Phân tích chất thép và chất tình trong bài thơ Chiều tối

Xuất bản: 04/03/2020 - Cập nhật: 08/11/2023 - Tác giả:

Phân tích chất thép và chất tình trong bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh giúp các em học sinh hiểu sâu hơn về con người thi ca nhưng vẫn đầy lý trí của vị lãnh tụ vĩ đại của chúng ta.

Tổng hợp hướng dẫn làm văn phân tích chất thép và chất tình trong bài thơ Chiều tối trong tuyển tập Văn mẫu 11 đầy đủ các nội dung từ bao quát tới chi tiết, tài liệu tham khảo là những bài văn cảm nhận mẫu giúp các em học sinh có thể hình dung ra các điểm đặc trưng của chất thép và nét trữ tình trong thơ Bác.

   "Trong bài Đọc thơ Bác, Hoàng Trung Thông viết: "Vần thơ của Bác, vần thơ thép mà vẫn mênh mông bát ngát tình" Điều đó thể hiện trong bài thơ Chiều tối như thế nào?". Yêu cầu của đề: Phân tích chất thép và chất tình trong bài thơ Chiều tối - Hồ Chí Minh

    Tham khảo: soạn bài Chiều tối - Hồ Chí Minh

Bài văn mẫu phân tích chất thép và chất tình trong bài thơ Chiều tối hay

Đọc tài liệu cũng lưu ý một số nội dung chính để các em làm được bài văn này như sau:

- Chất trữ tình trong Chiều tối chính là những cảm xúc, rung động của nhà thơ trước cái đẹp của tạo vật, của tình người.

- Chất thép trong BÀI thơ Chiều tối là ý chí bất khuất kiên cường, sự tự tin, niềm kiêu hãnh, luôn lạc quan tin tưởng vàO mục tiêu trước mắt của người chiến sĩ cách mạng.

Để có thể hiểu rõ được tác phẩm, từ đó phân tích những điều ẩn sâu trong câu từ, ý tứ của tác giả, các em học sinh nên tham khảo:

những bài viết này sẽ giúp các em nắm bắt được toàn bộ nội dung, nghệ thuật của tác giả gửi gắm vào tác phẩm.

- Phân tích tình và thép trong Chiều tối (Mộ)

+ Hai câu đầu là bức tranh thiên nhiên nổi bật, Bác thể hiện tình yêu thiên nhiên, nâng niu từng sự sống. Đó là tiếng thơ trữ tình, dào dạt cảm xúc

- Hai câu sau: Dù trong hoàn cảnh nào, Bác cũng không quên nghĩ tới con người. Hình ảnh thiếu nữ xay ngô tối với Bác chứa đựng niềm vui, niềm lạc quan. Những cảm xúc ấy là sự hài hòa chất tình và chất thép trong thơ. Kết thúc với hình ảnh ngọn lửa hồng mang lại cảm giác phấn chấn, lạc quan. Bởi vì có niềm lạc quan đó, Bác mới có thêm nghị lực sống, mới quyết tâm vượt qua cảnh ngộ lưu đày. Đó là chất thép, là bản lĩnh, phong thái cứng cỏi của người chiến sĩ cách mạng trong thơ và trong chính con người Bác

- Từ chất thép, chất tình trong thơ Bác ta thấy được gì về con người Bác và phong cách thơ Hồ Chí Minh

+ Một con người đẹp: đẹp vì thép cứng rắn, vì tình cao cả, nhưng đẹp nhất chính là sự hài hòa giữa thép và tình đã làm nên một con người bình thường mà vĩ đại, vừa gần gũi lại khiến mọi người phải kính trọng, yêu mến.

+ Một phong cách thơ đẹp mang nét riêng của Bác: sự hài hòa lí tưởng, tuyệt đẹp giữa thép và tình, giữa chiến sĩ và thi sĩ như một điều vốn dĩ.

    Xem thêmSơ đồ tư duy Chiều tối

Ngoài ra Đọc tài liệu cũng tổng hợp những bài văn mẫu hay cho đề bài phân tích chất thép và chất tình trong bài thơ Chiều tối, các em học sinh có thể tham khảo sau đó tự viết một bài văn phân tích riêng cho mình.

Phân tích chất thép và chất tình trong bài thơ Chiều tối

Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không

Bài văn mẫu ngắn gọn phân tích chất thép và chất tình trong bài thơ Chiều tối

Bài số 1

Đúng là trong bài "Đọc thơ Bác", nhà thơ Hoàng Trung Thông đã từng cảm nhận:

"Vần thơ của Bác, vần thơ thép

Mà vẫn mênh mang bát ngát tình".

Vậy thì theo Hoàng Trung Thông, thơ Hồ Chí Minh có thể được cô đọng lại trong hai chữ: "thép" và "tình". Trong Chiều tối, cái chất tình và chất thép ấy thể hiện như thế nào?

Trước hết cần hiểu hai khái niệm trên nghĩa là gì? thép là sự ẩn dụ cho lòng kiên cường, sự bất khuất, cứng cỏi, không dễ khuất phục. Đó là biểu hiện của tinh thần bền bỉ, ý chí vững vàng. tình là sự rung cảm, là cảm xúc. Nó xuất phát từ rung động của trái tim luôn nóng hổi, sôi nổi nhiệt tâm. Hai khái niệm này có vẻ mâu thuẫn. Mâu thuẫn, mà sao lại tồn tại chung đụng với nhau như thế? Lại còn là nét tiêu biểu, đặc trưng cho phong cách của một nhà thơ lớn như Hồ Chí Minh?

Thật ra thì, chất thép và chất tình chính là hai mặt cùng tồn tại và làm nền tảng cho nhau, tạo nên tính cách đáng quí của Hồ Chí Minh và trở thành nét đặc biệt trong sáng tác của ông. Tinh thần bền bỉ của tác giả thể hiện ở chỗ, trong cái khó, cái khổ, ông vẫn không hề nao núng; bị gông cùm xiềng xích, ông vẫn can đảm đối diện; nguy hiểm cận kề, ông vẫn ung dung tự tại... Điều này được chính Hồ Chí Minh phát biểu:

"Thân thể ở trong lao

Tinh thần ở ngoài lao

Muốn nên sự nghiệp lớn

Tinh thần càng phải cao".

Trong Chiều tối, điều này thể hiện trong cái cách mà nhà thơ phóng tầm mắt ra thiên nhiên bao la, nhìn cánh chim chiều, nhìn chòm mây trôi, không màng tới cái hoàn cảnh mình đang bị giải tù. Chẳng ai miêu tả, nhưng ta phải hiểu là Hồ Chí Minh đang "cổ đeo gông, chân vướng xiềng". Trong cảnh đó, liệu chúng ta đủ thanh thản để làm thơ không? Thế nhưng, Hồ Chí Minh làm thơ được, mà lại còn viết rất hay. Hơn nữa, trong thơ mình, Hồ Chí Minh còn thể hiện tinh thần lạc quan đáng kinh ngạc.

Nói về buổi chiều tối mà chẳng dùng một chữ tối nào, nhà thơ dùng màu hồng của lửa than để làm dấu hiệu nhận biết cho bóng tối. Nghĩa là lúc nào cũng vậy, đôi mắt ấy luôn hướng về ánh sáng, luôn đi tìm ánh sáng, dù đó là thứ ánh sáng nhỏ nhoi. Nhưng sự sáng nhỏ nhoi ấy có tác dụng nâng tinh thần người ta lên để khỏi bị nhấn chìm vào bóng tối bao trùm. Làm được như thế, hẳn phải có tinh thần thép, tinh thần tự do, tinh thần kiên cường. Đó chính là chất thép đấy thôi. Hồ Chí Minh không bao giờ chịu khuất phục, là nhờ ở tinh thần cứng cỏi ấy.

Nhưng Hồ Chí Minh không phải một vị tiên, không phải một kẻ chẳng biết đến đau đớn trần tục. Ông là một con người, biết vui buồn, sướng khổ. Là một con người nên trong ông, không thể không tồn tại chữ tình. Tuy vậy, cái tình trong thơ Hồ Chí Minh không gói gọn trong tình cảm cá nhân.

"Ôi lòng Bác vậy, cứ thương ta

Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa"

Tố Hữu từng khóc Hồ Chí Minh bằng những vần thơ như thế. tình thương của Hồ Chí Minh trải theo chiều rộng, thấm vào chiều sâu, vươn đến tầm xa. Ông thương yêu nhiều, tình thương yêu đó dành cho thiên nhiên, cho quê hương, cho con người, cho những người đồng khổ. Riêng trong Chiều tối, tình yêu thiên nhiên thể hiện khá rõ (điều này không cần nhắc lại, vì hẳn là giáo viên nào cũng đã phân tích kĩ cho các em về tình yêu thiên nhiên). Nhưng bên cạnh tình yêu thiên nhiên đó, nổi bật hơn lại là tình yêu với con người, đặc biệt là người lao động. Mà ở đây lại là một người lao động của xứ người - xứ Trung Hoa. Đối với Hồ Chí Minh, đã là giai cấp lao động, thì dù ở đâu cũng đáng yêu đáng quí, tình thương của nhà thơ không có sự ràng buộc về mặt địa lí. Đó được gọi là "tình hữu ái giai cấp".

Chất tình nhờ chất thép mà thêm nồng hậu. Nhờ tinh thần vững vàng nên trái tim luôn rung cảm sâu sắc với nhiều kiếp người. Chất thép cũng nhờ chất tình mà được nâng lên. Trái tim chan chứa yêu thương và tấm lòng nghĩ về cuộc đời đã nuôi dưỡng và củng cố cho Hồ Chí Minh đương đầu với mọi thử thách và bền bỉ gìn giữ niềm lạc quan cách mạng. Đấy chính là nét đẹp trong bài Chiều tối, trong tập Nhật kí trong tù, trong sự nghiệp văn học, sự nghiệp cách mạng và trong bản thân con người Hồ Chí Minh.

Nguồn: Cô Nguyễn Mộng Tuyền

Xem thêm: Mở bài Chiều tối hay nhất

Phân tích chất thép và chất tình trong bài thơ Chiều tối Bài số 2

Thầm lặng sánh bước cùng Bác nơi đất khách quê người lúc xế chiều yên bình, đâu đó nhẹ vương những dải mây hồng hòa trong cảnh núi non hùng vĩ. Thiên nhiên như một người bạn tâm giao, cứ thế đi vào thơ của Người một cách sâu lắng nhất, ngọt ngào nhất dẫu có trong cảnh “cổ đeo gông, chân vướng xiềng”. Phải chăng vì thế mà Hoàng Trung Thông đã thổn thức khi nhắc về thơ Bác:

“Vần thơ của Bác vần thơ thép
Mà vẫn mênh mông bát ngát tình”

Và mỗi vần thơ trong “Chiều tối” chính là như thế, là sự hòa quyện, quấn quýt giữa “thép” và “tình”.

Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh không hề có ý định xây dựng cho mình một sự nghiệp văn chương (Ngâm thơ ta vốn không ham) nhưng Người đã nhận ra rằng văn chương là một loại vũ khí sắc bén đầy lợi hại để đấu tranh cách mạng và cũng là phương tiện rất hiệu nghiệm để động viên chiến sĩ, đồng bào: Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy; Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong. Chính vì vậy, tất cả sáng tác văn học của Bác đều trở thành một bộ phận trong sự nghiệp đấu tranh cho từng giai đoạn cách mạng ở nước ta. Dẫu như thế nhưng Bác vẫn mang nặng tâm hồn nghệ sĩ. Nhà thơ Tố Hữu từng tâm sự về Bác thế này: “Người yêu từng ngọn lúa, mỗi nhành hoa”, nâng niu mọi vẻ đẹp của cuộc sống, rung cảm trước một ngọn gió, làn mây, một cánh chim chiều, trước núi non hùng vĩ, dòng sông thơ mộng,..”. Để rồi trên con đường chuyển lao từ nhà lao Tĩnh Tây đến nhà lao Thiên Bảo vào cuối thu năm 1942 Người đã viết “Chiều tối” khắc họa bức tranh toàn cảnh nơi đất khách quê người cùng tâm tư của người con tha hương.

Hoài Thanh - nhà phê bình văn học từng khẳng định: “Không phải cứ lên giọng thép, nói chuyện thép mới là tinh thần thép”. Nói tới thép trong thơ Bác tức là khẳng định ý chí, nghị lực và tinh thần lạc quan của người tù cộng sản, người chiến sĩ cách mạng. Trong thơ nay đã có “thép” mà “tình” từ muôn thuở vẫn cứ dạt dào. Ấy là tình cảm dành cho thiên nhiên, con người, vạn vật.

Trước hết tôi muốn làm rõ cái tình muôn thuở trong thơ Bác. Trong cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, khi kể về những ngày Bác Hồ bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt và giải đi qua gần ba mươi nhà tù, tác giả Trần Dân Tiên viết: “Mỗi buổi sáng, gà gáy đầu, người ta giải Cụ Hồ đi. Mỗi buổi chiều, khi chim về tổ, người ta dừng lại ở một địa phương nào đó, giam Cụ Hồ vào trong xà lim…”. Bài “Chiều tối” có lẽ được nảy nở trên con đường lưu đầy gian khổ đó nhưng mở đầu bài thơ, Người đã khắc họa bức tranh thiên nhiên rất gợi:

“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không”
(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không)

Ở đây không phải chim bay trong trạng thái bình thường mà bay mệt mỏi, bay mải miết cho kịp tới chốn nghỉ ngơi nơi rừng xanh quen thuộc song đó là một cánh chim có đích, đang chuyển dần từ trạng thái bay sang nghỉ ngơi để chuẩn bị cho ngày mới. Khi nắng mai rót vào trời xanh, cũng là lúc cánh chim ấy tiếp tục hành trình của mình. Và rồi “cánh chim mỏi” ấy cho ta liên tưởng đến tình cảnh của Bác trên đường chuyển lao khó nhọc. Trong bài thơ “Mới đến nhà lao Thiên Bảo”, Bác có viết về hành trình gian lao, nhọc nhằn ấy:

“Nhật hành ngũ thập tam công lí
Thấp tận ý quan phá tận hài”.
(Năm mươi ba dặm một ngày trời
Áo mũ ướt đầm, dép tả tơi.)

Sự đối sánh càng xót xa hơn khi cuối chặng đường bay của cánh chim chiều là tổ ấm – sự ấm áp, bình yên hiện rõ trong sắc thái ý nghĩa của từ “quy” – “về” giữa dòng thơ, còn cuối chặng đường của người tù là một nhà lao, nơi tiềm ẩn những đọa đày đau khổ! Qua hình ảnh chim mệt mỏi, người đi còn tìm thấy sự tương đồng hòa hợp với cảnh ngộ và tâm trạng của mình. Cánh chim mệt mỏi mải miết bay về rừng xanh tìm chốn ngủ, người tù cũng mệt mỏi lê bước trên đường lưu đày, giờ đây không biết đâu là chặng nghỉ qua đêm. Sự tương đồng ấy dễ tạo nên sự cảm thông sâu sắc giữa người và cảnh. Cội nguồn của sự cảm thông chính là tình yêu thương rộng lớn của Bác luôn dành cho mọi sự sống chân chính ở trên đời.

Nối dài bức tranh thiên nhiên trên đường chuyển lao, hình ảnh “chòm mây lẻ” được chấm phá thật tuyệt trên nền trời mùa thu:

“Cô vân mạn mạn độ thiên không”
(Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không)

Theo nguyên tác, hai từ “cô vân” – nghĩa là “chòm mây lẻ loi, cô độc” và “mạn mạn” – nghĩa là “chậm chạp, lững lờ”. Nhưng thật đáng tiếc, bản dịch đã đánh mất hai ý nghĩa quan trọng, theo đó, khung cảnh phần nào kém đi cái hiu quạnh vốn có của nó, mà lại có phần nhẹ nhàng, uyển chuyển, thanh thoát hơn, mất đi cái cô đơn, mệt mỏi của tác giả trên đường chuyển lao. Câu thơ thứ hai này gợi cho ta nhớ tới hình ảnh:

“Ngàn năm mây trắng bây giờ vẫn bay”.

(Hoàng hạc lâu – Thôi Hiệu)

“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt”

(Thu điếu – Nguyễn Khuyến)

Thơ ca trung đại thường hướng tới mây của ngàn năm, mây của sự vĩnh hằng tĩnh tại, hay như trong hai câu thơ của Lí Bạch, cánh chim “bay đi nhanh, vào vô tận”, chòm mây thì “bay đi hết, tan biến vào hư vô”, tất cả đều toát lên vẻ thanh tao, thoát tục: “Cô vân độc khứ nhàn”. Còn trong câu thơ của Hồ Chí Minh, vừa chứa một cái gì đó như phong vị Đường thi, phong vị cổ điển, nhưng chòm “mây” kia của thơ Bác lại thật giản dị, ấm nồng hơi cuộc sống mà vẫn diễn tả sự cô độc, ung dung, thư thái của thi nhân. Hai hình ảnh tương phản ở đầu và cuối câu thơ: “cô vân” – “ thiên không” khiến đám mây nhỏ nhoi, đơn độc giữa bầu trời mênh mông, rợn ngợp. Từ láy “mạn mạn” cho thấy đám mây bồng bềnh, trôi rất chậm giữa trời thu, từ đó người đọc có thể hình dung ra cả một khoảng trời trong trẻo, mênh mang, tĩnh lặng cũng một chút gió thu nhè nhẹ, hiu hắt, u buồn. Có thể nhận ra đám mây nhỏ bé ấy là sự phản chiếu cảnh ngộ và tâm trạng của người tù đang đơn độc nơi đất khách quê người. Nỗi buồn, sự cô đơn của người và cảnh như đã thấm vào nhau trong một sự liên tưởng và hòa hợp kì lạ. Phải có một tâm hồn ung dung, thư thái thì người tù mới có thể tạm quên sự đau đớn của thể xác để dõi theo một cánh chim, một chòm mây giữa bầu trời lúc hoàng hôn như vậy! Với những thi liệu cổ điển quen thuộc, với nghệ thuật tả cảnh ngụ tình và bút pháp chấm phá chỉ gợi mà ít tả, bằng hai nét vẽ đơn sơ, tác giả Hồ Chí Minh đã ghi lấy linh hồn tạo vật, dựng lên cả một không gian mênh mông, yên ả, u hoài, một bức tranh chiều muộn thanh bình miền sơn cước.

Trong chính cái “tình” dạt dào mênh mông Bác ưu ái dành cho thiên nhiên thì ta vẫn thấy ở đó chất “thép” của một người chiến sĩ cách mạng. Trước mắt Người không gì khác ngoài một nhà tù đầy muỗi, rệp bẩn thỉu, vậy mà Bác vẫn vượt lên cảnh ngộ bản thân, tinh thần vẫn lạc quan, yêu đời, ung dung tự tại vượt lên trên hoàn cảnh mà rung động trước cái đẹp của thiên nhiên tạo vật, như trong bài Ngắm trăng Người đã viết: Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ… “Thép” là ở đó chứ đâu phải “thép” là “lên gân lên cốt”. Trong một bài thơ khác, Bác viết:

“Trong tù không rượu cũng không hoa,
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ;
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.”

Bài thơ này hoàn toàn không thấy nhà thơ nói đến nỗi đau khổ, bồn chồn vì mất tự do, mà chỉ thấy hình tượng một thi sĩ hết sức nhạy cảm và tinh tế trước vẻ đẹp của thiên nhiên.

Bức tranh thiên nhiên nhường chỗ cho bức tranh đời sống sinh hoạt của con người với niềm yêu đời, yêu người thiết tha:

“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc”
(Cô em xóm núi xây ngô tối.)

Thiếu nữ xóm núi trong câu thơ Hồ Chí Minh được miêu tả ở vị trí trung tâm, cận cảnh của bức tranh chiều tối nơi núi rừng; trong hoàn cảnh lao động. Bức tranh đời sống của Bác thật gần gũi, ấm áp; ngôn ngữ thơ từ ước lệ tượng trưng sang giản dị, hiện thực, từ viễn cảnh sang cận cảnh. Chân dung bức tranh là hình ảnh cô gái xay ngô. Sự nối tiếp “ma bao túc” – “bao túc ma hoàn” gợi lên những động tác xay ngô liên tục, nhịp quay đều đều của chiếc cối xay ngô, đó là sự hăng say lao động thật đáng quý. Hình ảnh cô gái xay ngô tuy là hình ảnh bé nhỏ giản dị, nhưng cô đang hăng say lao động, làm công việc nặng nhọc. Với nét vẽ đậm, khỏe, nhà thơ đã đặt con người vào vị trí trung tâm. Tư thế của cô gái xay ngô toát lên vẻ trẻ trung, khỏe mạnh và cuộc sống lao động càng trở nên đáng quý, đáng trân trọng biết bao! Nó đem lại cho người tù hơi ấm của sự sống cùng niềm vui và hạnh phúc trước cuộc sống bình dị của những con người tuy vất vả mà tự do. Phải là một người yêu đời, yêu cuộc sống vô cùng, một tâm hồn lạc quan, luôn hướng về sự sống mới có thể ghi lại một hình ảnh tinh tế của cô thôn nữ với cuộc sống lao động, sinh hoạt hàng ngày bình dị. Đó cũng là sự đồng cảm của Bác với sự vất vả lao động của những con người lao động. Người đã thể hiện sự thương cảm, đồng cảm. Đồng thời từ đó, tác giả đã lấy lao động làm niềm vui sướng, hứng khởi. Bác quên đi mệt mỏi và chỉ chú tâm vào lao động. Khi bóng tối của ngày tàn buông xuống nhưng không gian không hề tăm tối, con người đã kịp thắp lên ngọn lửa, tạo nên ánh sáng, tạo nên hơi ấm để sưởi ấm cho người, cho cảnh vật thiên nhiên. Ánh sáng, hơi ấm, con người đã mang lại niềm vui bình dị cho người tù nơi xa xứ. Trong cảnh ngộ gian lao của riêng mình, Bác vẫn tìm thấy niềm vui. Niềm vui ấy xuất phát từ cuộc sống lao động của người dân Trung Hoa mà người bắt gặp trên đường chuyển lao. Chính tình yêu cuộc sống và thiên nhiên đã giúp Người quên đi nỗi vất vả, nhọc nhằn nơi mình và vơi đi niềm thương nhớ quê hương để cùng chia sẻ với niềm vui nho nhỏ đời thường của người dân lao động, với bếp lửa hồng nơi xóm núi:

“Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng”
(Xay hết, lò than đã rực hồng.)

Trong cảnh chiều muộn ở vùng sơn cước tưởng chừng chỉ có bóng tối hoàng hôn bao phủ, chỉ có heo hút quạnh hiu, nào ngờ có ánh sáng ấm áp đã rực lên xua tan giá lạnh, bóng tối. Sự xuất hiện hình ảnh người thiếu nữ trong khung cảnh lao động, bên “lò than rực hồng” đã mang lại ánh sáng và niềm vui, mang lại sự sống mãnh liệt và ấm áp. Khi màn đêm buông xuống, cảnh vật thu dần vào một điểm – là lò than đỏ rực rồi tỏa hơi ấm theo âm thanh nồng đượm của chữ “hồng”. Thoát khỏi văn phong cổ điển, hai câu thơ cuối mang nhiều chất hiện đại, mộc mạc, đời thường và điều đó thể hiện rõ ở chữ “bao túc” được xuất hiện đến hai lần. Cô gái miệt mài xay ngô mà không hề để ý đến thời gian. Cứ hết túi ngô này (ma bao túc) rồi lại đến túi ngô khác (bao túc ma) để rồi đến khi ngô vừa xay xong (bao túc ma hoàn) thì trời đã tối, “lò than đã rực hồng” (lô dĩ hồng). Chữ “hồng” kết thúc bài thơ thật tự nhiên mà cũng thật bất ngờ. Nếu hình dung cả bài thơ là một bức tranh thì chính cái chấm lửa đỏ mà người nghệ sĩ tài hoa chấm lên đó đã mang lại thần sắc cho toàn cảnh, dường như nó làm tăng thêm niềm vui và sức mạnh cho người tù đang cất bước trên con đường xa thẳm. Còn nhớ Nguyễn Trung Thông từng nhận xét về chữ “hồng” trong thơ Bác như thế này: “Hồ Chí Minh rất Đường mà không Đường một tí nào. Với một chữ “hồng”, Bác đã làm sáng rực lên toàn bộ bài thơ, đã làm mất đi sự mệt mỏi, sự uể oải, sự vội vã, sự nặng nề đã diễn tả trong ba câu đầu, đã làm sáng rực lên khuôn mặt của cô em sau khi xay ngô tối. Chữ “hồng” trong nghệ thuật thơ Đường người ta gọi là “con mắt” thơ (thi nhã hoặc nhãn tự), nó bừng sáng lên, nó cân lại chỉ một chữ thôi với hai bảy chữ khác dầu nặng đến mấy đi chăng nữa. Với chữ “hồng” đó có ai còn cảm giác nặng nề, mệt mỏi, nhọc nhằn nữa đâu mà chỉ thấy màu đỏ đã nhuốm lên cả bóng đêm, cả thân hình lao động của cô gái đáng yêu kia. Đó là màu đỏ của tình cảm Bác”. Thật đúng như lời nhận xét ấy, bởi ta thấy được sự vận động tích cực trong mạch thơ: trong cảnh chiều muộn ở vùng sơn cước tưởng chừng chỉ có bóng tối hoàng hôn bao phủ, chỉ có heo hút quạnh hiu, nào ngờ có ánh sáng ấm áp đã rực lên xua tan giá lạnh, bóng tối. Sự xuất hiện hình ảnh người thiếu nữ trong khung cảnh lao động, bên lò than rực hồng đã mang lại ánh sáng và niềm vui, mang lại sự sống mãnh liệt và ấm áp. Sự vận động tích cực trong mạch thơ ấy cũng được thể hiện trong bài “Giải đi sớm”:

“Gà gáy một lần, đêm chưa tàn,
Chòm sao nâng vầng trăng lên đỉnh núi mùa thu;
Người đi xa đã cất bước trên đường xa,
Gió thu táp mặt từng cơn từng cơn lạnh lẽo.
Phương đông màu trắng chuyển thành hồng,
Bóng đêm còn rơi rớt sớm đã hết sạch;
Hơi ấm bao la khắp vũ trụ,
Người đi thi hứng bỗng thêm nồng”.

Vậy là tâm trạng của nhà thơ được vận động từ buồn đến vui, từ lạnh lẽo cô đơn đến nóng ấm, từ lụi tàn đến sự sống. Qua đó ta thấy được chất “thép” và “tình” hòa quyện, quấn quýt. Lòng lạc quan, niềm tin, ý chí vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt hòa với tình yêu đời, yêu người vô hạn, mênh mông của Bác. Trong cảnh ngộ đau khổ của riêng mình, đằng sau lưng là một ngày đi đường vất vả, thường là đi từ rất sớm 53 cây số một ngày, áo mũ dầm mưa rách hết giầy. Trước mắt là những nguy hiểm đón chờ, một xó nhà tù khác lạnh lẽo và đầy muỗi rệp, cái bụng lại đói meo. Đã thế cái tối lại sập xuống nơi núi rừng mà bước chân lưu đày của Người nơi đất khách tha hương vẫn chưa được dừng bước. Trong hoàn cảnh đó chúng ta vẫn có thể chờ đợi ở Bác một sự chạnh nghĩ đến mình, một thoáng thương thân, như một số bài thơ khác ta thường gặp. Và nếu tứ thơ có phát triển theo hướng đó thì cũng là phải lẽ và có thể cũng rất hay rất lớn. Nhưng giữa bao tăm tối dày đặc đó: Người luôn hướng về cuộc sống lạc quan với một tư tưởng cách mạng kiên cường, cứng rắn như thép, không chút sờn lòng.

Chất tình nhờ chất thép mà thêm nồng hậu. Nhờ tinh thần vững vàng nên trái tim luôn rung cảm sâu sắc với nhiều kiếp người. Chất thép cũng nhờ chất tình mà được nâng lên. Trái tim chan chứa yêu thương và tấm lòng luôn hướng về con người, cuộc đời đã nuôi dưỡng và củng cố niềm tin cho Bác đương đầu với mọi thử thách và bên bỉ giữ vững niềm lạc quan cách mạng.

Bài thơ bốn dòng, hai mươi bảy chữ đã thể hiện tinh thần lạc quan, ung dung, tự tại, kiên cường vượt qua mọi hoàn cảnh sống cùng tình yêu bao la Bác ưu ái dành cho vạn vật trên cõi đời. Vì thế “Chiều tối” đã sống mãi trong hơi thở của thời đại, băng qua dòng chảy nghiệt ngã của thời gian.

Nguồn văn mẫu: Sưu tầm

Bài số 3

Phân tích chất thép và chất tình trong bài thơ Chiều tối có liên hệ các tác giả

Đọc tập “Ngục trung nhật ký”, Hoàng Trung Thông viết:

“Tôi đọc trăm bài trăm ý đẹp

Ánh đèn tỏa rạng mái đầu xanh

Vần thơ của Bác vần thơ thép

Mà vẫn mênh mông bát ngát tình”.

Thật vậy, "Ngục trung nhật ký" (NTNK) đã làm toát lên bức chân dung của một người tù tự do, một người tù mà không một nhà tù nào, một gông xiềng nào giam hãm được. Vì vậy, đọc thơ Bác, người yêu thơ vẫn nhận thấy bất cứ bài thơ nào, câu thơ nào cũng thấm đậm chất thép. Thép trong thơ Bác uyển chuyển, tinh vi, linh hoạt. Một trong những bài thơ thể hiện rõ nhất chất thép trong thơ Người đó là bài “Chiều tối (Mộ)”:

“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không

Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”

Đây là bài thơ thứ 31 nếu đặt trong logic của toàn bộ tập thơ gồm 135 bài kể cả 2 bản bổ sung. Bài thơ được Bác viết trong một cuộc chuyển lao từ nhà lao Tĩnh Tây đến nhà lao Thiên Bảo. Bài thơ đã làm toát lên chất thép cao cường của người chiến sĩ cách mạng. Để thấy được chất thép trong tác phẩm này, đầu tiên ta cần phải hiểu nội hàm của chất thép. Trong bài thơ “Cảm tưởng đọc Thiên Gia Thi”, Người có viết:

"Nay ở trong thơ nên có thép

Nhà thơ cũng phải biết xung phong"

Cần phải khẳng định chất thép trong thơ là một hình ảnh mang ý nghĩa ẩn dụ. Nó là tinh thần chiến đấu của người chiến sĩ Cộng sản; là lòng yêu nước già dặn, mãnh liệt, sôi nổi của một con người; thậm chí nó còn là thái độ ung dung tự tại của một tù nhân ở ngay trong tù ngục. Vì vậy, khi bộc lộ trong thơ, nó không thể là tiếng nói trần trụi của một ý chí. Nó phải chuyển hóa linh hoạt thành hình tượng thơ, thành tình cảm thơ vì thơ là sự kết hợp hài hòa giữa tình cảm, hình ảnh và lý trí. Nếu tình cảm là gốc rễ, lý trí là thân cành thì hình ảnh sẽ là hoa trái.

Như vậy, đi tìm thép trong tập Ngục trung nhật ký, nhất là trong bài thơ “Mộ” nói riêng, ta không thể đi tìm thứ thép lộ thiên mà phải tìm nó trong hình tượng thơ, trong tình cảm thơ. Chất thép càng chuyển hoá thành hình tượng, thành tình cảm sâu sắc bao nhiêu thì nó càng cao siêu, cao cường bấy nhiêu. Cao siêu nhất, cao cường nhất chính là ở điểm như Hoài Thanh đã nói: “Không phải có nói chuyện thép, lên giọng thép mới là có tinh thần thép.”

Chất thép trong bài thơ Mộ được thể hiện đầu tiên là ở lòng nhân đạo của người chiến sĩ Cộng sản. Bài thơ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt với 2 câu thơ đầu hiện lên là bức tranh thiên nhiên được Bác vẽ bằng tâm hồn của một thi sĩ lãng mạn thông qua những thi liệu, rất cổ điển. Đó là hình ảnh cánh chim và chòm mây trở đi trở lại nhiều trong thơ cổ trung đại. Nhưng cái hay ở đây là cánh chim trong thơ Người không chỉ đơn thuần là nhằm để điểm xuyết thời gian như trong thơ cổ điển, ví như bà huyện thanh quan trong “chiều hôm nhớ nhà” đã viết:

“Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi

Rặng liễu sương sa khách bước dồn”

Hay như trong ca dao có câu:

“Chim bay về núi tối rồi”

Ở đây, Bác đã nhìn thấu và bên trong sự vật hiện tượng để cảm nhận được cái sự mệt mỏi của cánh chim sau một ngày lam lũ kiếm sống. Điều này được thể hiện rõ khi Người đặt chữ “quyện” nghĩa là mệt mỏi lên đầu câu. Như vậy, Bác đã bước xa hơn Nguyễn Du trong kiệt tác truyện Kiều với hình ảnh:

“Chim hôm thoi thót về rừng

Đóa trà my đã ngậm trăng nửa vành”

Như vậy Bác đã nhìn thấu vào sự vật hiện tượng để thấy được những sự mệt mỏi của những vật tưởng như vô tri vô giác. Điều ấy có nghĩa là Mộ nói chung, cũng như câu khai đề nói riêng đã được viết lên bằng một trái tim vô cùng nhân đạo. Trong trái tim của Bác chất chứa biết bao nhiêu chỗ đứng, thân phận, cảnh ngộ và cả những vật vô tri vô giác như nhánh lúa nhành hoa mà như Tố Hữu đã nói là:

“Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta

Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa

Chỉ biết quên mình cho hết thảy

Như dòng sông chảy nặng phù sa”

Mà ở chỗ nào tình cảm sâu sắc nhất, nơi ấy chất thép được bộc lộ cao nhất. Đúng như Hoàng trung Thông đã nói:

“Vần thơ của Bác vần thơ thép

Mà vẫn mênh mông bát ngát tình”

Mặt khác, thép ở đây còn là tinh thần chiến đấu, là lòng yêu nước già dặn, mãnh liệt, sôi nổi của một con người. Ý tưởng đó cũng được thể hiện ngay ở câu thơ khai đề. Cánh chim trong câu thơ của Người đang quy lâm để tìm nơi trú ngụ. Rõ ràng ở đây nó không còn như trong thơ của Lí Bạch:

“Chúng điểu cao phi tận

Cô vân độc khứ nhàn”

Cánh chim trong thơ của Lí Bạch bay về nơi vô tận thì cánh chim trong thơ Người lại đang quy lâm để tầm túc thụ. Ta không loại trừ hình ảnh cánh chim ấy là biểu hiện cho khát vọng tự do, khát vọng đoàn tụ trong tâm hồn Bác bởi Maxim Gorky đã nói: “Văn học là nhân học.” Văn học từ muôn đời xưa cho đến mãi về sau bao giờ cũng viết về con người. Đang nơi đất khách quê người, Bác biết đi đâu về đâu khi phía trước chỉ là một nhà lao và điểm xuất phát cũng chỉ là một nhà tù mà thôi. Nỗi nhớ nước đã từng làm Bác bị ốm nặng:

“Ngoại cảm trời Hoa cơn nóng lạnh

Nội thương nước Việt cảnh lầm than”

Thậm chí nỗi nhớ nước thương dân còn làm cho Người không ngủ được:

“Canh bốn canh năm vừa chợp mắt

Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”

Như vậy rõ ràng cánh chim ấy là khát vọng đoàn tụ, là tình yêu quê hương đất nước mà lòng yêu quê hương đất nước già dặn sôi nổi ấy chính là biểu hiện chất thép trong bài thơ “Mộ” nói riêng, của cả tập thơ “Ngục trung nhật kí” nói chung.

Không chỉ dừng lại ở đó, đến câu thơ thứ 2, Bác gợi lên không gian của cuộc giải tù:

“Cô vân mạn mạn độ thiên không”

Đó là một bức họa mà mỗi một ý thơ, một lời thơ như một nét khắc nét chạm. Nền của bức họa ấy là bầu trời cao rộng, điểm xuyết vào đó là chòm mây cô đơn, cô độc, cô lẻ đang trôi chậm chậm giữa miền sơn cước. Bức tranh này được vẽ bằng tâm hồn của một tù nhân cổ đeo gông, chân vướng xiềng. Vậy nhưng ở đây, tâm hồn Người vẫn bỏ ngỏ, thơ của Người vẫn ra đời như khi đang ở thể trạng tự do vậy. Điều đó có nghĩa ở Người có một tinh thần thép cao cường, một tinh thần vượt ngục mà không một nhà tù nào, một gông xiềng nào giam hãm được.

Chính từ địa hạt của tự do ấy, Bác đã vẽ lên trong cuộc chuyển lao một bức tranh thiên nhiên rất đẹp. Nhìn vào bức tranh ấy, không những ta thấy được tâm trạng buồn, nỗi nhớ nhà, nhớ nước, biểu hiện tình yêu nước của Hồ Chí Minh mà còn thấy một sự bất bình tố cáo chế độ nhà tù Tưởng Giới Thạch vì ở câu thơ này, Bác đã làm toát lên thể trạng mệt mỏi của tù nhân. Nhà tù Tưởng Giới Thạch áp giải tù nhân mọi lúc mọi nơi, thậm chí cảnh giải lao còn làm Bác khó chịu, bất bình:

“Đã giải đi Nam Ninh

Lại giải về Vũ Minh

Giải đi quanh quẹo mãi

Kéo dài cả hành trình

Bất bình!”

Giải từ sáng sớm: “Gà gáy một lần đêm chửa tan”, lại phải đi bộ năm mươi ba cây số với chỉ lưng bát cháo tù cầm hơi:

“Năm mươi ba cây số một ngày

Áo mũ dầm mưa rách hết giày”

Giờ đây là thời điểm “Mộ”, nghĩa là chiều tối. Sức Người đã mệt, sự mệt mỏi quyện vào từng hình ảnh thơ, điệp vào 2 chữ “mạn mạn” trong tiếng Hán Việt nghĩa là “chậm chậm” với hai dấu nặng đi liền kề để miêu tả bước đi nặng nhọc của tù nhân sau một ngày bị áp giải. Như vậy ở đây, Bác tố cáo nhà tù bất nhân đã tước mọi quyền của con người và bộc lộ rõ lòng yêu nước, cái thái độ bất bình. Tất cả đó chính là biểu hiện của chất thép trong bài thơ “Mộ”.

Cứ như thế, Bác viết bài thơ “Mộ” nói riêng, cho tập “Ngục trung nhật kí” nói chung bằng một trái tim mà Tố Hữu đã từng thốt lên rằng:

“Bác ơi tim bác mênh mông thế

Ôm cả non sông mọi kiếp người”

Toàn bộ trái tim ấy được thể hiện rõ ở trong 2 câu thơ cuối. Khi ánh nắng tàn phai, chim trời tắt bóng cũng là lúc bầu trời buông xuống theo đúng thời gian. Cái nhìn bao quát không gian “Độ thiện không” giờ đây lại thu vào để đặc tả một xóm núi đó là sơn thôn. Nổi lên trên xóm núi ấy là hình ảnh người thiếu nữ đang ở độ đầu xuân của tuổi trẻ lại đang phải lao động vất vả trong công việc của nhà nông:

“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”

Không chỉ đến đây ta mới thấy xuất hiện hình tượng người thiếu nữ trong thơ. Nếu trong thơ cổ trung đại, người thiếu nữ là trung tâm của cái đẹp; trong thơ lãng mạn, họ là đối tượng để chuyển tải cái tôi cô đơn mà hơn một lần Xuân Diệu viết:

“Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói

Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì”

Người thiếu nữ trong thơ Bác lại đang xay ngô: “ma bao túc”. Vì vậy, câu thơ ánh lên giá trị, vẻ đẹp của con người trong lao động. Không chỉ dừng lại ở đó bởi thơ hay ý tại ngôn ngoại, lời ít ý nhiều. Chất thép trong câu thơ lại được biểu hiện một lần nữa thông qua tình thương của Bác đối với người thiếu nữ đang xay ngô trong thời điểm lẽ ra phải được nghỉ ngơi.

Cần phải khẳng định cái lòng nhân đạo ấy chính là sức mạnh của Bác. Chẳng thế mà nhận định về Bác Hồ, mọi ý kiến trong và ngoài nước đều thống nhất với nhau ở một điểm: ngọn nguồn sức mạnh của Hồ Chí Minh nằm ngay trong trái tim của Người. Ở đây, cái tình yêu thương ấy, cái lòng nhân đạo của Bác đã vượt qua lĩnh vực của một quốc gia, vượt qua cả hình ảnh:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước thì thương nhau cùng”

Bác thương cho tất cả những con người Bác gặp trong lao tù. Từ một cháu bé trong nhà lao Tân Dương, thử hỏi trong khám lạnh nhà tù, biết bao nhiêu tù nhân nghe thấy tiếng khóc của cháu bé vừa nửa tuổi mà rung lên thành hồn thơ như Nguyễn Ái Quốc:

“Oa… Oa… Oa

Cha trốn không đi lính nước nhà

Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi

Phải theo mẹ đến ở nhà pha”

Bác dành tình thương cho những con người Bác gặp trên con đường chuyển lao. Đó có thể là một phu làm đường:

“Dãi nắng dầm mưa chẳng nghỉ ngơi

Phu đường vất vả lắm ai ơi

Ngựa xe hành khách đường qua lại

Biết cảm ơn anh được mấy người

Đến đây, Người lại dành tình thương cho người thiếu nữ đang độ đầu xanh của tuổi trẻ lao động vất vả trong thời điểm nghỉ ngơi ấy là chiều tối. Đằng sau tình thương ấy, ta lại thấy một nỗi bất bình khi Người sử dụng nghệ thuật đảo ngữ. Ở cuối câu thơ thứ ba, ta bắt gặp “ma bao túc”. Ở đầu câu 4, Bác đảo lại thành “bao túc ma”. Chính nghệ thuật đảo ngữ ấy đã làm hai câu thơ bắt vòng với nhau. Nó không chỉ đơn thuần là vòng của chiếc cối xay ngô. Nhìn sâu hơn, nó là vòng đời, vòng người của những kiếp đời luẩn quẩn sống dưới chế độ Tưởng Giới Thạch. Như vậy rõ ràng, viết bài thơ này, Người đã đứng trên quyền con người để tố cáo cái chế độ bất nhân của Tưởng Giới Thạch.

Bài thơ còn nổi bật ở một điểm đó là có lẽ cái sức mạnh của bài thơ lại được tập trung ở hình ảnh “lô dĩ hồng”. Một trong những đặc điểm của thơ Bác đó là thơ Người luôn luôn vận động, hướng vận động đi từ hiện tại tới tương lai, từ bóng tối để hướng đến ánh sáng. “Mộ” không nằm ngoại lệ. “Mộ” có nghĩa là chiều tối, ngỡ tưởng sẽ kết thúc bằng một màn đêm đen đặc. Nhưng không, với cái nhìn của người chiến sĩ, Bác đã kết thúc bài thơ của mình bằng màu hồng.

Vì vậy, có lẽ chất thép của bài thơ dồn đổ mạnh nhất đó là ở chữ hồng ở bài thơ này. Chữ “hồng” ở đây là hình ảnh đa nghĩa, ta không nên hiểu nó theo một nghĩa đơn nào mà nó là một hình ảnh đa nghĩa. Hiểu theo nghĩa tường minh, đây là màu hồng của lò than. Lò than ấy có lẽ đã hồng từ lúc buổi chiều. Điều này thể hiện rõ qua sắc thái của chữ “dĩ”. Trời cứ tối dần, ma lực của màu hồng càng phát sáng. Tuy nhiên ta phải hiểu chữ hồng trong câu thơ này không nên theo nghĩa tường minh mà phải theo nghĩa hàm ẩn. Hồng ở đây chính là màu hồng trong tâm tưởng của Bác. Đó là màu hồng của cuộc cách mạng đang đến gần.

Dường như Người nhìn thấy cuộc Cách mạng tháng Tám của đồng bào ta đang đến gần. Nhận định về vấn đề này, một nhà phê bình văn học khẳng định: “Thơ Bác, thơ người chiến sĩ cộng sản tay nắm chắc chân lý, mắt nhìn thấu cõi tương lai.” Chữ “hồng” ấy ta cũng không loại trừ đó là tình thương, là lòng nhân đạo của Hồ Chí Minh. Đây chính là màu hồng của chất thép bởi màu hồng ấy chính là Bác đi trong đêm tối, đi trong xã hội tăm tối và nó càng phát sáng. Như vậy, trái tim nhân đạo của Người bộc lộ rõ nét hơn nhiều. Có thể nói, màu hồng ấy chính là bản lĩnh của Hồ Chí Minh. Nhận định về vấn đề này, Chế Lan Viên viết:

“Người ghét sự chói chang, nhưng chính Người là nguồn ấm nóng

Của vầng hồng đánh đẹp bóng đêm lui”

Như vậy, một mình chữ “hồng” này đã đẩy lùi bóng đêm lui, đã cân bằng 27 âm tiết còn lại của một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt. Rõ ràng chữ hồng ở đây là nhãn tự của bài thơ. Một lần nữa, bài thơ lại toát lên chất thép ở phong thái ung dung tự tại của tù nhân.

Đọc bài thơ “Mộ”, ta không thấy những lời thơ than vãn, mặc dù Bác làm thơ trong hoàn cảnh hoàn toàn phản thơ. Vì sao lại có được điều ấy? Bởi Bác có một tinh thần thép, một tinh thần vượt ngục. Không một nhà tù nào giam được tinh thần của Bác. Bài thơ không hề có chữ thép, không hề lên giọng thép nhưng lại ngập tràn chất thép. Để kết thúc bài viết của mình nên chăng ta mượn lại lời của nhà phê bình Hoài Thanh: “Khi Bác nói trong thơ có thép, ta phải hiểu thế nào là thép ở trong thơ. Có lẽ phải hiểu linh hoạt mới đúng. Không phải cứ nói chuyện thép, lên giọng thép mới có tinh thần thép.”

Nguồn văn mẫu: Sưu tầm

Để hiểu rõ hơn suy nghĩ của Bác thể hiện trong Chiều tối (Mộ) các em có thể xem thêm bài văn mẫu: Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn Bác trong Chiều tối

Với các phân tích chất thép và chất tình trong bài thơ Chiều tối - Hồ Chí Minh được Đọc tài liệu tổng hợp ở trên, các em hoàn toàn có thể từ đó hình thành nên cho mình một bài văn riêng với các cách triển khai nội dung bài viết theo góc nhìn của mình và tham khảo thêm những đánh giá của các thầy cô và các bạn khác.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM