Phân tích cái tôi trữ tình trong bài Tây Tiến - Quang Dũng

Xuất bản: 27/11/2018 - Cập nhật: 10/06/2020 - Tác giả:

Bài văn hay phân tích cái tôi trữ tình đời thường và đầy tâm trạng trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng - Văn phân tích lớp 12

Phân tích cái tôi trữ tình trong bài Tây Tiến - cái tôi trữ tình tuy đa dạng nhưng đời thường, mang ý nghĩa nhân văn, như một lối rẽ riêng độc đáo trong hình tượng thơ Quang Dũng.

Đề bài: Em hãy phân tích cái tôi trữ tình đời thường và đầy tâm trạng trong bài thơ Tây Tiến

của Quang Dũng.

Bài phân tích hay về cái tôi trữ tình trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Tuy có đề cập đến cái tôi trữ tình công dân nhưng nhà thơ vẫn chuyên chú vào cái tôi trữ tình đời thường. Cái tôi trong thơ Quang Dũng có phảng phất hào khí cổ điển phương Đông (kẻ sĩ, quân tử, trượng phu), kết hợp với điệu hồn lãng mạn của Thơ mới. Nhưng, nổi bật vẫn là cái tôi tình người - tình người của con người một thời đại cách mạng - nhưng ý nghĩa nhân văn của nó đã trở thành muôn thuở. Cái tôi ấy đã đề cao nguyên tắc tối thượng là tình người.

Trong bài thơ Tây Tiến, Quang Dũng thiên về cái tôi trữ tình - đời thường. Ông nhìn người lính Tây Tiến trong chiến tranh, ở phương diện đời thường hơn là trong chiến trận. Nhưng từ cái tình người trong đời thường, lại toả sáng: người lính - nghệ sỹ - anh hùng, làm bật lên khí phách anh hùng của họ. Ngay từ phần tả dốc nhà thơ đã gợi tả tình quân dân:

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Bức tranh sinh hoạt của người dân hiện ra mù mờ bởi câu hỏi: “nhà ai” và từ phiếm chỉ “ai” gợi khoảng cách địa lý xa vời với tầm nhìn bị che khuất. Hình ảnh “mưa xa khơi” như nhấn thêm vẻ mù mờ ấy. Bức tranh nhà dân tuy mờ ảo nhưng không bí ẩn, rợn người vì đó là tín hiệu ấm áp, gợi tình cảm quân dân cá nước, cảm hứng tình người trong mỗi chiến sĩ.

Nhà thơ đã dành bức tranh đêm liên hoan lửa trại biên giới Việt - Lào và cảnh hoàng hôn Châu Mộc để gợi tình người, tình yêu, tình hữu nghị.

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên man điệu nàng e ấp

Nhạc về Viêng Chăn xây hồn thơ

Hình ảnh “hội đuốc hoa” là một ẩn dụ kép đa nghĩa. Ở lớp nghĩa tả thực là đốt đuốc để thắp sáng trong đêm lửa trại. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thường có những cuộc liên hoan giữa bộ đội và nhân dân vào lúc đón và tiễn bộ đội. Nhưng chủ yếu là lớp nghĩa hàm ẩn mang màu sắc lãng mạn, tinh nghịch nhưng lành mạnh. Ở lớp nghĩa này “hội đuốc hoa” có nghĩa là lễ cưới (đêm tân hôn). Tác giả sử dụng lối chơi chữ hiện đại. Đêm tân hôn theo chữ Trung Quốc gọi là “động phòng hoa chúc”. Tác giả mượn hai chữ “hoa chúc” để gợi. Hoa chúc có nghĩa là hoa nến. Để sát với thực tế tác giả đổi “nến” thành “đuốc” (hoa đuốc). Để hiệp vần tác giả lại dùng phép đảo ngữ thành “đuốc hoa”. Chữ “kìa” như là một tiếng reo gợi sự ngạc nhiên, bối rối của các chiến sỹ trước cái lạ của xứ lạ: trang phục lạ (xiêm áo); vũ điệu lạ (man điệu); giao tiếp lạ (e ấp). Cử chỉ e thẹn của các cô gái vừa gợi nét tâm lý thực của các thiếu nữ sơn cước, vừa gợi tâm lý của các cô dâu mới. Nét nhạc chơi vơi cùng với vũ điệu Lăm Vông của các cô gái Lào làm say đắm các chàng trai Hà Nội, biến họ thành thi sỹ (xây hồn thơ).

Nếu bức tranh đêm lửa trại biên giới, thiên về gợi cái đẹp của tình người thì bức tranh vượt thác trên sông nước Châu Mộc lại có sự hài hoà giữa cái hùng và cái đẹp:

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.

Giọng thơ mềm mại hiền hoà, phù hợp với không khí ấm cúng của tình quân dân lúc chia tay (người đi và kẻ ở). Con người và thiên nhiên đẹp trong sự hài hoà: thiên nhiên đa tình (hồn lau) hài hoà với người chiến binh đa cảm (hồn thơ). Dáng người lái đò với tay lái uyển chuyển (dáng người trên độc mộc) hài hoà với dáng hoa duyên dáng (đong đưa).

» Tham khảo thêm:

Trên đây, các em vừa tham khảo bài văn hay phân tích cái tôi trữ tình trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Tìm đọc thêm nhiều bài văn hay khác trong tuyển tập Văn mẫu lớp 12 được sưu tầm và tổng hợp bởi Đọc Tài Liệu để nâng cao vốn từ ngữ, kĩ năng làm văn.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM