Phân tích cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

Xuất bản: 12/12/2018 - Cập nhật: 13/03/2024 - Tác giả:

Cảnh cho chữ là bài ca tôn vinh cái đẹp, cái thiện lương của con người trong hoàn cảnh tối tăm ngục tù, đây là cảnh được tác giả tập trung miêu tả, tô đậm vẻ đẹp lãng mạn của người anh hùng Huấn Cao.

Phân tích cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù - một chi tiết đắt giá của tác phẩm này. Có thể nói rằng tác giả Nguyễn Tuân đã dồn hết tài năng và tâm huyết của mình để tái hiện rõ nét cảnh Huấn Cao cho chữ quản ngục trong tù qua đó sẽ giúp các em hiểu hơn sức mạnh to lớn của việc sử dụng nghệ thuật chân chính để khắc họa rõ nét quan điểm về cái đẹp trong hình ảnh đặc sắc này.

Ở bài viết này, Đọc Tài Liệu sẽ hướng dẫn các em cách làm bài phân tích cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù một cách đầy đủ và chi tiết nhất.

Phân tích cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

Hướng dẫn làm bài phân tích cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù

1. Phân tích đề

- Yêu cầu đề bài: Phân tích ý nghĩa, hành động, nhân vật ở cảnh cho chữ.

- Phạm vi tư liệu dẫn chứng: các chi tiết, từ ngữ, hình ảnh diễn tả cảnh Huấn Cao cho chữ viên quản ngục trong tù

- Phương pháp lập luận chính: phân tích.

2. Luận điểm chính phân tích cảnh cho chữ

  • Luận điểm 1: Hoàn cảnh, nội dung cảnh cho chữ
  • Luận điểm 2: Cảnh Huấn Cao cho chữ quản ngục là cảnh tượng xưa nay chưa từng có
  • Luận điểm 3: Bài học về lẽ sống thiện lương
  • Luận điểm 4: Sự thức tỉnh của người quản ngục

3. Sơ đồ tư duy phân tích cảnh cho chữ

So do tu duy phan tich canh cho chu trong Chu nguoi tu tu

4. Khái quát về tác giả, tác phẩm

a) Tác giả Nguyễn Tuân

- Nguyễn Tuân (1910) quê ở thôn Thượng Đình, xã Nhân Mục (tên nôm là làng Mọc), nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

- Ông trưởng thành trong một gia đình nhà Nho khi Hán học đã tàn.

- Phong cách nghệ thuật: Trước Cách mạng tháng Tám, phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân có thể thâu tóm trong một chữ "ngông". Sau Cách mạng tháng Tám, phong cách Nguyễn Tuân có những thay đổi quan trọng: vẫn tiếp cận thế giới, con người thiên về phương diện văn hóa nghệ thuật, nghệ sĩ, ngoài ra còn tìm thấy chất tài hoa nghệ sĩ ở cả nhân dân đại chúng.

b) Tác phẩm Chữ người tử tù 

- Hoàn cảnh sáng tác: Truyện ngắn Chữ người tử tù lúc đầu có tên là Dòng chữ cuối cùng in năm 1939 trên tạp chí Tao đàn sau được tuyển in trong tập Vang bóng một thời.

- Tóm tắt nội dung đoạn trích:

Huấn Cao là người cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình nên bị kết án tử hình. Trước khi chịu án chém, ông bị đưa đến giam tại một nhà tù. Khi trát gửi đến nhà tù, biết trong danh sách có ông Huấn Cao, người nổi tiếng viết chữ đẹp, viên quản ngục đã cho thầy thơ lại bảo người quét dọn phòng giam nơi Huấn Cao và những người tử tù sẽ ở. Trong những ngày Huấn Cao ở tù, viên quản ngục đã biệt đãi ông và những người đồng chí của ông. Sở nguyện của viên quản ngục là xin được chữ viết của Huấn Cao.

Lúc đầu, Huấn Cao tỏ ý khinh miệt viên quản ngục, nhưng khi hiểu được tấm lòng viên quản ngục, ông đã quyết định cho chữ vào cái đêm trước khi ông bị xử chém. Trong đêm cho chữ, ông Huấn Cao tay viết như rồng bay phượng múa trên tấm lụa bạch còn viên quán ngục và thầy thơ lại thì khúm núm đứng bên cạnh. Sau khi cho chữ, ông Huấn Cao khuyên viên quản ngục về quê để giữ cho "thiên lương" trong sáng. Viên quản ngục nghe lời khuyên của ông Huấn Cao một cách kính cẩn "Kẻ mê muội này xin bái lĩnh".

Lập dàn ý phân tích cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

+ Nguyễn Tuân - một nhà văn tài hoa uyên bác, có phong cách độc đáo, luôn nhìn sự vật hiện tượng dưới góc độ văn hóa thẩm mĩ và nhìn con người ở góc độ tài hoa nghệ sĩ.

Chữ người tử tù là một tác phẩm tiêu biểu cho phong cách tài hoa nghệ sĩ của Nguyễn Tuân.

- Giới thiệu cảnh cho chữ: là một cảnh tượng “xưa nay chưa từng thấy” trong truyện ngắn này.

2. Thân bài

a) Khái quát về cảnh cho chữ

- Vị trí của cảnh cho chữ: cuối tác phẩm.

- Hoàn cảnh: Trong đêm cuối cùng trước khi Huấn Cao phải ra pháp trường chịu án chém.

b) Nội dung cảnh cho chữ

• Cảnh cho chữ diễn ra trong:

- Thời gian: Đêm trước khi Huấn Cao ra pháp trường chịu án chém, khi chỉ còn “vẳng có tiếng mõ trên vọng canh”

- Địa điểm: Trại giam tỉnh Sơn

- Không gian: trong buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, mùi hôi của gián, chuột... của nhà ngục.

- Đối tượng: Người cho chữ là người tử tù nhưng oai phong, đang trong tư thế ban ân huệ cuối cùng của mình cho người khác. Kẻ xin chữ lẻ ra là người có quyền hành hơn nhưng cúi đầu mang ơn.

• Đây là "cảnh tượng xưa nay chưa từng có":

- Thông thường, việc cho chữ, xin chữ thường được diễn ra ở những nơi thanh cao; ở đây lại diễn ra trong buồng giam tối tăm, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián.

- Thân phận và hành động của người cho chữ và nhận chữ đặc biệt:

+ Người cho chữ: Huấn Cao - người tử tù sắp chịu án chém, bị mất tự do lại nổi bật và đẹp đẽ, hiên ngang dậm tô nét chữ vuông tươi tắn => trở thành người nghệ sĩ.

+ Người nhận chữ: viên quản ngục - một người ngày thường nắm quyền cai quản tù nhân trong tay nay khúm núm, kính cẩn thu những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ.

- Xây dựng được các cặp phạm trù đối lập nhau: trong cảnh có sự đối lập giữa cảnh vật, đồ vật, màu sắc, âm thanh, mùi vị... một cách gay gắt để làm nổi bật bức tranh bi hùng, đó là sự đối lập giữa: Ánh sáng - bóng tối, cái thiện - cái ác, cái đẹp - cái xấu xa, cái cao cả - cái thấp hèn, tự do - ràng buộc, thơm tho (mùi mực) - ẩm mốc (mùi nhà giam phân chuột, phân gián).

=> Tất cả những lí do trên đã làm nên “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”.

• Bài học về lẽ sống

- Huấn Cao khuyên quản ngục thay chốn ở (khuyên về nhà quê) rồi hãy nghĩ tới việc chơi chữ bởi nếu cứ tiếp tục ở chốn "lao xao" thì sẽ "khó giữ thiên lương cho lành vững".

=> Sâu xa hơn việc cho chữ chính là bài học về lẽ sống rất chân thành.

• Sự thức tỉnh của người quản ngục

- Chi tiết quản ngục cúi đầu vái lạy người tử tù Huấn Cao: sự thức tỉnh trước cái đẹp, quản ngục đã thoát ra những cái tầm thường, ràng buộc để vươn tới cái cao đẹp.

c) Nghệ thuật xây dựng cảnh cho chữ

- Bút pháp lãng mạn lí tưởng hóa

- Nghệ thuật đối lập

- Khả năng dựng cảnh và tài năng ngôn ngữ tài tình

- Nhịp văn chậm rãi càng làm cho những câu, chữ ấy thấm sâu hơn vào lòng độc giả.

d) Ý nghĩa cảnh cho chữ

- Giữa chốn ngục tù tàn bạo, chính người tử tù lại là người làm chủ. Nhưng nhìn sâu xa hơn, trong khoảnh khắc ấy, cả hai dường như rũ bỏ mọi sự ràng buộc lễ giáo để trở thành những tâm hồn tri kỉ, đồng điệu.

- Ca ngợi tấm lòng thiên lương của hai nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục.

- Qua cảnh tượng này, chủ đề tác phẩm được thể hiện sâu sắc, đó là sự chiến thắng của ánh sáng đối với bóng tối, của cái đẹp đối với cái xấu xa, của cái thiện đối với cái ác... -> Ca ngợi sự chiến thắng của cái đẹp dù ở nơi u ám nhất.

- Cảnh cho chữ là bài ca tôn vinh cái đẹp, cái thiện, cái thiện lương của con người trong hoàn cảnh tối tăm ngục tù bậc nhất.

=> Đoạn văn thể hiện sâu sắc quan điểm tư tưởng và nghệ thuật của Nguyễn Tuân.

3. Kết bài

- Khẳng định lại cảnh cho chữ là cảnh tượng tiêu biểu nhất làm nên thành công của tác phẩm Chữ người tử tù.

TOP 7 bài văn phân tích cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù

Phân tích cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù bài văn số 1

Nguyễn Tuân (1910 - 1987) là một nhà văn lớn, giữ một vị trí quan trọng và có đóng góp không nhỏ cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông đã để lại cho nền văn học nước nhà rất nhiều tác phẩm độc đáo, trong đó có truyện ngắn "Chữ người tử tù".

"Chữ người tử tù" được sáng tác và in lần đầu năm 1939 (khi đó mang tên "Dòng chữ cuối cùng", sau đó được tuyển in trong tập truyện "Vang bóng một thời" (1940) và được đổi tên thành "Chữ người tử tù"), trong hoàn cảnh Hán học ở nước ta gặp suy vi, những nho sĩ "cuối mùa" sống giữa thời buổi "Tây Tàu nhố nhăng" mặc dù buông xuôi bất lực nhưng vẫn mâu thuẫn sâu sắc với xã hội đương thời. Họ không chịu a dua theo thời, chạy theo danh lợi mà vẫn cố giữ "thiên lương" và "sự trong sạch của tâm hồn". Trong số những con người tài hoa ấy, nổi bật lên là hình tượng ông Huấn Cao - một con người không chỉ tài hoa mà còn có cái tâm trong sáng, mặc dù chí lớn không thành nhưng tư thế vẫn hiên ngang, bất khuất.

Nhân vật Huấn Cao có tiếng là người có tài viết chữ Hán nhanh và đẹp. Ông không chỉ có tài về nghệ thuật thư pháp mà còn có cái trí tuệ uyên bác. Từng nét chữ của ông ẩn chứa cả văn hóa, quan niệm về nhân thế. Người ta treo chữ ông trong nhà không chỉ để chiêm ngưỡng cái đẹp của bức thi họa, mà còn để ngẫm nghĩ những tư tưởng sâu sắc. Nhưng "tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ. Có được chữ ông Huấn mà treo là một vật báu trên đời". Thêm vào đó, Huấn Cao được miêu tả là một người chính trực, khẳng khái, không vì tiền bạc, quyền thế mà ép mình cho chữ bao giờ. Thật vậy, ngay lúc bước vào tù lao, vác trên vai cái gông lớn bằng gỗ lim, ông Huấn không hề mảy may run sợ trước lời quát nạt của tên lính áp giải. Lúc bị giam trong nhà lao, trước sự biệt nhỡn của viên quản ngục, ngày ngày đưa rượu thịt vào cho ông, ông vẫn thản nhiên đón nhận và coi đó là "hứng sinh bình", thậm chí ông còn coi khinh viên quản ngục, không muốn hắn bước vào buồng giam của ông thêm lần nào nữa. Thế nhưng, khi hiểu ra nỗi lòng và sở thích cao quý của viên quản ngục, đồng thời cảm động trước tấm lòng biệt nhỡn của viên quản ngục qua lời kể của thầy thơ lại, Huấn Cao đã đồng ý với ước nguyện của viên quản ngục, tạo nên một cảnh tượng độc đáo diễn ra ở chốn ngục tù.

Từ xưa đến nay, ta vẫn thường thấy cảnh cho chữ được diễn ra tại những nơi trang trọng, có đủ trăng hoa tuyết nguyệt để khơi nguồn cảm xúc. Tuy nhiên, Nguyễn Tuân đã xây dựng nên một cảnh cho chữ trong một hoàn cảnh vô cùng khác lạ, đó là trong ngục tù tăm tối, trước khi Huấn Cao bị dẫn ra pháp trường. Trong không gian đêm khuya vắng lặng, chỉ còn “văng vẳng tiếng mõ chòi canh”, dưới ánh sáng đỏ rực của bó đuốc tẩm dầu, nơi buồng giam chật hẹp và ẩm ướt, viên quản ngục hàng ngày khét tiếng tàn bạo giờ đây lại khúm núm, trái ngược với một kẻ tử tù "cổ đeo gông, chân vướng xiềng" lại đĩnh đạc và làm chủ nơi ngục tù.

Trên tấm lụa bạch còn nguyên lần hồ, từng nét chữ vừa đẹp đẽ vừa chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc của ông Huấn dần hiện ra. Sau khi cho chữ xong, Huấn Cao đã khuyên viên quản ngục đổi nghề, đổi chỗ ở để giữ thiên lương cho lành vững, bởi phải có thiên lương lành vững mới thưởng thức được cái đẹp. Hành động xin "bái lĩnh" của y chính là sự chiến thắng của cái đẹp, sự thất bại thảm hại của cái xấu, cái ác. Có thể thấy, toàn bộ bóng đêm tăm tối của ngục tù đã sụp đổ, chỉ còn lại vẻ đẹp thuần khiết của khí phách của thiên lương. Huấn Cao dù ngày mai có phải chịu án tử hình nhưng người tử tù ấy không chết mà sẽ đi vào cõi bất tử cùng với cái đẹp, như hiện thân cho vẻ đẹp hoàn mỹ, cùng với đó là những tư tưởng và lời dạy của ông Huấn sẽ theo viên quản ngục trong suốt cuộc đời còn lại.

Cảnh cho chữ của Huấn Cao và viên quản ngục trong "Chữ người tử tù" được đánh giá là "cảnh tượng xưa nay hiếm". Thông qua cảnh cho chữ của Huấn Cao, Nguyễn Tuân đã ẩn chứa những ý niệm sâu sắc về sự chiến thắng của cái đẹp trước cái xấu, cái ác; từ đó cho thấy tài năng nghệ thuật của mình trong việc tạo dựng tình huống truyện độc đáo, trong nghệ thuật dựng cảnh, khắc họa tính cách nhân vật và trong cả việc sử dụng ngôn ngữ giàu tính tạo hình.

Xem thêm: Phân tích nhân vật viên quản ngục trong Chữ người tử tù

Phân tích cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù bài số 2

Từ xưa đến nay, chơi chữ được coi là một thú chơi tao nhã của những kẻ có học thức. Thú chơi chữ thể hiện được toàn bộ cái đẹp, cái tài năng và cả trí tuệ của người viết cũng như người thưởng thức. Cảnh cho chữ thường được diễn ra tại những nơi trang trọng, có đủ trăng hoa tuyết nguyệt để khơi nguồn cảm xúc. Rồi từ đó những nét chữ uyển chuyển mang trong nó cả cái hồn riêng được ra đời. Nhưng cũng những nét chữ uyển chuyển có hồn ấy, Nguyễn Tuân lại cho nó sinh ra trong một hoàn cảnh khác lạ, “một cảnh xưa nay hiếm”. Đó là cảnh cho chữ trong tác phẩm ”Chữ ngươi tử tù” trích trong tập “Vang bóng một thời”.

Truyện ngắn “Chữ người tử tù” ban đầu có tên là “Dòng chữ cuối cùng”. Đây là tác phẩm kết tinh tài hoa của Nguyễn Tuân trước Cách mạng và được nhà phê bình Vũ Ngọc Phan đánh giá là “một văn phẩm đạt gần tới sự hoàn thiện, toàn mĩ”. Nhân vật chính trong truyện ngắn này là Huấn Cao - một con người văn võ song toàn. Huấn Cao có tiếng là người có tài viết chữ Hán nhanh và đẹp. Ông không chỉ có cái tài về nghệ thuật thư pháp mà còn có cái trí tuệ uyên bác. Từng nét chữ của ông ẩn chứa cả văn hóa, quan niệm về nhân thế. Người ta treo chữ ông trong nhà không chỉ để chiêm ngưỡng cái đẹp của bức thi họa, mà còn để ngẫm nghĩ những tư tưởng sâu sắc. Nhưng “tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ. Có được chữ ông Huấn mà treo là một vật báu trên đời”. Không chủ có tài về nghệ thuật, ông Huấn còn là người có thiên lương. Tính ông chính trực, khẳng khái, không vì tiền bạc, quyền thế mà ép mình cho chữ bao giờ. Gặp hình tượng nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm, khiến người đọc dễ dáng liên tưởng tới người thủ lĩnh tài ba văn võ song toàn, người anh hùng dân tộc Cao Bá Quát. Được nhân dân ca tụng:

“Văn như Siêu Quát vô tiền Hán

Thi đảo Tùng Tuy thất thịnh Đường”.

Thật vậy, ngay lúc bước vào tù lao, vác trên vai cái gông lớn bằng gỗ lim, ông Huấn không những không mảy may run sợ trước lời quát nạt của tên lính áp giải mà vẫn lạnh lùng “thúc mạnh đầu thang gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái”. Lúc bị giam trong nhà lao, trước sự biệt nhỡn của viên quản nguc, ngày ngày đưa rượu thịt vào cho ông và các đồng chí, ông vẫn thản nhiên đón nhận và coi đó là “hứng sinh bình”, thậm chí ông còn coi khinh viên quản ngục, không muốn hắn bước vào buồng giam của ông thêm lần nào nữa.

Một con người có tài năng về nghệ thuật, có thiên lương cao đẹp, lại có khí phách ngang tàn và tính khoảnh như Huấn Cao tưởng chừng như sẽ không bao giờ chịu chấp nhận tặng chữ của mình cho viên quản ngục. Thế nhưng, khi hiểu ra nỗi lòng và sở thích cao quý của viên quản ngục, biết ông đã bất chấp cả tính mạng của mình vì thú vui cao quý, Huấn Cao đã thay đổi định kiến về một kẻ tiểu lại giữ tù như ông, ân hận vì thiếu chút nữa “đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ” và quyết định tặng chữ cho ông. Chính lúc này, thiên lương của ông đã tự tỏa sáng, bên cạnh thứ ánh sáng đỏ rực của bó đuốc, tỏa sáng cả căn buồng giam chật hẹp ẩm thấp đầy phân gián phân chuột hôi hám. Trong chính cái đêm hôm ấy, cái đẹp đã lên ngôi. Từ một viên quản ngục hàng ngày khét tiếng tàn bạo giờ đây lại khúm núm. Một kẻ tử tù, “cổ đeo gông, chân vướng xiềng” lại đĩnh đạc, làm chủ nơi ngục tù. Kẻ tử tù ấy dù bị giam hãm về thể xác nhưng nhân cách y lại tự do khác hẳn với kẻ tưởng chừng tự do nhưng lại bị trói buộc cả tâm hồn tại nơi ngục tù tăm tối, nơi cái ác ngự trị này. Nơi ngục tù tăm tối ấy, đêm nay lại diễn ra “cảnh xưa nay chưa từng có”.

Cảnh cho chữ, cho một vật báu trên đời lại được diễn ra tại nơi tối tăm chật hẹp. Cái ánh sáng của ngọn đuốc cháy đỏ rực xóa tan bóng đêm tăm tối. Mùi thơm từ chậu mực bốc lên xoa dịu đi mùi hôi tanh của căn phòng. Trên tấm lụa bạch còn nguyên lần hồ, từng nét chữ vừa đẹp, vừa vuông của ông Huấn dần hiện ra. Vậy là cái đẹp có thể nảy sinh trên nền cái xấu, cái ác, cái tội lỗi nhưng không bao giờ sống chung với cái xấu, cái ác. Vì thế, sau khi cho chữ xong, Huấn Cao đã khuyên viên quản ngục đổi nghề, đổi chỗ ở để giữ thiên lương cho lành vững, phải có thiên lương lành vững mới thưởng thức được cái đẹp. Cái thiên lương cao đẹp của ông Huấn cũng làm sáng bừng cả thiên lương ẩn giấu của quản ngục.

Hành động xin “bái lĩnh” của y chính là sự chiến thắng của cái đẹp, sự thất bại thảm hại của cái xấu, cái ác. Cảnh cho chữ không diễn ra ở nơi có trăng hoa tuyết nguyệt mà lại ở trong căn buồng tăm tối chật hẹp. Nơi ngự trị của cái ác lại là nơi cái đẹp được “khai sinh”, thăng hoa. Toàn bộ bóng đêm tăm tối của ngục tù đã sụp đổ, chỉ còn lại vẻ đẹp thuần thiết của khí phách của thiên lương. Người tử tù dù ngày mai có phải chịu án tử hình nhưng kẻ ấy không chết mà sẽ đi vào cõi bất tử cùng với cái đẹp. Huấn Cao là hiện thân cho vẻ đẹp hoàn mĩ, con người ấy chỉ có thể chết về tinh thần, nhưng tư tưởng đẹp của ông Huấn và từng lời dạy của ông sẽ còn lại với đời, sẽ theo viên quản ngục trong suốt cuộc đời còn lại.

Câu chuyện thành công không chỉ vì nó phê phán đúng thực trạng xã hội đương thời mà còn vì cái độc đáo khác lạ của tình huống truyện. Câu chuyện kể về cuộc gặp gỡ giữa hai con người hoàn toàn khác nhau. Một người là viên quan quản ngục - một công cụ trấn áp kẻ tù tội phục vụ cho triều đình, còn người kia là kẻ tử tù chống lại triều đình. Thế nhưng chính cái đẹp đã đẩy hai con người hoàn toàn khác biệt ấy trở thành tri kỉ. Họ là người nghệ sĩ biết yêu và coi trọng cái đẹp. Cái độc đáo của truyện cũng nằm trong chính từng nhân vật. Huấn Cao - tên tử tù - lại là một nghệ sĩ sáng tạo ra cái đẹp. Viên quản ngục - công cụ trấn áp tội phạm của triều đình - lại là con người có mong muốn thưởng thức cái đẹp. Cả câu chuyện mang vẻ cổ kính từ nhân vật, cảnh cho chữ cho đến ngôn ngữ câu văn.

Chính nghệ thuật đối lập tương phản, kết hợp với bút pháp tả thực và bút pháp lãng mạn đã đem đến thành công cho tác phẩm. Không gian ẩm thấp nơi buồng giam, thời gian đêm tối bóng dáng con người trong đêm và ánh sáng bó đuốc như ánh sáng của thiên lương, của tài năng, khí phách. Màn đêm tăm tối của ngục tù - hiện thân cho cái ác - lại bị ánh sáng của tài năng, thiên lương làm sụp đổ. Không gian được miêu tả hẹp dần: Từ căn phòng đến ánh sáng ngọn đuốc, tấm lụa trắng tinh rồi đến từng con chữ vuông vắn. Dường như, cảnh cho chữ và hình tựng nhân vật Huấn Cao đã giúp Nguyễn Tuân thể hiện thành công phong cách nghệ thuật của mình. Ông luôn hướng tới cái đẹp, cái phi thường lí tưởng, đã đẹp phải tuyệt mĩ, đã tài phải siêu phàm, nhưng cũng có cá tính độc đáo.

Câu chuyện kết thúc nhưng dư âm về cái đẹp, cái khí phách hiên ngang và thiên lương cao quý của ông Huấn vẫn còn vương vấn. Người đọc có thể hình dung ra một viên quản ngục từ biệt nơi quan trường đầy thị phi mà trở về quê nhà. Ngày ngày, ông thư thả ngắm bức thi họa của ông Huấn ban cho được treo ngay ngắn trong gian giữa ngôi nhà mà trong lòng vẫn khắc sâu lời khuyên răn của ông Huấn.

Cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù bài số 3

Nguyễn Tuân được biết tới là một nhà văn duy mĩ trước Cách mạng tháng Tám. Ông có tình yêu say đắm với cái đẹp, thông qua thơ văn để ngợi ca cái đẹp cũng như tôn thờ nó. Theo ông, mĩ (cái đẹp) là đỉnh cao của nhân cách con người. Ông săn lùng nó không tiếc công sức. Ông miêu tả nó bằng ngôn ngữ giàu có của riêng ông. Những nhân vật hiện lên trong tác phẩm của Nguyễn Tuân phải là hiện thân của cái đẹp. Đó là những con người tài hoa hoạt động trong những hoàn cảnh, môi trường đặc biệt, phi thường. Ông phát hiện, miêu tả cái đẹp phải đạt được cả bên ngoài và bên trong của nhân vật. Cái đẹp của ông bao gồm cái chân và thiện; ông lại còn kết hợp mĩ với dũng. Truyện ngắn Chữ người tử tù (1939) trong tập Vang bóng một thời là áng văn hay nhất, tiêu biểu nhất của Nguyễn Tuân. Giá trị tư tưởng và dụng công nghệ thuật của Nguyễn Tuân được thể hiện chủ yếu trong đoạn văn tả một cảnh tượng xưa nay chưa từng có, cảnh tượng một người tử tù cho chữ một viên cai ngục.

Ông Huấn Cao trong truyện Chữ người tử tù là một nho sĩ tài hoa của một thời đã qua nay chỉ còn vang bóng. Nguyễn Tuân đã dựa vào nguyên mẫu nhà nho giáo, một lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa nông dân là Cao Bá Quát, một con người hết sức tài hoa và dùng khí phi thường để sáng tạo ra nhân vật Huấn Cao (Cao là họ, Huấn là dạy). Cao Bá Quát trước khi trở thành lãnh tụ nông dân cũng là thầy giáo. Nguyễn Tuân đã dựa vào hai tính cách của nguyên mẫu xây dựng nhân vật Huấn Cao. Cao Bá Quát, người viết chữ đẹp nổi tiếng và khí phách lừng lẫy. Xây dựng nhân vật Huấn Cao, Nguyễn Tuân vừa thể hiện lí tưởng thẩm mĩ của ông lại vừa thỏa mãn tinh thần nổi loạn của ông đối với xã hội đen tối tàn bạo lúc bấy giờ.

Tác phẩm xoay quanh hai nhân vật chính, một là ông Huấn Cao có tài viết chữ đẹp, một là viên quản ngục say mê chữ đẹp của ông Huấn, quyết tìm mọi cách để xin chữ treo trong nhà. Lão coi chữ của Huấn Cao như báu vật.

Họ đã gặp nhau trong tình huống oái ăm là nhà ngục. Người có tài viết chữ đẹp lại là một tên đại nghịch cầm đầu khởi nghĩa nông dân (triều đình gọi là nổi loạn, giặc) đang bị bắt giam chờ ngày thụ hình. Còn người mê chữ đẹp của ông Huấn Cao lại là một quản ngục đại diện cho cái trật tự xã hội ấy. Trên bình diện nghệ thuật họ là tri âm tri kỉ, trên bình diện xã hội họ ở hai vị tri đối lập. Tình huống của truyện có tính kịch. Từ tình huống đầy kịch tính ấy tính cách hai nhân vật được bộc lộ và tư tưởng chủ đề của truyện được thể hiện một cách sâu sắc.

Huấn Cao nói: Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ. Huấn Cao coi thường tiền bạc và uy quyền, nhưng Huấn Cao vui lòng cho chữ viên quản ngục vì con người sống giữa chốn bùn nhơ này, nơi người ta chỉ biết sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc lại có kẻ biết trọng người có nghĩa khí, biết tôn quý cái đẹp của chữ nghĩa ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy.

Viên quản ngục cũng không dễ gì nhận được chữ của Huấn Cao. Hắn đã bị nghi ngờ, bị đuổi. Có lần hắn mon men vào ngục định làm quen và biệt đãi Huấn Cao để xin chữ thì lại bị Huấn Cao cự tuyệt: Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây. Về sau hiểu được tấm lòng của viên quản ngục, ông đã nói một lời sâu sắc và cảm động: thiếu chút nữa ta đã phụ một tấm lòng trong thiên hạ.

Coi khinh cường quyền và tiền bạc, Huấn Cao chỉ trọng những tấm lòng biết quý cái đẹp, cái tài, có sở thích cao quý. Những con người ấy theo Huấn Cao là còn giữ được thiên lương. Ông khuyên viên quản ngục bỏ cái nghề nhơ bẩn của mình đi bởi ở đây khó giữ được thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cả đời lương thiện đi.

Huấn Cao còn đẹp ở khí phách. Ông là một người tử tù gần đến ngày tử hình vẫn giữ được tư thế hiên ngang, đúng là khí phách của một anh hùng Cao Bá Quát. Đêm hôm ấy, lúc trại giam Tính Sơn chỉ còn vẳng có tiếng mõ trên vọng canh, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có đã bày ra trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián. Tác giả cố ý miêu tả bằng cách tương phản giữa tính cách cao quý của Huấn Cao với cái dơ dáy, bẩn thỉu của nhà tù, một hình ảnh thu nhỏ của xã hội thời bấy giờ.

Vẻ đẹp rực rỡ của Huấn Cao hiện lên trong đêm viết chữ cho viên quản ngục. Chính trong tình tiết này, cái mĩ và cái dũng hòa hợp. Dưới ánh đuốc đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu, một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ trên phiến lụa óng. Hình ảnh người tử tù trở nên lồng lộng. Viên quản ngục và viên thơ lại trở nên nhỏ bé, bị động, khúm núm trước người tử tù.

Vì sao Nguyễn Tuân lại nói đây là một cảnh tượng xưa nay chưa từng có? Cảnh tượng này quả là lạ lùng, chưa từng có vì trò chơi chữ nghĩa thanh tao có phần đài các lại không diễn ra trong thư phòng, thư sảnh mà lại diễn ra nơi ngục tối chật hẹp, bẩn thỉu, hôi hám. Cảnh tượng lạ lùng chưa từng thấy là hình ảnh tên tử tù cho chữ thì nổi bật lên uy nghi lộng lẫy, còn viên quản ngục và thơ lại, những kẻ đại diện cho xã hội đương thời thì lại khúm núm run rẩy.

Điều đó cho thấy rằng trong nhà tù tăm tối, hiện thân cho cái ác, cái tàn bạo đó, không phải cái ác, cái xấu đang thống trị mà chính cái đẹp, cái dũng, cái thiện, cái cao cả đang làm chủ. Với cảnh cho chữ này, cái nhà ngục tăm tối đã đổ sụp, bởi vì không còn kẻ phạm tội tử tù, không có quản ngục và thơ lại, chỉ có người nghệ sĩ tài hoa đang sáng tạo cái đẹp trước đôi mắt ngưỡng mộ sùng kính của những kẻ liên tài, tất cả đều thấm đẫm ánh sáng thuần khiết của cái đẹp, cái đẹp của thiên lương và khí phách. Cũng với cảnh này, người tử tù đang đi vào cõi bất tử. Sáng mai ông sẽ bị tử hình, nhưng những nét chữ vuông vắn, tươi đẹp hiện lên cái hoài bão tung hoành cả một đời của ông trên lụa bạch sẽ còn đó. Và nhất là lời khuyên của ông đối với tên quản ngục có thể coi là lời di huấn của ông về đạo lí làm người trong thời đại nhiễu nhương đó. Quan niệm của Nguyễn Tuân là cái đẹp gắn liền với cái thiện. Người say mê cái đẹp trước hết phải là người có thiên lương. Cái đẹp của Nguyễn Tuân còn gắn với cái dũng. Hiện thân của cái đẹp là hình tượng Huấn Cao với khí phách lừng lẫy đã sáng rực cả trong đêm cho chữ trong nhà tù.

Bên cạnh hình tượng Huấn Cao lồng lộng, ta còn thấy một tấm lòng trong thiên hạ. Trong đêm cho chữ, hình ảnh viên quản ngục cũng cảm động. Đó là âm thanh trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ. Cái tư thế khúm núm, giọng nói nghẹn ngào, cái cúi đầu xin bái lĩnh và cử chỉ run run bưng chậu mực không phải là sự quỵ lụy hèn hạ mà là thái độ chân thành khiến ta có cảm tình với con người đáng thương này.

Đoạn truyện ông Huấn Cao cho chữ là đoạn văn hay nhất trong truyện ngắn Chữ người tử tù. Bút pháp điêu luyện, sắc sảo khi dựng người, dựng cảnh, chi tiết nào cũng gợi cảm, gây ấn tượng. Ngôn ngữ Nguyễn Tuân biến hóa, sáng tạo, có hồn, có nhịp điệu dư ba. Một không khí cổ kính trang nghiêm đầy xúc động, có phần bi tráng toát lên trong đoạn văn.

Chữ người tử tù không còn là chữ nữa, không chỉ là mĩ mà thôi, mà những nét chữ tươi tắn đó nói lên những hoài bão tung hoành của một đời người. Đây là sự chiến thắng của ánh sáng đối với bóng tối. Đây là sự chiến thắng của cái đẹp, cái cao thượng, đối với sự phàm tục nhơ bẩn, cũng là sự chiến thắng của tinh thần bất khuất trước thái độ cam chịu nô lệ. Sự hòa hợp giữa mĩ và dũng trong hình tượng Huấn Cao là đỉnh cao nhân cách theo lí tưởng thẩm mĩ của Nguyễn Tuân, theo triết lí duy mĩ của Nguyễn Tuân.

Phân tích cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù bài số 4

Trong nền văn học Việt Nam, Nguyễn Tuân được biết đến với quan niệm thẩm mỹ trân trọng, đề cao cái đẹp, khám phá cái khác thường và xây dựng các hình tượng nhân vật mang đậm nét tài hoa nghệ sĩ. Phong cách nghệ thuật độc đáo của ông đã được thể hiện rõ thông qua tác phẩm “Chữ người tử tù”. Đây là thiên truyện ngắn kết tinh những giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc, trong đó cảnh cho chữ “xưa nay chưa từng có” diễn ra chốn ngục tù tăm tối đã ẩn chứa những ý niệm sâu sắc về sự chiến thắng của cái đẹp trước cái xấu, cái ác.

Trong truyện ngắn “Chữ người tử tù”, cảnh tượng cho chữ được diễn ra vào cuối tác phẩm và diễn ra trong hoàn cảnh trước khi Huấn Cao bị dẫn ra pháp trường. Cảm động trước tấm lòng biệt nhỡn liên tài qua lời kể của thầy thơ lại, Huấn Cao đã đồng ý với ước nguyện của viên quản ngục, tạo nên một cảnh tượng độc đáo “xưa nay chưa từng có” diễn ra chốn ngục tù. Trong không gian đêm khuya vắng lặng, chỉ còn “văng vẳng tiếng mõ chòi canh”, dưới ánh sáng đỏ rực của bó đuốc tẩm dầu, nơi buồng giam chật hẹp và ẩm ướt, Huấn Cao - người tử tù “cổ đeo gông", ”khúm núm”, thầy thơ lại “run run bưng chậu mực”. Tác giả Nguyễn Tuân đã vận dụng thành công thủ pháp đối lập để tái hiện thành công cảnh cho chữ mang nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Trong hệ hình văn hóa thời trung đại, chơi chữ là một thú vui tao nhã, những nét chữ uốn lượn tung hoành còn thể hiện rõ phẩm chất, tài năng của bậc quân tử, đấng anh hùng. Bởi vậy, thú vui này thường gắn liền với những bối cảnh thanh tao như chốn viện sảnh, thư phòng, trà thất. Tuy nhiên, cảnh tượng cho chữ diễn ra trong truyện ngắn “Chữ người tử tù” lại được khắc họa trong một bối cảnh hoàn toàn đối lập. Đó là buồng giam chật hẹp nơi tỉnh Sơn với sự tăm tối, chật hẹp, ẩm ướt, “tường đầy mạng nhện”, “đất bừa bãi phân chuột, phân gián”. Thời gian diễn ra cảnh cho chữ trong đêm khuya trước khi Huấn Cao bị dẫn ra pháp trường đã tô đậm hơn nữa bối cảnh độc đáo của cảnh tượng này.

Không chỉ đặc biệt ở bối cảnh không gian và thời gian, cảnh cho chữ còn là “cảnh tượng xưa nay chưa từng có” bởi sự đảo lộn vị thế giữa người cho chữ và người nhận chữ. Huấn Cao - người cho chữ vốn là kẻ tử tù “đường bệ ung dung” phác họa những nét chữ thể hiện hoài bão, lí tưởng, còn viên quản ngục - người nhận chữ là đại diện cho quyền lực lại “khúm núm sợ sệt”. Giữa những phút giây đó, không còn tồn tại mối quan hệ xã hội giữa người tử tù và quản ngục, thơ lại, mà chỉ còn người nghệ sĩ tài hoa đang tạo ra cái đẹp - những nét chữ uốn lượn trước đôi mắt và sự kính phục của những tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” và yêu cái đẹp. Những dòng chữ tươi tắn uốn lượn trên tấm lụa trắng hương thơm của thoi mực đã chiến thắng, lấn át sự lạnh lẽo, ẩm ướt chốn ngục tù tăm tối.

Người tử tù vươn lên làm chủ, còn những người vốn có quyền uy tối cao tại buồng giam lại gọi Huấn Cao bằng danh xưng “Ngài”, “xin bái lĩnh”, “xin lĩnh ý”, đầy tôn kính và thái độ nhún nhường, khép nép cùng hành động cúi đầu, vái lạy trước tù nhân. Với cảnh tượng cho chữ độc đáo, chốn ngục tù đã trở thành nơi tri ngộ, gặp gỡ của những con người yêu và say mê cái đẹp. Không chỉ dừng lại ở đó, cảnh tượng cho chữ còn thể hiện những ý niệm sâu xa ẩn chứa trong lời khuyên của Huấn Cao dành cho viên quản ngục: “Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những nét chữ vuông tươi tắn, nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người... Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cả đời lương thiện đi”. Lời khuyên của Huấn Cao đã thể hiện quan điểm thẩm mỹ và thái độ của ông về nghệ thuật và cuộc sống con người.

Thông qua việc tái hiện cảnh tượng cho chữ “xưa nay chưa từng có”, tác giả Nguyễn Tuân đã gửi gắm những ý niệm ẩn dụ về tư tưởng và quan điểm nghệ thuật. Trước hết, sự thay đổi vị thế giữa các nhân vật đã khẳng định sự chiến thắng của cái đẹp trước những điều tầm thường, sự xấu xa, độc ác. Đồng thời, qua đó, vẻ đẹp của nhân vật đã được khắc họa rõ nét hơn. Hình tượng nhân vật Huấn Cao đã hiện lên chân thực, sinh động với phẩm chất, tài năng, khí phách hiên ngang, phi thường; còn bức chân dung viên quản ngục - “thanh âm trong trẻo chen giữa bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ” được tô đậm hơn nữa ở tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” và hướng về cái đẹp. Đặc biệt, lời khuyên của Huấn Cao dành cho viên quản ngục còn thể hiện quan điểm thẩm mỹ của Nguyễn Tuân: “cái đẹp gắn liền với cái thiện”, sự thiên lương, trong sáng không thể tồn tại trong môi trường của cái xấu, cái ác.

Như vậy, bằng bút pháp lãng mạn, tác giả Nguyễn Tuân đã tái hiện thành công cảnh cho chữ diễn ra chốn ngục tù để thể hiện những giá trị tư tưởng sâu sắc. Đoạn văn còn thể hiện tài năng của nhà văn trong việc vận dụng thủ pháp tương phản, đối lập kết hợp ngôn ngữ giàu chất tạo hình, điêu luyện để tạo nên “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có” về sự chiến thắng của cái đẹp.

Phân tích cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù bài số 5

Nguyễn Tuân được sinh ra trong một gia đình nhà nho khi Hán học đã tàn, thơ văn của ông luôn viết về cái đẹp, ông dành cả cuộc đời của mình để đi săn tìm cái đẹp. Ông có những đóng góp không nhỏ cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Tác phẩm "Chữ người tử tù" được in trong tập "Vang bóng một thời" đánh dấu tài năng của Nguyễn Tuân trước cách mạng tháng Tám và được coi như là một văn phẩm đạt gần đến độ hoàn mĩ. Ở cuối truyện, cảnh cho chữ là cảnh được tác giả tập trung miêu tả, tô đậm vẻ đẹp lãng mạn của người anh hùng Huấn Cao, qua đó khẳng định được sự chiến thắng của thiên lương, của ánh sáng trước bóng tối và cái xấu. Có thể nói, cảnh cho chữ là cảnh tượng đắt giá nhất, cảnh mà xưa nay chưa từng có.

Truyện ngắn được xây dựng dựa trên mối quan hệ giữa hai nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục, cả hai đều là nhân vật của chủ nghĩa lãng mạn, vượt lên hoàn cảnh, không chịu sự chi phối của hoàn cảnh. Huấn Cao là người nghệ sĩ tài hoa, với nghệ thuật viết thư pháp, nét chữ ông trở thành niềm khao khát của biết bao nhiêu con người có thú chơi chữ. Và quản ngục là một trong số đó, sở nguyện lớn nhất của quản ngục là có được đôi câu chữ của Huấn Cao treo trong nhà. Ở đây, người nghệ sĩ gặp kẻ tri âm trong một hoàn cảnh bất thường: Người có nét chữ huyền thoại kia lại là người tử tù, còn người có thú chơi chữ tao nhã kia lại là một viên quản ngục. Chuyện xin chữ tưởng như khó có thể xảy ra bởi cả cuộc đời ông mới chỉ cho chữ có 3 người.

Liệu Huấn Cao có thể cho chữ cho kẻ tiểu lại như quan ngục chăng? Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra, điều không thể đã trở thành có thể, chính nhờ sở thích cao quý, tấm lòng quý trọng người tài của quản ngục đã khiến Huấn Cao phải xúc động. Ông đã dành đêm cuối cùng của mình tại nơi ngục tù đó để cho chữ quản ngục, ông cho chữ không phải là để phô trương tài năng mà là để tạ một tấm lòng.

Cảnh ông Huấn cho chữ được khắc họa bằng chi tiết gây ấn tượng, cảm hứng mãnh liệt trước cảnh tượng cho chữ xưa nay khó có đã khiến Nguyễn Tuân say sưa sáng tạo bằng các ngôn từ sắc xảo, bút pháp dựng người, dựng cảnh đạt tới độ điêu luyện. Cảnh cho chữ được diễn ra vào buổi đêm, đêm cuối cùng của ông Huấn tại nhà ngục. Địa điểm cho chữ là ngay trong buồng giam chật hẹp với mạng nhện đầy tường, trên đất bừa bãi phân chuột phân gián.

Trong không khí trang nghiêm ba nhân vật hiện lên trong ba tư thế khác nhau: Huấn Cao thì cổ đeo gông, còn chân vướng xiềng nhưng vẫn ung dung vẽ dậm to từng nét chữ, viên quản ngục thì đang khúm núm cất những đồng tiền kẽm để đánh dấu từng ô chữ, còn thầy thơ lại thì đang run run bê lấy chậu mực. Tuy là khác nhau về tư thế, về địa vị về con người nhưng họ đều có điểm chung là biết thưởng thức và trân trọng cái đẹp.

Những nét chữ của con người chuẩn bị đi vào cõi chết mà không hề ngả nghiêng siêu vẹo mà "vuông, tươi tắn nói lên hoài bão tung hoành của một đời con người". Những nét chữ như phượng múa rồng bay thể hiện được tài năng của ông Huấn. Không chỉ vậy, với thái độ ung dung, tràn trề cảm hứng sáng tạo, ông còn tinh tế cảm nhận được mùi mực thơm ngát thể hiện được khí phách hiên ngang, không sợ cái chết của ông Huấn. Nếu không có tinh thần tự do, không có sức mạnh thì chắc chắn sẽ không có được phong độ ấy.

Khi viết chữ xong, ông buồn bã đỡ quản ngục đứng thẳng dậy, ông buồn không phải vì ngày mai mình sẽ bị giải ra pháp trường mà ông buồn vì người như quản ngục lại phải... Ông còn khuyên quản ngục thật chân thành hãy tìm về nhà quê mà ở, xong rồi hãy nghĩ tới chuyện chơi chữ, ở đây khó lòng giữ được thiên lương cho lành vững. Lời khuyên đặt ra yêu cầu đối với người thưởng thức: Phải có tâm hồn đẹp mới có thể cảm nhận được hết cái đẹp, phải có một môi trường tốt để cái đẹp được bảo vệ và giữ gìn.

Như vậy, Huấn Cao chuẩn bị đi vào cõi chết mà vẫn nghĩ tới sự sống của cái đẹp, cái đẹp không thể ở chung với cái xấu. Ông cho chữ quản ngục là để tạ một tấm lòng, để chia sẻ với một tri kỉ và để nâng đỡ một thiên lương.

Có thể nói, cảnh cho chữ diễn ra nơi tù ngục nhưng cũng rất xúc động và thiêng liêng. Quản ngục nghe xong lời khuyên của ông Huấn, ông chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào "Kẻ mê muội này xin bái lĩnh". Qua thái độ kính cẩn của quản ngục, người đọc có thể thấy được thái độ trân trọng đặc biệt đối với người tài và cái đẹp, cái đẹp có khả năng cảm hóa con người, đưa những con người đang lầm đường lạc lối trở về con đường trong sáng.

Trong đoạn văn tác giả sử dụng thành công thủ pháp đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, giữa mùi thơm với mùi ô uế, bẩn thỉu. Ánh sáng ở đây không chỉ là ánh sáng của bó đuốc mà còn là ánh sáng của cái đẹp, mùi thơm ở đây không chỉ là mùi thơm của chậu mực mà còn là mùi thơm tỏa ra từ nhân cách con người. Bóng tối không thể che lấp được màu trắng của tấm vải, không thể che được ngọn đuốc đang cháy rừng rực và mùi mực tàu thơm ngát.

Có thể khẳng định cảnh ông Huấn cho chữ là cảnh "xưa nay chưa từng có" vì thú chơi chữ là một thú chơi tao nhã thanh cao, người có tài viết chữ đẹp mà đạt tới trình độ viết thư pháp không có nhiều, người thưởng thức cũng phải là người có vốn văn hóa nhất định. Bình thường cảnh cho chữ thường được diễn ra nơi sảnh đường thoáng mát, thanh cao để người nghệ sĩ có thể thoải mái mà sáng tạo nhưng Huấn Cao lại cho chữ trong nhà ngục, nơi bóng tối ngự trị, nơi cái ác lên ngôi. Nhưng có lẽ, vì ánh sáng kia qua đẹp nên đã che lấp bóng tối, bóng tối ở đây càng làm tô đậm hơn nét đẹp của ánh sáng.

Bình thường quản ngục là đại diện cho pháp luật ở chốn lao tù, là người của triều đình ở thế bề trên vậy mà trong cảnh này Huấn Cao lại ung dung trong tư thế làm chủ, kẻ có chức năng đi giáo dục người khác lại bị giáo dục lại. Như vậy, Nguyễn Tuân đã làm một cuộc đảo lộn trật tự xã hội để cho thấy, ở cảnh này, không còn người tử tù, cũng không còn quản ngục, gông xiềng bị vô hiệu hóa, chỉ còn người nghệ sĩ đang sáng tạo cái đẹp và người thưởng thức, sủng kính cái đẹp.

Qua truyện ngắn "Chữ người tử tù" người đọc có thể dễ dàng thấy được quan niệm thẩm mĩ của Nguyễn Tuân: cái đẹp gắn với cái thiện và cái tài phải đi liền với cái tâm. Cảnh cho chữ cũng khơi gợi cho con người phải biết trân trọng các giá trị của văn hóa truyền thống, phải biết giữ gìn các truyền thống đang bị mai một dần kia.

Cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù bài số 6

Trong một không khí khói toả như cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ. Khói bốc tỏa cay mắt. Một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng phẳng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại khúm núm cắt những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò, thì run run bưng chậu mực…”.

Đoạn văn miêu tả đặc sắc đầy chất tạo hình và điện ảnh trên hẳn đã góp phần làm sáng tỏ thêm nhân định: Nguyễn Tuân là một trong những bậc thầy về ngôn ngữ dân tộc; đồng thời cũng khẳng định thêm sự phong phú, chính xác về kiến thức lịch sử, văn hoá, xã hội…, năng lực quan sát lọc lõi và trí tưởng tượng mạnh mẽ và bay bổng của tác giả Vang bóng một thời.

Đoạn văn miêu tả cảnh tượng người tử tù tặng thư pháp nơi ngục thất vừa ảm đạm vừa hào hùng khiến cho cả ba nhân vật Huấn Cao, quản ngục và thơ lại bỗng thăng hoa thành những hình tượng kì vĩ phi thường – Xây dựng được cốt cách phi phàm, những “con người khổng lồ” nhưng có khi phải lặn ngụp “dưới đáy” xã hội, đó cũng là một đặc trưng nổi bật của bút pháp lãng mạn chủ nghĩa nói chung. Đoạn văn chứa đầy mơ ước thiết tha của Nguyễn Tuân sở dĩ gọi thức tâm linh người đọc cũng bởi cả ba nhân vật, tuy ở các vị trí xã hội xa cách nhau nhưng lại có khả năng bổ sung phẩm tính cho nhau ấy, đều là những mảnh hồn của tác giả say đắm hóa thân: tam vị nhân vật, nhất thế ?

Bút pháp đoản thiên tiểu thuyết phong cách điêu khắc của Nguyễn Tuân dựng nên nhóm tượng đài Thiên lương – Tam vị nhất thể sáng láng này dường như muốn tạo tác một biểu hiện làm đối chứng với cái hiện thực xã hội thực dân nửa phong kiến tồi tệ hiện hữu trước mắt tác giả. Sự thực, cái xã hội nhãn tiền ấy đã được Nguyễn Tuân lịch sử hoá, “Sơn Hưng Tuyên” hóa qua bối cảnh câu chuyện ông Huấn cho chữ; đó là một xã hội “hỗn loạn xô bồ” với những thế nhân “cặn bã”, những “lũ quay quắt” sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc: đối với kẻ sa cơ thất thế thì sẵn sàng hung hăng “phết cho mấy hèo bây giờ” – “Ở đây, khó giữ thiên lương”…

Khi viết những dòng Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân đã và đang được nếm trải thấm thía cái mùi vị xã hội ấy – thậm chí, một sự nghiệm sinh khá kĩ lưỡng, tất nhiên chưa đến độ “cổ đeo gông, chân vướng xiềng lê bước dần tới nơi đoạn mệnh như ông Huấn, nhưng bất hạnh đến mức tù đày khổ nhục đắng cay (khoảng 1929 – 1930) thì cũng đã từng: “những trái tim đó (của các tù nhân – V.T) thỉnh thoảng có lên tiếng nhưng một cách dữ dội và tàn ác. Những cuộc xô xát giữa tù và tù giữa bữa cơm mắm nhà nước phát, thường bắt đầu từ việc tranh giành một quả ớt. Quả ớt đỏ đã nhuộm đỏ những nắm cơm đỏ bị những vần tay vấy máu mân mê. Những bữa cơm cá thối trong một bầu không khí kinh khủng như vậy…” (Một chuyến đi).

Có thể nói nguyên mẫu nhân vật Huấn Cao là ông giáo thụ Cao Bá Quát dạy học đất Sơn Tây bán sơn địa sỏi đá từ trăm năm trước; nhưng nguyên mẫu của xã hội xứ Đoài thời ông Huấn (triều đại Thuận Trị, Tự Đức) thì lại chính là hoàn cảnh xã hội Việt Nam trước mắt người đang sáng tác Vang bóng một thời. Viết truyện ngắn Chữ người tử tù để “dĩ cổ vi kim” (lấy xưa nói nay) là một dụng ý khá rõ ràng của tác giả. Bất đắc chí, bất mãn, phản kháng chế độ xã hội thực dân thuộc địa đang tiếp tục nuôi dưỡng quy luật đau thương: thân phận không phải là hệ quả của bản chất – tinh thần dân tộc sâu xa của nhà văn Nguyễn Tuân yêu nước thâm trầm chủ yếu là ở chỗ đó.

Một biểu hiện nữa của tinh thần dân tộc trong Chữ người tử tù là thái độ luyến tiếc của một nhã thú văn hoá cổ truyền đang lụi tàn dần trong xã hội thời Tây: thưởng ngoạn thư pháp. Do chữ Nho là thứ văn tự tượng hình, rất nhiều chữ giống như tranh hiện đại chủ nghĩa (siêu thực, trừu tượng), nét bút lông lại rất mềm mại dễ dàng bộc lộ cá tính và nhân cách…; do đó viết chữ Nho không đơn thuần là thao tác kí hiệu hóa ngôn ngữ, mà nhiều khi trở nên một hành động nghệ thuật đích thực: sáng tạo thư pháp (thư pháp có khi đứng riêng một mình, có khi phối hợp cùng nghệ thuật tạo hình: xuất hiện trên tranh thủy mặc…).

Người Việt Nam xưa sử dụng chữ Nho, hoà đồng cùng truyền thống văn hóa phương Đông đã say mê thư pháp, và cũng sản sinh được không ít những nét chữ vừa “Như Phượng múa rồng bay”, vừa phát tiết nhân phẩm. Một trong các danh sĩ Bắc Hà về thư pháp chính là Cao Chu Thuần (1808 – 1855) với văn chương “vô tiên Hán” và nhân cách thì “Một đời chỉ cúi trước hoa mai” (Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”)…

Xây dựng một ngục quan biết nung nấu sở nguyện: “Có được chữ ông Huấn mà treo, là có một vật báu trên đời”, lại biết giữ gìn đến cùng thái độ tôn kính rất mực trước thiên lương và thư pháp kiệt xuất của người tử tù: “Người tù viết xong một chữ, viên quan ngục lại vội khúm núm cắt những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng”…; Nguyễn Tuân như đã cất lên khúc vãn ca đối với một mảng văn hóa truyền thống mà đến thời của Nguyễn lại “vang bóng” (nhiều sinh hoạt văn hoá cổ truyền đáng quý khác cũng chung số phận).

Giai điệu vãn ca ấy ngậm nghĩa oán hờn thế cục “Tây Tầu nhố nhăng” đã phạm tội đối với văn hoá Việt. Về nguyên nhân tinh thần gắn bó thiết tha của Nguyễn Tuân đối với văn hóa dân tộc ngàn xưa, có thể tìm thấy ở nguồn gốc gia đình, cũng như ở ngay đời thường của Nguyễn – một con người tài hoa và am tường và đã sống chan hoà cùng folklore Việt (nghệ thuật sân khấu dân gian: chèo, tuồng; nghệ thuật tạo hình dân gian; dân ca: đào nương ca, trong đó có hát ca trù…).

Cuối cùng, tính dân tộc trong truyện ngắn Chữ người tử tù còn thể hiện ở sự trân trọng, Nguyễn Tuân đã học thuộc tiếng mẹ đẻ, trong đó có lớp từ cổ đã tạo hiệu quả lợi hại cho việc tái hiện một cách rất cụ thể – lịch sử, rất hội hoạ điêu khắc và điện ảnh… những cảnh và người gần trăm năm trước.

Tất nhiên, sức mạnh của ngôn ngữ nghệ thuật không phải chỉ ở số lượng từ phong phú mà còn ở khả năng nhạy cảm về ngữ nghĩa của từ, ngữ điệu của câu… Nhà văn Nguyễn Tuân có đầy đủ những điều kiện đó. Một ví dụ nhỏ: tác giả Chữ người tử tù đã dùng từ “ngấc”, nhưng sách phụ lục văn 12 đã in sai là: “Viên quan coi ngục ngóc đầu”; “ngấc” và “ngóc” có phần gần gũi về ngữ âm nhưng ngữ nghĩa khá xa nhau, và về phương diện gây ngữ cảm thì càng rất khác nhau: ngóc đầu là dựng thẳng dậy, gây ngữ cảm đáng sợ (rắn ngóc đầu, bọn tội phạm ngóc đầu…), còn ngấc đầu là nhấc đầu nghiêng nghiêng, gây ngữ cảm tội nghiệp (đối với người mệt mỏi, ốm đau…). Các điều kiện thiết yếu đối với một con người cầm bút sáng tác văn chương ấy, một phần do thiên bẩm mà Nguyễn Tuân có; phần khác do công phu học hỏi nghiêm túc xuất phát từ cõi lòng gắn bó với cộng đồng.

Theo nhà văn Vũ Bằng: “… không cứ thư gửi cho vợ, bất cứ cái gì viết ra giấy, in ra chữ, Tuân đều thận trọng, ít ra cũng là thận trọng hơn so vói những nhà văn, nhà thơ khác (…) Thực tôi chưa thấy bản thảo nào sạch sẽ và viết chữ kiểu cách, nắn nót như bản thảo của Nguyễn Tuân. Trong khi đa số anh em khác viết trên những tờ giấy nham nhở, cắt xén xô bô, tờ to tờ nhỏ khác nhau, bao giờ Tuân cũng viết lên những tờ giấy trắng thượng hạng, cắt xén rất đều, kềm kệp cẩn thận và không bao giờ quên đóng ở trên đầu một cái dấu xanh in một cánh buồm “Gió đã lên”, và thường đến cuối bài lại kí một chữ bay bướm và đóng một cái dấu son đỏ trên màu cánh sen.

Sau này cũng có nhiều người cũng bắt chước lối chơi lập dị đó để bây giờ cái chuyện đó cũng hoá ra thường, nhưng nếu trí nhớ của tôi không lầm thì Tuân là nhà văn trẻ đầu tiên bắt chước các cụ in nhãn hiệu và đóng dấu vào bản thảo và sách vở. Đến cái chữ viết của anh cũng cầu kì. Anh viết như nhà nho viết câu đối chữ thả, uốn éo, lên xuống tỏ rõ thái độ tôn kính của Nguyễn Tuân đối với tiếng dân tộc; đồng thời… than ôi! cũng chứng tỏ Nguyễn Tuân muốn noi gót, hoặc cũng muốn… xin chữ ông Huấn Cao!

Không phải ngẫu nhiên, mà chính cái tố chất tài, tình và đức của “nhà văn đặc biệt Việt Nam” Nguyễn Tuân đã hiệp đồng cùng nhau tạo Chữ người tử tù – một trong những truyện ngắn “cổ điển” trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại.

Cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù bài số 7

Truyện ngắn "Chữ người tử tù" là một trong những tác phẩm nổi bật nhất trong tập truyện "Vang bóng một thời". Tác phẩm đã thành công trong việc xây dựng hình tượng nhân vật Huấn Cao, một nghệ sĩ tài ba, khí chất và bản lĩnh hơn người. Đặc biệt, chi tiết cuối cùng của tác phẩm được xem là một tình tiết đặc sắc, góp phần phát triển mạch truyện và bộc lộ toàn bộ vẻ đẹp của Huấn Cao. Cảnh cho chữ trong nhà tù được đánh giá là một cảnh tượng chưa từng thấy từ xưa tới nay.

Trong truyện, cảnh cho chữ diễn ra trong một không gian và thời gian đặc biệt. Đó không phải là một thư phòng sạch sẽ, cũng không phải là nơi có cảnh đẹp hữu tình mà là một không gian tối tăm, ngột ngạt của nhà tù - "một buồng tối, chật hẹp ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, tổ rệp, đất bừa bãi phân chuột, phân gián". Thời gian khi Huấn Cao cho chữ cũng rất đặc biệt, không phải vào ban ngày hay bất kỳ thời điểm nào khác trong ngày mà là giữa đêm khuya khoắt, xung quanh bao phủ bởi bóng tối và mọi người đều đã chìm vào giấc ngủ. Việc Huấn Cao lựa chọn thời điểm đặc biệt như vậy có lẽ là để tránh những sự phiền phức không đáng có đối với viên quản ngục. Vì ngục tù là nơi tràn đầy những thị phi, những cuộc xung đột và những âm mưu hại nhau. Huấn Cao không muốn một người đáng kính như viên quản ngục bị cuốn vào vòng xoáy của sự bon chen và tà ác đó.

Ở đây Huấn Cao là người cho chữ, tuy nhiên không giống với dáng các tao nhân mặc khách khi cho chữ, Huấn Cao không được tự do về thể xác, thư thái, uống rượu hay thưởng trà. Anh phải đeo gông trên cổ, chân vướng xiềng trong khi vẽ những nét chữ vuông vắn trên tờ giấy trắng. Người xin chữ là viên quản ngục - một người đam mê tài năng sáng tạo của Huấn Cao. Điều đặc biệt ở đây là vị trí của người viết chữ và người xin chữ hoàn toàn trái ngược nhau. Trong khi Huấn Cao là một tù nhân nguy hiểm bị giam giữ, viên quản ngục lại là người có trách nhiệm quản lý nhà tù và giam giữ những tù nhân nguy hiểm.

Tuy nhiên, khi đến lúc cho chữ, vị trí của hai người hoàn toàn đảo lộn. Viên quản ngục, từ một người có quyền lực, người kiểm soát và có quyền quyết định số mạng thì trở nên khúm núm, phục tùng cho kẻ tử tù "tay run run bê chạy mực". Còn Huấn Cao - kẻ tử tù bị giam giữ - trở thành người nắm quyền kiểm soát, người trao chữ và lời khuyên cho viên quản ngục. Huấn Cao đã khuyên viên quản ngục nên thay đổi môi trường sống để giữ được thiên lương luôn trong sáng. Viên quản ngục đã vô cùng cảm động và quỳ gối lạy Huấn Cao: "Kẻ mê muội này xin bái lĩnh".

Do đó, cảnh cho chữ trong truyện trở nên hoàn toàn khác biệt, vị trí và quyền lực của các nhân vật bị đảo lộn, và nghi thức cho chữ cũng bị đảo ngược hoàn toàn so với thông thường, mang đến những cảm nhận đặc biệt cho người đọc và đồng thời thể hiện tư tưởng và quan niệm sâu sắc của nhà văn Nguyễn Tuân.

Cảnh cho chữ của Huấn Cao và viên quản ngục dù diễn ra trong không gian tối tăm của ngục tù, nhưng nét chữ trong đó lại trở nên tinh tế và thú vị hơn bao giờ hết, bởi nó được chiếu sáng bởi tấm lòng và ánh sáng của thiên lương.

Phân tích cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù bài số 8

Khi nhắc tới lối văn chương luôn khát khao hướng tới cái chân - thiện - mĩ, người ta thường nhắc tới tác giả tài ba Nguyễn Tuân - một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp chân chính. Ông được đánh giá là một trong những cây bút tài hoa nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại. Trong các sáng tác của Nguyễn Tuân, các nhân vật thường được miêu tả, nhìn nhận như một nghệ sĩ. Và tác phẩm “Chữ người tử tù” cũng được xây dựng bằng cách nhìn nhận như vậy. Bên cạnh đó, nhà văn đã khéo léo sáng tạo lên một tình huống truyện vô cùng độc đáo. Đó là cảnh cho chữ trong ngục tù, là phần đặc sắc nhất của thiên truyện này “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”.

Đoạn cho chữ nằm ở phần cuối tác phẩm ở vị trí này tình huống truyện được đẩy lên đến đỉnh điểm vì viên quản ngục bỗng nhận được công văn về việc xử tử những tên phản loạn, trong đó có Huấn Cao. Do vậy cảnh cho chữ có ý nghĩa cởi nút, giải tỏa những băn khoăn, chờ đợi nơi người đọc, từ đó toát lên những giá trị lớn lao của tác phẩm.

Sau khi nhận được công văn, viên quản ngục đã giãi bày tâm sự của mình với thầy thơ lại. Nghe xong truyện, thầy thơ lại đã chạy xuống buồng giam Huấn Cao để kể rõ nỗi lòng viên quản ngục. Và đêm hôm đó, trong một buồng tối chật hẹp với ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu, “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có” đang diễn ra. Thông thường để sáng tạo nghệ thuật người ta thường tìm đến những nơi có không gian đẹp, thoáng đãng, yên tĩnh. Nhưng trong một không gian chứa đầy bóng tối, nhơ bẩn chốn ngục tù thì việc sáng tạo nghệ thuật vẫn xảy ra.

Thời gian ở đây cũng gợi cho ta tình cảnh của người tử tù. Đây có lẽ là đêm cuối của người tử tù - người cho chữ và cũng chính là giờ phút cuối cùng của Huấn Cao. Và trong hoàn cảnh ấy thì “một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng” vẫn ung dung, đĩnh đạc “dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh”. Trong khi ấy, viên quản ngục và thầy thơ lại thì khúm lúm, chuyển động ở đây cho thấy dường như trật tự xã hội đang bị đảo lộn. Viên quản ngục đáng nhẽ phải hô hào, răn đe kẻ tù tội. Thế nhưng trong cảnh tượng này thì tù nhân lại trở thành người răn dạy, ban phát cái đẹp.

Đây quả thực là một cuộc gặp gỡ xưa nay chưa từng có giữa Huấn Cao người có tài viết chữ nhanh, đẹp và viên quản ngục, thầy thơ lại những người thích chơi chữ. Họ đã gặp nhau trong hoàn cảnh thật đặc biệt: một bên là kẻ phản nghịch phải lĩnh án tử hình (Huấn Cao) và một bên là những người thực thi pháp luật. Trên bình diện xã hội, họ ở hai phía đối lập nhau nhưng xét trên bình diện nghệ thuật họ lại là tri âm, tri kỉ của nhau. Vì thế mà thật là chua xót vì đây là lần đầu tiên nhưng cũng là lần cuối cùng ba con người ấy gặp nhau. Hơn thế nữa, họ gặp nhau với con người thật, ước muốn thật của mình.

Trong đoạn văn, nhà văn đã sử dụng sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối làm câu chuyện cũng vận động theo sự vận động của ánh sáng và bóng tối. Cái hỗn độn, xô bồ của ngục tù với cái thanh khiết của nền lụa trắng và những nét chữ đẹp đẽ. Nhà văn đã làm nổi bật hình ảnh của Huấn Cao, tô đậm sự vươn lên thắng thế của ánh sáng so với bóng tối, cái đẹp so với cái xấu và cái thiện so với cái ác. Vào lúc ấy, từ một quan hệ đối nghịch kì lạ: ngọn lửa của chính nghĩa bùng cháy ở chốn ngục tù tối tăm, cái đẹp được sáng tạo giữa chốn hôi hám, nhơ bẩn… Ở đây, Nguyễn Tuân đã nêu bật chủ đề của tác phẩm: Cái đẹp chiến thắng cái xấu xa, thiên lương chiến thắng tội ác. Đó là sự tôn vinh cái đẹp, cái thiện đầy ấn tượng.

Sau khi cho chữ xong, Huấn Cao đã khuyên quản ngục từ bỏ chốn ngục tù nhơ bẩn: “đổi chỗ ở” để có thể tiếp tục sở nguyện cao ý. Muốn chơi chữ phải giữ được thiên lương. Trong môi trường của cái ác, cái đẹp khó có thể bền vững. Cái đẹp có thể nảy sinh từ chốn tối tăm, nhơ bẩn, từ môi trường của cái ác (cho chữ trong tù) nhưng không thể chung sống với cái ác. Nguyễn Tuân nhắc đến thú chơi chữ là môn nghệ thuật đòi hỏi sự cảm nhận không chỉ bằng thị giác mà còn cảm nhận bằng tâm hồn. Người ta thưởng thức chữ không mấy ai thấy, cảm nhận mùi thơm của mực. Hãy biết tìm trong mực trong chữ hương vị của thiên lương. Cái gốc của chữ chính là cái thiện và chơi chữ chính là thể hiện cách sống có văn hóa.

Trước lời khuyên của người tử tù, viên quản nguc xúc động “vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng nghẹn ngào: Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Bằng sức mạnh của một nhân cách cao cả và tài năng xuất chúng, người tử tù đã hướng quản ngục đến một cuộc sống của cái thiện. Và trên con đường đến với cái chết Huấn Cao gieo mầm cuộc sống cho những người lầm đường. Trong khung cảnh đen tối của tù ngục, hình tượng Huấn Cao bỗng trở lên cao lớn lạ thường, vượt lên trên những cái dung tục thấp hèn của thế giới xung quanh. Đồng thời thể hiện một niềm tin vững chắc của con người: trong bất kì hoàn cảnh nào con người vẫn luôn khao khát hướng tới chân - thiện - mĩ.

Có ý kiến cho rằng: Nguyễn Tuân là nhà văn duy mĩ, tức là điều khiến ông quan tâm chỉ là cái đẹp, là nghệ thuật. Nhưng qua truyện ngắn “Chữ người tử tù” mà đặc biệt là cảnh cho chữ ta càng thấy rằng nhận xét trên là hời hợt, thiếu chính xác. Đúng là trong truyện ngắn này, Nguyễn Tuân ca ngợi cái đẹp nhưng cái đẹp bao giờ cũng gắn với cái thiện, thiên lương con người. Quan điểm này đã bác bỏ định kiến về nghệ thuật trước cách mạng, Nguyễn Tuân là một nhà văn có tư tưởng duy mĩ, theo quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật.

Bên cạnh đó, truyện còn ca ngợi viên quản ngục và thầy thơ lại là những con người tuy sống trong môi trường độc ác xấu xa nhưng vẫn là những “thanh âm trong trẻo” biết hướng tới cái thiện. Qua đó còn thể hiện tấm lòng yêu nước, căm ghét bọn thống trị đương thời và thái độ trân trọng đối với những người có “thiên lương” trên cơ sở đạo lí truyền thống của nhà văn.

Chữ người tử tù” là bài ca bi tráng, bất diệt về thiên lương, tài năng và nhân cách cao cả của con người. Hành động cho chữ của Huấn Cao, những dòng chữ cuối cùng của đời người có ý nghĩa truyền lại cái tài hoa trong sáng cho kẻ tri ân, tri kỉ hôm nay và mai sau. Nếu không có sự truyền lại này cái đẹp sẽ mai một. Đó cũng là tấm lòng muốn giữ gìn cái đẹp cho đời.

Bằng nhịp điệu chậm rãi, câu văn giàu hình ảnh gợi liên tưởng đến một đoạn phim quay chậm. Từng hình ảnh, từng động tác dần hiện lên dưới ngòi bút đậm chất điện ảnh của Nguyễn Tuân: một buồng tối chật hẹp… hình ảnh con người “ba cái đầu đang chăm chú trên một tấm lụa trắng tinh”, hình ảnh người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang viết chữ. Trình tự miêu tả cũng thể hiện tư tưởng một cách rõ nét: từ bóng tối đến ánh sáng, từ hôi hám nhơ bẩn đến cái đẹp. Ngôn ngữ, hình ảnh cổ kính cũng tạo không khí cho tác phẩm. Ngôn ngữ sử dụng nhiều từ Hán Việt để miêu tả đối tượng là thú chơi chữ. Tác giả đã “phục chế” cái cổ xưa bằng kĩ thuật hiện đại như bút pháp tả thực, phân tích tâm lí nhân vật (văn học cổ nói chung không tả thực và phân tích tâm lí nhân vật)

Cảnh cho chữ trong “Chữ người tử tù” đã kết tinh tài năng, sáng tạo và tư tưởng độc đáo của Nguyễn Tuân. Tác phẩm đã nói lên lòng ngưỡng vọng và tâm sự nuối tiếc đối với những con người có tài hoa, nghĩa khí và nhân cách cao thượng. Đan xen vào đó tác giả cũng kín đáo bày tỏ cái đau xót chung cho cái đẹp chân chính, đích thực đang bị hủy hoại. Tác phẩm góp một tiếng nói đầy tính nhân bản: Dù cuộc đời có đen tối vẫn còn có những tấm lòng tỏa sáng.

-/-

Ngoài những bài văn mẫu phân tích cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân hay nhất trên đây do Đọc tổng hợp các em có thể tìm hiểu thêm các bài văn mẫu 11:

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM