Phân tích một biểu hiện của tư tưởng nhân đạo trong Truyện Kiều

Xuất bản: 01/03/2024 - Tác giả:

Phân tích một biểu hiện của tư tưởng nhân đạo trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, gợi ý làm bài và một số đoạn văn mẫu tham khảo

Tham khảo gợi ý và một số đoạn văn mẫu phân tích một biểu hiện của tư tưởng nhân đạo trong Truyện Kiều do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tổng hợp. Hi vọng bài viết sẽ giúp các em có thêm nguồn tư liệu tham khảo hữu ích trong quá trình tìm hiểu tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du và viết được một bài văn phân tích sâu sắc.

Gợi ý một số biểu hiện của tư tưởng nhân đạo trong Truyện Kiều

Những biểu hiện của tư tưởng nhân đạo trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:

- Trân trọng vẻ đẹp của con người

+ Vẻ đẹp ngoại hình: Nguyễn Du đã dành nhiều ưu ái khi xây dựng chân dung nhân vật:

  • Với Thúy Vân thì miêu tả tỉ mỉ, chi tiết để dựng nên bức chân dung  vừa đáng yêu, thiện cảm, vừa trang trọng, quý phái.
  • Với Thúy Kiều thì sử dụng bút pháp “tả mây tô trăng”, “điểm nhãn” để dựng nên bức chân dung sắc sảo, hoàn mỹ, không ngôn từ nào diễn tả hết.
  • Sử dụng thủ pháp ước lệ để xây dựng chân dung nhân vật, vẻ đẹp của con người không chỉ sánh ngang với thiên nhiên mà thậm chí vượt qua thiên nhiên, khiến thiên nhiên phải “thua - nhường”, “ghen - hờn” trước sắc đẹp con người.

+ Vẻ đẹp đức hạnh: Cả Thúy Kiều và Thúy Vân đều có đức hạnh đoan trang, đúng mực. Ở Thúy Kiều thì sáng lên vẻ đẹp của đạo hiếu, đức tính thủy chung, tấm lòng trọng ân nghĩa, bao dung, độ lượng.

+ Vẻ đẹp tài năng: Nguyễn Du xây dựng nhân vật Thúy Kiều đa tài mà tài nào cũng xuất sắc, tuyệt đỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh sự trân trọng còn là một dự cảm bất an cho số phận truân chuyên của con người bởi ông quan niệm “chữ tài liền với chữ tai một vần”.

- Thương xót cho số phận đau thương của con người

+ Đau xót cho thân phận con người bị chà đạp, khinh rẻ, bị biến thành một món hàng để cân đo đong đếm.

+ Đau xót cho cảnh ngộ côi cút, đơn độc nơi lầu Ngưng Bích “khóa xuân”.

+ Nguyễn Du nhập thân vào nhân vật để cảm nhận hết nỗi đau của nhân vật, tác phẩm viết ra như có “máu chảy trên đầu ngọn bút”, thương cảm cho tương lai bất định, nhiều bất an của Kiều nơi lầu Ngưng Bích.

- Tố cáo, phê phán những thế lực chà đạp lên con người

+ Vạch trần bản chất xấu xa của những kẻ bất nhân trong xã hội xưa, những kẻ “buôn thịt bán người”, kiếm sống trên thân xác của những cô gái vô tội, tiêu biểu là Mã Giám Sinh.

+ Bóc trần cái mác “giám sinh” của họ Mã để cho thấy tính cách vô học, thô thiển của hắn, phẫn nộ trước bản chất con buôn của hắn.

- Thấu hiểu ước mơ của con người: Ước mơ một cuộc sống công bằng, cái thiện được khuyến khích, nâng niu, cái ác phải bị trừng phạt, phải trả giá.

+ Với người có ân, một mực trân trọng thể hiện ở việc Kiều báo ân cho Thúc Sinh.

+ Với kẻ có tội, nghiêm khắc, công bằng, trừng phạt đúng người đúng tội, khoan hồng cho kẻ thực tâm hối cải thể hiện ở lời nói đanh thép vạch tội Hoạn Thư của Kiều.

Một số đoạn văn mẫu phân tích một biểu hiện của tư tưởng nhân đạo trong Truyện Kiều

Phân tích một biểu hiện của tư tưởng nhân đạo trong Truyện Kiều mẫu số 1

Giá trị nhân đạo là một điều ta có thể dễ dàng bắt gặp trong tác phẩm Truyện Kiều. Trong đó, ấn tượng nhất đối với em là giá trị phê phán của tác phẩm. Mỗi con người, nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du đều mang theo những mặt xấu, mặt tốt lẫn lộn đan xen. Từ kẻ buôn người như Tú Bà, Bạc Bà, Bạc Hạnh cho đến kẻ độc ác như Hoạn Thư… tất cả đều mang trong mình những mặt xấu và đáng chê trách, lên án. Với Nguyễn Du, ông phê phán họ là vậy, nhưng ông vẫn thể hiện lòng khoan dung, sự tin tưởng của mình vào nhân cách con người có thể bị cảm hóa thể hiện qua đoạn Thúy Kiều báo ân báo oán. Và đó chính là một phát hiện vĩ đại, to lớn khi ông luôn tin tưởng vào nhân phẩm của con người, họ chỉ là lầm đường lạc lối nhưng khi được khai sáng, họ sẽ quay lại với bản chất ban đầu của mình, làm người lương thiện. Đây chính là giá trị nhân đạo em thấy hay và sâu sắc nhất trong Truyện Kiều.

Phân tích một biểu hiện của tư tưởng nhân đạo trong Truyện Kiều mẫu số 2

Giá trị nhân đạo của Truyện Kiều thể hiện ở chỗ tác giả ca ngợi vẻ đẹp ngoại hình cũng như vẻ đẹp phẩm chất của chị em Thúy Vân, Thúy Kiều. Vẻ đẹp trang trọng, đoan trang của người thiếu nữ được so sánh với những thứ cao đẹp trên đời: trăng, hoa, mây, tuyết, ngọc. Tác giả đã sử dụng những hình ảnh thiên nhiên có vẻ đẹp đặc biệt, trong trắng, tinh khiết, rực rỡ để miêu tả vẻ đẹp của Thúy Vân. Thiên nhiên cũng phải thua, phải nhường sắc đẹp của nàng. Bằng biện pháp nghệ thuật so sánh, ẩn dụ, tác giả đã làm nổi bật vẻ đẹp trung thực, phúc hậu mà quý phái của người thiếu nữ. Chân dung của Thúy Vân là chân dung mang tính cách số phận, vẻ đẹp của Vân tạo nên sự êm đềm, hòa hợp với xung quanh. Điều đó dự báo cuộc đời nàng sẽ suôn sẻ, hạnh phúc. Phải là người biết yêu quý cái đẹp, biết trân trọng cái đẹp Nguyễn Du mới có được sự miêu tả như thế.

Ca ngợi Thúy Kiều, Nguyễn Du không chỉ ca ngợi vẻ đẹp hình thức mà tác giả còn ca ngợi vẻ đẹp về mặt tâm hồn, tài năng. Cũng như lúc tả Thúy Vân, câu thơ đầu khái quát đặc điểm nhân vật: “Kiều càng sắc sảo, mặn mà”. Nàng sắc sảo về trí tuệ, mặn mà về tâm hồn, tình cảm. Đáng lưu ý là khi họa bức chân dung Thúy Kiều, tác giả tập trung gợi tả vẻ đẹp đôi mắt, bởi đôi mắt là sự thể hiện phần tinh anh về tâm hồn và trí tuệ. Cái sắc sảo của trí tuệ, cái mặn mà của tâm hồn đều liên quan đến đôi mắt. Thế nhưng, khi tả Kiều, nhà thơ tả sắc một phần còn dành đến hai phần để tả tài năng. Tài của Kiều đạt tới mức lí tưởng, theo quan niệm thẩm mĩ phong kiến gồm đủ cả: cầm, kì, thi, họa. Đặc biệt, tài đánh đàn của nàng đã là sở trường, năng khiếu, vượt lên trên mọi người: “Cung thương làu bậc ngũ âm / Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương”. Nhấn mạnh cái tài của Thúy Kiều cũng là để ngợi ca cái tâm đặc biệt của nàng. Cung đàn bạc mệnh mà Thúy Kiều tự sáng tác chính là sự ghi lại tiếng lòng của một trái tim đa sầu đa cảm. Như vậy, vẻ đẹp của Thúy Kiều là sự hội tụ của cả sắc - tài - tình. Tác giả đã dùng câu thành ngữ “nghiêng nước nghiêng thành” để đặc tả giai nhân. Sắc đẹp của Thúy Kiều có thể làm cho người ta say mê đến nỗi mất thành mất nước. Rõ ràng phải là người có tấm lòng yêu thương mới thấy hết được vẻ đẹp của những con người bất hạnh để mà ca ngợi. Tình cảm xót thương, sự trân trọng về sắc đẹp và tài năng Thúy Kiều giúp ta hiểu được giá trị nhân đạo thể hiện qua các đoạn trích này nói riêng, trong tác phẩm Truyện Kiều nói chung.

Phân tích một biểu hiện của tư tưởng nhân đạo trong Truyện Kiều mẫu số 3

Giá trị nhân đạo của tác phẩm biểu hiện ở tấm lòng thương xót đối với người phụ nữ bất hạnh. Trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều ngòi bút nhân đạo của Nguyễn Du giúp người đọc thấy được tấm lòng của ông cho nhân vật Thúy Kiều. Thúy Kiều là người con hiếu thảo. Trước cơn gia biến, nàng quyết định bán mình chuộc cha và em.

Bằng bút pháp ước lệ, tác giả làm nổi bật tâm trạng tủi hổ, cảm giác nhục nhã, ê chề của Kiều khi nàng bị coi như một món hàng. Một người con gái tài sắc, đức hạnh như nàng Kiều lại trở thành một món hàng đem ra mua bán. Không những thế, bọn chúng còn “Cò kè bớt một thêm hai”, Nguyễn Du đã cảm thương cho nỗi đau khổ của nàng khi Mã Giám Sinh “cân sắc cân tài”. Nguyễn Du đã thấu hiểu tâm trạng Kiều.

Đó chính là một biểu hiện của tư tưởng nhân đạo sáng ngời trong tác phẩm. Kiều ở lầu Ngưng Bích là một đoạn trích tiêu biểu cho nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật trong Truyện Kiều, tác giả đã giúp cho người đọc hiểu được nỗi đau, nỗi nhớ thương, nỗi cô đơn, lo sợ của nàng Kiều. Phải bán mình chuộc cha, trao duyên cho em, Kiều rơi vào tay Mã Giám Sinh và Tú Bà.

Kiều không muốn tiếp khách làng chơi nên nàng đã tìm đến cái chết nhưng nàng lại được cứu sống. Tú Bà vì sợ Thúy Kiều chết đi thì “Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma” nên dỗ ngon ngọt và vờ đưa nàng ra ở lầu Ngưng Bích đợi tìm nơi tử tế để gả chồng. Thực chất lầu Ngưng Bích là nơi giam lỏng Thúy Kiều - nơi khóa kín tuổi xuân của nàng. Nơi đây cũng chính là điểm khởi đầu cho quãng đường lưu lạc đầy đau thương, tủi nhục của Kiều.

Ngòi bút của Nguyễn Du như nhỏ lệ khi miêu tả cảnh vật thông qua tâm trạng của Thúy Kiều. Giữa thiên nhiên vắng lặng và mênh mông, không một bóng người, Kiều chỉ còn thấy “bốn bề bát ngát xa trông”. Một cảm giác cô đơn, buồn tủi và bẽ bàng xâm chiếm tâm hồn nàng. Nàng xót xa cho thân phận, số kiếp mình:

Bẽ bàng mây sớm đèn khuya

Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.

Phải chăng đó cũng chính là nỗi xót đau của tác giả dành cho những người phụ nữ tài sắc nhưng bất hạnh như Thúy Kiều?

Phân tích một biểu hiện của tư tưởng nhân đạo trong Truyện Kiều mẫu số 4

Trong Truyện Kiều, tinh thần nhân đạo cao cả là nội dung tư tưởng đặc sắc tạo nên vẻ đẹp nhân văn của áng thơ này. Chúng ta vô cùng tự hào về Nguyễn Du, một tâm hồn nhạy cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên, một trái tim giàu yêu thương, đồng cảm với tâm tư và số phận của con người, một tài năng lớn về thi ca đã làm rạng rỡ nền văn học cổ Việt. Tinh thần nhân đạo của Nguyễn Du thấm nhuần trong trang thơ Truyện Kiều. Chủ nghĩa nhân đạo là tư tưởng yêu thương con người, tôn trọng các giá trị của con người.

Biểu hiện của chủ nghĩa nhân đạo trong Truyện Kiều được thể hiện qua sự trân trọng vẻ đẹp của con người, thương xót cho số phận đau thương của con người, tố cáo, phê phán những thế lực chà đạp lên con người và thấu hiểu ước mơ của con người. Nguyễn Du rất trân trọng vẻ đẹp con người. Nguyễn Du đã dành nhiều ưu ái khi xây dựng chân dung nhân vật. Với Thúy Vân, Nguyễn Du miêu tả tỉ mỉ, chi tiết để dựng nên bức chân dung vừa đáng yêu, thiện cảm, vừa trang trọng, quý phái. Với Thúy Kiều, Nguyễn Du sử dụng bút pháp “tả mây tô trăng”, “điểm nhãn” để dựng nên bức chân dung sắc sảo, hoàn mỹ, không ngôn từ nào diễn tả hết. Nguyễn Du sử dụng thủ pháp ước lệ để xây dựng chân dung nhân vật, nhưng đối với Nguyễn Du, vẻ đẹp của con người không chỉ sánh ngang với thiên nhiên, mà thậm chí vượt qua thiên nhiên, khiến thiên nhiên phải “thua, nhường”, “ghen, hờn” trước sắc đẹp con người. Cả Thúy Kiều và Thúy Vân đều có đức hạnh đoan trang, đúng mực.

Tiến bộ hơn các nhà thơ thời Trung Đại, Nguyễn Du còn đề cao người phụ nữ ở phương diện tài năng, ông đã xây dựng một nhân vật Thúy Kiều đa tài, mà tài nào cũng xuất sắc, tuyệt đỉnh. Thương xót cho số phận đau thương của con người. Đau xót cho thân phận con người bị chà đạp, khinh rẻ, bị biến thành một món hàng để cân đo đong đếm. Nguyễn Du nhập thân vào nhân vật để cảm nhận hết nỗi đau của nhân vật, tác phẩm viết ra như có “máu chảy trên đầu ngọn bút”, thương cảm cho tương lai bất định, nhiều bất an của Kiều nơi lầu Ngưng Bích. Nguyễn Du đã sử dụng ngòi bút hiện thực để vạch trần bản chất xấu xa của những kẻ bất nhân trong xã hội xưa, những kẻ “buôn thịt bán người”, kiếm sống trên thân xác của những cô gái vô tội, tiêu biểu là Mã Giám Sinh.

Nguyễn Du đã bóc trần cái mác “giám sinh” của họ Mã để cho thấy tính cách vô học, thô thiển của hắn - một kẻ không biết "thương hoa tiếc ngọc" Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã thể hiện một ước mơ cao cả, đó cũng chính là tinh thần nhân đạo của tác phẩm, ước mơ một cuộc sống công bằng, cái thiện được khuyến khích, nâng niu, cái ác phải bị trừng phạt, phải trả giá. Chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du là một chủ nghĩa nhân đạo thấm đẫm yêu thương, tình người, lòng tự tôn.

Phân tích một biểu hiện của tư tưởng nhân đạo trong Truyện Kiều mẫu số 5

Tinh thần nhân đạo trong "Truyện Kiều" còn là tiếng nói đồng tình, đồng cảm của thi hào Nguyễn Du với những ước mơ về công lí, những khát vọng về tự do. Từ Hải là một hình tượng mang màu sắc sử thi, một anh hùng xuất chúng có tài năng đích thực và sức mạnh phi thường.

Một ngoại hình siêu phàm "Râu hùm hàm én mày ngài. Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao". Những chiến công hiển hách, lẫy lừng "Huyện thành đạp đổ năm tòa cõi nam". Từ Hải là một anh hùng đầy chí khí "Dọc ngang nào biết trên đầu có ai!". Người anh hùng ấy, khi lưỡi gươm vung lên là công lý được thực hiện:

"Anh hùng tiếng đã gọi rằng

Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha".

Từ Hải đã đem uy lực của người anh hùng ra giúp Kiều "báo ân háo oán". Hình tượng Từ Hải là một thành công kiệt xuất của Nguyễn Du trong nghệ thuật xây dựng nhân vật, một biểu hiện sâu sắc về tinh thần nhân đạo. Vẻ đẹp nhân văn toát lên qua hình tượng này, tựa như ánh sao băng lướt qua màn đêm giông bão tăm tối của đời nàng Kiều vậy, tuy ngắn ngủi nhưng sáng ngời hi vọng và niềm tin:

"Rằng: Từ là đấng anh hùng.

Dọc ngang trời rộng vẫy vùng biển khơi".

Số phận con người - đó là điều day dứt khôn nguôi của Nguyễn Du. Trái tim nhân ái bao la của nhà thơ đã dành cho kiếp người tài sắc bạc mệnh sự cảm thông và xót thương sâu sắc.

Sau khi bán mình cho Mã Giám Sinh, Kiều đã trải qua mười lăm năm trời lưu lạc, nếm đủ mùi cay đắng, nhục nhã "Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần". Từ Hải mắc lừa Hồ Tôn Hiến, bị giết chết. Kiều phải hầu rượu đánh đàn trong bữa tiệc quan,… uất ức quá, nàng phải nhảy xuống sông Tiền Đường tự tử. Câu thơ của Nguyễn Du như một tiếng nấc cất lên não lòng. Những từ ngữ: ‘thương thay’, ‘hại thay’, ‘làm chi’, ‘còn gì là thân’ tựa như những giọt lệ chứa chan tính nhân đạo, khóc thương cho số đoạn trường:

"Thương thay cũng một kiếp người,

Hại thay mang lấy sắc tài làm chi

Những là oan khổ lưu li

Chờ cho hết kiếp còn gì là thân!".

Nhân vật Đạm Tiên mãi mãi là một ám ảnh đối với mọi người. Người kĩ nữ "nổi danh tài sắc một thì" nhưng mệnh bạc đau đớn "Sống làm vợ khắp người ta. Hại thay thác xuống làm ma không chồng". Kiều đứng trước mộ Đạm Tiên, cất lên lời đồng cảm thê thiết! Kiều khóc Đạm Tiên hay Nguyễn Du khóc thương cho nỗi đau của bao người phụ nữ bị vùi dập trong xã hội cũ!

"Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung".

Nguyễn Du, nhà thơ thiên tài của dân tộc thông qua số phận và tính cách nhân vật trung tâm - Thúy Kiều - đã biểu hiện trong áng thơ tuyệt tác "Đoạn trường tân thanh" cảm hứng nhân đạo sâu sắc, cảm động.

Phân tích một biểu hiện của tư tưởng nhân đạo trong Truyện Kiều mẫu số 6

Tư tưởng nhân đạo trong Truyện Kiều còn thể hiện ở thái độ khinh bỉ, sự căm ghét của Nguyễn Du với những kẻ “buôn thịt bán người” mà tay “sinh viên” họ Mã kia là một điển hình tiêu biểu. Tác giả đã vạch trần bộ mặt xấu xa, đểu cáng của tay buôn người đội lốt sinh viên trường Quốc Tử Giám bằng một loạt các chi tiết nói lên sự lỗ mãng, dị hợm của hắn. Mặc dù đã “ngoại tứ tuần” nhưng vẫn ăn mặc bảnh bao, mày râu thì nhẵn nhụi không phù hợp với lứa tuổi của hắn:

“Quá niên trạc ngoại tứ tuần

Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao.”

Về hành động, cử chỉ lại càng bộc lộ bản chất của một tên thiếu học thức, vô phép tắc: “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”. Chỉ với từ “tót”, Nguyễn Du như giáng một đòn chí mạng vào cái mặt giả danh tri thức của hắn. Về bản chất của hắn lại càng xấu xa, để hắn lộ mặt con buôn bằng hình ảnh: “Cò kè bớt một thêm hai”.

Gặp gia đình đang cơn tai biến cần giúp đỡ, đáng lẽ một “sinh viên” như hắn phải biết đồng cảm, xót thương, ra tay giúp đỡ nhưng hắn đã không làm thế. Bộ mặt của kẻ buôn người đã được Nguyễn Du lột tả một cách đầy đủ nhất. Miêu tả nhân vật Mã Giám Sinh cũng là để nói lên thái độ căm ghét của tác giả đối với kẻ là đại diện cho xã hội đồng tiền, đồng tiền đã chà đạp lên mọi giá trị tốt đẹp ở đời - "Trong ta đã sẵn đồng tiền; Dễ dàng đổi trắng thay đen khó gì”.

Với “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã cất lên tiếng nói cảm thông, xót xa cho thân phận người phụ nữ, tiếng nói ngợi ca vẻ đẹp của con người và tiếng nói lên án tố cáo xã hội xấu xa tàn bạo, toàn lừa lọc xảo trá mà các đoạn trích Chị em Thúy Kiều, Kiều ở lầu Ngưng Bích, Mã Giám Sinh mua Kiều là những điển hình cho tư tưởng nhân đạo của tác giả. Qua đó chúng ta cũng thấy được trái tim nhân đạo bao la của tác giả. Nguyễn Du và “Truyện Kiều” sẽ trường tồn mãi với thời gian.

-/-

Các em vừa tham khảo xong một số bài văn mẫu phân tích một biểu hiện của tư tưởng nhân đạo trong Truyện Kiều do Đọc Tài Liệu tổng hợp được hi vọng sẽ giúp các em có thêm vốn từ ngữ và rút kinh nghiệm về cách trình bày. Tham khảo thêm các bài văn hay khác tại mục tài liệu Văn mẫu 11 do Đọc Tài Liệu sưu tầm và biên soạn để tự rèn luyện kỹ năng làm văn. Chúc các em học tốt!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM