời là không thể cùng sống hạnh phúc với người mình yêu. Đó cũng chính là tâm trạng, nỗi khổ tâm của cô gái trong truyện, được chàng trai cảm nhận với cả tấm lòng. Cô gái bịn rịn, lưu luyến, không muốn xa rời người yêu qua những hành động cụ thể:

“Vừa đi vừa ngoảnh lại,
Vừa đi vừa ngoái trông,
Chân bước xa lòng càng đau nhớ.
Em tới rừng ớt ngắt lá ớt ngồi chờ,
Tới rừng cà ngắt lá cà ngồi đợi,
Tới rừng lá ngón ngóng trông”.

Những hành động “ngoảnh lại, ngoái trông” chẳng phải bộc lộ rõ chúng ta đang chờ đợi một ai đó sao? Đúng vậy nàng đang chờ đợi được gặp mặt chàng trước khi trở thành vợ của một người khác. Kèm theo đó, là một loạt hành động tiếp theo (ngắt lá ớt, ngắt lá cà) mục đích duy nhất chỉ là muốn chờ đợi người yêu. Qua mỗi cánh rừng đều dừng lại để ngắt lá, người con gái muốn níu kéo thời gian dài ra, khát khao muốn được gặp lại người yêu thêm chút nữa. Tất cả những điều đó qua ánh mắt, qua hành động thể hiện rõ tâm trạng đau khổ, nỗi lòng xót xa, quyến luyến không muốn rời xa, kết thúc mối tình tuyệt đẹp của mình.

Đoạn văn mẫu phân tích một đoạn thơ trong văn bản Lời tiễn dặn

Phân tích một đoạn thơ trong văn bản Lời tiễn dặn mẫu số 6

Trong bài ca dao "Lời tiễn dặn" của dân tộc Thái, đoạn thơ để lại ấn tượng sâu sắc trong em là:

“Chết ba năm hình còn treo đó;

Chết thành sông, vực nước uống mát lòng

Chết thành đất, mọc dây trầu xanh thắm,

Chết thành bèo, ta trôi nổi ao chung,

Chết thành muôi, ta múc xuống cùng bát,

Chết thành hồn, chung một mái, song song.”

Với việc sử dụng điệp cấu trúc “Chết…” làm nổi bật lời thề nguyền của chàng trai đã lên đến tận cùng, Chàng trai khẳng định dù biến thành bất cứ hình dạng, dáng vẻ nào, hai người vẫn sẽ ở bên nhau, vai kề vai sánh đôi. Cái chết tưởng chừng như hết nhưng khi đặt trong hoàn cảnh này, nó như trở thành một sự giải thoát cho cả hai, sẽ đưa họ đến bên nhau mà không ai có thể ngăn cách. Cách nói đầy hình ảnh này nhằm nhấn mạnh tình yêu mà chàng trai dành cho cô gái, nó dường như đã vượt ra khỏi ranh giới giữa sự sống và cái chết, tìm kiếm hy vọng trong sự tận cùng, chỉ vì muốn được ở bên nhau dù trong bất cứ thân phận nào. Tình cảm ấy thật mãnh liệt, nồng cháy, một tình yêu bất diệt trước mọi hoàn cảnh khiến người đọc không khỏi xúc động, cảm thông cho hoàn cảnh của chàng trai.

Đoạn thơ là một minh chứng sinh động cho tình yêu sâu sắc, mãnh liệt và bất tử của con người. Qua những hình ảnh giàu sức gợi và ngôn ngữ giàu cảm xúc, tác giả dân gian đã khắc họa thành công một tình yêu đẹp, vượt qua mọi khoảng cách, thời gian. Tình yêu ấy vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa đối với mỗi chúng ta trong cuộc sống hôm nay.

Phân tích một đoạn thơ trong văn bản Lời tiễn dặn mẫu số 7

Tình yêu là một đề tài đặc biệt trong thơ ca, giống như Xuân Diệu đã từng khẳng định “Làm sao sống được mà không yêu, không nhớ, không thương một kẻ nào?” Viết về đề tài ấy, ta nhớ đến bài thơ Lời tiễn dặn và một đoạn thơ vô cùng đặc sắc để lại rất nhiều cảm xúc và ấn tượng cho bạn đọc:

“Đôi ta yêu nhau, đợi tới tháng Năm lau nở

Đợi mùa nước đỏ cá về

Đợi chim tăng ló hót gọi hè

Không lấy được nhau mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông

Không lấy được nhau thời trẻ, ta sẽ lấy nhau khi goá bụa về già”.

Đoạn thơ đã bộc lộ những tình cảm chân thành, vô cùng đong đầy của chàng trai trẻ. Đoạn thơ này đã được xem như một lời tỏ tình hay nhất của nền thơ ca văn học Việt Nam, bởi những ngôn từ vô cùng mộc mạc và hấp dẫn. Khi đôi ta yêu nhau, ta có thể làm mọi thứ, thậm chí là chờ đợi nhau trong một thời gian dài. Đôi trẻ yêu nhau mà sẵn sàng chờ, chờ mùa nước đỏ khi đó cá mới về, đợi chim hót vào đầu hè, thêm vào đó là quyết tâm ở bên nhau, gắn bó bền chặt cùng nhau. Đối với chàng trai, anh nghĩ rằng thời gian không là gì cả, sẽ không bao giờ quá muộn để làm bất cứ thứ gì. Cụm từ “không lấy được nhau” đã thể hiện sự chia xa buồn bã, chán nản. Tuy nhiên, chàng trai trẻ đã không bỏ cuộc khi khẳng định rằng không lấy được nhau thời trẻ thì ta sẽ cưới nhau khi chúng ta già. Đó là tình yêu cháy bỏng, dạt dào dù không còn ở bên nhau, người đọc vô cùng cảm động trước những thông điệp mà đoạn trích hướng tới vô cùng hay và ý nghĩa.

Phân tích một đoạn thơ trong Lời tiễn dặn bài số 8

"Tiễn dặn người yêu" là một trong những truyện thơ tiêu biểu và đặc sắc trong kho tàng văn học dân gian các dân tộc thiểu số, được bổ sung qua nhiều thế hệ người Thái. Người Thái coi đây là cuốn sách quý nhất trong mọi cuốn sách quý vì nó thể hiện rõ nét cuộc sống và tâm hồn Thái.

Mở đầu đoạn trích, chàng trai đã âu yếm gọi cô gái là “người đẹp anh yêu”, “anh yêu em”. Cách xưng hô, cách gọi đậm chất trữ tình, đặc trưng cho lời ăn tiếng nói của đồng bào Thái và mang sắc thái trữ tình sâu sắc. Vẻ đẹp của người con gái Thái được miêu tả bàng một nét phác họa chính xác hết sức tài tình “Xin hãy cho anh kề vóc mảnh” bởi ai đã từng tiếp xúc với người phụ nữ Thái hẳn sẽ ấn tượng với dáng vóc mảnh mai có phần kiêu sa của họ. Truyện thơ khác với các thể loại tự sự văn xuôi ở ưu thế tả người, tả cảnh, tả tình, ở phần khác của truyện thơ này có một số dòng miêu tả vẻ đẹp của người con gái:

“Ngón tay thon lá hành

Đuôi mắt dài như mắt lá trầu xanh”.

Chính đoạn thơ này đã trở thành điểm nhấn và là cảm hứng tạo nên đầu đề của truyện thơ Tiễn dặn người yêu. Vì chỉ ở thời điểm này, tình yêu mới bộc lộ được hết sắc độ của nó, với yêu thương, đớn đau, tuyệt vọng và quyết tâm không gì lay chuyển.

Phân tích một đoạn thơ trong Lời tiễn dặn bài số 9

Giữa kho tàng văn học dân tộc thiểu số, "Lời tiễn dặn" nổi bật như một viên ngọc quý, thể hiện khát vọng tự do yêu đương của người Thái. Câu chuyện khắc họa rõ nét nỗi đau chia ly, khi tình yêu không thể trọn vẹn. Cô gái, với những hành động lưu luyến, bịn rịn, đã để lại trong lòng chàng trai một nỗi buồn sâu sắc:

“Vừa đi vừa ngoảnh lại,
Vừa đi vừa ngoái trông,
Chân bước xa lòng càng đau nhớ.
Em tới rừng ớt ngắt lá ớt ngồi chờ,
Tới rừng cà ngắt lá cà ngồi đợi,
Tới rừng lá ngón ngóng trông”.

Hình ảnh quay chậm miêu tả cô gái qua lời chàng trai rõ nét, luôn trong trạng thái níu kéo cho thời gian dài ra, cố trì hoãn những bước đi về nhà người chồng mà cô không hề muốn sống chung, mỗi chữ, chân bước đi mà đầu “còn ngoảnh lại” mắt còn “ngoái trông anh”, chân bước càng xa thì lòng càng đau đớn, mỗi cảnh rừng cô qua đều biểu hiện sự tha thiết nhớ và muốn gặp người yêu cũ.

-/-

Trên đây là những gợi ý chi tiết về cách làm và một số bài văn mẫu phân tích một đoạn thơ trong văn bản Lời tiễn dặn - tác phẩm truyện thơ nổi tiếng của dân tộc Thái. Mong rằng những gợi ý trên sẽ là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích giúp các em hoàn thành bài văn phân tích của mình một cách tốt nhất. Xem thêm các bài văn hay khác tại mục tài liệu Văn mẫu 9 để tự rèn luyện kỹ năng làm văn. Chúc các em học tốt!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM