Phân tích Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu mắc lỡm Thị Hến

Xuất bản: 07/08/2023 - Tác giả:

Phân tích Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu mắc lỡm Thị Hến hướng dẫn phân tích tác phẩm với dàn ý chi tiết cùng những bài văn mẫu tuyển chọn

Văn bản Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu mắc lỡm Thị Hến đem đến một tình huống gây cười khi cả ba kẻ mê sắc đều tụ hội ở nhà Thị Hến và được một phen bẽ mặt, xấu hổ, nhục nhã. Đọc tài liệu cùng các em phân tích chi tiết tác phẩm để hiểu hơn về tiếng cười châm biếm của tác phẩm.

Dàn ý Phân tích Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu mắc lỡm Thị Hến

Dưới đây là 2 mẫu dàn ý chi tiết, giúp học sinh tham khảo thêm các hướng triển khai bài văn phân tích đoạn trích Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu mắc lỡm Thị Hến

Dàn ý 1 phân tích đoạn trích Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu mắc lỡm Thị Hến

I. Mở bài

- Giới thiệu khái quát đoạn trích.

II. Thân bài

1. Nhân vật Thị Hến

- Thị Hến là một người phụ nữ góa chồng, thông minh và nhiều mưu mẹo, bản lĩnh. Khi biết cả ba người đàn ông Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu đều mê mẩn minh, cô đã tìm cách lừa cả ba ông và khiến cho ba ông tự xử lỗi lầm của mình.

- Tuy nhiên, Thị Hến cũng là người biết giữ gìn phẩm hạnh:

“Giữ tiết hạnh một đường cho toại

Nỗi nhân duyên đôi chữ không màng”.

2. Nguyên nhân làm nảy sinh mâu thuẫn giữa các nhân vật

- Nguyên nhân làm nảy sinh, phát triển mâu thuẫn giữa các nhân vật: cả ba nhân vật Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu đều ham mê Thị Hến.

- Cách giải quyết mâu thuẫn: cả ba nhân vật trên đều bị Thị Hến cho vào tròng, tự phân xử với nhau.

3. Tiếng cười từ tình huống mắc lỡm của các nhân vật Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu

- Tiếng cười toát ra từ tình huống mắc lỡm của ba nhân vật Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu là ba tiếng cười châm biếm, mỉa mai khi vì quá ham mê sắc đẹp mà tự mình làm hại mình. Tiếng cười ấy còn là sự chế giễu khi ba người chức cao vọng trọng, đứng đầu một huyện lại có những hành vi vi phạm thuần phong mỹ tục.

4. Đặc điểm của tuồng đồ được thể hiện qua văn bản

Các đặc điểm của tuồng đồ được thể hiện qua văn bản Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu mắc lỡm Thị Hến.

- Đề tài: Lấy đề tài trong cuộc sống đời thường. Ở đây chính là việc 3 nhân vật Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu ham mê nữ sắc để rồi phải tự gánh hậu quả

- Nhân vật: Các nhân vật chính thường có danh xưng nghề nghiệp Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu. Tính cách nhân vật không thay đổi. xuyên suốt cả đoạn tuồng.

- Lời thoại: có cả đối thoại, độc thoại, bàng thoại.

- Được dựng nên từ tích truyện Nghêu, Sò, Ốc, Hến.

III. Kết bài

- Khái quát nội dung giá trị tác phẩm.

Dàn ý 2 phân tích Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu mắc lỡm Thị Hến

I. Mở bài

- Giới thiệu vở chèo, đoạn trích.

II. Thân bài

1. Chủ đề, nội dung đoạn trích

a. Nội dung của đoạn trích

- Sư Nghêu, Đề Hầu, Huyện Trìa đến nhà Thị Hến vào ban đêm để tư tình với thị. Lợi dụng thói háo sắc, Thị Hến tính kế để ba tên chạm mặt, chấm dứt mọi sự quấy nhiễu.

b. Chủ đề của đoạn trích

- Tố cáo những thói hư tật xấu của một số hạng người trong xã hội phong kiến.

2. Phân tích đoạn trích

* Tình huống: Thị Hến bày mưu cho Huyện Trìa, Đề Hầu, Sư Nghêu một pha bẽ mặt.

* Diễn biến tình huống:

- Sư Nghêu đến nhà Thị Hến:

+ Sư Nghêu đi tới nhà Thị Hến vào ban đêm nên không nhìn thấy đường.

+ Sư Nghêu nói với Thị Hến mình đã phá giới, khuyên Thị Hến cùng mình kết duyên.

- Đề Hầu đến, Sư Nghêu trốn dưới gầm phản:

+ Sư Nghêu sợ hãi, gọi Thị Hến chỉ chỗ cho mình đi trốn.

+ Đề Hầu vào nói lời mật ngọt. Thị Hến được đà hỏi tội của Sư Nghêu với Đề Hầu.

- Một lúc sau, Huyện Trìa ở ngoài cửa gọi vào, Đề Hầu đi trốn:

+ Đề Hầu thất kinh, tìm chỗ trốn.

+ Thị Hến hỏi tội trạng của Sư Nghêu với Huyện Trìa.

- Cuối cùng cả ba chạm mặt, nhận ra bài học nhớ đời:

+ Nghe thấy Huyện Trìa phán phải, Sư Nghêu từ gầm giường bò ra.

+ Huyện Trìa, Sư Nghêu, Đề Hầu ai nấy đều xấu hổ.

* Kết cục: Thị Hến là người đắc thắng.

3. Đánh giá đoạn trích

a. Đánh giá về nội dung

- Thông qua đoạn trích, tác giả dân gian muốn

+ Đả kích, châm biếm thói hư tật xấu của một số hạng người trong xã hội xưa.

+ Đề cao vẻ đẹp phẩm chất của người phụ nữ.

b. Đánh giá về nghệ thuật

- Giọng điệu hài hước, châm biếm, mỉa mai.

- Ngôn từ giản dị, gần gũi với đời sống sinh hoạt của nhân dân.

III. Kết bài

- Khẳng định ý nghĩa, giá trị của đoạn trích.

4 bài văn tuyển chọn Phân tích Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu mắc lỡm Thị Hến

Nhằm giúp các em dễ dàng hình dung và bổ sung thêm vốn từ, cách triển khai ý trong bài văn phân tích đoạn trích chèo Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu mắc lỡm Thị Hến. Đọc tài liệu đã tổng hợp một số bài văn mẫu dưới đây để các em tham khảo.

Phân tích Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu mắc lỡm Thị Hến - Mẫu 1

Trong nền nghệ thuật dân gian Việt Nam, tuồng đồ là một loại hình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc. Mặc dù ra đời đã lâu nhưng vở tuồng "Nghêu, Sò, Ốc, Hến" cho đến nay vẫn giữ được vị trí quan trọng trong lòng khán giả Việt Nam. Thuộc lớp XIX, cũng là lớp cuối cùng của tác phẩm, đoạn trích "Huyện Trìa, Đề Hầu, Sư Nghêu mắc lỡm Thị Hến" đã phơi bày những thói hư tật xấu của một số hạng người trong xã hội xưa.

Trích đoạn "Huyện Trìa, Đề Hầu, Sư Nghêu mắc lỡm Thị Hến" xoay quanh việc Sư Nghêu, Đề Hầu, Huyện Trìa đến nhà Thị Hến vào ban đêm để tư tình với thị. Lợi dụng thói háo sắc, Thị Hến tính cách để ba tên chạm mặt, chấm dứt mọi sự quấy nhiễu, phiền hà.

Ngay từ ban đầu, qua lời nói của Thị Hến, ta có thể hình dung được bối cảnh câu chuyện và tình huống sắp diễn ra. Sư Nghêu là tên sãi trọc phá giới. Vì quá khó chịu, bực tức với Huyện Trìa, Sư Nghêu, Đề Hầu, Thị Hến suy nghĩ về việc chơi ba người một vố thật đau nhằm "giữ tiết hạnh một đường cho toại".

Trời đã về đêm, đường sá nhá nhem, tên Sư Nghêu vẫn lần mò đến nhà Thị Hến. Đến cửa thì gọi với vào trong "Này! Này, Thím ơi! Mỗ đã sang. Mở cửa mình vào với!". Thị Hến đon đả, mời nước tìm cách trì hoãn. Thầy Nghêu đam mê sắc dục, đi ngược lại đạo đức, phẩm hạnh của kẻ tu hành nên quyết "Kệ kinh chuông mõ trả cho cho chùa", khuyên lơn Thị Hến không nên phụ tấm lòng của hắn mà giao duyên kết đôi. Tà dâm, háo sắc là điều cấm kị đối với người tu hành. Vậy mà thầy Nghêu lại bất chấp lí lẽ, phá giới để đi theo quả phụ. Vừa mới nói dứt câu thì có tiếng Đề Hầu kêu cửa, thầy Nghêu lộ bộ mặt hèn nhát. Sợ mọi việc bị bại lộ, hắn bảo Thị Hến chỉ cho mình chỗ trốn. Thị Hến cũng chẳng ngần ngại chỉ "Dưới phản ngựa thầy mau xuống đó", rồi hứa hẹn "Người về đã, sẽ vầy hai mặt". Ngay lập tức, hắn chui xuống gầm phản.

Tên Đề Hầu vừa vào nhà, hắn liền buông lời trách móc:

"Ơn mỗ cứu cho bữa trước

Nay nường còn nhớ chưa quên?

Sao đã cùng ông Huyện kết duyên,

Mà vội phụ thầy Đề tình ngãi, (hử?)"

Đề Hầu nhắc cho Thị Hến nhớ lại việc mình đã giúp thị trong buổi xử án lần trước. Rõ là Thị Hến chưa quên ân cũ, vậy mà đã nhanh chóng kết duyên với ông Huyện, phụ lòng của thầy Đề. Thị Hến khôn khéo đáp lại, lấy cớ Huyện Trìa ra lệnh nên buộc lòng nghe theo. Tên Đề Hầu mặc dù đã có vợ nhưng vẫn trơ trẽn tán tỉnh người phụ nữ khác. Ngay cả khi người ta không ưng thuận thì cũng quyết liều "Đó không thương đây cũng quyết liều". Hắn còn không quên dặn Thị Hến phải nên giữ dạ, chung thủy một lòng. Thị Hến nhanh trí, đánh lạc hướng sự tập trung của Đề Hầu bằng cách dỗ ngọt "Ái ân việc còn thong thả,/ Rượu trà xin hãy vui chơi". Đồng thời, không quên tìm cách châm chọc tên Sư Nghêu nằm dưới phản "Tôi xin hỏi thiệt, thầy khá tỏ bày! Thầy hằng xem luật lệ xưa nay,/ Tu (mà) phá giới tội chi khinh trọng, (thưa thầy?)". Mặc dù làm người trợ giúp Huyện Trìa công việc chốn quan đường nhưng hắn lại đưa ra lời xằng bậy "Trong luật lệ rất to/ Hễ phá giới túc hành trảm quyết!". Chắc hẳn nghe tới đây, tên Sư Nghêu phải toát mồ hôi hột.

Khác hẳn với vẻ cứng rắn lúc hắn tuyên bố xử trảm người tu hành phá giới, lúc nghe tiếng Huyện Trìa ngoài cửa, hắn trở nên thất kinh "Văn ngôn sắc biến! Sắc biến!/ Thính thuyết hồn kinh! Hồn kinh!". Vì quá sợ việc xấu bị phát hiện, hắn liền chạy đi trốn.

Mang tiếng làm quan lớn nhưng tên Huyện Trìa chẳng khác Đề Hầu với Sư Nghêu là bao. Vừa vào nhà Thị Hến, hắn đã trình bày lí do bản thân tới muộn. Huyện Trìa lấy cớ việc thuế má, án từ lại cộng thêm đường sá tối tắm để lập liếm cho việc hắn bị mụ Huyện giữ ở nhà. Sau đôi lời tỏ bày, Thị Hến lại dùng cách cũ với tên Huyện Trìa. Thị ta hỏi "Rầy có chú thầy tu rất chạ/ Hay đến nhà mà ve bà góa/ Đã xuất gia phá giới làm vơ,/ Thời luật pháp xử chi cho rõ?".

Không giống với lời phán của Đề Hầu, bản án đối với kẻ tu hành phá giới qua lời nói của Huyện Trìa lại nhẹ hơn rất nhiều - đánh đòn trị tội bằng roi. Điều này khiến thầy Nghêu mừng rỡ bò ra khỏi gầm giường. Hắn trưng bộ mặt giả dối, nịnh nọt Huyện Trìa. Hắn cho rằng Huyện Trìa là cha mẹ dân đích thực còn tên Đề Hầu là kẻ dâm ô, chuyên nói lời xằng bậy. Đề Hầu nghe đến đây biết mình đã mắc mưu Thị Hến, lồm cồm bò ra ngoài nhận lỗi. Cuối cùng, cả ba chạm mặt nhau, xấu hổ bẽ bàng khi bị mụ đàn bà chơi xỏ. Huyện Trìa lúc này phân bua chẳng khác gì đứng trước chốn công đường, phán quyết ai về nhà nấy, dặn lòng từ nay về sau không "tham của lạ".

Kết cục, cả ba người Huyện Trìa, Đề Hầu, Sư Nghêu phải chịu thua trước trí thông minh và sự sắc sảo của Thị Hến. Có thể thấy, Huyện Trìa, Đề Hầu, Sư Nghêu dù giữ vai trò, vị trí quan trọng trong xã hội nhưng chúng đều có chung bản chất xấu xa, háo sắc. Với các tình tiết gây cười cùng ngôn từ giản dị, gần gũi với đời sống sinh hoạt của nhân dân, tác giả dân gian đã đả kích, châm biếm thói hư tật xấu của một số hạng người trong xã hội xưa. Đồng thời, đề cao vẻ đẹp phẩm chất của người phụ nữ.

Thông qua vở tuồng "Nghêu, Sò, Ốc, Hến", ta có thêm hiểu biết về đời sống của nhân dân trong xã hội xưa. Những tiếng cười sâu cay mà đoạn trích "Huyện Trìa, Đề Hầu, Sư Nghêu mắc lỡm Thị Hến" mang lại chắc chắn sẽ trở thành "món ăn tinh thần" không thể thiếu đối với mỗi người dân Việt Nam.

Tham khảo thêm: Tóm tắt Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu mắc lỡm Thị Hến để nắm được nội dung chính của tác phẩm phục vụ tốt cho việc viết bài văn phân tích.

Phân tích Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu mắc lỡm Thị Hến - Mẫu 2

Đoạn trích Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu mắc lỡm Thị Hến đã khắc hoạ thành công nhân vật Thị Hến – một người phụ nữ góa chồng, thông minh và nhiều mưu mẹo, bản lĩnh. Khi biết cả ba người đàn ông Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu đều mê mẩn minh, cô đã tìm cách lừa cả ba ông và khiến cho ba ông tự xử lỗi lầm của mình. (Kế hoan nhiên! Kế hoan nhiên).

Các tác giả dân gian đã thể hiện thái độ phê phán, châm biếm với các nhân vật qua các hành động, ngôn ngữ. Tác giả phơi bày cho ta thấy những thói hư tật xấu, bộ mặt tham lam giả dối, hèn nhát với những dục vọng tầm thường của tầng lớp cường hào ác bá phong kiến

Còn đối với Hến – người đàn bà góa ta lại thấy trong cô có sự khao khát được hạnh phúc, được bảo vệ, Hến trẻ trung, thông minh có, xinh đẹp nhưng trong mắt mọi người nàng lại lẳng lơ, điêu ngoa. Tất cả đã được tác giả dân gian khắc họa đầy đủ diện mạo bức tranh làng quê phong kiến buổi suy tàn.

Yếu tố gây cười của tác phẩm được thể hiện ở cách xây dựng tình huống truyện độc đáo và phản ứng của mỗi nhân vật. Từ Nghêu – một thầy tu mù, đến nhà Thị Hến nhằm tán tỉnh thị, không ngờ gặp phải Đề Hầu cũng đến nhà Thị Hến. Nghêu đành chui xuống gậm phản để trốn. Rồi Huyện Trìa cùng đến khiến Đề Hầu phải trốn.

Khi nghe Huyện Trìa nói sẽ trừng phạt những kẻ tu mà phá giới, Nghêu chui ra và dùng lời nói tốt đẹp để lấy lòng quan lớn, tránh khỏi bị phạt. Rồi Đề Hầu cũng xuất hiện, ba người nhìn nhau mà vừa thấy tức giận, vừa thấy xấu hổ.

Em ấn tượng nhất với chi tiết cuối cùng của Thị Hến sau khi Nghêu, Đề Hầu, Huyện Trìa tức giận rời khỏi nhà Thị Hến. Bởi vì hình ảnh này cho ta thấy được trí tuệ của người phụ nữ Việt Nam, cả ba người đều là người có chức, có quyền mà lại bị mắc mưu của một người đàn bà góa, người phụ nữ chân yếu tay mềm. Mưu kế đã thành công vang dội, còn dạy dỗ cho đám người đấy hết thói làm càn như “tới ngõ nói điêu”, “đến nhà làm bậy”,..

Tiếng cười toát ra từ tình huống mắc lỡm của ba nhân vật Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu là ba tiếng cười châm biếm, mỉa mai khi vì quá ham mê sắc đẹp mà tự mình làm hại mình. Tiếng cười ấy còn là sự chế giễu khi ba người chức cao vọng trọng, đứng đầu một huyện lại có những hành vi vi phạm thuần phong mĩ tục.

Bời vì đây là vở tuồng hài dân gian, tiếng cười trong vở tuồng này có ý nghĩa vô cùng to lớn, không chỉ giúp ta sảng khoái tinh thần sau cả ngày làm việc mệt nhọc mà nó còn là những bài học thâm thúy để ta đáng suy ngẫm rất nhiều.

Tiếng cười ở đoạn trích Mắc mưu Thị Hến vẫn mang đậm ý nghĩa trong cuộc sống ngày nay. Đó là tiếng cười trước một nét đẹp truyền thống văn hóa dân gian của dân tộc. Một vở tuồng mang hơi thở của sự cổ kính, xa xưa, khiến người nghe không chỉ cười sảng khoái mà còn mang trong mình những suy nghĩ về một thời kì trong xã hội phong kiến thối nát khi con người trở nên ngày càng sa đọa, đồi bại.

Phân tích Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu mắc lỡm Thị Hến - Mẫu 3

Khi nhắc tới các vở tuồng hài nổi tiếng, chúng ta không thể bỏ qua “Nghêu, Sò, Ốc, Hến”. Trong đó, trích đoạn “Huyện Trìa, Đề Hầu, Sư Nghêu mắc lỡm Thị Hến” thuộc lớp XIX của vở tuồng đã mang đến những tiếng cười sâu cay, trào phúng về hiện thực xã hội xưa. Thông qua nhân vật Thị Hến, tác giả dân gian cũng khéo léo bày tỏ thái độ đề cao, trân trọng người phụ nữ sắc sảo, thông minh.

Ngay ở phần mở đầu đoạn trích, người đọc đã có hình dung rõ nét về hoàn cảnh nhân vật Thị Hến:

“Dốc thờ chồng suối bạc cho toàn,

Lại bị quỷ nhà chay tới phá.”

Có thể thấy, Thị Hến sống trong cảnh “chăn đơn gối chiếc”. Thị ở vậy một mình và dốc lòng thờ cúng chồng nơi suối bạc. Thế nhưng, cuộc sống lại chẳng hề bình yên vì có những kẻ bỉ ổi, suy đồi nhân cách tìm đến quấy rầy. Sau khi được tha bổng ở huyện đường, Thị Hến lại bị Sư Nghêu mò tới tán tỉnh. Nhân dịp này, Thị mời cả hai tên chức dịch mê gái là Đề Hầu và Huyện Trìa đến nhà. Bằng sự mưu trí của mình, Thị đã khiến ba kẻ ham sắc bẽ mặt.

Trước hết, Thị Hến vô cùng thông minh, nhanh trí khi tạo ra “cuộc hội ngộ” giữa Sư Nghêu, Đề Hầu và Huyện Trìa. Cuộc hội ngộ này chính là âm mưu của Thị – khiến ba nhân vật sập bẫy, chịu một phen nhục nhã ê chề.

Trong lúc trò chuyện cùng Sư Nghêu, nghe thấy tiếng gọi ngoài cửa, dẫu đã biết là Đề Hầu nhưng Thị Hến vẫn tỏ ra ngạc nhiên “(Ủa) Tiếng ai kêu chi lạ? Hay thầy Lại tới đây”. Thậm chí, Thị còn khéo léo rủ Sư Nghêu ra chào hỏi để kẻo mắc tội với thầy Đề. Việc này càng làm Sư Nghêu thêm lo lắng mà hỏi chỗ trốn. Đây cũng chính là điều mà Thị Hến dự tính.

Vì thế, dựa theo âm mưu ban đầu, Thị đã mách nước cho hắn chui xuống gầm phản “Dưới phản ngựa thầy mau xuống đó”. Thực chất, Thị Hến muốn dùng cách bao che này để tiến hành những hành động tiếp theo.

Đón Đề Hầu vào nhà, Thị dùng lời nói hết sức ngon ngọt “Đành đôi ta là cái duyên hằng/ (Thế mà) Không nghe đó, sao cho nên việc, (thưa thầy)”. Thị đon đả chào hỏi thầy Đề như một vị khách quý. Trong khi Đề Hầu vội vã đề cập tới chuyện ái ân, giao duyên thì Thị lại tỏ ra hết sức bình tĩnh “Ái ân việc còn thong thả,/ Rượu trà xin hãy vui chơi”. Tiếp đến, Thị còn ẩn ý hỏi thăm về tội phá giới của thầy tu “Tu (mà) phá giới tội chi trọng khinh (thưa thầy?)”.

Thấy người đẹp thắc mắc , Đề Hầu không ngại trình bày “Trong luật lệ rất to,/ Hễ phá giới tức hành trảm quyết!”. Tưởng như đây chỉ là cuộc hội thoại đơn thuần kẻ hỏi người đáp nhưng chính nó đã mở ra hiềm khích, mâu thuẫn giữa hai nhân vật Sư Nghêu và thầy Đề. Như vậy, một phần kế hoạch, mưu mô của Thị đã diễn ra chính xác, thuận lợi.

Sự thông minh, khôn khéo ở Thị Hến tiếp tục được khắc họa trong phân cảnh Huyện Trìa đến nhà. Cũng giống như Đề Hầu, Thị dùng lời lẽ nhẹ nhàng để mời chào tên quan tham lam, dối trá “Rượu trà hãy xin mời,/ Ái ân rồi có đó.”. Thị vờ như chưa biết mà hỏi về tội của thầy tu phá giới. Để rồi, câu trả lời đến từ Huyện Trìa đã thành công khiến thầy Nghêu sợ hãi chui ra khỏi gầm giường.

Với bản chất hèn nhát, ham sống sợ chết ăn sâu trong máu, gã thầy tu sa đọa sẵn sàng tố cáo tội trạng của Đề Hầu “…chớ thầy Đề ngồi trong thúng mơ nói mới ức chớ!”, “(Chứ thầy Đề)/ Chỉ thị dâm ô chi loại!”. Giờ đây, âm mưu mà Thị Hến bày ra đã thành công. Thầy Đề phải lồm cồm bò ra, ba tên hám sắc cùng xuất đầu lộ diện.

Sau khi khiến thầy tu phá giới và hai tên chức dịch đồi bại nhân cách – Huyện Trìa, Đề Hầu mắc mưu và bẽ mặt ê chề, Thị Hến vô cùng vui mừng. Thị cảm thấy hạnh phúc, sung sướng vì mưu kế đã thành “Kế hoan nhiên! Kế hoan nhiên!”. Từ đây, không còn ai đến nhà Thị quấy rối, làm bậy nữa “Thế thầy tu hết tới ngõ nói điên/ Rày quan huyện hết đến nhà làm bậy”. Sau tất cả, Thị vẫn giữ vững tiết hạnh, phẩm chất đáng quý của người phụ nữ.

Bằng việc xây dựng nhân vật thông qua lời nói và hành động, tác giả dân gian đã khắc họa rõ nét nhân vật Thị Hến – một người thông minh, sắc sảo. Từ đó, bày tỏ thái độ đề cao, trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ. Ngoài ra, tác giả dân gian cũng phê phán, mỉa mai hiện thực xã hội đương thời với sự suy đồi, biến chất về nhân cách, đạo đức.

Có thể nói, Thị Hến trong đoạn trích “Huyện Trìa, Đề Hầu, Sư Nghêu mắc lỡm Thị Hến” quả là người khôn khéo, sáng suốt. Đứng trước cái dung tục, tầm thường, Thị đã dũng cảm vạch trần, khiến bọn hám sắc thêm nhục nhã, bẽ mặt.

Phân tích Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu mắc lỡm Thị Hến - Mẫu 4

Tuồng là một bộ môn nghệ thuật sân khấu điển hình, tập hợp đủ các yếu tố từ văn học cho tới âm nhạc, múa hát,… cùng kết hợp. Trong số đó, vở tuồng Mắc mưu Thị Hến trong tác phẩm nổi tiếng “Ngao, Sò, Ốc, Hến” đã khiến người xem vừa cảm nhận được những nét đặc sắc kết hợp, vừa có cả những chi tiết gây cười thú vị. Và đoạn trích Huyện Trìa, Đê Hầu, Thầy Nghêu Mắc Lỡm Thị Hến là một đoạn trích được trích trong vở tuồng nổi tiếng “Ngao, Sò, Ốc, Hến” đó.

Thị Hến là một người phụ nữ xinh đẹp nhưng cũng không kém phần thông minh, tài hoa. Sau khi biết được vị quan lớn có ý với mình, nàng đã bày cách để họ gặp nhau, gây nên tình cảnh bẽ mặt của những kẻ chỉ biết đến sắc đẹp.

Thông qua tình huống này, tác giả đã khéo léo thể hiện sự ngợi ca với người phụ nữ đa mưu túc trí, cũng ngầm phê phán hành động của Thầy Đề, thầy Nghêu, Quan Huyện – đại diện cho những thói hư tật xấu, tham lam và đam mê sắc đẹp trong xã hội xưa. Đây cũng là yếu tố tạo nên những tiếng cười cho khán giả trong vở tuồng.

Đoạn trích chủ yếu nói về ba nhân vật Thầy Đề, Nghêu, Quan Huyện. Nghêu là một thầy bói mù, nổi lòng tham trước sắc đẹp của Thị Hến nên đến nhà để tán tỉnh nàng. Tuy nhiên, vừa đến cửa thì cũng bắt gặp vị Đế Hầu đến gõ cửa nhà Thị Hến. Bấy giờ, lão mới sốt ruột và lo lắng kiếm chỗ để trốn, và chui luôn xuống gầm phản nhà Hến. Qua hành động này, ta thấy được nhân vật Nghêu là một kẻ không chỉ tham sắc mà còn là một kẻ nhát gan, nhút nhát.

Đến khi quan huyện thừa tới, nói rằng “Phàm tu hành mà đã xuất gia/ Có phá giới đánh đòn phát lạc” thì hắn ta vội chui từ gầm phản ra để khen ngợi, lấy lòng. Khác với vẻ sợ sệt trốn chui trốn lủi khi Đế Hầu tới, với Huyện Trìa Nghêu thể hiện ý tứ lấy lòng rõ ràng.

Ba người họ đều là những người có tiếng nói, có địa vị trong huyện nhưng lòng lại mang ý xấu. Đến khi ba người gặp nhau, ai nấy đều bẽ mặt, xấu hổ khi gặp những người khác.

Từ những hình ảnh đến ngôn ngữ, lời ví von, tác giả đã để cho ba kẻ không ra gì nói đạo lý với nhau. Từ đây, tác giả tạo được một tính huống truyện thú vị gây nên tiếng cười cho người nghe.

-/-

Hy vọng với những mẫu "Phân tích Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu mắc lỡm Thị Hến" mà Đọc tài liệu tổng hợp giúp các em có thêm tài liệu tham khảo. Cùng với trọn bộ văn mẫu lớp 10 là những tài liệu hữu ích giúp các em học tốt Ngữ Văn 10!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM