Phân tích bài thơ Hoa bìm của Nguyễn Đức Mậu

Xuất bản: 10/03/2023 - Tác giả:

Phân tích bài thơ Hoa bìm của Nguyễn Đức Mậu. Bao gồm dàn ý chi tiết và những bài văn mẫu hay giúp học tham khảo để vận dụng vào viết bài văn phân tích bài thơ Hoa Bìm của mình.

Dàn ý Phân tích bài thơ Hoa bìm

Dưới đây là 2 mẫu dàn ý chi tiết do Đọc tài liệu tổng hợp. Với 2 mẫu dàn ý này các em sẽ biết cách lập dàn ý cho bài phân tích

Dàn ý 1

1. Mở bài

Giới thiệu về tác giả Nguyễn Đức Mậu, bài thơ Hoa bìm.

2. Thân bài

a. Hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp của tuổi thơ

- Hình ảnh gợi lên ký ức của tuổi thơ: “giậu hoa bìm”.

- Những kỉ niệm tuổi thơ hiện về qua những hình:

+ Con vật: con chuồn ớt, con chim, con nhện, cào cào, dế mèn, đom đóm, con cuốc.

+ Cây cối: nhành gai, cây hồng, cánh bèo, tàn sen, bờ lau.

+ Con người: con mắt lá, cánh diều ai thả, bến nước - con thuyền.

+ Màu sắc: màu tím của hoa bìm, màu đỏ của chuồn chuồn ớt, màu hồng của cánh sen…

+ Âm thanh: tiếng chim, tiếng dế “ri ri” và tiếng cuốc kêu.

⇒ Hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp nơi làng quê Việt Nam.

Tham khảo thêm: Viết đoạn văn nêu cảm nhận về tuổi thơ trong bài Hoa bìm để thấy được vẻ đẹp của những hình ảnh thiên thiên trong bài thơ

b. Tình cảm của nhân vật trữ tình

- Hình ảnh con người ẩn hiện trong những hình ảnh: con mắt lá, cánh diều ai thả, bến nước - con thuyền.

- Câu hỏi tu từ: “Mười năm chốn cũ, em chưa hẹn về…?” bộc lộ nỗi nhớ quê hương.

3. Kết bài

Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ Hoa bìm.

Dàn ý 2 - Phân tích bài thơ Hoa bìm

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả và tác phẩm.

2. Thân bài

* Phân tích nội dung bài thơ:

- Thiên nhiên tươi đẹp gắn liền với tuổi thơ được gợi ra từ:

+ Các hình ảnh thân quen nơi quê nhà: bờ giậu hoa bìm, cây hồng sai trĩu cành, con mắt lá lim dim, cánh diều, dòng sông khô gầy, bến quê, chiếc thuyền giấy, cánh bèo.

+ Các con vật quen thuộc ở mỗi miền quê: chuồn chuồn ớt, con nhện, cào cào, dế mèn, đom đóm, con cuốc.

+ Màu sắc nổi bật của bức tranh thiên nhiên: sắc tím của hoa bìm.

- Những kỉ niệm tuổi thơ: thả diều, thả thuyền giấy.

⇒ Bức tranh thiên nhiên hiện ra sống động, hài hòa giữa màu sắc, âm thanh và hình ảnh.

- Nỗi nhớ thương của nhân vật trữ tình thể hiện qua câu hỏi tu từ "Mười năm chốn cũ, em chưa hẹn về...?" → bày tỏ niềm mong ước được trở lại thăm quê nhà yêu dấu.

* Phân tích những đặc sắc về nghệ thuật:

- Sử dụng hình ảnh quen thuộc, gần gũi.

- Sử dụng các biện pháp tu từ: điệp từ "có", nhân hóa "Có bầy đom đóm thắp đèn thâu đêm", liệt kê các hình ảnh, sự vật,...

3. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị bài thơ.

Văn mẫu Phân tích bài thơ Hoa bìm

Nhằm giúp các em có thêm tài liệu tham khảo cho bài phân tích thơ, Đọc tài liệu tổng hợp những bài văn mẫu hay dưới đây để gửi tới các em. Hy vọng với dàn ý chi tiết phía trên và những bài văn mẫu hay dưới đây sẽ giúp các em viết bài văn 6 tốt hơn.

Bài văn mẫu 1

"Hoa bìm" là một trong những sáng tác nổi bật của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu. Bằng ngôn từ giản dị, hình ảnh gần gũi, tác phẩm đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc về bức tranh thiên nhiên tươi đẹp của chốn thôn quê Việt Nam.

Trước hết, bài thơ mở đầu bằng sắc tím của những giậu hoa bìm:

Rung rinh bờ giậu hoa bìm

Màu hoa tim tím tôi tìm tuổi thơ

Từ láy "rung rinh" được đặt ở đầu câu đã mở ra hình ảnh mấy bông hoa bìm đang say sưa, đắm mình trong làn gió tươi mát. Có thể nói, sắc màu tươi đẹp ấy luôn thường trực trong tâm trí con người. Nhờ "màu hoa tim tím" ấy, dòng chảy kí ức tuổi thơ của nhân vật trữ tình đã được gợi lại:

Có con chuồn ớt lơ ngơ

Bay lên bắt nắng đậu hờ nhành gai

Có cây hồng trĩu cành sai

Trưa yên ả rụng một vài tiếng chim

Có con mắt lá lim dim

Cánh diều ai thả nổi chìm trên mây

Bến quê nước đục sông gầy

Có con thuyền giấy chở đầy mộng mơ

Cánh bèo con nhện giăng tơ

Cào cào tránh nắng đậu nhờ tàn sen

Có ri ri tiếng dế mèn

Có bầy đom đóm thắp đèn đêm thâu

Có con cuốc ở bờ lau

Kêu dài ngày hạn, kêu nhàu ngày mưa

Bức tranh thiên nhiên trở nên sống động bởi sự kết hợp hài hòa giữa màu sắc, hình ảnh và âm thanh. Trước hết, khung cảnh thôn quê hiện lên với sự phong phú, đa dạng của thế giới loài vật. Những con vật quen thuộc như "chuồn chuồn ớt", "con nhện", "cào cào", "dế mèn", "con cuốc" được khắc họa vô cùng sinh động. Cảnh sắc quê nhà tiếp tục mở rộng thông qua hình ảnh khu vườn "cây hồng trĩu cành sai" đang hòa mình trong ánh nắng. Đưa mắt nhìn ra xa, nhân vật trữ tình phát hiện ra nơi sinh hoạt tập thể của làng quê "bến quê nước đục sông gầy". Lúc này, bức tranh thiên nhiên thật tĩnh lặng, yên bình. Nhưng sự xuất hiện của những âm thanh tự nhiên đã phá vỡ không khí lặng yên đó. Tiếng chim ca, tiếng dế mèn ri ri hay tiếng cuốc kêu như hòa làm một, tạo nên bản đồng dao tươi vui của tuổi thơ. Cuối cùng, trong miền kí ức xa xôi, hình bóng con người hiện lên thấp thoáng với bao trò chơi thú vị. Đó là giây phút chạy nhảy, cùng nhau thả bay cánh diều về phía bầu trời, là khoảnh khắc gấp thuyền giấy rồi thả xuống dòng nước. Tất cả những hoạt động ấy chất chứa bao mộng mơ, mong ước của trẻ nhỏ. Để rồi, mỗi khi nhớ về năm tháng thơ ấu hồn nhiên, nhí nhảnh, nhân vật trữ tình không khỏi bồi hồi nhớ thương:

Hoa bìm tim tím đong đưa

Mười năm chốn cũ, em chưa hẹn về...?

Câu hỏi tu từ "Mười năm chốn cũ, em chưa hẹn về...?" đã cho thấy nỗi niềm tận sâu trong trái tim người con xa quê. Tình yêu, nỗi nhớ ấy vẫn luôn khắc khoải, xoáy sâu vào tâm trí con người.
Bằng hình ảnh thơ bình dị, quen thuộc, ngôn ngữ mộc mạc, bài thơ đã để lại những rung động sâu sắc về khung cảnh thôn quê thanh bình, yên ả. Tác giả còn rất tài tình khi sử dụng một số biện pháp tu từ như: điệp từ "có", liệt kê, nhân hóa "Có bầy đom đóm thắp đèn thâu đêm" trong việc khắc họa bức tranh thiên nhiên quê hương.
Có thể nói, bài thơ "Hoa bìm" đem đến cho người đọc những hình dung về cảnh sắc tươi đẹp nơi thôn quê Việt Nam. Qua đó, tác giả Nguyễn Đức Mậu cũng khéo léo bày tỏ tấm lòng yêu mến, nhớ thương da diết cùng mong ước được trở về thăm chốn cũ.

Tài liệu tham khảo thêm: Viết đoạn văn nêu suy nghĩ về hai câu thơ cuối bài Hoa bìm

Bài văn mẫu 2 - Phân tích bài thơ Hoa bìm

“Hoa bìm” là một bài thơ hay của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu viết về vẻ đẹp của làng quê Việt Nam.

Mở đầu bài thơ, tác giả đã tái hiện lại bức tranh thiên nhiên làng quê với những sự vật quen thuộc, gần gũi:

Rung rinh bờ giậu hoa bìm

Màu hoa tim tím tôi tìm tuổi thơ

Có con chuồn ớt lơ ngơ

Bay lên bắt nắng đậu hờ nhành gai

Có cây hồng trĩu cành sai

Trưa yên ả rụng một vài tiếng chim

Có con mắt lá lim dim

Cánh diều ai thả nổi chìm trên mây

Bến quê nước đục sông gầy

Có con thuyền giấy chở đầy mộng mơ

Cánh bèo con nhện giăng tơ

Cào cào tránh nắng đậu nhờ tàn sen

Có ri ri tiếng dế mèn

Có bầy đom đóm thắp đèn đêm thâu

Có con cuốc ở bờ lau

Kêu dài ngày hạn, kêu nhàu ngày mưa

Trước tiên, “giậu hoa bìm” là hình ảnh mở đầu, có vai trò mở ra trang kí ức về tuổi thơ. Tác giả không chọn những loài hoa cao quý như hoa hồng, hoa mai... mà lại chọn một loại hoa giản dị, nhưng xuất hiện rất nhiều ở các làng quê Việt Nam. Đi tới bất kì một ngõ nào cũng có thể thấy được hoa bìm. Bởi vậy mà loài hoa này giống như chất chứa những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ trong mỗi đứa trẻ nông thôm. Để rồi từ đó, tất cả những hình ảnh bình dị nhất, gần gũi nhất đã hiện về trong kí ức của tác giả. Đó có thể là chú chuồn chuồn ớt lơ ngơ đậu hờ trên nhành gai ươm hồng cả một trời tuổi thơ của trẻ em. Hay là mảnh vườn đầy nắng với cây hồng trĩu quả ngọt ngào ru êm cho buổi trưa mùa hè yên ả. Và cả cánh diều tuổi thơ vẫn bay lượn trên bầu trời. Hay bến nước, con thuyền và những con côn trùng cất bản đồng ca cho tuổi thơ thêm thi vị. Tất cả hiện lên dưới đôi mắt hồn nhiên mà mở đầu là hình ảnh giậu hoa bìm.

Những sự vật chứa đựng quá nhiều kỉ niệm, tình cảm khiến cho tác giả không khỏi xúc động, nghẹn ngào. Hai câu thơ cuối là lời bộc lộ của nhà thơ:

Hoa bìm tim tím đong đưa

Mười năm chốn cũ, em chưa hẹn về...?

Một câu hỏi tu từ không có câu trả lời. Tác giả nhớ về những kỉ niệm tuổi thơ êm đềm về một người bạn đã xa, mà đặt ra câu hỏi tại sao người cũ vẫn chưa về. Hai câu thơ gợi lên những nỗi niềm chất chứa từ sâu thẳm trong trái tim nhà thơ. Đó là một câu hỏi không có lời hồi đáp. Một câu hỏi đặt ra nhưng chỉ dội lại những bâng khuâng nơi lòng người hỏi. Câu thơ phảng phất nỗi lòng thương nhớ người bạn thơ ấu, và quê hương của nhà thơ.

Như vậy, bài thơ “Hoa bìm” đã tái hiện vẻ đẹp bình yên của làng quê đồng thời thể hiện tình yêu thầm kín đối với quê hương thôn dã, và sự trân quý với những kỉ niệm bình yên của mình.

-/-

Trên đây là những mẫu dàn ý và bài văn Phân tích bài thơ Hoa bìm hay mà Đọc tài liệu tổng hợp. Hy vọng với tài liệu này cùng trọn bộ văn mẫu lớp 6 sẽ giúp các em học tốt Ngữ Văn 6!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM