Phân tích hình ảnh con cò trong bài thơ Con cò của Chế Lan Viên

Xuất bản: 02/04/2023 - Cập nhật: 03/04/2023 - Tác giả:

Phân tích hình ảnh con cò trong bài thơ Con cò, top 3 bài văn mẫu hay phân tích hình ảnh con cò trong bài Con cò của Chế Lan Viên.

Những bài văn mẫu phân tích hình ảnh con cò trong bài thơ Con cò của Chế Lan Viên do Đọc Tài Liệu cung cấp trong bài viết này hy vọng sẽ giúp các em có thêm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích trong quá trình tìm hiểu nội dung bài thơ cũng như ôn luyện kĩ năng làm văn phân tích.

Top 3 bài văn mẫu phân tích hình ảnh con cò trong bài thơ Con cò

Dưới đây là một số bài văn phân tích hình ảnh con cò trong bài thơ Con cò do Đọc Tài Liệu tổng hợp được hi vọng sẽ giúp các em có thêm vốn từ ngữ và rút kinh nghiệm về cách trình bày.

Phân tích hình ảnh con cò trong bài thơ Con cò mẫu số 1

Đã từ rất lâu, hình ảnh "con cò" đã đi sâu vào đời sống của người dân tại các làng quê Việt Nam thông qua những câu ca dao, dân ca. Dường như nó đã trở thành biểu tượng của người dân lao động, đặc biệt là người phụ nữ vất vả cả cuộc đời, hy sinh cho con cái. Tác giả Chế Lan Viên đã vận dụng tình cảm mẹ con trong bài thơ "Con cò" bằng cách mượn các bài ca dao, dân ca Việt Nam, tôn vinh tình mẫu tử thiêng liêng và nỗ lực nuôi dạy con của người phụ nữ, người mẹ. Bài thơ đã trở thành một trong những tác phẩm tiêu biểu viết về tình mẹ.

Qua những câu thơ đầu tiên của bài thơ "Con cò", hình ảnh con cò đã được tạo nên một cách khéo léo, nhẹ nhàng, êm ái và du dương, giống như một lời ru đưa một đứa trẻ vào giấc ngủ sâu trong vòng tay mẹ.

"Con còn bế trên tay
Con chưa biết con cò
Nhưng trong lời mẹ hát
Có cánh cò đang bay:
“Con cò bay la
Con cò bay lả
Con cò cổng phủ,
Con cò Đồng Đăng...”
Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn,
Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ.
“Con cò ăn đêm,
Con cò xa tổ,
Cò gặp cành mềm,
Cò sợ xáo măng...”

Đứa trẻ đúng là còn quá nhỏ để có thể hiểu được ý nghĩa của con cò, con vạc, nhưng ngay từ giấc ngủ đầu tiên, người mẹ đã dịu dàng đưa hình ảnh cánh cò đến gần con qua lời ru êm ái, ấm áp. Nhà thơ chỉ sử dụng một vài từ trong mỗi câu ca dao cổ để vừa gợi lại lời ru vừa cho thấy sự giàu có trong ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh con cò. Quê hương, cánh đồng, cò bay thẳng cánh “con cò bay la,..... bay lả”, bay từ “cổng phủ” cho đến “Đồng Đăng” là những hình ảnh quen thuộc trong câu hát ru.

Hình ảnh con cò vẫy vùng tự do trên đồng quê trở thành biểu tượng gắn liền với cuộc sống của người nông dân Việt Nam. Ở đó có những cuộc đời vất vả, tần tảo nuôi con, sống sót qua những thăng trầm của cuộc đời, cũng có những tình yêu thương dành cho con vô bờ bến từ người mẹ. Hình ảnh con cò phải "xa tổ", phải đi "ăn đêm", sợ gặp "cành mềm", sợ bị "xáo măng" khi đi tìm mồi trong bóng tối với muôn vàn cạm bẫy đang rình rập, nhưng vẫn kiên cường vượt qua để nuôi con khôn lớn.

Mặc dù biết con còn quá bé bỏng trước cuộc đời, người mẹ vẫn hát ru cho con để truyền đạt tình yêu thương đối với quê hương, đất nước và hiểu được tình thương bao la mà mẹ dành cho con. Đó là sự khởi đầu cho con đường tìm hiểu thế giới tâm hồn của những lời ru và ca dao dân ca. Ở tuổi nằm nôi, đứa trẻ chưa thể hiểu nội dung ý nghĩa của những lời ru, nhưng thông qua âm điệu ngọt ngào, êm dịu ấy chúng có thể cảm nhận được sự vỗ về, âu yếm. Người mẹ muốn con yên tâm trước cuộc đời, bởi đã có mẹ ở bên chở che, sữa mẹ nhiều, cho con ngủ một giấc ngon lành. Đọc đến đây, chúng ta không thể không cảm động trước tình mẹ bao la, sâu sắc, vỗ về và chở che cho ta từ khi còn nhỏ bé. Và khi chúng ta trưởng thành, mẹ vẫn sẵn sàng ở bên chúng ta, chia sẻ mọi khó khăn và niềm vui.

Dường như cánh cò trong lời ru của mẹ đã trở thành người bạn của tuổi thơ, luôn theo bên con trên mỗi bước đường đi và trở thành người bạn thân đồng hành cùng con suốt cuộc đời.

“Ngủ yên! Ngủ yên! Ngủ yên!
Cho cò trắng đến làm quen
Cò đứng ở quanh nôi
Rồi cò vào trong tổ
Con ngủ yên thì cò cũng ngủ
Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi.
Mai khôn lớn con theo cò đi học
Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân
Lớn lên! Lớn lên! Lớn lên!
Con làm gì?
Con làm thi sĩ!
Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
Trước hiên nhà và trong hơi mát câu văn.”

Ở đoạn thơ này, tác giả đã sử dụng biện pháp nhân hóa để biểu tượng hóa cánh cò trở thành người bạn đồng hành của con từ tuổi thơ đến khi trưởng thành. Từ trong lời ru của mẹ, cánh cò đã tràn ngập vào tiềm thức con, trở nên thân thiết và gần gũi. Cánh cò sẽ đi cùng con trên mỗi chặng đường trong suốt cuộc đời. Khi con còn nhỏ, có "cò trắng đến làm quen/ Cò đứng ở quanh nôi/Rồi cò vào trong tổ/Con ngủ yên thì cò cũng ngủ/Cánh của cò hai đứa đắp chung đôi".

Suốt những năm tháng ấu thơ, con cò luôn gần gũi bên con như một người bạn thân thiết. Cò và con cùng vui đùa, cùng ngủ, cùng chơi, cùng lớn lên. Từ hình ảnh con cò, ta có thể thấy được sự hiện diện của người mẹ trong tâm trí tác giả. Tuổi ấu thơ, người mẹ luôn ở bên cạnh chăm sóc, che chở và theo sát sự trưởng thành của con. Khi con đến tuổi đi học, "con theo cò đi học/ Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân". Lúc này, đứa trẻ còn chập chững bước vào cuộc đời và rất cần có đôi tay của mẹ để dìu dắt. Tuy nhiên, người mẹ sẽ không thể ở bên dìu dắt con mãi mãi được mà sẽ dạy cho con tự mình bước đi trên đôi chân của mình khi con trưởng thành.

Ban đầu, cò dẫn con đi học, nhưng dần dà, cánh trắng cò chỉ bay theo gót chân con. Đến khi con niên thiếu, tình thương của mẹ dành cho con thể hiện theo một cách khác. Không còn nâng niu con nữa mà mẹ chỉ đồng hành bên con, dõi theo mỗi bước chân con bởi mẹ muốn con tự đi trong cuộc đời bằng đôi chân của chính mình. Bởi chỉ có tự đi trên đôi chân của mình thì bước chân con mới vững chãi và không sợ bị vấp ngã. Tình mẹ vừa sâu sắc, vừa phong phú, được thể hiện đa dạng qua nhiều cách khác nhau. Qua đây, một lần nữa ta hiểu thêm về mẹ, có chút hối hận vì những lúc từng hiểu lầm mẹ. Rồi sau này khi con trưởng thành, dù có làm gì, ở đâu sẽ vẫn có "cánh cò trắng" lại bay hoài không nghỉ/Trước hiên nhà/Và trong hơi mát câu văn...”

Sự kết hợp giữa cánh cò với tuổi thơ, với cuộc đời con người và với tình mẹ đã trở nên hòa quyện, quấn quýt một cách đặc biệt. Màu trắng phau của cánh cò, sự êm ả, dịu dàng của cánh cò khi bay lả, bay la, dập dìu, gắn kết với nhau đi cùng con người trong suốt quá trình khôn lớn trưởng thành. Theo gót chân con đến trường, cánh cò lại mang đến cho câu thơ, lời văn của con một chút hơi mát. Cánh cò bay hoài, mải miết mãi không bao giờ ngừng nghỉ và luôn đồng hành cùng con.

“Dù được gần con
Dù ở xa con
Lên rừng, xuống bể
Cò sẽ tìm con
Cò mãi yêu con
Con dù lớn, vẫn là con của mẹ
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn yêu con.”

Có phải đây là những lời chân thật của tất cả những người mẹ có con trưởng thành, có đường đi và bầu trời riêng? Dù ở bất cứ đâu, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, mẹ vẫn mở rộng vòng tay yêu thương, vẫn là nơi dừng chân, là nơi trút bớt mọi căng thẳng cho con vì "dù con lớn đến đâu thì vẫn là con của mẹ". Cho nên "sống hết cuộc đời, tình mẹ vẫn còn theo con". Trên thế giới, có bao nhiêu thứ tình cảm, nhưng có tình cảm nào lớn lao, sâu sắc và vô hạn như tình mẹ dành cho con. Mẹ phải theo sát từng bước con đi, sẵn sàng hi sinh cả cuộc đời để che chở con bởi đối với mẹ, con vẫn còn là trẻ con. Còn với con, dù thành công hay thất bại, dù trở thành vĩ nhân, anh hùng hay chỉ là một người bình thường, con vẫn cần có mẹ để yêu thương, để che chở. Mẹ gửi đến con những bài hát ru, gửi đến con biết bao tâm tình, gửi đến con tất cả những yêu thương.

“À ơi!
Một con cò thôi
Con cò mẹ hát
Cũng là cuộc đời
Vỗ cánh qua nôi
Ngủ đi! Ngủ đi!
Cho cánh cò, cánh vạc
Cho cả sắc trời
Đến hát
Quanh nôi.”

Hình ảnh con cò con sẽ mang bên mình, mang theo cả những giai điệu ngọt ngào của lời hát ru và tình thương của mẹ như một hành trang không thể thiếu để bước vào đời. Như vậy, con cò đã có sức sống bất diệt, những bài hát ru sẽ tiếp tục sống mãi với con người và dân tộc Việt Nam.

Bài thơ "Con cò" được viết với sự chiêm nghiệm sâu sắc về tình mẫu tử của Chế Lan Viên. Bằng giọng thơ nhẹ nhàng, từ ngữ trau chuốt, ông đã thể hiện tình yêu chân thành, sâu sắc đối với hình tượng người mẹ. Trong tâm thức mỗi người có lẽ đều cảm nhận được tình mẹ. Tuy nhiên, qua bài thơ Con cò, chúng ta được trải nghiệm và hiểu thêm về ý nghĩa sâu sắc của tình mẫu tử trong cuộc sống của mỗi con người.

Phân tích hình ảnh con cò trong bài thơ Con cò mẫu số 2

Trong giai đoạn đầu đời, khi con còn nằm ngửa, tình mẹ được truyền đạt qua từng lời hát ru quen thuộc:

Con còn bế trên tay
Con chưa biết con cò
Nhưng trong lời mẹ hát
Có cánh cò đang bay:
“Con cò bay la
Con cò bay lả
Con cò cổng phủ,
Con cò Đồng Đăng...”
Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn,
Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ.
“Con cò ăn đêm,
Con cò xa tổ,
Cò gặp cành mềm,
Cò sợ xáo măng...”

Hình ảnh con cò thoáng hiện lên từ những câu ca dao được dùng để ru con ngủ. Nhà thơ chỉ lựa chọn vài từ trong mỗi câu ca dao để tạo nên những lời ru phong phú về ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh con cò. Trong những câu hát ru đó, có hình ảnh quê hương, cánh đồng cò bay thẳng cánh, những cuộc đời khó khăn, nuôi con khôn lớn trong tình yêu thương bao la của mẹ. Nhưng khi con còn bé trên tay, chưa hiểu được ý nghĩa của những câu ca dao trong lời ru của mẹ:

Con cò bay lả, bay la
Bay từ cổng phủ bay ra cánh đồng
Con cò bay lả bay la
Bay từ cổng phủ bay về Đồng Đăng
Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng.
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.

Hình ảnh con cò đã thấm vào tâm hồn trẻ thơ một cách vô thức qua lời ru của mẹ và theo đó là cả điệu hồn dân tộc. Đứa bé được vỗ về bằng những âm điệu ngọt ngào, dịu dàng của lời ru để cảm nhận tình yêu và sự che chở của mẹ qua trực giác. Những xúc cảm yêu thương tràn đầy trong trái tim của mẹ được thấm vào trong từng giai điệu  lời hát ru.

Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn,

Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ.

Và:

Ngủ yên! Ngủ yên! Cò ơi chớ sợ!

Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng!

Mẹ thương con cò trong những câu ca dao lận đận, mẹ dành bao tình thương, cánh tay dịu hiền che chở cho con, những lời ru êm ái, dòng sữa ngọt ngào của mẹ đã nuôi dưỡng con trưởng thành. Tình yêu của mẹ, đầy nhân từ, rộng mở với những gì nhỏ bé đáng thương, đáng được che chở. Lời thơ như nhịp vỗ về, yêu thương dâng trào vô bờ. Những tình cảm yêu thương đó là nét đẹp tinh tế của lời ru, đưa đến cho con giấc ngủ êm đềm, hạnh phúc trong sự ôm ấp, che chở của tiếng ru trong trái tim mẹ.

Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân,
Con chưa biết con cò, con vạc.
Con chưa biết những cành mềm mẹ hát,
Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân.

Dù là không hiểu hay cảm nhận vô thức, trái tim nhỏ bé của con đã hiểu được tình mẹ là như thế nào. Những hình ảnh thanh bình của cuộc sống được tái hiện trong đoạn thơ và đưa con vào những giấc ngủ nồng say của tuổi thơ.

-/-

Vừa rồi là nội dung chi tiết một số mẫu bài văn phân tích hình ảnh con cò trong bài thơ Con cò của Chế Lan Viên - Văn mẫu lớp 9 do Doctailieu tổng hợp và biên soạn chi tiết hi vọng sẽ giúp các em có thêm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích để có một bài văn phân tích hay và sâu sắc. Chúc các em học tốt !

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM