Phân tích bút pháp lãng mạn trong Hai đứa trẻ

Xuất bản: 23/05/2019 - Cập nhật: 25/06/2020 - Tác giả: Giangdh

Phân tích bút pháp lãng mạn trong truyện ngắn Hai đứa trẻ để thấy được bức tranh thiên nhiên đầy chất thơ, hình tượng đối lập giữa ánh sáng và bóng tối thủ pháp quen thuộc của văn học lãng mạn

    Phân tích bút pháp lãng mạn trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam để thấy được bức tranh thiên nhiên đầy chất thơ, hình tượng đối lập giữa ánh sáng và bóng tối thủ pháp quen thuộc của văn học lãng mạn được nhà văn sử dụng một cách tài tình trong tác phẩm.

>>> Tham khảo thêm:

Soạn bài Hai đứa trẻ ngắn gọn nhất

Những bài văn hay phân tích bút pháp lãng mạn trong Hai đứa trẻ

Bài văn mẫu 1

Bài văn của học sinh chuyên văn phân tích bút pháp lãng mạn trong truyện ngắn Hai đứa trẻ

Nhớ tới nhà văn Thạch Lam người ta không chỉ nhớ tới một giọng văn trong sáng, giản dị, thâm trầm nhưng sâu sắc mà người ta còn nhớ tới ông với những truyện ngắn có sự kết hợp giữa chất hiện thực và chất lãng mạn. "Hai đứa trẻ" là một truyện ngắn như vậy.

Tác phẩm được in trong tập "Nắng trong vườn" (1938), truyện ngắn này vừa tái hiện bức tranh của một phổ huyện nghèo lại vừa như một bài thơ trữ tình đầy xót thương. Chất hiện thực chính là hiện thực cuộc sống, là những gì chân thật nhất, không tô vẽ. Chất hiện thực của truyện ngắn này được thể hiện qua cuộc sống của những con người nơi phố huyện. Đó là những con người tàn sống trong cái ao đời phẳng lặng.

Chị Tí ngày đi mò cua bắt tép, tối đến chị mới dọn hàng nước, ngày nào cũng dọn hàng từ chập tối cho đến đêm mà cũng chẳng được bao nhiêu vì khách hàng của chị rất hiếm hoi. Chị bán nước cho mấy người phu gạo, phu xe, thỉnh thoảng có mấy chú lính lệ trong huyện hay người nhà thầy thừa đi gọi chân tổ tôm.

Gánh hàng phở của bác Siêu cũng trở nên xa xỉ với cuộc sống của người dân nơi đây bởi đó là một thứ quà đắt tiền. Bên cạnh đó là vợ chồng nhà bác Xẩm góp chuyện bằng mấy tiếng đàn bầu bật trong yên lặng, thằng con bò ra đất, nghịch nhặt những rác bẩn vùi trong cát bên đường. Cửa hàng của chị em Liên trông coi cũng không khá hơn là mấy, ngày phiên mà cũng chỉ bán được hai bánh rưỡi xà phòng. Bà cụ Thi điên đến mua hàng rồi ra về trong tiếng cười khanh khách đầy ma quái chìm vào trong bóng tối. Chợ họp giữa phố đã vãn từ lâu, trên đất chỉ còn lại rác rưởi, vỏ bưởi, lá nhãn và lá mía. Người ta nói để biết mức sống của người dân ở một nơi người ta dựa vào cảnh họp chợ. Nhưng ở đây Thạch Lam lại miêu tả cảnh chợ tàn ở phố huyện. Tất cả những con người ấy đều kiếm sống bằng nghề buôn bán nhỏ, manh mún, cuộc sống thì lay lắt, gợi một sự đáng thương đến tội nghiệp.

Đó là bức tranh hiện thực về con người và bức tranh về cảnh vật thiên nhiên nơi đây cũng không tươi sáng là bao. Từng tiếng trống thu không vang ra để gọi buổi chiều, có âm thanh nhưng không gian hết sức tĩnh lặng. Âm thanh của tiếng ếch nhái, tiếng muỗi vo ve không đủ phá tan đi bầu tĩnh lặng đó. Chừng ấy những con người chỉ trông chờ vào chuyến tàu đêm đi qua phố huyện để có được một chút ánh sáng và sự sống. Bên cạnh chất hiện thực, chất lãng mạn của truyện ngắn này cũng được tác giả thể hiện khá rõ nét.

Chất lãng mạn được bộc lộ qua những diễn biến tâm lý của nhân vật, qua bức tranh thiên nhiên, qua giọng điệu, ngôn ngữ tác phẩm. Trước tiên, bằng giọng điệu tâm tình đầy cảm xúc, Thạch Lam đã dẫn dắt chúng ta vào một bức tranh quê khá yên bình nhưng cũng đầy thơ mộng. Miền quê ấy có "phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hoàng hôn sắp tàn". Hay việc nhà văn đã miêu tả buổi chiều ấy thấm đượm cả hồn quê: "Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào". Miền quê ấy không có những ánh đèn sáng trưng mà chỉ có những khe sáng, hột sáng. Nhà văn miêu tả buổi đêm ở phố huyện thật lãng mạn và trữ tình: "Trời đã bắt đầu đêm, một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát". "Vòm trời ngàn ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh, lẫn với vệt sáng của những con đom đóm bay là là trên mặt đất hay len vào những cành cây". Chị em Liên thì ngước mắt nhìn các vì sao để tìm sông Ngân Hà và con vịt theo sau ông Thần Nông. Có thể nói, bức tranh quê ấy đã góp một phần không nhỏ vào tính chất lãng mạn của truyện ngắn này.

Bên cạnh đó, nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật đã tô đậm thêm chất lãng mạn của bức tranh toàn cảnh nơi đây. Thạch Lam đã miêu tả diễn biến tâm trạng nhân vật Liên rất chi tiết. Đó là một cô gái mới lớn, giàu lòng trắc ẩn. Chị cảm thấy "lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn". Liên cảm nhận được mùi riêng của đất, của quê hương này. Liên rất thương những đứa trẻ nhặt nhạnh sau phiên chợ nhưng chính chị cũng không có gì để cho chúng. Liên thương những kiếp người tàn tạ trong cuộc sống mòn mỏi này trong đó có cả bản thân mình. Chị là một người nhân ái và có lòng trắc ẩn. Khi đoàn tàu đêm đi qua, Liên chưa bao giờ nhận thấy phố huyện tối đến thế, ngọn đèn chị Tí lại yếu ớt đến như vậy. Trong giấc mơ chập chờn, chị thấy mình giống như ngọn đèn hàng nước của mẹ con họ càng cố gắng tỏa sáng thì lại càng nhỏ bé, yếu ớt.

"Hai đứa trẻ" được đánh giá là truyện không có cốt truyện mà chỉ có một sự kiện duy nhất, đó là sự kiện đại đoàn tàu của chị em Liên. Giọng văn bàng bạc, nhẹ nhàng thấm đượm màu sắc trữ tình thơ mộng. Có thể nói chất hiện thực và chất lãng mạn đã quyện hòa vào nhau để tạo nên thành công của tác phẩm nói riêng và thành công trong sự nghiệp văn chương của Thạch Lam nói riêng.

Có thể bạn quan tâm: Bài văn chứng minh rằng Hai đứa trẻ là một truyện ngắn trữ tình đượm buồn

Bài văn mẫu 2

Bài văn đạt điểm cao khi phân tích bút pháp lãng mạn trong Hai đứa trẻ

Một tác phẩm truyện thì cần có một cốt truyện nhất định để từ đó người đọc thấy được những tư tưởng tình cảm mà nhà văn muốn truyền đạt thế nhưng riêng Thạch Lam thì ông vượt qua giới hạn ấy để làm nên tác phẩm Hai đứa trẻ giống như một bài thơ đượm buồn. Truyện ngắn Thạch Lam không có cốt truyện thế nhưng nó vẫn hấp dẫn người đọc. Không những giá trị hiện thực sâu sắc mà ở đây chúng ta còn thấy lấp lánh những giá trị lãng mạn.

Cơ sở của chất lãng mạn trong Hai đứa trẻ là có từ văn phong của Thạch Lam. Ông tham gia Tự lực văn đoàn cùng hai anh của mình là Nhất Linh và Hoàng Đạo. Chính vì thế mà văn phong Thạch Lam cũng bị ảnh hưởng bởi tính lãng mạn trong văn của Tự lực văn đoàn. Hai người anh của ông chủ trương theo lãng mạn mà những tác phẩm tiêu biểu như hồn bướm mơ tiên. Có lẽ thế trong tác phẩm của mình Thạch Lam cũng ít nhiều thể hiện những cảm hứng lãng mạn trong đó. Có thể nói nhà văn Thạch Lam nói hiện thực nhưng cũng lại có những yếu tố lãng mạn dựa trên những hiện thực ấy. Và phải chăng điều đó chính là để khắc phục mặt hạn chế của văn học phê phán? Nó mang lại những màu sắc mới cho giá trị hiện thực. Phố huyện nghèo kia tuy nghèo khổ nhưng nó vẫn hiện lên như một bức họa đồng quê, tuy buồn nhưng mà đẹp.

Chất lãng mạn trong Hai đứa trẻ thể hiện rõ nhất trong bút pháp miêu tả thiên nhiên phố huyện và những tâm trạng của cô gái đáng ra vẫn còn rất vô tư như Liên. Bức tranh phố huyện đi liền với những tâm trạng của cô gái suy tư ấy.
Trước hết chất lãng mạn thể hiện rõ trong bức tranh phố huyện khi chiều xuống và tâm trạng của Liên cũng hiện lên thật rất rõ. Cảnh phố huyện được nhà văn Thạch Lam vẽ lên với những màu sắc và âm thanh rõ rệt thể hiện sự tàn tạ của buổi chiều đã đến tất cả từ hình ảnh cho đến đường nét đều thể hiện sự lụi tàn đó.

Màu sắc đường nét của bức tranh chiều xuống được thể hiện trong những màu sắc của những ánh hoàng hôn trên phố huyện. Hoàng hôn ấy không được vẽ lên bởi ánh mặt trời như trong thơ ca thường hay nói. Ở đây Thạch Lam đã vẽ lên những áng mây màu hồng như những ánh than sắp tàn. Màu hồng ấy phải chăng chính là sự thơ mộng trong văn Thạch Lam, khiến cho nó êm dịu ngọt ngào hơn. Trên cái nền trời với những áng mây như hòn than sắp tàn ấy chúng ta lại thấy đường nét của những dãy tre làng in hình trên cái nền trời ấy. Phương Tây với những hình ảnh ấy hiện lên thật sự báo hiệu một ngày tàn đã đến. Hình ảnh ấy báo hiệu một ngày tàn rơi rụng sắp đến. Mọi hình ảnh đường nét hay sự vận động của nó đều hướng đến một khoảnh khắc khi ánh nắng tắt xuống nhường không gian cho bóng đêm chuẩn bị buông xuống.

Bức tranh ấy không chỉ có màu sắc đường nét âm thanh mà còn có những âm thanh trên không gian phố huyện. Âm thanh ấy chính là những tiếng trống thu không trên cái chòi huyện nghèo “từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều”. Đó còn là âm thanh của tiếng ếch nhái kêu ran ngoài cánh đồng rồi lại là những âm thanh của tiếng muỗi vo ve trong gian hàng nhà Liên. Những âm thanh ấy rời rạc thể hiện sự buồn bã của một buổi chiều tàn.

Có thể nói qua tất cả những màu sắc, đường nét, âm thanh của những tiếng ếch nhái kêu ran ngoài cánh đồng thì chúng ta thấy được một bức họa đồng quê do chính tay người nghệ sĩ tài hoa Thạch Lam vẽ nên. Bức họa ấy tuy đẹp nhưng lại đượm buồn và chính vì thế mà Liên một cô gái tưởng rằng vô tư nhưng trước những diễn biến của cuộc sống nghèo khổ khiến cho cô lớn trước tuổi. Có thể nói trước giờ khắc ngày tàn Liên thấy lòng mình buồn man mác. Đó chính là những cái tâm tư tình cảm của một cô gái trước giờ khắc ngày tàn. Phải chăng cô cũng đang cảm nhận được nhịp sống tù đọng ở đây, hay đây chính là những nét lãng mạn mà nhà văn đã kì công gây dựng?

Không những thế chất lãng mạn trong Hai đứa trẻ lại được thể hiện trong những hình ảnh của một phiên chợ tàn. Đó là sư lãng mạn thi vị đượm buồn, trên cái nền chợ tàn với những rác rưởi ấy những âm thanh náo nhiệt ban ngày mất đi thay vào đó là sự im ắng đến lạ kỳ. Trên cái nền ấy hình ảnh những cậu bé nghèo lom khom nhặt những cái có thể còn dùng được của buổi chợ mà khiến cho lòng Liên thương xót chúng. Thật ra thì Liên cũng đâu có kém gì họ vì thế cho nên Liên cũng không thể giúp được những đứa trẻ ấy.

Cảnh ban đêm hiện lên thật sự đen tối, với những hình ảnh lãng mạn hiện thực đói nghèo cứ thế hiện lên êm ả biết nhường nào, nghèo khổ thật đấy nhưng người ta biết sống có tình người với nhau và vẫn mong chờ vào một ngày mai tươi sáng. Trong cái bức tranh đêm tối ấy những chi tiết ánh sáng được nhà văn Thạch Lam nhắc đến nhiều nhất nhưng đó chỉ là những khe sáng những hột sáng, ánh sáng của những ngôi sao. Có thể nói rằng nói thế nhà văn nhằm thể hiện bóng tối của nơi đây. Ánh sáng tuy được nhắc đến nhiều như thế nhưng lại không thể thấy được sự tươi sáng trong khu phố mà chỉ toàn thấy những hình ảnh của ban đêm “tối hết cả”. Chính bởi lẽ đó mà ban đêm bắt đầu ập xuống với cái màn đêm tưởng chừng như không đáy đó: “Một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát”. Hay là hình ảnh của bầu trời với “hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh”.

Trên cái nền ấy những hình của những con người với những ngành nghề khác nhau nhưng lại sống một cuộc đời nghèo khổ giống nhau. Và Liên một cô gái nhỏ tuổi cũng như nhận ra những nỗi vất vả của những con người nơi đây. Nào là chị Tý, gia đình bác Xẩm, bác Siêu và bà cụ Thi điên. Tất cả những con người ấy khiến cho chúng ta như thấy được những cuộc sống của con người trong phố huyện. Họ đại diện cho những con người nơi đây. Họ có thể đổi nghề cho nhau chứ không thể đổi phận cho nhau được. Thế nhưng tất cả những con người ấy vẫn cứ lầm lũi trong bóng tối để mong một điều gì đó tươi sáng hơn đến với cuộc sống của họ. Đó chính là nét lãng mạn trong cái hiện thực tâm tối ấy.

Và đặc biệt là khi đoàn tàu đêm đến, đối với mỗi người ở phố huyện thì mong ước của họ khác nhau, có người mong bán thêm chút gì đó để trang trải cho cuộc sống nhưng đối với chị em Liên thì đó chỉ là một món quà tinh thần để Liên nhớ lại những lại những kỉ niệm những ngày còn trên Hà Nội. Sự lãng mạn thể hiện khi chính An mặc dù đã buồn ngủ díu cả mắt nhưng vẫn cố thức để đợi tàu đến. Sự sang trọng sáng lấp lánh của tàu và vẻ đẹp tâm hồn của những con người nơi đây đặc biệt là hai chị em Liên đã thể hiện được sự lãng mạn mà Thạch Lam muốn nói đến.

Qua đây ta thấy Hai đứa trẻ giống như một bài thơ đượm buồn, bởi vì sao, vì qua những chất lãng mạn trong truyện mà ta thấy câu chuyện lại giống như một bài thơ với nhịp điệu êm ả, dịu dàng, những hình ảnh mang màu sắc của thơ. Đồng thời qua đây nhà văn đã mang đến một hiện thực nghèo khổ bần cùng nhưng vẫn thi vị bởi những chất lãng mạn của vẻ đẹp tâm hồn con người nơi đây. Họ luôn mong chờ một tương lai tươi sáng hơn.

Tham khảo thêm: Chứng minh truyện ngắn Hai đứa trẻ là bài thơ trữ tình đầy xót xa

----------

Trên đây là bài văn mẫu phân tích bút pháp lãng mạn trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam mà Đọc tài liệu đã biên soạn. Mong rằng sẽ giúp ích cho các em trong quá làm bài. Chúc các em học tốt môn Văn khi tham khảo văn mẫu 11 tại Doctailieu.com.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM