Đề bài
Phân tích giá trị nhân đạo của đoạn trích Nỗi thương mình (Truyện Kiều)
Dàn ý phân tích giá trị nhân đạo của đoạn trích Nỗi thương mình
I. Mở bài
- Giới thiệu vài nét về Nguyễn Du và Truyện Kiều
- Giá trị nhân đạo của tác phẩm thể hiện rõ nét qua đoạn trích Nỗi thương mình.
II. Thân bài
1. Giới thiệu khái quát:
-Vài nét về nguồn gốc ra đời Truyện Kiều, tài năng, tư tưởng nhân đạo của Nguyễn Du.
- Tóm tắt ngắn gọn Truyện Kiều.
- Nêu xuất xứ, vị trí đoạn trích.
- Khẳng định: giá trị nhân đạo trong đoạn trích thể hiện ở các khía cạnh:
+ Tái hiện cuộc sống, cảnh ngộ bi kịch, bất hạnh của Thúy Kiều.
+ Khắc họa sâu sắc tâm trạng dằn vặt, đau khổ về tinh thần của Thúy Kiều.
+ Thái độ xót thương và trân trọng, sẻ chia của Nguyễn Du với Thúy Kiều nói riêng và người phụ nữ thời phong kiến nói chung.
2. Phân tích hai đoạn trích để làm rõ giá trị nhân đạo
Có hai cách: phân tích theo 3 luận điểm nêu trên hoặc phân tích lần lượt hai đoạn trích rồi khái quát lại 3 khía cạnh trên.
3. Nhận xét vài nét về nghệ thuật (góp phần đắc lực vào thể hiện tư tưởng nhân đạo);
Mở rộng quan điểm xót thương người phụ nữ của Nguyễn Du qua một số tác phẩm khác của ông.
III. Kết bài
- Đoạn trích đã tái hiện những giai đoạn đầy đau khổ trong cả cuộc đời dằng dặc những khổ đau của Thúy Kiều.
- Qua hai đoạn trích, Nguyễn Du đã lên tiếng bênh vực quyền sống chính đáng của người phụ nữ và gián tiếp phê phán xã hội đầy ải họ gặp phải những oan khiên, bất hạnh.
- Cảm nhận riêng của mỗi người
Tham khảo: Cảm nhận đoạn trích Nỗi thương mình trong Truyện Kiều - Nguyễn Du
Bài tham khảo phân tích giá trị nhân đạo của đoạn trích Nỗi thương mình
Trải qua một cuộc bể dâu
Câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình
Nỗi chìm kiếp sống lênh đênh
Tố Như ơi! Lệ chảy quanh thân Kiều
Những vần thơ của Tố Hữu đã gợi ta nhớ tới Nguyễn Du- đại thi hào dân tộc, một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn cùng kiệt tác “Truyện Kiều”. Thi phẩm hàm chứa bao giá trị hiện thực và nhân đạo khi viết về cuộc đời và số phận của người phụ nữ tài sắc vẹn toàn trong xã hội phong kiến xưa. Trong tập đại thành, nghệ thuật đã đạt đến đỉnh cao không chỉ có ngôn từ điêu luyện, giàu hình ảnh cùng các biện pháp tu từ mà còn hấp dẫn người đọc bởi những khúc đoạn miêu tả tâm trạng Kiều. "Nỗi thương mình" (truyện Kiều) là một đoạn trích thể hiện khá rõ tài năng nghệ thuật độc đáo, cái nhìn vượt thời đại và đặc biệt tinh thần nhân đạo mới mẻ của đại thi hào nguyễn Du. Đoạn trích chỉ vỏn vẹn hai mươi câu, từ câu 1229 đến câu 1248, cho thấy tâm trạng đau đớn, tủi nhục, nỗi cô đơn, thương thân trách phận và ý thức sâu sắc về thân phận bất hạnh của Thúy Kiều ở chốn lầu xanh.
“Truyện Kiều” là một bức tranh hiện thực xã hội phong kiến suy tàn không cưỡng lại được của bánh xe lịch sử. Kéo theo đó là sự tha hóa của bản chất con người, đồng tiền trở thành thế lực vạn năng đẩy con người lương thiện vào bức đường cùng. Gia đình Vương viên ngoại cũng không tránh khỏi tai vạ. Gia đình Kiều bị vu oan, phận làm con nên Kiều đã phải bán mình và đã phải chịu 15 năm lưu lạc. Trong 15 năm ấy, Kiều gặp phải bao sự lọc lừa nhưng lần Thúy Kiều bị lừa đau đớn nhất có lẽ là lần nàng bị Mã Giám Sinh lừa bán đến lầu xanh. Những ngày Thúy Kiều ở chốn lầu xanh là những ngày nàng vô cùng buồn tủi, tâm trạng rối bời như tơ vò nghĩ về thân phận, sự tủi nhục của kiếp hồng nhan. Đoạn trích là lời độc thoại nội tâm đầy đau đớn : “Khi tỉnh rượu …xuân là gì?” Đó cũng là thời điểm mở đầu cho những chuỗi tâm sự nối kết, ngổn ngang. Kiều nghĩ đến thân phận mình để rồi “mình lại thương mình xót xa” Kiều xót xa cho chính bản thân mình. Với nàng, hiện tại như một giấc mơ cay đắng khi nàng sánh với quá khứ.
Mở đầu đoạn trích Nỗi Thương Mình là tâm trạng đau buồn, tủi hổ đến ê chề của Thúy Kiều phải nếm trải trong chốn lầu xanh
“Biết bao bướm lả ong lơi,
Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm.
Dập dìu lá gió cành chim
Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Trường Khanh”
Với bốn câu đầu của đoạn trích, Nguyễn Du đã miêu tả thật sống động bức tranh sinh hoạt ở chốn lầu xanh nhơ nhớp và thân phận bẽ bàng của người kĩ nữ ở chốn lầu xanh bằng bút pháp ước lệ tượng trưng. Trong chốn lầu xanh ấy Kiều phải tiếp khách mua vui cho “biết bao” người mà nàng không thể nào nhớ được hay là đếm được, bởi lẽ một điều rằng hằng ngày Kiêu tiếp khách làng chơi triền miên “suốt đêm, sớm đưa, tối tìm” những từ ngữ ấy đã cho ta thấy được sự nhộn nhịp của chốn lầu xanh, nơi mà Tú Bà ăn nên làm ra và cũng là nơi đày đọa nàng. Bằng những hình ảnh ẩn dụ : bướm lả ong lơi, cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm” và các điển tích điển cố: “lá gió cành chim”, “Tống Ngọc, Trường Khanh” - chỉ chung cho loại khách làng chơi phong lưu Nguyễn Du cho thấy tình cảnh của Thúy Kiều tuy sống trong cảnh lầu xanh tưởng như thanh tao, phong nhã nhưng thực chất đó chỉ là giả tạo, hằng ngày Kiều phải làm công việc nhơ nhuốc, tiếp đủ các loại khách đến mua vui. Điều này cho ta thấy rõ hơn về nỗi bất hạnh và tình cảnh trớ trêu của Thúy Kiều. Nàng ý thức được về nhân phẩm mà nàng trân trọng đang bị trà đạp, ấy vậy mà bất lực không thể làm gì được khiến con người ta đau đớn đến muốn buông xuôi.
Nguyễn Du đã tái hiện cái hoàn cảnh của Thúy Kiều bằng những sự đối lập nghiệt ngã: một bên là nước mắt Thúy Kiều – một bên là những cơn say, trận cười triền miên. Do vậy ở bốn câu thơ đầu, mặc dù chưa được miêu tả trực tiếp, người đọc vẫn thấy Kiều đang bị cuốn đi trong một cơn lốc vô hình, bị buộc vào cảnh hiện thực nghiệt ngã mà nhân vật phải trải qua. Đằng sau những câu thơ ấy là tấm lòng cảm thông, trân trọng mà tác giả dành cho Thúy Kiều. Bút pháp ước lệ giúp Nguyễn Du không tránh né số phận thực tế của Kiều mà vẫn giữ được chân dung cao đẹp của tâm hồn nàng. Bấy giờ, có ai để ý và cảm thông cho người con gái bị đẩy đến chốn lầu xanh tội nghiệp kia.
Bốn câu thơ đầu đã đặt ra một tình thế của tâm trạng. Ở lầu xanh có nhiều kĩ nữ, họ có thể bình thản coi việc làm của mình rất đỗi bình thường , trớ trêu thay Kiều lại có một nhân phẩm quá đỗi cao đẹp, một tâm hồn trong trắng, một bông hoa từ cảnh sống “êm đềm trướng rủ màn che” bỗng nhiên bị ném vào bùn nhơ, hai câu tiếp nói về tâm trạng của Kiều trong những ngày tủi nhục , nỗi ê chề , sự ép buộc , đày đọa mà Kiều phải chịu đựng:
“Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
Giật mình mình lại thương mình xót xa”
Trong mỗi cuộc vui, nàng uống rượu để quên đi tất cả nhưng không thể lúc nào cũng say được, nàng uống rượu để rồi đến khi tỉnh lại thì bao nỗi ê chề nhục nhã lại ùa về trong tâm trí nàng, nàng “giật mình”. Kiều giật mình vì nhận ra sự tàn phá thảm hại về thể xác và phẩm cách của mình ở chốn lầu xanh, sự cô đơn lẻ loi của mình và sự yếu đuối bất lực của mình trước bao nhiêu sự xấu xa, cạm bẫy đang bủa vây mình mà không thể chống đỡ. Thương mình” dường như là mạch cảm xúc xuyên suốt toàn bộ đoạn trích (chọn làm tên đoạn trích) ở đây đã được Nguyễn Du để cho nhân vật đau đớn nhận ra.
Nếu như trước kia trước mộ Đạm Tiên, Kiều vì thương cảm, thương người mà khóc lên thì ở đây, trong chính tình cảnh trớ trêu này – sống đúng với thân phận trước kia của Đạm Tiên, Kiều chỉ còn biết thương cho chính mình và dường như cũng chỉ đủ sức để khóc thương cho chính số kiếp bèo bọt của mình. Ngay cả cái cảm giác tự mình phải thương lấy chính mình đã đủ làm nên một bi kịch. Cái “thương mình” này vừa thể hiện sự cô độc đến tuyệt đối, vừa thể hiện sự tủi phận cùng cực của Kiều, vừa thể hiện ý thức cá nhân mãnh liệt. Bản thân từ “mình” đã là một thứ ý thức cá nhân được phát biểu rất rõ ràng. Nhưng trớ trêu và xót xa thay, 3 lần “mình” mà vẫn cô đơn, vắng lặng biết bao nhiêu. Đó chính là tiếng lòng Kiều phát ra rồi lại dội lại, người nói cũng là người nghe trong cái âm hưởng tự thương thân xót xa, nó nhói lên như một vết thương, một nỗi đau thường trực, cộng hưởng tạo cho câu thơ một dư ba da diết. Nàng cũng đã từng có một cuộc sống đầy đủ hạnh phúc đấy chứ, nhưng giờ đây cuộc sống đó đã lùi vào quá khứ bỏ lại nàng với cuộc sống tại nơi được coi là “dơ bẩn” của xã hội:
Khi sao phong gấm rủ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường
Mặt sao dày gió dạn sương
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân
Một cô gái khuê các, tài sắc vẹn toàn, hiền lành đoan trang hết mực. Một cô gái nho gia bây giờ trở thành một cành hoa tan tác. Sự biến chuyển nhanh chóng đến mức chính Kiều cũng phải bàng hoàng, sửng sốt. Phép đối lập như một biện pháp nghệ thuật chủ yếu toàn đoạn trích và nhất là trong hai câu này càng tăng thêm giá trị biểu cảm. Nó tạo nên sự so sánh đối lập giữa hai quãng đời, hai thời gian, hai tình cảm. Cặp từ đối lập chỉ thời điểm: “Khi sao / giờ sao” tạo nên cảm giác đột ngột của sự thay đổi trong một khoảng thời gian không mấy cách biệt. Chính vì điều này đã làm vết thương của Kiều nhức nhối, đau đớn như đào sâu thêm vào nỗi xót xa, tê tái của Kiều. Quá khứ hiện về đối lập với thực tại một cách khốc liệt, Kiều hồi tưởng lại những tháng năm “êm đềm trướng rũ màn che” thì lập tức thực tại phũ phàng lại hiện lên rõ nét hơn gấp bội, từ “phong gấm” diễn tả một sự bình yên, êm đềm trong quá khứ đối lập gay gắt với từ “tan tác” trong câu thơ nói về hiện tại như cái thực trạng phũ phàng bao trùm vùi chôn quá khứ êm đẹp. Phép so sánh “như hoa giữa đường” càng làm nổi bật sự đối lập tuyệt đối giữa quá khứ và thực tại, giữa cá nhân và hoàn cảnh. Cụm từ “bướm chán ong chường” và “dày gió dạn sương” là nét sáng tạo về cách dùng từ của Nguyễn Du, nhấn mạnh có ý so sánh theo mức độ tăng tiến cho ta thấy sự vùi dập, chà đạp mà Kiều phải gánh chịu. Các câu hỏi tu từ ở đây được sử dụng nhằm làm rõ hơn sự đau đớn, ê chề của Kiều trước thực tại phủ phàng, tàn nhẫn.
Đến đoạn này, một lần nữa Nguyễn Du lại miêu tả kĩ hơn về cuộc sống chốn lầu xanh – nơi mà Kiều đang sống nhưng tưởng như là đã chết:
Đòi phen gió tựa hoa kề
Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
Đòi phen nét vẽ câu thơ
Cung cầm trong nguyệt nước cờ dưới hoa
Vui là vui gượng kẻo là
Ai tri âm đó mặn mà với ai?”
Bức tranh thiên nhiên tươi đẹp hiện lên, có đủ cả: hồng – hoa – tuyết – nguyệt, cảnh đẹp bốn mùa hội tụ vào nơi đây, gió xuân vi vu thổi, hoa hạ đua nhau khoe sắc ngát hương, trăng thu sáng vằng vặc, tuyết đông phủ kín cả lầu tất cả đều rất thực, rất sinh động như vẽ nên bức tranh đầy màu sắc, âm thanh của lầu xanh và trong đó có đủ những thú vui của con người: cầm - kì - thi - họa càng tô điểm cho bức tranh ấy thêm phần nhộn nhịp, sống động hơn bao giờ hết. Nhưng nêu lên những cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, tao nhã, nên thơ ấy lại như một sự giễu cợt, mỉa mai, chua chát. Vì dù ngụy trang khéo đến mấy, cũng không thể che đậy nổi cái bản chất nhơ nhớp, bẩn thỉu bên trong của chốn “buôn thịt bán người”. Đoạn thơ vì thế đồng thời hướng vào tâm trạng Kiều: Kiều luôn phải tách mình thành hai nửa: một con người bề ngoài vui gượng, giả tạo và một con người thực, sống để xót xa mỗi lúc canh tàn.
Cảnh không thể vui vì lòng người nặng trĩu nỗi tê tái.. Khi gió tựa hoa kề, khi cung cầm thi họa, lúc nào nỗi đau cũng dâng đầy và nghẹn ứ trong lòng nàng. Ý thức về nhân phẩm một khi trỗi dậy là lại bị giày xéo, khiến nàng không nguôi bẽ bàng, nhục nhã về thân phận. Hai từ “đòi phen” được lặp lại trong tám câu thơ càng thể hiện rõ hơn đó là một nỗi đau thường trực, chưa lúc nào thôi dằn vặt Kiều. Nỗi sầu của Kiều lan tỏa sang cảnh vật :
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”
Bằng sự thông cảm lạ lùng, và bằng tài năng kì diệu, Nguyễn Du đã viết nên hai câu thơ hay nhất giữa ngoại cảnh và tâm cảnh, giữa cảnh và tình. Từ một trường hợp cụ thể, thơ Nguyễn Du đã vươn tới tầm phổ quát, trở thành chân lí của mọi thời. Có thể nói hai câu thơ là đỉnh điểm của đoạn trích vì nó gột tả được sâu sắc hơn bao giờ hết nội tâm của nhân vật từ đó lan tỏa sang cảnh vật một cách thật tự nhiên và hợp lí. Nỗi buồn của Thúy Kiều cứ dâng lên, như sóng cồn triền miên không bao giờ dứt, nó cứ khuấy động bên trong sâu thẳm con người Kiều để rồi đến một lúc nào đó, tức nước vỡ bờ, nó dâng lên cuồn cuộn đánh động vào nỗi lòng, cảm xúc của Thúy Kiều, khiến cho mọi vật qua cái nhìn của nàng đều trở nên u buồn, tăm tối, nhuộm màu tang thương.
“Vui là vui gượng kẻo là
Ai tri âm đó mặn mà với ai?”
Hai câu thơ cuối là nỗi lòng của Thúy Kiều được Nguyễn Du thể hiện một cách tinh tế, độc đáo mà tâm sự này, tâm trạng này, Kiều của Thanh Tâm tài nhân không hề có được. Từ “vui gượng” nói lên tất cả sự lạc lõng, cô độc cũng là sự mâu thuẫn, bế tắc không lối thoát của Kiều trước hoàn cảnh. Sống trong cảnh nhơ nhớp, phải tiếp khách làng chơi, trải qua những cơn say, trận cười quanh năm suốt tháng, phải lả lơi… là điều bất đắc dĩ, Kiều không bao giờ muốn thậm chí không bao giờ có thể tưởng tượng được cuộc đời mình lại bi kịch như thế. Giữa chốn lầu xanh mà đồng tiền lên ngôi, có bao kẻ đến rồi đi, cái còn lại sau cùng với Kiều chỉ là sự rã rời, đau đớn cả về thể xác và tâm hồn thì làm gì có ai là tri kỉ, có ai để “mặn mà” nhưng trong sâu thẳm cõi lòng, Kiều vẫn luôn mong ngóng một tấm lòng, một người hiểu mình. Một lần nữa ngôn ngữ nửa trực tiếp lại khiến cho câu thơ có những lớp nghĩa sâu sắc kết hợp câu hỏi tu từ đầy sót xa cay đắng cho thấy phẩm chất tốt đẹp của Thúy Kiều giàu lòng tự trọng, coi trọng phẩm giá và muốn sống một cuộc sống bình yên, trong sạch.
Vận dụng linh hoạt từ ngữ, hình ảnh, điển tích điển cố nghệ thuật đặc sắc, mỗi câu thơ dường như đều thấm nỗi đau của người con gái bất hạnh. Nhưng “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, biết đau khổ trước thân phận và thực tại, biết ê chề, bẽ bàng vì sự nhơ nhớp, biết thương lấy chính mình và biết khát khao tình yêu, hạnh phúc, khát khao giữ gìn nhân phẩm - đó là bi kịch, là nỗi đau của Kiều nhưng đồng thời cũng là vẻ đẹp đáng quí của nhân vật. Nếu không có những nỗi đau ấy, nhưng bi kịch tinh thần ấy, Kiều đã không phải là một nàng Kiều “sắc sảo mặn mà”, một nàng Kiều là hiện thân cho sự trinh tiết, cho cái đẹp trong sự ngưỡng vọng, trân trọng của Nguyễn Du.
Đoạn trích thể hiện khá hoàn chỉnh số phận, tính cách của Thúy Kiều. Với nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật bậc thầy của mình, Nguyễn Du đã cho người đọc thấy được tâm trạng cô đơn tủi nhục của Thúy Kiều, qua đó làm nổi bật giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm- thể hiện tập trung tư tưởng nhân văn của tác giả: cảm thương trước bi kịch của Kiều, khẳng định nhân cách đẹp đẽ của nàng và khẳng định sự ý thức về nhân phẩm và sự ý thức cá nhân và tố cáo xã hội phong kiến thời xưa đã chà đạp lên phẩm giá con người.
--------------------
Với hướng dẫn chi tiết trên đây của Đọc tài liệu, hy vọng các em đã nắm được cách làm bài Phân tích giá trị nhân đạo của đoạn trích Nỗi thương mình. Ngoài ra, rất nhiều bài Văn mẫu lớp 10 hay nhất cũng được chúng tôi chọn lọc và thường xuyên cập nhật để phục vụ việc học tập cho các em. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao!